Luật Doanh nghiệp năm 2014, được đánh giá như bước đột phá lớn về thể chế, thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của doanh nghiệp, theo đó, những gì luật pháp không cấm thì người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh. Nhiều quy định mới, như: Đăng ký kinh doanh; con dấu doanh nghiệp; điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông công ty;…theo hướng thông thoáng hơn, nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập của luật cũ, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cũng như từ thực tiễn áp dụng các quy định mới liên quan đến Luật Doanh nghiệp năm 2014, tác giả nhận thấy còn có những quy định mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi cho hợp lý hơn, nhằm giúp doanh nghiệp được thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, cụ thể:
Thứ nhất: Về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005: Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp, cụ thể gồm 5 nội dung sau:
“1. Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện.
2. Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
3. Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên hoặc cổ đông sáng lập là cá nhân; số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh của chủ sở hữu công ty, của thành viên hoặc cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân.
4. Vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần và giá trị vốn cổ phần đã góp và số cổ phần được quyền chào bán đối với công ty cổ phần; vốn đầu tư ban đầu đối với doanh nghiệp tư nhân; vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định.
5. Ngành, nghề kinh doanh.”
Khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Cơ quan Đăng ký chỉ cấp 1 Giấy chứng nhận.
Với quy định như Điều 25 Luật Doanh nghiệp năm 2005, Giấy chứng nhận bao gồm đầy đủ các thông tin, như: Tên, loại hình, địa chỉ công ty;Vốn, cơ cấu vốn; ngành nghề kinh doanh; người đại diện theo pháp luật;Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh…
Còn theo Luật Doanh nghiệp năm 2014: Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Điều 29, cụ thể:
“1. Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.
2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
3. Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.
4. Vốn điều lệ.”
Khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Cơ quan Đăng ký chỉ cấp 1 Giấy chứng nhận. Tuy nhiên còn có khá nhiều các nội dung bị thiếu so với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trước đây nên cơ quan quản lý lại phát sinh thêm 1 Giấy phép con để ghi nhận những nội dung còn thiếu và bổ sung những nội dung chưa có như: Các nội dung về ngành nghề kinh doanh; các nội dung về đăng ký thuế; các nội dung về đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện; các nội dung liên quan đến cổ đông sáng lập, cổ đông của công ty.
Có thể thấy nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 tuy có phần cải tiến so với nội dung Giấy chứng nhận doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, nhưng lại phát sinh thêm các giấy tờ mà doanh nghiệp phải lưu giữ, thay vì thủ tục trước đây rất gọn nhẹ thì bây giờ doanh nghiệp lại phải lữu giữ thêm các giấy tờ và các giấy tờ này luôn phải đi đồng hành với nhau.
Trước đây doanh nghiệp phải mang theo 2 loại giấy tờ là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với mã số riêng và Giấy chứng nhận đăng ký thuế với mã số riêng, sau đó được cải tiến thành Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký thuế và cuối cùng là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sử dụng mã số doanh nghiệp là mã số thuế, câu chuyện này là sự cải cách phù hợp. Tuy nhiên nội dung Giấy chứng nhận doanh nghiệp theo Luật mới lại ngược lại, từ 1 giấy tờ thành nhiều giấy tờ!. Chưa kể việc rủi ro trong quá trình lưu giữ như: Nếu mất đăng ký doanh nghiệp thì Giấy xác nhận ngành nghề, thông tin thuế… có phải cấp lại cùng với Giấy chứng nhận doanh nghiệp hay không? Và ngược lại mất giấy xác nhận thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có phải cấp lại hay không? Việc độc lập hay giàng buộc lẫn nhau giữa 2 loại giấy tờ này…
Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ, quy định về đăng ký doanh nghiệp, mà theo đó, tại khoản 2 Điều 48 của Nghị định này, quy định: “
Trong trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, phòng đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp”. Đây là một quy định còn mang tính tùy nghi nên chắc chắn rằng việc áp dụng trên thực tế ở nhiều địa phương là không thống nhất, khó khăn cho doanh nghiệp, như: Khi thực hiện thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bên cạnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp in trên nền vàng truyền thống ghi nhận các thông tin theo Điều 29 Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp còn được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp thêm giấy xác nhận về việc thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp được in trên giấy trắng để ghi nhận các nội dung còn lại không có trên giấy vàng, như ngành nghề kinh doanh, thông tin cổ đông. Khi thay đổi các nội dung ghi trên giấy xác nhận, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và được cấp một giấy xác nhận mới. Cứ như vậy, doanh nghiệp có một Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng có thể có đến nhiều giấy chứng nhận về việc thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp phải lưu trữ. Điều này không những không phản ánh đúng tinh thần của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về cải cách hành chính, giảm gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp mà còn làm phát sinh thêm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp trong việc lưu giữ giấy xác nhận thay đổi và lưu trữ. Đó là chưa kể dù doanh nghiệp không yêu cầu, một số cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn tự động cấp giấy xác nhận “
nhằm” tiện cho việc theo dõi, quản lý hoạt động doanh nghiệp. Như vậy, việc này đã quay lại thực tiễn về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trước đây nhưng lại có thêm nhiều thủ tục hành chính và giấy tờ hơn cho cả doanh nghiệp và Nhà nước. Điều này đã làm cho hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn hơn về thủ tục hành chính và thiếu an toàn về mặt pháp lý.
