Vai trò của cơ quan tư pháp trong tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH, bảo vệ QPAN

31/08/2020
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2020, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp trân trọng giới thiệu tới các độc giả tham luận của Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang tại Tọa đàm “Bộ Tư pháp Việt Nam 75 năm xây dựng và phát triển” với chủ đề: Vai trò của cơ quan tư pháp trong tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng an ninh tại địa phương
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt nam dân chủ Cộng hòa đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Tuyên cáo thành lập Nội các Thống nhất quốc gia gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp, đặt tại thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ngày 28/8/1945 trở thành Ngày Truyền thống của Ngành Tư pháp Việt Nam. Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Tư pháp Việt Nam với chức năng xuyên suốt là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật; quản lý nhà nước về công tác pháp luật; lĩnh vực hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp, đã bám sát thực tiễn trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, kịp thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành và tổ chức thi hành những chính sách pháp luật quan trọng, xây dựng các thiết chế pháp luật, tư pháp phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
  Cùng với sự phát triển và trưởng thành của Ngành Tư pháp Việt Nam, nhìn lại chặng dường hơn 46 năm xây dựng và phát triển của cơ quan tư pháp địa phương nói chung và cơ quan Tư pháp tỉnh Tuyên Quang dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cùng với những nhiệt huyết, quyết tâm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan tư pháp địa phương các cấp đã và đang không ngừng phát triển, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trong từng giai đoạn khác nhau và có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, giữ vững an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
  Thực hiện Thông tư số 100/VP ngày 10/5/5/1974 của Ủy ban pháp chế của Chính phủ hướng dẫn tổ chức và hoạt động của cơ quan pháp chế các tỉnh và Công văn số 321/TC ngày 22/3/1975 của ban tổ chức của chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) về hình thức tổ chức Pháp chế tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tuyên (nay là tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang) đã ban hành Quyết định số 533/QĐ-UB ngày 14/6/1977 thành lập Ban Pháp chế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tuyên. Ban Pháp chế có chức năng quản lý thống nhất công tác xây dựng, ban hành pháp luật và các quy phạm về quả lý hàn chính của UBND tỉnh, hướng dẫn và theo dõi thi hành pháp luật, công tác xây dựng cơ quan pháp chế cấp dưới, công tác bồi dưỡng cán bộ pháp chế, quản lý thống nhất công tác hành chính tư pháp; làm tư vấn pháp luật cho UBND tỉnh và các vấn đề liên quan đến pháp chế.
Thực hiện Thông tư số 08/TT ngày 06/01/1982 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cơ qua tư pháp địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tuyên ban hành Quyết định số 61/TC-QĐ ngày 15/01/1982 về việc chuyển Ban pháp chế của UBND tỉnh Hà Tuyên thành Sở Tư pháp tỉnh Hà Tuyên, là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh và chỉ đạo về nghiệp vụ của Bộ Tư pháp; thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ công tác tư pháp. Ngày 20/5/1982, UBND tỉnh Hà Tuyên ban hành Quyết định số 434/UB-QĐ về việc thành lập ban Tư pháp huyện, thị xã, đồng thời giao Ban Tư pháp huyện, thị xã chỉ đạo việc thành lâp và hướng dẫn nghiệp vụ cho Ban Tư pháp xã, phường; cùng với việc thành lập Ban Tư pháp huyện, thị xã, các Ban Tư pháp xã, phường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cũng được thành lập và đi vào hoạt động.
Đến ngày 12/8/1994, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó chia tỉnh Hà Tuyên thành 02 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Ngày 05/9/1991, UBND tỉnh Tuyên quang đã ban hành Quyết định số 383/QĐ-UB về việc xác định cơ quan chuyên môn và đơn vị trực thuộc tỉnh Tuyên Quang, trong đó có Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác tư pháp; quản lý về tổ chức đối với Tòa án nhân dân cấp huyện. Ngày 07/05/1994, UBND tỉnh Tuyên          Quang đã ban hành Quyết định số 266/QĐ-UBND về việc thành lập Phòng Tư pháp huyện, thị xã, đồng thời quy định công tác tư pháp xã, phường, thị trấn; Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Đến nay, cơ quan tư pháp địa phương được củng cố kiện toàn với tổ chức gồm Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố; Công chức tư pháp – Hộ tịch cấp xã. Quá trình xây dựng và phát triển, cơ quan tư pháp địa phương từ tỉnh đến cơ sở có sự thay đổi nhiều lần về tên gọi (cấp tỉnh: Ban Pháp chế- Sở Tư pháp- Phòng Tư pháp- Sở Tư pháp; cấp huyện: Ban Tư pháp- Phòng Tư pháp; cấp xã: Ban Tư pháp- Công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã); nhưng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ chính của cơ quan tư pháp địa phương không thay đổi.
