Bàn về thực thi, tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay

13/01/2016
 

Nhận định về thực trạng tham nhũng và đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, Nghị quyết lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X khẳng định: “Trong những năm qua, nhất là từ sau Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Đảng và Nhà nước ta đã tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nhiều cán bộ, đảng viên giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, đi đầu trong cuộc đấu tranh này. Nhiều vụ án tham nhũng, trong đó có những vụ án lớn, phức tạp, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, hiệu quả thấp. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định rõ: Tham nhũng là một hiện tượng xã hội đang tồn tại ở Việt Nam; Mức độ tham nhũng là nghiêm trọng; Phạm vi tham nhũng rộng, tính chất hành vi tham nhũng phức tạp; Hậu quả tham nhũng gây tác hại nhiều mặt, có thể dẫn đến nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Tuy nhiên, như lời nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu trong Đối thoại trực tuyến với thanh niên năm 2007, tham nhũng ở đâu cũng có, không riêng gì Việt Nam và Việt Nam chưa phải là nước có nạn tham nhũng nghiêm trọng nhất thế giới. Theo Bảng xếp hạng về tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, chỉ số tham nhũng của Việt Nam năm 2010 là 2,7/10 (là chỉ số phản ánh mức độ tham nhũng cao), song so với các nước khác như Nga, Myanma, Somalia, chỉ số tham nhũng của các nước này còn cao hơn nhiều. Vấn đề quan trọng là, cần đánh giá được một cách khách quan và thực chất của tình hình tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Hơn nữa, phải lượng hóa được ở mức độ càng cụ thể càng tốt, bằng những số liệu cụ thể để có biện pháp phòng chống phù hợp. Những số liệu này, trước hết là số liệu được tập hợp bởi các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhất là số liệu đưa ra bởi các cơ quan chuyên trách. Các cơ quan đó là Cục chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, Cục điều tra các tội phạm về tham nhũng thuộc Tổng cục Cảnh sát điều tra tội phạm - Bộ Công an và Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, trong 4 năm (từ năm 2007 đến năm 2010), toàn ngành thanh tra đã triển khai 53.954 cuộc thanh tra, kiến nghị xử lý kỷ luật đối với 1300 tập thể, 11.022 cá nhân có vi phạm, chuyển Cơ quan điều tra xử lý 439 vụ việc.

Một vấn đề khác liên quan đến việc nghiên cứu thực trạng tham nhũng ở Việt Nam, đó là tính chất nhạy cảm của bản thân vấn đề được nghiên cứu. Tham nhũng khác với các vi phạm pháp luật và tội phạm khác là ở sự gắn bó của nó với quyền lực nhà nước và là mặt trái của sự vận hành quyền lực nhà nước ở góc độ của sự lạm quyền và tha hóa của một số nhân viên công quyền. Tham nhũng được ví như thứ giặc nội xâm, giặc ở bên trong nội bộ, phá nát, làm mục ruỗng nội bộ từ bên trong. Đấu tranh chống tham nhũng trước hết là cuộc đấu tranh với chính bản thân mình trong con người của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, không phân biệt cấp bậc, chức vụ, công việc đảm nhiệm; đấu tranh trong nội bộ từng đơn vị, cơ quan, đơn vị, ngành và địa phương. Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với xây dựng và củng cố nội bộ, chống hoạt động lợi dụng đấu tranh chống tham nhũng để xâm hại chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, các thế lực thù địch không từ một biện pháp và thủ đoạn nào để chống phá, lật đổ chế độ ta. Đấu tranh chống tham nhũng là cần thiết và cấp bách, song phải thận trọng, không tạo kẽ hở để kẻ địch lợi dụng theo kiểu “mượn gió bẻ măng” gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là yêu cầu khó khăn, phức tạp của cuộc đấu tranh và sự khó khăn, phức tạp này, đến lượt nó, lại tác động, gây ảnh hưởng, ở một mức độ nhất định cho việc nghiên cứu thực chất của thực trạng tham nhũng cũng như việc công khai hóa, minh bạch hóa vấn đề tham nhũng theo yêu cầu của quốc tế.

1. Một số lĩnh vực tham nhũng điển hình

Như Nghị quyết trung ương 3 khóa X đã nhận định, tham nhũng ở Việt Nam diễn ra trong nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rất rộng. Tuy nhiên, mức độ tham nhũng trong từng lĩnh vực không đồng đều nhau; có một số lĩnh vực tham nhũng xảy ra phổ biến như:

Lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản: Các hành vi tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực đầu tư cơ bản thường là: lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; nhận hối lộ; tham ô tài sản; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với nhiều mức độ khác nhau, diễn ra hỗn hợp, nối tiếp nhau, sai phạm này kéo theo sai phạm khác và xảy ra ở tất cả các khâu, các giai đoạn từ khâu lập và duyệt dự án, khảo sát, thiết kế, duyệt kế hoạch vốn, đấu thầu, tư vấn giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình...

- Lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai: Trong nền kinh tế thị trường, đất là loại tài sản có giá trị đặc biệt lớn, “tấc đất tất vàng” kích thích lòng tham và tính vụ lợi của con người, nhất là những người có nhiều khả năng và điều kiện thực hiện hành vi tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Thực trạng quản lý nhà nước đối với đất đai ở nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém, hệ thống pháp luật đất đai còn chưa hoàn chỉnh, việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực này trong nhiều trường hợp còn buông lỏng ở các địa phương và không nghiêm trên phạm vi toàn quốc. Tuy có mức độ vi phạm khác nhau, nhưng không chỉ đất đai ở đô thị mà ngay cả đất đai ở nông thôn cũng bị lấn chiếm, cấp, mua bán, chuyển nhượng tùy tiện và khó quản lý, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản quốc gia về đất, giá trị đất cũng như thuế chuyển quyền sử dụng đất, phá vỡ quy hoạch tổng thể của nền kinh tế.

- Lĩnh vực tài chính, ngân hàng: Đây cũng là lĩnh vực diễn ra nhiều sai phạm với các hành vi tham nhũng phổ biến như tham ô, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ... Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, nhân viên các ngân hàng thương mại thoái hóa, biến chất được các doanh nghiệp móc nối, hối lộ đã cho vay sai nguyên tắc, vượt quá khả năng thanh toán, thông đồng với đối tượng vay nhận hồ sơ thế chấp không hợp lệ, hồ sơ giả, nâng khống giá trị tài sản thế chấp để vay tiền, dẫn đến hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước bị thất thoát. Có một số cán bộ ngân hàng, kho bạc, quỹ tín dụng lợi dụng nhiệm vụ được giao như quản lý kho, quỹ vay tiền ngân hàng để mua chứng khoán hoặc cho vay lại với lãi suất cao hơn, khi bị thua lỗ, lừa đảo mất khả năng trả nợ, gây thiệt hại lớn. Xuất hiện nhiều loại tội phạm tham nhũng mới với tính chất hết sức nghiêm trọng như tham ô, cố ý làm trái và lừa đảo qua mạng hay các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán (như sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán - giao dịch nội gián hay thao túng giá chứng khoán...).

- Một số lĩnh vực khác như quản lý cấp phát ngân sách nhà nước, quản lý xuất nhập khẩu, giáo dục, y tế, gây phiền nhiễu trong giải quyết công việc hành chính công. Hành vi tham nhũng trong các lĩnh vực này đa dạng, song thủ đoạn chính là thông đồng, móc ngoặc giữa các đối tượng trong và ngoài Nhà nước để gửi giá, thông thầu, nâng giá nhập khẩu máy móc, thiết bị nhằm chiếm đoạt tiền chệnh lệch, lợi dụng chính sách phát triển kinh tế vùng, hỗ trợ đồng bào khó khăn để ra quyết định trái pháp luật rút tiền của Nhà nước.

Sự đa dạng của các lĩnh vực nói trên cho thấy tính phổ biến và tính đặc thù của những hành vi tham nhũng ở Việt Nam, một đất nước đang phát triển mở rộng mô hình nền kinh tế thị trường và tích cực hội nhập quốc tế. Để đấu tranh có hiệu quả với nạn tham nhũng, bên cạnh những nỗ lực quốc gia, Việt Nam cần có sự hỗ trợ và hợp tác với các nước khác trong khu vực và thế giới trong một cơ chế đa phương được tạo ra bởi Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc năm 2003.

2. Nội dung vấn đề thực thi, tuân thủ Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng của Việt Nam

2.1. Một vài nét về sự ra đời và nội dung cơ bản của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và sự tham gia của Việt Nam

Nạn tham nhũng tồn tại ở nhiều quốc gia và nền kinh tế thế giới, bao gồm cả các quốc gia, các nền kinh tế phát triển và các quốc gia, các nền kinh tế kém phát triển. Tham nhũng là hiểm họa toàn cầu, cần có sự chung tay hành động, hợp sức cùng đấu tranh của cộng đồng quốc tế. Ngày 04/12/2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết số 55/61 xác định cần phải có một văn kiện pháp lý quốc tế hữu hiệu chống tham nhũng. Theo Nghị quyết này, Ủy ban soạn thảo Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng được thành lập. Theo kế hoạch, Ủy ban này dự kiến tổ chức 6 phiên họp trong 2 năm (2002 và 2003) để soạn thảo Công ước. Để chuẩn bị cho các phiên họp chính thức nói trên, Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc họp liên chính phủ để bàn về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban soạn thảo và tiến hành cuộc họp trù bị tại thủ đô Ác-hen-ti-na từ ngày 04 đến ngày 07/12/2001 với sự tham gia của các chuyên gia đại diện 56 quốc gia, đồng thời để hình thành dự thảo Công ước đầu tiên. Trên thực tế, việc giải quyết vấn đề thông qua Công ước phải trải qua không phải 6 mà là 7 phiên họp của các quốc gia trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Ngày 01/10/2003, tại phiên họp thứ 7, với tinh thần khẩn trương và xây dựng, Công ước đã được thông qua với 8 chương và 71 điều. Theo Nghị quyết số 58/169 ngày 18/12/2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chấp nhận đề nghị của Chính phủ Mê-hi-cô về việc đăng cai Hội nghị chính trị cấp cao về ký Công ước và mời các quốc gia tham gia Lễ ký Công ước tại thành phố Mê-ri- đa, Mê-hi-cô từ ngày 09 đến ngày 11 tháng 12 năm 2003.

Sáng ngày 09/12/2003, Tổng thống Mê-hi-cô và Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc khai mạc Hội nghị. Từ ngày 09 đến ngày 11/12/2003, đã có 95 nước ký Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, trong đó có Việt Nam.

Điều 1 Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng xác định mục đích của Công ước như sau: Thúc đẩy và tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng có hiệu lực và hiệu quả hơn; Thúc đẩy, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác quốc tế và trợ giúp kỹ thuật trong phòng, chống tham nhũng, bao gồm cả việc thu hồi tài sản; Thúc đẩy tính liêm chính, chế độ trách nhiệm và việc quản lý đúng đắn việc công và tài sản công.

Để đạt những mục đích trên, Công ước quy định các biện pháp phòng ngừa tham nhũng (Chương 2), vấn đề hình sự hóa và thực thi pháp luật xử lý hành vi tham nhũng (Chương 3), hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tham nhũng (Chương 4), thu hồi tài sản tham nhũng (Chương 5) vấn đề hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin (Chương 6) và các cơ chế thi hành Công ước (Chương 7).

Ngày 30/6/2009, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; Ngày 19/8/2009, Bộ ngoại giao Việt Nam đã ra Tuyên bố về việc thực thi Công ước và gửi văn kiện bảo lưu đến Liên hợp quốc.

2.2. Việt Nam với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và kiến nghị góp phần thực thi Công ước

Việt Nam là quốc gia tích cực tham gia soạn thảo và ký kết Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Theo quyết định phê chuẩn năm 2009, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước này, có nghĩa vụ thực thi những cam kết thể hiện trong các điều khoản của Công ước, trừ những điều khoản tuyên bố bảo lưu.

Vấn đề đặt ra là, mức độ cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế qua việc ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng đặt ra cụ thể như thế nào. Trong Tuyên bố về việc thực thi Công ước gửi Liên hợp quốc, Bộ ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố không áp dụng trực tiếp quy định của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; việc thực hiện các quy định của Công ước trên sẽ theo nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam, trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc “có đi có lại”. Như vậy, đối với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Việt Nam có nghĩa vụ thực thi, nhưng là thực thi trên cơ sở nội luật hóa các quy định của Công ước thành pháp luật Việt Nam. Vấn đề tuân thủ, thực thi Công ước ở Việt Nam sẽ phải trải qua các giai đoạn: Nội luật hóa các quy định của Công ước;Tổ chức thực thi các quy định đã nội luật hóa;  Hợp tác với các quốc gia khác trên cơ sở những thỏa thuận song phương hoặc đa phương; Đánh giá kết quả thực hiện Công ước.

