Lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và kiến nghị

15/12/2016
Bộ luật Dân sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực từ ngày 01/0/1/2017 để thay thế cho Bộ luật dân sự năm 2005. So với trước đây, Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 có rất nhiều nội dung mới, trong đó có thể kể đến một trong những quy định hết sức quan trọng liên quan đến vấn đề lãi suất trong hợp đồng cho vay, bao gồm các điều 357, 466, 467, 468, 469, 470 của Bộ luật này.
Trước đây, tại Điều 476 BLDS năm 2005 quy định các bên trong hợp đồng cho vay có quyền thỏa thuận về lãi suất nhưng không được vượt quá 150%  của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng và trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ
Nay, BLDS năm 2015 quy định hạn mức lãi suất tối đa mà các bên được thỏa thuận đã được hạ xuống, đồng thời pháp luật đã mở rộng quyền thỏa thuận cho các bên trong trường hợp hợp đồng cho vay có tính lãi nhưng không xác định lãi cụ thể. Điều 468 của Bộ luật này quy định:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
     Quy định tại Điều 468 BLDS năm 2015, là một trong những thay đổi quan trọng và được đánh giá là có thể hạn chế được những bất cập trong việc áp dụng quy định về lãi xuất theo BLDS năm 2005. Theo đó, lãi suất vay là do chính các bên thỏa thuận, nếu vay có lãi thì lãi xuất thỏa thuận không được quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, không như cách tính lãi suất thỏa thuận theo mức tham chiếu là lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước được quy định tại khoản 1 Điều 476 BLDS năm 2005 “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.”.
1. Về mức lãi suất
Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015, trường hợp lãi suất theo  thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Như vậy, lãi suất tối đa trong các hợp đồng vay tài sản các bên được thỏa thuận theo BLDS năm 2015 không quá 20%/năm (tức 1,7%/tháng).
Về  lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố theo quy định tại khoản 1 Điều 476 BLDS năm 2005. Theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, về lãi suất cơ bản của Việt Nam đồng để tính lãi suất, thì mức lãi suất cơ bản là 9%/01 năm, tức là 0,75%/01 tháng. Lãi suất cao nhất các bên đương sự được thỏa thuận theo quy định tại khoản 1 Điều 476 BLDS năm 2015 là 1,125%/01 tháng (tức 13,5%/01 năm).
So sánh quy định về lãi suất giữa BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 thấy: BLDS năm 2015 quy định luôn mức lãi suất cao nhất được thỏa thuận trong các hợp đồng dân sự vay tài sản là 20%, không phụ thuộc vào mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định. Mức lãi suất theo BLDS năm 2015 cao hơn so với BLDS năm 2005 mục đích giảm thiểu sự chênh lệch về mức lãi suất trong các hợp đồng dân sự thông dụng với các hợp đồng tín dụng, bình đẳng hóa giữa các chủ thể khi tham gia  vào các giao dịch vay tài sản.
2. Về trường hợp không rõ về lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất
Theo quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015, trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật này. Theo quy định này mức lãi suất trong trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp sẽ là 10%/01 năm (tức 0,83%/tháng).
So với quy định tại khoản 2 Điều 476 BLDS năm 2005 thì trường hợp không rõ về lãi suất hoặc các bên đương sự có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Theo quy định này thì mức lãi suất có tranh chấp là 0,75%/01 tháng. Như vậy, mức lãi suất trong trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất theo quy định của BLDS năm 2015 không phụ thuộc vào lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước và mức lãi lớn hơn so với quy định của BLDS năm 2005.
Việc thay đổi này đã giải quyết được mâu thuẫn giữa quy định tại khoản 1 Điều 476 BLDS năm 2005 với Điều 1 của Thông tư số 07/2010/TT-NHNN ngày 26/02/2010 của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
Theo quy định tại Điều 12[1] Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 và khoản 2[2], khoản 3[3] Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất.
