Một số vướng mắc về xử phạt VPHC trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin

26/11/2015
 

Luật Viễn thông được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2010, thay thế  Pháp lệnh bưu chính, viễn thông số 43/2002/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Để triển khai thực hiện đồng bộ các quy định của Luật Viễn thông, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông; Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ, về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013 (viết tắc Nghị định 72/2013/NĐ-CP). Theo quy định tại khoản 2 Điều 45 của Nghị định này: “Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT ngày 14 tháng 7 năm 2005 giữa Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Công an và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quản lý đại lý Internet và Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01 tháng 6 năm 2006 giữa Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Công an về quản lý trò chơi trực tuyến (online games)”; Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, có hiệu lực từ ngày 15/01/2014 (viết tắc Nghị định 174/2013/NĐ-CP). Tuy nhiên, từ thực tiễn áp dụng đã bọc lộ những vướng mắc sau:

Thứ nhất, Điều 30 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao. Mà theo đó:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp hoặc sử dụng thông tin không chính xác khi giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông;

b) Không đăng ký thay đổi thông tin khi thay đổi chủ thuê bao.

Với quy định như trên, rõ ràng không khả thi khi áp dụng vào thực tiễn, vì: Với trường hợp cung cấp hoặc sử dụng thông tin không chính xác khi giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông, nghĩa là cá nhân cố tình cung cấp thông tin sai sự thật khi giao kết hợp đồng, như: Sử dụng Giấy chứng minh nhân dân giả hoặc dùng Giấy chứng minh nhân dân của người khác để khai báo; giấy tờ giả khác thì khi bị phát hiện cho dù phía bên cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyêt định xử phạt tiền với mức theo quy định họ không chấp hành thì cũng không thể xử lý cá nhân đó được, vì những thông tin họ cung cấp đều là giả và họ cũng có thể chứng minh rằng quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó, đối tượng bị áp dụng không phải là cá nhân họ. Còn với trường hợp không đăng ký thay đổi thông tin khi thay đổi chủ thuê bao, cũng không dễ dàng buộc họ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm, một khi hiện nay việc tìm cho mình một nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hoặc một sim điện thoại không phải là khó. Hơn nữa, một khi chủ thuê bao đã không sử dụng nữa thì việc yêu cầu họ chấp hành quyết định xử phạt là đều không thể.

Thứ hai, tại khoản 2 Điều 62 Nghị định 174/2013/NĐ-CP có quy định:

“2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a)…

e) Bán vật phẩm, đổi tiền thật lấy tiền ảo trong các ứng dụng, trò chơi nhưng không thông báo giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý hoặc không đồng ý mua vật phẩm, đổi tiền ảo với giá cước tương ứng.”

Nghiên cứu quy định này người viết thấy rằng, với hành vi vi phạm quy định tại điểm e không chỉ là tổ chức mà cá nhân, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh cũng có thể vi phạm quy định này, nhưng khung phạt tiền quy định từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng  là trái với quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (viết tắc Luật Xử lý VPHC), mà theo đó, tại điểm đ khoản 1 có quy định:

“1. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân được quy định như sau:

đ. Phạt tiền đến 100.000.000 đồng:…công nghệ thông tin; viễn thông; tần số vô tuyến điện;…”

Thứ ba, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP các hành vi sau bị cấm:

“1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;

b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;

d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;

e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổchức, cá nhân.

2. Cản trở trái pháp luật việc cung cấp và truy cập thông tin hợp pháp, việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ hợp pháp trên Internet của tổ chức, cá nhân.

3. Cản trở trái pháp luật hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam ".vn", hoạt động hợp pháp của hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

4. Sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã của tổ chức, cá nhân; thông tin riêng, thông tin cá nhân và tài nguyên Internet.

5. Tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại, vi-rút máy tính; xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin, tạo lập công cụ tấn công trên Internet.”

Nghiên cứu nội dung tại Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP có thể thấy, do tính chất đặc thù và tầm quan trọng của đối tượng cần bảo vệ là mạng viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, nên các quy định có nội dung cấm với độ bao phủ rộng và tính phòng ngừa cao, mà theo đó, bất kỳ chủ thể nào chỉ cần thực hiện một trong những quy định cấm là bị coi đã vi phạm và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tác hại gây ra có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, mà không cần thiết hậu quả thế nào (có xảy ra chưa, nếu có đến mức độ nào).

Một trong những hành vi bị coi là vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đó là: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” Nhưng rất tiếc toàn bộ nội dung quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP, Nghị định 72/2013/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đều không giải thích rõ thế nào là nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến uy tín của tổ chức, cá nhân người khác. Chính vì chưa có quy định, thiếu hướng dẫn cụ thể từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên đây là vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn. Như trên đã đề cập, không đòi hỏi phải có hậu quả vật chất xảy ra, mà chỉ cần chủ thể thực hiện hành vi vi phạm với mục đích nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác là coi như đủ điều kiện để xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ các nội dung quy định vừa liệt kê, nhà làm luật chỉ dừng lại ở mức độ quy định định tính, chưa có những quy định chuẩn về định lượng cụ thể.

