Một số quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 cần được hoàn thiện

29/12/2016
Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, với những nội dung sửa đổi, bổ sung tương đối toàn diện kể cả về kết cấu, bố cục, nội dung và kỹ thuật lập pháp, đã khắc phục phần lớn những bất cập trong BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009). Theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội, BLHS năm 2015 chưa có hiệu lực thi hành, trừ những quy định có lợi đối với người phạm tội. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến một quy định của BLHS năm 2015 cần được hướng dẫn cụ thể mới bảo đảm sự thống nhất về nhận thức và áp dụng, như chế định miễn trách nhiệm hình sự (TNHS); quy định về xử lý TNHS người chuẩn bị phạm tội; vấn đề xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi và quy định về dấu hiệu định tội, định khung ở một số tội phạm xâm phạm sở hữu.
Thứ nhất: Chế định miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 29 BLHS năm 2015, như sau:
“1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
 a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
 b) Khi có quyết định đại xá. 
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; 
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; 
c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận. 
3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Nội dung quy định này được hiểu, các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền và trách nhiệm miễn truy cứu TNHS cho người phạm tội trong các trường hợp:
+Trường hợp thứ nhất: Được miễn TNHS trong 02 trường hợp: i) Do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; ii) Khi có quyết định đại xá.
+Trường hợp thứ hai: Có thể miễn TNHS trong 04 trường hợp: i) Do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; ii) Người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; iii) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận; iv) Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS, thì có thể được miễn TNHS.
Đối với người chưa đủ 18 tuổi phạm tội, ngoài các trường hợp được miễn TNHS quy định tại khoản 1 Điều 29 BLHS năm 2015, họ còn có thể được miễn TNHS theo quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015, đó là: “Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;
c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.”
Quy định của BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa các trường hợp được miễn TNHS theo hướng: Phân biệt những trường hợp đương nhiên được miễn TNHS và các trường hợp có thể được miễn TNHS. Quy định này đã khắc phục hạn chế, vướng mắc quy định tại khoản 2 Điều 25 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, người viết thấy còn có vướng mắc xoay quanh quy định mới tại khoản 2 Điều 29 BLHS năm 2015 về chế định miễn TNHS, như sau: Hiểu thế nào là do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, “tình hình” ở đây thuộc về người phạm tội hay người bị xâm hại hay tình hình của xã hội? Đến mức độ nào thì được đánh giá người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa? Sự đánh giá này tại thời điểm điều tra, truy tố, xét xử? Bên cạnh đó, quy định “có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận”. Tính chất đặc biệt của sự cống hiến được hiểu như thế nào cho chuẩn xác để không bị lạm dụng? Nhà nước thừa nhận sự cống hiến thường được xác định bằng văn bản tôn vinh, quyết định, hình thức khen thưởng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định Luật Thi đua khen thưởng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), còn quy định “xã hội thừa nhận” phải bằng hình thức cụ thể là gì rất cần có hướng dẫn để thống nhất áp dụng.
Khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015, quy định: “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Quy định này, có thể áp dụng giải quyết bằng 02 cách khác nhau sau:
+Cách thứ nhất: Sau khi đã khởi tố vụ án, tùy từng thời điểm của giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 230 hoặc điểm a khoản 1 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, do không có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 157 [1] BLTTHS năm 2015.
+Cách thứ hai: Dù luật không quy định, nhưng có thể vận dụng quy định tại khoản 2 Điều 157 BLTTHS năm 2015 “Hành vi không cấu thành tội phạm” để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Như vậy, với 02 cách giải quyết khác nhau, đều dẫn đến việc không truy cứu TNHS. Nếu theo cách thứ nhất thì rõ ràng pháp luật được tuân thủ triệt để đúng theo trình tự tố tụng, nhưng sẽ kéo dài thời hạn giải quyết vụ án hình sự là không cần thiết. Trong khi đó, cách thứ hai kịp thời hơn, nhanh gọn hơn nhưng BLTTHS năm 2015 chưa quy định cụ thể. Do đó, chế định về miễn TNHS quy định tại Điều 29 BLHS năm 2015, cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải thích, hướng dẫn, để thống nhất áp dụng.
Thứ hai: Quy định về xóa án tích đối với người chưa đủ 18 tuổi là bất lợi hơn so với người thành niên.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 70 BLHS năm 2015, về đương nhiên được xóa án tích:“Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;...”
Quy định này được áp dụng đối với người thành niên phạm tội. Việc quy định thời hạn xóa án tích nói trên là căn cứ theo mức hình phạt của bản án đã tuyên đối với người bị kết án mà không phụ thuộc vào việc người đó bị xét xử về loại tội phạm nào theo quy định tại Điều 9 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 107 BLHS 2015 về xóa án tích đối với người chưa đủ 18 tuổi, quy định:“Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xoá án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.”. Qua nghiên cứu thấy rằng, việc quy định thời hạn đương nhiên xóa án tích 03 năm nói trên là căn cứ vào việc người bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hay tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, mà không phụ thuộc vào mức hình phạt của bản án đã tuyên đối với người bị kết án.
Nếu so sánh giữa hai điều luật trên, có thể thấy, nếu người thành niên bị Tòa án xử phạt 05 năm tù và một người chưa đủ 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý cũng bị Tòa án xử phạt 05 năm tù (áp dụng Điều 54 BLHS năm 2015 để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng), thì thời hạn đương nhiên xóa án tích đối với người chưa đủ 18 tuổi là 03 năm, bất lợi hơn người thành niên mà thời hạn đương nhiên xóa án tích của người này chỉ là 02 năm. Đây là bất cập, theo tác giả cần được sửa đổi để đảm bảo nguyên tắc xử lý đối với người chưa đủ 18 tuổi không bất lợi hơn so với xử lý người đã thành niên.
Thứ ba: Quy định việc xử lý người chuẩn bị phạm tội đối với “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo khoản 7 Điều 134 BLHS năm 2015
Khoản 7 Điều 134 BLHS năm 2015, quy định:“Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Nghiên cứu quy định này, người viết thấy rằng sẽ là rất khó khăn khi áp dụng để xử lý, vì:
Một là, theo quy định tại khoản 1 Điều 14 BLHS năm 2015:“Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại điểm a [2] khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a [3] khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.”
Tại điểm b khoản 2 Điều 14 BLHS năm 2015, có quy định người chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì phải chịu TNHS. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015, quy định:
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.”
Tương tự, các khoản 2, 3, 4 và 5 của Điều luật này cũng quy định theo hướng kết hợp giữa hậu quả của hành vi phạm tội và các tình tiết khác định khung khác. Như vậy, nếu một người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tỷ lệ thương tích dưới 11% nhưng không thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm o khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 thì không phải chịu TNHS. Tuy nhiên, theo khoản 7 Điều 134 Bộ luật này, một người nào đó chỉ cần thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 14 BLHS năm 2015, như: Làm ra hung khí cất giữ trong nhà riêng của mình với ý định trả thù người khác mà không cần thiết họ dùng hung khí đó trong giai đoạn thực hiện tội phạm và cũng không cần gây ra hậu quả nào cho bị hại thì cũng bị truy cứu TNHS.
Phải chăng, quy định tại khoản 7 với khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 là mâu thuẫn nhau? Vì việc tìm kiếm, chuẩn bị công cụ, phương tiện nhưng chưa có căn cứ để xác định người đã chuẩn bị công cụ, phương tiện đó có gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác không hoặc sẽ gây ra thương tích với mức độ hậu quả như thế nào? Hơn nữa, tội phạm quy định tại Điều 134 BLHS năm 2015 có cấu thành vật chất, bắt buộc phải có hậu quả xảy ra, do vậy, không thể xử lý hành vi chuẩn bị phạm tội khi bị hại chưa có hậu quả tỷ lệ % tổn thương cơ thể. Do vậy, theo tác giả không cần thiết phải quy định chuẩn bị phạm tội như Điều 14 và các Điều luật có liên quan của BLHS năm 2015, mà giữ nguyên quy định về chuẩn bị phạm tội theo Điều 17 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng là hợp lý rồi.
Thứ tư: Quy định về tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” được quy định là tình tiết định khung cơ bản, định khung tăng nặng khoản 2, khoản 3 một số điều của BLHS năm 2015. Cụ thể:
+Là tình tiết định khung cơ bản của: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172); Tội trộm cắp tài sản (Điều 173);Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174); Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178).
+Là tình tiết định khung tăng nặng của: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170); Tội cướp giật tài sản (Điều 171); Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175).
Cụm từ “an ninh, trật tự, an toàn xã hội” được hiểu là trạng thái ổn định có trật tự, kỉ cương của xã hội. Trật tự, kỉ cương được xác lập trên cơ sở các quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, đó là các quy tắc xử sự chung, có tính bắt buộc, đó là những giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức truyền thống được mọi người trong xã hội thừa nhận, tôn trọng, tuân thủ và nhờ đó mà mọi người có cuộc sống yên ổn. Nói cách khác, “trật tự, an toàn xã hội” là trạng thái xã hội có trật tự, kỉ cương, trong đó mọi người có cuộc sống yên ổn trên cơ sở các quy phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức, pháp lý xác định. Vì vậy, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội cũng là nhiệm vụ chung của mọi người dân nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Từ cách tiếp cận như vậy, có thể xác định “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là phải nói đến hành vi của một cá nhân, pháp nhân làm phá vỡ trật tự, kỷ cương của xã hội một cách nghiêm trọng, khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân mất niềm tin, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phá vỡ quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành; xâm phạm những giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức được mọi người tôn trọng, thừa nhận, tuân thủ. Tuy nhiên, trên thực tế khi áp dụng tình tiết này sẽ gặp những khó khăn nhất định vì chưa có hướng dẫn cụ thể, từ đó, dễ có cách hiểu, nhận thức thiếu thống nhất dẫn đến dễ bị lạm dụng vì đây là tình tiết mà hậu quả mang tính phi vật chất.
Chẳng hạn, với hành vi trộm cắp nhiều vật nuôi (trộm chó) xảy ra ở hầu khắp mọi địa bàn trên cả nước, không chỉ ở vùng nông thôn mà ngay cả ở đô thị lớn. Từ chỗ dùng dụng cụ thô sơ để lén lút bắt trộm chó như thòng lọng, ngày nay người trộm chó đã sử dụng đến những dụng cụ khá tiên tiến như súng tích điện, bỏ chất hóa học cyanure vào bả chó, ngoài ra, họ còn tự chế ra những loại dụng cụ để có thể trộm được chó hiệu quả nhất. Song hành với kẻ trộm chó là việc “trừng trị” kẻ trộm chó cũng ngày một gia tăng theo sự phẫn nộ của người dân. Từ chỗ đuổi, bắt giải đến lực lượng chức năng, nhiều người dân đã dùng nhiều hình thức khác để trừng phạt. Rất nhiều vụ đánh chết kẻ trộm chó đã diễn ra trong thời gian vừa qua. Gần đây nhất là đoạn clip ghi lại cảnh một người phụ nữ nghi trộm chó bị người dân bắt giữ. Dù lực lượng công an đã cố gắng đưa nữ nghi phạm lên xe máy áp tải về trụ sở nhưng nhiều người dân ngăn cản, kéo nữ nghi phạm xuống đường đánh đập, treo một con chó đã chết là tang vật lên cổ nghi phạm. Bất ngờ hơn nữa là vụ kẻ trộm chó bị nhốt vào lồng sắt lại một phen gây xôn xao dư luận mấy ngày vừa qua. Và nhiều, rất nhiều những vụ trộm chó và sự trừng phạt kẻ trộm chó của người dân đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Rõ ràng tình trạng này gây nhiều bức xúc cho người dân và công tác quản lý của chính quyền địa phương sở tại. Nhưng tại sao kẻ trộm chó vẫn ngang nhiên hoành hành? Tại sao người dân “nổi giận” hành xử với kẻ trộm chó được cho là đáng sợ gây bàng hoàng dư luận vẫn không thể nào ngăn chặn được tình trạng trộm chó? Vậy, hành vi trộm chó có được coi là tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” không?  
Hay tình trạng rải đinh tự chế để “trục lợi cá nhân” của một số người “bất lương” đã bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ thời gian qua, ngày đêm họ “rình rập” để rải đinh ra đường với mong muốn thật nhiều phương tiện lưu thông trên đường “dính bẫy” để chúng có thể “chặt, chém”. Khi xe bị dính đinh, chắc chắn nạn nhân phải dắt vào tiệm sửa ở hai bên đường để vá, thay ruột xe mới. Chưa hết, có những trường hợp người sửa xe ranh ma đâm thủng thêm vài ba lỗ nữa rồi cho khách biết phải thay ruột xe mới với giá cắt cổ!. Đó là chưa kể nhiều trường hợp xe nạn nhân cán đinh té ngã, những vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra.