Vị thế, vai trò của ngành Tư pháp tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua đã được khẳng định trên nhiều mặt, trong đó phải kể đến là kết quả của quá trình phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ Tư pháp “vừa hồng, vừa chuyên”.  Khi mới thành lập năm 1977, tổ chức, biên chế Ban pháp chế tỉnh Tuyên Quang chỉ có 03 người, đến nay, tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động từ tỉnh đến cơ sở đã được quan tâm, kiện toàn đồng bộ với 324 người. Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang hiện có 02 phòng nghiệp vụ, 02 tổ chức giúp việc, 03 đơn vị sự nghiệp với 55 biên chế; Phòng Tư pháp cấp huyện có 24 công chức; cấp xã có 253 công chức Tư pháp - hộ tịch. Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp Tuyên Quang đã tích cực, chủ động tham mưu tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác tư pháp qua các thời kỳ. Các lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp từ 02 nhóm nhiệm vụ năm 1977, đến 09 nhóm nhiệm vụ năm 1982 và đến nay nâng lên 34 nhiệm vụ, không ngừng được đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong tình hình mới, đánh giá kết quả giai đoạn 2015-2020 cho thấy:
- Công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật có chiều sâu, đi vào thực chất, tham mưu cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; thẩm định, góp ý có chất lượng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, qua đó đã kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi trên thực tiễn khi áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, góp phần tích cực vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, công khai, cải thiện chỉ số cải cách hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh, góp phần vào hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, ngành Tư pháp đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật, dài hạn, hàng năm với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên tuyền phổ biến, giáo dục pháp luật, thay đổi hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật thông qua mạng xã hội. Thông qua hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải cơ sở, các văn bản pháp luật đã được kịp thời truyền tải đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, giảm thiểu được những tranh chấp, vi phạm trong đời sống xã hội; góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng nông thôn mới.
- Công tác hòa giải ở cơ sở được coi trọng và quan tâm thực hiện; tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về mức chi cho công tác hoà giải ở cơ sở; phối hợp với Sở Tài chính đảm bảo 100% kinh phí chi thù lao vụ việc và kinh phí hỗ trợ hoạt động của Tổ hoà giải; thường xuyên kiện toàn tổ hòa giải, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, biên soạn tài liệu nghiệp vụ cung cấp cho tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; chất lượng vụ việc hòa giải ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hòa giải hàng năm trung bình đạt 87,7%. Thông qua công tác này đã góp phần giữ gìn sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, từ đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
- Công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hướng dẫn thực hiện tiêu chí thành phần 18.5[1]; hằng năm tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật[2]; thực hiện thẩm định kết quả đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật[3].
- Công tác quản lý về xử lý vi phạm hành chính đạt được những kết quả tích cực; tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định về xử phạt; thường xuyên hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong việc áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đưa công tác này từng bước đi vào nền nếp[4], xử lý các vấn đề vướng mắc, đồng thời đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Công tác theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện khá bài bản; tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 03/01/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tham mưu tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch công tác theo dõi thi hành pháp luật hằng năm; tăng cường kiểm tra, khảo sát việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật và tình hình thi hành pháp luật[5]; chủ trì hoặc phối hợp giải quyết 37 vụ việc vướng mắc trong thi hành pháp luật.
- Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số năng lực cạnh tranh của Sở Tư pháp (DCI); thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tổ chức 10 Hội nghị, tọa đàm, đối thoại, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 728 đại biểu doanh nghiệp, hợp tác xã; tiếp nhận và giải đáp 89 ý kiến, vướng mắc của các doanh nghiệp; tư vấn, hướng dẫn thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh, được cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam (VCCI) đánh giá cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đặc biệt là chỉ số ”Thiết chế pháp lý”[6]; chỉ số xếp hạng DCI của Sở hằng năm cao, năm 2019 được xếp hạng nhất trong số các sở, ban, ngành[7].
- Tăng cường quản lý và đăng ký hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi; triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, Số hóa sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; xây dựng và đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch và cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh của Bộ Tư pháp. Hàng năm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho công chức ngành tư pháp từ tỉnh đến cơ sở. Việc đăng ký hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi được kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân[8].
- Công tác lý lịch tư pháp được triển khai thực hiện hiệu quả; khắc phục căn bản tình trạng tồn đọng thông tin lý lịch tư pháp; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử và kho hồ sơ lý lịch tư pháp; tỷ lệ xử lý thông tin lý lịch tư pháp đạt 97%[9]; triển khai thực hiện phần mềm hỗ trợ tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp giữa Sở Tư pháp với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Cục hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Phòng Hồ sơ Công an tỉnh; tiếp nhận và giải quyết kịp thời yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, tỷ lệ giải quyết trước và đúng hạn hàng năm đạt 99,3% trở lên, đáp ứng yêu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác công chứng, chứng thực; kp thời tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện thể chế về công tác công chứng, chứng thực[10]; thành lập Hội Công chứng viên tỉnh; tổ chức hành nghề công chứng tiếp tục tăng[11]; xây dựng và đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu công chứng và thông tin ngăn chặn; thực hiện quản lý hoạt động công chứng, chứng thực theo đúng quy định[12]. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp.
- Triển khi thực hiện có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý; chú trọng trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội; kiện toàn Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh và Tổ giúp việc Hội đồng; ký hợp đồng trợ giúp pháp lý với các tổ chức hành nghề luật sư; thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, đảm bảo 100% yêu cầu trợ giúp pháp lý của công dân được giải quyết theo đúng quy định[13].
- Triển khai thi hành Luật đấu giá tài sản đạt kết quả bước đầu; thường xuyên theo dõi việc chấp hành pháp luật về đấu giá tài sản; chủ trì hoặc phối hợp với các ngành tham mưu xử lý vi phạm pháp luật về đấu giá tài sản; thực hiện chuyển đổi Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản từ đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần sang đơn vị tự chủ chi thường xuyên và biên chế[14].
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; chủ động trình UBND tỉnh tinh gọn tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp[15]; củng cố, kiện toàn tổ chức các phòng, trung tâm thuộc Sở[16]. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức ngành tư pháp từ tỉnh đến cơ sở[17]. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động theo quy định[18]. Chú trọng công tác thi đua khen thưởng, kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác[19]. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương cơ quan hành chính nhà nước các cấp; công chức, viên chức, người lao động nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực công tác tư pháp[20].
  Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính; tiếp nhận và giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp theo quy định; 06 năm liên tục từ 2014 đến 2019, Sở Tư pháp được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng nhất, dẫn đầu các Sở, ban ngành tỉnh về Chỉ số cải cách hành chính[21]. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành của Sở Tư pháp; duy trì và sử dụng có hiệu quả 12 phần mềm ứng dụng chuyên ngành trong các lĩnh vực công tác tư pháp; thực hiện trao đổi 100% văn bản điện tử (trừ văn bản mật)[22].
Với những kết quả công tác nêu trên, có thể khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của cơ quan tư pháp trong tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hôi, bảo vệ quốc phòng an ninh tại địa phương. Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong quá trình xây dựng và trưởng thành ngành Tư pháp Việt Nam nói chung và ngành Tư pháp Tuyên Quang nói riêng, nhằm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Tư pháp giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của ngành Tư pháp và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang, trong thời gian tới ngành Tư pháp Tuyên Quang tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đồng thời tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành theo từng năm, từng giai đoạn theo sự chỉ đạo của cấp trên. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn ngành, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức ngành Tư pháp; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, năng động, sáng tạo. Toàn ngành tiếp tục đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu quyết tâm thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển ngành Tư pháp trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.
 
 
[1] Trong 03 năm (2017 – 2019), các xã dự kiến đạt chuẩn NTM của năm đều đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
[2] Tổ chức 03 Hội nghị tập huấn cho 600 đại biểu từ tỉnh đến cơ sở; cung cấp 2.830 bộ tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
[3] có 544/564 lượt xã/phường/thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 96,45%)
[4] Đã tổ chức 05 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về xử phạt vi phạm hành chính cho 1.770 lượt đại biểu từ tỉnh đến cấp xã; Chủ trì, phối hợp tổ chức 05 cuộc kiểm tra tại 37 cơ quan, đơn vị.
 
[5] Chủ trì, phối hợp tổ chức 05 cuộc kiểm tra tại 35 cơ quan, đơn vị; khảo sát tại 200 lượt cơ quan, đơn vị
[6] Chỉ số thiết chế pháp lý năm 2018 tăng 27 bậc so với năm 2017 (xếp hạng 4/63 toàn quốc), năm 2019 tăng về điểm số (tăng 0.56 điểm so với năm 2018).
[7] Năm 2015 xếp hạng 8/15; năm 2016 xếp hạng 2/15; năm 2017 xếp hạng 6/18; năm 2018 xếp hạng 4/18; năm 2019 xếp hạng 1/18.
[8] Chủ trì tổ chức 02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho công chức hộ tịch Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã và cấp chứng chỉ cho 200 học viên.
[9] đã xử lý 35.916/37.102 thông tin lý lịch tư pháp
[10] Gồm: (1) Quyết định số 19/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 của UBND tỉnh về việc Quy định mức trần thù lao công chứng và chi phí đánh máy, sao chụp (photocopy) tài liệu công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; (2) Quyết định số 02/2017/QĐ-UBND ngày 10/3/2017 Quy định tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;(3) Quyết định số 34/2019/QĐ-UBND ngày 05/12/2019 của UBND tỉnh Ban hành Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
[11] Đến nay có 04 văn phòng công chứng, tăng 02 văn phòng.
[12] Trình Bộ Tư pháp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 03 công chứng viên; Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho 01 Văn phòng công chứng; đăng ký hành nghề và cấp thẻ cho 06 công chứng viên; đăng ký tập sự hành nghề công chứng 11 trường hợp; đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng 04 trường hợp; xóa đăng ký hành nghề và thu hồi Thẻ 02 công chứng viên và trình Bộ Tư pháp miễn nhiệm theo quy định. Các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng 28.799 việc, thu phí công chứng 12.968.529.000 đồng, thù lao công chứng 2.242.899.570 đồng. Toàn tỉnh thực hiện chứng thực 3.654.906 việc.
[13] Các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện hoàn thành 1.622 vụ việc (tư vấn: 600 vụ việc, than gia tố tụng: 1.020 vụ việc; đại diện ngoài tố tụng: 02 vụ việc).
[14] Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản đã thực hiện 1.336 cuộc đấu giá tài sản, tổng giá trị tài sản bán được 444.824.784.000 đồng, tổng số phí và thù lao đấu giá thu được 2.741.933.000 đồng.
[15] Sau kiện toàn Sở Tư pháp có 04 phòng, đơn vị chuyên môn, 03 đơn vị sự nghiệp; giảm 03 phòng, 03 chức danh trưởng phòng, 11 chức danh cấp phó phòng.
[16] Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển: 23 lượt cán bộ (20 lượt Trưởng, phó phòng và tương đương thuộc Sở và trực thuộc Sở; 03 trưởng, phó phòng thuộc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở); điều động luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác 05 cán bộ; rà soát, bổ sung quy hoạch lãnh đạo cấp phòng giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2015-2020, tuyển dụng 04 CCVC.
[17] Đã cử 42 lượt công chức, viên chức tham gia đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng trình độ quản lý nhà nước, lý luận chính trị và các chương trình bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo quản lý; cử 489  lượt công chức, viên chức tham gia hội nghị, tập huấn, hội thảo, học tập kinh nghiệm.
[18] Nâng bậc lương thường xuyên và trước thời hạn, phụ cấp thâm niên cho 66 lượt CCVCLĐ
[19] Có 126 lượt tập thể, 320 lượt cá nhân được khen thưởng: Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 01 tập thể và 01cá nhân; Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen cho 06 tập thể và 08 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh công nhận lao động xuất sắc cho 11 lượt tập thể, tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh 07 lượt cá nhân, tặng Bằng khen cho 71 lượt cá nhân. Giám đốc Sở Tư pháp tặng Giấy khen và các danh hiệu thi đua cho 108 lượt tập thể và 233 lượt cá nhân.
[20] Tổ chức 04 cuộc thanh tra hành chính và 29 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 117 cơ quan, đơn vị.
[21] Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Sở Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết 6.154 hồ sơ, trong đó: giải quyết trước và đúng hạn 6.106 hồ sơ, đạt 99,2%; quá hạn 48 hồ sơ, chiếm 0,8% do nguyên nhân khách quan;
[22] trao đổi 45.051 văn bản, thông tin điện tử, trong đó 12.024  văn bản, thư điện tử trên “Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành” của Sở Tư pháp (gồm 16.091 văn bản đến, 15.037 văn bản đi, 13.923 lượt văn bản nội bộ), 319 thư (nhận 135 thư, gửi 184 thư) trên Tài khoản thư điện tử do Bộ Tư pháp cấp; 203 thư (nhận 160 thư, gửi 43 thư) trên Tài khoản thư điện tử do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp.