Hoàn thiện pháp luật về thuế bảo vệ môi trường

12/10/2017

Bảo vệ môi trường luôn được xác định là chủ trương, chính sách lớn, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Điều 43 Hiến pháp năm 2013 qui định “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước như sau: “Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế- xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế...”. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Vì lợi ích kinh tế, các nhà sản xuất có thể sẵn sàng khai thác triệt để các nguồn tài nguyên thiên nhiên hoặc bỏ qua các chi phí cần thiết cho việc giảm thiểu và xử lí chất thải từ quá trình hoạt động nhằm đạt được mục tiêu lợi nhuận ở mức cao nhất. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, việc sử dụng công cụ kinh tế nói chung, trong đó có việc áp dụng hình thức thuế môi trường có nhiều ý nghĩa quan trọng và phát huy tác dụng, hiệu quả. Trên cơ sở tầm quan trọng của thuế môi trường đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, bài viết tập trung vào một số vấn đề lý luận về thuế môi trường và bình luận một số quy định của Luật thuế bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2010.
1. Thuế môi trường – công cụ kinh tế quan trọng trong bảo vệ môi trường
1.1. Khái niệm, đặc điểm của thuế môi trường
Khoản 1 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định: “Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật”. Có thể thấy rằng, môi trường có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người và sinh vật. Thời gian qua, tăng trưởng kinh tế, quá trình công nghiệp hoá và phát triển đô thị tăng nhanh đã tác động xấu đến môi trường sinh thái như sự gia tăng chất thải, nước thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt; gia tăng số lượng chất thải rắn trong sinh hoạt và trong công nghiệp; gia tăng phát thải các chất gây ô nhiễm không khí từ cả quá trình sản xuất công nghiệp và sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm; ô nhiễm ngày càng gia tăng cả trên mặt đất, trong lòng đất, nước và trong không khí. Chính vì thế, việc đặt ra các biện pháp với mục đích bảo vệ môi trường là hoàn toàn cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Có nhiều biện pháp được sử dụng để bảo vệ môi trường, trong đó có việc sử dụng các công cụ kinh tế. Có thể hiểu rằng, sử dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường là việc dùng những lợi ích vật chất để kích thích các chủ thể thực hiện những hoạt động có lợi cho môi trường, cho cộng đồng.
Ở Việt Nam việc luật hóa các công cụ kinh tế trong quản lí môi trường đã bắt đầu được triển khai áp dụng, tuy chưa nhiều. Luật bảo vệ môi trường năm 2005 dành khoảng 10 điều quy định về các biện pháp tài chính liên quan đến lĩnh vực này bao gồm các quy định về thuế môi trường, kí quỹ môi trường, phí bảo vệ môi trường, các biện pháp hỗ trợ tài chính của Nhà nước (miễn, giảm thuế hay trợ giá đối với các sản phẩm tái chế từ chất thải…). Trên cơ sở đó, Luật bảo vệ môi trường năm 2014 cũng có các quy định về ưu đãi, hỗ trợ bảo vệ môi trường,phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, ký quỹ phục hồi môi trường, bồi hoàn đa dạng sinh học, bồi thường thiệt hại về môi trường, các biện pháp khác để bảo vệ tài nguyên và môi trường…Các biện pháp này đã tạo ra động lực kinh tế cần thiết, làm thay đổi hành vi của các chủ nguồn thải, khuyến khích họ tái chế, sử dụng chất thải nhằm tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động. Một trong các công cụ kinh tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không thể không nhắc tới đó là thuế môi trường. So với một số quốc gia trên thế giới thì ở Việt Nam, thuế môi trường là công cụ kinh tế còn khá mới mẻ. Luật bảo vệ môi trường năm 2005 là văn bản pháp luật đầu tiên có quy định về loại thuế này. Điều 112 quy định: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh một số loại sản phẩm gây tác động xấu lâu dài đến môi trường và sức khỏe con người thì phải nộp thuế môi trường”.