Như vậy, việc đánh giá tình tiết định khung cơ bản “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” đối với từng hành vi phạm tội cụ thể về nạn “trộm chó”; “rải đinh” tại các địa bàn liệu có được nhà lập pháp chấp nhận không? Vấn đề đặt ra khi nào thì được xác định là tình tiết định khung cơ bản? Khi nào không phạm tội? Trường hợp nạn “trộm chó” diễn ra thường xuyên tại địa bàn thôn, xã thì có được xác định là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” không? Trường hợp khác như đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản bằng hành vi dùng kìm cắt phá khóa …diễn ra len lõi trong khu dân cư; nơi có nhiều  nhà trọ dành cho công nhân, sinh viên ... với trường hợp này, có được áp dụng tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là tình tiết định khung của cấu thành tội phạm không?
Quan điểm của người viết cho rằng khi đánh giá tính chất của hành vi “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là phải xem xét tính chất, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự, kỷ cương xã hội, xâm phạm đến sự mất ổn định nghiêm trọng đời sống của người dân, gây tâm lý phẫn nộ trong một phạm vi rộng khu dân cư, vụ việc diễn ra thường xuyên gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của cấp chính quyền. Điều này đồng nghĩa với việc hành vi trộm cắp chó hoặc kẻ xấu rải đinh tuy có xảy ra, nhưng tình trạng này diễn ra không thường xuyên, không phổ biến, không lan rộng trên địa bàn quản lý, không gây tâm lý quá bức xúc cho người dân thì cũng không thể đánh giá là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” để xử lý hình sự.
Từ phân tích trên, để đảm bảo pháp luật hình sự được áp dụng thống nhất, tác giả đề xuất kiến nghị: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành quy định hướng dẫn chi tiết việc áp dụng tình tiết định khung cơ bản, định khung tăng nặng đối với tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, theo hướng quy định trong từng lĩnh vực cụ thể, mức độ, phạm vi ảnh hưởng đối với tình hình trật tự, an toàn, xã hội. Đồng thời, quy định chặt chẽ trình tự tiếp nhận thông tin phản ánh tình hình của nhân dân về các hành vi “gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội” khi chưa bị phát hiện làm căn cứ để xử lý sau này.
Thứ năm: Dấu hiệu định tội, định khung hình phạt trong một số tội phạm được quy định tại các điều 172, 173, 174,175, 177, 178 BLHS năm 2015, cho thấy có sự bất cập về đường lối xử lý tội phạm.
Một là, quy định tại khoản 1 của các điều 172, 173, 174,175, 177, 178 BLHS năm 2015, nhà làm luật đã tách hai dấu hiệu đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản và đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội...chưa được xóa án tích ....thành hai dấu hiệu định tội độc lập có giá trị pháp lý ngang bằng nhau khi định tội danh. Khi áp dụng tình tiết này trong trường hợp người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng và trước đó họ đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án...mà còn vi phạm, nghĩa là trước khi lần vi phạm này bị phát hiện, họ đã bị xử phạt hành chính hoặc có Bản án trước đó được ban hành, khi người họ chưa đủ 18 tuổi thì sẽ dẫn đến bất cập về đường lối xử lý đối với người chưa đủ 18 tuổi vi phạm pháp luật khi áp dụng BLHS năm 2015.
