Các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của CQ HCNN THPL về dân tộc thiểu số, miền núi

31/08/2020
Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trong thi hành pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi được đo lườngthông qua những chỉ số đánh giá việc hiện thực hóa các mục tiêu của chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta đối với dân tộc thiểu số và miền núi. Trong giai đoạn vừa qua,thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân tộc thiểu số và miền núi được xây dựng và hoàn thiện một cách tương đối cơ bản;tuy nhiên, việc thi hành trên thực tế lại còn một số hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các chủ trương, chính sách này. Bài viết này sẽ đánh giá thực trạng thi hành pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi của cơ quan hành chính nhà nước, qua đó, tìm ra những điểm hạn chế, bất cập và bước đầu đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trong thi hành pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi.

1. Đặt vấn đề
(1)
Thi hành pháp luật nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống là giai đoạn tiếp nối của xây dựng pháp luật, là chức năng đặc trưng, xuyên suốt của các cơ quan hành chính nhà nước và là yếu tố quyết định vận hành thông suốt hệ thống pháp luật hướng tới quản trị quốc gia tốt trong Nhà nước pháp quyền XHCN. Có thể nói thi hành pháp luật - đưa pháp luật vào đời sống - là giai đoạn tiếp nối của xây dựng pháp luật - đưa đời sống vào pháp luật, tạo thành vòng đời liên tục của hệ thống pháp luật quốc gia.[1]

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trong thi hành pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi được thể hiện bằng kết quả hoạt động của các cơ quan này trong việc đưa pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi vào cuộc sống. Xét một cách chung nhất, hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước được đánh giá bằng các tiêu chí về mức độ tuân thủ pháp luật và mức độ đạt được các mục tiêu của pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững với mức chi phí hợp lý.[2] Riêng trong lĩnh vực thi hành pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi thì hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước được đánh giá bằng các tiêu chí về những chỉ số đánh giá việc hiện thực hóa các mục tiêu của chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta đối với dân tộc thiểu số và miền núi.

(2) Chính sách dân tộc là một trong số những chính sách được Đảng, Nhà nước ta quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán từ khi thành lập nước đến nay; đó là,bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển, tránh tư tưởng dân tộc lớn, tư tưởng hẹp hòi dân tộc, tư tưởng tự ti dân tộc; nâng cao mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa cho đồng bào các dân tộc. Đó cũng chính là giải quyết vấn đề quan hệ dân tộc trong một quốc gia nhiều dân tộc, mối quan hệ dân tộc quốc gia với dân tộc quốc tế. Từ định hướng chiến lược này trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, chính sách dân tộc của Đảng lại được bổ sung, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của đất nước.
Hiện nay, tư tưởng chủ đạo trong đường lối của Đảng ta về chính sách dân tộc được xác định là phải luôn khơi dậy và phát huy đến mức cao nhất tiềm năng sức mạnh nội lực của dân tộc. Đặt lợi ích dân tộc và quyền con người lên hàng đầu, lấy đó làm cơ sở xây dựng các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội, làm nền tảng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Có thể thấy, quan điểm, đường lối chính trị xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chính sách dân tộc, công tác dân tộc được thể hiện trong ba điểm chính sau:
- Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc. Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi.
- Tôn trọng lợi ích, truyền thống văn hóa, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc;
- Các chính sách kinh tế, xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là DTTS.[3] Có chính sách và tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc miền núi vươn lên mạnh mẽ, phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước nâng cao năng suất lao dộng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc
(3) Trong hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, hệ thống pháp luật Việt Nam được xây dựng và hoàn thiện một cách cơ bản, trong đó có pháp luật về dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, một số lĩnh vực của hệ thống pháp luật Việt Nam đã tiệm cận với pháp luật của nhiều nước và pháp luật quốc tế. Đặc biệt, giai đoạn 2011-2020 là thời kỳ Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị) tiếp tục được triển khai với mục tiêu: “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Trong giai đoạn này, hệ thống pháp luật đã không ngừng được xây dựng và hoàn thiện cả về nội dung, hình thức, số lượng và chất lượng: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 157 luật, 12 pháp lệnh; 35 nghị quyết, Chính phủ ban hành 1159 nghị định[4].
Xét riêng trong lĩnh vực dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, Đảng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến vấn đề dân tộc và công tác dân tộc, trong đó có chính sách riêng cho DTTS, miền núi. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) xác định những quan điểm cơ bản về công tác dân tộc, đề ra mục tiêu, những nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách, một số giải pháp chủ yếu về công tác dân tộc. Ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới”.
Thể chế hóa đường lối của Đảng, tính đến tháng 7/2019, Quốc hội đã ban hành 108 luật, hơn 30 nghị quyết có nội dung chính sách liên quan đến lĩnh vực DTTS, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn, bao quát các lĩnh vực dân sự, chính trị; quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; kinh tế, lao động và việc làm; văn hóa, thông tin; giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo vệ môi trường; công tác cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị.[5] Hệ thống chính sách dân tộc do Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng có 118 văn bản, trong đó, có 54 đề án, chính sách dân tộc trực tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.[6]
Các văn bản này về cơ bản đã thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước ta đối với dân tộc thiểu số và miền núi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc và đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước.

2. Thực trạng thi hành pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi của cơ quan hành chính nhà nước
2.1. Thi hành pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi của cơ quan hành chính nhà nước - một số thành tựu nổi bật Tựu chung lại, việc xây dựng và thực thi pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi của cơ quan hành chính nhà nướctrong thời gian qua đã hướng tới và đạt được một số mục tiêu cơ bản sau:
Một là, về khía cạnh chính trị, xã hội: Đường lối, chủ trương của Đảng là mọi công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giới đều bình đẳng về chính trị, bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống và bình đẳng trước pháp luật. Đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường. Các dân tộc tôn trọng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thể chế hoá chủ trương trên, pháp luật đã có những quy định bảo đảm các quyền cho đồng bào dân tộc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực phát triển con người đó là quyền được phát triển, các quyền cơ bản về chỗ ở, cư trú và đảm bảo các điều kiện sống. Việc thực thi pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước đã xây dựng được xã hội cộng đồng ổn định, thống nhất về tâm lý xã hội, dân chủ, phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển. Qua đó, tạo dựng nền tảng ổn định chính trị của quốc gia, thiết lập dân chủ, công bằng cho xã hội, đem lại những giá trị tiến bộ xã hội về mọi mặt.
Hệ thống chính trị vùng dân tộc và miền núi được tăng cường và củng cố, nhất là ở cấp cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong vùng dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Công tác phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc được chú trọng. Tình hình chính trị, trật tự xã hội ở vùng dân tộc và miền núi cơ bản ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững[7]. Những kết quả, thành tựu đã đạt được trong thực thi pháp luật về dân tộc thiểu số và miền núi trên khía cạnh về chính trị, xã hội cũng chính là những thuận lợi rất cơ bản đảm bảo cho sự phát triển toàn diện, bền vững của các vùng dân tộc thiểu số, miền núi Việt Nam.
Hai là, về khía cạnh giáo dục và văn hóa: Mục tiêu của pháp luật về dân tộc thiểu số và miền núi là tập trung vào mục tiêu phát triển con người, trau dồi những kiến thức, kỹ năng, thay đổi tập tục và thói quen cá nhân, nâng cao khả năng thích ứng của người dân trước những tác động mới xuất phát từ yêu cầu của phát triển. Bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống và tiếp thu có chọn lọc các yếu tố văn hóa bên ngoài, văn hóa hiện đại, phổ biến, ngăn chặn được các tư tưởng ngoại lai, phản động.
Kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ như: Vùng dân tộc và miền núi đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được hình thành và phát triển từ Trung ương đến các huyện vùng dân tộc và miền núi. Hệ thống cơ sở vật chất đã được xây dựng tương đối đồng bộ ở tất cả các xã vùng dân tộc cùng hệ thống điểm trường ở thôn, bản, hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường bán trú dân nuôi, cùng với chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho học sinh nghèo đã giúp cho con em đồng bào dân tộc có cơ hội đến trường, tiếp cận nền giáo dục quốc gia. Đến nay, hầu hết các dân tộc Việt Nam đã có người học từ trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Công tác đào tạo nghề, dạy nghề gắn với tạo việc làm đã có sự chuyển biến nhất định.