Để việc thực thi Công ước một cách có kế hoạch và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2010 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước với lộ trình 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 từ năm 2010 đến năm 2011 với mục tiêu tổ chức triển khai, phân công thực hiện cơ bản, toàn diện nội dung Công ước trên diện rộng; bổ sung chi tiêt, hướng dẫn hoàn thiện quy định pháp luật phòng chống tham nhũng cho phù hợp với Công ước.

- Giai đoạn 2 từ năm 2011 đến năm 2016: Tiến hành đánh giá việc thực hiện giai đoạn 1 của Kế hoạch gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng để hoàn thiện, bổ sung các giải pháp mới, biện pháp, hình thức tổ chức hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng với những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; nghiên cứu kinh nghiệm về phòng chống tham nhũng các nước, có lựa chọn từng bước áp dụng cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

- Giai đoạn 3 từ năm 2006 đến năm 2020: đánh giá toàn diện việc thực hiện nội dung Công ước, bổ sung cơ chế, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Cho đến nay, Việt Nam đã qua giai đoạn 1 của lộ trình 3 giai đoạn nêu trên. Điểm lại những việc đã làm được, có thể nêu khái quát thành một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, về việc tuyên truyền, phổ biến Công ước và pháp luật Việt Nam về phòng chống tham nhũng

Để việc thực thì Công ước có hiệu quả, cần thiết phải đưa Công ước đến với mọi chủ thể trong xã hội, làm cho mọi cán bộ, công chức, công dân nhận thức rõ mục đích, nội dung cũng như ý nghĩa của việc thực thi Công ước đối với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam. Từ nhận thức đến hành động, từ yêu cầu pháp lý đến quyết tâm chính trị và sự đồng thuận xã hội, đó là quy luật của hoạt động đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực xã hội. Ý thức được điều này, Chính phủ và các cấp chính quyền Việt Nam đã có nhiều hình thức và biện pháp tích cực trong tuyên truyền, phổ biến nội dung của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng cũng như những quy định của pháp luật Việt Nam nội luật hóa quy định của Công ước. Trong hai năm 2010 và 2011, các bộ, ban, ngành của Việt Nam đã tổ chức hàng nghìn hội nghị tuyên truyền, lớp tập huấn pháp luật về phòng chống tham nhũng, đã phát hành hàng chục nghìn sách, tạp chí, tài liệu tuyên truyền, mở các chuyên trang, chuyên mục, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Thứ hai, vấn đề nội luật hóa quy định của Công ước và hoàn thiện thể chế pháp lý về phòng chống tham nhũng

Như đã nêu ở trên, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng không có hiệu lực áp dụng trực tiếp ở Việt Nam. Để thực thi Công ước, vấn đề nội luật hóa, chuyển các quy định của Công ước thành pháp luật thực định Việt Nam là yêu cầu có tính tiên quyết và bắt buộc.

Ngày 21/11/2005, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật phòng, chống tham nhũng. Quá trình xây dựng Luật này cũng đã tham khảo những quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Từ các quy định của Công ước, quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, đồng thời quán triệt Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X (kỳ họp thứ ba), các cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng. Cụ thể là:

- Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020 và kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược; đã ban hành một loạt các Nghị định, Quyết định, Chỉ thị quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở, trang thiết bị và phương tiện làm việc; tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng chống tham nhũng; trả lương qua tài khoản đối với đối tượng hưởng lương từ ngân sách...

- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xây dựng, trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng có liên quan đến PCTN (Quyết định số 264-QĐ/TW ngày 12/10/2009);

- Thực hiện Nghị quyết 1039/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 28/8/2006 của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội, các cơ quan: Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quy chế về việc phối hợp trong công tác phòng chống tham nhũng (Quy chế số 01/QCPH ngày 15/01/2009);

- Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng (Quyết định số 137/2009/QĐ-TTg); Ban hành Quyết định về tổ chức, tên gọi, nhiệm vụ và quy chế hoạt động của Bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng (Quyết định số 138/2009/QĐ-TTg ngày 09/12/2009)

 - Các văn bản pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng cũng đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền.

