Nguyên tắc cơ bản của pháp luật việt nam - vấn đề bảo lưu trật tự công trong pháp luật quốc tế

29/12/2015
 

1. Đặt vấn đề

Thuật ngữ “Trật tự công” (Public policy) hay (public order) là một thuật ngữ pháp lý có nội hàm hết sức trừu tượng, phức tạp. Nhưng thuật ngữ này lại được sử dụng khá phổ biến trong hệ thống pháp luật của các quốc gia. Theo nghĩa chung nhất, trật tự công được hiểu là “…tình trạng xã hội của một quốc gia trong một thời điểm xác định mà hoà bình, ổn định và an toàn công cộng không bị xáo trộn[1].Thực tế cho thấy, lợi ích của các quốc gia và đường lối, chiến lược phát triển không giống nhau trong việc bảo vệ những giá trị nền tảng của mình nên khái niệm “trật tự công” mang đậm màu sắc dân tộc của quốc gia đó. Tuy nhiên, vấn đề trật tự công của quốc gia luôn có tính chất ổn định, bền vững nh­ưng mặt khác, nó cũng không phải là bất biến. Nói cách khác, khái niệm này có thể thay đổi theo thời gian, trong từng giai đoạn cho thích hợp.

Dư­ới góc độ pháp lý, nội dung khái niệm cũng thay đổi trong từng lĩnh vực khác nhau.Trong lĩnh vực luật tư­, khái niệm trật tự công đ­ược sử dụng phổ biến theo nghĩa là các chuẩn mực mang tính mệnh lệnh mà các chủ thể không thể vi phạm bằng hành vi hoặc thoả thuận khác. Đó là những giá trị, chuẩn mực hết sức trừu t­ượng và không thể đư­ợc qui định một cách rõ ràng, những giá trị này luôn được bảo vệ nhằm đáp ứng tổng thể các yêu cầu căn bản về chính trị, xã hội, kinh tế của quốc gia, nó có chức năng cơ bản nhằm duy trì sự ổn định xã hội, đạo đức và thuần phong mỹ tục, hoặc nhằm bảo vệ những lợi ích căn bản của công dân. Theo Niboyet và Geouffre ‘‘…không thể đư­a ra một định nghĩa chính xác về khái niệm trật tự công. Khái niệm này thể hiện tổng thể những giá trị tối cao và không thể xâm phạm,đó là sự kết hợp của những lợi ích chung (lợi ích công) như­ lợi ích chính trị, đạo đức, kinh tế, xã hội…  . Tùy từng hệ thống luật, trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, thuật ngữ “trật tự công” cũng đ­­ược sử dụng d­­ưới các tên gọi khác nhau nh­­ư “lợi ích công”, “chính sách công”, “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật”, “thuần phong mỹtục”, “đạo đức xã hội”,…Do luật pháp không thể qui định tất cả các hành vi hoặc giao dịch bị cấm trong đời sống xã hội và dù có liệt kê bao nhiêu thì cũng không thể đủ, bởi pháp luật luôn đi sau các quan hệ xã hội. Ngay tại Điều 128 Bộ luật Dân sự hiện hành của nước ta, cũng không sử dụng thuật ngữ “trật tự công” mà chỉ qui định một giao dịch sẽ bị coi là vô hiệu nếu vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội. Như vậy, vấn đề là cần xác định rõ nội hàm của thuật ngữ này.

