Luật Bảo vệ người tiêu dùng Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010, có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 (viết tắt Luật BVQLNTD), Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 13/1999/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Ngày 27/10/2011 Chính phủ ban hành Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (viết tắt Nghị định 99/2011/NĐ-CP). Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Hình sự 1999, Luật Thương mại 2005, Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007,… cũng có những quy định về bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng (NTD), đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho việc bảo vệ NTD, xác lập được sự ổn định trong quan hệ giữa NTD với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Từ đó đã hình thành được nền tảng tư duy mới trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ NTD và thiết lập được vị thế các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ, hướng tới mục tiêu xã hội hóa công tác bảo vệ NTD. Tuy nhiên, vấn đề thực thi có hiệu quả các quy định pháp luật trên thực tế vẫn chưa có hiệu quả như mong muốn, và trong một chừng mực nào đó, những bất cập của quy định pháp luật trong lĩnh vực này là rào cản trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD, hậu quả để lại cho NTD và xã hội là không nhỏ, đó là: Nhiều hàng hóa, sản phẩm khi đến tay NTD là hàng lậu, hàng giả kém chất lượng, thực phẩm chứa chất độc hại,…còn quá nhiều trên thị trường, NTD bị mất tiền oan, quyền lợi, sức khỏe của NTD bị ảnh hưởng, thậm chí còn mất cả tính mạng. Trong khi đó, các chế tài xử phạt trong lĩnh vực này hầu như chưa phát huy được hết hiệu quả. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đề cập đến những vướng mắc từ thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của NTD và đề xuất những kiến nghị hoàn thiện trong thời gian tới. Cụ thể:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật BVQLNTD:“Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.”. Theo quy định này, để được coi là người tiêu dùng phải thỏa mãn các điều kiện cần và đủ sau: Điều kiện cần, trước hết họ phải là người mua hoặc là người trực tiếp sử dụng hàng hóa, dịch vụ; Điều kiện đủ, thông qua hành vi mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó nhằm mục đích cho tiêu dùng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức. Như vậy, nếu như họ chỉ mua loại hàng hóa hoặc quyền được sử dụng dịch vụ nào đó mà không vì mục đích tiêu dùng, phục vụ sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức thì không phải là NTD. Nhưng thực tế vốn rất đa dạng và rất phong phú, bởi trong trường hợp họ là cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 2[1] Điều 3 Luật BVQLNTD, nếu như hàng hóa, dịch vụ mà họ đã mua không nhằm mục đích sử dụng cho cá nhân, mà rõ ràng là bị lỗi thì có coi họ là NTD không? Ví dụ: Tận dụng mặt bằng sân nhà, gia đình ông A mở quán bán hàng điểm tâm sáng vừa bán thêm nước giải khát (cà phê, nước ngọt có gas, nước khoáng đóng chai,…) cho khách hàng. Vừa định mở nắp chai trà thảo mộc XY để phục vụ theo yêu cầu của khách hàng, ông A phát hiện trong chai nước đó có vật thể lạ. Trong trường hợp này ông A có phải là NTD không? Xoay quanh vấn đề này, hiện có loại ý kiến sau:
+ Ý kiến thứ nhất, không những ông A mà cả những người là thành viên gia đình ông A đều không phải là NTD đúng nghĩa theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật BVQLNTD, vì thực tế, gia đình ông A là đối tượng kinh doanh - người mở quán bán hàng, trong đó có việc mua đi bán lại chai nước giải khát trà XY loại chai nhựa nhằm thu lợi nhuận, ông A không phải là NTD thực thụ, mà chỉ đóng vai trò trung gian, cầu nối giữa doanh nghiệp sản xuất với NTD, bản thân ông A không sử dụng chai nước đó cho mục đích tiêu dùng cá nhân, thực chất cửa hàng của gia đình ông A làm chủ là cá nhân hoạt động thương mại độc lập. Theo quy định tại Điều 1 Nghị định 99/2011/NĐ-CP xác định phạm vi điều chỉnh của Nghị định này: “quy định về bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh;…”, nên trong trường hợp này, ông A không là đối tượng NTD có thể bị đe dọa sức khỏe giống như những NTD khác đã bỏ tiền ra mua chai nước đó và nếu sử dụng sản phẩm có lỗi đó có thể bị thiệt hại đến sức khỏe.
+ Ý kiến thứ hai, theo Điều 9 Luật BVQLNTD, thì khách hàng có nghĩa vụ thông tin về hàng hóa lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của NTD. Do đó, nếu đúng trong chai nước ngọt trà XY có dị vật xuất phát từ lỗi của nhà sản xuất thì cho dù ai đi nữa cũng có quyền của NTD. Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật An toàn thực phẩm năm 2010, thì NTD thực phẩm có quyền: Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật; Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra. Và trong trường hợp phát hiện thực phẩm bị lỗi, bất cứ người nào cũng có thể thông báo cho Hội bảo vệ NTD biết. Theo quan điểm của người viết, lập luận theo loại ý kiến thứ hai là có cơ sở chấp nhận, tuy loại ý kiến này không thỏa mãn các điều kiện cần và đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật BVQLNTD, nhưng cần thấy rằng, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất ra hàng hóa, cung ứng dịch vụ nhằm hướng tới khách hàng, phục vụ nhu cầu của thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước và nếu như một khách hàng nào đó không phải là NTD đúng nghĩa như quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật BVQLNTD (họ không mua, không sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng) mà phát hiện loại sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó rõ ràng là bị lỗi so với tiêu chuẩn, chất lượng mà nhà sản xuất đã được công bố thì họ có đầy đủ quyền năng như NTD mà pháp luật quy định cho NTD không? Họ có thể trình báo với cơ quan Bảo vệ quyền lợi NTD không? Họ được quyền cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm không? Họ có quyền đề đạt yêu cầu với cơ quan chức năng với tư cách NTD không? Rõ ràng pháp luật không hạn chế điều này. Điều đó đồng nghĩa với lập luận không thể máy móc cho rằng gia đình ông A là đối tượng thực hiện hoạt động kinh doanh trong đó có mặt hàng nước giải khát đóng chai bị lỗi, ông A sử dụng chai nước đó nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng mà không vì mục đích tiêu dùng cá nhân, từ đó, kết luận ông A không phải là NTD.
Xuất phát từ khái niệm về NTD như đã nêu, nên trong các văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực này, nhiều quy phạm pháp luật chỉ đề cập đến NTD hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD mà không có chủ thể nào khác, ví dụ tại Chương IV – Giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Nghị định 99/2011/NĐ-CP (từ Điều 20 đến Điều 22) cũng chỉ đề cập đến chủ thể NTD và Cơ quan bảo vệ quyền lợi NTD. Từ đó sẽ dẫn đến công tác đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD trong chừng mực nào đó bị hạn chế, bởi tuy họ không phải là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ vì mục đích tiêu dùng cá nhân, gia đình, tổ chức mình, nhưng với kinh nghiệm và hiểu biết về mã số hàng hóa để nhận biết nguồn gốc, xuất xứ, hàng thật hay hàng giả, hàng nhái thì tại sao họ không thể thực hiện quyền như những quyền của NTD mà pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD đã quy định! Từ cách tiếp cận vấn đề như vậy, người viết đề xuất nên chăng khi sửa đổi, bổ sung Luật BVQLNTD sắp tới, có thể xem xét thay đổi cụm từ NTD bằng cụm từ khách hàng, nếu được như vậy phạm vi điều chỉnh của luật sẽ bao quát hơn và đối tượng điều chỉnh của luật cũng bổ sung thêm chủ thể là khách hàng. Theo Từ điển Tiếng Việt, khách hàng: Người đến với mục đích mua, bán giao dịch trong quan hệ với cửa hiệu, cửa hàng,…Người đi tàu xe, trong quan hệ với nhân viên phục vụ (Từ điển Tiếng Việt, nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 1998, tr 471).
Thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật BVQLNTD, người tiêu dùng có những nghĩa vụ sau:“Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.” Với những nghĩa vụ này xem chừng rất đơn giản, nhưng thực tế khi thực hiện hoàn toàn ngược lại, bởi lẽ, trong điều kiện tổ chức biên chế lực lượng của các cơ quan chức năng đối với hoạt động thanh, kiểm tra quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm,…có hạn, nhưng tình trạng hàng lậu, hàng giả, dịch vụ kém chất lượng, thực phẩm “bẩn” ngâm, tẩm hóa chất độc hại,…tràn lan như hiện nay, thậm chí ngay cả một số loại thuốc tây không chỉ các mặt hàng thuốc rẻ tiền như thuốc cảm mà nhiều loại thuốc cao cấp đặc trị các bệnh về tim, mạch,v.v.. cũng bị làm giả. Dược phẩm, thuốc tây trên thị trường có nhiều dạng và được làm nhái y như thật, nếu như không được kiểm định thì khó có thể biết được thuốc đó là thật hay giả nếu như chỉ nhìn trực quan bề ngoài. Nhưng dù thế nào đi nữa thì NTD vẫn là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, không chỉ bị lừa gạt về tiền bạc mà còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mình, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực rất nhiều trong việc rà soát thị trường nhưng vẫn chưa hoàn toàn có thể kiểm soát hết toàn bộ vấn đề này. Nên đặt ra quy định buộc NTD phải biết lựa chọn hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình…trong khi họ chỉ có kinh nghiệm của NTD là công cụ duy nhất để thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật quy định thì rõ là thiếu thực tế và kém hiệu quả.
Theo quy định tại các điều 27, 28[2] Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa (viết tắt Nghị định 80/2013/NĐ-CP). Có thể nói, nếu như giấy chứng minh nhân dân giúp ta phân biệt người này với người khác thì mã vạch cũng giống như là “chứng minh nhân dân” của hàng hoá, giúp ta phân biệt được nhanh chóng và chính xác các loại hàng hoá khác nhau. Mã vạch của hàng hoá bao gồm hai phần: Mã số của hàng hoá để nhận diện và phần mã vạch chỉ để dành cho các loại máy tính, máy quét đọc đưa vào hệ thống quản lý. Hiện nay ở nước ta, hàng hóa trên thị trường hầu hết áp dụng chuẩn mã vạch EAN[3] của Tổ chức mã số vật phẩm quốc tế – EAN International với 13 con số. Có một cách rất đơn giản để mọi người có thể biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả và xuất xứ ở đâu. Đó là, gần như bất cứ mặt hàng nào cũng đều có mã số mã vạch, nếu hàng nào chưa có mã vạch thì rất có thể đấy là hàng nhái, nhưng cũng không có nghĩa trên bao bì hàng hóa đó có mã vạch đều là hàng thật! Cũng như không phải mọi trường hợp trên bao bì sản phẩm hàng hóa chưa in mã số mã vạch thì đều là hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ví dụ, hiện nay trên thị trường thuốc tân dược có nhiều tên thuốc được phép lưu hành nhưng trên bao bì sản phẩm lại không in mã số mã vạch. Đối với mã vạch gồm 13 con số, từ các con số này sẽ cho chúng ta biết tất cả về sản phẩm, cụ thể, để biết xuất xứ của mặt hàng ta chỉ cần xem 3 chữ số đầu tiên của mã vạch. Ví dụ: Mã số 809013350421. Với dãy mã số này, khi đọc ta có những thông tin sau:
+ 3 chữ số đầu là 809 thì đó là mã số hàng hóa của quốc gia Italia (còn nếu là 893 là mã số hàng hóa của Việt Nam, tương tự 690, 691, 692, 693 từ Trung Quốc, 885 là của Thái Lan); 9013 là mã số doanh nghiệp thuộc Hàn Quốc; 35042 là mã số hàng hóa của doanh nghiệp[4];
+ Kiểm tra tính hợp lệ của mã vạch: Lấy tổng các con số hàng chẵn nhân 3 cộng với tổng với các chữ số hàng lẻ (trừ số thứ 13 ra, số thứ 13 là số để kiểm tra, đối chiếu). Sau đó lấy kết quả cộng với số thứ 13, nếu tổng có đuôi là 0 là mã vạch hợp lệ, còn nếu khác 0 là không hợp lệ, bước đầu nghi ngờ hàng giả, hàng nhái.