Thứ hai: Quy định liên quan đến con dấu của doanh nghiệp
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, trước khi sử dụng con dấu, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Điều này có nghĩa, thông báo mẫu dấu là một nghĩa vụ hành chính của doanh nghiệp. Quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều 12 Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015, thì doanh nghiệp có quyền tự quyết định về mẫu con dấu, hình thức, kích cỡ, nội dung, màu sắc và số lượng con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện. Sau có giấy phép đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp chủ động liên hệ đơn vị khắc để tiến hành khắc dấu. Trước khi đưa con dấu vào sử dụng doanh nghiệp cần làm thủ tục thông báo mẫu con dấu với cơ quan
đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây: Làm con dấu lần đầu sau khi đăng ký doanh nghiệp; Thay đổi số lượng, nội dung, hình thức mẫu con dấu và mầu mực dấu; Hủy mẫu con dấu. Như vậy, trước ngày 01/7/2015, doanh nghiệp phải khắc dấu tại cơ quan công an, thì kể từ 01/7/2015, doanh nghiệp tự chọn nhà cung cấp dịch vụ khắc dấu rồi làm thủ tục thông báo mẫu con dấu theo quy định. Đồng thời, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp cho doanh nghiệp một văn bản xác nhận doanh nghiệp đã đăng ký mẫu con dấu trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia (thay cho Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu do Công an cấp như trước đây).
Tuy vậy, sự thuận lợi nêu trên chỉ phù hợp đối với các doanh nghiệp được thành lập mới, từ sau ngày 01/7/2015. Đối với các doanh nghiệp đã thành lập và hoạt động trước đó, đã có con dấu và được cơ quan công an cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu, nay muốn đổi mẫu dấu, sử dụng con dấu mới thì thủ tục sẽ phức tạp hơn. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 96/2015/NĐ-CP, trường hợp doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 01/7/2015 muốn làm con dấu mới thì phải nộp lại con dấu cũ và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu đã được cấp cho Cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu; Cơ quan công an cấp giấy biên nhận đã nhận lại con dấu tại thời điểm tiếp nhận. Như vậy, trong những trường hợp này, doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục hành chính
“trả dấu”,
“trả Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu” tại Cơ quan công an để được cấp Biên nhận rồi mới có thể tự khắc dấu và thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Tương tự trường hợp đổi dấu mới như nêu trên, trường hợp doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 01/7/2015 đã bị mất dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu mà muốn làm con dấu mới thì doanh nghiệp cũng phải thông báo việc mất dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho Cơ quan công an. Với những quy định này, rõ ràng thủ tục về con dấu của doanh nghiệp đã trở nên phức tạp hơn và chắc chắn doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian hơn cho con dấu khi vừa tiến hành thủ tục hành chính tại Cơ quan công an, vừa tiến hành thủ tục tại Cơ quan đăng ký doanh nghiệp, thậm chí còn có thể mất nhiều thời gian hơn cho việc đổi con dấu theo quy định trước đây.
Đối với doanh nghiệp đã đăng ký và hoạt động theo Luật Đầu tư năm 2005, đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nay nếu muốn đổi con dấu hoặc vì mất con dấu mà phải làm dấu mới thì lại càng phức tạp hơn. Ngay từ thời điểm Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực, đã phát sinh vướng mắc về vấn đề này. Cụ thể, do quy định của Luật Doanh nghiêp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 không còn ghi nhận Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên để khắc dấu và thông báo mẫu dấu mới, doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục tách nội dung đăng ký đầu tư và nội dung đăng ký kinh doanh. Các doanh nghiệp này phải tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Từ đó mới có thể làm con dấu và thông báo mẫu dấu theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Hàng loạt các thủ tục bao gồm thủ tục “
tách giấy” cùng với thủ tục “
trả con dấu”, “
trả Giấy chứng nhận mẫu dấu” hoặc “
thông báo mất con dấu”, “
thông báo mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu” như quy định nêu trên tại Nghị định 96/2015/NĐ-CP và thủ tục thông báo mẫu dấu mới tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP cho thấy việc quản lý con dấu vẫn còn sự phức tạp và chắc chắn rằng việc làm lại con dấu mới, đổi con dấu mới hiện nay và trong tương lai đối với các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước ngày 01/7/2015 sẽ còn không ít phiền hà.
Mặt khác, nếu như quy định về con dấu của doanh nghiệp tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có sự cải cách tiến bộ hơn so với quy định trước đây thì quy định về quản lý con dấu tại Nghị định 96/2015/NĐ-CP với những thủ tục liên quan đến con dấu vẫn phải thực hiện tại Cơ quan công an là một
bước lùi. Quy định đó đã “đẻ” thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, làm tốn thêm thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Người viết cho rằng với sự cải cách của Luật Doanh nghiệp năm 2014 đối với con dấu, cần bỏ hẳn sự quản lý của Cơ quan công an đối với con dấu doanh nghiệp, chỉ cần quy về một mối là Cơ quan đăng ký kinh doanh. Theo đó, dù doanh nghiệp thành lập trước hay sau ngày 01/7/2015, khi đổi dấu mới, làm lại dấu mới, doanh nghiệp chỉ cần thông báo mẫu con dấu mới đến Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Thông báo mới nhất của doanh nghiệp về mẫu con dấu qua Cơ quan đăng ký kinh doanh là thông báo có hiệu lực đối với mẫu dấu của doanh nghiệp và thay thế tất cả các mẫu dấu của doanh nghiệp trước đây, kể cả mẫu dấu đã được Cơ quan công an cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu. Đối với con dấu cũ và mẫu Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu, doanh nghiệp chỉ cần tự xử lý bằng cách “
bỏ đi”. Quy định như vậy sẽ giảm bớt thủ tục hành chính và tạo sự thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc quản lý và sử dụng con dấu, đúng với tinh thần cải cách của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Ngoài ra, Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp năm 2014, mà theo đó, tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định này, loại bỏ các loại hình doanh nghiệp được thành lập theo các luật: Công chứng, luật sư, giám định tư pháp, kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán, hợp tác xã, trong khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có hạn chế này. Từ đó cho thấy, có một số nội dung quy định trong nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có những điểm trái với Luật Doanh nghiệp năm 2014. Đây không phải là những quy định mang tính hướng dẫn chi tiết mà là những quy định thay đổi hẳn nội dung, phạm vi áp dụng của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Do đó, rất cần thiết phải xem xét lại các vấn đề này trước khi việc áp dụng trở nên phổ biến và tạo thành nếp nghĩ thì hệ lụy sẽ khôn lường.
Thứ ba: Quy định hợp đồng, giao dịch của doanh nghiệp phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.
Khoản 1 Điều 162 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về những trường hợp mà hợp đồng, giao dịch của doanh nghiệp phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận. Theo đó thì những hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận:
“a) Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ;
b) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;
c) Doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 159 Luật này.”
Quy định này đặt ra nhằm mục đích hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng với những người có quyền và lợi ích liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới nội dung hợp đồng đó. Tuy nhiên, phạm vi hạn chế của điều luật này quá rộng mà đặc biệt là tại điểm c khoản 1 Điều 162 Quy định là: “
Doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 159 Luật này”. Doanh nghiệp theo quy định của khoản 2 Điều 159 của Luật Doanh nghiệp năm 2015, bao gồm:
“Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai các lợi ích liên quan của họ với công ty, bao gồm:
a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà họ có sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần; tỷ lệ và thời điểm sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần đó;
b) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà những người có liên quan của họ cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng phần vốn góp hoặc cổ phần trên 10% vốn điều lệ”.
Theo quy định vừa trích dẫn thì phạm vi mà những Hợp đồng, giao dịch phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận sẽ rất rộng, đặc biệt là những doanh nghiệp mà
những người có liên quan của họ cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng phần vốn góp hoặc cổ phần trên 10% vốn điều lệ. Mặt khác, theo quy định tại khoản 17 Điều 14 Luật Doanh nghiệp năm 2015 thì
người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
a) Công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đó đối với công ty con trong nhóm công ty;
b) Công ty con đối với công ty mẹ trong nhóm công ty;
c) Người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua cơ quan quản lý doanh nghiệp;
d) Người quản lý doanh nghiệp;
đ) Vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty hoặc của thành viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối;
e) Cá nhân được ủy quyền đại diện cho những người, công ty quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này;
g) Doanh nghiệp trong đó những người, công ty quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của các cơ quan quản lý ở doanh nghiệp đó;
h) Nhóm người thỏa thuận cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở công ty hoặc để chi phối việc ra quyết định của công ty.
Vậy, với những nội dung nêu trên có thể thấy những hợp đồng, giao dịch phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận sẽ rất rộng. Người viết thấy rằng, vậy có cần thiết phải quy định một phạm vi rộng như vậy không hay là nên thu hẹp lại để tao điệu kiện cho các doanh nghiệp có thể hoạt động tư do hơn.
Cũng theo quy định tại Điều này thì:
“Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính, gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng phải thông báo các thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; đồng thời kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng hoặc giao dịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác”và
“Đại hội đồng cổ đông chấp thuận các hợp đồng và giao dịch khác ngoài các giao dịch quy định tại khoản 2 Điều này”.
Có thể thấy rằng, những trường hợp cần được Hội đồng quản trị chấp thuận sẽ có thời hạn trong 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo; những trường cần được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận thì không quy định thời hạn nhưng phải tiến hành cuộc họp đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiện bằng văn bản thì thời gian sẽ kéo dài hơn rất nhiều. Như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của công ty cũng như những đối tác có liên quan.
Thiết nghĩ, trong điều kiện của một nền kinh tế thì trường đang phát triển từng ngày thì những quy định nêu trên là quá cứng nhắc và không cần thiết để áp dụng.Pháp luật cần có những quy định nới lỏng để doanh nghiệp cũng như các bên trong giao dịch có thể tiến hành công việc một cách hiệu quả nhất.
Thứ tư: Quy định về giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2015.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 84 Luật Doanh nghiệp năm 2005 về giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần: “
Trường hợp các cổ đông sáng lập không đăng ký mua hết số cổ phần được quyền chào bán thì số cổ phần còn lại phải được chào bán và bán hết trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Để hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ, mà theo đó, tại khoản 9 Điều 23 của Nghị định này có quy định: “
Sau 03 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, nếu số cổ phần được quyền phát hành quy định tại khoản 4 Điều 84 của Luật Doanh nghiệp không được bán hết, công ty phải đăng ký điều chỉnh giảm số vốn được quyền phát hành ngang bằng với số cổ phần đã phát hành. Công ty cổ phần không được tăng số cổ phần được quyền phát hành khi số cổ phần hiện có chưa được bán hết”.
Như vậy, theo các quy định vừa trích dẫn, thì công ty cổ phần chỉ được giảm vốn điều lệ khi: Công ty cổ phần có phát hành cổ phần chào bán lần đầu; và Cổ phần đăng ký chào bán không được chào bán hết trong thời hạn 03 năm kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần gần như không thể thực hiện được. Bởi, công ty cổ phần với tính chất là công ty “
mở”, đặc biệt đối với các công ty đã bán cổ phiếu ra công chúng thì lại rất khó quản lý cho việc giảm vốn, vì tính chất cổ đông hết sức đa dạng, chuyển đổi khi mua bán cổ phiếu. Do đó, hầu như công ty cổ phần đều không thể đăng ký giảm vốn điều lệ. Điều này là không phù hợp khi thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thay liên tục thay đổi, có lỗ lãi, có sự tăng giảm của quy mô tổ chức là điều bình thường.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có bước tiến bộ hơn khi quy định cụ thể và thông thoáng hơn về các trường hợp mà côn ty cổ phần có thể thực hiện giảm vốn điều lệ. Mà theo đó, tại khoản 5 Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Công ty có thể thay đổi vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây:
“a) Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
b) Công ty mua lại cổ phần đã phát hành quy định tại Điều 129 và Điều 130 của Luật nàỳ;
c) Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 112 của Luật này.”
Tại điểm d khoản 3 Điều 112 Luật Doanh nghiệp năm 2014, có quy định:
“Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
Như vậy, với việc quy định cụ thể các trường hợp giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp với thực tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, cũng để nhằm tránh trường hợp pháp luật có quy định, nhưng trên thực tế lại triển khai không được như trường hợp đã phân tích ở trên theo Luật Doanh nghiệp năm 2005. Song song đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành các văn bản pháp luật quy định về thủ tục rõ ràng trong trường hợp này để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như cơ quan đăng ký kinh doanh.
ThS.LS Lê Văn Sua – Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang