Một số ý kiến về các nội dung liên quan tới CCTP trong dự thảo BCCT trình Đại hội XII của Đảng

12/11/2020
1. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ dự thảo Báo cáo Chính trị (BCCT) của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (sau đây gọi tắt là dự thảo Báo cáo Chính trị), trước hết, tôi cho rằng, dự thảo Báo cáo Chính trị đã được chuẩn bị đặc biệt công phu, kỹ lưỡng, với hàm lượng trí tuệ cao. Dự thảo đã đánh giá rõ những thành tựu mà đất nước chúng ta đã đạt được trong các thời kỳ lịch sử, nhất là trong 35 năm Đổi mới, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng Đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội năm 2011 và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (2016-2020). Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, dự thảo đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, yếu kém; phân tích, làm rõ nguyên nhân, đúc kết được các bài học kinh nghiệm; đồng thời xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho chặng đường sắp tới. Có thể nói, các nhận định, đánh giá trong Dự thảo đều được chứng minh bằng các dữ liệu có sức thuyết phục cao.
2. Việc đặt ra mục tiêu cho sự phát triển của đất nước tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 theo những dấu mốc rất đặc biệt (100 năm thành lập Đảng ta - năm 2030 và 100 năm thành lập chế độ mới - năm 2045) là rất cần thiết. Mục tiêu này góp phần thống nhất tầm nhìn, quy tụ nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vì đại nghiệp và đại nghĩa chung của dân tộc, đưa dân tộc từng bước hiện thực hóa khát vọng “sánh vai với các cường quốc năm châu” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã mong mỏi từ những ngày đầu sáng lập chế độ. Với xuất phát điểm là thành quả của thực tiễn phát triển đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cùng Nhà nước pháp quyền XHCN kiến tạo phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong 35 năm Đổi mới, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc ta, việc đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao là khả thi. Những mục tiêu này không chỉ giúp cho việc chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thực tiễn được nhất quán mà còn giúp cho mỗi người dân, doanh nghiệp, từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị nhận thức rõ thêm vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chung tay, hiện thực hóa đại nghiệp chung của dân tộc. Bên cạnh đó, Dự thảo Báo cáo chính trị cũng có những định hướng mới rất trúng nhu cầu của thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại như chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (nhất là thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư), nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng đô thị thông minh, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn; Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
3. Từ góc độ của người làm công tác nghiên cứu, tham mưu hoạch định chính sách trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật, tôi thấy dự thảo đã thể hiện rất sắc nét các nội dung viết về nhà nước pháp quyền XHCN và đi cùng với đó là một tầm nhìn mang tính chiến lược về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp trong giai đoạn 2021-2030. Tôi bày tỏ sự nhất trí rất cao với những nội dung này trong dự thảo. Mặc dù vậy, quá trình chuyển đổi đất nước từ tiền đề như hiện nay chuyển sang trạng thái là nước phát triển, thu nhập cao, chắc chắn sẽ phải vượt qua được những nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Muốn làm được điều đó, nhà nước pháp quyền XHCN chúng ta xây dựng và hoàn thiện nhất định phải là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc dẫn dắt, thúc đẩy tiến trình phát triển nhanh và bền vững đất nước, đó phải là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, thực sự trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cao, cùng một hệ thống pháp luật có chất lượng cao, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Cùng với đó là việc xây dựng một nền tư pháp thực sự trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, bảo vệ chế độ và trật tự pháp luật. Với cách đặt vấn đề như thế, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo Chính trị, tôi xin có một số ý kiến tham gia như sau:
3.1. Tại trang 7 dự thảo Báo cáo chính trị có đánh giá “Cải cách hành chính, cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có bước đột phá. Tổ chức bộ máy của toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Về cơ bản tôi nhất trí với những ý lớn trong đánh giá này tuy nhiên, việc khẳng định “cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có bước đột phá” thì quá khái quát, rất cần nói cụ thể hơn những điểm đột phá cơ bản nào (chẳng hạn: phải chăng đó là sự hoàn thiện về thể chế phục vụ cải cách tư pháp bởi lẽ cho tới nay tổ chức và hoạt động của các thiết chế tư pháp, bổ trợ tư pháp, tố tụng, thi hành án đều được điều chỉnh bằng các đạo luật? Hay việc tòa án đã tiến hành việc công khai bản án, xây dựng các án lệ?).
