Bàn về một số giải pháp nhằm đổi mới công tác theo dõi THPL ở nước ta trong giai đoạn hiện nay

21/12/2015

Thực tiễn cho thấy, công tác theo dõi thi hành pháp luật ngày càng được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, tổ chức thực hiện[1]. Tuy nhiên, trước yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật và mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 thì công tác theo dõi thi hành pháp luật cần có những đổi mới mạnh mẽ về phương thức tổ chức và nội dung hoạt động, trong đó bao gồm các giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò quản lý nhà nước về theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ ngành, địa phương.

1. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế, trước thực trạng công tác theo dõi thi hành pháp luật còn nhiều khó khăn, vướng mắc, một trong các yêu cầu khách quan đặt ra đó là cần xác định tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi việc thi hành pháp luật là hoạt động trọng tâm, có vai trò quan trọng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Để nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về vị trí, vai trò của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền về vai trò, vị trí, nội dung của hoạt động theo dõi thi hành pháp luật nhằm tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Trên cơ sở đó, trong phạm vi quản lý nhà nước được giao, Lãnh đạo các cấp chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Đồng thời, theo thẩm quyền được pháp luật quy định, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, kiểm tra liên ngành (định kỳ hoặc đột xuất) về tình hình thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhằm kịp thời giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trong tổ chức thực hiện pháp luật.

2. Đổi mới thể chế về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Trong năm 2016, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP theo hướng quy định rõ hơn địa vị pháp lý của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong đó tập trung vào các nội dung như: Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan theo dõi thi hành pháp luật; tiêu chuẩn của công chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật, cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật; trách nhiệm xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh; giá trị pháp lý của kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật… Về lâu dài, việc xây dựng, ban hành Luật về theo dõi thi hành pháp luật là giải pháp quan trọng, song việc xác định phạm vi, mối quan hệ giữa Luật này với các Luật khác cần được nghiên cứu, phân tích kỹ để làm sáng tỏ cả phương diện lý luận và thực tiễn. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường cơ chế, giải pháp để gắn chặt công tác theo dõi thi hành pháp luật với xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính. Theo đó, trong quá trình thẩm định, phân tích, đánh giá chính sách theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016), vai trò của hoạt động theo dõi thi hành pháp luật càng phải được chú trọng thực hiện, xác định là một yếu tố không thể thiếu khi tiến hành xem xét, đánh giá hiệu quả, tính khả thi của chính sách sau khi được ban hành.

3. Tiếp tục kiện toàn, đổi mới về tổ chức, biên chế làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Trước yêu cầu của thực tiễn, mục tiêu đổi mới về tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế là rất cần thiết. Về lâu dài, Nhà nước cần nghiên cứu, thành lập tổ chức bộ máy chuyên trách làm nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật từ Trung ương đến địa phương, cũng như bố trí biên chế, kinh phí hoạt động cho lực lượng này[2]. Trong thời gian trước mắt, các Bộ, ngành ở Trung ương cần bố trí đủ công chức chuyên trách, được bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng chuyên sâu về theo dõi thi hành pháp luật tại Vụ Pháp chế[3], còn đối với các địa phương thì cần thành lập Phòng Pháp chế tại 14 Sở, ngành theo đúng quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, đồng thời hoàn thành sớm việc thành lập Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật tại Sở Tư pháp theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV[4].

4. Đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật

a) Nội dung theo dõi thi hành pháp luật cần tiếp tục được nghiên cứu, rà soát để tránh sự dàn trải, trùng lặp như hiện nay[5]. Bên cạnh đó, các tiêu chí đánh giá cần phải cụ thể, sát với thực tế. Trước mắt, Bộ Tư pháp cần sớm nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí và Khung công cụ đánh giá tình hình thi hành pháp luật[6]. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành  nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ tiêu thống kê quốc gia về theo dõi thi hành pháp luật theo đúng quy định của Luật Thống kê.

b) Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo dõi thi hành pháp luật theo hướng thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội trong việc thông tin, phản ánh kịp thời, toàn diện về thực tiễn áp dụng chính sách, pháp luật[7]. Ngoài ra, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động theo dõi thi hành pháp luật thì sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cũng là giải pháp cần đẩy mạnh thực hiện để tăng cường nguồn lực, hiện thực hóa các nhiệm vụ đề ra trong lĩnh vực này trong thời gian tới.

c) Quy định cụ thể, rõ ràng và tăng cường kiểm tra trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết kết quả theo dõi thi hành pháp luật, vì thực tế cho thấy phản ứng chính sách trong nhiều trường hợp thường rất chậm hoặc không có ý kiến phản hồi cụ thể về việc xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật.    

d) Với các quy định hiện hành, cơ chế phối hợp trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật mới chỉ tập trung điều chỉnh quan hệ giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước (Bộ, ngành, UBND các cấp)[8], mà chưa thiết lập được cơ chế phối hợp ở tầm vĩ mô giữa các thiết chế trong hệ thống chính trị. Do vậy, Chính phủ với vai trò là chủ thể tổ chức thi hành pháp luật cần phối hợp chặt chẽ với các chủ thể khác trong hệ thống chính trị như Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật thông qua việc xác định rõ cơ chế, cách thức phối hợp ngay trong chính các văn bản quy phạm pháp luật liên tịch.

Theo dõi tình hình thi hành pháp luật là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành, do vậy bên cạnh nỗ lực của Ngành Tư pháp thì các bộ, ngành hữu quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật, góp phần tổ chức thực thi hiệu quả, đầy đủ và đồng bộ các quy định của pháp luật trong giai đoạn hiện nay[9]./.                                                                                                  

                                                          Hồ Quang Huy



[1] Ngày 23/7/2012 của Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Cụ thể hóa Nghị định nêu trên, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 31/8/2015.

Qua theo dõi cho thấy, trong năm 2015 đã có 11 Bộ, 02 cơ quan ngang Bộ, 01 cơ quan thuộc Chính phủ ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật, có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và tổ chức hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

[2] Khi đó, Nhà nước phải xác định nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ chung của các chủ thể quản lý nhà nước, còn nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật phải thuộc về thiết chế có tính độc lập. Sự độc lập về tổ chức là một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của thiết chế theo dõi thi hành pháp luật. 

[3] Một số Bộ đã thành lập Phòng Theo dõi thi hành pháp luật (ví dụ: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Tài chính…)

[4] Ví dụ như: Tính đến tháng 9/2015, vẫn còn 9/25 tình, thành phố khu vực phía Nam chưa chính thức thành lập Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật thuộc Sở Tư pháp.

[5] Theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP thì nội dung xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật gồm: (i) Tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết; (ii) Tính thống nhất, đồng bộ của văn bản và (iii) Tính khả thi của văn bản.

[6] Bước đầu xử lý vấn đề này, ngày 31/8/2015 Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 10/2015/TT-BTP  quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC và theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

[7] Theo đó, Bộ Tư pháp cần sớm xây dựng Đề án cộng tác viên trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

[8] Theo thống kê, tính đến thời điểm tháng 8/2015, có 05/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành Quy chế theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Quy chế phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh hoặc Quy định về thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang tiến hành xây dựng hoặc lấy ý kiến các đơn vị có liên quan trong việc xây dựng Quy chế theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, thành phố.

[9] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng ta đã xác định nhiệm vụ “tiếp tục đổi mới việc xây dựng và thực thi luật pháp”.