Cạnh tranh là một thuộc tính tất yếu của nền kinh tế thị trường và là yêu cầu khách quan đối với các chủ thể kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trong quá trình hội nhập, phát triển. Vì vậy, tại khoản 2 Điều 51 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định:“Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật” Cạnh tranh là một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Song nếu không được kiểm soát chặt chẽ bởi pháp luật thì hoạt động cạnh tranh cũng dễ biến tướng trở thành vi phạm pháp luật.
Trong nền kinh tế thị trường và thời đại hội nhập kinh tế Quốc tế hiện nay, các vụ việc cạnh tranh đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Theo đó ngày càng có nhiều số việc bị phát hiện và xử lý. Chính bởi vậy, việc tổ chức thi hành Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh của các cơ quan thi hành án dân sự cũng cần được quan tâm hơn nữa.
Theo quy định của tại khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014:
Những bản án, quyết định được thi hành theo Luật này bao gồm:
1. Bản án, quyết định quy định tại Điều 1 của Luật này đã có hiệu lực pháp luật:
a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;
b) Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm;
c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án;
d) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày, kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án;
e) Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;
g) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.”
Theo khoản 2 điều 35 luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về thẩm quyền thi hành án thì thẩm quyền ra quyết định thi hành án đối với Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh là của Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh. Điều 36 luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 cũng quy định rõ trường hợp thi hành Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh không thuộc diện chủ động ra quyết định thi hành án.
Tại Điều 121 Luật Cạnh tranh năm 2004 cũng có quy định về Thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh
1. Sau thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật, nếu bên phải thi hành không tự nguyện thi hành, không khởi kiện ra Toà án theo quy định tại Mục 7 Chương này thì bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó.
2. Trường hợp quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành thì bên được thi hành có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có trụ sở, nơi cư trú hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành tổ chức thực hiện quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Tuy nhiên, ngoài các quy định trên Luật Thi hành án Dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 và Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2015 hướng dẫn thi hành Luật không có quy định gì thêm về thủ tục, quy trình thi hành án đối với Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.
Trên thực tế, tính chất của vụ việc cạnh tranh có rất nhiều đặc điểm khác so với các vụ án thông thường. Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh không giống với Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại hay Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Về chủ thể vi phạm: Phần lớn các chủ thể vi phạm đều là các Doanh nghiệp, công ty, các nhóm doanh nghiệp liên kết với nhau dưới hình thức hiệp hội doanh nghiệp...... nên việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian
Về tính chất vụ việc: Các vụ việc hạn chế cạnh tranh cạnh tranh có tính chất rất phức tạp với nhiều hành vi như: thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường …. Nên việc tổ chức thi hành đối với vụ việc hạn chế cạnh tranh theo Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh không hề dễ dàng
Các hình thức xử phạt trong vụ việc cạnh tranh cũng khác với các vụ việc thông thường. Theo điều 117, điều 119 Luật Cạnh tranh 2004 quy định Thẩm quyền xử phạt, xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh có thẩm quyền áp dụng các hình phạt như: phạt tiền, Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh; buộc cải chính công khai; loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh…..
Luật Thi hành án Dân sự đã có những quy định tương đối rõ ràng về thủ tục thi hành quyết định phá sản, tuy nhiên lại chưa có những quy định hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành các hình phạt trong Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh. Mặt khác, hiểu biết của chấp hành viên và cơ quan thi hành án về pháp luật cạnh tranh còn nhiều hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc áp dụng pháp luật .
*Kiến nghị:
Thực tế ở Việt Nam, cơ quan thi hành án chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thi hành Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, chính vì thế việc phối kết hợp giữa cơ quan Thi hành án với Hội đồng cạnh tranh trong quá trình thi hành các vụ việc cạnh tranh là rất cần thiết. Cần xem xét ban hành quy chế phối hợp giữa cơ quan Thi hành án với Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh trong công tác tổ chức thi hành Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh để góp phần nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự
Cần xem xét bổ sung các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành đối với việc tổ chức thi hành các Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về vấn đề này để các chấp hành viên và cơ quan thi hành án thuận lợi hơn trong việc áp dụng pháp luật.
Cơ quan quản lý cạnh tranh cần phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về pháp luật cạnh tranh và việc tổ chức thi hành các Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh cho các Chấp hành viên thi hành án dân sự để nâng cao trình độ cho các chấp hành viên và công tác tổ chức thi hành Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đạt hiệu quả cao hơn.
Hoàng Thị Thanh Hoa