Nghiên cứu quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

16/01/2018
Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là một trong những quyền con người cơ bản và quan trọng, được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi pháp luật về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là chưa có cơ chế pháp lý đặc thù và phù hợp để xử lý.

1. Đánh giá về các công trình đã nghiên cứu về vấn đề này
Qua nghiên cứu bước đầu cho thấy, một số công trình đã nghiên cứu về lý luận và thực tiễn về bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, trong đó có thể kể đến một số công trình như:
  1. Nghiên cứu trong nước:
- Lê Đình Nghị (2009), ‘‘Quyền bí mật đời tư theo quy định của pháp luật Việt Nam’’, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội;
- Thái Thị Tuyết Dung (2012), ‘‘Quyền tiếp cận thông tin và quyền riêng tư ở Việt Nam và một số quốc gia’’, Sách chuyên khảo, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh;
- Vũ Công Giao, Phạm Thị Hậu, ‘‘Pháp luật bảo vệ quyền bí mật dữ liệu cá nhân trên thế giới và Việt Nam’’, Bài đăng Tạp chí khoa học Nhà nước và Pháp luật số 2/2017, trang 67;
- Nguyễn Ngọc Anh, ‘‘Lý lịch tư pháp, bí mật đời tư về tình trạng tiền án của cá nhân’’, Bài đăng Tạp chí khoa học Dân chủ và Pháp luật số Chuyên đề về Lý lịch tư pháp, trang 8;
- Phùng Trung Tập, ‘‘Bí mật đời tư bất khả xâm phạm’’, Bài đăng Tạp chí Luật học số 6/1996, trang 41;
- Nguyễn Thị Huyền Trang (2014), ‘‘Quyền được bảo vệ đời tư trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam’’, Luận văn Thạc sĩ Pháp luật về quyền con người, Khoa Luật – ĐHQGHN, Hà Nội;
- Hoàng Lê Minh (2016), ‘‘Quyền bí mật đời tư trong Hiến pháp năm 2013 và thực tiễn tại Việt Nam’’, Luận văn thạc sĩ luật học, Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội ;
- Nguyễn Thị Ánh Hồng, ‘‘Bảo vệ quyền đảm bảo bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam’’, Bài đăng trên Tạp chí Khoa học pháp lý số 2/2014, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, trang 51;
- ThS Lê Văn Sua, ‘‘Quyền bí mật đời tư cần được hướng dẫn cụ thể’’, Bài đăng trên Tạp chí Luật sư Việt Nam số 5/2016, trang 27.
  1. Nghiên cứu nước ngoài:
- Dimitri Vitaliev (2007), An ninh điện tử và bảo vệ đời tư cho những người đấu tranh nhân quyền, Frontline International Foundation for the Protection of Human rights defenders;
- Graeme Laurie (2002), ‘‘Genetic privacy: a challenge to medico-legal norms’’, Cambridge, U.K; New York: Cambridge University Press;
- Michael, James (1994), ‘‘Privacy and human rights: an international and comparative study, with special reference to developments in information technology’’, Paris: Aldershot UNESCO Publ; Dartmouth,cop
- William N. Eskridge, Nan D. Hunter (1997), ‘‘Sexuality, gender, and the law’’, New York : Foundation press ;
- Richard Hunter (2002), ‘‘World without secrets: Business, crime, and privacy in the age of ubiquitous computing’’,  New York... : John Wiley & Sons ;
- Bruce Schneier, David Banisar (1997), ‘‘The Electronic privacy papers : Documents on the battle for privacy in the age of surveillance’’, John Wiley & Sons.
Các công trình nêu trên đã nghiên cứu, đánh giá một cách chung nhất về quyền bí mật đời tư, quyền riêng tư, quyền bí mật dữ liệu cá nhân ở nước ta và một số quốc gia trên thế giới, trong đó có đã có những đóng góp khoa học như: đưa ra khái niệm và cách tiếp cận về quyền riêng tư; phân biệt quyền riêng tư và bí mật đời tư; các mô hình bảo vệ quyền riêng tư trên thế giới; nghiên cứu chung dưới góc độ quyền con người trong việc bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân; khái quát về lịch sử phát triển về quyền bí mật đời tư ở Việt Nam và tìm hiểu về việc ghi nhận và bảo hộ quyền bí mật đời tư ở một số quốc gia trên thế giới… 
Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, việc phân tích, đánh giá trong các tài liệu, các công trình nghiên cứu nêu trên mới chỉ dừng ở việc đánh giá chung nhất về quyền riêng tư, bí mật đời tư dưới góc độ quyền con người nói chung và sự bảo hộ, ghi nhận của pháp luật đối với các quyền này, mà chưa tập trung đánh giá, phân tích kỹ những vấn đề lý luận và thực tiễn về cơ chế pháp lý bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong đó có cần thiết phải đưa ra: Nội hàm và đặc trưng của quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình với tư cách các quyền nhân thân của cá nhân; Khái niệm và các yếu tố cấu thành của cơ chế pháp lý bảo vệ quyền nhân thân về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đặc biệt là việc đánh giá đúng thực trạng thực thi pháp luật trong thời gian qua về vấn đề này trong từng lĩnh vực cụ thể và gắn với đối tượng cụ thể, để từ đó hoàn thiện hệ thống pháp luật và hệ thống thiết chế thực thi. Do vậy, các tài liệu, các công trình nghiên cứu nêu trên đã thiếu các giải pháp tổng thể, toàn diện nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
2. Sự cần thiết của việc nghiên cứu và xây dựng chính sách, pháp luật về vấn đề này
Trong thời gian tới, việc nghiên cứu và xây dựng chính sách, pháp luật bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là cần thiết và xuất phát từ những lý do chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, hiện nay Việt Nam đã công nhận và bảo hộ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong các văn bản pháp luật như Hiến pháp, Bộ luật dân sự và pháp luật chuyên ngành, cụ thể:
Điều 21 Hiến pháp năm 2013 có quy định “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn; 
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”.
Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”.
Khoản 2 Điều 46 Luật giao dịch điện tử năm 2005 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Điều 16 Luật an toàn thông tin mạng năm 2015 quy định nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, theo đó: “1. Cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thông tin do mình xử lý.
Điều 159 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
        a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;
        b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;
        c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;
       d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;
       đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác…
         Bên cạnh đó, Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Tại Điều 17 Công ước khẳng định: “(1) Không ai bị can thiệp một cách độc đoán và bất hợp pháp đến đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín; hoặc bị xúc phạm một cách bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. (2) Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại mọi sự can thiệp và xúc phạm như vậy”.
          Thứ hai, cần có những nghiên cứu chuyên sâu góp phần xác định nội hàm và đặc trưng của quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình với tư cách các quyền con người nói chung và quyền nhân thân của cá nhân nói riêng. Qua rà soát cho thấy mặc dù nước ta đã có những quy định về công nhận và bảo hộ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình nằm rải rác tại nhiều văn bản pháp luật, tuy nhiên nhiều quy định còn quá chung chung, khó triển khai trên thực tế mang tính chất là nêu ra quyền mà chưa có sự định hướng hành vi và chế tài đối với hành vi vi phạm. Điều này xuất phát từ lý do, pháp luật hiện nay chưa có định nghĩa rõ ràng và xác định phạm vi thế nào là đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình gây ra sự lúng túng và vướng mắc trong thực thi các quy định pháp luật từ phía cơ quan nhà nước và người dân.
         Ví dụ như:
- Phạm vi và nội hàm đặc trưng của đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình không được quy định rõ ràng dẫn tới có nhiều vướng mắc trên thực tiễn.
Ví dụ như vướng mắc trong cách hiểu ‘‘điểm thi của học sinh có phải bí mật cá nhân, đời sống riêng tư’’ hay không. Vấn đề này thời gian vừa qua được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông và cơ quan báo chí rất quan tâm khi công bố công khai điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của thí sinh. Theo Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em, tại Điều 33 quy định “Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em”. Quy định này khẳng định kết quả học tập, cụ thể là điểm thi của trẻ em là thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em. Điều 1 Luật trẻ em năm 2016 quy định “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Do đó, có thể khẳng định đối với những thí sinh dưới 16 tuổi thì điểm thi được coi là bí mật cá nhân, đời sống riêng tư. Còn đối với những thí sinh trên 16 tuổi thì pháp luật chưa có quy định điểm thi có là thông tin bí mật cá nhân, đời sống riêng tư hay không. Điều này gây ra sự lúng túng trong thực thi pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền và phần nào ảnh hưởng tới quyền lợi của thí sinh trên 16 tuổi.
- Việc xác định các hành vi nào là xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc không xâm phạm còn chưa có những hướng dẫn, tiêu chí cụ thể mà chủ yếu nằm rải rác tại các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Qua rà soát, nghiên cứu những biểu hiện sau đây là hành vi xâm phạm bí mật cá nhân, đời sống riêng tư : (1) Hành vi thu thập, công bố các thông tin, tư liệu liên quan đến cá nhân không được sự đồng ý của người đó hoặc của nhân thân cá nhân trong trường hợp cá nhân chết, mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật ; (2) Hành vi xâm phạm bất hợp pháp chỗ ở của cá nhân ; (3) Hành vi xâm phạm bí mật đời tư liên quan đến thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân. Tuy nhiên ở nước ta và ngay cả một số quốc gia tiến bộ, việc xác định hành vi xâm phạm không hề dễ dàng và thường gây nên sự tranh cãi của công chúng và khi xét xử vụ việc cụ thể nào đó thường do thẩm phán quyết định dựa trên kinh nghiệm và tương tự pháp luật. Thời gian vừa qua có một số vụ việc còn có nhiều quan điểm tranh luận xoay quanh như:
Các thông tin liên quan đến tổng tài sản của cá nhân và hành vi công khai thông tin có bị coi là xâm phạm bí mật cá nhân, đời sống riêng tư hay không còn có tranh cãi. Xuất phát từ việc ngày 03/01/2007, Báo Đại Đoàn Kết có đưa tin về ‘‘Những người giàu nhất Việt Nam’’. Có quan điểm cho rằng pháp luật không buộc cá nhân phải công khai tài sản của mình trừ khi được sự đồng ý của họ, ngoại trừ một số trường hợp cá nhân phải công khai tài sản theo quy định của pháp luật hoặc buộc chứng minh nguồn gốc tài chính; quan điểm khác cho rằng tổng tài sản của những người giàu nhất Việt Nam đã được thể hiện công khai thông qua những thông tin dữ liệu được công khai ví dụ như tổng số cổ phiếu niêm yết tại sàn chứng khoán, hay tổng số bất động sản góp vốn vào công ty… do đó tổng tài sản của những người này được phép công khai mà không cần xin phép họ.
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh đặc biệt là hình ảnh liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình cũng được đưa ra tranh luận bởi lẽ sự phân định giữa quyền của cá nhân đối với hình ảnh và quyền tự do báo chí còn chưa có quy định rõ ràng. Hoặc thậm chí việc đăng tải hình ảnh của cá nhân phạm tội lên trên báo chí hoặc mạng xã hội cũng là một vấn đề còn tranh cãi.
         Thứ ba, pháp luật của các quốc gia trên thế giới về bảo vệ quyền về đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình khá phát triển. Quyền về đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được ghi nhận và hướng dẫn cụ thể trong hiến pháp hoặc một đạo luật riêng hoặc thể hiện thông qua việc vận dụng các án lệ của thẩm phán khi xét xử.
           Một số ít quốc gia không quy định về quyền này trong Hiến pháp mà quy định trong các văn bản luật như Hoa Kỳ, Ireland và Ấn Độ. Nhiều quốc gia phát triển khác đã bắt đầu xây dựng luật về vấn đề này kể từ đầu thập kỷ 1970. Các luật bảo vệ dữ liệu cá nhân đầu tiên trên thế giới được ban hành tại bang Hessen, Cộng hòa Liên bang Đức (năm 1970), Thụy Điển (năm 1973), Đức (toàn liên bang năm 1977), Pháp (năm 1978) và sau đó lan ra nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới, ví dụ như: Bộ luật dân sự Pháp ghi nhận mọi người đều có quyền được tôn trọng đời tư của mình và quyền riêng tư này được pháp luật bảo vệ bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, giống như Bộ luật dân sự Việt Nam, Bộ luật dân sự Pháp không có quy định hướng dẫn cụ thể về khái niệm cũng như phạm vi những quyền riêng tư này như thế nào. Ngày 13/4/1988, Tòa án tối cao Pháp đã có phán quyết giải thích về phạm vi của quyền riêng tư, theo đó thì đời sống riêng tư của một người bao gồm: Đời sống tình cảm, bạn bè, gia đình, sinh hoạt hằng ngày, quan điểm chính trị, công việc làm ăn hay tư tưởng tôn giáo và tình trạng sức khỏe. Hiểu một cách chung nhất quyền riêng tư cho phép mọi người không phân biệt giai cấp, độ tuổi hay tài chính chống lại hành vi xâm phạm mà không được sự cho phép của họ. Trong khi đó, Hiến pháp Nhật tại Điều 13 ghi nhận rằng công dân có quyền sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc và được tôn trọng với tư cách là một công dân. Đây là quy định làm nền tảng cho những quy định của pháp luật chuyên ngành về quyền bí mật đời tư như: Công dân không được phép xây nhà có thể nhìn vào nhà của người khác, nghiêm cấm nhìn ngó nơi cư ngụ của người khác hay đọc thư cá nhân của người khác. Hội đồng Calcutt ở Vương quốc Anh cho rằng: “không nơi nào chúng ta có thể tìm thấy một định nghĩa hoàn toàn thỏa đáng về quyền riêng tư”. Nhưng Hội đồng này đã hài lòng với định nghĩa sau: Quyền riêng tư là các quyền của cá nhân được bảo vệ để chống lại sự xâm nhập vào đời sống cá nhân hay công việc của mình (hoặc những người trong gia đình) bằng các phương tiện vật lý trực tiếp hoặc bằng cách công bố thông tin.
        Đồng thời, thực tiễn pháp lý còn thể hiện qua việc ra đời các án lệ sau:
Vụ việc diễn ra tại thành phố Dortmund Cộng hòa Liên bang Đức liên quan đến việc xác định hành vi có xâm phạm đời sống riêng tư của cá nhân như sau: ông Robert xây một khu xông hơi sau vườn, mỗi lần tới đây, ông quyết định không mặc quần áo mà khỏa thân đi vào phòng xông hơi. Hàng xóm nhiều lần chứng kiến hành động này và họ cảm thấy không hài lòng và họ quyết định khởi kiện lên Tòa án thành phố Dortmund vì “không thể chịu nổi hình ảnh khỏa thân” của Robert. Thẩm phán nói rằng mỗi tuần ông Robert sử dụng phòng xông hơi 2 lần và việc khỏa thân theo tần suất này là “chấp nhận được”. Thẩm phán nói rằng không hề thấy dấu hiệu vi phạm hình sự trong trường hợp này và ông Robert hoàn toàn có quyền được khỏa thân đi lại tự do trong vườn nhà mình. Tuy nhiên hàng xóm nói Robert thường xuyên say xỉn, không chịu xây toilet và thường đi vệ sinh vào những bụi việt quất ông trồng. Thẩm phán đáp lời rằng luật pháp không cấm việc một người đi vệ sinh trong vườn nhà của ông ta. Vụ việc kết thúc và luật sư của ông Hans nói rằng “đây là một trải nghiệm đau buồn”.[1]
        Vụ việc tại thành phố Ottawa vào tháng 10/2017, một viên chức thành phố có tên Dunn bị Thành phố Ottawa yêu cầu tiết lộ tất cả các email được gửi hoặc nhận bởi Rick O'Connor - một Luật Sư Thành Phố, bởi lẽ email này do Thành phố cấp cho Dunn để làm việc, và có dấu hiệu nghi ngờ Dunn đã tiết lộ một số thông tin bí mật của Thành phố. Qua nhiều lần tranh luận tại Tòa, thẩm phán đã phán quyết rằng khó phân biệt giữa "thông tin cá nhân và tài liệu của nhân viên được lưu trữ dưới hình thức giấy trong tủ hồ sơ của chính phủ và bàn làm việc và các hồ sơ lưu trữ dưới dạng điện tử trong hệ thống máy tính do chính phủ sở hữu và nội dung liên lạc qua email giữa O'Connor và Dunn không liên quan gì đến các vấn đề kinh doanh của thành phố. Do đó, việc tiết lộ nội dung trong email của Dunn sẽ vi phạm quyền riêng tư của O'Connor và Dunn".[2]
          Thứ tư, việc nghiên cứu giúp xác định các giải pháp tổng thể, căn bản nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, cũng như nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành các quy định của pháp luật bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình ở Việt Nam.
          Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng thực thi pháp luật và đối chiếu, so sánh với thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, Đề tài xây dựng hệ thống các giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình ở Việt Nam.
          Thời gian vừa qua, qua nghiên cứu và rà soát pháp luật trên thế giới có thể có ba hệ thống giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình ở Việt Nam và giải quyết các vụ việc phát sinh, đó là: (1) Hệ thống các giải pháp hoàn thiện và xây dựng pháp luật: Một là, ban hành một đạo luật về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Luật Bí mật đời tư); Hai là trường hợp không ban hành một đạo luật về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình thì cần sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan (các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC) để lấp đầy “khoảng trống pháp lý” nhằm bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; (2) Hệ thống các giải pháp góp phần giải quyết tranh chấp tại Tòa án và giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án ví dụ như vận dụng các án lệ của Tòa án trong việc xét xử các vụ việc cụ thể đã có để giải quyết các vụ việc tương tự; (3) Hệ thống các giải pháp hoàn thiện các thiết chế bảo vệ ví dụ như xây dựng một cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm giám sát thi hành pháp luật và giải quyết các vụ việc xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Thứ năm, việc nghiên cứu cần chú trọng hoạt động khảo sát, đánh giá trên quy mô lớn trên các đối tượng chịu tác động trực tiếp và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, LGBTI,… và trong từng lĩnh vực cụ thể như bảo vệ bí mật cá nhân trên Internet, lĩnh vực y tế, báo chí, tín dụng hoặc khi tham gia tố tụng,… để tìm ra những khoảng trống pháp lý, nhằm nhận diện đúng bản chất và nội hàm của đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đóng góp trong quá trình đánh giá tác động của chính sách góp phần vào quá trình hoàn thiện và xây dựng pháp luật.
Ngô Thu Trang
Nguyễn Kim Thoa
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế
 
 
 
[1] “Đức: Được phép khỏa thân trong vườn dù hàng xóm nhức mắt”, Quang Minh, Truy cập: Thứ Năm, ngày 07/07/2016 18:00 PM (GMT+7), link: http://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/duc-duoc-phep-khoa-than-trong-vuon-du-hang-xom-nhuc-mat-c415a802709.html.
[2] http://www.right2info.org/cases