       Trong khoa học pháp lý có thể hiểu thuế môi trường là một loại thuế do nhà nước ban hành, đánh vào các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Khoản 1 Điều 2 Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010 đưa ra định nghĩa: “Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi chung là hàng hóa) khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường”. Như vậy, ở Việt Nam, thuế môi trường được thể hiện dưới tên gọi “thuế bảo vệ môi trường”. Thuế bảo vệ môi trường  là một trong các loại thuế do nhà nước ban hành nên trước hết nó cũng mang đầy đủ các đặc điểm chung của thuế như: tính bắt buộc; tính gắn liền với yếu tố quyền lực nhà nước và nó không mang tính đối giá, tính hoàn trả trực tiếp. Ngoài ra, thuế bảo vệ môi trường còn có các đặc thù sau:
Thứ nhất, thuế môi trường là thuế gián thu. Điều này được hiểu đó là việc thuế môi trường đã được cộng thêm vào giá bán của sản phẩm, khi đó gánh nặng thuế sẽ chuyển từ nhà sản xuất kinh doanh – chủ thể nộp thuế sang người tiêu dùng.
Thứ hai, đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường có tính đặc thù. Đối tượng chịu thuế môi trường là những sản phẩm mà việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng chúng gây tác hại lâu dài đến môi trường (khi chúng được sử dụng trong quá trình sản xuất, tiêu dùng hay hủy bỏ). Khái niệm sản phẩm ở đây được hiểu bao gồm hàng hóa và dịch vụ. Với định nghĩa thuế bảo vệ môi trường tại khoản 1 Điều 2 Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010, ta có thể thấy rằng, đối tượng chịu thuế chỉ là hàng hóa, không bao hàm dịch vụ và chỉ khi sử dụng mà gây tác động xấu tới môi trường mới là đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, tức là không bao hàm quá trình khi sản xuất ra các sản phẩm đó.
       Thứ ba, thuế môi trường là một trong các công cụ kinh tế quan trọng để quản lí và bảo vệ môi trường của nhà nước. Mỗi quốc gia khi ban hành thuế môi trường là đã nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay. Nghĩa vụ đóng thuế tạo động cơ thúc đẩy người gây ô nhiễm tìm phương pháp giảm thiểu ô nhiễm mới. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường là mục tiêu của những nỗ lực làm thay đổi hành vi. Thuế môi trường là công cụ đem lại hiệu quả nhất về chi phí trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với việc ban hành các quyết định hành chính khác.
Thứ tư, thuế môi trường góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, làm giảm hiệu ứng tiêu cực của hệ thống thuế nhu nhập hiện hành. Điều này có nghĩa là nếu các nhà sản xuất và người tiêu dùng không chấm dứt hoàn toàn các hoạt động gây ô nhiễm thì sẽ bị đánh thuế và phải có nghĩa vụ nộp thuế, khi đó sẽ trở thành một nguồn thu cho ngân sách. Bản chất của thuế môi trường là thuế gián thu cho nên nó sẽ không tạo phản ứng gay gắt từ người chịu thuế vì người nộp chỉ là người thay nhà nước thu từ những chủ thể chịu thuế, còn các chủ thể chịu thuế thường không biết mình là người phải gánh chịu thuế. Theo thống kê, số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm từ năm 2012 đến năm 2016 (tổng số thu thuế bảo vệ môi trường năm 2012 là 11.160 tỷ đồng, năm 2013 là 11.512 tỷ đồng, năm 2014 là 11.970 tỷ đồng, năm 2015 là 27.020 tỷ đồng, năm 2016 khoảng 42.393 tỷ đồng ); chiếm tỷ trọng khoảng 1,5% - 4,1% tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm tỷ trọng khoảng 0,3% - 0,9% trên GDP hàng năm.
Thuế bảo vệ môi trường có tính chất khác với phí bảo vệ môi trường. Phí bảo vệ môi trường thu vào hành vi xả chất thải ra môi trường, cả trong sản xuất và tiêu dùng (thu vào chủ thể xả chất thải gây ô nhiễm môi trường từ quá trình sản xuất, sử dụng như phí nước thải sinh hoạt). Người chịu phí và người nộp phí bảo vệ môi trường là người xả thải ra môi trường (cùng một chủ thể). Mức phí bảo vệ môi trường được xác định theo nguyên tắc bù đắp chi phí xử lý ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, thuế bảo vệ môi trường thể hiện định hướng, điều tiết của Nhà nước đối với việc tiêu dùng một số sản phẩm gây ô nhiễm nhằm hạn chế việc sử dụng sản phẩm này. Thuế bảo vệ môi trường thu vào một số sản phẩm  hàng hóa mà khi sử dụng sẽ gây ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng. Người tiêu dùng là người chịu thuế nhưng người sản xuất là người nộp thay.
1.2. Mục đích của thuế môi trường
Trên cơ sở tác động trực tiếp vào lợi ích kinh tế của người gây ô nhiễm, việc sử dụng công cụ này sẽ làm thay đổi hành vi của họ theo hướng có lợi cho môi trường, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở nhận thức rõ vai trò quan trọng của thuế môi trường thì việc mỗi nhà nước ban hành thuế môi trường với mục đích sau:
Trước hết, làm cho con người hạn chế sử dụng các sản phẩm tác động xấu đến môi trường; dần dần chuyển sang sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, ít tác động xấu đến môi trường hơn, định hướng nền kinh tế phát triển thân thiện với môi trường.
Thứ hai, làm con người thay đổi thái độ đối với môi trường sống, chú trọng khai thác tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả và thân thiện với môi trường; tự giác thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
Thứ ba, làm cho các nhà sản xuất thường xuyên cải tiến đổi mới công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm. Nếu đánh thuế môi trường mà giá nhiên liệu tăng thì điều này sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu tìm ra các nguồn năng lượng mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người dẫn tới việc ra đời của các công nghệ chu trình và sản phẩm mới. 
Thứ tư, thuế môi trường có mục đích giúp đạt hiệu quả bảo vệ môi trường nhanh hơn so với công cụ pháp lý. Hay nói cách khác, thông qua việc tác động vào lợi ích kinh tế của các chủ thể trong quan hệ quản lý môi trường nên việc sử dụng thuế môi trường sẽ đảm bảo các chủ thể này thực thi pháp luật hiệu quả hơn.
Thứ năm, tạo nguồn lực tài chính cần thiết, tăng thu cho ngân sách nhà nước để quản lý và bảo vệ môi trường. Thuế môi trường huy động nguồn lực tài chính cho ngân sách nhà nước đáp ứng yêu cầu chi tiêu của nhà nước trong đó có nhu cầu chi tiêu cho hoạt động quản lí và bảo vệ môi trường, tạo điều kiện phát triển tốt và bền vững hơn, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
1.3. Vai trò, ý nghĩa của thuế môi trường
Có thể khẳng định rằng, thuế môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng nhất là trong điều kiện hiện nay khi tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường đang ngày càng trở thành vấn đề cấp bách cần giải quyết của tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển và các quốc gia kém phát triển. Vai trò, ý nghĩa của thuế môi trường được thể hiện như sau:
Thuế môi trường góp phần làm thay đổi hành vi của các chủ thể kinh doanh và tiêu dùng theo hướng có lợi cho môi trường hay nói cách khác, thuế môi trường có vai trò và ý nghĩa trong việc định hướng sản xuất và tiêu dùng – sản xuất, nhập khẩu hàng hóa “sạch”. Thông qua việc tác động trực tiếp vào lợi ích kinh tế của các chủ thể liên quan mà chủ yếu là người gây ô nhiễm, các quy định về thuế môi trường sẽ làm thay đổi hành vi của họ theo hướng có lợi cho môi trường. Theo đó, những người gây ô nhiễm hoàn toàn có lí do để giảm lượng chất thải mà họ thải ra chừng nào chi phí cho việc này thấp hơn các chi phí về môi trường mà họ phải trả. Xét về lâu dài trong nền kinh tế thị trường, những công cụ kinh tế nói chung trong đó có thuế môi trường còn có thể làm nhiều hơn những gì một tiêu chuẩn môi trường đòi hỏi.
Thuế môi trường góp phần khuyến khích sự năng động, sáng tạo trong nghiên cứu và ứng dụng những quy định công nghệ phù hợp để giảm thiểu chất thải, qua đó tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Vai trò này của thuế môi trường được thể hiện ở chỗ, nó khuyến khích các chủ nguồn thải nghiên cứu và ứng dụng những quy trình công nghệ phù hợp nhất với khả năng của họ để giảm thiểu lượng chất thải phát sinh. Bởi lẽ, không phải chủ nguồn thải nào cũng có khả năng dồi dào về tài chính. Các cơ sở công nghiệp nhỏ và tiểu thủ công nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề này. Vì thế, nếu nhà nước quản lý theo phương cách mệnh lệnh hành chính nghĩa là áp đặt một loại thiết bị công nghệ nhất định mà cơ sở phải đầu tư để giảm thiểu chất thải thì sẽ có thể vượt quá khả năng tài chính cũng như trình độ công nghệ của cơ sở đó. Như vậy có thể thấy thuế môi trường có vai trò điều chỉnh kinh tế vĩ mô theo hướng tích cực, có tác dụng khuyến khích người gây ô nhiễm chủ động lưa chọn những biện pháp tối ưu để giảm thiểu ô nhiễm, vừa có lợi cho mình vừa bảo vệ môi trường, kích thích sự phát triển công nghiệp và tăng cường công tác nghiên cứu và phát triển “sản xuất sạch”.
Thuế môi trường còn tạo ra sự chủ động cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong quá trình hoạt động cũng như chủ động ứng phó với các sự cố môi trường có thể xảy ra. Thuế môi trường được sử dụng có vai trò, ý nghĩa đó là sẽ tạo cho các đối tượng này tự giác thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố, làm cho họ chủ động hơn trong việc giảm thiểu những tác động bất lợi cho môi trường khi sự cố xảy ra để đảm bảo lợi ích kinh tế của chính họ. Hơn nữa, chính vì việc thuế môi trường đánh vào những hàng hóa gây hại, có tác động xấu đến môi trường cho nên trên phương diện xã hội, thuế môi trường được sự ủng hộ của xã hội nhiều hơn.
Sử dụng công cụ kinh tế nói chung trong đó có thuế môi trường có vai trò trong việc có thể làm giảm bớt gánh nặng quản lý cho hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Với sức ép về các vấn đề môi trường đang đặt ra hiện nay, cùng với phương thức quản lý mệnh lệnh hành chính là chủ yếu, các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường luôn bị đặt trong tình trạng quá tải về công việc. Thay vì việc các cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên giám sát, theo dõi việc thực hiện các quyết định hành chính đã đặt ra cho các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh, thuế môi trường buộc các đối tượng này tự nguyện thực hiện những hành vi có lợi cho môi trường. Bởi vì, lợi ích kinh tế của chính cơ sở đã bị gắn chặt bởi những tổn hại về môi trường mà họ có thể gây ra. Do đó, không cần đến sự kiểm tra, giám sát thường xuyên và gắt gao của các cơ quan quản lí nhà nước về bảo vệ môi trường, các cơ sở này cũng đã tự nguyện tiến hành các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Khi đó gánh nặng quản lí của các cơ quan nhà nước đã được giảm thiểu một cách đáng kể.
2. Bình luận một số quy định của Luật thuế bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2010
Trước năm 2010, nước ta chưa có một sắc thuế riêng nào về bảo vệ môi trường để thu vào hàng hoá khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng hàng hóa loại này. Tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành và thực thi nhiều biện pháp tài chính nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia trực tiếp các hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên và huy động một phần đóng góp của đối tượng xả thải vào việc khôi phục môi trường. Các biện pháp này được thực hiện trong một số loại thuế như thuế đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và thông qua các khoản phí, lệ phí thu đối với các hoạt động liên quan tới môi trường như: Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn. Ngoài ra, một số chính sách thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng có những ưu đãi cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Một mặt, các khoản thu phí bảo vệ môi trường đã tạo thêm nguồn thu, góp một phần chi đầu tư giải quyết các vấn đề về môi trường, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của tổ chức, cá nhân trong việc giữ gìn môi trường, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Việc quy định ưu đãi thuế đối với lĩnh vực môi trường đã làm cho các doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc tìm các biện pháp nhằm hạn chế tác động bất lợi do hoạt động sản xuất của mình gây ra cho môi trường; quan tâm áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến để giảm bớt xả thải chất độc hại ra môi trường. Thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu thay thế nguyên liệu hoá thạch để sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, thay thế các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, nguồn thu từ các loại phí bảo vệ môi trường còn rất hạn chế do các loại phí này có tính pháp lý thấp, mức thu thấp nên tác động, hiệu quả không cao. Đối với các chính sách thuế như trên đã đề cập, mục tiêu bảo vệ môi trường không phải là mục tiêu chính, vì vậy việc khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, khuyến khích đầu tư vào các dự án làm sạch môi trường, không thu thuế nhập khẩu hoặc thu mức thuế suất thấp khi mua các sản phẩm, thiết bị liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường đã góp một phần vào mục tiêu bảo vệ môi trường nhưng chưa tác động trực tiếp đến hành vi tiêu dùng và hoạt động sản xuất các sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng chính sách thuế riêng về bảo vệ môi trường để thu vào các sản phẩm gây ô nhiễm, những sản phẩm mà việc sử dụng chúng gây tác động xấu tới môi trường.
