Vai trò của luật sư trong tiến trình đổi mới công tác trợ giúp pháp lý

17/12/2015
Trong những năm qua, thực hiện Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tích cực chỉ đạo, hỗ trợ; tạo điều kiện cũng như động viên, khích lệ các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư tham gia vào công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, các đối tượng khác và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Có thể thấy vai trò của luật sư trong công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí thể hiện cụ thể trên các nội dung chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đã trực tiếp cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, người yếu thế khác bằng các hình thức khác nhau như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức khác. Việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí được thực hiện trên hầu hết các lĩnh vực pháp luật như hình sự, dân sự, hành chính, lao động, hôn nhân, gia đình và các lĩnh vực pháp luật khác liên quan trực tiếp đế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Qua đó, các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đã giúp họ hiểu biết pháp luật đầy đủ hơn, biết được các quyền, nghĩa vụ cũng như trực tiếp giúp họ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật quy định. Đặc biệt, qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư, người nghèo và đối tượng yếu thế khác còn biết lựa chọn các hành vi ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật, qua đó góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng tư pháp giữa các tầng lớp nhân dân không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội trong tiếp cận và thực hiện pháp luật.

Thứ hai, các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đã trực tiếp tham gia vào công tác truyền thông, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, hình thành ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân; góp phần hỗ trợ công tác thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật, thực thi dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Thứ ba, các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đã hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong thực thi pháp luật; góp phần làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ việc; giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết vụ việc được chính xác, khách quan, công bằng và đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; phòng ngừa, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chế độ công vụ dẫn đến sai sót, oan sai, phải bồi thường thiệt hại hoặc dẫn đến tình trạng khiếu kiện, tố cáo kéo dài gây mất ổn định trật tự an toàn xã hội; giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất tạo ra của cải cho xã hội; tích cực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ.

Thứ tư, qua hàng ngàn vụ việc tư vấn pháp luật, đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo và các đối tượng yếu thế khác đã được các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư thực hiện, đã giúp các đối tượng này được tiếp cận hệ thống pháp luật cũng như tiếp cận công lý một cách bình đẳng như các chủ thể khác, góp phần hỗ trợ thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trong toàn quốc đã thành lập được 63 Đoàn luật sư/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 3.417 tổ chức hành nghề luật sư với 9.375 luật sư. Trong đó, có 69 Công ty luật, 297 Văn phòng luật sư đã đăng ký tham gia TGPL, với 1.136 cộng tác viên TGPL là luật sư. Trong 08 năm triển khai thi hành Luật TGPL, Luật sư là cộng tác viên đã thực hiện 126.426 vụ việc, trong đó có 37.999 vụ việc tham gia tố tụng, 84.688 vụ việc tư vấn pháp luật, 337 vụ việc đại diện ngoài tố tụng, 546 vụ việc hòa giải và 1.122 vụ việc khác. Như vậy, cùng với sự nỗ lực của các tổ chức TGPL nhà nước thì với kết quả trên phần nào đã khẳng định được sự đóng góp của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trong hoạt động TGPL, thể hiện được trách nhiệm xã hội của mỗi luật sư trong hoạt động hành nghề.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cơ chế tham gia của đội ngũ luật sư trong hoạt động TGPL cũng bộc lộ những hạn chế, tồn tại, bất cập như:

Thứ nhất, mặc dù Luật TGPL đã có quy định về việc Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức hành nghề luật sư và luật sư tham gia thực hiện, đóng góp, hỗ trợ hoạt động TGPL. Tuy nhiên, chưa có các quy định cụ thể về những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, các biện pháp nhằm thu hút các tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có kinh nghiệm, uy tín tham gia thực hiện TGPL nên việc huy động các nguồn lực tham gia thực hiện TGPL còn hạn chế (chỉ mới 10,7% tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL; 12,1% luật sư đăng ký cộng tác viên TGPL).

Thứ hai, hiệu quả tham gia thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý của tổ chức luật sư và luật sư cũng còn chưa cao. Số lượng vụ việc thực hiện còn khiêm tốn, chủ yếu là các vụ việc tư vấn pháp luật, nhiều tổ chức đăng ký tham gia nhưng chưa thực hiện vụ việc. Một số vụ việc TGPL chất lượng còn hạn chế, một số luật sư có hiện tượng khi tham gia TGPL chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, không tham gia đầy đủ các giai đoạn tố tụng, có trường hợp khi ra Tòa chỉ đưa ra các tình tiết giảm nhẹ mà không có lập luận hoặc chứng cứ cụ thể làm ảnh hưởng đến quyền và lợp ích hợp pháp của người được TGPL.

Những hạn chế, tồn tại đó xuất phát từ những nguyên nhân sau:

- Hiện nay, chưa có cơ chế vinh danh, khen thưởng cho những tổ chức hành nghề luật sư, luật sư tham gia thực hiện TGPL. Mức bồi dưỡng cho vụ việc tham gia tố tụng của cộng tác viên là luật sư còn  thấp, thủ tục thanh toán phức tạp nên chưa thu hút các luật sư có kinh nghiệm, uy tín thực hiện TGPL. Hoạt động tham gia của tổ chức hành nghề luật sư chưa được Nhà nước chi trả kinh phí khi thực hiện TGPL.

- Chất lượng của đội ngũ luật sư cộng tác viên chưa đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu TGPL. Một số luật sư tham gia TGPL còn mới hành nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm.

- Chưa có cơ chế kết nối chung giữa tổ chức TGPL của nhà nước với hoạt động hành nghề luật sư, cụ thể là hoạt động TGPL do Nhà nước trả tiền với hoạt động TGPL nghĩa vụ 08 giờ/năm (không nhận bất cứ khoản tiền nào) nên chưa phát huy được hiệu quả, chưa tận dụng được lực lượng đội ngũ luật sư đông đảo tham gia vào công tác TGPL.

Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý, một giải pháp đột phá

Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nói chung của công tác TGPL, Bộ Tư pháp đã xây dựng và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 – 2025 (Đề án). Với quan điểm đẩy mạnh xã hội hóa công tác TGPL, có cơ chế thiết thực, phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện TGPL, nhất là đội ngũ luật sư, Đề án đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm mang lại lợi ích cho Nhà nước, xã hội và trực tiếp là đối tượng được thụ hưởng dịch vụ TGPL, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Với mục tiêu tổng quát là đổi mới công tác TGPL theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, khu vực tiến tới sau năm 2025 người thực hiện TGPL là luật sư hành nghề, bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được TGPL được cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, chất lượng tương đương với dịch vụ mà luật sư cung cấp trên thị trường, theo đó bên cạnh vai trò của tổ chức TGPL nhà nước thì trách nhiệm của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư đối với hoạt động TGPL là rất quan trọng. Đề án đã đưa ra các định hướng hoạt động và các nhóm giải pháp nhằm tăng cường công tác xã hội hóa TGPL của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư như sau:

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến khi Luật TGPL (sửa đổi), theo định hướng chung của công tác trợ giúp pháp lý, luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tham gia vào công tác TGPL cần tập trung vào việc cung cấp vụ việc TGPL, nhất là vụ việc tham gia tố tụng (đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng hình sự, hôn nhân và gia đình), vụ việc đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở và tư vấn pháp luật tiền tố tụng.

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TGPL để huy động luật sư có kinh nghiệm, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp; các tổ chức hành nghề luật sư có uy tín tham gia thực hiện TGPL để người dân có quyền tiếp cận hoạt động TGPL với chất lượng cao. Theo đó, Nhà nước chi trả tiền bồi dưỡng theo vụ việc cho luật sư thực hiện TGPL theo yêu cầu của Nhà nước hoặc ký hợp đồng theo cơ chế đặt hàng thực hiện dịch vụ công với các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư (trừ luật sư thực hiện TGPL theo nghĩa vụ được quy định trong Luật Luật sư). Đồng thời, tăng mức bồi dưỡng vụ việc theo ngày làm việc từ mức 0,2 mức lương tối thiểu/01 ngày làm việc lên mức tương đương với mức bồi dưỡng cho báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh (500.000 đồng/01 buổi làm việc) hoặc khoán chi theo vụ việc với mức tối thiểu từ 03 tháng lương cơ sở và mức tối đa là 10 tháng lương cơ sở. Theo đó, Bộ Tư pháp (Cục Trợ giúp pháp lý) sẽ thực hiện hỗ trợ bằng nguồn ngân sách Trung ương đối với các vụ việc TGPL trong lĩnh vực tố tụng tại các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thông qua việc ký hợp đồng với các Trung tâm TGPL và các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư và hỗ trợ trong trường hợp ngân sách địa phương không có điều kiện chi trả. Các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư không bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của Nhà nước thì không được tiếp tục ký hợp đồng và hỗ trợ kinh phí để thực hiện TGPL.

Có thể nói, việc tạo cơ chế đặt hàng thực hiện dịch vụ công để huy động luật sư, tổ chức hành nghề  luật sư có uy tín, kinh nghiệm tham gia TGPL sẽ tạo điều kiện người dân có quyền tiếp cận với dịch vụ có chất lượng cao. Đồng thời, thông qua cơ chế này thực hiện được việc điều phối về nguồn nhân lực giữa các địa phương trong toàn quốc, khắc phục được tình trạng thiếu nguồn lực thực hiện TGPL ở các địa phương có điều kiện khác nhau.

Để góp phần nâng cao chất lượng TGPL nhằm bảo đảm cho đối tượng thuộc diện TGPL được hưởng dịch vụ có chất lượng cao, Đề án còn đưa ra giải pháp xây dựng cơ chế lựa chọn tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có đủ điều kiện tham gia thực hiện TGPL theo cơ chế đặt hàng; công bố rộng rãi danh sách người thực hiện TGPL và tổ chức hành nghề luật sư được Nhà nước ký hợp đồng cung cấp dịch vụ công để người được TGPL lựa chọn khi có nhu cầu. Đồng thời, để bảo đảm chất lượng dịch vụ TGPL cung cấp cho người được TGPL, cần phải xây dựng cơ chế lựa chọn tổ chức hành nghề luật sư, luật sư, chuyên gia để thực hiện việc kiểm soát, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL và xây dựng Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Nhà nước có chính sách khuyến khích, vinh danh, tạo điều kiện để luật sư tham gia TGPL nhằm thu hút nhiều luật sư có kinh nghiệm, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp thực hiện TGPL. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam sẽ xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp, kết nối trong hoạt động TGPL của Nhà nước và việc thực hiện nghĩa vụ TGPL của luật sư nhằm cụ thể hóa trách nhiệm và đẩy mạnh hoạt động TGPL của các luật sư trên toàn quốc.

Để đạt được mục tiêu tổng quát, Đề án đưa ra nhiệm vụ xây dựng Luật TGPL (sửa đổi) theo hướng lấy người được TGPL làm trung tâm, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của họ trước pháp luật, tránh bỏ sót đối tượng được TGPL khi họ cần giúp đỡ pháp lý; bảo đảm tính độc lập của hệ thống TGPL và người thực hiện TGPL, xây dựng theo hướng thiết lập hệ thống TGPL từ Trung ương đến địa phương bảo đảm tính khách quan, độc lập trong việc thực hiện TGPL; dịch vụ TGPL của Nhà nước do tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa công tác TGPL theo hướng quy định các chế độ, chính sách ưu đãi để khuyến khích, thu hút các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có uy tín, kinh nghiệm thực hiện TGPL. Khuyến khích các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, chính trị xã hội thực hiện TGPL miễn phí (probono).

Theo đó, để đảm bảo chất lượng dịch vụ TGPL tương đương dịch vụ pháp lý trong thị trường dịch vụ pháp lý, quy định người thực hiện TGPL là Trợ giúp viên pháp lý và luật sư, có lộ trình chuyển đổi Trợ giúp viên pháp lý sang luật sư, nâng cao năng lực cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, bảo đảm sau năm 2025 người thực hiện TGPL là luật sư. Trợ giúp viên pháp lý đã tham gia tố tụng đạt chỉ tiêu vụ việc được giao hàng năm và bảo đảm chất lượng được chuyển đổi sang luật sư (nếu có nguyện vọng) mà không phải qua đào tạo và tập sự hành nghề luật sư. Nhà nước ký hợp đồng thường xuyên với luật sư (luật sư công thực hiện TGPL) hoặc hợp đồng vụ việc với luật sư hành nghề cung cấp dịch vụ TGPL. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ chế lựa chọn luật sư giỏi, có kinh nghiệm, tổ chức hành nghề luật sư có uy tín thực hiện TGPL và giám sát, kiểm soát, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.

Có thể nói, sự ra đời của Đề án đã tạo cơ sở pháp lý cho sự đổi mới công tác TGPLvới những giải pháp, cơ chế để huy động, khuyến khích đông đảo đội ngũ luật sư, tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho những người yếu thế trong xã hội. Như vậy, trách nhiệm xã hội của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư đối với công tác trợ giúp pháp lý ngày càng được khẳng định trong thực tế xã hội hiện nay.Qua đó, cũng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của hoạt động TGPL cũng như trách nhiệm của đội ngũ luật sư trong công cuộc đổi mới này./.