Trong các thiết chế kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là ASEAN và WTO, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) luôn có vai trò đặc biệt quan trọng và giữ vị trí trung tâm. Việc bảo hộ quyền SHTT có hiệu quả sẽ là nhân tố quan trọng, góp phần tăng cường công nghệ trong sản xuất sản phẩm của các ngành nghề trong nước, thúc đẩy đầu tư nước ngoài, hạn chế và dần dần loại bỏ tình trạng xâm phạm quyền SHTT, bảo đảm sự tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng, nhà sản xuất, loại bỏ hành vi “bóp méo” cạnh tranh và thương mại.
Việc đảm bảo quyền SHTT, mà một trong những nội dung quan trọng của nó là quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), được thực thi là chiến lược đúng đắn, bảo đảm phát triển bền vững, nhất là đối với Việt Nam - một quốc gia đang ở trình độ phát triển thấp. Nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là các hiệp định của WTO và Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, cũng như đáp ứng yêu cầu khách quan của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm quyền SHCN ngày một gia tăng. Bên cạnh các biện pháp xử lý hành chính, dân sự, hình sự. Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định tội phạm “
Sản xuất, buôn bán hàng giả” (Điều 156); tội “
Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” (Điều171). 2015 bổ sung tội phạm mới là tội xâm phạm quyền SHCN (Điều 171). Song song đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, như Thông tư liên tịch 10/2000/TTLT-BTM-BCA-BKHCNMT ngày 27/4/2000 của Bộ Thương mại- Bộ Công an- Bộ Khoa học công nghệ và Môi trương, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 39/1999/CT-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả; Thông tư liên tịch 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 29/02/2008 của Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao- Bộ Công an – Bộ Tư pháp, hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều vụ vi phạm dù các cơ quan chức năng xác định thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành của tội xâm phạm quyền SHCN, nhưng quá trình điều tra, truy tố, xét xử lại “
vướng” nhiều quy định khác, gây khó khăn cho việc đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với loại tội phạm này.
Để khắc phục những vướng mắc đó, BLHS năm 2015 đã quy định theo hướng rõ ràng hơn, nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là những dấu hiệu cơ bản cấu thành tội phạm quy định tại Điều 192 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp). Qua nghiên cứu, người viết vẫn thấy rằng ranh giới phân định tách biệt giữa hai đối tượng là hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHCN chưa thật rõ ràng, từ đó, việc áp dụng pháp luật hình sự để đấu tranh ngăn chặn nạn sản xuất, buôn bán hàng giả; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của các cơ quan tiến hành tố tụng theo phân cấp sẽ còn gặp nhiều khó khăn, do những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn chưa được pháp luật giải quyết triệt để.
1. Khái quát về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” và “Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.
1.1. Điều 192 BLHS năm 2015, quy định tội sản xuất, buôn bán hàng giả, như sau:
“1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Làm chết người;
i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
n) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;
c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm chết 02 người trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
1.2. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quy định tại Điều 226:
“1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
Điều 192 BLHS năm 2015 quy định gồm hai tội: Tội sản xuất hàng giả và tội buôn bán hàng giả.
- Sản xuất hàng giả,được hiểu là hành vi làm (tạo) ra những sản phẩm, hàng hóa có nhãn hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa giống như những sản phẩm, hàng hóa được nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường, gây nhầm lẫn hoặc để lừa dối khách hàng hoặc làm ra những sản phẩm hàng hóa giả chất lượng, công dụng.
- Buôn bán hàng giả, được hiểu là hành vi mua hàng biết rõ là hàng giả với giá rất rẻ và dùng các thủ đoạn gian dối để bán cho khách hàng với giá của hàng thật.
Điều 226 quy định các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và bị coi là tội phạm, phải chịu hình phạt, nếu đó là hành vi chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lí đang được bảo hộ tại Việt Nam.