Ngày 15/11/2010, Quốc đã thông qua Luật thuế bảo vệ môi trường và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Luật quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường. Luật được ban hành có vai trò quan trọng trong việc tạo khuôn khổ pháp lí đồng bộ, ổn định điều chỉnh toàn diện các hành vi tác động tiêu cực đến môi trường nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần làm thay đổi hành vi của tổ chức, cá nhân, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong đầu tư, sản xuất, tiêu dùng, khắc phục hạn chế trong chính sách thu hiện hành, tạo nguồn lực tài chính bù đắp chi phí bảo vệ môi trường bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển bền vững, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
2.1. Về đối tượng chịu thuế
Điều 3 Luật thuế bảo vệ môi trường quy định có 08 nhóm thuộc đối tượng chịu thuế, bao gồm:
Thứ nhất, xăng, dầu, mỡ nhờn: Đây là các sản phẩm có chứa một số chất hoá học như chì, lưu huỳnh...ngay cả khi chưa sử dụng.các chất chứa trong các loại xăng dầu đã phát thải ra môi trường và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Việc đưa các sản phẩm xăng dầu vào đối tượng chịu thuế nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
Thứ hai, than đá: Than đá được sử dụng cho mục đích đốt cháy sẽ thải ra môi trường các loại khí như CO2, SO2 là các khí gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người và môi trường. Phạm vi sử dụng than cũng rộng khắp nên việc đưa than đá vào đối tượng chịu thuế cũng nhằm mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm sự phụ thuộc vào năng lượng có nguồn gốc hoá thạch, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
Thứ ba, dung dịch HCFC: Đây là chất được sử dụng trong một số lĩnh vực công nghiệp như: làm lạnh, điều hoà không khí…. Sự phát thải chất HCFC vào khí quyển, làm ô nhiễm bầu không khí và là nguyên nhân chính gây suy giảm tầng ôzôn và gây hiệu ứng nhà kính. Việt Nam đã tham gia ký kết Nghị định thư Montreal về hạn chế sử dụng các chất làm suy giảm tầng ôzôn. Theo đó, các nước đang phát triển (trong đó có nước ta) sẽ phải loại trừ hoàn toàn việc sử dụng HCFC vào năm 2030.  Việc đưa chất HCFC vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần vào việc thực hiện cam kết Nghị định thư Montreal ở Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp giảm dần sử dụng HCFC bằng việc chuyển đổi công nghệ sản xuất.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu dung dịch HCFC thì phải kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường. Trên thực tế, dung dịch HCFC còn tồn tại dưới dạng chất hỗn hợp có chứa HCFC (như chất Polyol có trộn sẵn chất HCFC-141, được sử dụng để sản xuất tấm cách nhiệt; tỷ lệ HCFC có trong Polyol trộn sẵn HCFC-141b chiếm khoảng từ 13% đến 30%), nhưng Luật thuế bảo vệ môi trường hiện hành chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về chất hỗn hợp chứa dung dịch HCFC có thuộc đối tượng chịu thuế hay không. Mặc dù, Bộ Tài chính đã có công văn số 12128/BTC-CST ngày 01/9/2015 hướng dẫn thu thuế bảo vệ môi trường đối với dung dịch HCFC dưới dạng chất hỗn hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo cơ sở pháp lý chặt chẽ về thu thuế bảo vệ môi trường đối với dung dịch này dưới dạng chất hỗn hợp, tránh vướng mắc trong thực hiện thì cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định này tại Luật thuế bảo vệ môi trường.
Thứ tư, túi ni lông thuộc diện chịu thuế: Luật thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 3 Điều 2 như sau: “Túi ni lông thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, tên kĩ thuật là túi nhựa xốp”. Đây là sản phẩm phải trải qua thời gian rất lâu để phân hủy (có thể tới hàng trăm năm) hoặc không thể tự phân hủy được. Túi nhựa xốp thải bỏ sau khi sử dụng sẽ tích tụ trong đất gây suy thoái môi trường đất. Khi bị phân hủy thì còn sinh ra các chất làm đất bị trơ, không giữ được độ ẩm và dinh dưỡng cho cây trồng. Hiện nay, có nhiều nước trên thế giới đã thu thuế đối với các sản phẩm nhựa như: Anh, Ailen, Đài Loan...; một số nước khác cấm sử dụng sản phẩm túi nhựa trong các thành phố lớn như Bắc Kinh (Trung Quốc). Việc đưa túi nhựa xốp vào đối tượng chịu thuế nhằm mục tiêu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong việc sử dụng túi nhựa xốp, khuyến khích sản xuất các sản phẩm thay thế thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên, định nghĩa về túi ni lông thuộc diện chịu thuế như trên còn chung chung mặc dù đã được hướng dẫn cụ thể hơn tại Nghị định số 67/2011/NĐ-CP và Nghị định số 69/2012/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó đã hướng dẫn cụ thể cách hiểu về túi ni lông thuộc diện chịu thuế và bao bì đóng gói sẵn hàng hóa nhưng vẫn chưa đưa ra quy định liên quan đến việc nhận diện hình dạng túi ni lông (túi, bao bì) hoặc thế nào là túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lí khi tính thuế. Chính vì vậy, pháp luật cần bổ sung quy định về vấn đề này.