Thứ ba, về việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Theo Điều 8 Công ước, các quốc gia thành viên Công ước có nghĩa vụ “trong khuôn khổ hệ thống pháp luật và thể chế nước mình, những quy tắc hoặc chuẩn mực xử sự (cho công chức) để đảm bảo việc thực hiện chức năng công được chính xác, chuẩn mực và đúng đắn”. Thực thi quy định này, hầu hết các cơ quan nhà nước Việt Nam  trung ương đều đã ban hành và thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Một số tổ chức xã hội nghề nghiệp ở trung ương cũng đã xây dựng và thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp của hội viên như: Hội Kế toán, Kiểm toán, Hội nhà báo, Tổng hội Y dược học...; các tổ chức khác cũng đang khẩn trương xây dựng quy tắc để ban hành.

Các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ. Theo thống kê của 46 tỉnh, thành phố, đến nay có 10.710 cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Các tỉnh như Điện Biên, Quảng Ngãi, Bạc Liêu có 100% đầu mối trực thuộc tỉnh đã thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; tỉnh Bến Tre tổ chức cuộc thi “ứng xử trong giao tiếp hành chính năm 2009”; ở Yên Bái, 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức đã ký cam kết không tham nhũng, tiêu cực; tỉnh Cao Bằng có 72% số đơn vị với 92,4% số cán bộ, công chức, viên chức ký cam kết không tham nhũng; thành phố Hồ chí Minh, Bình Phước đã triển khai thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức đến cấp xã, phường, thị trấn của địa phương.

Cùng với việc xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử cho công chức, vấn đề cải cách hành chính, đổi mới công nghệ cũng được đẩy mạnh. Thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoan 2007 - 2010 (Đề án 30), đến nay 100% các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã công bố bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, đã thống kê, rà soát trên 9000 văn bản quy định về chế độ, chính sách, trên 5700 thủ tục hành chính và trên 100.000 biểu mẫu thống kê thủ tục hành chính. 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã công bố công khai bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết và cắt giảm thủ tục hành chính vượt chỉ tiêu do chính phủ đề ra (30%). Chính phủ ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 02/6/2010 thông qua phương án đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính trên nguyên tắc: cắt giảm gánh nặng hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước. Các tỉnh, thành phố tăng cường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, thí điểm mô hình “một cửa - ứng dụng - thông tin”, lập trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử; đẩy mạnh phân công, phân cấp trong xử lý hành chính công. Các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, theo tính toán của một số nhà chuyên môn, có thể tiết kiệm cho người dânvà doanh nghiệp gần 6000 tỷ đồng mỗi năm.

Thứ tư, sự tham gia của xã hội vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng

Ở Việt Nam, sự tham gia của xã hội vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thể hiện rõ rệt qua vai trò và các hoạt động cụ thể của Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức thành viên. Trên cơ sở trách nhiệm được pháp luật quy định, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03 và Thông tri số 17/TTr-MTTW về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, trong đó yêu cầu Mặt trân Tổ quôc các cấp tập trung giám sát những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, nhất là quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý tài sản nhà nước, cấp sổ đỏ, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư khi thu hồi đất, đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, cấp phép xây dựng, kinh doanh, thu chi các loại phí, lệ phí, các khoản đóng góp của nhân dân...

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã tiến hành giám sát việc tiếp dân của chủ tịch Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cùng cấp, giám sát việc công khai nhiệm vụ, thu chi ngân sách, đề bạt, nâng lương, nâng ngạch, tuyển dụng, thuyên chuyển và xử lý cán bộ công chức vi phạm. Mặt trận Tổ quốc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với chủ tịch Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp xã và trưởng thôn, tổ trưởng dân phố. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc đã tổ chức nhiều hòm thư ở các địa phương để nhân dân tham gia tố cáo, phát hiện tham nhũng; tiếp nhận và phân loại đơn thư của công dân để chuyển tải, kiến nghị kịp thời tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, đồng thời giám sát việc giải quyết đơn thư.

Trong các kỳ tổ chức hiệp thương bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã loại khỏi danh sách hiệp thương những ứng cử viên vi phạm pháp luật, có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, vi phạm lối sống, kê khai tài sản không trung thực và những trường hợp không được cử tri nơi công tác, cư trú tín nhiệm.

