Cơ chế bảo đảm thực hiện quyền của người bào chữa theo quy định của BLTTHS năm 2015

24/10/2016
Để người bào chữa thực hiện tốt việc bào chữa, gỡ tội và đồng thời nhằm tăng cường trách nhiệm của người bào chữa,  khoản 1[1] Điều 73 BLTTHS năm 2015 được quy định bổ sung một số quyền và cơ chế bảo đảm người bào chữa thực hiện tốt các quyền luật định. Theo đó, bổ sung một số quyền của người bào chữa, gồm: Quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt; Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can thay vì chỉ được hỏi khi cơ quan tiến hành tố tụng đồng ý như hiện nay; Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; thu thập chứng cứ; kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản; đề nghị thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; đề nghị tiến hành một số hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS, đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Rõ ràng quyền của người bào chữa so với quy định trong BLTTHS năm 2003, đã được mở rộng rất nhiều nhằm bảo đảm quyền dân chủ, quyền con người được tôn trọng, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, mà Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 ngày 28/11/2014, phê chuẩn Công ước có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước ta cũng như thể hiện sự quyết tâm duy trì nền tảng đạo đức, pháp lý và văn hoá quyền con người đang được khẳng định trong chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, để các quyền của người bào chữa được thực thi triệt để trong họat động tố tụng hình sự, với ý nghĩa là một bên có tính “đối trọng” với các cơ quan tiến hành tố tụng, theo tác giả cơ quan liên ngành tư pháp trung ương cần tạo cơ chế để các quyền đó được vận hành thật sự thông suốt và trôi chảy. Mà theo đó, cần tập trung xử lý mấy vấn đề sau:
Thứ nhất: So với quy định tại Điều 58 BLTTHS năm 2003, Điều 73 BLTTHS năm 2015 quy định phân biệt rõ hai trường hợp người bào chữa gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo như sau:
Trường hợp thứ nhất: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 73 thì cuộc gặp, hỏi giữa người bào chữa với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là do người bào chữa chủ động tiến hành trong bất cứ giai đoạn tố tụng nào và không hạn chế số lần, thời gian gặp; được hỏi, trao đổi hoàn toàn riêng tư với người bị buộc tội trong điều kiện giám sát của cơ sở giam giữ mà không bắt buộc phải có mặt những người tiến hành tố tụng. Vấn đề này, Điều 80 BLTTHS năm 2015 có quy định:
 “1. Để được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam người bào chữa phải xuất trình văn bản thông báo người bào chữa, Thẻ luật sư hoặc Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân.
2. Cơ quan quản lý người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam phải phổ biến nội quy, quy chế của cơ sở giam giữ và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh. Trường hợp phát hiện người bào chữa vi phạm các quy định về việc gặp thì phải dừng ngay việc gặp và lập biên bản, báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.”
Trường hợp thứ hai: Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 73 của Bộ luật này, cuộc gặp do Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên chủ động tiến hành, theo kế hoạch đã chuẩn bị trước nhằm lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can với sự có mặt của người bào chữa. Để bảo đảm người bào chữa thực hiện được quyền của mình, theo quy định tại khoản 1 Điều 79 BLTTHS năm 2015: “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải báo trước một thời gian hợp lý cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hanh hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia theo quy định của Bộ luật này.”.  Khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can nếu Điều tra viên đồng ý cho người bào chữa được hỏi người bị tạm giữ, bị can thì phải ghi câu hỏi của người bào chữa, câu trả lời của người bị tạm giữ, bị can vào trong biên bản lấy lời khai người bị tạm giữ, biên bản hỏi cung bị can. Khi kết thúc việc lấy lời khai, hỏi cung, Điều tra viên phải đọc lại hoặc đưa cho người bào chữa đọc lại biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung, sau khi xác nhận đúng nội dung câu hỏi, trả lời thì yêu cầu người bào chữa ký vào biên bản. Trường hợp biên bản ghi chưa đầy đủ, chưa chính xác nội dung câu hỏi và trả lời, người bào chữa có quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ghi ý kiến của mình trước khi ký vào biên bản.
Trong cuộc gặp này, người bào chữa chỉ được hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can khi người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Theo quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015, để chuẩn bị cho cuộc gặp này, người bào chữa được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của BLTTHS; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quy định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa.
Như vậy, nếu so sánh quy định tại khoản 1 Điều 79 BLTTHS năm 2015 với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 BLTTHS năm 2003, có thể thấy: Để có thể thực hiện được quyền của người bào chữa, thay vì họ phải có nghĩa vụ đề nghị Cơ quan Điều tra báo trước về thời gian, địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can, thì nay nhà làm luật đã chuyển nghĩa vụ đó sang cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải báo trước một thời gian hợp lý…. Nhưng thế nào là một thời gian hợp lý cần báo trước? Thực tiễn cho thấy, hướng dẫn như tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 của Bộ Công an, quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự là hợp lý, mà theo đó, Điều tra viên phải thông báo về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can cho người bào chữa trước 24 (hai mươi bốn) giờ, trường hợp người bào chữa ở xa có thể thông báo trước 48 (bốn mươi tám) giờ, trường hợp không thể trì hoãn được việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can thì Điều tra viên tiến hành lấy lời khai, hỏi cung và sau đó phải thông báo cho người nào chữa biết.
Thứ hai: Nếu như tại điểm a[2] khoản 2 Điều 58 BLTTHS năm 2003, chỉ quy định người bào chữa được quyền có mặt trong những hoạt động điều tra khác, thì điểm c khoản 1 Điều 73 của BLTTHS năm 2015, nhà làm luật quy định nội dung trên theo hướng chi tiết hơn, mà theo đó, người bào chữa được quyền có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này. Vậy, hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự là gì? Về mặt luật thực định, trong các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tố tụng hình sự từ trước đến nay, qua tìm hiểu của tác giả chưa có một khái niệm pháp lý về hoạt động điều tra và cũng chưa được giải thích chính thức bởi các cơ quan có thẩm quyền. Chính vì vậy, xoay quanh vấn đề này hiện còn có các quan điểm khác nhau sau:
Quan điểm thứ nhất: Hoạt động điều tra là hoạt động tố tụng nhằm thu thập, củng cố và kiểm tra chứng cứ”.
Quan điểm thứ hai: Điều tra là một dạng hoạt động phát hiện, nghiên cứu, củng cố, ghi nhận, thu giữ các chứng cứ của điều tra viên theo quy định của luật. 
Quan điểm thứ ba: Hoạt động điều tra là hoạt động tố tụng có nội dung phát hiện, củng cố, thu giữ các thông tin thực tế nhằm mục đích thu thập chứng cứ.
Đặc điểm chung của các quan điểm trên đã nêu bật được nội dung bản chất của hoạt động điều tra là hoạt động phát hiện, thu thập, củng cố, ghi nhận, thu giữ những thông tin của vụ án. Điểm khác nhau giữa các quan điểm trên là quan niệm về đối tượng mà hoạt động điều tra tác động tới và thừa nhận Điều tra viên là chủ thể của hoạt động điều tra. Vậy, câu hỏi đặt ra là chứng cứ có sẵn hay không, phạm vi chủ thể của hoạt động điều tra bao gồm những ai vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.
Từ điển Luật học, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999 có giải thích: “Điều tra là công tác trong tố tụng hình sự được tiến hành nhằm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.”
Ngay cả BLTTHS năm 2003 và BLTTHS năm 2015 cũng chưa có điều luật nào giải thích hoặc định nghĩa về hoạt động điều tra. Mặc dù hoạt động điều tra đã được quy định trong các văn bản pháp luật tố tụng hình sự, hoạt động điều tra được các cơ quan tố tụng hình sự thực hiện thường xuyên, chưa được tập trung sự chú ý nghiên cứu sâu sắc, còn đang bỏ ngỏ nên có những cách hiểu, nhận thức khác nhau về hoạt động điều tra là không thể tránh khỏi. Hoạt động điều tra vốn mang bản chất của hoạt động nhận thức. Nhận thức thông qua một quá trình từ trực quan (cảm giác, tri giác và biểu tượng) đến tư duy trừu tượng (khái niệm, phán đoán và suy lý) dựa vào hệ thống phương pháp nhận thức lý thuyết (trừu tượng hóa và khái quát; giả định - suy diễn; tiên đề - kết luận; thuật toán; hệ thống - cấu trúc; hình thức hóa và mô hình hóa) và phương pháp thực nghiệm (thí nghiệm, quan sát, đo đạc). Kết quả nhận thức đạt tới chân lý khách quan. Trong tố tụng hình sự chân lý khách quan cần khám phá là sự thật khách quan của vụ án đã xảy ra. Là một yếu tố của quá trình chứng minh, hoạt động điều tra được xem như là một hoạt động nhận thức nếu nhìn từ góc độ của lý luận phản ánh.
 Ngay giai đoạn đầu tiên của hoạt động điều tra là thu thập chứng cứ, đây là một dạng của hoạt động nhận thức. Nếu như toàn bộ hoạt động chứng minh nhằm phản ánh những gì thuộc quá khứ, thì hoạt động thu thập chứng cứ là sự phản ánh những khách thể đang tồn tại, đang hiện hữu. Đây là một đặc điểm rất quan trọng của thu thập chứng cứ với tư cách là một dạng của hoạt động nhận thức. Hơn nữa nếu không dựa vào lý luận nhận thức thì không thể giải thích được các quy luật hình thành chứng cứ và hiệu quả của hoạt động điều tra phụ thuộc vào yếu tố gì. Cơ quan tố tụng hình sự thu thập được chứng cứ làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án xảy ra là kết quả của hai lần nhận thức các sự kiện tội phạm.
Mục đích của hoạt động điều tra là thu nhận hình ảnh trung thực của thông tin về các sự kiện phạm tội thông qua những biện pháp tố tụng do luật định. Tùy thuộc vào những mục đích khác nhau và những phương pháp tương ứng, hoạt động điều tra cho phép thu nhận được những thông tin khác nhau về nội dung và hình thức từ chính dấu vết đó. Phân tích các quy định của BLTTHS năm 2015 có thể thấy luật ghi nhận nhiều cách thức, biện pháp điều tra khác nhau như: Quan sát, hỏi, đo đạc, so sánh, thí nghiệm, mô hình hóa, mô tả... Việc sử dụng biện pháp điều tra nào là tùy thuộc vào khách thể và mục đích điều tra. Ví dụ: Muốn thu thập dấu vết tội phạm khi thực hiện hoạt động khám nghiệm hiện trường thì phải dùng những phương pháp nhận thức như quan sát, kết hợp với đo đạc, so sánh, thí nghiệm để phát hiện và ghi nhận và thu giữ những thông tin phản ánh trong các dấu hiệu vật lý của địa điểm, đồ vật và tài liệu. Hoặc khi muốn tìm hiểu khả năng thực hiện hành vi nhất định nào đó trong bối cụ thể thì sử dụng kết hợp phương pháp quan sát, mô hình hóa và thí nghiệm.
Nhưng nếu cho rằng hoạt động điều tra là hoạt động thu thập, củng cố và kiểm tra chứng cứ thì chưa đúng hoàn toàn, vì như vậy mới chỉ ra được mục tiêu của hoạt động điều tra, mà không nói đến phương pháp thực hiện, có thể tạo nên sự hiểu nhầm rằng chứng cứ đã tồn tại sẵn có trước khi tiến hành hoạt động điều tra và nhiệm vụ của cơ quan điều tra là “gom, nhặt, tìm kiếm” chúng mang về. Hơn nữa quá trình chuyển hóa các dấu vết cụ thể của tội phạm thành chứng cứ tố tụng là chức năng quan trọng nhất của hoạt động điều tra. Từ giác độ bản chất nhận thức của hoạt động điều tra, có thể đưa ra định nghĩa hoạt động điều tra là một sự kết hợp các thao tác có tính chất tìm kiếm, nhận thức, xác nhận phù hợp với đặc thù của các dấu vết tội phạm, phát hiện, thu giữ, củng cố một cách có hiệu quả các thông tin có giá trị chứng minh trong các dấu vết đó theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm mục đích thu thập, kiểm tra và đánh giá các chứng cứ chứng minh sự kiện phạm tội.[3]
Thứ ba: Dù rằng tại điểm c khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015, có quy định người bào chữa có quyền có mặt trong hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Quy định này được hiểu là sự đương nhiên, mà cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi để người bào chữa thực hiện quyền có mặt của họ trong hoạt động điều tra nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, nghiên cứu quy định tại Điều 201 BLTTHS năm 2015 về hoạt động khám nghiệm hiện trường, mà theo đó, tại khoản 2 của Điều  này quy định: “Khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến; có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.”. Tương tự như vậy, Điều 204 BLTTHS năm 2015 quy định về hoạt động thực nghiệm điều tra, theo đó, tại khoản 3 của Điều này quy định: “Khi tiến hành thực nghiệm điều tra…Trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng có thể tham gia.”. Với quy định như trích dẫn cho thấy, từ hoạt động được coi là quyền, mà quyền đó không bị hạn chế trong mọi hoạt động điều tra của cơ quan tiến hành tố tụng, thì với quy định trong từng hoạt động điều tra cụ thể, nhà làm luật bỗng dưng “thắt lại”, hạn chế bớt quyền này của người bào chữa bằng cách sử dụng các cụm từ “có thể”; “có thể cho”; “cần thiết”. Điều đó cho thấy đã có sự mâu thuẫn ngay trong nội tại các quy định BLTTHS năm 2015. Trong khi đó, tại Điều 4 của Bộ luật này cũng không có sự giải thích thuật ngữ “trường hợp cần thiết”; “có thể” được hiểu như thế nào cho đúng. Vậy thế nào là trường hợp cần thiết; khi nào không cần thiết? Trường hợp nào người bào chữa phải tham gia hoạt động thực nghiệm điều tra; trường hợp nào có thể tham gia? Những tiêu chí được cho là cần thiết là gì?…hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý giải quyết vụ án đó, của Điều tra viên, Kiểm sát viên được phân tiến hành tố tụng vụ án, mà không theo một chuẩn mực được quy định sẵn. Điều đó dẫn đến đến tình trạng thiếu thống nhất khi áp dụng, thậm chí là tùy tiện. Thiết nghĩ, đã mở rộng cánh cửa tố tụng nhằm chống tình trạng oan sai như đã từng diễn ra trong thời gian qua, thì hãy để cho người bào chữa tự họ quyết định trường hợp nào là cần thiết phải có mặt trong hoạt động điều tra, nhằm phục vụ tốt việc bào chữa, gỡ tội là thỏa đáng nhất.
Thứ tư: Một quy định nữa cũng đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đó là quy định tại điểm g khoản 1 Điều 73 của Bộ luật này về quyền đề nghị triệu tập người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của người bào chữa. Thực tiễn hiện nay, ngoại trừ một số vụ án liên quan đến hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, việc triệu tập Điều tra viên để làm rõ các vấn đề liên quan việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, các dấu hiệu khác như bức cung, nhục hình, làm sai lệch hồ sơ… gần như không được pháp luật tố tụng hình sự quy định và cũng không được tiến hành trên thực tế. Với trường hợp, người bào chữa đề nghị Tòa án triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án đến phiên tòa để trình bày các vấn đề có liên quan đến vụ án, mà nếu như đề nghị này không được Hội đồng xét xử không chấp nhận vì cho rằng xét thấy không cần thiết thì giải quyết như thế nào? Bởi theo quy định tại Điều 296 BLTTHS năm 2015, trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa.
 
ThS.LS Lê Văn Sua
Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang
 
[1] 1. Người bào chữa có quyền:
a) Gặp, hỏi người bị buộc tội;
b) Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;
c) Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;
d) Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;
đ) Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;
e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;
g) Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
h) Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
i) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
k) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;
l) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;
m) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;
n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
o) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của Bộ luật này.
 
[2] a) Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;
 
[3] http://www.hcmulaw.edu.vn/hcmulaw/index.php?option=com_content&view=article&catid=109:ctc20073&id=308:bcchtttths&Itemid=110