3.2. Tại trang 15, đoạn viết hạn chế trong cải cách tư pháp chỉ viết một cách quá khái quát là “cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước”. Viết như thế này thì đúng nhưng chưa thực sự rõ bởi nhìn chung, khó có khi nào bảo đảm được cải cách tư pháp luôn đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển của đất nước. Muốn xác định đúng hướng cải cách tư pháp, rất cần viết kỹ hơn những nội dung nào chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển của đất nước. Phải chăng, đó là chi phí giải quyết các tranh chấp còn lớn, thời gian giải quyết các tranh chấp, từ xét xử tới thi hành án đôi khi còn quá dài. Phải chăng đó là còn có biểu hiện tiêu cực, chưa bảo đảm được tính liêm chính trong hoạt động tư pháp? Phải chăng đó là việc bảo đảm tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của tòa án có lúc, có nơi còn chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng ta, chưa phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013?
Tôi cho rằng, để có sự thống nhất giữa phần đánh giá thực trạng với định hướng cải cách tư pháp, rất cần chỉ rõ hơn những điểm chưa làm được trong cải cách tư pháp hiện nay để từ đó xác định đúng định hướng cải cách tư pháp.
3.3. Về cải cách tư pháp trong mục viết về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại trang 51 đến trang 53 của dự thảo Báo cáo Chính trị:
Thứ nhất, đọc Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội 13 phần về cải cách tư pháp, tôi thấy có những nội dung trong đó định hướng tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp công bằng nghiêm minh liêm chính, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của tổ chức, cá nhân... Về tổng thể tôi thấy những ý tưởng rất sâu trong định hướng này và cơ bản tôi nhất trí. Có những điểm rất mới, ví dụ như đặt ra vấn đề xây dựng nền tư pháp bảo đảm được yêu cầu về tính liêm chính. Đây là lần đầu tiên trong Dự thảo Văn kiện có câu chuyện về liêm chính tư pháp. Đây là điều rất cần thiết và rất phù hợp với định hướng làm sao cải cách tư pháp trong thời gian tới phải nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án. Vì nền tư pháp giữ được sự trong sạch, liêm chính thì mới có uy tín. Những điểm mới như thế tôi thấy đúng và trúng. Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và định hướng cho việc cải cách tư pháp trong giai đoạn tới, vẫn còn những khía cạnh mà Dự thảo có thể bổ sung như phần tôi sẽ phân tích ở dưới đây.
Thứ hai, để bảo đảm tính toàn diện của các nội dung mang tính định hướng trong xây dựng và hoàn thiện nền tư pháp trong giai đoạn tới, bảo đảm sự nhất quán giữa nội dung của Dự thảo Báo cáo chính trị với những nội dung quan trọng trong Dự thảo Chiến lược, Khổ 4, mục XIII của dự thảo Báo cáo Chính trị (trang 52) nên bổ sung nội dung: “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật và khả năng quản trị rủi ro pháp lý của người dân và doanh nghiệp”, “Phát triển hệ thống bổ trợ tư pháp và trợ giúp pháp lý”, “Nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực dân sự, đầu tư, kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng” sau đoạn viết về “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp…” Trong thực tiễn của đời sống kinh tế, người dân, doanh nghiệp có nhu cầu bảo đảm an toàn pháp lý. Khi có tranh chấp xảy ra, người dân rất kỳ vọng vụ việc được giải quyết một cách công minh, khách quan nhưng đặc biệt thời gian giải quyết phải nhanh. Do vậy, nếu bổ sung thêm nội dung về bảo đảm sự an toàn pháp lý trong hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường năng lực quản trị rủi ro pháp lý của người dân, doanh nghiệp. Tiếp đến là phát triển hệ thống bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý và nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực dân sự, đầu tư kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Những nội này đó tôi nghĩ rất trúng.
Thứ ba, khi so sánh với Văn kiện Đại hội XII của Đảng, phần viết về nền tư pháp còn thiếu một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong nguyên tắc tổ chức và vận hành nền tư pháp đó là bảo đảm sự độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án cũng như yêu cầu bảo đảm an toàn pháp lý cho người dân và doanh nghiệp. Chính vì thế, tôi cho rằng, rất nên kế thừa nội dung của Văn kiện Đại hội XII, bổ sung nội dung “bảo đảm nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”.
Chúng ta đều biết nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân là nguyên tắc được Hiến pháp 2013 quy định tại khoản 2 Điều 103. Đây cũng là nguyên tắc phổ quát của những nền tư pháp hiện đại, văn minh. Bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm trong hoạt động xét xử thì pháp luật mới thực sự thượng tôn. Lúc đó những lẽ công bằng mà pháp luật hàm chứa mới được đưa vào trong thực tiễn đời sống. Pháp luật của chúng ta là sản phẩm của một quá trình xây dựng rất công phu theo chủ trương, đường lối của Đảng, là sản phẩm việc thực hiện quyền lập pháp của Quốc hội. Do vậy, giữ được nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử vừa đảm bảo tính nghiêm minh, vừa bảo đảm được sự công bằng trong hoạt động xét xử của tòa án. Giữ vững nguyên tắc này thì hoạt động lập pháp của Quốc hội mới có ý nghĩa và người dân, doanh nghiệp mới thực sự tin vào pháp luật, tin vào hoạt động xét xử của tòa án, tin vào tính chính danh của nền tư pháp nước ta. Đồng thời, đây cũng chính là tiền đề để bảo đảm những giá trị của việc thực hiện quyền lập pháp. Bảo đảm sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của tòa án chính là yêu cầu hàng đầu để bảo đảm cho pháp luật được thượng tôn trong thực tiễn. Đây cũng là một trong những yêu cầu hàng đầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện.
Thứ tư, việc “Xây dựng và thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn mới” nên được diễn đạt theo cách khác để phù hợp hơn với kết quả của quá trình tổng kết các Nghị quyết số 48 và 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Thứ năm, về việc đặt vị trí chữ “trong sạch” hoặc “liêm chính” trong yêu cầu hoàn thiện nền hành chính và nền tư pháp trong dự thảo Báo cáo Chính trị. Tôi cho rằng, “trong sạch” và “liêm chính” phải được coi là yêu cầu đầu tiên, tiên quyết trong xây dựng và củng cố nền hành chính, nền tư pháp ở nước ta trong giai đoạn tới. Vì vậy, trong diễn đạt về định hướng xây dựng, hoàn thiện nền hành chính và nền tư pháp cần đặt chữ “trong sạch” và “liêm chính” lên thứ tự đầu tiên, trước các yêu cầu khác về “chuyên nghiệp”, “hiện đại” v.v. Sắp xếp như vậy cũng là phù hợp với nội dung quan trọng trong chủ đề của Đại hội là “xây dựng… hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
Thứ sáu, cần bổ sung nội dung về việc thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số trong tổ chức và hoạt động của nền tư pháp để bảo đảm sự thích ứng cần thiết trong tổ chức và hoạt động của nền tư pháp Việt Nam trước tác động ngày càng rõ nét của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhìn sang quốc gia láng giềng của chúng ta, với việc thí điểm tổ chức các tòa án Internet (tòa án trực tuyến), rất nhiều vụ tranh chấp liên quan tới thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng, xâm phạm quyền riêng tư (quyền về thông tin cá nhân/dữ liệu cá nhân), xâm phạm sở hữu trí tuệ được thực hiện trên không gian mạng đã được giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời. Điều đó góp phần khẳng định chủ quyền tài phán của quốc gia trên không gian mạng đồng thời củng cố thêm niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với không gian mạng, thúc đẩy việc xây dựng nền tư pháp số và xã hội số. Đây là khía cạnh tới nay, phần cải cách tư pháp trong dự thảo Báo cáo chính trị chưa thực sự rõ nét. 
TS. Nguyễn Văn Cương
Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp