Nguyên tắc bảo đảm bí mật đời tư của cá nhân trong mối liên hệ với Phiếu LLTP số 2

26/07/2020
Ngày 17/6/2009 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật lý lịch tư pháp (Luật LLTP). Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện pháp luật về lý lịch tư pháp (LLTP) ở Việt Nam. Luật LLTP đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin LLTP; lập LLTP; Tổ chức và quản lý cơ sở dữ liệu LLTP; cấp Phiếu LLTP; quản lý nhà nước về LLTP. Trong đó, một trong những nguyên tắc quản lý LLTP được Luật LLTP quy định là “Bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân”. Bài viết đề cập, phân tích các quy định của pháp luật, thực tiễn thực hiện quy định của Luật LLTP về nguyên tắc bảo đảm bí mật đời tư của cá nhân trong mối liên hệ với Phiếu LLTP số 2, đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2.
1. Bí mật đời tư của cá nhân
Theo quy định của Luật LLTP, mục đích quản lý LLTP là nhằm[1]:
Một là, đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Hai là, ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng.
Ba là, hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự.
Bốn là, hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Để bảo đảm các mục đích quản lý LLTP nêu trên, một trong những nguyên tắc quản lý LLTP là “Bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân[2].
Hiện nay liên quan đến bảo vệ bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật Việt Nam công nhận và quy định không chỉ trong Luật LLTP mà còn ở rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: Hiến pháp năm 2013[3], Bộ luật Hình sự năm 2015[4], [5] (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Dân sự năm 2015[6], Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009[7], Luật Căn cước công dân năm 2014[8], Luật Trẻ em năm 2016[9].v.v.
Tuy nhiên, hiểu thế nào là “bí mật đời tư” thì hiện nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào đưa ra khái niệm, giải thích từ ngữ cho cụm từ này. Liên quan đến vấn đề này hiện chỉ có các văn bản giải thích cho cụm từ như “thông tin cá nhân” hay “Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em”. Theo đó, “Thông tin cá nhân là thông tin gắn liền với việc xác định danh tính, nhân thân của cá nhân bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử và thông tin khác theo quy định của pháp luật”[10]. Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em[11].
Vậy, hiểu thế nào là bí mật đời tư. Trước tiên, cần làm rõ hiểu thế nào là “bí mật”, và hiểu thế nào là “đời tư”. Theo từ điển tiếng việt, thì “bí mật”[12] được hiểu là kín đáo không lộ ra ngoài. “đời tư” là một từ Hán Việt, trong đó “đời” ở đây có thể hiểu là đời sống, cuộc sống, “tư”: thuộc về cá nhân[13]. Qua đó, có thể thấy, đã nói đến “bí mật đời tư” là những thông tin của cá nhân phải được giữ kín, không được để lộ ra bên ngoài. Vậy, nếu thông tin được công khai hợp pháp thì có được coi là bí mật đời tư nữa hay không? Đây cũng là một vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ và “bí mật đời tư” theo nguyên tắc của Luật LLTP được tiếp cận theo cách hiểu nào.
Hiện nay, quan niệm về “bí mật đời tư” đã được nhiều nhà nghiên cứu trong nước đưa ra với những lập luận, căn cứ khác nhau:
Có quan điểm cho rằng, bí mật đời tư là những thông tin, tư liệu (gọi chung là thông tin) về tinh thần, vật chất, quan hệ xã hội hoặc những thông tin khác liên quan đến cá nhân trong quá khứ cũng như trong hiện tại, được pháp luật bảo vệ và những thông tin đó được bảo mật bằng những biện pháp mà pháp luật thừa nhận[14].
Có quan điểm khác cho rằng, bí mật đời tư là những gì gắn với nhân thân con người: thông tin về hình ảnh, cuộc sống, quan hệ xã hội,… được giữ kín, không thể tiết lộ.
Có thể thấy rằng có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau về hiểu thế nào là “bí mật đời tư”, nhưng các cách tiếp cận có điểm chung là đều coi “bí mật đời tư” là những thông tin liên quan và gắn liền đến cuộc sống của một cá nhân nhất định. Những thông tin đó là những thông tin có nội dung mang tính chất “bí mật”, cá nhân thấy rằng cần thiết và mong muốn được giữ kín, không muốn công khai cho người khác biết. “Bí mật đời tư” được hiểu là quyền bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Phiếu lý lịch tư pháp số 2 và thực tiễn cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2
Hiện nay, theo quy định của Luật LLTP, có hai loại phiếu LLTP: Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2. So với Phiếu LLTP số 1, Phiếu LLTP số 2 ghi đầy đủ các thông tin của cá nhân, bao gồm các thông tin về án tích (đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xóa, thời điểm được xóa án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Tòa án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án) và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã[15] (Phiếu LLTP số 1 chỉ ghi những án tích chưa được xóa (những án tích đã được xóa không ghi vào Phiếu LLTP số 1. Phiếu LLTP số 1 cũng không ghi thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức[16] không có yêu cầu).
Do nội dung Phiếu LLTP số 2 có sự khác biệt so với Phiếu LLTP số 1 và do tính chất đặc thù của việc cấp Phiếu LLTP số 2 theo yêu cầu của cá nhân nhằm mục đích “để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình”[17] nên Luật LLTP quy định chặt chẽ về thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 của cá nhân. Theo đó, trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu LLTP. Trong khi đó, cá nhân khi có yêu cầu cấp Phiếu LLTP  số 1 có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP.
Bên cạnh quy định chặt chẽ về cấp Phiếu LLTP  số 2 cho cá nhân như đã nêu trên, theo quy định của Luật LLTP, Phiếu LLTP số 2 còn được cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Như vậy, có thể thấy, quy định của Luật LLTP về Phiếu LLTP số 2 và nguyên tắc “bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân” được tiếp cận, nhìn nhận dưới góc độ các thông tin của cá nhân cần thiết được giữ kín, không công khai cho người khác biết. Mục đích cấp Phiếu LLTP số 2 cho cá nhân là để người đó biết được cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp) đang lưu trữ những thông tin LLTP nào của bản thân, không nhằm phục vụ các yêu cầu của cá nhân tham gia các quan hệ pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác - cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự nhằm phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Qua theo dõi tình hình thi hành pháp luật về LLTP thời gian qua cho thấy, nhu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 của cá nhân ngày càng tăng. Nhu cầu này xuất phát từ chính yêu cầu của cá nhân, tổ chức khi cá nhân thực hiện một số các thủ tục tại các cơ quan, tổ chức như các thủ tục về định cư, kết hôn, xin việc làm, xuất khẩu lao động, du học...) nhưng không nhằm đến mục đích như Luật đề ra “Phiếu lý lịch tư pháp số 2… cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình”[18] và rõ ràng yêu cầu này của cá nhân không phù hợp với quy định của Luật LLTP và không thực hiện được nguyên tắc “bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân”.
 Tính đến ngày 31/12/2016[19], Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp đã thụ lý 1.617.649 yêu cầu cấp phiếu LLTP, đã giải quyết được 1.602.468 yêu cầu, bao gồm 1.271.648 yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 1 và 330.820 yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2.
Năm 2017[20]: Đã cấp được 452.836 phiếu LLTP (tăng tới 32,2% so với năm 2015), trong đó có 331.501 Phiếu số 1 và 121.335 Phiếu số 2.
Năm 2018[21]: Tại các địa phương, đã cấp được 539.060 phiếu LLTP (tăng gần 19% so với năm 2017), trong đó có 373.209 Phiếu số 1 và 165.851 Phiếu số 2.
Năm 2019[22]: Tổng số Phiếu LLTP đã cấp (bao gồm cả Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2) là 640.777 phiếu, bao gồm số Phiếu LLTP cấp theo yêu cầu của cá nhân là 640.732 Phiếu LLTP. Số phiếu LLTP cấp cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và cơ quan tiến hành tố tụng là 45 Phiếu LLTP. Trong đó, tổng số Phiếu LLTP số 2 đã cấp là 174.269 Phiếu LLTP với 174.249/174.269 Phiếu LLTP cấp cho cá nhân, gồm 172.460 Phiếu LLTP cấp cho công dân Việt Nam và 1.789 Phiếu LLTP cấp cho người nước ngoài.
Việc các cơ quan yêu cầu cá nhân nộp Phiếu LLTP số 2 như trên là không phù hợp với mục đích sử dụng của Phiếu LLTP số 2, để người đó biết được nội dung về LLTP của mình. Đồng thời, không phù hợp với ý nghĩa, mục đích quản lý LLTP ''Ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hòa nhập cộng đồng''[23]. Hiện nay, yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 của cá nhân vẫn tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp không có quyền từ chối yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 của cá nhân, bởi việc cá nhân sử dụng Phiếu LLTP số 2 không đúng mục đích không phải là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu LLTP từ chối cấp phiếu LLTP theo quy định của Luật LLTP. Tình trạng lạm dụng quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 đối với công dân tiếp tục tăng nhanh: Năm 2018 (cấp 166.473 Phiếu, tăng hơn 37% so với năm 2017)[24]. Năm 2019 (cấp 209.123 Phiếu, tăng 25,6% so với năm 2018)[25].
3. Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về Phiếu lý lịch tư pháp số 2, góp phần thực hiện hiệu quả nguyên tắc ''Bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân”
Trước yêu cầu, thực tiễn về cấp Phiếu LLTP số 2 như đã nêu trên, hiện nay, có hai quan điểm khác nhau liên quan đến việc đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về Phiếu LLTP số 2, cụ thể:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Cần nghiên cứu, sửa đổi quy định về cấp Phiếu LLTP số 2 theo hướng bỏ quy định về việc cá nhân có quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2, thống nhất chỉ có 01 loại phiếu LLTP cấp cho cá nhân – là loại Phiếu LLTP số 1 đang được cấp và sử dụng theo quy định của Luật LLTP vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, phù hợp với chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự ''Người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hoà nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích''[26], ''Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án''[27].
Thứ hai, phù hợp với mục đích và nguyên tắc quản lý LLTP, đó là “Ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hòa nhập cộng đồng”[28], phù hợp nguyên tắc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng[29], đó là: tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật. Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong hình phạt tù. Đồng thời, “Bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân[30].
Thứ ba, phù hợp với pháp luật của nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, theo quy định của pháp luật một số nước, cá nhân chỉ có quyền yêu cầu cấp 01 loại phiếu LLTP[31]: Tại Cộng hòa Pháp, pháp luật quy định có 3 loại Phiếu LLTP, trong đó: Phiếu lý lịch tư pháp số 1 (B1): Là loại phiếu chỉ cấp cho các cơ quan tư pháp (thẩm phán). Thông tin của Phiếu LLTP số 1 bao gồm tất cả các thông tin liên quan đến án tích của một người và những thông tin liên quan đến phán quyết của tòa án thương mại như cấm quản lý doanh nghiệp, cấm hành nghề (Điều 774, Điều 774-1 Bộ luật Tố tụng hình sự). Phiếu lý lịch tư pháp số 2 (B2): Là loại phiếu cấp cho các cơ quan hành chính. Phiếu LLTP số 2 không bao gồm các quyết định liên quan đến tội vi cảnh, một số quyết định liên quan đến tội phạm chưa thành niên, không bao gồm hình phạt án treo, không bao gồm những phán quyết do Tòa án nước ngoài tuyên (Điều 775 Bộ Luật tố tụng hình sự). Phiếu lý lịch tư pháp số 3 (B3): Chỉ chứa đựng những thông tin liên quan đến bản án của tòa án về những hình phạt tước tự do trên hai năm không được hưởng án treo và với thời hạn 2 năm hoặc dưới 2 năm nhưng Tòa án quyết định là ghi vào Phiếu LLTP số 3. Cá nhân chỉ được quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 3.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: Cần nghiên cứu, cân nhắc về việc bỏ Phiếu LLTP số 2 cấp cho cá nhân vì trên thực tế chỉ có số lượng rất nhỏ các trường hợp trong số các đối tượng xin cấp Phiếu LLTP số 2 đã từng có án tích nên không thể vì bảo đảm bí mật của đối tượng này mà ảnh hưởng đến nhiều cá nhân khác. Mặt khác, thực tiễn cho thấy nhu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 của cá nhân ngày một tăng để phục vụ mục đích xin thị thực nhập cảnh, định cư, kết hôn, xuất khẩu lao động... theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài. Nếu bỏ quy định về cấp Phiếu LLTP số 2 có thể gây khó khăn và ảnh hưởng đến quyền lợi của chính công dân Việt Nam.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, theo đó cần nghiên cứu, sửa đổi quy định về cấp Phiếu LLTP số 2 theo hướng không cấp Phiếu LLTP số 2 cho cá nhân. Cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu LLTP chỉ được cấp 01 loại Phiếu LLTP  – Phiếu LLTP số 1. Đồng thời để bảo đảm tính minh bạch và quyền dân chủ của công dân, nghiên cứu, bổ sung quy định về việc cá nhân có quyền biết về LLTP của mình (lý lịch tư pháp đầy đủ) thông qua việc xem, đọc trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền về LLTP. Quy định này cũng phù hợp với pháp luật của một số nước, ví dụ như pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức quy định: Cá nhân đủ 14 tuổi có quyền được yêu cầu cung cấp thông tin LLTP đầy đủ của bản thân. Nhưng cá nhân chỉ được phép xem thông tin của mình tại Cơ quan đăng ký Trung ương hoặc tại Tòa án cấp huyện được chỉ định mà tại đó người yêu cầu có thể trực tiếp đọc thông tin hoặc cơ quan quản lý trại giam nếu người đó đang bị bắt giữ hoặc cơ quan đại diện của Cộng hòa liên bang Đức ở nước ngoài do người có yêu cầu chỉ định nếu người có đơn yêu cầu sống ngoài phạm vi có hiệu lực của luật này (Điều 42 Luật BZRG)[32]./.
Ths. Nguyễn Thị Minh Phương, Cục QLXLVPHC&TDTHPL
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
3. Bộ luật dân sự năm 2015.
4. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
5. Luật Căn cước công dân năm 2014.
6. Luật Trẻ em năm 2016.
7. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
8. Báo cáo số 173/BC-BTP của Bộ Tư pháp ngày 20/6/2017 tổng kết 06 năm thi hành Luật lý lịch tư pháp.
9. Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 02/01/2018 của Bộ Tư pháp Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2018.
10. Báo cáo số 13/BC-BTP ngày 15/01/2019 của Bộ Tư pháp Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2019.
11. Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2020 của Bộ Tư pháp tổng kết công tác tư pháp năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2020.
12. Báo cáo ngày 26/7/2017 của Bộ Tư pháp tổng thuật pháp luật nước ngoài về lý lịch tư pháp.
13. Từ điển tiếng việt, Nhà xuất bản từ điển Bách khoa, Hà Nội 2005.
14. Nguyễn Thị Thu Hằng, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp “Phiếu lý lịch tư pháp và vấn đề quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở Việt Nam hiện nay”, số chuyên đề “Lý lịch tư pháp”, Tạp chí dân chủ và pháp luật, NXB tư pháp, Hà Nội 2012.
15. Hạn chế cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2: Bảo vệ bí mật đời tư hay gây khó cho công dân. http://baophapluat.vn/tu-phap/han-che-cap-phieu-ly-lich-tu-phap-so-2-bao-ve-bi-mat-doi-tu-hay-gay-kho-cho-cong-dan-347679.html.
16. Ths. Đỗ Thị Thúy Lan, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp: Quy định cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 – Những vướng mắc trong thực tiễn thi hành. http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2253.
17. TS.Lê Đình Nghị, Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội: Bàn về khái niệm bí mật đời tư.  https://dqlaw.wordpress.com/2011/08/15/ban-về-khai-niệm-bí-mat-doi-tu.
18. Ths. Lê Văn Sua – Quyền bí mật đời tư theo quy định của pháp luật dân sự: Cần được hướng dẫn. http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1946.
19. Ngô Thu Trang, Nguyễn Kim Thoa, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp: Nghiên cứu quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. http://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2271.
20. Sửa đổi Luật Lý lịch tư pháp phù hợp quyền và lợi ích của công dân. https://baomoi.com/sua-doi-luat-ly-lich-tu-phap-phu-hop-quyen-va-loi-ich-cua-cong- dan/c/22910844.epi.
 
 

[1] Xem:Điều 3 Luật lý lịch tư pháp năm 2009.
[2] Xem: Khoản 2 Điều 4 Luật lý lịch tư pháp năm 2009.
[3] Xem: Điều 21 Hiến pháp năm 2013.
[4] Xem: Điều 159 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[5] Xem: Điểm đ khoản 2 Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[6] Xem: Điều 38 Bộ luật dân sự 2015.
[7] Xem: Khoản 2 Điều 3 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
[8] Xem: Điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Căn cước công dân năm 2014.
[9] Xem: Điều 21 Luật Trẻ em năm 2016.
[10] Xem: Khoản 16 Điều 3 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
[11] Xem: Điều 33 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.
[12] Xem: Từ điển tiếng việt, Nxb từ điển Bách khoa, Hà Nội 2005, trang 66.
[13] Xem Từ điển tiếng việt, NXB từ điển Bách khoa, Hà Nội 2005, trang 878.
[14] TS.Lê Đình Nghị, Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội: Bàn về khái niệm bí mật đời tư. https://dqlaw.wordpress.com/2011/08/15/ban-về-khai-niệm-bí-mat-doi-tu.
[15] Xem: Điều 43 Luật lý lịch tư pháp năm 2009.
[16] Xem: Điểm a khoản 1 Điều 41; điểm b khoản 3 Điều 42 Luật lý lịch tư pháp năm 2009.
[17] Xem: Điểm b khoản 1 Điều 41 Luật lý lịch tư pháp năm 2009.
[18] Xem: Điểm b khoản 1 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.
[19] Xem Báo cáo số 173/BC-BTP ngày 20/6/2017 của Bộ Tư pháp tổng kết 06 năm thi hành Luật lý lịch tư pháp.
[20] Xem: Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 02/01/2018 của Bộ Tư pháp Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2018.
[21] Xem: Báo cáo số 13/BC-BTP ngày 15/01/2019 của Bộ Tư pháp Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2019.
[22] Xem: Biểu mẫu số 12 – Tổng hợp số liệu thống kê về số Phiếu lý lịch tư pháp đã cấp năm 2019 (từ 01/01/2019 đến 31/12/2019), (Kèm theo Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2020 của Bộ Tư pháp tổng kết công tác tư pháp năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2020).
[23] Xem: Khoản 2 Điều 3 Luật lý lịch tư pháp.
[24] Xem: Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2019 (Tài liệu Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019, Hà Nội, ngày 08/01/2019), tr.17.
[25] Xem: Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2020 của Bộ Tư pháp tổng kết công tác tư pháp năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2020, trang 13.
[26] Xem: Điểm g khoản 1 Điều 3 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[27] Xem: Khoản 1 Điều 69 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[28] Xem: Khoản 2 Điều 3 Luật lý lịch tư pháp.
[29] Xem: Điều 3 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng (Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020).
[30] Xem: Khoản 2 Điều 4 Luật lý lịch tư pháp.
[31] Xem: Báo cáo ngày 26/7/2017 của Bộ Tư pháp tổng thuật pháp luật nước ngoài về lý lịch tư pháp.
 
[32] Xem: Báo cáo ngày 26/7/2017 của Bộ Tư pháp tổng thuật pháp luật nước ngoài về lý lịch tư pháp.