Theo Từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, ấn hành năm 1998:  Đe dọa (đg). 1 Đe (nói khái quát). Lời đe dọa. 2. Tạo ra nỗi lo sợ về một tai họa có thể xảy ra. Nước lũ đe dọa mùa màng. Bị nguy cơ chiến tranh đe dọa. (tr 294); Quấy rối (đg) Gây rối loạn, không để cho yên. Du kích quấy rối hậu phương địch. Quấy rối giấc ngủ. (tr 780); Xuyên tạc (đg) Trình bày sai sự thật với dụng ý xấu. Xuyên tạc sự thật. Luận điệu xuyên tạc. (tr 1123); Vu khống (đg) Bịa đặt chuyện xấu vu cho người nào đó để làm mất danh dự, mất uy tín. Thủ đoạn xuyên tác và vu khống. (tr 1090); Xúc phạm (đg) Động chạm đến, làm tổn thương đến những gì mà người ta thấy cao quý, phải giữ gìn cho bản thân mình hoặc cho những người thân của mình. Xúc phạm đến danh dự. Nhân phẩm bị xúc phạm. (tr 1120).

Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định một số tội phạm lên quan đến hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác; vu khống người khác. Mà theo đó, khoản 1 Điều 121 BLHS quy định: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt…” Làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh sự của con người. Về hành vi khách quan: Người phạm tội có hành vi được thể hiện bằng lời nói hoặc hành động khác xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác, như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, lột quần áo giữa đám đông người, bêu xấu, nhổ nước bọt vào mặt, vẽ bậy, viết bậy, …Chẳng hạn, cũng với hành vi ném quần lót vào mặt của đối tượng nghiện ma túy đang trong “cơn đói thuốc” có thể không được coi là xúc phạm nghiêm trọng, nhưng đối với một trí thức thì đó là là sự xúc phạm nghiêm trọng[1]. Việc xác định như thế nào là nhân phẩm, danh dự bị xâm phạm nghiêm trọng cũng là vấn đề khá phức tạp, bởi vì cùng bị xâm phạm như nhau, nhưng có người bị thấy nhục hoặc rất nhục, nhưng cũng có người lại thấy bình thường, không thấy bị nhục. Về phía người phạm tội cũng có nhận thức tương tự như vậy, họ cho rằng với hành vi như thế thì người bị làm nhục sẽ nhục hoặc rất nhục, nhưng người bị hại  lại thấy chưa bị nhục. Những chuẩn mực này, nếu chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội hay người bị hại thì cũng chưa thể xác định một cách chính xác được mà phải kết hợp với các yếu tố như: Trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình,…Dư luận xã hội trong trường hợp này cũng có ý nghĩa quan trọng để xác định nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm tới mức nào. Sự đánh giá của xã hội trong trường hợp này có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi xúc phạm, làm nhục người khác[2]. Khoản 1 Điều 122 BLHS quy định:“Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt...” Vu khống là hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của người khác, hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

+Về hành vi bịa đặt những điều không có thực: Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta gặp nhiều điều người khác nói không đúng về mình, chúng ta thường có một phản ứng lại và coi đó là vu khống, vu cáo, bịa đặt và coi đó là hành vi xấu xa, đê tiện, …Nhưng không phải bao giờ những hành vi đó đều bị coi là tội phạm hình sự, mà nhiều trường hợp người nghe, người biết chỉ coi đó là hành vi mất đạo đức, nếu cần có thể xử lý hành chính, có khi giữa người bị vu khống với người có hành vi bịa đặt gặp nhau thông cảm và họ lại quan hệ tốt với nhau như cũ. Tuy nhiên, có những kẻ lợi dụng quyền tự do, dân chủ để vu khống một số cán bộ giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, nhằm bôi nhọ danh dự hoặc thực hiện những mưu đồ khác. Vì vậy, việc đưa ra truy tố, xét xử những kẻ có hành vi vu khống là rất cần thiết. Bịa đặt là tự nghĩ ra một điều gì đó mà không có đối với người khác, như: không tham ô thì bảo tham ô, không quan hệ bất chính lại tố cáo là quan hệ bất chính, không nhận hối lộ lại tố cáo là nhận hối lộ, người đã tốt nghiệp đại học, đã bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ nhưng lại tố cáo họ là bằng giả…Trong thực tế không ít trường hợp kẻ có hành vi bịa đặt rất tinh vi, nếu không điều tra xác minh thì rất dễ tin điều đó là sự thật, kẻ bịa đặt trong trường hợp này thường sử dụng những sự kiện có thực mà ai cũng biết để gài đặt vào trong những sự kiện có thực đó những điều không có thực.

+Về hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt: Tuy người phạm tội không bịa đặt, nhưng lại loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt. Việc loan truyền này có thể bằng nhiều hình thức khác nhau, như: sao chép làm nhiều bản gửi đi nhiều nơi, kể lại cho người khác nghe, đăng tin, bài trên các phương tiện truyền thông đại chúng,…Người có hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt có thể biết điều đó ai bịa đặt hoặc cũng có thể chỉ biết đó là bịa đặt còn ai bịa đặt thì không biết.

Người bị hại chính là người bị vu khống, là con người cụ thể, chứ không phải là pháp nhân hoặc cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Điều này tưởng không có gì phức tạp, nhưng thực tiễn có trường hợp vu khống, có người vu khống nhưng lại không xác định được người bị hại là ai hoặc xác định sai người bị hại, dẫn đến giải quyết vụ án không đúng. Ví dụ: Ch đã bị đặt và loan truyền nhiều tin mà Ch biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự của một số cán bộ chủ chốt ở địa phương, nhưng Ch không chỉ đích danh ai mà chỉ nói chung chung là “những người lãnh đạo địa phương”. Khi hành vi của Ch bị phát hiện, cần phải xác minh ai là người bị hại để yêu cầu khởi tố Ch thì không ai nhận mình là người bị hại, vậy là Cơ quan điều tra xác định luôn người bị hại là UBND huyện thay mặt UBND huyện, ông chủ tịch ký vào công văn yêu cầu khởi tố Ch về tội vu khống. Trong khi đó lời văn của điều luật tại khoản 1 Điều 122 BLHS quy định đối tượng bị tội phạm xâm hại đến là danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của con người cụ thể[3]

Mục đích của tác giả khi liên hệ với một số quy định của BLHS hiện hành cũng  chỉ nhằm chia sẽ với bạn đọc những vướng mắc khi áp dụng các tội phạm quy định tại Điều 121 và Điều 122 BLHS trong thực tiễn xét xử, nghĩa là Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, liên ngành tố tụng trung ương, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa có những quy định mang tính định lượng cụ thể, như: xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của người khác đến mức độ nào là nghiêm trọng? Nhận xét về ngoại hình của người nào đó tại nơi công cộng hoặc trên diễn đàn nào đó đến mức độ nào thì coi là xúc phạm hay làm nhục họ? Riêng với hành vi phạm tội vu khống theo quy định tại Điều 122 BLHS, không cần hậu quả xảy ra, mà ý tưởng của nhà làm luật chỉ cần người thực hiện hành vi vu khống đặt điều, bịa chuyện nhằm xúc phạm đến danh dự, uy tín của người bị vu khống là đã cấu thành tội phạm. Và nếu cứ như thế mà áp dụng thì có lẽ Tòa án sẽ không thể giải quyết hết lượng án phải thụ lý về tội phạm này! Cũng tương tự như Điều 121 BLHS, quy định này cũng chỉ dừng lại ở mức độ định tính. Do vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, rất cần sự hướng dẫn thống nhất về nhận thức của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.

Thứ tư, Điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội, mà theo đó, tại điểm a khoản 4 có quy định: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Chủ động cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;”

Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin, mà theo đó, tại điểm g khoản 3 có quy định:“g). Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;”

Nội dung quy định tại điểm a khoản 4 Điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP xác định rõ chủ thể có thể vi phạm là tổ chức; chủ thể vi phạm điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP chỉ có thể là cá nhân, nhưng giữa hai khung quy định xử phạt tiền tại khoản 4 Điều 65 (đối với tổ chức) với khoản 3 Điều 66 (đối với cá nhân) là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Xử lý VPHC. Mà theo đó, “Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này đối với tổ chức bằng 02 lần mức tiền phạt đối với cá nhân”. Trong khi đó, tại điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật này có quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực công nghệ thông tin; viễn thông; tần số vô tuyến điện. Như vậy, nếu theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Xử lý VPHC, thì khung phạt tiền đối với tổ chức khi thực hiện hành vi vi phạm tại điểm a khoản 4 Điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP chỉ có thể từ 20 triệu đến 40 triệu đồng là mới phù hợp, trong khi đó, mức quy định phạt tiền hiện hành tại  khoản 4 từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đồng thời cũng không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 174/2013/NĐ-CP: “Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VI tại Nghị định này được áp dụng đối với tổ chức. Cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.”

Tóm lại, từ một số quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện chưa thật cụ thể, thiếu hướng dẫn chi tiết, nên khi áp dụng vào thực tế còn nhiều vướng mắc, gây phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội là điều không tốt, nên theo tác giả cần có hướng khắc phục kịp thời. Hơn nữa, xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào quy định cụ thể của pháp luật, không thể chấp nhận lối suy diễn chủ quan mang tính áp đặt, phiến diện, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà pháp luật đã bảo vệ. Từ đó, người viết kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết một số nội dung quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 174/2013/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung những quy định chưa thật phù hợp, làm cơ sở pháp lý thống nhất trong nhận thức và áp dụng trong thực tiễn.

Ths. Lê Văn Sua

[1] Phạm Văn Beo, Luật Hình sự Việt Nam, quyền 2 (Phần các tội phạm), Nxb Chính trị quốc gia – Sư thật, 2011, tr 174.

[2] Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự, Tập II, Nxb Lao động, 2012, tr 265, 267.

[3] Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự, Tập II, Nxb Lao Động, 2012, tr 272 – 276.