Trách nhiệm giải trình của Nhà nước có nguồn gốc từ thời cổ đại, ngay trước Công nguyên, trong chế độ nhà nước Athens, nhiều tổ chức đã có những quy định liên quan đến đảm bảo trách nhiệm giải trình
[1]. Bất cứ người dân nào cũng có thể đưa ra khiếu nại đối với các hành động sai trái của công chức nhà nước, từ hành vi sai trái cho đến việc các chính sách kém hiệu quả.
[2] Cùng với sự phát triển của lịch sử, trách nhiệm giải trình của nhà nước ngày càng hoàn thiện cùng với sự phát triển của chế độ dân chủ. Theo đó, trách nhiệm giải trình bao gồm ba yếu tố chính:
Thứ nhất, tính đúng đắn, trung thực đảm bảo rằng các công chức sẽ hành động một cách thích hợp thông qua các cơ chế phòng ngừa và cơ chế loại bỏ (những công chức nào có các hành vi không phù hợp sẽ không còn được tiếp tục nắm giữ quyền lực).
Thứ hai, tính minh bạch đảm bảo cho người dân có quyền biết được các công chức của họ đang làm gì, chính sự minh bạch này sẽ tạo động lực cho niềm tin vào chính quyền. Từ minh bạch sẽ dẫn đến lý do
thứ ba của trách nhiệm giải trình, đó là tăng cường sự tham gia của người dân vào các hoạt động của chính quyền.
[3]
Về lý luận, trách nhiệm giải trình được hình thành từ những yêu cầu đặt ra trong cơ chế phân cấp, ủy quyền và trong sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm chống lại sự lạm quyền. Trong các mô hình nhà nước hiện đại, quyền lực nhà nước có thể được phân làm ba nhánh: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các nhánh quyền lực này phải thực hiện trách nhiệm “giải trình” lẫn nhau. Đó chính là thiết chế để giới hạn quyền lực của bộ máy nhà nước, trước hết là giới hạn quyền lực của các cơ quan nhà nước và sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan đó tạo ra sự kiềm chế, đối trọng về quyền lực nhằm đảm bảo quyền lực được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, chống lại sự lạm quyền
[4].
Xuất phát từ nguyên lý chủ quyền, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì các nhánh quyền lực nhà nước không những phải có trách nhiệm giải trình lẫn nhau mà còn phải có trách nhiệm giải trình với xã hội (công dân, các tổ chức xã hội độc lập và các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi quyết sách nhà nước). Trách nhiệm giải trình sẽ làm cho hoạt động của nhà nước trở nên minh bạch, hiệu quả làm cho người dân dễ dàng kiểm soát được những gì nhà nước đang làm cho mình, góp phần thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả quyền lực được trao.
Trách nhiệm giải trình theo định nghĩa của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) là trách nhiệm và nghĩa vụ của Chính phủ trong việc thông tin với các công dân về các quyết định ban hành cũng như chịu trách nhiệm về các hoạt động và thực thi quyền lực của chính phủ và các viên chức nhà nước
[5]. Ý kiến khác cho rằng, khái niệm trách nhiệm giải trình thực chất gắn liền với khái niệm đại diện. Trách nhiệm giải trình bắt nguồn từ chế độ dân chủ đại diện, đây là sự cam kết mà các chính trị gia thiết lập với công dân, là trách nhiệm định kỳ của các chính trị gia đối với cử tri, những người đã lựa chọn họ. Một chính quyền có trách nhiệm giải trình là khi các thể chế đưa ra buộc các cơ quan của chính quyền đó phải có trách nhiệm công khai, chứng minh và thậm chí có thể bị xử phạt liên quan đến các quyết định của chính quyền
[6].
Trách nhiệm giải trình theo phân tích của một số học giả Việt Nam cần đặt trong mối quan hệ với khái niệm “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” và phân biệt rõ với các khái niệm này
[7]. Tự chủ theo nghĩa thông dụng là làm chủ được bản thân, luôn ý thức được những gì mình đang làm và biết tự điều chỉnh hành vi cho phải, cho đúng mực. Trong khoa học quản lý, tự chủ thường gắn liền với quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Theo đó, tự chịu trách nhiệm là nghĩa vụ đương nhiên của chủ thể quản lý, trên bất kỳ quốc gia nào, dưới bất kỳ chính thể nào, ở bất kỳ thời đại nào, bởi vì bất kỳ cơ quan, tổ chức nào với tư cách là một thực thể pháp lý, nó đương nhiên có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về mọi quyết định và hành động của mình. Cụm từ “tự chịu trách nhiệm” hàm nghĩa “tự mình chịu trách nhiệm về những quyết định và hành động của chính mình”; “chịu trách nhiệm” ở đây có nghĩa “tự mình tổ chức thực hiện và gánh chịu hậu quả”.
