Pháp luật Việt Nam về trách nhiệm hình sự của pháp nhân

02/10/2017

1. Lần đầu tiên, trách nhiệm hình sự của pháp nhân được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015

Trong những năm qua, nền kinh tế nước ta đang có những bước phát triển mạnh mẽ tạo ra nhiều thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì mặt trái của nền kinh tế thị trường đã dẫn đến tình trạng nhiều tổ chức doanh nghiệp tiến hành các họat động sản xuất kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi cách, bất chấp sự an toàn tính mạng, sức khỏe của cộng đồng, vi phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân trong một số lĩnh vực như sản xuất kinh doanh, quản lý kinh tế, xã hội, chứng khoán, đầu tư, bảo hiểm, đấu thầu xây dựng, bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động... Nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng việc xử lý rất khó và mới chỉ ở dừng lại xử lý hành chính. Trong khi đó, chế tài xử phạt hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính vừa thiếu tính răn đe lại vừa không đầy đủ. Theo đó, Luật xử lý vi phạm hành chính cho phép các cơ quan chức năng áp dụng phạt tối đa đối với pháp nhân, doanh nghiệp có hành vi vi phạm nặng nhất không vượt quá hai (02) tỷ đồng. Còn đối với một số lĩnh vực cụ thể như: lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thì mức phạt tối đa không quá 300 triệu đồng; lĩnh vực bảo hiểm xã hội không quá 150 triệu đồng hay lĩnh vực thương mại không quá 200 triệu đồng. Với mức phạt này, theo ý kiến của một số chuyên gia, nhiều doanh nghiệp pháp nhân nhất là pháp nhân là các doanh nghiệp có quy mô lớn như: các tập đoàn kinh tế, công ty liên doanh, các công ty đa quốc gia, các hãng vận tải biển quốc tế có thể chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm. Đồng thời, qua rà soát hệ thống pháp luật hiện hành cho thấy, một số hành vi vi phạm do pháp nhân thực hiện không được qui định trong các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính như: hành vi mua bán người, hành vi tham nhũng, rửa tiền… nên không có căn cứ để xử phạt. Vì vậy, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, nếu không quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân thì sẽ rất khó xử lý sai phạm của chủ thể này; cần xử lý hình sự chủ thể là pháp nhân trong các trường hợp trên để đảm bảo tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Nếu coi pháp nhân là chủ thể tội phạm sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong thực tiễn, nhất là bảo vệ kịp thời lợi ích người bị thiệt hạn bằng thủ tục tư pháp hình sự.
Việc quy định TNHS của pháp nhân là phù hợp với lý luận về TNHS bởi pháp nhân tham gia vào quan hệ pháp luật như một chủ thể bình đẳng độc lập với các chủ thể khác cho nên pháp nhân phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Năng lực pháp luật và năng lực hành vi của pháp nhân phát sinh đồng thời và thường là kể từ thời điểm đăng kí hoạt động được cấp phép hoạt động. Pháp nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật thông qua các hoạt động của mình. Mọi hoạt động của pháp nhân được tiến hành thông qua hành vi của những cá nhân người đại diện hợp pháp của pháp nhân. Hành vi của những cá nhân này không tạo ra quyền và nghĩa vụ cho họ mà nhân danh pháp nhân, tạo ra các quyền và nghĩa vụ cho pháp nhân. Như vậy, pháp nhân được xem như là một cá nhân tách biệt với các thành viên và chủ sở hữu của nó. Pháp nhân mặc dù là thực thể trừu tượng nhưng nó do con người lập ra và hoạt động của nó chỉ có thể thực hiện được thông qua những con người cụ thể. Khi những người này thực hiện nghĩa vụ hoặc nhiệm vụ của pháp nhân thì ý chí và hành vi của họ được coi là ý chí và hành vi của pháp nhân. Nếu pháp nhân không được coi là chủ thể của tội phạm, tức là mọi hành vi, việc làm của pháp nhân cho dù có nguy hiểm cho xã hội đến đâu cũng không được coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự thì các quan hệ xã hội bị xâm hại sẽ không được bảo vệ.