Từ những điều đã trình bày trên, có thể thấy rằng những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nói riêng, Nhà nước Việt Nam nói chung trong việc triển khai thực hiện Công ước về chống tham nhũng của Liên hợp quốc là rất lớn và những nỗ lực đó, trên thực tế đã đưa lại những kết quả nhất định trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam Quá trình triển khai thực hiện Công ước, Việt Nam có những thuận lợi cơ bản:

- Việt Nam theo chế độ chính trị nhất nguyên, Đảng Cộng sản lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng, Nhà nước Việt Nam có quyết tâm chính trị lớn trong việc ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

- Quy định của Công ước về cơ bản phù hợp với pháp luật thực định Việt Nam và với Luật phòng chống tham nhũng Việt Nam đã được ban hành trước đó.

- Trên thực tế, Việt Nam đã thiết lập một hệ thống cơ quan phòng chống tham nhũng mạnh từ trung ương tới địa phương, từ cơ quan chỉ đạo chung tới các cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh với tội phạm tham nhung.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp một số khó khăn nhất định khi triển khai thực hiện Công ước. Những khó khăn đó là:

- Việt Nam còn ít kinh nghiệm, còn thiếu năng lực trong việc tham gia các nỗ lực quốc tế về đấu tranh phòng chống tham nhũng. Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế chuyển đổi, cơ chế thị trường ở Việt Nam tuy đã hình thành, song còn nhiều thị trường quan trọng chưa phát triển; đội ngũ công chức của Việt Nam đa phần được đào tạo trong nước, trình độ ngoại ngữ hạn chế, khả năng tiếp cận kinh nghiệm quốc tế về phòng chống tham nhũng thấp. Nhiều quy định của Công ước còn tương đối mới đối với Việt Nam.

- Pháp luật Việt Nam tuy cơ bản phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, song bản thân hệ thống pháp luật đó đang trong giai đoạn hoàn thiện. Nhiều quy định của pháp luật Việt Nam chồng chéo, vừa rườm rà, vừa chung chung, thiếu cụ thể, khó áp dụng.

- Một số quy định của Công ước, chẳng hạn tham nhũng trong lĩnh vực tư chưa được nội luật hóa trong luật thực định Việt Nam. Trong quan niệm của giới khoa học và công chức Việt Nam từ trước đến nay, tham nhũng chỉ xảy ra ở khu vực công, liên quan đến sự vận hành của quyền lực nhà nước.

3. Kiến nghị việc tăng cường tuân thủ, thực thi công ước  tại Việt Nam

Một là, cần thực hiện dân chủ hoá để chống lại những biểu hiện độc đoán chuyên quyền, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện quy chế dân chủ, công khai, minh bạch và bình đẳng.

Hai là, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài và kinh nghiệm quốc tế về phòng chống tham nhũng; việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức: biên dịch tài liệu, tổ chức hội nghị, hội thảo, cử cán bộ đi học tập ở nước ngoài hoặc mời chuyên gia nước ngoài hỗ trợ đào tạo.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý ở Việt Nam. Muốn thực thi Công ước, cần nội luật hóa quy định của Công ước. Tuy nhiên, hiệu quả của các văn bản Việt Nam nội luật hóa Công ước không phụ thuộc vào bản thân văn bản đó mà phụ thuộc vào hệ thống thể chế pháp lý Việt Nam hiện hành trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng chỉ thực sự đem lại hiệu quả ở Việt Nam khi việc triển khai nó đi kèm với quá trình hoàn thiện pháp luật Việt Nam.

 Bốn là, cần nghiên cứu và hình sự hóa các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư. Thực tế, những hành vi này đã tồn tại trong đời sống xã hội Việt Nam, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và lợi ích chính đáng của người dân. Pháp luật hình sự Việt Nam còn chưa điều chỉnh và giải quyết, xử lý những hành vi nguy hiểm cho xã hội này.

Năm là, đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, cải cách hành chính, công khai minh bạch trong hành chính công; chuẩn hóa các chức danh công chức; xây dựng đạo đức nghề nghiệp và tinh thần phục vụ nhân dân.

 Sáu là, tăng cường năng lực cho các cơ quan chuyên trách trong phòng chống tham nhũng, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc tiến hành cải cách các cơ quan tự pháp phải tiến hành đồng bộ, gắn liền với hoạt động công khai minh bạch, thực hiện dân chủ trong các hoạt động của đời sống xã hội.

Phạm Thị Hương - Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Xem Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng;

2. Xem Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005;

3. Xem và tham khảo một số bài viết trên intenet.