GS. TSKH Đào Trí Úc cho rằng “Trách nhiệm giải trình được hiểu là nghĩa vụ báo cáo và chịu trách nhiệm về công việc, hoạt động của chủ thể quyền lực cho ai đó, cơ quan nào đó. Trách nhiệm giải trình sẽ đúng đắn và đẩy đủ nhất khi hệ thống tổ chức quyền lực nhà nước bảo đảm được sự kiểm tra, kiểm soát quyền lực”
[8]. Ở đây, trách nhiệm giải trình là “sự báo cáo” và “tính chịu trách nhiệm” của chủ thể nắm quyền lực với người hay tổ chức khác.
Theo TS. Phạm Hồng Quang
[9], trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có chức năng quản lý hành chính nhà nước (thuộc hệ thống hành pháp) và cán bộ, công chức thuộc hệ thống cơ quan này, chủ động thực hiện việc giải trình hoặc phải thực hiện nhiệm vụ giải trình khi bị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan yêu cầu, nhằm cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó, qua đó nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân
[10].
“Trách nhiệm giải trình Nhà nước” trong cuốn cẩm nang trách nhiệm giải trình hướng tới thực hiện chương trình nghị sự 2030 được định nghĩa như sau: “Khái niệm trách nhiệm giải trình gắn liền với mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân, ở đó, nhà nước có nghĩa vụ giải trình về những việc làm của mình, cũng như người dân có quyền được nắm giữ trách nhiệm giải trình của Nhà nước”. Nghĩa vụ giải trình ở đây bao hàm ba thành tố chính: (1) tính trách nhiệm - Nhà nước có trách nhiệm xác định rõ những nhiệm vụ, tiêu chuẩn thực hiện hoặc trách nhiệm thực hiện các hoạt động nhất định; (2) Khả năng trả lời – nghĩa vụ của cơ quan nhà nước cung cấp thông tin và lý do của các hoạt động của mình, đặc biệt là đối với những người bị ảnh hưởng bởi các hoạt động đó; (3) Khả năng thực thi - Nhà nước cũng là một chủ thể chịu hậu quả hoặc chế tài cho những hoạt động của mình hoặc những sai phạm mà mình gây ra
[11].
Về điều chỉnh của pháp luật, khi quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tại khoản 5 Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 định nghĩa:
“Trách nhiệm giải trình là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao”. Theo chúng tôi, quy định này mới chỉ đề cập đến trách nhiệm phải giải trình (giải trình bị động) của cơ quan nhà nước khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước/người có thẩm quyền hoặc của tổ chức, công dân.
Từ các quan điểm trên cho thấy, trách nhiệm giải trình không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước trước xã hội, mà còn là trách nhiệm của chủ thể quản lý với đối tượng thụ hưởng, chịu sự quản lý nói chung. Chính vì vậy, trong quản lý công, trách nhiệm giải trình được xem là một biện pháp quan trọng để các cơ quan nhà nước đạt được mục tiêu hoạt động quản lý của mình.
Trong khu vực công, trách nhiệm giải trình được hiểu trên hai bình diện (1) Một là, trách nhiệm giải trình của Nhà nước nói chung; (2) Hai là, trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, người có thẩm quyền thực thi nhiệm vụ, công vụ. Với ý nghĩa như vậy, trách nhiệm giải trình được thực hiện bằng các hình thức khá đa dạng (
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập sâu về trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước). Trong quản lý nhà nước, để thực hiện tốt vai trò của mình, Nhà nước ban hành chính sách được thể hiện trong các văn bản pháp luật cụ thể để quản lý và điều hành kinh tế - xã hội. Một chính sách tốt phải được xây dựng trên nền tảng của sự đối thoại dân chủ, minh bạch và có trách nhiệm giữa chính phủ với người dân và xã hội. Do đó, trong toàn bộ quá trình này, Nhà nước mà cụ thể là Chính phủ cần phải giải trình trước nhân dân về những việc mình đã, đang và sẽ làm. Nói cách khác, với tư cách là chủ thể gốc của quyền lực, người dân có quyền được biết những người đại diện của mình đang thực thi các quyền lực được ủy nhiệm như thế nào, tức là Nhà nước phải có trách nhiệm giải trình trước Nhân dân.
Trong quản lý và điều hành xã hội, Nhà nước cần phải đặc biệt coi trọng việc thực hiện trách nhiệm giải trình, nhất là trong hai giai đoạn quan trọng trong thực thi quyền hành pháp đó là hoạch định chính sách và thực thi chính sách; qua đó góp phần quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh dân chủ và pháp quyền, xây dựng một Chính phủ mạnh, năng động, có trách nhiệm, giải quyết hiệu quả và kịp thời những vấn đề do thực tiễn đời sống đặt ra, đảm bảo một chính phủ thực sự vì lợi ích của người dân. Vì vậy, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước nói chung và của hệ thống cơ quan hành pháp nói riêng trở thành một vấn đề có ý nghĩa quan trọng của nền dân chủ.
Như vậy, có thể khái quát:
Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước là một phương thức giám sát, kiểm soát quyền lực nhằm đáp ứng yêu cầu của người ủy quyền đối với người được ủy quyền. Đó là trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin gắn liền với nghĩa vụ, trách nhiệm báo cáo, giải thích một cách chính xác, đầy đủ về các công việc liên quan trong thực hiện quyền lực đã được ủy nhiệm và sự chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao (bao gồm sự gánh chịu hình phạt khi để xảy ra hậu quả tiêu cực trong các công việc, các hành động của mình). Đó có thể là: (1) trách nhiệm giải trình chính trị; (2) Trách nhiệm giải trình hành chính; (3) Trách nhiệm giải trình nghề nghiệp; hoặc (4) Trách nhiệm giải trình xã hội.
Từ nội hàm của khái niệm trách nhiệm giải trình và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước như đã nêu trên, chúng ta thấy:
a) Về chủ thể giải trình gồm:
(1) chủ thể có trách nhiệm giải trình là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mình phải làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của cơ quan trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao. Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước ở đây có thể là trách nhiệm giải trình chính trị hoặc giải trình hành chính và được thực hiện theo hai hình thức (i) chủ động giải trình – công khai thông tin và (ii) giải trình bị động – khi có yêu cầu của tổ chức, công dân.
Chú ý: Người giải trình là người đứng đầu cơ quan nhà nước hoặc người được người đứng đầu cơ quan nhà nước ủy quyền thực hiện việc giải trình.
(2) Chủ thể yêu cầu giải trình là các tổ chức, công dân. Phạm vi chủ thể thực hiện trách nhiệm giải trình sẽ được xác định tương ứng với từng loại trách nhiệm giải trình. Trong hoạt động của bộ máy công quyền thì trách nhiệm giải trình thuộc về các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực thi quyền lực công. Bởi vì, các cơ quan, tổ chức, cá nhân này khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao được sử dụng quyền lực nhà nước và các quyết định được đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước.
Về tổ chức bộ máy nhà nước, hiện các cơ quan nhà nước được chia một cách tương đối thành ba loại: cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp
[12]. Đối với các cơ quan trong hệ thống hành pháp (
Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các UBND cấp tỉnh, huyện, xã và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND), trách nhiệm giải trình cũng được xác định gồm hai nhóm trách nhiệm chủ yếu là: Trách nhiệm giải trình chính trị và Trách nhiệm giải trình hành chính. Thực tiễn, các hoạt động này được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau (văn bản quy phạm pháp luật, văn bản nội bộ). Tuy nhiên, tùy theo cách thức tổ chức và hoạt động cũng như những đặc điểm riêng của từng cơ quan mà việc thực hiện giải trình được thực hiện theo những cách thức, biện pháp khác nhau và cũng trong từng trường hợp cụ thể mà các cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền là chủ thể giải trình hoặc là chủ thể yêu cầu giải trình.
b) Về nội dung giải trình
Nội dung giải trình là những thông tin hoặc vấn đề cụ thể mà các chủ thể có trách nhiệm giải trình phải chuẩn bị và trả lời với cơ quan quyền lực, cơ quan quản lý cấp trên hoặc với các đối tượng quản lý có liên quan (tổ chức, công dân). Hay nói cách khác, nội dung giải trình của cơ quan nhà nước là các thông tin có liên quan đến quyết định, hành vi của “mình” trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao mà theo quy định của pháp luật phải giải trình hoặc khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Đối với những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết/quản lý, Thủ tướng, Bộ trưởng thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phươngtiện thông tin đại chúng.
Xác định nội dung, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước cần phải căn cứ vào quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cơ quan đó và của đội ngũ, cán bộ, công chức. Luật Cán bộ, công chức đưa ra những quy định chung nhất về nhiệm vụ, công vụ cũng như những nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ. Trên cơ sở những quy định chung đó, trong từng lĩnh vực sẽ có những quy định cụ thể trong nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị về nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức trong từng vị trí, chức danh cụ thể
[13].