Chẳng hạn, ngày 15/9/2016 Trần Văn Th. và Huỳnh Thiện B. cùng nhau thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là chiếc tivi 17 inche hiệu HITACH của người hàng xóm, trị giá dưới 2 triệu đồng. Trước đó, ngày 21/5/2016, Th (khi đó chưa đủ 18 tuổi) bị Chủ tịch UBND phường A xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp tài sản; B. (khi đó cũng chưa đủ 18 tuổi) bị Tòa án nhân dân huyện G.C xử phạt 06 tháng tù về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS. Theo quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì hành vi trộm cắp tài sản của Th. và B. ngày 01/7/2016 đã cấu thành tội phạm “Trộm cắp tài sản”quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội; Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội và quy định tại  khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 thì việc xác định B đã được xóa án tích đối với bản án ngày 21/5/2016 hay chưa phải căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 107 của BLHS năm 2015 vì  quy định này là có lợi cho người dưới 18 tuổi phạm tội so với quy định về xóa án tích theo quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
 Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 BLHS năm 2015, trong trường hợp này, B đã được xóa án tích, vì vậy hành vi trộm cắp tài sản của B ngày 15/9/2016 không cấu thành tội phạm trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015, còn hành vi của Th. vẫn cấu thành tội phạm “Trộm cắp tài sản”. Điều bất cập này không chỉ đối với tội “Trộm cắp tài sản” mà còn cả đối với các tội xâm phạm sở hữu khác quy định tại các điều 172, 173, 174,175, 177, 178 BLHS năm 2015. Như vậy quy định mới về xóa án tích của BLHS năm 2015 sẽ dẫn tới bất cập về đường lối xử lý đối với người dưới 18 tuổi có tiền án, tiền sự thực hiện hành vi phạm tội có dấu hiệu định tội là đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản và đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội...chưa được xóa án tích. 
Tương tự như vậy, quy định tại các khoản 2, 3 và 4 của các điều 172, 173, 174,175, 177, 178 BLHS năm 2015, cũng đưa các dấu hiệu quy định tại các điểm a, b của khoản 1 thành dấu hiệu định khung tăng nặng, nên đấy cũng là bất cập cần nghiên cứu khắc phục.
Hai là, về quy định tại  điểm c và đ khoản 2 Điều 172; điểm e và g khoản 2 Điều 173; điểm d và g khoản Điều 174; điểm g và h khoản 2 Điều 178 BLHS năm 2015 cũng còn bất cập. Bởi lẽ, nhà làm luật đã đồng nhất dấu hiệu Tái phạm nguy hiểm với các dấu hiệu đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản và đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội...chưa được xóa án tích đối với người thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng để định khung hình phạt theo quy định tại khoản 2 của các điều luật nêu trên.
  Chẳng hạn, theo quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì người nào có hành vi trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng và thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm  sẽ bị truy cứu TNHS theo quy định tại khoản 2 Điều 138 BLHS năm 1999. Còn đối với người đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản và đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội...chưa được xóa án tích mà trộm cắp tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng  thì chỉ bị truy cứu TNHS theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999. Khi quyết định hình phạt, họ sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS  hoặc đánh giá là có nhân thân xấu.
Theo quan điểm của tác giả, việc phân hóa TNHS theo quy định của BLHS năm 1999 là phù hợp về đường lối xử lý cũng như quan điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm. Còn theo quy định của BLHS năm 2015, người thực hiện hành vi phạm tội trộm cắp, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, chỉ cần có một trong ba dấu hiệu: đã bị xử phạt hành chính, hoặc đã bị kết án... hoặc tái phạm nguy hiểm đều bị truy cứu TNHS theo quy định tại khoản 2 của các điều luật tương ứng, theo quan điểm của tác giả là không phù hợp, bởi tính chất, hậu quả gây nguy hại cho xã hội giữa vi phạm hành chính với vi phạm pháp luật hình sự là khác nhau về bản chất; giữa người bị kết án lần đầu với người bị mà theo quy định của pháp luật bị coi là tái phạm nguy hiểm hoàn toàn khác nhau, điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất đó là tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, cũng như mức độ cải tạo của người bị kết án lần đầu so với người bị coi là tái phạm nguy hiểm, nên không thể đánh đồng dấu hiệu “tái phạm nguy hiểm” với các dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính”, hoặc “đã bị kết án...” mà còn vi phạm.
Thứ sáu: Tình trạng tôm nguyên liệu bị bơm tạp chất là nỗi nhức nhối diễn biến kéo dài từ năm 1996 và càng phức tạp hơn trong những năm gần đây, nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ gây ra tác hại lớn, đó là nguy cơ làm mất uy tín sản phẩm thuỷ sản Việt Nam, có thể bị tẩy chay trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, tình hình vi phạm về tạp chất đã tăng trở lại, quy mô lớn hơn, hành vi vi phạm tinh vi hơn như sử dụng các chất Agar, tinh bột, chất CMC (một chất ổn định dùng trong thực phẩm để kiểm soát độ nhớt của thủy, hải sản), bơm trực tiếp vào tôm sú nguyên liệu bằng dụng cụ bình áp lực; tổ chức người canh gác chặt chẽ và sẵn sàng đối phó với lực lượng kiểm tra bằng nhiều thủ đoạn, thậm chí là mua chuộc, đe dọa tinh thần của lực lượng làm nhiệm vụ. Khi bơm tạp chất vào, tỷ lệ này chiếm từ 15 - 30% trọng lượng tôm. Cứ 1kg tôm sú, sau khi bơm “no” tạp chất có thể đạt trọng lượng đến 1,25kg. Con tôm sau khi được bơm tạp chất sẽ phình to, bóng mướt, tăng trọng hơn.
Thật ra vấn đề loại bỏ tạp chất ra khỏi tôm nguyên liệu không phải là khó. Tuy nhiên, do Nhà nước chưa có giải pháp mạnh và đồng bộ trong quản lý nên tình hình này còn dây dưa kéo dài. Nhiều người đổ lỗi cho doanh nghiệp (có cầu thì mới có cung), nhưng doanh nghiệp thì lập luận, nếu không mua tôm bị bơm tạp chất thì nguyên liệu đâu để nhà máy duy trì hoạt động sản xuất. Người nuôi tôm không bao giờ bơm chích tạp chất vào sản phẩm của mình làm ra, vì như vậy sẽ không ai mua. Cuối cùng là do các cơ sở thu mua đã vì chút lợi ích trước mắt mà tổ chức bơm chích tạp chất để tăng trọng lượng, tăng kích cỡ, thu lợi bất chính, nhưng nếu không có nơi tiêu thụ thì người ta cũng không đưa tạp chất vào tôm để làm gì!
Xem xét từ nguồn cội, chính những doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tôm tạp chất đã mở đường để tình hình ngày một “tệ” hơn. Chế tài xử lý hiện nay theo quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, nhưng với mức xử phạt không đủ mạnh, không bảo đảm tính răn đe, nên chủ các cơ sở thu mua tôm nguyên liệu cứ vi phạm việc bơm tạp chất vào tôm, bởi nếu như bị phát hiện sẵn sàng nộp phạt (vì vẫn có lợi nhuận cao). Trong khi đó, qua nghiên cứu một số tội danh được quy định tại Chương XVIII Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của BLHS năm 2015, thì hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu như đã đề cập lại không thỏa mãn dấu hiệu mặt khách quan hành vi phạm tội của cấu thành tội phạm đòi hỏi,  tuy gần giống với tội phạm quy định tại Điều 198 (Tội lừa đối khách hàng) trong Chương này. Điều đó có nghĩa, không thể xét xử hình sự hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu bởi tội danh quy định tại Điều 198. Bởi, dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm này, người phạm tội có một trong những hành vi sau trong việc mua, bán: Cân, đong, đo, đếm sai; Đánh tráo hàng; Dùng thủ đoạn gian dối khác làm cho khách hàng phải thanh toán số tiền lớn hơn giá trị thực tế của hàng hóa; Tính gian dối. Chẳng hạn, hàng hóa có chất lượng thấp nhưng tính tiền hàng giá tiền cao như hàng có chất lượng hơn. Nhưng với hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu của các cơ sở thu mua, họ hoàn toàn không cân sai, không tính gian dối, cũng không đánh tráo hàng, việc mua bán giữa họ với Nhà máy thu mua tôm hoàn toàn trên sự thỏa thuận công khai, nghĩa là chủ nhà máy thu mua tôm biết rõ tôm của cơ sở mà họ nhận mua có bơm tạp chất, nhưng vì áp lực sản xuất kinh doanh buộc họ phải chấp nhận mua. Do vậy, theo tác giả đã đến lúc cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung quy định hành vi trên là tội phạm và bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, có như vậy mới bảo vệ được uy tín và hình ảnh con tôm nước lợ của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
                                                   Phạm Thị Hồng Đào - Văn phòng luật sư Thạnh Hưng

[1] Điều 157. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự
1. Không có sự việc phạm tội;
2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
 8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
[2] Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
[3] Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;