Trong những năm gần đây, chất lượng của đội ngũ luật sư ở nước ta đã và đang từng bước được nâng cao, nhiều tổ chức hành nghề luật sư được thành lập và bước đầu đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hoá hoạt động luật sư. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nghề luật sư ở nước ta cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ, không chỉ đòi hỏi đội ngũ luật sư phải phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng mà còn là phải đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, của khách hàng về chất lượng dịch vụ, trách nhiệm pháp lý, kỷ luật hành nghề của luật sư,... Luật sư không chỉ là một chuyên viên luật, mà còn phải là một partner (đối tác) của thân chủ trong các kế hoạch kinh tế thương mại cũng như kế hoạch tranh tụng. Hiểu được partner của mình, hiểu được công việc của partner, hiểu luật và dùng luật để giúp partner hoạch định công việc một cách hợp pháp và hiệu quả, đó chính là kỹ năng nghề nghiệp của luật sư. Để thực hiện được những đòi hỏi đó, trước hết người luật sư phải thật sự vững vàng về kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp của luật sư thực chất đó là một kinh nghiệm, thói quen của người luật sư khi tiếp xúc với một vụ, việc mà mình nhận. Người luật sư giỏi là người biết sử dụng kỹ năng nghề nghiệp một cách thành thạo và linh hoạt, đồng thời cũng là người có những trải nghiệm nhất định trong hoạt động nghề nghiệp, có uy tín, và có phương án bảo vệ khách hàng hiệu quả nhất. Để đạt được mong muốn đó là cả quá trình phấn đấu bền bỉ, người luật sư không chỉ được truyền thụ kiến thức thông qua học tập lý thuyết, nghiên cứu lý luận trong tài liệu, sách vở mà còn phải tự rèn luyện trong hoạt động thực tiễn.
Chính vì vậy, tại điểm a khoản 3 Điều 32 Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012 - viết tắt LLS), mà theo đó, một trong những điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư: “ Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật này;” So với Luật Luật sư năm 2006, thì đây là quy định hoàn toàn mới mang tính ràng buộc điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư, nghĩa là theo quy định trước đây, bất kỳ luật sư nào có Chứng chỉ hành nghề luật sư và Thẻ luật sư đều có thể thành lập tổ chức hành nghề luật sư. Việc thiếu các quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư trong đó có yêu cầu về kinh nghiệm hành nghề đã dẫn đến tình trạng nhiều tổ chức hành nghề hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, không bảo đảm chất lượng dịch vụ khi cung cấp cho khách hàng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và tính chuyên nghiệp của nghề luật sư. Do vậy, việc quy định như điểm a khoản 3 Điều 32 LLS nhằm bảo đảm cho tổ chức hành nghề luật sư sau khi được thành lập có thể đáp ứng tốt những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, mà theo đó, không phải cứ được Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và được Hội đồng luật sư toàn quốc - Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp Thẻ luật sư là được thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư, mà phải có ít nhất thời gian 02 năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định. Tuy nhiên từ thực tiễn cho thấy, quy định này là phù hợp và cần thiết, nhưng không phải với mọi trường hợp. Sẽ là rất phù hợp và rất cần thiết đối với những đối tượng bắt buộc phải qua khóa đào tạo luật sư và phải trải qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, theo quy định tại khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 14 LLS, vì đối tượng này chưa có những trải nghiệm thực tế trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, chưa từng là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán,…nên cho dù họ được tham gia khóa đào tạo luật sư, được tập sự hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật, nhưng theo quan điểm của các nhà lập pháp, cái mà họ vẫn thiếu đó là kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp của luật sư chỉ có thể có được thông qua hoạt động thực tiễn mới có thể tích lũy dần được. Trong khi đó, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 32 LLS thì không loại trừ bất kỳ một đối tượng nào, cho dù trước khi trở thành luật sư họ đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật. Ngoài ra, trong số đó nhiều trường hợp họ đã từng giữ các chức vụ quản lý, như: Chánh án, Phó Chánh án TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Chánh Tòa, Phó Chánh Tòa các Tòa chuyên trách thuộc TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TANDTC; Chánh án, Phó Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Trưởng, Phó trưởng phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh, thành phố thuộc trung ương; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố thuộc trung ương; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp huyện và cấp tỉnh;… đa số họ có thời gian được bổ nhiệm chức danh tố tụng và chức danh quản lý ít nhất 10 năm nhiều nhất có thể gần 40 năm, không ít trường hợp trong số đó, họ là những chuyên gia đầu ngành rất có uy tín, là những “cây đa cây đề” với những công trình nghiên cứu nghiên cứu khoa học rất có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt rất có ý nghĩa nhằm phục vụ Chiến lược cải cách tư pháp mà Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định. Với những trường hợp đó, với chừng ấy “tuổi nghề”, chắc chắn rằng họ đã có quá nhiều kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn và hoạt động quản lý, điều hành cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì có cần thiết buộc họ phải thỏa điều kiện có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định khi thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư không?
Cũng theo quy định này, luật sư trong thời gian liên tục làm việc ít nhất hai năm cho tổ chức hành nghề luật sư sẽ không bị hạn chế về số lượng hợp đồng lao động mà họ được tham gia ký kết với các tổ chức hành nghề luật sư, miễn với tư cách là người lao động, họ thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ đã cam kết với tổ chức hành nghề luật sư. Chính vì pháp luật không quy định theo hướng khống chế số lượng hợp đồng lao động luật sư được ký kết, nên trong thực tế xảy ra trường hợp mà theo quan điểm của tác giả, đây là kẽ hở của pháp luật, tạo nên vướng mắc khi vận dụng vào thực tiễn. Xin nêu ví dụ như sau: Trong các ngày 01/12/2014 và 20/01/2015, Luật sư Đặng Văn A. ký hợp đồng làm việc trong thời hạn 02 năm, theo hợp đồng lao động đã ký kết với các Văn phòng luật sư TT (TP. HCM), Văn phòng luật sư TQ (TP. Cần Thơ). Ngày 10/02/2015 Trưởng Văn phòng luật sư TT, ký hợp đồng với khách hàng, mà theo đó, Luật sư A tham gia bào chữa trong vụ án giết người xảy ra tại thành phố Cần Thơ. Ngày 20/3/2015 theo yêu cầu của khách hàng, Trưởng Văn phòng luật sư TQ chấp nhận để Luật sư A tham gia tố tụng trong vụ án giết người xảy ra thành phố Cần Thơ, với tư cách là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho 02 người bị hại cùng chung gia đình. Quá trình nghiên cứu hồ sơ, tiếp xúc với gia đình bị can, người bị hại trong vụ án, Luật sư A mới phát hiện có sự mâu thuẫn về quyền lợi của khách hàng trong cùng một vụ án. Nếu chiếu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 LLS thì Luật sư A đã vi phạm điều cấm. Mà theo đó, điểm a khoản 1 Điều 9 LLS quy định nghiêm cấm luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật. Luật sư A đã kịp thời báo cáo với Trưởng các văn phòng luật sư TT; văn phòng luật sư TQ để có sự can thiệp kịp thời, nhưng rất tiếc khi ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với các văn phòng luật sư TT và TQ, phía khách hàng đều chỉ rõ đích danh Luật sư Đặng Văn A, người trực tiếp tham gia tố tụng mà không được ủy quyền cho một ai khác. Đại diện các văn phòng luật sư đã có cuộc trao đổi với các khách hàng và cho rằng đây là sự việc bất khả kháng, nhưng kết quả thương lượng không thành công và thẳng thừng tuyên bố sẽ khởi kiện nếu họ bị vi phạm hợp đồng đã ký kết với họ. Đến đây một số khía cạnh pháp lý khá lý thú phát sinh từ thực tiễn cần được hoàn thiện:
Một là, hiểu như thế nào là trường hợp “bất khả kháng” theo quy định tại khoản 3 Điều 24 LLS? Mà theo đó, khoản 3 Điều này có quy định: “Luật sư không chuyển giao vụ, việc mà mình đã nhận cho luật sư khác làm thay, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc trường hợp bất khả kháng.” Nghiên cứu các quy định của LLS và Nghị định 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, có hiệu lực thi hành từ ngày 28/11/2013, vẫn không có khoản, điều nào chứa đựng nội dung giải thích thuật ngữ “bất khả kháng”. Sự kiện (trường hợp) bất khả kháng là một thuật ngữ pháp lý được qui định trong pháp luật dân sự nói chung, để chỉ những việc xảy ra ngoài tầm kiểm soát và khả năng khắc phục của con người. Trong các giao dịch dân sự, khi gặp trường hợp “bất khả kháng” làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng thì các bên được miễn trách nhiệm dân sự. Chính vì khi sự kiện bất khả kháng xảy ra thì bên có dấu hiệu có lỗi ( hay vi phạm hợp đồng) được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm dân sự (trách nhiệm bồi thường thiệt hại) nên có thể thấy việc xác định một sự kiện nào đó có phải là bất khả kháng hay không rất quan trọng. Thông thường thì bên có lỗi thường cho rằng đã xảy ra sự kiện “bất khả kháng”, còn bên bị thiệt hại thì ngược lại! Theo suy nghĩ của tác giả, qui định về sự kiện bất khả kháng trong pháp luật Việt Nam hiện vẫn còn rất đơn sơ, chung chung và thậm chí khó hiểu. Cụ thể, tại Điều 161 Bộ luật Dân sự năm 2005, qui định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”, với nội dung qui định này, để “kết luận” là sự kiện (trường hợp) bất khả kháng rõ ràng phụ thuộc vào nhận định chủ quan của mỗi người. Vậy với trường hợp mà tác giả đã nêu về trường hợp trên, theo quy định hiện hành của LLS có phải là trường hợp “bất khả kháng” không? Quá trình tranh luận các bên luôn đưa ra lý lẽ bảo vệ quan điểm của mình là đúng, là phù hợp với thực tế, nhưng rất tiếc họ không chỉ ra được cơ sở pháp lý hay nói cách khác, pháp luật lại thiếu những quy định cụ thể về vấn đề đó, trường hợp đó là “bất khả kháng” nên sự tranh cãi về quy định này trong thực tế vẫn chưa có hồi kết.
Hai là, việc Trưởng các văn phòng luật sư TT và TQ trong cuộc họp có đại diện phía khách hàng của mình (đại diện phía bị can; phía người bị hại), nhằm giải quyết tình huống được cho là “bất khả kháng” liên quan đến hợp đồng dịch vụ bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của thân chủ mình trong vụ án giết người xảy ra tại thành phố Cần Thơ, quá trình thương thảo với thân chủ của mình, họ có nói rõ chi tiết việc Luật sư A không thể vừa đảm nhiệm vai trò là người bào chữa cho bị can, bị cáo; vừa là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho những người bị hại trong cùng vụ án, dù phía các Văn phòng luật sư mà trước đó đã ký kết hợp đồng với khách hàng rất muốn cùng phía khách hàng tỏ thiện chí hợp tác, nhằm tìm ra giải pháp giải quyết ổn thỏa nhất, thì việc làm đó của các Văn phòng luật sư có liên quan và Luật sư A có bị coi là làm lộ bí mật thông tin của khách hàng, theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 25 LLS không? Bởi, LLS hiện hành và văn bản pháp luật có liên quan vẫn chưa có quy định cụ thể trường hợp nào và những thông tin nào mà phía tổ chức hành nghề luật sư, luật sư tiết lộ thì bị coi là vi phạm điểm c khoản 1 Điều 9 và khoản 1, khoản 3 Điều 25 LLS? Về phía khách hàng của các Văn phòng luật sư TT và TQ liên quan đến vụ việc này luôn cho rằng: Những thông tin liên quan đến người nhân thân người ký hợp đồng dịch vụ; đối tượng, yêu cầu, phạm vi giao kết hợp đồng; giá trị hợp đồng dịch vụ;… là những thông tin theo quy định, phía bên cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ bảo đảm bí mật theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 và khoản 1, khoản 3 Điều 25 LLS. Quá trình nghiên cứu xoay quanh nội dung này, tác giả cũng chỉ tìm thấy tài liệu về Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ) ngày 20/7/2011 của Hội đồng luật sư toàn quốc, Nhà xuất bản Tư pháp phát hành năm 2011, mà theo đó, Quy tắc 12. Giữ bí mật thông tin, có ghi: “Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật; luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Dù được xem là bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư, do Liên đoàn luật sư Việt Nam – Tổ chức xã hội – nghề nghiệp toàn quốc ban hành, là “cẩm nang” của mỗi luật sư trong khi hành nghề, nhưng vẫn chưa chỉ ra được những nội dung cần “thống nhất” về nhận thức trong giới luật sư trong nước, đó là, hiểu như thế nào và trường hợp cụ thể nào bị coi là vi phạm quy định về chế độ bảo mật thông tin của khách hàng; những thông tin nào mà quá trình tác nghiệp cũng như về sau này, luật sư có nghĩa vụ phải bảo mật, nếu như không được sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng hoặc pháp luật có quy định khác mà luật sư tiết lộ. Tương tự như vậy, theo quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 6 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013, thì luật sư sẽ bị tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư, Giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 06 tháng đến 12 tháng, nếu khi tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác, nhưng nội dung quy định này cũng không quy định rõ những thông tin đó là bao gồm những thông tin gì? Chính vì lẽ đó, từ khi Luật Luật sư số 20/2012/QH13 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013 cho đến nay, nội dung này vẫn đang là đề tài còn gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu, do vậy để bảo đảm tính thống nhất trong nhận thức, thiết nghĩ rất cần cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy định cụ thể vấn đề vừa nêu.