Cụ thể, theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì nội dung giải trình gồm: (1) Cơ sở pháp lý của việc ban hành quyết định, thực hiện hành vi; (2) Thẩm quyền ban hành quyết định, thực hiện hành vi; (3) Trình tự, thủ tục ban hành quyết định, thực hiện hành vi và (4) Nội dung của quyết định, hành vi.
c) Về hình thức, cách thức giải trình
Mục đích của trách nhiệm giải trình là hướng tới bảo đảm công khai, minh bạch của cả bộ máy nhà nước. Với mục đích như vậy, trách nhiệm giải trình gắn liền với việc công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm hướng đến sự bảo đảm quyền dân chủ trong quản lý nhà nước và bảo đảm để xã hội thực hiện quyền giám sát. Như trên đã nêu, trách nhiệm của cơ quan nhà nước được thực hiện theo hai hình thức bằng văn bản hoặc bằng miệng và phương thức thực hiện giải trình có thể là (i) chủ động giải trình - công khai thông tin và (ii) giải trình bị động - khi có yêu cầu của tổ chức, công dân. Theo đó:
-
Giải trình chủ động là các cơ quan nhà nước chủ động báo cáo, thông tin hoặc chủ động công khai các thông tin liên quan đến hoạt động của mình đến cơ quan, người có thẩm quyền hoặc đối với xã hội. Ví dụ, chủ động công khai các thông tin có liên quan khi ban hành quy định mới, thủ tục mới, chuẩn mực, định mức mới hoặc khi có sự thay đổi trong các quy định, thủ tục, chuẩn mực, định mức đó hoặc khi xảy ra những “sự cố” thuộc trách nhiệm quản lý của mình... Phương thức giải trình này nhằm đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước toàn xã hội và thể hiện sự tôn trọng đối với nhân dân, là người chủ đích thực của quyền lực nhà nước.
Giải trình bị động (giải trình khi được yêu cầu) là việc các cơ quan nhà nước cung cấp thông tin theo yêu cầu của các chủ thể có liên quan để giải trình về hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Như vậy, khác với giải trình chủ động, giải trình theo yêu cầu được thực hiện khi xuất hiện yêu cầu giải trình của chủ thể có quyền yêu cầu giải trình (có thể xuất phát từ người dân, cơ quan hoặc tổ chức trong xã hội). Trường hợp giải trình theo yêu cầu được thực hiện và tuân thủ theo những quy định chặt chẽ về điều kiện, trình tự, thủ tục yêu cầu, việc thực hiện yêu cầu giải trình.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, hình thức công khai hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhưng có thể phân thành hai nhóm
[14], (i) nhóm các hình thức chủ động công khai bao gồm 7 (bảy) hình thức như: công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; tổ chức họp báo; (ii) hình thức công khai bị động là cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân (điểm g, khoản 1 Điều 12 Luật).
Với nhận thức như vậy, khi rà soát lại các quy định của pháp luật hiện hành cho thấy, về cơ bản pháp luật đã quy định khá đầy đủ các nội dung liên quan đến trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, xét về tổng thể, hệ thống cho thấy pháp luật về trách nhiệm giải trình vẫn còn những khoảng trống cần sớm khắc phục, cụ thể:
(1) Còn thiếu vằng các quy định về trình tự, thủ tục để cơ quan nhà nước thực hiện trách nhiệm giải trình chủ động
[15]. Việc sớm quy định về trình tự, thủ tục giải trình chủ động sẽ giúp các chủ thể quản lý nhà nước tăng cường tính công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động công vụ… Đặc biệt, cơ quan hành chính nhà nước là một chủ thể quan trọng liên quan đến trách nhiệm giải trình vì hoạt động thi hành pháp luật của các cơ quan này diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, dù vô tình hay cố ý đều có thể tiềm ẩn trong đó nguy cơ xâm hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
(2) Cần sớm có văn bản quy định cụ thể hóa quy định tại khoản 3 Điều 29 và khoản 3 Điều 37 Luật tổ chức Chính phủ năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019 về thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Đồng thời cũng cần quy định rõ trách nhiệm này tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cũng như tại các Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ. Mặt khác, cũng cần xác định cụ thể trách nhiệm nào là trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và trách nhiệm nào là trách nhiệm của tập thể Bộ để từ đó xác định rõ trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước.
(3) Cần bổ sung các quy định để xác định cơ chế kiểm soát, xử lý khi các cơ quan nhà nước vi phạm trách nhiệm giải trình (không thực hiện hoặc thực hiện không hết trách nhiệm giải trình). Mặt khác, cần có cơ chế phù hợp để thu hút đông đảo sự tham gia của người dân vào quy trình chính sách và hoạt động ra quyết định quản lý, nhất là ở cấp địa phương cơ sở (vị dụ: thông qua các cuộc họp lấy ý kiến hoặc phát phiếu hỏi hoặc hòm thư góp ý…); sự tham gia của người dân càng nhiều, càng tích cực thì mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập và thực hiện trách nhiệm giải trình./.