Tổng các con số hàng lẻ (trừ số cuối cùng) : A=8+0+0+3+5+4 = 20.
Tổng các con số hàng chẵn: B=8+9+1+3+0+2=23.
Bây giờ ta lấy: C=A + B*3 = 20+ 23*3= 109.
Sau đó lấy số này cộng với con số thứ 13 : D= C + 1 (con số ở vị trí cuối cùng) = 109+1=120, con số này có đuôi bằng 0 có thể kết luận đây là mã vạch hợp lệ, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Tuy pháp luật quy định là vậy, nhưng không phải NTD nào cũng có thể tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thông qua hệ thống mã số, mã vạch như trên vừa đề cập, nên có thể nói quy định như tại 1 Điều 9 Luật BVQLNTD, mà theo đó, NTD phải có nghĩa vụ lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng,…, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác là điều gần như quá xa vời, nhất là với người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 8 Luật BVQLNTD quy định rõ người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hoá, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Nhưng cụ thể hóa quy định này hay nói cách khác để hiện thực hóa quyền này của NTD trong thực tế là rất khó khăn, vì thiếu cơ chế hữu hiệu để bảo đảm chắc chắn rằng NTD sẽ được pháp luật bảo vệ một khi quyền lợi chính đáng của mình bị xâm hại.
Bên cạnh đó, quyền của NTD tại khoản 2 Điều 8 Luật BVQLNTD có quy định: “Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.”Qua nghiên cứu người viết thấy rằng, dù tại Điều 12[5] Luật BVQLNTD có quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho NTD, nhưng rất tiếc những nghĩa vụ trách nhiệm mà nhà làm luật buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin lại không đầy đủ so với những nghĩa vụ của nhà sản xuất kinh doanh được quy định trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cụ thể, Điều 10 của Luật này có quy định về nghĩa vụ của người sản xuất như sau:
1. Tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với sản phẩm trước khi đưa ra thị trường theo quy định tại Điều 28 của Luật này và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.
2. Thể hiện các thông tin về chất lượng trên nhãn hàng hóa, bao bì, trong tài liệu kèm theo hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
3. Thông tin trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
4. Cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm và cách phòng ngừa cho người bán hàng và người tiêu dùng.
5. Thông báo yêu cầu về vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa.
6. Cung cấp thông tin về việc bảo hành và thực hiện việc bảo hành sản phẩm, hàng hóa cho người mua, người tiêu dùng.
7. Sửa chữa, hoàn lại hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật bị người bán hàng, người tiêu dùng trả lại.
8. Kịp thời ngừng sản xuất, thông báo cho các bên liên quan và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa gây mất an toàn hoặc sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
9. Thu hồi, xử lý sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Trong trường hợp phải tiêu huỷ hàng hóa thì phải chịu toàn bộ chi phí cho việc tiêu huỷ hàng hóa và chịu trách nhiệm về hậu quả của việc tiêu huỷ hàng hóa theo quy định của pháp luật.
10. Bồi thường thiệt hại theo quy định tại Mục 2 Chương V của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
11. Tuân thủ các quy định, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
12. Trả chi phí thử nghiệm, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy theo quy định tại Điều 31; chi phí lấy mẫu, thử nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 41; chi phí lấy mẫu, thử nghiệm, giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Luật này.
13. Chứng minh kết quả sai và lỗi của tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Luật này.”
Nếu so sánh quy định tại Điều 12 kể cả Điều 13[6] Luật BVQLNTD với Điều 10 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007,dễ thấy rằng, rất nhiều nghĩa vụ mà lẽ ra nhà sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ phải thực hiện nếu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất cung ứng bị lỗi, kém chất lượng, như nghĩa vụ: Sửa chữa, hoàn lại hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật bị người tiêu dùng trả lại; Trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa bị khiếu nại, tố cáo về chất lượng mà cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa kết luận việc khiếu nại, tố cáo về chất lượng sản phẩm, hàng hóa không đúng thì người khiếu nại, tố cáo phải trả chi phí lấy mẫu và thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa;... nhưng thực tế lại không được dẫn chiếu sang Điều 10 hoặc Điều 41 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Mặt khác, các văn bản dưới luật cũng không đề cập đến những nội dung này, nên đây là kẻ hỡ lớn của quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD, dễ dẫn đến tình trạng NTD muốn tự bảo vệ quyền lợi của mình thông qua những quyền và nghĩa vụ pháp lý của đôi bên khi tham gia giao dịch không dễ thuận lợi. Hơn nữa, trong quan hệ giao lưu dân sự không phải mọi giao dịch đều được các bên ký kết thỏa thuận thông qua hợp đồng dân sự - Đây là một thực tế đang tồn tại trong xã hội hiện nay.
Do vậy, để rõ ràng hơn, đầy đủ hơn khi quy định quyền và nghĩa vụ của các bên (NTD với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ…) thiết nghĩ khi sửa đổi, bổ sung Luật BVQLNTD, cầm tham chiếu các luật khác có liên quan để xây dựng các quy phạm pháp luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và không bị chồng chéo hoặc không đầy đủ.
Thứ ba, tại khoản 8 Điều 10 Luật BVQLNTD cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng. Rõ ràng pháp luật có quy định cấm, nhưng trong thực tế với hành vi vi phạm quy định cấm này nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, thì mức xử phạt vi phạm hành chính chưa tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả của hành vi vi phạm gây ra. Ví dụ, với hành vi sử dụng mã số mã vạch có đầu mã Quốc gia Việt Nam (893) mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch; Sử dụng trái phép mã số mã vạch của doanh nghiệp khác đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch; Sử dụng các dấu hiệu gây nhầm lẫn với mã số mã vạch, tương ứng với mỗi hành vi vi phạm, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 80/2013/NĐ-CP đối tượng vi phạm có thể chỉ bị xử phạt tiền từ 6 đến 10 triệu đồng. Với mức xử phạt này, rõ ràng là quá nhẹ, thiếu tính răn đe và lại càng không bảo đảm tính phòng ngừa chung trong tình hình hiện nay.
Thứ tư, tại khoản 6 Điều 8 Luật BVQLNTD quy định NTD có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật BVQLNTD: Tổ chức phải bồi thường thiệt hại là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa bao gồm: a) Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa; b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa; c) Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa; d) Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật cho người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Còn theo khoản 6 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là tổ chức, cá nhân tổ chức và thực hiện việc sản xuất (người sản xuất), nhập khẩu (người nhập khẩu), xuất khẩu (người xuất khẩu), bán hàng, cung cấp dịch vụ (người bán hàng). Như vậy, đối với từng trường hợp cụ thể thì người sản xuất, người nhập khẩu, người xuất khẩu hoặc người bán hàng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho NTD. Vấn đề đặt ra, nếu như bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ bị lỗi và NTD không đạt được việc thương lượng, thì theo quy định của pháp luật NTD có quyền khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình. Tại khoản 2 Điều 43 Luật BVQLNTD có quy định:“Người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án.” Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 12, thông qua ngày 27/02/2009, liệt kê những trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí Toà án, bao gồm:
1. Người lao động nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã;
2. Ban chấp hành công đoàn cơ sở yêu cầu Toà án xét tính hợp pháp của cuộc đình công;
3. Đại diện tập thể người lao động yêu cầu Toà án xét tính hợp pháp của cuộc đình công;
4. Cơ quan, tổ chức yêu cầu Tòa án huỷ việc kết hôn trái pháp luật;
5. Viện kiểm sát kháng nghị các quyết định của Toà án theo thủ tục phúc thẩm.
Mà hoàn toàn không đề cập đến trường hợp NTD khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, như quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật BVQLNTD. Đây là bất cập từ nội dung quy định của hai văn bản quy phạm pháp luật về cùng một vấn đề, chính điều này là rào cản NTD đến với cơ hội được Tòa án - cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ. Chẳng hạn, giá trị chiếc xe ô tô anh A đã mua của đại lý 1.750.000.000 đồng, sau khi phát hiện chiếc xe mà anh A được giao không như hợp đồng mà hai bên thỏa thuận ký kết và việc thương lượng giữa đôi bên cũng không đạt được kết quả, nếu như anh A khởi kiện ra Tòa án, theo quy định khoản tiền tạm ứng án phí dân sự để Tòa án thụ lý giải quyết vụ kiện phải là 64.500.000 đồng (tranh chấp dân sự có giá ngạch từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng). Đây là số tiền không nhỏ mà người tiêu dùng phải bỏ ra gọi là tạm ứng án phí, khi khởi kiện tại Tòa án và họ phải mất một thời gian khá dài để đeo đuổi vụ kiện, do vậy, việc người tiêu dùng lên tiếng và “gõ” Tòa án để khởi kiện là điều rất ít xảy ra trong thực tế.
Thứ năm, tại Điều 10 Luật BVQLNTD có quy định những hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhằm: Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD; quấy rối, ép buộc NTD; thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, đề nghị giao dịch trực tiếp với đối tượng là người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người mất năng lực hành vi dân sự; yêu cầu NTD thanh toán hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của NTD hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng; không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD. Điều 11 của Luật này có quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD. Mà theo đó, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ngày 16/3/2012 Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2012/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Ngày 19/11/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực thi hành từ ngày 05/01/2016. Nghiên cứu nội dung các Nghị định này, tác giả thấy rằng hầu hết các hành vi bị cấm tại Điều 10 Luật BVQLNTD được cụ thể hóa bằng những hành vi vi phạm cụ thể và quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với từng hành vi vi phạm khá rõ ràng. Tuy nhiên, khi Nghị định 185/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định 19/2012/NĐ-CP, thì nhiều hành vi vi phạm hành chính trước đây được quy định tại Nghị định 19/2012/NĐ-CP đã được lượt bỏ, điều đó đồng nghĩa với một số hành vi theo Luật BVQLNTD bị cấm, nhưng nếu tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ vi phạm những hành vi bị cấm đó thì cơ quan chức năng sẽ lúng túng trong xử lý vì thiếu cơ sở pháp lý để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đó là các hành vi sau: Yêu cầu NTD thanh toán hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước; Cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD; Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.
Thứ sáu, tại khoản 1 Điều 4 Luật BVQLNTD quy định: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội.”; khoản 1 Điều 5 của Luật này cũng quy định: “Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân chủ động tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”. Theo đó, tổ chức xã hội thành lập theo quy định của pháp luật và hoạt động theo điều lệ được tham gia hoạt động bảo vệ người tiêu dùng. Căn cứ Điều 28 Luật BVQLNTD, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng thực hiện những nhiệm vụ sau:
a) Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu;
b) Đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng;
c) Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;
d) Độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
đ) Tham gia xây dựng pháp luật, chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch và biện pháp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
e) Thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao theo quy định tại Điều 29 của Luật này;
g) Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức tiêu dùng.
Khi thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, thẩm quyền phê duyệt điều lệ Hội bảo vệ quyền lợi NTD cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong nội dung Điều lệ hoạt động của Hội nói chung, bao giờ cũng có quy định hướng đến việc giúp đỡ, tư vấn giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng khi có yêu cầu; đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích cộng đồng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế không ít trường hợp, NTD lại càng “thất vọng” hơn khi một số cơ quan bảo vệ quyền lợi NTD tại địa phương chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật đã quy định. Xin nêu một ví dụ : Anh Ngoan cho biết hơn 03 tháng trước, anh có mua một lốc 06 chai trà thảo mộc XY tại một tiệm tạp hóa nhỏ ở xã N, huyện P, Tp. C, khi về nhà thì phát hiện 01 trong 06 chai này bị lợn cợn và đóng thành cục trắng như giấm nên anh không dám uống cả lốc trà từ đó tới nay. Tại buổi làm việc với Hội bảo vệ quyền lợi NTD thành phố C, chai trà thảo mộc XY lợn cợn chưa được mở nắp, ghi nơi sản xuất là Công ty TNHH thương mại dịch vụ T tại thị xã Th, tỉnh B. Ngày sản xuất ghi trên nắp chai là 18-3-2015 và hạn sử dụng đến 18-3-2016. Tuy nhiên, theo yêu cầu của phía Hội, anh Ngoan phải có hóa đơn mua hàng, mua ở đâu, cửa hàng nào thì mới nhận sản phẩm có lỗi mà anh Ngoan mang tới. Vì không có hóa đơn mua hàng, không rõ nguồn gốc sản phẩm, cơ quan này cũng không có điều kiện bảo quản nên anh Ngoan mang về, khi cần Hội sẽ liên hệ sau[7]. Theo quan điểm của tác giả, nếu cho rằng sản phẩm anh Ngoan mang tới có thể là giả hay có vấn đề gì khác thì Hội bảo vệ NTD Tp. C đặt ra với đơn vị sản xuất là có phải sản phẩm của họ hay không? Còn việc yêu cầu NTD đi chứng minh nguồn gốc xuất xứ mua hàng là phi thực tế, bởi mẫu sản phẩm mà anh Ngoan mang tới là hàng đã có nhãn hiệu rõ ràng, có địa chỉ nhà sản xuất, ngày sản xuất và hạn sử dụng, trừ khi là hàng giả.
Mặt khác, theo khoản 1 Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định 04/2014/NĐ-CP ngày 17/ 01/ 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ, có quy định: “Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.” Hơn nữa, trên thực tế rất nhiều các hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở vùng nông thôn, họ chỉ phải đóng thuế môn bài mà không phải đóng thêm các loại thuế khác, do doanh thu hàng tháng thấp, điều đó dù người mua có yêu cầu bên bán xuất hóa đơn tài chính (hóa đơn đỏ), họ cũng không thể. Do vậy, theo quan điểm của tác giả, trong trường hợp trên, cán bộ của Hội bảo vệ quyền lợi NTD khi tiếp nhận thông tin từ anh Ngoan, cần tiến hành kiểm tra xác minh sản phẩm đó anh Ngoan mua ở đâu, yêu cầu họ phải tự chứng minh nguồn gốc,…và phải tiếp nhận đề nghị của NTD là mới đúng với quy định của pháp luật. Từ thực tế này, thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước đối với tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD cần có những quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về trách nhiệm của tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD trong việc xử lý kiến nghị, yêu cầu của NTD, có đồng hành với NTD, có đứng về phía NTD thì Luật BVQLNTD mới phát huy hiệu quả, tác dụng trong bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của NTD.
Lê Văn Sua - Tòa án quân sự Khu vực 1 – QK9
[1] Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm:
a) Thương nhân theo quy định của Luật thương mại;
b) Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh.