Hệ thống y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và phát triển rộng khắp, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Việc tăng đầu tư chung cho lĩnh vực y tế đã giúp cho việc xây mới, nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng và đầu tư trang thiết bị y tế cho hầu hết các cơ sở y tế vùng đặc biệt khó khăn, hệ thống bệnh viện đa khoa tuyến huyện được xây dựng đồng bộ trên cả nước. Công tác chăm sóc sức khỏe của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện, đã góp phần nâng cao chất lượng dân số. Các loại dịch bệnh cơ bản được ngăn chặn. Việc khám chữa bệnh cho người nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng được quan tâm với nhiều chính sách ưu tiên
Các thiết chế văn hóa cơ sở, như nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ, trung tâm sinh hoạt cộng đồng... ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chỉ đạo tập trung xây dựng ở các làng, thôn, bản, buôn, phum, sóc... Hầu hết các xã vùng dân tộc, miền núi có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa; nhiều thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Đây là nơi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng với nhiều dạng thức phong phú. Nhiều lễ hội ở các vùng dân tộc được khôi phục, tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, kể cả các dân tộc thiểu số rất ít người. Đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc được nâng cao một bước, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được tôn trọng, bảo tồn và phát huy. Hệ thống phát thanh, truyền hình ở vùng dân tộc và miền núi không ngừng phát triển.
Ba là, về khía cạnh kinh tế, mục tiêu của pháp luật về dân tộc thiểu số và miền núi là giải quyết được cơ bản tình trạng lạc hậu, chậm phát triển của khu vực thông qua xây dựng, cải thiện điều kiện sở hạ tầng, dịch vụ; tạo việc làm, phát triển sản xuất tăng thu nhập. Bảo đảm những điều kiện sống cơ bản về lương thực, nhà ở, nước sinh hoạt, học hành và chăm sóc sức khỏe; ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Giảm tỷ lệ đói nghèo, hạn chế phân tầng xã hội, bất bình đẳng trong phát triển, rút ngắn khoảng cách chênh lệch phát triển với khu vực đồng bằng và đô thị. Trong đó, nhấn mạnh quyền tiếp cận và tham gia của cộng đồng trong việc quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên của mình, quyền tiếp cận cơ hội việc làm, có việc làm và hưởng thụ thành quả lao động.
Kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước cho thấy kinh tế vùng dân tộc và miền núi có bước phát triển đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm cao (trung bình 8% năm). Đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng, sản xuất với số lượng hàng hóa lớn. Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc và miền núi đã được cải thiện rõ rệt, góp phần đắc lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả to lớn. Đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện đáng kể[8].
Nhà nước quan tâm và có chính sách ưu tiên đầu tư, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã có sự chuyển biến rõ nét. Sản xuất ở hầu hết các địa bàn vùng dân tộc đều phát triển. Các huyện, xã đều có điển hình sản xuất giỏi; một số vùng đã có sản xuất hàng hóa; nhiều người dân có việc làm và tăng thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, nhất là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã giảm dần từng năm.
2.2.    Một số hạn chế trong thi hành chính sách, pháp luật về dân tộc thiểu số và miền núi và nguyên nhân
Tư tưởng cơ bản xuyên suốttrong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta đối với dân tộc thiểu số và miền núilà thực hiện đoàn kết, bình đẳng, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Nhà nước chủ trương nhất quán là tạo điều kiện để các DTTS mau chóng tiến kịp trình độ phát triển chung về kinh tế - xã hội của cả nước. Các quan điểm đó in đậm dấu ấn tư tưởng của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt Hiến pháp, cụ thể bằng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi sẽ đảm bảo quyền con người, địa vị pháp lý con người được coi trọng. Đó cũng là sự thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng, Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hiện tại cũng như trong tương lai. Nhằm đảm bảo xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tuy nhiên, khi mà quan điểm, chủ trương của Đảng,chính sách pháp luật của Nhà nước về dân tộc thiểu số và miền núi được xây dựng và hoàn thiện một cách tương đối cơ bản, thì việc thi hành pháp luật lại còn một số hạn chế, làm giảm hiệu lực thực tế của các chủ trương, chính sách này. Điều này cũng phản ánh sự cắt khúc giữa xây dựngvới thực thi chính sáchcăn bệnh cố hữu trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật ở Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, xét theo quan niệm hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước là mức độ đạt được các mục tiêu của pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thông qua việc đảm bảo tuân thủ pháp luật với chi phí thi hành pháp luật hợp lý, thìviệc hiện thực hóa các mục tiêu của chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta đối với dân tộc thiểu số và miền núi chưa đạt được.
(1) Trước hết, xét với mục tiêu giảm nghèo bền vững, có thể thấy, tính đến nay mục tiêu này chưa đạt được hiệu quả như các nhà lập pháp kỳ vọng. Hiện nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn đang là vùng có khó khăn nhất cả nước, thể hiện trên các mặt: Điều kiện khó phát triển, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tốc độ phát triển kinh tế xã hội thấp, khó tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và có tỷ lệ nghèo cao nhất.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi là chủ trương lớn, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong định hướng, chỉ đạo, bố trí nguồn lực. Một số chính sách đối vùng dân tộc thiểu số, miền núi đang còn hiệu lực thi hành có thể kể đến như: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2017 - 2020; Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 và các chính sách khác đang còn hiệu lực, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc giải quyết các khó khăn trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người; bảo đảm mức sống của các dân tộc này tương đương với các dân tộc khác trong vùng. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, cùng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế, việc giảm nghèo cả nước nói chung và giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng đã đạt được một số thành tựu ban đầu, góp phần tạo sự thay đổi tích cực diện mạo của vùng dân tộc thiểu số, miền núi và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.Kết quả trên là tiền đề quan trọng để đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tiếp tục ổn định cuộc sống và sản xuất, an tâm, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tăng cường đoàn kết dân tộc, củng cố quốc phòng và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi.[9]
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn những hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Cụ thể,
Cơ cấu kinh tế vùng chủ yếu vẫn là nông, lâm nghiệp (tỷ trọng nông, lâm nghiệp chiếm trên 50%); cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thấp kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thu nhập bình quân đầu người của dân tộc thiểu số chỉ bằng khoảng 30% so với bình quân chung cả nước. Tỷ lệ nghèo chiếm 55,27% (năm 2018) hộ nghèo của cả nước; một số nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo cao 70 - 80% như: Ơ Đu, Co, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mông và Xơ Đăng...[10]
Cùng với những khó khăn, thách thức to lớn đang cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng dân tộc thiểu số và miền núi như biến đổi khí hậu, sự cố môi trường diễn ra nghiêm trọng và khó lường, gây nhiều thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng lớn đến sinh kế bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số (như: sạt lở đất, xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long; lũ ống, lũ quét ở các tỉnh Tây Bắc; hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung...).
Kết quả giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa cao: Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo, tái nghèo, phát sinh nghèo cao hơn tỷ lệ chung cả nước; thu nhập bình quân đầu người thấp và không đồng đều; các chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản còn ở mức cao, nhất là chỉ số thiếu hụt về giáo dục, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chất lượng nhà ở, nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh và khả năng tiếp cận thông tin.
Một số vấn đề bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số, như: Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa được giải quyết cơ bản, đã có chính sách nhưng thực hiện chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Những hạn chế, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là nguyên nhân chủ quan: Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường có mục tiêu lớn, nhưng thời gian thực hiện ngắn, định mức hỗ trợ thấp; nguồn lực không đủ, vốn cấp chậm và không đồng bộ, nên việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả chưa cao. Sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách còn hạn chế; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện chính sách chưa chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời; công tác tổ chức, quản lý các chương trình, dự án giảm nghèo còn chồng chéo, nhiều Bộ, ngành phụ trách có cơ chế quản lý, vận hành khác nhau, làm hạn chế việc lồng ghép chính sách và cân đối nguồn lực chung.
Ngoài ra, trong chính sách xoá đói, giảm nghèo còn có những quy định bất hợp lý, không tạo động lực cho người nghèo chủ động thoát nghèo. Không ít hộ gia đình vì muốn tiếp tục hưởng các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước nên không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo. Các tiêu chí để xác định hộ nghèo và nguyên nhân dần tới nghèo cũng chưa hoàn toàn hợp lý. Cách thức hỗ trợ người nghèo như hiện nay cũng gây ra những bất bình ngay trong nội bộ người nghèo, vì thiếu sự công bằng, không xét tới các nguyên nhân dẫn tới nghèo khác nhau.[11]
(2) Mục tiêu giảm nghèo bền vững chưa đạt, do đó, mục tiêu đảm bảo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số cũng chưa đạt được.
Tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản: khoảng 30% học sinh dân tộc thiểu số chưa được đi học đúng độ tuổi; tỷ lệ khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế của người dân tộc thiểu số mới đạt 44,8%; gần 1/3 số hộ dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh; hơn 15,3% số hộ gia đình người dân tộc thiểu số ở nhà tạm, trong đó có 14 dân tộc có tỷ lệ nhà ở tạm gần 50%; 2/3 số hộ dân tộc thiểu số chưa có nhà xí hợp vệ sinh.[12]
Ngoài ra, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang đối mặt với nhiều nguy cơ khác, đó là: việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc, nhất là sự mai một, biến dạng trong về ngôn ngữ, chữ viết, trang phục truyền thống; sự phát triển của tôn giáo trong một số dân tộc thiểu số; tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số thấp, còn thiếu và yếu… Các khó khăn, thách thức này tác động rất lớn đến phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng và cả quốc gia nói chung.
Thứ hai, còn tồn tại tình trạng cắt khúc giữa xây dựng và thực thi chính sách và pháp luật đối với dân tộc thiểu số và miền núi.
Các chính sách mới về giảm nghèo được xây dựng và ban hành nhưng chưa tính đến khả năng bảo đảm cân đối nguồn lực để thực hiện chính sách, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn kinh phí triển khai các chương trình thường xuyên xảy ra, chính sách đã ban hành nhưng không bố trí đủ, kịp thời nguồn lực thực hiện.Một số văn bản quy phạm pháp luật, hay văn bản dưới luật (như Nghị định, Thông tư, Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nội dung về công tác dân tộc) chưa quy định về cơ chế tài chính đảm bảo thực hiện. Do vậy, tuy chương trình, chính sách, đề án ban hành nhiều, được đánh giá là đã phủ kín các lĩnh vực, song kết quả thực hiện còn nhiều mặt hạn chế, chưa đạt được các mục tiêu đề ra do thiếu nguồn lực kinh phí.
Ví dụ[13]:
- Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg và Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Một số tỉnh việc xây dựng, phê duyệt đề án còn chưa sát với thực tế dẫn đến khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập. Kinh phí TW phân bổ cho các địa phương không đảm bảo theo nhu cầu đề án do tỉnh phê duyệt.
Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg, ngày 05/3/2007; Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 25/8/2009; Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 04/6/2013):Nguồn vốn đầu tư CSHT tại các điểm ĐCĐC tập trung của tỉnh còn thiếu so với nhu cầu thực tế;
-Chính sách hỗ trợ học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú, học sinh bán trú ở các trường phổ thông theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg, Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ:  Một số địa phương kinh phí hỗ trợ được cấp còn chưa kịp thời;
-  Chế độ ưu đãi đối với học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú quy định tại Thông tư Liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009Vẫn còn tình trạng trang cấp không đầy đủ, không đúng danh mục hiện vật, học phẩm, nội dung hỗ trợ cho học sinh. Qua  thực tế kiểm tra, cho thấy một số nội dung quy định của Thông tư số 109 không còn phù hợp về số lượng và định mức như: Trang cấp hiện vật, học phẩm, tiền hỗ trợ tàu xe, tiền Tết Nguyên đán và Tết dân tộc, chi phí mua bảo hiểm y tế; quy định mức chi hoạt động văn thể, ngoại khóa cho học sinh tối đa bằng 5% quỹ học bổng nhưng thực tế các trường không được cấp đủ kinh phí theo định mức quy định;
- Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” theo  Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ:Công tác chỉ đạo điều tra, khảo sát xây dựng Đề án theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg còn một số nội dung, dự án chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, dẫn đến không triển khai thực hiện được (củng cố hệ thống chính trị ở cở sở và đào tạo, bồi dưỡng tăng cường đội ngũ cán bộ người dân tộc La Hủ, Mảng, Cống; sắp xếp, bố trí lại dân cư...).Việc ban hành văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương còn chưa kịp thời, cụ thể: Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26/9/2011 nhưng đến 14/10/2015 Bộ Tài chính mới ban hành Công văn hướng dẫn số 14364/BTC-NSNN, nội dung hướng dẫn còn chung chung mang tính viện dẫn thống kê các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách khác để các địa phương tham khảo, vận dụng dẫn đến các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai, thực hiện đề án. Kinh phí cấp hàng năm chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ,đặc biệt là việc hỗ trợ cho học sinh con hộ nghèo người dân tộc La Hủ. Việc triển khai thực hiện một số nội dung hỗ trợ còn chưa đảm bảo theo đúng đề án được phê duyệt và các văn bản hướng dẫn thực hiện, đặc biệt các nội dung hỗ trợ "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào" ; "Chăm sóc sức khỏe cho người dân", " hỗ trợ làm nhà ở"...