Trở lại trường hợp từ thực tiễn mà tác giả nêu, việc xảy ra vi phạm điều pháp luật cấm hoàn toàn không do yếu tố lỗi chủ quan của Luật sư A, vì Luật sư A không là người trực tiếp ký hợp đồng với khách hàng, kể cả các Trưởng Văn phòng luật sư TT và Văn phòng luật sư TQ họ cũng không thể biết có sự trùng khớp đáng ngạc nhiên đến như vậy. Hơn nữa, pháp luật cũng không quy định khống chế số lượng hợp đồng lao động, mà trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 32 LLS, luật sư được ký kết. Đây có lẽ là lỗ hổng của pháp luật về vấn đề này, nên cần được khắc phục, dù trong thực tế xảy ra không phải là hiện tượng phổ biến. Mặt khác, theo nội dung thỏa thuận hợp đồng lao động giữa Luật sư A với các Văn phòng luật sư (Người sử dụng lao động), mà theo đó, người lao động có nghĩa vụ chấp hành sự phân công, bố trí công việc của Trưởng văn phòng luật sư, tất nhiên những công việc được phân công bảo đảm phù hợp với sở trường, năng lực chuyên môn và không trái với quy định của pháp luật, nếu vi phạm phải chịu bồi thường. Căn cứ thỏa thuận này, nếu Luật sư A không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đối với người sử dụng lao động chắc chắn sẽ bị kiện ra Tòa và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất lẫn uy tín, danh dự mà mình đã gây ra cho phía bên bị thiệt hại.
Từ thực tế đó, để tránh những trường hợp đáng tiếc tương tự có thể xảy ra, theo đề suất của tác giả, sắp tới khi sửa đổi LLS để bảo đảm tính thống nhất và tương thích với một số Luật, Bộ luật mà Quốc hội khóa XIII đã thông qua tại kỳ họp thứ 10, như Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố dụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự,… thì điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư quy định tại khoản 3 Điều 32 LLS được sửa đổi theo hướng loại trường những trường hợp buộc phải có thời gian ít nhất hai năm liên tục làm việc theo hợp đồng cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức; quy định hạn chế việc luật sư cùng một lúc ký kết nhiều hợp đồng lao động với các tổ chức hành nghề luật sư, nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng mà tổ chức hành nghề luật sư đó đã thỏa thuận. Cụ thể, sau khi sửa đổi, bổ sung, điểm a khoản 3 Điều 32 LLS được viết lại theo hướng sau: “Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật này, không bao gồm những trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này, mà thời gian giữ chức danh tố tụng; chức danh chuyên môn hoặc được phong học hàm, học vị ít nhất từ 05 năm trở lên. Trong thời hạn hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động, luật sư chỉ được ký kết hợp đồng lao động với một tổ chức hành nghề luật sư;”
Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về thế nào là trường hợp “bất khả kháng” quy định tại khoản 3 Điều 24; vấn đề “làm lộ bí mật thông tin” của khách hàng của mình theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 và khoản 1, khoản 3 Điều 25 LLS cụ thể là những thông tin gì?
Th.S Lê Văn Sua
Tòa án quân sự Khu vực 1 – QK9