ThS. Dương Bạch Long - Viện Khoa học pháp lý
[1] Xem Deirdre Dopnysia von Dornum, 1997, The straight and Crooked: Legal Accountability in Ancient Greece, Columbia Law Review, Vol.97, No.5, tr.1484.
[3]Deirdre Dionysia von Dornum,1997, tlđd 27, tr.1514.
[4] Xem thêm: Viện Khoa học pháp lý, Đề tài Khoa học cấp Bộ:
Trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Chủ nhiệm: TS. Phạm Hồng Quang. Hà Nội, 2014. Trang 19-44 Báo cáo phúc trình của Đề tài – Lưi tại Thư viện Bộ, Viện Khoa học pháp lý.
[6] Enrique Peruzzotti, 2011, The Workings of Accountability: Contexts and Condition, In Sina Odugbemi, & Taeku Lee (Eds
), Accountability through public opinion from Inertia to Public action, pp.81-92, The world bank, Washington, DC.
[8] Đào Trí Úc, “Vấn đề trách nhiệm giải trình trong cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước ở Việt Nam”, chuyên đề thuộc Đề tài cấp Bộ của Viện Khoa học Thanh tra, tr.58.
[9] Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Bộ năm 2014 “Trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” Quyển đề tài – Lưu Thư viện Bộ, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.
[10] “Trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” – trang 24 Quyển đề tài – Lưu Thư viện Bộ, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.
[11] TAP Network for 2030 Agenda, “SDG accountability handbook, A pratical guide for Civil society” [Mạng lưới TAP, “Câm nang trách nhiệm giải trình để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững], p7-8,
https://sdgaccountability.org/, truy cập lần cuối ngày 28/10/2019. TAP network, tác giả xây dựng nên cuốn cẩm nang này là một mạng lưới rộng lớn của các tổ chức xã hội dân sự (CSOs) hoạt động nhằm đảm bảo nền quản trị hiệu quả, hòa nhập, có trách nhiệm. Đây là trung tâm của chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Xã hội dân sự được công nhận và huy động như các đối tác không thể thiếu trong việc thiết kế, thực hiện và chịu trách nhiệm giải trình cho chính sách phát triển bền vững ở tất cả các cấp độ.
[12] Đối với cơ quan lập pháp, nguyên tắc chủ đạo chi phối tổ chức và hoạt động đó là chế độ làm việc tập thể và quyết định theo đa số. Ví dụ như ở Quốc hội, các đại biểu Quốc hội dù kiêm nhiệm hay chuyên trách thì đều có tiếng nói như nhau và có quyền biểu quyết như nhau đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội chỉ phải chịu trách nhiệm giải trình trước cử tri bầu ra mình. Tuy nhiên, các cơ quan giúp việc cho Quốc hội lại được tổ chức như cơ quan hành chính nhà nước, có trật tự, thứ bậc, cấp trên - cấp dưới. Lúc này những nguyên tắc của hoạt động hành chính được áp dụng, theo đó cấp dưới có nghĩa vụ giải trình trước cấp trên về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Đối với cơ quan tư pháp, nguyên tắc chi phối hoạt động của các thẩm phán là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ áp dụng trong việc xét xử một vụ án cụ thể. Hoạt động của cơ quan tư pháp vẫn bao gồm các mảng hoạt động hành chính, do đó, cấp dưới cũng có nghĩa vụ giải trình trước cấp trên về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
[13] Ví dụ: (i) Theo quy định tại Điều 82 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 thì tại phiên họp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan
giải trình về những vấn đề thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách. Người được yêu cầu
giải trình có trách nhiệm báo cáo,
giải trình tại phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. (ii) Theo quy định tại Điều 29 và 34 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 thì Thủ tướng Chính phủ thực hiện báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, trường hợp vắng mặt thì ủy quyền cho Phó Thủ tướng Chính phủ thực hiện. Và, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang bộ
giải trình về những vấn đề Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội quan tâm; trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý.
[14] Xem Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, khoản 1 Điều 11
[15] Hiện nay, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng có giành một chương (Chương II) quy định về trách nhiệm giải trình, tuy nhiên đây mới chỉ quy định về trách nhiệm giải trình bị động; còn quy trình, trình tự, thủ tục giải trình chủ động như thế nào, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và quy trình giải trình cụ thể như thế nào chưa được quy định..