Về nghĩa vụ trả nợ của bên vay, trước đây tại khoản 4 và khoản 5 Điều 474 BLDS năm 2005 quy định: 
“4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.
5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.”
Nay theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 466 BLDS năm 2015: 
“4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”
3. Về thực hiện nghĩa vụ trả nợ quá hạn
3.1. Trường hợp vay không có lãi quá hạn
- Theo quy định tại khoản 4 Điều 475 BLDS năm 2005, trường hợp vay không có lãi: Nếu khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ. Theo quy định trên trường hợp vay không có lãi, nếu quá hạn bên vay sẽ phải chịu lãi mức là 0,75%/tháng.
- Theo quy định tại khoản 4 Điều 466 BLDS năm 2015, trường hợp vay không lãi. Nếu quá hạn vay, người vay phải chịu mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này (tức là bằng 50% mức lãi suất so với lãi suất vay tối đa do các  bên thỏa thuận). Trường hợp này mức lãi suất được áp dụng giống như trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất.
3.2. Trường hợp vay có lãi quá hạn
- Theo quy định tại khoản 5 Điều 474 BLDS năm 2005, trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Như vậy, lãi suất quá hạn theo quy định cũ thấp hơn lãi suất tối đa mà các bên được thỏa thuận (Bên vay chỉ phải chịu lãi suất 0,75%). Điều này mâu thuẫn với lãi suất trong hạn tối đa mà các bên được thỏa thuận, không bảo vệ quyền lợi cho bên cho vay; tạo điều kiện cho bên đi vay chây ỳ trách nhiệm trả nợ.
-  Theo quy định tại khoản 5 Điều 466 BLDS năm 2015, trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 5 Điều này
Như vậy, BLDS năm 2015 quy định rõ 2 trường hợp vay có lãi khi đến hạn mà không trả. Trường hợp thứ nhất, đối với tiền lãi phát sinh trong hạn chưa trả thì phải chịu lãi suất như trong trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất (10%/năm). Trường hợp thứ hai, đối với trường hợp lãi quá hạn chưa trả thì bên vay phải chịu mức lãi suất bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng (ví dụ: Mức lãi trong hợp đồng là 1%, quá hạn sẽ là 1,5%).  Do vậy, theo quy định mới thì bên vay phải trả lãi suất quá hạn trong trường hợp vay có lãi là 150%, so với lãi suất theo hợp đồng các bên đã thỏa thuận (ví dụ: Lãi suất trong hạn các bên thỏa thuận với nhau 20%, nếu đến hạn bên vay không trả được sẽ phải chịu lãi suất 20% x 150% = 30%/năm). Với quy định này sẽ thúc đẩy được trách nhiệm trả nợ của bên vay, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người cho vay, phù hợp với xu thế của thực tiễn trong các giao dịch tranh chấp hợp đồng vay tài sản.
Điều này cũng đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật với các tranh chấp hợp đồng vay tài sản, mà theo đó, bên cho vay thường lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người đi vay để buộc họ phải chịu lãi suất cao. Nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự, cần xử lý theo quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 về tội “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Vấn đề đặt ra, quy định trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác (khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015), so với quy định khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 lại quy định, tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Với sự không thống nhất này, các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ chịu sự điều chỉnh của BLDS năm 2015 hay Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010?
Có thể thấy, hợp đồng vay tài sản nói chung, hợp đồng tín dụng nói riêng là một loại giao dịch dân sự. Do đó, việc điều chỉnh quan hệ này phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự và các nguyên tắc về giới hạn thực hiện quyền dân sự được quy định trong BLDS. Quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là một trong những điển hình của việc cụ thể hóa nguyên tắc giới hạn thực hiện quyền dân sự, theo đó các bên trong hợp đồng vay có thỏa thuận về lãi suất nhưng không được vượt quá mức lãi suất giới hạn luật định. Việc quy định trần lãi suất giúp Nhà nước có thể điều tiết thị trường vay trong trường hợp cần có sự ổn định của kinh tế - xã hội, định hướng chuẩn mực ứng xử trong các quan hệ cho vay, thực hiện chính sách cấm hoặc hạn chế việc cho vay nặng lãi.
