Cố ý gây thương tích cho người khác theo quy định của luật SĐBS BLHS năm 2015 và xác định đồng phạm

09/10/2017
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác là trong những tội phạm xảy ra phổ biến ở nước ta, BLHS năm 2015 đã có nhiều quy định mới so với BLHS năm 1999, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau BLHS năm 2015 đã không thi hành trong thực tiễn, vì vậy Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS (Gọi tắt là BLHS sửa đổi năm 2017) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung về tội phạm này, nhằm đáp ứng yêu cầu trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở nước ta hiện nay, tuy nhiên việc nghiên cứu yếu tố đồng phạm của Điều 134 tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người trong thực tiễn vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.

1. Quy định của Luật sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2017 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
Theo quy định tại Điều 134 BLHS sửa đổi năm 2017 thì. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 0năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”.
So với Điều 134 BLHS năm 2015 thì Luật sửa đổi BLHS năm 2017 có một số điểm mới sau đây:
Thứ nhất: Về bố cục của Điều luật: Trong BLHS năm 2015 Điều 134 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được phân chia thành 07 khoản, nhưng trong BLHS sửa đổi năm 2017 bố cục điều luật được phân chia thành 06 khoản, khoảng cách hình phạt tù áp dụng ở các khoản tăng lên.
Thứ hai: Tại khoản mục a khoản 1 Điều 134 BLHS sửa đổi năm 2017 bổ sung thêm quy định Dùng vũ khí, vật liệu nổ”, đồng thời thay khái niệm “02 người trở lên” bằng khái niệm “nhiều người”.
Hiện nay nhiều vụ án cố ý gây thương tích xảy ra đối tượng sử dụng nhiều loại axit hoặc hóa chất nguy hiểm khác nhưng pháp luật không quy định nên không có cơ sở để xử lý, vì vậy mục b Điều 134 thay thế quy định “ Dùng axit sunfuric (H2SO4)” bằng quy định “ Dùng axit nguy hiểm”, việc bổ sung như vậy là hoàn toàn phù hợp.
Bỏ các tình tiết “c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; d) Phạm tội 02 lần trở lên; đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên; n) Tái phạm nguy hiểm” trong khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015.
Thứ ba: Tại khoản 2 mức hình phạt tù áp dụng thay đổi từ 02 năm đến 06 năm (BLHS năm 2015 là 02 năm đến 05 năm). Tại khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015 chỉ quy định “Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm” .Tuy nhiên tại khoản 2 Điều 134 BLHS sửa đổi năm 2017 kết cấu điều luật được phân chia thành 05 khoản, trong đó định lượng thiệt hại về sức khỏe được phân chia trong các mục, cụ thể như sau:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
Thứ tư: Tại khoản 3 mức hình phạt tù áp dụng từ 05 năm đến 10 năm (BLHS năm 2015 từ 04 năm đến 07 năm). Đồng thời phân chia thành 04 mục cụ thể:
“a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
Thứ năm: Tại khoản 4 mức hình phạt tù áp dụng 07 năm đến 14 năm (BLHS năm 2015 là 07 năm đến 12 năm). Đồng thời phân chia thành các mục cụ thể như sau:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
Thứ sáu: Tại khoản 5 mức hình phạt tù áp dụng từ 12 năm đến 20 năm hoặc chung thân (BLHS năm 2015 là 10 năm đến 15 năm). Kết cấu được phân chia thành các mục, cụ thể như sau:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
Thứ bảy: Trong Điều 134 BLHS năm 2015 quy định hành vi chuẩn bị phạm tội mang tính chất chung trong thực tiễn rất khó xử lý, tuy nhiên tại khoản 6 của BLHS sửa đổi năm 2017 quy định cụ thể hành vi sau đây cũng phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác như sau Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”
2. Xác định yếu tố đồng phạm trong tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
Theo quy định của Điều 17 BLHS năm 2015 thì đồng phạm “1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.” Đồng phạm là một khái niệm pháp lý nói lên quy mô tội phạm, được thể hiện trong một vụ án có nhiều người tham gia. Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều người tham gia là đồng phạm, mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Giữa những người phạm tội đó có sự bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện tội phạm hoặc có sự tiếp nhận về mặt ý chí giữa những người phạm tội.
Chế định đồng phạm quy định trong Bộ luật hình sự có hai loại mà theo khoa học luật hình sự gọi là đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp (phạm tội có tổ chức).