2. Sự khác nhau giữa “Tội sản xuất buôn bán hàng giả” và “Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.
Sự phân định ranh giới giữa hai đối tượng này trên thực tế có một ý nghĩa rất to lớn. Có thể đưa ra một ví dụ như sau: Công ty T. sản xuất nước uống tăng lực có nhãn hiệu “
Redbull và hình” đã được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam. Một công ty A của Việt Nam cũng sản xuất nước uống tăng lực và gắn lên sản phẩm của mình nhãn hiệu “
Redbull” và hình hai con bò húc nhau. Với cách trình bày bao bì sản phẩm hoàn toàn giống với cách trình bày bao bì sản phẩm nước uống tăng lực của Công ty T.. Trong trường hợp này nếu sản phẩm nước uống tăng lực của Công ty A bị coi là hàng giả thì họ sẽ bị xử lý về
“Tội sản xuất, buôn bán hàng giả”. Tuy nhiên, nếu sản phẩm của Công ty A bị coi là hàng xâm phạm quyền SHCN thì họ sẽ bị xử lý theo một tội danh khác, đó là “
Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”. Và lẽ đương nhiên, Tòa án áp dụng hình phạt được nhà làm luật quy định tại hai điều luật tương ứng trên có sự khác nhau hoàn toàn
2.1. Các dấu hiệu cơ bản thể hiện sự khác biệt nhau giữa hai tội
2.1.1. Về mặt khách quan
+ Mặt khách quan của tội sản xuất, buôn bán hàng giả thể hiện ở các hành vi sản xuất ra các loại hàng giả làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn hoặc lừa dối người mua để thu lợi bất chính. Theo quy định tại khoản 1 Điều 192 BLHS năm 2015, chỉ truy cứu trách nhiệm khi:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
+ Mặt khách quan của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thể hiện ở hành vi các thủ đoạn khác nhau nhằm chiếm đoạt hoặc cố ý sử dụng bất hợp pháp các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ (gồm nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lí đang được bảo hộ tại Việt Nam). Việc chiếm đoạt này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau đề chiếm đoạt. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chỉ cấu thành tội phạm nếu hành vi này khi đạt tới quy mô thương mại: Từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng,
2.1.2. Về đối tượng tác động (đối tượng bị xâm hại):
2.1.2.1. Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả, theo quy định tại Mục III Thông tư liên tịch 10/2000/TTLT-BTM-BCA-BKHCNMT, hàng hoá có một trong các dấu hiệu sau đây được coi là hàng giả:
i).Hàng giả chất lượng hoặc công dụng: Hàng hoá không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng như bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó; Hàng hoá đưa thêm tạp chất, chất phụ gia không được phép sử dụng làm thay đổi chất lượng; không có hoặc có ít dược chất, có chứa dược chất khác với tên dược chất ghi trên nhãn hoặc bao bì; không có hoặc không đủ hoạt chất, chất hữu hiệu không đủ gây nên công dụng ; có hoạt chất, chất hữu hiệu khác với tên hoạt chất, chất hữu hiệu ghi trên bao bì; Hàng hoá không đủ thành phần nguyên liệu hoặc bị thay thế bằng những nguyên liệu, phụ tùng khác không đảm bảo chất lượng so với tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá đã công bố, gây hậu quả xấu đối với sản xuất, sức khỏe người, động vật, thực vật hoặc môi sinh, môi trường; Hàng hoá thuộc danh mục Tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng mà không thực hiện gây hậu quả xấu đối với sản xuất, sức khỏe người, động vật, thực vật hoặc môi sinh, môi trường; Hàng hoá chưa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn mà sử dụng giấy chứng nhận hoặc dấu phù hợp tiêu chuẩn (đối với danh mục hàng hoá bắt buộc).
ii). Giả về nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá: Hàng hoá có nhãn hiệu hàng hoá trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của người khác đang được bảo hộ cho cùng loại hàng hoá kể cả nhãn hiệu hàng hoá đang được bảo hộ theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, mà không được phép của chủ nhãn hiệu; Hàng hoá có dấu hiệu hoặc có bao bì mang dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ hoặc với tên gọi xuất xứ hàng hoá được bảo hộ; Hàng hoá, bộ phận của hàng hoá có hình dáng bên ngoài trùng với kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ mà không được phép của chủ kiểu dáng công nghiệp
; Hàng hoá có dấu hiệu giả mạo về chỉ dẫn nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá gây hiểu sai lệch về nguồn gốc, nơi sản xuất, nơi đóng gói, lắp ráp hàng hoá.
iii). Giả về nhãn hàng hoá: Hàng hoá có nhãn hàng hoá giống hệt hoặc tương tự với nhãn hàng hoá của cơ sở khác đã công bố; Những chỉ tiêu ghi trên nhãn hàng hoá không phù hợp với chất lượng hàng hoá nhằm lừa dối người tiêu dùng; Nội dung ghi trên nhãn bị cạo, tẩy xoá, sửa đổi, ghi không đúng thời hạn sử dụng để lừa dối khách hàng .
