Cán bộ điều tra của cơ quan Điều tra trong một số văn bản pháp luật năm 2015, kiến nghị hoàn thiện

26/10/2016
Khái niệm cán bộ điều tra đã được dùng phổ biến trong cơ quan điều tra và được quy định tại một số văn bản của ngành Công an, Điều tra hình sự trong Quân đội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tuy nhiên, do trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định “Mọi hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này”, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định “Chỉ Cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định trong Pháp lệnh này mới được tiến hành điều tra các vụ án hình sự” và việc không xác định tư cách người tiến hành tố tụng của cán bộ điều tra đã hạn chế rất nhiều về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ điều tra của cơ quan điều tra. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự (vào ngày 27 tháng 11 năm 2015), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự (vào ngày 26 tháng 11 năm 2015) có nhiều sự bổ sung, thay đổi trong đó bổ sung cán bộ điều tra của Cơ quan Điều tra là chủ thế tiến hành tố tụng hình sự; Ghi nhận nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ điều tra trong hoạt động tố tụng hình sự.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức Cơ quan Điều tra hình sự năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, tiêu chí bổ nhiệm cán bộ điều tra như sau:
Tại Điều 38 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ điều tra của cơ quan điều tra.
1. Cán bộ điều tra thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây theo sự phân công của Điều tra viên:
a) Ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác khi Điều tra viên tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự;
b) Giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản Tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
c) Giúp Điều tra viên trong việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, hồ sơ vụ án và thực hiện hoạt động Tố tụng khác.
2. Cán bộ điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên về hành vi của mình.
Điều 59, luật Tổ chức cơ quan Điều tra hình sự quy định về “Cán bộ điều tra”.
“1. Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan Điều tra được quy định như sau:
a) Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 56 của luật này có thể được bổ nhiệm làm cán bộ điều tra để giúp điều tra viên thực hiện một số hoạt động Điều tra hình sự;
b Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi giấy chứng nhận Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định, thuộc Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, ở Viện kiểm sát nhân dân Tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao quy định.
c) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và luật này.
2. Khi tiến hành điều tra vụ án, Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phân công người thuộc cơ quan, đơn vị làm Cán bộ Điều tra giúp mình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn Điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này. Cán bộ Điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật này.
3. Cán bộ điều tra chịu trách nhiệm trước Điều tra viên, Thủ trưởng Cơ quan Điều tra, Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.”
Ngay từ đầu điều luật đã quy định rõ “cán bộ điều tra của Cơ quan Điều tra” để chúng ta phân biệt với “cán bộ điều tra của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”. Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra khác với cán bộ điều tra của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, tiêu chí bổ nhiệm, miễn nhiệm (ở nội dung bài viết xin đề cập cán bộ điều tra của Cơ quan Điều tra sau đây gọi tắt là cán bộ điều tra).
Tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 không xác định chức danh người tiến hành tố tụng của cán bộ điều tra, việc không quy định như vậy về nguyên tắc, không cho phép cán bộ điều tra của cơ quan Điều tra tham gia vào quá trình tiến hành tố tụng, cán bộ điều tra chỉ tham gia ở những việc thứ yếu hay ở ngoài xem quá trình tố tụng hình sự. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật Tổ chức cơ quan tố tra hình sự năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ điều tra trong tố tụng hình sự là cơ sở pháp lý quan trọng cho phép cán bộ điều tra tham gia vào quá trình tố tụng hình sự với tư cách là người tiến hành tố tụng, cán bộ điều tra có điều kiện tham gia vào việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, hồ sơ vụ án, ghi các biên bản tố tụng hình sự, giao gửi quyết định, lệnh… Tham gia vào quá trình tiến hành tố tụng giúp cán bộ điều tra tiếp cận, hiểu bản chất của hoạt động tố tụng hình sự, trình tự tiến hành, các văn bản phải lập trong quá trình tiến hành Tố tụng, thực tiễn tiến hành các hoạt động nghiệp vụ của ngành… đồng thời giúp giảm tải lượng công việc tốtụng cho Điều tra viên. Quy định về trách nhiệm của cán bộ điều tra đã gắn trách nhiệm của cán bộ điều tra trong hoạt động tố tụng, tránh tư tưởng thờ ơ, cẩu thả, làm cho xong  việc.
Cán bộ điều tra chịu sự phân công của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, vụ án, chịu sự chỉ đạo của Điều tra viên. Ngoài sự chỉ đạo về mặt hành chính của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng thì trong vụ án, vụ việc cụ thể, cán bộ điều tra còn chịu sự phân công, chỉ đạo của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra. Đối với những biện pháp điều tra cụ thể mà điều tra viên là người chủ trì như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai, hỏi cung bị can… cán bộ điều tra chịu sự chỉ đạo của Điều tra viên. Cán bộ điều tra phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu, chiến thuật mà điều tra viên đặt ra, đồng thời ghi nhận quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng trong biên bản tố tụng.