-  Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ:Kinh phí hàng năm được đảm bảo, tuy nhiên qua nhiều năm thực hiện chính sách cho thấy hiệu qủa chính sách thấp, nguồn vốn thực hiện chính sách có định mức hỗ trợ nhỏ. Hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt, khó kiểm soát mục đích sử dụng nguồn vốn của các hộ dân, khó xác định hiệu quả của chính sách;
-  Chương trình 135
+ Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất: Một số tỉnh quy địnhđịnh mức hỗ trợ không đảm bảo định mức hỗ trợ tối thiểu. “7.000.000 đồng/hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn
+  Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; duy tu bảo dưỡng công trình:Công tác quản lý đầu tư xây dựng của chủ đầu tư còn hạn chế, quá trình thực hiện còn chưa tốt, như: Việc lập và thẩm định dự toán, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật của các cơ quan, đơn vị còn nhiều thiếu sót; công tác giám sát của Chủ đầu tư và giám sát cộng đồng còn chưa chặt chẽ; việc nghiệm thu, thanh quyết toán còn để xảy ra nhiều thiếu sót;
+  Dự án nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng: Một số tỉnh chưa được bố trí kinh phí thực hiện Dự án nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng.
Thứ ba, các chính sách về dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay vừa thiếu lại vừa thừa.
Theo đánh giá sơ bộ có khoảng 118 chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc nằm ở nhiều Bộ, ngành dẫn đến sự phân tán, manh mún, thiếu đồng bộ, không căn cơ và không bài bản trong khi nguồn lực hạn chế. Trong khi đó, có nhiều chính sách về dân tộc với khoảng 118 chính sách với trên 30 nghị quyết nhưng lại chưa đủ. Các chính sách chưa phát huy hết hiệu quả, dẫn đến tình trạng vùng đồng bào DTTS và MN phát triển không đồng bộ, không tỷ lệ thuận với sự phát triển chung của đất nước.
Mặc dù, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, HĐND, UBND tỉnh, các Sở, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu và miền núi; nhưng chính sách vẫn chưa thực sự đồng bộ, thiếu kết nối, có chính sách còn mang tính ngắn hạn, thiếu tính chiến lược, chưa có tính dự báo dài hạn và liên tục; có nội dung manh mún, vừa thừa, vừa thiếu, chồng chéo, trùng lặp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng như: Trên cùng địa bàn, cùng đối tượng nhưng mức hỗ trợ một số chính sách khác nhau gây khó khăn trong thực hiện và đánh giá hiệu quả. Các chính sách thường hỗ trợ, cho không, mang tính giải quyết tình thế, chưa tập trung đầu tư phát triển để khai thác các thế mạnh vùng, chưa có chính sách khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững. Chưa có cơ chế đặc thù để phát huy nội lực người dân, người nghèo trong quá trình hội nhập; nguồn lực bố trí cho các chính sách dân tộc chưa thể hiện rõ được tính ưu tiên theo đúng mục tiêu đề ra, phải kéo dài thời gian thực hiện; việc phân công, phân cấp thẩm quyền về quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực phụ trách và địa bàn để thực hiện các chương trình, dự án khác nhau.... Đáng chú ý là có chính sách vừa ban hành đã hết thời hạn thực hiện, như quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015; có dự án chậm được bố trí vốn như Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011, Quyết định số 1573/QĐ-TTg ngày 9/8/2016, Quyết định số 2085/QĐ-TTg, …. nên không đảm bảo kế hoạch và mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện của một số Bộ, ngành trung ương còn chậm so với quy định và yêu cầu triển khai thực hiện.
Thứ tư, các chính sách về dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay còn dàn trải và cào bằng, chưa xây dựng được các chính sách đúng theo từng nhóm đối tượng thụ hưởng.
Xây dựng chính sách phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng và phải gắn với vùng miền trong khi hiện nay việc xác định đối tượng thụ hưởng của chính sách rất chung chung nên chính sách không đến đúng đối tượng nên không đi vào được cuộc sống.
Nước ta hiện có 54 dân tộc, với các trình độ phát triển rất đa dạng. Tuy nhiên, khi ban hành chính sách, các nhà hoạch định đã không tính tới sự khác biệt về địa bàn cư trú, đặc điểm văn hoá của từng DTTS. Các chính sách ưu tiên vẫn mang nặng tính bình quân, cào bằng, chưa có quy định riêng đối với các nhóm dân tộc cụ thể, không phân biệt trình độ phát triển giữa các dân tộc. Các dân tộc có mặt bằng phát triển cao hơn như Tày, Thái, Mường... cũng được hưởng lợi ích chung như những dân tộc ít người khác. Các chính sách cũng không tính đến các nhóm yếu thế trong cộng đồng dân tộc ít người như phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật.[14]
Bất cập trên một phần do hiện nay còn thiếu dữ liệu về dân tộc, khi các Bộ, ngành xây dựng và triển khai chính sách thường chỉ khoanh vùng thụ hưởng mà không xác định đối tượng dân tộc cụ thể.
Thứ năm,các cơ quan nhà nước chưa huy động được sự tham gia thực chất của người dân các dân tộc thiểu số và miền núi vào quá trình xây dựng chính sách, do đó chính sách thiếu tính khả thi, hiệu quả thi hành trên thực tế không cao.
Cán bộ người dân tộc ở các địa phương ít được tham vấn, tham dự vào quá trình soạn thảo các chính sách liên quan đến bản thân mình. Điều này làm cho các chính sách khó đi vào cuộc sống. Chắng hạn, chính sách “ba cứng” đối với nhà ở cùa đồng bào dân tộc (nền cứng, tường cứng, mái cứng) do Bộ Xây dựng triển khai. Trên thực tế, ở những vùng núi cao, khó có thế áp dụng mô hình này, do chi phí vận chuyền nguyên vật liệu xây dựng quá tốn kém. Hoặc do phong tục, tập quán, một số dân tộc cũng không thề áp dụng mô hình “ba cứng” đế xây dựng nhà ở.[15]
Thứ sáu, về quá trình tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi của các cơ quan hành chính nhà nước:

- Việc phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương trong việc ưu tiên khai thác thực hiện một số chính sách chưa thực sự hợp lý. Có không ít các chính sách có nội dung chồng chéo. Trên một địa bàn, với cùng một nội dung có thể có nhiều chương trình, dự án do nhiều cơ quan khác nhau quản lý cùng triển khai. Điều này có thể tạo ra những lãng phí không cần thiết.[16]
- Công tác phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị trong tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện chính sách đôi khi chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp huyện, xã chưa chủ động, tích cực, sáng tạo trong việc tuyên truyền và triển khai thực hiện các chính sách.
- Việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để xác định số lượng, lên danh mục văn bản quy định chi tiết có lúc chưa được đầy đủ. Nguyên nhân của hạn chế này là do công tác dân tộc liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nhưng chưa có một văn bản có giá trị pháp lý ở tầm luật quy định thống nhất các nhiệm vụ cần quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; các nội dung cần quy định chi tiết chủ yếu nằm trong các văn bản dưới luật nên gặp nhiều khó khăn trong việc rà soát, xác định nội dung.
- Việc kiểm tra, theo dõi, nắm tình hình cơ sở có việc chưa sâu sát, chậm tham mưu đề xuất giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh, dẫn đến có sai phạm trong quản lý và triển khai thực hiện chính sách. Năng lực chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của một số chủ đầu tư nhất là cấp xã còn hạn chế; việc xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách hằng năm còn chậm, trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới chưa có những giải pháp hữu hiệu; việc đầu tư, hỗ trợ có nơi chưa phù hợp, chưa gắn với nhu cầu của người dân. Hầu hết các huyện khi triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chưa có kế hoạch gắn với thị trường bao tiêu sản phẩm. Một số sản phẩm chủ lực chưa xây dựng được chỉ dẫn địa lý, thị trường tiêu thụ hẹp; một số mô hình đạt hiệu quả nhưng chưa được duy trì và nhân rộng.
- Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

3. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước thi hành pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi
Với quan niệm hiệu quảthi hành pháp luật về dân tộc thiểu số và miền núi của cơ quan hành chính nhà nước là mức độ đạt được các mục tiêu của pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi thông qua việc đảm bảo tuân thủ pháp luật với chi phí thi hành pháp luật hợp lý; thì nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước thi hành pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi được hiểu là việc làm gia tăng giá trị tích cực của những tác động thực tế mà pháp luật mang lại cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khi được thi hành đúng đắn, đầy đủ.
Theo đó, có thể cân nhắc một số giải pháp sau:
i. Chú trọng việc xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núinhằm khắc phục các nguyên nhân gây cắt khúc giữa xây dựng và thi hành pháp luật, cản trở hiệu lực và hiệu quả của pháp luật và thi hành pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núitrong thực tiễn. Để làm được điều này, các cơ quan nhà nước trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núivà thực thi chính sách cần:
+ Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động của chính sách trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật về dân tộc thiểu số và miền núi (dự báo tác động của chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (PIA, RIA).
+ Ngoài ra, các cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật cũng cầnthực hiện nghiêm túc quy định buộc các cơ quan hành chính nhà nước phải đánh giá tác động định kỳ sau khi chính sách và pháp luật về dân tộc thiểu số và miền núi đã được thi hành trong cuộc sống từ 03-5 năm.
ii. Kiểm soát chất lượng báo cáo PIA, RIA, đảm bảo đó thực sự là căn cứ khoa học đáng tin cậy để Chính phủ- cơ quan thực hiện quyền hành pháp -ra quyết định đúng đắn về các chính sách có tác động đến dân tộc thiểu số và miền núi trong các dự án luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.
iii. Nghiêm túc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính trong xây dựng văn bản quy định chi tiết, thực hiện nghiêm các quy định của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi.
iv. Đề cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết về dân tộc thiểu số, miền núi; lấy kết quả thực hiện công tác này là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo năm công tác và theo nhiệm kỳ.
v. Phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh(có nội dung liên quan đến dân tộc thiểu số và miền núi) với việc ban hành văn bản quy định chi tiết, nhất là giữa cơ quan chủ trì soạn thảo luật, pháp lệnh và cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết trong quá trình xây dựng, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh liên quan đến nội dung giao quy định chi tiết về dân tộc thiểu số và miền núi.
vi. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, công chức hành chính nhà nước trong lĩnh vực dân tộc thiểu số, miền núi phải gắn liền và dựa trên việc theo dõi, đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi của  cơ quan, công chức  hành chính nhà nước.
vii. Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức hành chính nhà nước làm công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi. Chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, ý thức pháp luật, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ công chức này, nhất là đội ngũ công chức lãnh đạo.
viii. Tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luậtdân tộc thiểu số, miền núi, đặc biệt là việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về tình hình thi hành pháp luật ở những khu vực, địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
 Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp, các ngành và đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi; đổi mới hơn nữa nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, để đồng bào hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tin tưởng thực hiện chính sách giảm nghèo; nhân rộng điển hình tiên tiến, đồng thời khơi dậy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
TS. Chu Thị Hoa
Phó Viện trưởng Viện KHPL, Bộ Tư pháp
 
 
[1] Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài NCKH cấp nhà nước “Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Hà Hùng Cường, HN 2019. 
[2]Tlđd. 
[3]Viện Khoa học pháp lý, Báo cáo kết quả nghiên cứu luận cứ khoa học xây dựng Luật dân tộc.
[4] Số liệu được rà soát, thống kê từ 01/01/2011 – 31/12/2019, nguồn: Bộ Tư pháp.
[5]Hoàng Văn Tú, Nguyễn Cao Thịnh, Hoàng Thị Hương “Thực trạng của việc Quốc hội quyết định chính sách dân tộc hiện nay và một số khuyến nghị”, tháng 7/2019.http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202001/cong-tac-xay-dung-thuc-thi-phap-luat-ve-dan-toc-thieu-so-mien-nui-tai-tay-nguyen-307497/
[6]Phan Văn Hùng “Một số vấn đề đặt ra trong thực tiễn chính sách dân tộc hiện nay cần vai trò quyết định của Quốc hội”, tháng 7/2019.http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202001/cong-tac-xay-dung-thuc-thi-phap-luat-ve-dan-toc-thieu-so-mien-nui-tai-tay-nguyen-307497/
[7]Trần Quốc Cường,Công tác xây dựng, thực thi pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi tại Tây Nguyên
http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202001/cong-tac-xay-dung-thuc-thi-phap-luat-ve-dan-toc-thieu-so-mien-nui-tai-tay-nguyen-307497/
[8]Trần Quốc Cường,Công tác xây dựng, thực thi pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi tại Tây Nguyên
http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202001/cong-tac-xay-dung-thuc-thi-phap-luat-ve-dan-toc-thieu-so-mien-nui-tai-tay-nguyen-307497/
[11]Viện Khoa học pháp lý, Báo cáo kết quả nghiên cứu luận cứ khoa học xây dựng Luật dân tộc, tr.168
 
[13] Nguồn số liệu: Báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật từ 01/10/2016 đến 30/5/2018 của Ủy ban dân tộc tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp về việc kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2018.
[14]Viện Khoa học pháp lý, Báo cáo kết quả nghiên cứu luận cứ khoa học xây dựng Luật dân tộc, tr.168
[15]Viện Khoa học pháp lý, Báo cáo kết quả nghiên cứu luận cứ khoa học xây dựng Luật dân tộc, tr.168, 169
[16]Viện Khoa học pháp lý, Báo cáo kết quả nghiên cứu luận cứ khoa học xây dựng Luật dân tộc, tr.169