[2] Điều 27. Vi phạm quy định về sử dụng mã số mã vạch
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền khi có sự thay đổi về tên gọi, địa chỉ giao dịch trên giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch bị mất hoặc hỏng;
b) Không xuất trình được văn bản hợp pháp chứng minh về quyền sử dụng mã số mã vạch khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
c) Không gửi danh mục các mã số thương phẩm toàn cầu (GTIN) và mã số địa điểm toàn cầu (GLN) được sử dụng cho cơ quan có thẩm quyền;
d) Không thông báo bằng văn bản, kèm tài liệu chứng minh việc được sử dụng mã số nước ngoài với cơ quan có thẩm quyền khi sử dụng mã số nước ngoài cho sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
2. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng mã số mã vạch có đầu mã Quốc gia Việt Nam (893) mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch;
b) Sử dụng trái phép mã số mã vạch của doanh nghiệp khác đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch;
c) Sử dụng các dấu hiệu gây nhầm lẫn với mã số mã vạch;
d) Không thực hiện đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch hàng năm.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam mà chưa được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền hoặc không được tổ chức sở hữu mã số mã vạch đó cho phép bằng văn bản.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi hàng hóa gắn mã số mã vạch vi phạm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này.
Điều 28. Vi phạm về sử dụng giấy chứng nhận, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Giả mạo giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch;
b) Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch không đúng thẩm quyền.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch giả mạo đối với vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch đối với vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.
[3] Hệ thống EAN (European Article Number) được thiết lập bởi các sáng lập viên là 12 nước châu Âu với tên gọi ban đầu là Hội EAN (European Article Numbering Association), được sử dụng từ năm 1974 ở châu Âu và sau đó phát triển nhanh chóng, được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Chính vì lý do này nên từ năm 1977, EAN trở thành một tổ chức quốc tế với tên gọi EAN quốc tế (EAN International). Trong hệ thống mã số EAN cho sản phẩm bán lẻ có hai loại, một loại sử dụng 13 con số (EAN-13) và loại kia sử dụng 8 con số (EAN-8)
Mã số EAN-13 gồm 13 con số có cấu tạo như sau: Kể từ bên trái, khu vực để trống không ghi ký hiệu nào cả, ký hiệu bắt đầu, ký hiệu dãy số bên trái, ký hiệu phân cách, ký hiệu dãy số bên phải, số kiểm tra, ký hiệu kết thúc, sau đó là khoảng trống bên phải. Toàn bộ khu vực mã vạch EAN-13 tiêu chuẩn có chiều dài 37,29 mm và chiều cao là 25,93mm.
+ Mã quốc gia: hai hoặc ba con số đầu
+ Mã doanh nghiệp: có thể gồm từ bốn, năm hoặc sáu con số
+ Mã mặt hàng: có thể là năm, bốn, hoặc ba con số tùy thuộc vào mã doanh nghiệp
+ Số cuối cùng là số kiểm tra
Để đảm bảo tính thống nhất và tính đơn nhất của mã số, mã quốc gia phải do tổ chức mã số vật phẩm quốc tế cấp cho các quốc gia là thành viên của tổ chức này. Mã số quốc gia của Việt Nam là 893. Danh mục mã số quốc gia của các nước trong phụ lục kèm theo. Mã doanh nghiệp do tổ chức mã số vật phẩm quốc gia cấp cho các nhà sản xuất là thành viên của họ. ở Việt Nam, mã doanh nghiệp do EAN-VN cấp cho các doanh nghiệp thành viên của mình.
[4]http://baohothuonghieu.com/banquyen/tin-chi-tiet/ma-so-ma-vach-cac-nuoc/465.html
[5] Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng
1. Ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
2. Niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ.
3. Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa.
4. Cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa.
5. Cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành.
6. Thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch
[6] Điều 13. Trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng (Luật BVQLNTD)
[7]http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20151221/hoi-bvqlntd-can-tho-tu-choi-nhan-chai-tra-thao-moc-bi-lon-con/1024816.html