Hơn nữa, TNHS của pháp nhân không phải là vấn đề mới mà vấn đề này đã được ghi nhận trong pháp luật hình sự quốc gia cũng như các văn bản pháp luật quốc tế. Xét ở góc độ pháp luật quốc gia, vấn đề TNHS của pháp nhân đã được quy định trong pháp luật hình sự của nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Canada, Australia, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Vương quốc Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và gần đây, một loạt các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu như Slovakia, Hungari, Lavia, Estonia, Croatia, v.v.... Tại châu Á, một số quốc gia cũng đã ghi nhận TNHS của pháp nhân như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Trung Quốc… Dưới góc độ pháp luật quốc tế, TNHS của pháp nhân đã được khuyến nghị trong nhiều Công ước của Liên Hợp quốc như: Công ước về trừng trị việc tài trợ cho khủng bố, Công ước quốc về chống tham nhũng, Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia… Vì vậy, để Việt Nam có thể thực hiện có hiệu quả các quy định của các Công ước quốc tế cũng như nhận được sự đồng thuận của các quốc gia trong khu vực phòng, chống tội phạm đặc biệt là phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm tham nhũng thi cần nội luật hóa vấn đề TNHS của pháp nhân trong pháp luật hình sự nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho sự hợp tác về lĩnh vực này.
Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung 01 Chương XI quy định về TNHS của pháp nhân gồm 16 điều (từ Điều 74 đến Điều 89) và trong một số điều khoản cụ thể khác của Bộ luật (các điều 2, 3, 8, 33, 46), thể hiện nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội như sau: (i) Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật; (ii) Mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; (iii) Nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; (iv) Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra (Khoản 2 Điều 3 Bộ luật hình sự năm 2015 và điểm b khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015)
2. Chỉ đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại 
Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015 về cơ sở TNHS quy định: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Pháp nhân theo pháp luật Việt Nam hiện nay là một khái niệm có nội hàm rất rộng. Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau: (i) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; (ii) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này; (iii) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình và (i) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Điều 75 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định về pháp nhân thương mại, theo đó pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Như vậy, chỉ các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận mới có thể là chủ thể của tội phạm. Còn không đặt ra vấn đề TNHS đối với pháp nhân phi thương mại, là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên, bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác (Điều 76 Bộ luật dân sự 2015).
Theo quy định tại Điều 75 Bộ Luật Hình sự 2015, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu TNHS khi có đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại. Như vậy, việc thực hiện hành vi phạm tội này do các cá nhân trong pháp nhân thương mại thực hiện, nhân danh pháp nhân đó và mục đích là thu được lợi ích kinh tế, vật chất cho pháp nhân đó. Trong các quan hệ chủ thể thực hiện hành vi vi phạm sẽ nhân danh pháp nhân thương mại, sử dụng danh nghĩa, nguồn vốn, con dấu của pháp nhân và lợi ích thu được cũng thuộc về pháp nhân.
Thứ hai, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại. Tương tự như điều kiện trên, hành vi phạm tội của các chủ thể vi phạm phải hướng tới một mục đích nhất định của pháp nhân như lợi ích về kinh tế, tài chính,…Vì vậy, người đứng đầu pháp nhân (người đại diện theo pháp luật của pháp nhân) hoặc những người được cấp lãnh đạo của pháp nhân trực tiếp ủy quyền trực tiếp thực hiện tội phạm nhằm tối đa hóa lợi ích cho pháp nhân như trốn thuế, xả thải gây ô nhiễm môi trường nước, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước…thì pháp nhân phải chịu TNHS theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quy định này cũng không loại bỏ việc cá nhân có hành vi vi phạm trong pháp nhân lại không bị truy cứu TNHS. Điều này có nghĩa là, đồng thời với việc pháp nhân bị truy cứu TNHS nhiệm hình sự về một tội phạm cụ thể thì những cá nhân có liên quan đến việc thực hiện tội phạm của pháp nhân cũng phải trịu TNHS. Điều này không trái với nguyên tắc “không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” theo Điều 31 Hiến pháp năm 2013 vì trong trường hợp này, pháp nhân với những đặc điểm của mình đã trở thành một thực thể pháp lý có những quyền, nghĩa vụ độc lập với những cá nhân tham gia với tư cách là thành viên. Như vậy, pháp nhân và cá nhân khi thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm) và bị kết án thì sẽ được hiểu là hai chủ thể khác nhau.
Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Xuất phát từ việc hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân mà những hành vi phạm tội của pháp nhân chủ yếu do chính các quyết định, các kế hoạch, điều hành, quản lý của pháp nhân mà đứng đầu là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Yếu tố quản lý, điều hành mang tính quyết định và nếu không có những chỉ thị, quyết định này thì hành vi vi phạm có thể sẽ không được thực hiện.
Thứ tư, hành vi vi phạm chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS. Thời hiệu truy cứu TNHS là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu TNHS.Theo đó, thời hiệu truy cứu TNHS được quy định cụ thể tại Điều 27 Bộ luật hình sự năm 2015 như sau: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Loại tội phạm mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự
Đa số các nước theo hệ thống Common Law như Hoa Kỳ, Canada, Australia và một số nước theo hệ thống luật châu Âu lục địa như Thụy Sỹ, Bỉ, Hà Lan đều không giới hạn phạm vi tội phạm quy kết cho pháp nhân mà pháp nhân có thể phải chịu TNHS đối với mọi tội phạm được quy định trong pháp luật hình sự. Trong khi đó, luật hình sự một số nước như Pháp, Trung Quốc lại quy định rõ pháp nhân chỉ phải chịu TNHS đối với một số tội phạm cụ thể.
Pháp luật hiện hành quy định về phạm vi chịu TNHS của pháp nhân thương mại (Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015), theo đó, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu TNHS về 33 tội phạm sau đây:
Thứ nhất, nhóm tội phạm trong lĩnh vực kinh tế: Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản); Điều 234 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã)[1].
Thứ hai, nhóm tội phạm trong lĩnh vực môi trường: Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản); Điều 243 (tội hủy hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại);
Ngoài hai nhóm tội phạm trên, Luật sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi chịu TNHS của pháp nhân thương mại đối với 02 tội danh, đó là Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324)[2].
4. Về chế tài hình sự áp dụng đối với pháp nhân
Khi mở rộng phạm vi chủ thể của tội phạm là pháp nhân, cũng cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chế tài hình sự, hệ thống hình phạt để tương thích và phù hợp với bản chất của dạng chủ thể mới này. Việc thiết lập một hệ thống hình phạt dành cho pháp nhân phải dựa trên những cơ sở nhất định; trong đó, cần tính đến bản chất của pháp nhân, phạm vi chủ thể là pháp nhân phải chịu TNHS cũng như phạm vi và bản chất của các tội phạm mà pháp nhân phải chịu TNHS.Qua nghiên cứu hệ thống hình phạt dành cho pháp nhân phạm tội của một số quốc gia trên thế giới, có thể thấy hệ thống hình phạt có thể được áp dụng với pháp nhân như sau: phạt tiền, hạn chế kinh doanh, cấm kinh doanh, đóng cửa cơ sở, giải thể, cấm huy động vốn, tịch thu tài sản…
Theo quy định pháp luật hiện hành, đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
- Hình phạt chính bao gồm:
+ Phạt tiền (Điều 77 BLHS năm 2015): Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội; Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.
+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78 BLHS năm 2015): Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế; Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm.
+ Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79 BLHS năm 2015): Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra; Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
- Hình phạt bổ sung bao gồm:
+ Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80 BLHS năm 2015): Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội; Tòa án quyết định lĩnh vực cụ thể bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động; Thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
+ Cấm huy động vốn (Điều 77 BLHS năm 2015): Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội. Tòa án quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn; Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm: Cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư; Cấm phát hành, chào bán chứng khoán; Cấm huy động vốn khách hàng; Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản. Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
+ Phạt tiền (nếu không áp dụng là hình phạt chính).
Ngoài ra Bộ luật hình sự năm 2015 còn quy định cụ thể về các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 82); Căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 83); Các tình tiết giảm nhẹ TNHS áp dụng đối với pháp nhân thương mại (Điều 84); Các tình tiết tăng nặng TNHS áp dụng đối với pháp nhân thương mại (Điều 85); Quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội (Điều 86); Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (Điều 87) Miễn hình phạt (Điều 88) và Xóa án tích (Điều 89 BLHS)
Trên thế giới, số lượng các quốc gia quy định về TNHS của pháp nhân ngày càng tăng và đây được coi là tất yếu trong sự phát triển của luật hình sự thế giới. Ở các nước theo hệ thống Common Law, TNHS của pháp nhân đã được quy định tương đối lâu (bắt đầu từ thế kỉ XIX) còn các quốc gia theo hệ thống châu Âu lục địa, mặc dù muộn hơn nhưng cũng đã chấp nhận quan điểm này nhằm đấu tranh có hiệu quả với tình hình tội phạm trong xã hội hiện đại.Ở châu Á, một số nước đã quy định TNHS của pháp nhân trong pháp luật của nước mình. Các quốc gia chưa quy định vấn đề này trong pháp luật hình sự thì cũng tồn tại nhiều quan điểm của các nhà luật học với nhiều ý kiến khác nhau. Song, quan điểm thừa nhận TNHS của pháp nhân đang ngày càng chiếm ưu thế. Trong khu vực các nước ASEAN và Trung Quốc cũng quy định TNHS đối với loại chủ thể này. Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 và các văn bản khác liên quan đã bổ sung quy định hết sức quan trọng về TNHS của pháp nhân thương mại. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm sự phù hợp và thống nhất với Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung chương mới (Chương XXIX) quy định về thủ tục tố tụng truy cứu TNHS đối với pháp nhân. Theo đó: (i) Quy định cụ thể về người đại diện của pháp nhân tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của người đại diện; (ii) Quy định các biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với pháp nhân bao gồm kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân, buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án; (ii) Quy định rõ các thủ tục tố tụng áp dụng đối với pháp nhân bị truy cứu TNHS.
Việc bổ sung quy định về TNHS đối với pháp nhân là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc thắt chặt hành lang pháp lý trong thời kỳ kinh tế Việt Nam hội nhập như hiện nay. Hành vi phạm tội không chỉ do cá nhân mà pháp nhân cũng gây ra và cần phải được xử lý nghiêm minh. Có những hành vi mà cả cá nhân và pháp nhân đều xâm phạm như: tội buôn bán người, tội rửa tiền, tội khủng bố, tội độc quyền, tội buôn lậu, tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Thậm chí, có tội chỉ do pháp nhân thực hiện, như tội phạm về môi trường. Truy cứu TNHS đối với pháp nhân sẽ giúp người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao khả năng tiếp cận công lý của người dân. Quy định về xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại là điểm mới quan trọng của Bộ luật hình sự năm 2015. Đây là bước tiến bộ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ mới./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Hiến pháp năm 2013
  2. Bộ Luật hình sự năm 2015;
  3. Bộ luật Dân sự năm 2015;
  4. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
  5. Luật sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015
  6. Website:
http://www.fdvn.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=987%3Acn-thit-phi-quy-nh-trach-nhim-hinh-s-ca-phap-nhan&catid=2%3Ax-phuc-thm-v-tan-hoang-phat-khong-hy-an-la-sai&Itemid=18&lang=vi
http://congly.com.vn/hoat-dong-toa-an/nghiep-vu/truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-cua-phap-nhan-van-de-moi-tai-viet-nam-khong-moi-voi-the-gioi-109680.html        
 
 
[1] Các Điều: từ Điều 199 đến Điều 195, Điều 200, Điều 213, Điều 217, Điều 225 – 227, Điều 232 và Điều 234 có sự thay đổi theo Luật sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015
[2] Các Điều 235, Điều 237, Điều 239, Điều 242 – 244, Điều 300 và Điều 324 có sự thay đổi theo Luật sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015