Thứ năm, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng
Thứ sáu, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng
Thứ bảy, thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng
Thứ tám, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng
Các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng là những hợp chất độc có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc tổng hợp từ các chất hóa học được dùng để phòng trừ dịch hại trên cây trồng và bảo quản nông sản. Hành vi sử dụng không đúng cách và liều lượng gây tác hại tới môi trường theo nhiều cách như các hoá chất lơ lửng trong không khí khi phun thuốc hay tồn tại trong các loại thực phẩm, trong nước, đất… Bởi hiện nay, việc sử dụng đúng cách, đúng liều lượng thuốc bảo vệ thực vật chưa được quan tâm do giá của nhiều loại sản phẩm còn tương đối rẻ so với giá nông sản.  Việc đưa các sản phẩm trên thuộc nhóm hạn chế sử dụng vào đối tượng chịu thuế nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng, khuyến khích họ thay đổi thói quen sử dụng lạm dụng, giảm thiểu những tác hại xấu của hoá chất bảo vệ thực vật đối với môi trường.
Có thể thấy rằng, 08 nhóm đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường là những hàng hóa thiết yếu, có tác động trên diện rộng trong đời sống. Tuy nhiên trên thực tế, có nhiều hàng hóa, sản phẩm mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường nhưng lại chưa được đưa vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, cần nghiên cứu việc một số dịch vụ cũng là đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường; và bổ sung thêm một số sản phẩm gây ô nhiễm môi trường khác vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường theo lộ trình phù hợp trên cơ sở đáp ứng các nguyên tắc sau: (i) phải là những hàng hoá sản xuất, nhập khẩu mà khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường; (ii) phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và với thông lệ quốc tế; (iii) đảm bảo tính khả thi, có tính đến sự hài hoà với phát triển kinh tế, không tác động đến năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng hoá xuất khẩu.
2.2. Về người nộp thuế
Người nộp thuế được quy định tại Điều 5 Luật thuế bảo vệ môi trường, theo đó tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế là người nộp thuế bảo vệ môi trường. So với Điều 112 Luật bảo vệ môi trường năm 2005 thì Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010 đã bổ sung thêm trường hợp chủ thể có hành vi “nhập khẩu” hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tại Điều 3 là người nộp thuế. Đây là một quy định hợp lí, bởi nó đã đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường, khắc phục thiếu sót trong quy định về thuế môi trường tại Luật bảo vệ môi trường năm 2005 bởi nếu chỉ quy định người có hành vi “sản xuất, kinh doanh” những hàng hóa gây tác hại đến môi trường thì nhiều người sẽ tạo kẽ hở này để trốn thuế. Nếu muốn sử dụng các sản phẩm gây hại, thuộc đối tượng chịu thuế, các chủ thể sẽ không sản xuất ra mà thay vào đó nhập khẩu để tránh phải nộp thuế bảo vệ môi trường. Vì vậy, quy định về người nộp thuế trong Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010 là hợp lý.
Thuế bảo vệ môi trường là thuế gián thu, mục đích của việc áp dụng thuế là định hướng, khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa thân thiện với môi trường và thể hiện sự điều tiết của nhà nước, hạn chế sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững bởi thực tế, bản thân người tiêu dùng là chủ thể gây ô nhiễm do sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm. Xuất phát từ đặc điểm đó, việc quy định chủ thể có hành vi sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế là người nộp thuế nhưng chính người tiêu dùng là người phải gánh chịu thuế do thuế đã được cộng vào giá bán của sản phẩm hợp lí, tránh được sự phản ứng gay gắt từ người tiêu dùng.
2.3. Về căn cứ tính thuế
Điều 6 Luật thuế bảo vệ môi trường quy định: “Căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường là số lượng hàng hóa tính thuế và mức thuế suất tuyệt đối”.
Số lượng hàng hóa tính thuế đã được quy định cụ thể đối với từng loại hàng hóa để phù hợp với đặc thù của sản xuất hàng hóa, cụ thể: Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho. Đối với hàng hóa nhập khẩu, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa nhập khẩu. Như vậy, ta có thể thấy việc quy định cụ thể đã tạo điều kiện thuận lợi và hạn chế việc phát sinh chi phí trong quản lý thu thuế bảo vệ môi trường.
 Mức thuế tuyệt đối: Mức thuế tuyệt đối được quy định theo biểu khung thuế cụ thể do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành, tùy theo từng đối tượng chịu thuế, là một số tiền/đơn vị hàng hóa[1]. Có thể nhận thấy rằng, việc pháp luật quy định tính thuế bảo vệ môi trường với mức thuế tuyệt đối là hợp lý. Bởi đây là phương pháp tốt nhất, thể hiện sự đơn giản, minh bạch trong thực hiện, bảo đảm sự chủ động trong việc tính toán giá thành sản phẩm cũng như đối với việc thu ngân sách nhà nước, không phụ thuộc vào sự biến động của giá cả hàng hóa. Mức thuế tuyệt đối được quy định theo Biểu khung thuế nên dễ thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên thì mức thuế tuyệt đối có một hạn chế đó là nó sẽ gây khó khăn trong công tác thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay với tình trạng trượt giá khó kiểm soát, khung tính thuế và mức thuế tuyệt đối sẽ liên tục phải thay đổi để phù hợp với thực tiễn, khi đó gây khó khăn trong công tác thực thi pháp luật.
2.4. Về biểu khung thuế và mức thuế cụ thể
Thuế bảo vệ môi trường là sắc thuế lần đầu tiên được xây dựng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành và thực thi chính sách thuế mới được thuận lợi, Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010 đã qui định Biểu khung thuế với mức thuế tuyệt đối tối thiểu và mức thuế tuyệt đối tối đa. Các mức thuế tuyệt đối tối thiểu và tối đa được xây dựng theo nguyên tắc phân biệt theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường và có tính đến việc kế thừa chính sách thu hiện hành (phí xăng dầu, phí bảo vệ môi trường) để không tác động lớn đến sản xuất, tiêu dùng, không xáo trộn việc quản lý thu thuế. Tuy nhiên, nhìn vào Biểu khung thuế quy định tại Điều 8 Luật thuế bảo vệ môi trường thì có thể thấy rằng, mức thuế tuyệt đối đối với một số đối tượng chịu thuế có tính thuyết phục chưa cao, khoảng cách giữa mức tối thiểu và mức tối đa áp dụng cho một loại hàng hóa là tương đối lớn, dẫn tới khả năng việc áp dụng sẽ không thống nhất đối với các doanh nghiệp cùng sản xuất một mặt hàng nhưng tại các địa phương khác nhau. Việc quy định biểu khung thuế đối với một số hàng hóa còn chưa hợp lý, cụ thể:
 Đối với xăng, dầu: Có thể thấy rằng, biên độ khá rộng, mức trần 4000 đồng/lít là khá cao. Bởi giá xăng hiện nay đã bao gồm rất nhiều các loại thuế, phí khác. Vì vậy, cần có quy định hợp lí hơn để tránh gây tác động đến đời sống người dân, gây biến động về giá thành sản phẩm, ảnh hưởng tới cả cân đối kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, việc quy định mức thuế đối với xăng là từ 1.000 – 4.000 đồng/lít trong khi dầu diezen là 500 – 2.000 đồng/lít là chưa hợp lý bởi khi sử dụng thì xăng gây ô nhiễm môi trường ít hơn, không phù hợp với nguyên tắc quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa đó là: “Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa” (Điểm b khoản 2 Điều 8 Luật thuế bảo vệ môi trường).   
Đối với túi ni lông: Theo quy định, mức thuế tuyệt đối được áp dụng là từ 30.000 – 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên thực tế pháp luật lại chưa có quy định chi tiết mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể và chưa có sự phân biệt đối với các sản phẩm túi ni lông khác nhau. Chính vì thế khi tính thuế thì cán bộ thuế - người vốn không có trình độ kỹ thuật chuyên môn, khó có thể phân biệt loại nào đánh thuế với mức 30.000đ/kg, loại nào đánh thuế với mức 50.000đ/kg, dễ dẫn tới khả năng áp dụng tùy tiện hay một số tiêu cực trong việc tính thuế. Hơn nữa, mức thuế cho sản phẩm này khá thấp, chưa đủ tác động mạnh đến hành vi của người sử dụng. Vì vậy, cần nghiên cứu điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông để góp phần đảm bảo mục tiêu giảm dần việc sử dụng túi ni lông, góp phần làm sạch, bảo vệ môi trường, phù hợp với thực tiễn.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông. Cụ thể như: ở Anh: 15cent/túi (tương đương 4.500đ/túi); Ailen: 15cent/túi (tương đương 4.500đ/túi); Hồng Kông: 0,05USD/túi (tương đương 1.050đ/túi); Estonia đang dự kiến thu thuế đối với túi ni lông ở mức 2 kroons/túi (tương đương 3.000 đồng/túi). Một số nước khác còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông mỏng, ví dụ như Trung Quốc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông có độ dày nhỏ hơn 0,025mm.
Như vậy, khung và mức thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông của Việt Nam thuộc diện thấp so với các nước trên thế giới nên chưa có tác động nhiều tới hạn chế sản xuất, sử dụng túi ni lông.
2.5. Về hoàn thuế
Điều 11 Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010 quy định người nộp thuế bảo vệ môi trường được hoàn thuế đã nộp trong các trường hợp sau:
       - Hàng hóa nhập khẩu còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan được tái xuất khẩu ra nước ngoài;
       - Hàng hóa nhập khẩu để giao, bán cho nước ngoài thông qua đại lý tại Việt Nam; xăng, dầu bán cho phương tiện vận tải của hãng nước ngoài trên tuyến đường qua cảng Việt Nam hoặc phương tiện vận tải của Việt Nam trên tuyến đường vận tải quốc tế theo quy định của pháp luật;
        - Hàng hóa tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất.
        -  Hàng hóa nhập khẩu do người nhập khẩu tái xuất khẩu ra nước ngoài;
        - Hàng hóa tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm theo quy định của pháp luật khi tái xuất khẩu ra nước ngoài.
Có thể nhận xét rằng, việc Luật thuế bảo vệ môi trường quy định cụ thể các trường hợp được hoàn thuế như trên là hợp lý, đảm bởi lợi ích của người nộp thuế.
Ngoài một số nội dung chủ yếu đã đề cập ở trên thì Luật thuế bảo vệ môi trường cũng đề cập tới thời điểm tính thuế và vấn đề khai thuế, tính thuế, nộp thuế…Tất cả được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Tuy nhiên, Luật chưa có quy định về vấn đề ưu đãi thuế (miễn, giảm thuế) theo tinh thần của một số luật về thuế khác. Việc quy định vấn đề về ưu đãi thuế sẽ có tác dụng làm cho các chủ thể sản xuất có ý thức hơn trong việc tìm các biện pháp nhằm hạn chế tác động bất lợi do hoạt động của mình gây ra cho môi trường, quan tâm áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến để giảm bớt xả thải chất độc hại ra môi trường; thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng công nghệ sạch để sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường hơn.
Luật thuế bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua và được triển khai thi hành trên thực tế đã tạo ra khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định và là yêu cầu tất yếu và khách quan trong điều kiện hiện nay. Qua gần 05 năm triển khai thực hiện, Luật Thuế bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường; khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường, thể hiện một bước tiến mới trong tư duy của các nhà làm luật, các nhà hoạch định chính sách trong vấn đề bảo vệ môi trường ở nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, Luật thuế bảo vệ môi trường cũng có một số bất cập, vướng mắc như đã đề cập. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật thuế bảo vệ môi trường là cần thiết[2]./.
                                             
                                       TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;
  2. Luật bảo vệ môi trường năm 2005;
  3. Luật thuế bảo vệ môi trường 2010;
  4. Luật bảo vệ môi trường năm 2014;
  5. Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;
  6. Nghị định của Chính phủ số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/8/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế BVMT; Nghị định của Chính phủ số 69/2012/NĐ-CP ngày 14/9/2012 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 2 Nghị định của Chính phủ số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/8/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế BVMT;
  7. Tờ trình Luật bảo vệ môi trường; Tờ trình Luật thuế bảo vệ môi trường.
 
 
[1] Hiện nay áp dụng theo Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 ngày 14/7/2011 về biểu thuế bảo vệ môi trường và Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 ngày 10/3/2015 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12
[2]Ngày 22/4/2017, tại kỳ họp thứ 9, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đồng ý trình Quốc hội bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội để cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2017