Xác định tư cách người tiến hành tố tụng của cán bộ điều tra thể hiện tính khoa học, logic trong xây dựng pháp luật. Cán bộ điều tra là nguồn chính cho việc rèn luyện, bổ nhiệm điều tra viên, chỉ có trực tiếp tham gia vào tố tụng hình sự cán bộ điều tra mới hiểu bản chất tố tụng, tự nhìn nhận, xây dựng kế hoạch rèn luyện những phẩm chất cần có của điều tra viên. Đồng thời khi gắn trách nhiệm của cán bộ điều tra trong Tố tụng hình sự cho phép Thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan Điều tra, điều tra viên có điều kiện chỉ dẫn những kinh nghiệm pháp luật, nghiệp vụ trong những vụ án, vụ việc cụ thể mà không vi phạm nguyên tắc pháp luật, nghiệp vụ. cán bộ điều tra có điều kiện trau dồi phẩm chất đạo đức, kiến thức pháp luật, nghiệm vụ, kinh nghiệm trong xử lý tình huống tạo tiền đề cho việc bổ nhiệm điều tra viên.
Cán bộ điều tra được bổ nhiệm theo những quy định chặt chẽ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Cán bộ điêu tra là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiếp, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiến quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Có trình độ Đại học An ninh, Đại học Cảnh sát hoặc Cử nhân luật trở lên. Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cơ quan Điều tra căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của Cơ quan, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn của cán bộ mà tiến hành đề nghị bổ nhiệm cán bộ điều tra. Cán bộ điều tra được bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi giấy chứng nhận Cán bộ điều tra theo quy đinh của ngành. Chỉ khi có quyết định bổ nhiệm mới được xem là cán bộ điều tra của Cơ quan Điều tra và mới trở thành người tiến hành tố tụng, được tiến hành các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật. Tiêu chí bổ nhiệm cán bộ điều tra chặt chẽ nhằm đảm bảo đội ngũ cán bộ điều tra có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn tốt, đồng đều, cán bộ điều tra phải là những người được đào tạo chuyên sâu về pháp luật, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu hoạt động điều tra – hoạt động nhận thức đặc biệt.
Bên cạnh  đó vẫn còn một số điểm bất cập, hạn chế:
Thứ nhất: Về trình độ chuyên môn
Đại học cảnh sát, Đại học an ninh, Đại học luật đào tạo các chuyên ngành khác nhau trong đó chỉ những cán bộ tốt nghiệp chuyên ngành điều tra, điều tra trinh sát, luật hình sự, tố tụng hình sự mới được đào tạo chuyên sâu về hình sự, tố tụng hình sự, những cán bộ này khi được điều động về công tác tại Cơ quan Điều tra sẽ sớm bắt nhịp với hoạt động tố tụng. Bên cạnh đó, nhưng cán bộ tuy tốt nghiệp Đại học cảnh sát, Đại học an ninh, Đại học luật nhưng ở các chuyên ngành khác thì việc tiếp xúc hoạt động tố tụng sẽ có nhiều hạn chế.
Thứ hai: Về công tác bổ nhiệm, thời gian bổ nhiệm
Cán bộ công tác tại cơ quan điêu tra có đủ phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, sức khỏe sau một thời gian công tác nhất định sẽ được bổ nhiệm làm cán bộ điều tra, thời gian đó cho phép Cơ quan điều tra đánh giá các tiêu chí làm cơ sở để đề nghị bổ nhiệm cán bộ điều tra, nhưng lại chưa quy định rõ về thời gian công tác bao lâu mới bổ nhiêm; Công tác đề nghị bổ nhiệm do cơ quan nơi cán bộ công tác tiến hành đề nghị có thể dẫn tới đề nghị theo tính chất chủ quan nếu không có hội đồng kiểm tra, đánh giá.
Quy định “Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi giấy chứng nhận Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định, thuộc Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao quy định” sẽ tạo ra sự không thống nhất trong quy trình, tiêu chí bổ nhiệm, tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ điều tra của cơ quan Điều tra.
Kiến nghị hoàn thiện:
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần xây dựng quy định chung về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi giấy chứng nhận Cán bộ điều tra của Cơ quan Điều tra. Thống nhất quy định về đánh giá, bổ nhiệm, miễm nhiệm cán bộ điều tra của Cơ quan Điều tra trong đó quy định rõ các vấn đề:
Thứ nhất: Thời gian công tác tại cơ quan điều tra để cơ quan điều tra nơi cán bộ công tác đủ thời gian đánh giá phẩm chất, năng lực, sức khỏe đối với cán bộ đề nghị bổ nhiệm cán bộ điều tra.
Thứ hai: Thành lập hội đồng kiểm tra đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ được đề nghị bổ nhiệm cán bộ điều tra; bổ nhiệm lại chức danh cán bộ điều tra; đánh giá, đề nghị miễn nhiệm những cán bộ điều tra không đủ các tiêu chí của cán bộ điều tra để miễn nhiệm cán bộ điều tra.
Thứ ba: Bồi dưỡng kiến thức, cấp chứng chỉ cho những cán bộ tốt nghiệp Đại học cảnh sát, Đại học an ninh, Đại học luật không phải chuyên ngành về điều tra, điều tra trinh sát, luật hình sự, tố tụng hình sự phục vụ công tác bổ nhiệm cán bộ điều tra.
Thái Hữu Ngọc