Trong thực tiễn việc xác định yếu tố đồng phạm trong tội cố ý gây thương tích gặp rất nhiều khó khăn và còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Ví dụ: Khoảng 19h30ph ngày 12/4/2017 Nguyễn Văn A và Trần Thanh E cùng trú tại thôn 1 xã M, huyện p, tỉnh Y đến quán Cafe M, trên đường K, thành phố H, tỉnh Y để uống café thì gặp 03 thanh niên cùng thôn trong đó có Huỳnh Văn O, trước đó giữa O và A đã từng có mâu thuân. Khoảng 20h00 phút thì Nguyễn Văn A đến bàn của Huỳnh Văn O và nói “Thằng này láo” và dùng tay đấm vào mặt làm O ngã về phía sau và đầu O đập vào nền nhà, mọi người can ngăn nên A không thể đánh tiếp. Trong lúc O đang nằm trên sàn nhà thì đúng lúc này E tiến đến và đá hai phát nhưng trúng vào tay O. Thấy O chảy máu nên cả A và E không đánh nữa và bỏ chạy, O được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đã chết trên đường đi bệnh viện. Tại Bản kết luận giám định pháp y đã xác định nguyên nhân chết của anh Huỳnh Văn O là chấn thương sọ não. Vết dập vùng phía sau đầu – do vật có bề mặt phẳng tác động. Sau đó cả Nguyễn Văn A và Trần Thanh E bị bắt, tại CQĐT cả hai đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Sau khi vụ án xảy ra có nhiều quan điểm khác nhau về cách giải quyết:
Quan điểm thứ nhất: Nguyễn Văn A và Trần Thanh E đồng phạm tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 BLHS, bởi lẽ: mặc dù không có sự bàn bạc từ trước nhưng A và E đã tiếp nhận ý chí của nhau, cùng nhau dùng chân, tay đấm, đá anh O. Nguyễn Văn A là người trực tiếp dùng đấm vào mặt khiến đầu đập xuống nền nhà gây ra cái chết của anh O và cú đá của E giúp thúc đẩy cái chết của E đến nhanh hơn. Do đó, cả A và E đồng phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người với vai trò là người thực hành.
Quan điểm thứ hai: Nguyễn Văn A phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 BLHS còn Trần Thanh E không đồng phạm với Nguyễn Văn A vì khi A dùng tay đấm vào mặt O khiến O ngã và đập đầu xuống nền nhà, sau đó E mới đến đá vào tay O. Lúc đó, mặc dù E không có hành vi ngăn cản A nhưng cũng không có nghĩa rằng E đã thống nhất ý chí cùng với A để tước đoạt tính mạng của anh O.
Qua vụ án trên và thực tiễn nghiên cứu vấn đề đồng phạm trong tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người cho thấy:
Thứ nhất: Việc xác định hành vi thúc đẩy cái chết là yếu tố rất quan trọng. Theo Từ điển Tiếng Việt thì “Thúc đẩy là kích thích, tạo điều kiện, động lực cho hoạt động, phát triển mạnh hơn theo một hướng nhất định nào đó”, như vậy, hành vi được xem là thúc đẩy trong tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người thì hành vi đó phải là hành vi xảy ra sau và hành vi đó phải tác động trực tiếp lên chỗ mà hành vi trước đó đã gây ra. Đối với tình huống trên thì hành vi của E mặc dù diễn ra sau nhưng E không đá vào đầu O mà đá trúng vào tay, vì trong kết luận giám định thì nguyên nhân cái chết là do chấn thương sọ não, hành vi của E nếu đá trúng vào đầu thì có thể kết luận cú đá đó giúp thúc đẩy nhanh cái chết.
Thứ hai: Căn cứ theo quy định của BLHS thì đồng phạm của hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người là trường hợp có hai người trở lên (đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm) cùng thực hiện hành vi cố ý gây thương tích.
Mỗi người tham gia đều biết những người kia cũng có hành vi cố ý gây thương tích như mình. Nếu chỉ biết mình có hành vi cố ý gây thương tích mà không biết người cũng có hành vi đó thì không có đồng phạm.
Hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người thì dấu hiệu mục đích cũng là dấu hiệu quan trọng để xác định có đồng phạm hay không.
Trong tình huống nêu trên giữa hai hành vi của Nguyễn Văn A và Trần Thanh E độc lập nhau tuy cùng tác động đến một đối tượng là anh O nhưng E hoàn toàn không biết giữa Nguyễn Văn A và Huỳnh Văn O có xảy ra mâu thuẫn trước đó. Nguyễn Văn A hoàn toàn không biết rằng Trần Thanh E cũng tham gia đánh O vì hành vi của E diễn ra sau khi hành vi đánh O của A đã kết thúc. Mục đích của Nguyễn Văn A và Trần Thanh E đến là để uống ca fe.
Thứ ba: Giữa những người phạm tội đó có sự bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện tội phạm hoặc có sự tiếp nhận về mặt ý chí giữa những người phạm tội. Tiếp nhận ý chí là sự ăn ý hiểu ý giữa những người thực hiện hành vi phạm tội, tức là không cần bàn bạc nhưng những người phạm tội vẫn cùng nhau thực hiện tội phạm.
Trong tình huống nêu trên thì sau khi A đấm vào mặt O và ngã đập đầu xuống đất thì E đã lao vào đá O, hành vi của E có yếu tố của việc tiếp nhận ý chí vì E nhận thấy rằng khi A đánh O và bị mọi người can ngăn nhưng vẫn lao vào để đánh O và E biết rằng hành vi của mình và A là vi phạm pháp luật và có thể gây thương tích cho người khác nhưng E vẫn thực hiện. Tuy nhiên thời điểm hình thành việc tiếp nhận ý chí: Việc tiếp nhận về mặt ý chí của E được hình thành sau khi hành vi phạm tội của người thực hành là Nguyễn Văn A đã hoàn thành không phải là đồng phạm. Vì vậy E hoàn toàn không đồng phạm trong tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy Trần Thanh E không đồng phạm trong tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.
Như vậy, những sửa đổi, bổ sung của BLHS sửa đổi năm 2017 sẽ góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội cố ý gây thương tích hoặc gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác, tuy nhiên trong thực tiễn vấn đề xác định yếu tố đồng phạm trong tội này rất quan trọng góp phần phòng chống oan, sai trong tố tụng hình sự./.
TRẦN VĂN HÙNG
TÒA ÁN QUÂN SỰ KHU VỰC 1 QUÂN KHU 4