Nhưng để bảo đảm không biến lãi suất trần trở thành công cụ pháp lý để hành chính hóa quan hệ dân sự, bảo đảm tính linh hoạt phù hợp với các quan hệ vay tài sản đa dạng, có thể được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu của những biến động về kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 đã quy định mang tính linh hoạt theo hai cơ chế, đó là: i) Căn cứ vào tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lãi suất theo đề nghị của Chính phủ; ii) Luật khác có liên quan quy định mức lãi suất riêng cho các quan hệ cho vay đặc thù.
Như vậy, trong trường hợp luật có liên quan quy định khác về lãi suất thì sẽ áp dụng lãi suất đó cho quan hệ vay thuộc phạm vi điều chỉnh của luật khác có liên quan. Quy định này còn được hiểu không chỉ dành riêng cho quan hệ tín dụng của các ngân hàng thương mại mà còn có thể áp dụng cho loại vay đặc thù vay khác như vay chính sách xã hội, vay đầu tư phát triển, vay vàng, ngoại tệ... nếu Nhà nước xét thấy cần điều chỉnh các quan hệ vay này bằng cơ chế lãi suất riêng. Nghĩa là nếu Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có cơ chế lãi suất trần riêng cho các hợp đồng tín dụng thì các tổ chức tín dụng sẽ áp dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Tuy nhiên, theo tinh thần quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, thực tiễn cho thấy chưa thực sự áp dụng một cơ chế lãi suất riêng cho các hợp đồng tín dụng, mặc dù xét về mục đích chính sách pháp luật thì quy định này là mong muốn của nhà làm luật. Nhưng xét về mặt kỹ thuật lập pháp quy định này đã và đang dẫn đến những cách hiểu khác nhau, kể cả trong công tác xét xử của Tòa án và điều đó không có lợi cho các chủ thể trong hợp đồng tín dụng trước những rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong thi hành pháp luật.
Bởi khoản 2 Điều 91 cho phép tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất trong hợp đồng tín dụng trong giới hạn “theo quy định của pháp luật”. Đây là cách quy định theo nhiều quan điểm của nhiều chuyên gia là “lòng vòng”, vì “theo quy định của pháp luật” tức là vẫn có thể hiểu phải theo quy định của BLDS, trường hợp Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư, quyết định có quy định riêng về lãi suất khác với quy định của BLDS thì đâu là quy định ưu tiên áp dụng? Từ đó, rất nhiều tranh chấp liên quan đến vấn đề này, khi xét xử Tòa án đã căn cứ vào lãi suất quy định trong BLDS để giải quyết.
Tại khoản 1 Điều 468 của BLDS năm 2015: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Ngoài mức trần lãi suất “cứng” 20%/năm, một vấn đề nữa cũng thu hút sự quan tâm của dư luận, khi mà thời điểm có hiệu lực của BLDS năm 2015 đang đến  gần, đó là hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính sẽ được áp dụng theo luật nào, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 hay BLDS năm 2015?
Vấn đề này, theo quan điểm của tác giả, các công ty tài chính cũng là một loại hình tổ chức tín dụng nên sẽ chịu sự chi phối của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, chứ không chịu sự điều chỉnh của Điều 468 BLDS năm 2015 về mức trần lãi suất 20%/năm. Lập luận của những người ủng hộ loại ý kiến này cho rằng, tại khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, quy định tổ chức tín dụng và khách hàng được quyền thỏa thuận về lãi suất. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này là hợp lý, bởi thực tế cho thấy, với các gói cho vay tiêu dùng, mức lãi suất 20%/năm là rất khó khăn, trong khi đó, hiện tại lãi suất cho vay tiêu dùng thường lớn hơn và có biên độ dao động khá rộng từ 30% - 40%, thậm chí một số trường hợp có mức lãi suất cao hơn tùy thuộc vào mức độ rủi ro tiềm ẩn của khách hàng. Nguyên nhân chủ yếu là do đối tượng khách hàng của công ty tài chính thường ít có năng lực tài chính hoặc tài sản đảm bảo, dẫn đến rủi ro thu hồi nguồn vốn rất cao, nên lãi suất cần phải cao để “bù đắp”. Tất nhiên mức lãi suất của hoạt động này đều được định trên nguyên tắc thỏa thuận giữa khách hàng và các công ty tài chính.
Thực tiễn cho thấy,  nhu cầu vay tiêu dùng ở nước ta là rất lớn, do đó các công ty tài chính, các ngân hàng thương mại đang có rất nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, họ đang gặp nhiều bất cập trong quá trình hoạt động bởi chưa có một khuôn khổ pháp lý riêng. Do vậy, cơ quan chức năng cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện BLDS năm 2015 về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản một cách cụ thể hơn, có như vậy mới giúp người dân hiểu được quy định nêu tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 chỉ áp dụng đối với các quan hệ vay giữa người dân với người dân. Còn các tổ chức tín dụng thì được phép thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành. Cụ thể là được phép thỏa thuận mức lãi suất vay tiêu dùng, khuyến khích hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển, phục vụ cải thiện đời sống xã hội và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Kiến nghị
Từ thực tiễn giải quyết tranh chấp và các quy định của pháp luật xoay quanh về vấn đề trình bày ở trên, tác giả đề xuất:
Một là: Theo Hiến pháp năm 2013 và BLDS năm  2015 về quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế bằng luật. Do vậy, theo quan điểm của tác giả, cần sửa đổi khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010TCTD để có cách hiểu thống nhất hơn trong xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật. Cụ thể, khoản 2 Điều 91 Luật này, sau khi sửa đổi được viết lại như sau “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất theo quy định tại khoản 3 Điều này”.
Hai là: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thông tư hướng dẫn cũ thể về quy định: “Trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015. Mà theo đó, Thông tư được ban hành quy định cụ thể lãi suất thỏa thuận của các tổ chức tín dụng với khách hàng trong hoạt động cấp tín dụng theo cơ chế “thỏa thuận tự do” hay “giới hạn trong phạm vi” để hài hòa lợi ích giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Theo tác giả, trong quan hệ cấp tín dụng thì khách hàng không thực sự bình đẳng và yếu thế hơn nên cần có giới hạn khống chế mức lãi suất cho phù hợp.
Ba là: Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận”. Như vậy, tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa một bên là tổ chức tín dụng với một bên là cá nhân, tổ chức (không có đăng ký kinh doanh) sẽ thụ lý vụ án dân sự hay vụ án kinh doanh thương mại. Thực tiễn giải quyết tranh chấp này thường được “liệt” vào tranh chấp dân sự, do vậy, Tòa án áp dụng quy định của BLDS hiện hành để giải quyết, dù chủ thể tham gia tố tụng là tổ chức tín dụng (có đăng ký kinh doanh), chủ yếu là các ngân hàng thương mại. Điều này liệu có bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể là tổ chức tín dụng không? Từ đó theo tác giả, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần hướng dẫn rõ theo hướng: Những tranh chấp hợp đồng tín dụng mà khách hàng là cá nhân, tổ chức không có đăng ký kinh doanh, không có mục đích lợi nhuận thì áp dụng quy định của pháp luật liên quan về lĩnh vực này theo quy định tại Điều 468 BLDS năm 2015.
 
Phạm Thị Hồng Đào
 
[1] Điều 12. Lãi suất
1. Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi.
2. Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.
 
[2] 2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
 
[3] 3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.