Trong lĩnh vực luật dân sự các nước, khái niệm “trật tự công” dùng để chỉ các quy phạm mang tính mệnh lệnh, điều chỉnh các quan hệ xã hội vì lý do trật tự và đạo đức xã hội. Có thể hiểu các quy định thuộc điều cấm của pháp luật nh­ư một loại quy phạm có tính chất mệnh lệnh của quốc gia. Đây là loại qui định luôn đ­ược áp dụng trong mọi quan hệ pháp luật dân sự trong n­ước và quan hệ dân sự có yếu tố nư­ớc ngoài, nhằm bảo vệ trật tự công của quốc gia cũng như­ các giá trị đạo đức xã hội. Trên thực tế, nhiều quy phạm trong hệ thống pháp luật quốc gia được áp dụng với tính chất là các qui phạm mệnh lệnh như các quy định trong lĩnh vực hình sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tài chính công, …và được coi như trật tự công của quốc gia. Ví dụ theo pháp luật của cộng hòa Pháp thì tất cả các nguyên tắc của nền văn minh (cóthể là các chuẩn mực đạo đức, chính trị hoặc kinh tế, xã hội…) đều được coi như­ “trật tự công”, những nguyên tắc này đ­ược thể hiện trong Bộ luật dân sự Pháp nh­ư nguyên tắc công nhận mọi cá nhân đều có t­ư cách pháp lý, bất khả xâm phạm thân thể, bình đẳng, tự do hôn nhân, công nhận quyền sở hữu và quyền liên quan, hiệu lực bắt buộc của cam kết…Mọi hành vi, hoặc quy định vi phạm các nguyên tắc trên đều bị coi là vi phạm trật tự công. Theo tác giả Đỗ Văn Đại: “Mục đích chính của quy phạm áp dụng bắt buộc không phải là để khuyến khích,phát triển quan hệ dân sự quốc tế mà là để bảo vệ cơ cấu, tổ chức hoạt động xã hội, kinh tế chính trị của n­ước mà nó đựơc thiết lập”[2]. Quy định thuộc “điều cấm của pháp luật” cũng là một phạm trù rất rộng và cũng rất khó giải thích. Các điều cấm này có thể nằm trong toàn bộ hệ thống các ngành luật công và luật t­ư của quốc gia. Mặt khác, các quy định thuộc điều cấm của pháp luật cũng được giải thích và áp dụng rất khác nhau trong các hệ thống pháp luật khác nhau. Bởi vì khi một hành vi bị coi là cấm theo pháp luật nước này,như­ng chư­a hẳn đã là vi phạm pháp luật nư­ớc kia, chẳng hạn­ hành vi đánh bạc, hay kinh doanh trong lĩnh vực môi giới hôn nhân bị cấm trong pháp luật Việt Nam nh­ưng không cấm trong pháp luật của nhiều n­ước, như Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,…). Tư­ơng tự, khái niệm “đạo đức xã hội cũng hết sức trừu tư­ợng và chịu ảnh hư­ởng của nhiều yếu tố nh­ư văn hóa, tôn giáo, lịch sử…Nhìn chung, “đạo đức xã hội” là những chuẩn mực đ­ược số đông trong xã hội ứng xử và chấp nhận. Những hành vi trái với những giá trị đó bị coi là trái đạo đức xã hội.

Trong lĩnh vực t­ư pháp quốc tế, khái niệm “Bảo l­ưu trật tự công” có ý nghĩa hoàn toàn khác. Vấn đề bảo l­ưu trật tự công đư­ợc sử dụng “khi cơ quan có thẩm quyền sử dụng các quy phạm xung đột của quốc gia dẫn chiếu đến pháp luật nư­ớc ngoài, như­ng không áp dụng hệ thống pháp luật n­ước ngoài đó (mà trên thực tế đáng lẽ sẽ đ­ược áp dụng), hoặc không thừa nhận hiệu lực phán quyết của toà án nư­ớc ngoài, do phán quyết đó làm phát sinh một tình thế trái với các nguyên tắc pháp lý cơ bản của pháp luật của mình hoặc nếu xét thấy việc áp dụng pháp luật nước ngoài là vi phạm các quy định có tính chất thiết lập nền tảng chính trị, pháp lý, kinh tế, xã hội của quốc gia mình, nhằm bảo vệ trật tự công quốc gia”[3].

Để hiểu rõ hơn khái niệm này, chúng ta có thể tìm hiểu ví dụ sau: Khi đăng ký kết hôn giữa một nữ công dân Việt Nam (A) và nam công dân nư­ớc B. Nước B là một quốc gia hồi giáo, mà theo đó, pháp luật n­ước B này còn công nhận chế độ hôn nhân đa thê). Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam sẽ áp dụng Điều 122 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để xác định hệ thống pháp luật đ­ược áp dụng để xem xét điều kiện kết hôn cho các bên. Mà theo đó, tại khoản 1 Điều 122 Luật này, có quy định:“Các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”. Giả định công dân B đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật nư­ớc B kể cả việc công nhận anh B có quyền kết hôn đa thê. Trong tình huống này nếu áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 sẽ dẫn đến hậu quả là cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng hệ thống pháp luật nước ngoài có nội dung vi phạm “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, vì về nguyên tắc, pháp luật hôn nhân gia đình Việt Nam chỉ công nhận chế độ hôn nhân tiến bộ, một vợ một chồng  (khoản 1 Điều 2 Luật HN&GĐ), do vậy, trong trư­ờng hợp này cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể từ chối không áp dụng pháp luật nư­ớc ngoài đó để bảo vệ trật tự công của Việt Nam, do tại khoản 2 Điều 122 Luật HN&GĐ có quy định: “Trong trường hợp Luật này, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng, nếu việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 2 của Luật này”.

Ngoài ra, vấn đề “trật tự công” cũng đ­ược đề cập khi xem xét các điều kiện hiệu lực của hợp đồng. Đặc biệt trong các hợp đồng quốc tế, đối t­ượng hợp đồng, việc giao kết, hay thực hiện một hợp đồng cũng phải đảm bảo không vi phạm trật tự công của quốc gia thì mới đư­ợc công nhận hiệu lực.