2.1.2.2. Đối với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, đối tượng bị xâm hại bao gồm:
i). Nhãn hiệu hàng hóa: Là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa của những sản phẩm khác nhau.
ii). Nhãn hiệu dịch vụ: Là dấu hiệu để phân biệt dịch vụ do các chủ thể khác nhau cung cấp.
iii). Nhãn hiệu tập thể: Là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đối với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của của tổ chức đó. Khoản 17 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009 – viết tắt Luật SHTT) đã quy định rõ về loại nhãn hiệu này.
iv). Nhãn hiệu chứng nhận: Là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu (khoản 18 Điều 4 Luật SHTT).
v). Nhãn hiệu liên kết: Là các nhãn hiệu do cùng 1 chủ thể đăng kí, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự hoặc có liên quan với nhau (khoản 19 Điều 4 Luật SHTT).
vi). Nhãn hiệu nổi tiếng: Là nhãn hiệu được người tiêu dung biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam (khoản 20 Điều 4 Luật SHTT).
Chỉ dẫn địa lí: Là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.(khoản 22 Điều 4 SHTT).
2.1.3. Về mặt khách thể
+ Đối với tội mua bán sản xuất hàng giả thì khách thể là những quan hệ xã hội trong lĩnh vực quản lí chất lượng, lưu thông, phân phối hàng hóa trên thị trường và đảm bảo quyền lợi của người sản xuất (hàng thật) và người tiêu dùng.
+ Đối với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì khách thể là trật tự quản lí kinh tế, sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu công nghiệp như sáng chế, những giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp của hàng hóa của các doanh nghiệp được nhà nước Việt Nam bảo hộ.
2.1.4. Về quy định thủ tục tố tụng
Nếu xác định người phạm tội thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thì về nguyên tắc cơ quan chức năng có quyền tiến hành khởi tố vụ án hình sự ngay sau khi phát hiện ra hành vi phạm tội và yêu cầu chủ sở hữu nhãn hiệu tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại.
Nếu xác định là người phạm tội đã thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHCN thì theo quy định tại Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003; khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015, các cơ quan tiến hành tố tụng thuộc thẩm quyền chỉ có thể khởi tố vụ án khi có yêu cầu của bị hại (phía chủ sở hữu nhãn hiệu).
Như vậy, việc lựa chọn để áp dụng một trong hai điều luật này có sự ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cả về phía người phạm tội cũng như người có quyền SHCN đối với nhãn hiệu hàng hoá bị xâm phạm.
3. Một số vướng mắc cần được hướng dẫn và kiến nghị
Theo quan điểm của tác giả, hàng xâm phạm quyền SHCN chính là đối tượng của các dạng hành vi sử dụng trái phép các đối tượng của quyền SHCN. Chẳng hạn như một chủ thể không phải là chủ sở hữu, không phải là người có quyền sử dụng hợp pháp đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá... nhưng trong thời hạn bảo hộ các nhãn hiệu này, họ vẫn thực hiện những hành vi như sản xuất các sản phẩm theo các quy trình công nghệ đã được bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam, hoặc lưu thông, chào bán, quảng cáo nhằm để bán hàng hoá mang nhãn hiệu đã được bảo hộ...vv, thì khi đó, chính các đối tượng của các dạng hành vi này (sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ, sản phẩm mang nhãn hiệu hàng hoá đã được bảo hộ) sẽ trở thành hàng xâm phạm quyền SHCN. Từ đó cho thấy, chưa có ranh giới phân biệt rạch ròi giữa hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHCN ở một phạm vi nhất định nào đó. Đó là trường hợp hàng giả về hình thức và hàng xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp và các đối tượng chỉ dẫn thương mại như: Nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá, chỉ dẫn địa lý...
Trở lại với ví dụ đã nêu ở phần trên, giả sử Công ty A thu lợi bất chính 130.000.000 đồng về hành vi sản xuất nước uống tăng lực có dán nhãn hiệu “
Redbull” và hình hai con bò húc nhau của Công ty A đồng thời thoả mãn dấu hiệu khách quan của “
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” (giả về hình thức) và “
Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” (đối với nhãn hiệu hàng hoá đã được bảo hộ). Như vậy, sản phẩm nước uống tăng lực của Công ty A trong trường hợp này nên bị coi là hàng giả hay là hàng xâm phạm quyền SHCN? Bởi vừa thỏa mãn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 và khoản 1 Điều 226 BLHS năm 2015.
Thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này, để có thể xác định sản phẩm nước uống tăng lực trong ví dụ nêu trên là hàng giả hay hàng xâm phạm quyền SHCN thì cần phải căn cứ vào chủ thể được các điều luật tương ứng của BLHS hướng tới bảo vệ
Đối với “
Tội sản xuất buôn bán hàng giả” thì tội phạm này xâm phạm đến tính trung thực, sự hoạt động đúng đắn của các chủ thể sản xuất kinh doanh, đồng thời xâm phạm đến lợi ích của người tiêu dùng. Như vậy, điều luật này hướng tới bảo vệ các chủ thể có hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp và đặc biệt là hướng tới bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Còn tội phạm về xâm phạm quyền SHCN hướng tới bảo vệ chủ sở hữu hợp pháp các đối tượng SHCN (thường là nhà sản xuất kinh doanh). Do đó:
- Một hành vi sử dụng trái phép đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi, xuất xứ hàng hoá... mà chỉ nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu các đối tượng SHCN này để tăng lợi nhuận kinh doanh chứ không nhằm lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm (sản phẩm trong trường hợp này vẫn đảm bảo được giá trị đúng với bản chất, tên gọi, công dụng của nó, đảm bảo chất lượng so với tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá đã công bố) thì chỉ nên coi đối tượng của hành vi đó là hàng xâm phạm quyền SHCN chứ không nên coi đó là hàng giả. Bởi trong trường hợp này quyền lợi của người tiêu dùng có bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể mà chủ yếu là chỉ ảnh hưởng đến chủ sở hữu các đối tượng SHCN.
- Trong trường hợp hành vi sử dụng trái phép các đối tượng SHCN như trên đồng thời nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu hợp pháp các đối tượng đó và lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm thì đối tượng của hành vi này phải bị coi là hàng giả.
Như vậy, để có sự phân định gữa hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHCN và quan trọng hơn cả là để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan thực thi pháp luật áp dụng đúng đắn pháp luật, đồng thời tránh được tình trạng trùng lặp, chồng chéo của các quy định pháp luật, tác giả cho rằng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, theo hướng thu hẹp các tiêu chí pháp lý xác định hàng giả như Thông tư liên tịch 10/2000/TTLT. Một sản phẩm cung ứng trên thị trường có phải là hàng giả hay không chỉ cần xác định theo nội dung (tức là xác định theo chất lượng hoặc công dụng của hàng hoá) chứ không cần phải xác định theo hình thức (kiểu dáng, nhãn hiệu, tên gọi, xuất xứ...).
Thứ nhất, hình phạt tiền với tư cách hình phạt chính quy định tại các khoản 1, 2 và 4 của Điều 226 BLHS năm 2015 còn nhẹ, không bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa. Mặt khác, cần quy định hạ mức thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, theo hướng từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng. Bởi lẽ, mục đích của người thực hiện tội phạm này nhằm thu lợi bất chính, do vậy, ngoài dấu hiệu thu lợi bất chính ra, thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý chỉ cần chứng minh ở mức độ như đề xuất là hợp lý nhất và cũng không quá khó đối với bên bị hại. Tương tự như vậy, đối với pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm này cũng cần quy định mức xử phạt tiền và hình phạt chính khác theo hướng nghiêm khắc hơn, mới có thể bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị hại, đồng thời mới có thể làm giảm tình trạng xâm phạm quyền SHCN đang diễn ra khá phổ biến như hiện nay.
-Đề xuất sửa đổi quy định giá trị hàng giả thấp hơn 20 triệu đồng (tại khoản 1 Điều 192 BLHS năm 2015) cho phù hợp với thực tế. Bởi vì, theo quy định tại Điều 192 BLHS năm 2015, thì chỉ những hành vi kinh doanh hàng giả có giá trị tương đương hàng thật từ 30 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Bởi lẽ, trong thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này cho thấy, ít xảy ra những vụ việc sản xuất hoặc buôn bán hàng giả với số lượng lớn như vậy, mà thường là sản xuất, buôn bán hàng giả thường ở mức dưới 30 triệu đồng nên rất khó để có thể xử lý về hình sự các hành vi này.
Ls Lê Văn Sua