Hơn 4 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, công tác triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 trên địa bàn tỉnh Thái Bình được thực hiện kịp thời, nghiêm túc, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở địa phương. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn một số khó khăn, hạn chế, như: Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chưa thực sự phát huy hiệu quả trong việc giúp Thủ trưởng triển khai các quy trình xây dựng, tham mưu cho cơ quan có thầm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra văn bản thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước; việc thực hiện gửi văn bản quy phạm pháp luật cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp để thực hiện kiểm tra theo quy định chưa kịp thời do một số cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ quy định về gửi văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành cho cơ quan kiểm tra văn bản; một số cơ quan, đơn vị vẫn còn lúng túng trong việc rà soát, hệ thống hóa văn bản nên vẫn có sai sót trong quá trình rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; việc lưu trữ văn bản quy phạm pháp luật tại một số xã, phường, thị trấn chưa đầy đủ, không thành hệ thống nên có một số xã, phường, thị trấn không có văn bản để thực hiện rà soát.
Ngày 18/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Để triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục những tồn tại hạn chế, tỉnh Thái Bình cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành để các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, công chức ngành tư pháp, cán bộ, công chức làm công tác pháp chế các cơ quan, đơn vị nắm vững, hiểu sâu sắc về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; từ đó xác định được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ để việc tham mưu xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm có cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và có tính khả thi sau khi ban hành.
Hai là, phải quan tâm kiện toàn đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo về số lượng, có chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm và nhạy bén trong thực tiễn. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ ban hành văn bản, kỹ năng xây dựng, phân tích chính sách cho đội ngũ này.
Ba là, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện cho đến khi văn bản được thông qua hoặc ban hành. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc lấy ý kiến, đánh giá tác động của dự thảo văn bản theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục tình trạng không có ý kiến hoặc văn bản góp ý có nội dung quá sơ sài, không rõ chính kiến. Phát huy cơ chế phản biện xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân, doanh nghiệp tham gia góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của địa phương; tôn trọng, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các cơ quan, đơn vị và ý kiến của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Bốn là, thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các văn bản có nội dung trái, mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản cấp trên hoặc có nội dung không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc gửi văn bản quy phạm pháp luật đến Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp để thực hiện kiểm tra theo quy định và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực của cơ quan, đơn vị và trên địa bàn quản lý.
Năm là, có cơ chế thu hút sự tham gia, phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học vào quá trình xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản. Quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện tốt công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Phạm Cao Quân- Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thái Bình