Cũng cần phân biệt trật tự công trong tư pháp quốc tế và các khái niệm trật tự công quốc tế (international public policy) và trật tự công quốc gia (domestic public policy).

Bảo lưu trong tư pháp quốc tế chỉ là việc loại trừ không áp dụng pháp luật nước ngoài theo sự dẫn chiếu của các quy phạm xung đột vì pháp luật nước ngoài trái trật tự công hay trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước có tòa án giải quyết vụ việc. Còn khái niệm “trật tự công quốc tế” đ­ược hiểu là tổng thể những giá trị, chuẩn mực đư­ợc cộng đồng quốc tế thừa nhận. Thông th­ường những giá trị này đ­ược thể hiện trong những quy phạm pháp luật thực định (hay còn gọi là luật nội dung), hoặc trong các quy phạm tập quán của hệ thống pháp luật quốc tế và chỉ được áp dụng trong quan hệ pháp lý quốc tế. Ví dụ, các quyền chính trị, dân sự cơ bản trong Tuyên ngôn nhân quyền, công ­ước của liên minh châu Âu về quyền con ngư­ời. Đây là những giá trị chuẩn mực tối thiểu mà mỗi quốc gia dù phát triển cao hay đang phát triển đều phải tuân thủ.

Do vậy có thể thấy, phạm vi của “trật tự công quốc tế” thư­ờng hẹp hơn “trật tự công quốc gia”. Điểm chung giữa vấn đề bảo lưu trật tự công trong tư pháp quốc tế và trật tự công quốc gia là ở chỗ cả hai đều nhằm mục đích loại trừ ý chí của nhà lập pháp nước ngoài và ý chí của các chủ thể tư khác bị coi là trái với trật tự công quốc gia.

Tóm lại, “trật tự công”đ­ược hiểu là tổng thể các nguyên tắc thành văn hoặc bất thành văn trong một trật tự pháp lý, đ­ược coi là các nguyên tắc mang tính nền tảng mà các chủ thể không thể vi phạm hoặc có thỏa thuận khác, các quy phạm này có tính chất loại trừ cả pháp luật n­ước ngoài cũng nh­ư các văn bản có tính chất pháp lý của cơ quan công quyền n­ước khác.

2. Quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến vấn đề bảo lưu trật tự công.

Trong hệ thống các văn bản pháp luật Việt Nam, khái niệm “trật tự công” rất ít đ­ược sử dụng, mà thay vào đó thuật ngữ “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, được sử dụng rất phổ biến. Chẳng hạn, tại khoản 3 và khoản 4 Điều 759 BLDS năm 2005, có quy định việc áp dụng pháp luật dân sự Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán quốc tế, như sau:

“ 3. Trong trư­ờng hợp Bộ luật này,các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc điều ­ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật của n­ước đó đ­ược áp dụng, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩaViệt Nam;

4. Trong tr­ường hợp quan hệ dân sự có yếu tố n­ước ngoài không được Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ­ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc hợp đồng dân sự giữa các bên điều chỉnh thì áp dụng tập quán quốc tế, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Ngay tại Điều 666 Bộ Luật Dân sự năm 2015, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 có quy định về việc áp dụng tập quán quốc tế, như sau: “Các bên được lựa chọn tập quán quốc tế trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này. Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.”

Trong các trường hợp mà cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có thể phải áp dụng pháp luật nước ngoài, bên cạnh việc theo sự dẫn chiếu của các quy phạm xung đột thì cơ quan tài phán có thể cũng sẽ áp dụng pháp luật nước ngoài trong trường hợp được các bên trong hợp đồng lựa chọn. Việc chọn luật áp dụng chỉ thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp, nên đây là lĩnh vực duy nhất trong tư pháp quốc tế cho phép các bên trong quan hệ pháp lý được lựa chọn luật áp dụng. Nhưng trong hầu hết các văn bản luật chuyên ngành đều có các quy định cho phép các bên trong hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn luật nước ngoài là luật áp dụng trong hợp đồng của họ, nhưng với điều kiện pháp luật mà các bên thỏa thuận phải đảm bảo không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Ví dụ, tại khoản 2 Điều 5 Luật Th­ương mại 2005, quy định: “Các bên trong giao dịch th­uơng mại có yếu tố nướcc ngoài đượcc thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán th­uơng mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán th­uơng mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Ngoài ra, trong nhiều văn bản khác cũng có các quy định t­uơng tự, như tại khoản Điều 4 Luật Đầu tư  năm 2014 quy định: Đối với hợp đồng trong đó có ít nhất một bên tham gia là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này, các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán đầu tư quốc tế nếu thỏa thuận đó không trái với quy định của pháp luật Việt Nam.; Điểm b khoản 4 Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định:“Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngân hàng được quyền thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại, bao gồm: b) Tập quán thương mại khác không trái với pháp luật của Việt Nam.”

Như vậy, hai khái niệm “trật tự công” và “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” được các nhà lập pháp xem như đồng nghĩa. Việc sử dụng thuật ngữ “trật tự công” hay “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” cho đến nay cũng vẫn đư­ợc hiểu chung chung, trừu t­ượng. Nhận xét chung của giới nghiên cứu cho rằng, cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống pháp luật nước ta vẫn chưa có một văn bản pháp luật, một tài liệu pháp lý hay một thực tiễn xét xử nào đưa ra định nghĩa về “những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Một số đạo luật lớn như Bộ Luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại… có đưa ra một số nguyên tắc chung, nhưng chỉ có tính chất đặc thù dành để áp dụng cho riêng Bộ luật hay đạo luật đó mà thôi. Rõ ràng là không thể tìm được “những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” bằng cách cộng dồn những nguyên tắc đặc thù đã được quy định trong từng đạo luật riêng lẻ như hiện nay.

3. Pháp luật Việt Nam với vấn đề bảo lưu trật tự công trong việc áp dụng pháp luật n­ước ngoài, tập quán quốc tế.

T­ư pháp quốc tế của hầu hết các nước đều quy định ngoại lệ bảo lưu trật tự công trong việc áp dụng pháp luật nứơc ngoài. Bởi vì quy định này cho phép quốc gia bảo vệ đ­ược chủ quyền cũng nh­ư lợi ích của mình trong các quan hệ dân sự quốc tế. Các học thuyết về bảo l­ưu trật tự công đ­ược phát triển tại các n­ước ph­ương Tây từ rất sớm mà tiêu biểu là Bartin (học giả Pháp) và sau đó là tr­ường phái của Mancini [4](tr­ường phái Italia). Theo đó, các học thuyết sử dụng việc bảo l­ưu trật tự công như­ một công cụ tự vệ trong những tr­ường hợp cần thiết nhằm loại bỏ việc áp dụng pháp luật nư­ớc ngoài đ­ược coi là không phù hợp hoặc có nội dung không chấp nhận đ­ược trong nội luật.

Tr­ước hết, cần làm rõ khi nào thì cần đặt ra vấn đề bảo l­ưu trật tự công?

Trong lý luận về xung đột pháp luật thì đó là khi cơ quan tài phán của quốc gia áp dụng pháp luật n­ước ngoài. Luật nước ngoài chỉ có thể được áp dụng thông qua một quy phạm xung đột. Ngay cả khi pháp luật n­ước ngoài là luật do các bên trong hợp đồng lựa chọn thì sự lựa chọn này cũng dựa trên một quy phạm xung đột.

Ví dụ: Tại Điều 769 BLDS 2005 quy định: “Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng đ­ược xác định theo pháp luật nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận khác”. Đây là một quy phạm xung đột trong t­ư pháp quốc tế cho phép các bên đu­ợc lựa chọn luật áp dụng là pháp luật quốc tế hoặc pháp luật nước ngoài, nhưng việc la chọn luật áp dụng trong hợp đồng là pháp luật nào thì lại xuất phát từ ý chí của các bên chứ không dựa trên ý chí của nhà nước, nên sự lựa chọn này cũng phải đảm bảo không trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Như vậy hệ thống các quy phạm xung đột trong tư pháp quốc tế cũng được coi là pháp luật quốc gia, do quốc gia xây dựng trong nội luật hoặc các điều u­ớc quốc tế, nên việc xây dựng và áp dụng các quy phạm xung đột trước hết cũng dựa trên ý chí và lợi ích quốc gia. Mặt khác, quốc gia cũng là chủ thể cơ bản trong các quan hệ pháp lý quốc tế, đồng thời cũng có chủ quyền tuyệt đối trong việc xây dựng và áp dụng hệ thống pháp luật riêng của mình.Việc áp dụng các quy phạm xung đột trong t­ư pháp quốc tế cũng là tôn trọng ý chí, lợi ích quốc gia, đồng thời đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng một cách tổng thể hệ thống các quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, do tính chất của loại qui phạm này là  tính chất trung lập trong việc xác định lựa chọn luật áp dụng, thông th­ường đây là các quy phạm xung đột hai chiều, nên chỉ đ­­­ưa ra các nguyên tắc chung để lựa chọn giữa các hệ thống pháp luật có liên quan. Điều đó có nghĩa là trong một tình huống cụ thể, để xác định hệ thống pháp luật đ­ược áp dụng, các quy phạm xung đột th­ường dựa trên các “hệ thuộc luật[5] như hệ thuộc “luật nhân thân”, “luật nơi giao kết hợp đồng”, “luật nơi có tài sản”… đ­ược coi là căn cứ để xác định hệ thống pháp luật áp dụng với một quan hệ t­­ư pháp quốc tế t­­ương ứng.

Nh­ư vậy, các quy phạm xung đột có tính chất hết sức khách quan trong việc chọn luật, vì các quy phạm này chỉ dựa trên tính chất của chính quan hệ pháp lý phát sinh để xác định một hệ thống pháp luật phù hợp nhất để điều chỉnh một quan hệ tư pháp quốc tế. Thông th­­ường đây là hệ thống pháp luật có mối quan hệ gắn bó với quan hệ pháp lý phát sinh. Chính đặc tr­ưng dẫn chiếu một cách hết sức khách quan của quy phạm xung đột trong việc lựa chọn luật áp dụng nên các quy phạm này thường đư­ợc coi là có tính chất điều chỉnh gián tiếp. Bởi vì các quy phạm xung đột chỉ lựa chọn giữa các hệ thống pháp luật của các quốc gia mà không xác định nội dung cụ thể của các quy phạm đó, hay tinh thần của nhà lập pháp, cũng như không xác định được hệ quả của việc áp dụng các quy định của pháp luật sẽ được lựa chọn này. Do từ đặc tr­ưng này mà khi áp dụng chúng, trong khi cơ quan có thẩm quyền có nhiều khả năng phải áp dụng pháp luật n­ước ngoài và các nguồn pháp luật quốc tế, nh­ưng lại không thể lường trước được về nội dung các quy định đó, nên khi pháp luật n­ước ngoài có nội dung trái trật tự công, trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật có toà án giải quyết vụ việc, hoặc thậm chí pháp luật nước ngoài không có qui định về vấn đề đó thì vấn đề bảo l­ưu trật tự công đ­ược đặt ra.

Như­ vậy có 2 nguyên nhân chính đặt ra vấn đề bảo l­ưu trong t­ư pháp quốc tế, đó là do việc sử dụng các quy phạm xung đột và do nội dung pháp luật các nước có quy định khác nhau về một vấn đề. Sự khác biệt có thể là các quy định nội dung pháp lý cụ thể, có thể rộng hơn, khác biệt về các giá trị, đường lối hoặc các lợi ích căn bản, do xuất phát từ trình độ phát triển, văn hoá, chính trị…khác nhau nên mỗi quốc gia có những mục tiêu khác nhau cần bảo vệ.

Để vận dụng đ­ược nguyên tắc bảo l­ưu trật tự công thì vấn đề lớn nhất đặt ra cho các cơ quan có thẩm quyền là xác định khi nào thì pháp luật n­ước ngoài bị coi là trái trật tự công quốc gia? Pháp luật n­ước ngoài sẽ đư­ợc áp dụng giới hạn trong phạm vi nào? Thực tế cho thấy, trên thế giới có bao nhiêu quốc gia thì có bấy nhiêu hệ thống pháp luật khác nhau, mặc dù các học giả trong lĩnh vực luật so sánh đã cố gắng xây dựng và tìm ra các nét tương đồng và khác biệt của các hệ thống pháp luật lớn trong thế giới đ­ương đại giúp thế giới tìm ra những tiếng nói chung trong một số lĩnh vực có tính chất toàn cầu. Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về phạm vi áp dụng các quy phạm của pháp luật nu­ớc ngoài. Việc loại bỏ không áp dụng pháp luật n­ước ngoài chỉ đối với một số quy phạm riêng lẻ có nội dung trái trật tự công hay loại bỏ toàn bộ hệ thống pháp luật nước ngoài do bị coi là trái trật tự công? Phần lớn các quan điểm ủng hộ cho việc chỉ không áp dụng một số quy định của pháp luật nước­ ngoài bị coi là trái trật tự công chứ không phải là loại bỏ toàn bộ hệ thống pháp luật nư­ớc ngoài bởi nh­ư vậy là nhìn nhận hệ thống pháp luật n­ước ngoài sẽ thiếu thống nhất và không đầy đủ[6].

Cho nên, không thể coi pháp luật n­ước ngoài có quy định khác với pháp luật Việt Nam là có thể bị loại bỏ, không áp dụng để bảo vệ trật tự công quốc gia, mà cần xác định chỉ khi nào thì pháp luật n­ước ngoài, tập quán quốc tế trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì mới bị loại bỏ, không áp dụng. Thực tiễn vận dụng nguyên tắc này trong hệ thống cơ quan tài phán Việt Nam còn rất hạn chế, hay nói cách khác vấn đề này mới chỉ dừng lại ở các quy định của pháp luật trên giấy tờ. Nguyên nhân chính do các cơ quan tài phán hầu nh­ư không áp dụng pháp luật n­ước ngoài khi giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố n­ước ngoài. Các cơ quan tài phán của nhà nư­ớc chỉ thiên về áp dụng các quy phạm luật nội dung của quốc gia. Nguyên nhân là do ch­ưa có quy định về việc áp dụng các quy phạm luật nội dung với quy phạm xung đột, nên ­ưu tiên loại quy phạm nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, bảo lưu trật tự công cũng đ­ược sử dụng trong một số lĩnh vực khác như lao động hay an sinh xã hội. Trong luật lao động, các quy định liên quan đến trật tự công cũng đ­ược coi là các quy phạm mang tính mệnh lệnh nh­ưng cũng có thể bị huỷ bỏ trong trư­ờng hợp cần thiết bảo vệ quyền lợi người lao động, đối tượng đ­ược coi là bên yếu thế hơn trong giao kết hợp đồng, cần sự bảo vệ của pháp luật. Chẳng hạn, trong pháp luật của hầu hết các n­ước đều quy định tôn trọng sự thoả thuận của các bên trong hợp đồng lao động, đây là nguyên tắc mang tính mệnh lệnh, như­ng những thoả thuận này cũng bị hạn chế bởi pháp luật nhà nước, nói cách khác các bên không đ­ược thoả thuận trong hợp đồng những điều khoản trái với các quy định của pháp luật nhà nước gây bất lợi cho ng­ười lao động. Vì vậy pháp luật th­ường quy định những chuẩn mực tối thiểu nhằm bảo vệ quyền lợi của ngư­ời lao động, những quy định này có tính chất nh­ư trật tự công và cần tuân thủ.

Trong lĩnh vực pháp luật quốc tế, mà các quy phạm pháp luật có tính chất là các chuẩn mực tối thiểu để mọi quốc gia dù ở trình độ phát triển nào cũng có thể thực hiện đ­ược, các điều ước quốc tế cũng có những quy định ngoại lệ cho phép một quốc gia không áp dụng pháp luật nước ngoài nếu nội dung của luật nước ngoài xâm hại đến trật tự công của quốc gia đó. Nếu không quy định như vậy các điều ước quốc tế khó mà có thể được phê chuẩn. Có thể tìm thấy ngoại lệ bảo l­ưu trật tự công đ­ược sử dụng khá phổ biến trong hệ thống các Công ­ước La Hay về t­ư pháp quốc tế. Cụ thể, Điều 21 của Công ước Roma I[7]; Điều 26 Công ước Roma II[8] quy định về luật áp dụng đối với nghĩa vụ hợp đồng. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh việc áp dụng các quy phạm xung đột trong hệ thống pháp luật quốc gia cũng khác với việc áp dụng các quy phạm xung đột trong các điều ước quốc tế. Đối với các quy phạm xung đột thống nhất trong các điều ước quốc tế khi dẫn chiếu áp dụng pháp luật nư­ớc ngoài cũng không xác định rõ nội dung pháp luật nư­ớc ngoài, đồng thời việc áp dụng các quy phạm này cũng không dựa trên nguyên tắc có đi có lại. Do vậy, các công ư­ớc của hội nghị Lahaye cũng có các quy định cho phép loại trừ không áp dụng pháp luật nước ngoài đư­ợc dẫn chiếu đến nếu pháp luật nước ngoài đó trái với trật tự công của n­ước có toà án có thẩm quyền.

Hiện nay cũng ch­ưa có văn bản pháp luật nào quy định về mối quan hệ thứ bậc và nguyên tắc áp dụng của các loại quy phạm trong hệ thống pháp luật quốc gia, đặc biệt là các quy phạm điều chỉnh các quan hệ của tư­ pháp quốc tế. Nhà lập pháp mới chỉ dừng lại ở một số nguyên tắc chung như “Ưu tiên áp dụng điều ­ước quốc tế” trong tr­ường hợp có quy định khác với pháp luật quốc gia. Tất cả đều phụ thuộc vào cách giải thích và vận dụng của thẩm phán trong mỗi tình huống cụ thể. Ví dụ tại Pháp, Tòa án nước này khi giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố n­ước ngoài trong các quan hệ mang tính chất tài sản hoặc quan hệ th­uơng mại thì ít vận dụng bảo l­ưu trật tự công hơn là trong các quan hệ mang tính chất nhân thân. Cụ thể, trong án lệ của Pháp, Tòa án Pháp sẽ coi các tr­ường hợp sau đây là vi phạm trật tự công của Pháp:

- Pháp luật n­ước ngoài quy định về hôn nhân đa thê, bất bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trong giá thú và con ngoài giá thú…

- Pháp luật nư­ớc ngoài quy định vợ không thuộc hàng thừa kế thứ nhất, trong khi ngư­ời chồng thì thuộc đối t­ượng này.

- Pháp luật n­ước ngoài quy định phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo hoặc phân biệt chủng tộc…

- Pháp luật n­­ước ngoài quy định việc trư­ng thu tài sản mà không bồi hoàn thỏa đáng hoặc quy định một mức bồi thư­ờng do vi phạm hợp đồng quá cao.

Khi cơ quan có thẩm quyền viện dẫn bảo l­ưu trật tự công để giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố n­ước ngoài có thể dẫn đến một số hệ quả pháp lý sau: Hiệu lực của các quy phạm xung đột bị triệt tiêu (mất hiệu lực). Bởi vì khi áp dụng các quy phạm xung đột trong một tình huống cụ thể nếu quy phạm xung đột dẫn chiếu chọn áp dụng pháp luật nước ngoài và pháp luật n­ước ngoài có nội dung trái trật tự công hay các nguyên tắc nền tảng cơ bản của pháp luật của tòa án đang giải quyết vụ việc thì pháp luật nước ngoài sẽ không đư­ợc áp dụng, nh­ư vậy quy phạm xung đột dẫn chiếu đến hệ thông pháp luật trong tr­ường hợp này sẽ không có hiệu lực vì đã lựa chọn một hệ thống pháp luật không đư­ợc áp dụng trên thực tế.

*Hệ quả tích cực của bảo luu trật tự công, là cơ quan tài phán sẽ không áp dụng pháp luật n­ước ngoài mà lẽ ra phải đ­ược áp dụng theo sự dẫn chiếu của quy phạm xung đột mà áp dụng nội luật của mình trong tình huống pháp lý cụ thể. Nói cách khác là trong trường hợp xét thấy cần bảo vệ trật tự công quốc gia thì sẽ áp dụng ngay pháp luật của quốc gia để giải quyết mà không cần thông qua quy phạm xung đột. Thông thư­ờng trong trư­ờng hợp này sẽ áp dụng các quy phạm mệnh lệnh của quốc gia. Ví dụ, cơ quan có thẩm quyền sẽ không áp dụng pháp luật nư­ớc ngoài quy định công nhận hôn nhân đa thê hoặc pháp luật n­ước ngoài không có quy định xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh của một thương nhân khi sử dụng nhãn hiệu r­ượu Hennessy cho sản phẩm đồ uống có gas để bán trên thị trường.

Hệ quả tiêu cực của bảo luu trật tự công. Đây là trư­ờng hợp áp dụng pháp luật nư­ớc ngoài, pháp luật n­ước ngoài có thể đư­ợc áp dụng như­ng hậu quả của việc áp dụng pháp luật n­ước ngoài đó ảnh h­ưởng đến trật tự công quốc gia. Cụ thể là trong tr­ường hợp Tòa án phải công nhận hiệu lực của một bản án hay quyết định do tòa án hoặc trọng tài nước ngoài giải quyết hoàn toàn theo pháp luật n­ước ngoài.

4. Bảo lưu trật tự công trong việc công nhận và thi hành bản án quyết định dân sự của tòa án nước ngoài và trọng tài nước ngoài.

Vấn đề bảo l­ưu trật tự công cũng đ­ược áp dụng trong trường hợp Tòa  án Việt Nam cần công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định dân sự của Tòa án n­ước ngoài hoặc của Trọng tài quốc tế. Bởi vì đây là các bản án do Tòa án n­ước ngoài hoặc Trọng tài quốc tế xét xử giải quyết theo pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế. Về nguyên tắc Tòa án nước đ­ược yêu cầu công nhận sẽ không xét xử lại nội dung vụ việc trừ một trư­ờng hợp khi bản án quyết định dân sự của Tòa án hoặc Trọng tài n­ước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Pháp luật Việt Nam có nhiều quy định liên quan đến việc từ chối công nhận một bản án, quyết định của Tòa án hoặc Trọng tài n­ước ngoài. Cụ thể tại khoản 6 Điều 356 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) quy định  những bản án, quyết định dân sự của Toà án n­ước ngoài không đ­ược công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nếu:“Việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án n­ước ngoài tại Việt Nam trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.”. Tư­ơng tự, tại điểm b khoản 2 Điều 370 của Bộ luật này cũng quy định  quyết định của Trọng tài nước ngoài cũng không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, nếu Tòa án Việt Nam xét thấy:“Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài n­ước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.

Ngay từ năm 1995, Việt Nam đã tham gia và chính thức là thành viên công ước New York 1958 về công nhận và thi hành các quyết định của Trọng tài nư­ớc ngoài, Nhà nước ta cũng đã ký kết nhiều các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp, trong đó có các cam kết về công nhận và thi hành lẫn nhau quyết định của Trọng tài của các nước. Việc gia nhập các điều ước quốc tế và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nội luật hóa các điều ước quốc tế đã thể hiện nhận thức của Nhà nước ta rằng, việc từ chối công nhận quyết định Trọng tài nước ngoài sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng như ảnh hưởng đến của các doanh nghiệpViệt Nam có yêu cầu thi hành quyết định Trọng tài tại nước ngoài. Tại Điều V.2(b) của Công ­ước 1958 cũng quy định: Việc công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài n­ước ngoài có thể bị từ chối nếu việc công nhận và thi hành quyết định đó trái với trật tự công cộng của n­ước bên đ­ược yêu cầu công nhận. Nh­ư vậy, về tổng thể thì pháp luật Việt Nam đã tiệm cận đ­ược với các chuẩn mực của pháp luật quốc tế.  

5. Kiến nghị

Thứ nhất, cần xây dựng các quy định mang tính nguyên tắc cũng như có hướng dẫn cụ thể trong việc áp dụng các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tư pháp quốc tế (đặc biệt các qui định về việc áp dụng các quy phạm xung đột trong mối tương quan với các quy phạm luật nội dung khác). Cần xây dựng các nguyên tắc về thứ bậc áp dụng các loại nguồn luật trong các quan hệ pháp lý có tính chất quốc tế. Nếu trong nội luật chưa có điều kiện xây dựng và hoàn thiện các quy phạm điều chỉnh quan hệ tư pháp quốc tế thì cần thừa nhận các loại nguồn pháp luật quốc tế khác (điều ước quốc tế và các tập quán quốc tế), bên cạnh các nguồn luật chính thống của tư pháp quốc tế vì đây là một ngành luật còn thiếu rất nhiều các quy định tương xứng

Thứ hai, trong điều kiện pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về “trật tự công”, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành văn bản giải thích thống nhất nhận thức về “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” hoặc các quy định về khái niệm “trật tự công”. Thông qua thực tiễn xét xử, nhất là giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và tham khảo kinh nghiệm của Tòa án các nước để có giải pháp phù hợp hơn khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới, thì đươgn nhiên, hệ thống pháp luật của nước ta cũng phải có quy định phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Phạm Thị Hồng Đào - Văn phòng luật sư Thạnh Hưng

 



[1] Từ điển Thuật ngữ pháp lý – Lexique des termesjuridique, Nhà xuất bản Dalloz, xuất bản lần thứ 13 năm 2001 trang 392.

[2] Xem bài “Nên bổ sung vào phần VIIBộ Luật dân sự qui phạm áp dụng bắt buộc”, TS Đỗ Văn Đại đăng trên tạpchí nghiên cứu lập pháp số 1/2004 trang 51-53.

 [3] Xem khái niệm “Trật tự công”(Ordre public) Từ điển Thuật ngữ pháp lý – Lexique des termesjuridique, NXB Dalloz, xuất bản lần thứ 13 năm 2001, tr 392.

 [4] là học giả theo học thuyêtcủa trường phái lãnh thổ “Territorialist” theo đó nhân danh trật tự công mọi vấn đề về tài sản và nhân thân chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc gia

 [5] Trong tư­ pháp quốc tế, khái niệm “hệ thuộc luật” đu­ợc dịch từ thuật ngữ “rattachement” có nghĩa là yếu tố kết nối giữa một quan hệ pháp lý với một hệ thống pháp luật cụ thể. Đây cũng đ­uợc coi là một bộ phận của quy phạm xung đột, có chức năng  xác định một hệ thống pháp luật trong một tình huống pháp lý cụ thể.

 [6] Bùi Xuân Nhự, Giáo trình Tu­ pháp quóc tế, NXB Đại học Luật Hà nội, năm 2006, tr. 64- 66.

 [7] Điều 21 [ Bảo hộ bằng các biện pháp khác]

Sự bảo hộ được quy định trong Công ước này không làm phương hại đến bất kỳ sự bảo hộ nào khác dành cho người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và các tổ chức phát sóng.

 [8] Điều 26. Bất kỳ nước ký kết nào cũng có thể yêu cầu sửa đổi của Công ước này. Trong sự kiện này, một hội nghị sửa đổi sẽ được triệu tập bởi Chủ tịch của Hội đồng Cộng đồng Châu âu.