Một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cần được hướng dẫn

17/11/2015
 

Theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước ta, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân được Tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng khi mà tình trạng gia đình trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Nhiều người cho rằng ly hôn là giải pháp để kết thúc sự đổ vỡ của tình yêu hoặc nhằm chấm dứt quan hệ gia đình khi không còn hạnh phúc. Ly hôn có 2 dạng là thuận tình ly hôn (cả hai vợ chồng đều mong muốn và cùng ký vào đơn ly hôn) và ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng, trong trường hợp này Tòa án phải thụ lý để xem xét, giải quyết cho ly hôn. Phán quyết ly hôn của Tòa án thể hiện dưới hai hình thức: Bản án hoặc quyết định.

Trong thực tế, số vụ ly hôn với người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà người bị bệnh lâm vào tình trạng không thể nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình tuy là ít, nhưng vướng mắc về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến tính chính xác quyết định của Tòa án khi giải quyết trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên, cụ thể:

Thứ nhất: Khi nguyên đơn nộp đơn yêu cầu ly hôn với người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức hoặc điều khiển hành vi của chính mình, thì kèm đơn xin ly hôn, còn phải nộp là những tài liệu gì?

Ly hôn với người bị bệnh tâm thần là thuộc trường hợp ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014. Mà theo đó, tại khoản 2 Điều này có quy định: Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.” Căn cứ để giải quyết yêu cầu ly hôn đối với trường hợp này, tại khoản 3 Điều 56 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.” Theo quy định này, để Tòa án giải quyết cho ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng, phải thỏa mãn 02 điều kiện sau:

Điều kiện thứ nhất: Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Về căn cứ pháp lý để xác định một người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Xoay quanh nội dung này hiện có các quan điểm khác nhau sau:

Quan điểm thứ nhất: Chứng cứ để chứng minh một người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức được, không làm chủ được hành vi của mình, phải có các loại giấy tờ sau: Hồ sơ bệnh án có xác nhận của bệnh viện nơi điều trị; Bản kết luận giám định của Tổ chức giám định tư pháp có thẩm quyền theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012. Mà theo đó, tại khoản 3 Điều 12 Luật Giám định tư pháp, Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y tâm thần bao gồm: a) Viện pháp y tâm thần Trung ương thuộc Bộ Y tế; b) Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế. Và theo điểm a khoản 1 Điều 7 và điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp, chỉ có Viện pháp y tâm thần Trung ương thuộc Bộ Y tế, Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế mới được giao chức năng thực hiện giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp. Tòa án sẽ căn cứ vào các chứng cứ này để xem xét, do đó, trường hợp người có yêu cầu ly hôn với người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức được, không thể làm chủ được hành vi của mình, thì người khởi kiện cần giao nộp cho Tòa án có thẩm quyền các tài liệu, chứng cứ trên để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Quan điểm thứ hai: Chứng cứ để chứng minh một người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức được, không làm chủ được hành vi của mình, phải là quyết định của Tòa án đã tuyên bố người vợ hoặc người chồng bị mất năng lực hành vi dân sự đã có hiệu lực pháp luật, chứ không phải là hồ sơ bệnh án có xác nhận của bệnh viện nơi điều trị; Bản kết luận giám định của Tổ chức giám định tư pháp có thẩm quyền theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, hồ sơ bệnh án có xác nhận của bệnh viện nơi điều trị và Bản kết luận giám định pháp y tâm thần mà phía người khởi kiện cung cấp, thật sự chưa đủ cơ sở chứng minh cho một người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức được, không làm chủ được hành vi của mình, vì mấy lý do sau:

Lý do thứ nhất, thực tế cho thấy không phải bất cứ bệnh viện nào cũng có thể chẩn đoán chính xác đối với bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà người bệnh không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Bệnh tâm thần liên quan đến một loạt các điều kiện sức khỏe tâm thần, rối loạn có ảnh hưởng đến suy nghĩ, tâm trạng và hành vi. Các bệnh tâm thần bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống và hành vi gây nghiện. Đối với bệnh nhân dạng tâm thần phân liệt đòi hỏi phải được điều trị đúng bệnh viện chuyên khoa, bác sĩ điều trị được đào tạo đúng chuyên ngành mới có thể xác định chính xác những triệu chứng quan trọng của bệnh tâm thần dạng này, như:

- Hoang tưởng: Là những ý tưởng sai lầm, không phù hợp với thực tế, do bệnh tâm thần gây ra nhưng bệnh nhân cho là hoàn toàn đúng, không thể giải thích hay phê phán được. Nội dung hoang tưởng rất đa dạng, nhưng thường gặp nhất là:

+ Hoang tưởng tự cao: thí dụ bệnh nhân nghĩ rằng mình có thể làm tướng chỉ huy quân đội mặc dù bệnh nhân chưa từng đi bộ đội hoặc bệnh nhân nghĩ rằng mình có thể chữa các loại bệnh khó như bệnh ung thư dù bệnh nhân không học ngành y…

+ Hoang tưởng bị hại: thí dụ bệnh nhân nghĩ rằng những người hàng xóm hay người trong gia đình đang tìm cách đầu độc bệnh nhân …

+ Hoang tưởng bị chi phối: thí dụ như bệnh nhân nghĩ rằng có một thế lực vô hình nào đó đang kiểm soát mọi suy nghĩ hay hành động của mình …

Bệnh nhân sẽ có một số phản ứng tùy theo nội dung hoang tưởng thí dụ như bệnh nhân sẽ từ chối không ăn cơm chung với gia đình và tự nấu ăn nếu bệnh nhân nghi có ai tìm cách đầu độc mình …

- Ảo thanh: Là bệnh nhân nghe một hay nhiều giọng nói tưởng tượng vang lên trong đầu hay vang bên tai. Nội dung của ảo thanh thường là: đe doạ, buộc tội, chửi bới hay nhạo báng bệnh nhân. Bệnh nhân cũng sẽ có một số phản ứng tùy theo nội dung của ảo thanh thí dụ như bệnh nhân  sẽ bịt tai khi nội dung của ảo thanh là chửi bới, bệnh nhân sẽ có hành vi tự vệ nếu nội dung của ảo thanh là đe doạ ……

- Rối loạn khả năng suy nghĩ: Lời nói bệnh nhân trở nên khó hiểu, đang nói bệnh nhân bỗng đột ngột ngưng lại rồi một lúc sau mới nói tiếp chủ đề cũ hay nói sang chuyện khác. Đôi khi bệnh nhân nói lung tung đến nỗi người nghe không hiểu bệnh nhân muốn nói gì.

Do vậy, hồ sơ bệnh án có xác nhận của bệnh viện nơi điều trị, nếu không phải là bệnh viện chuyên khoa (Bệnh viện Tâm thần Trung ương I; Bệnh viện Tâm thần Trung ương II; Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng; Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ;…) thì chưa đủ độ tin cậy để xác định bệnh nhân đó có phải thật sự đang bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà triệt tiêu hoàn toàn khà năng nhận thức, điều khiển hành vi của họ không.

Lý do thứ hai, Bản kết luận giám định pháp y tâm thần cũng chỉ là tài liệu để Tòa án tham khảo, đối chiếu so sánh với những tài liệu chứng cứ khác, vì thực tế không phải mọi trường hợp người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác đều dẫn tới hậu quả hoàn toàn mất khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, do vậy, cũng không phải mọi trường hợp người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác đều bị Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự. Tiêu chuẩn (dấu hiệu) để xác định một người không có năng lực hành vi dân sự là mắc bệnh (tiêu chuẩn y học) và tâm lý (mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi), những dấu hiệu này có mối liên quan chặt chẽ với nhau, cái này là tiền đề của cái kia và ngược lại. Một người vì mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác nên bị mất khả năng nhận thức và bị mất khả năng điều khiển của mình. Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử cho thấy, tuy không phải là tất cả, nhưng một người không có năng lực hành vi dân sự khi họ mắc một trong các bệnh sau: Bệnh tâm thần kinh niên, bệnh loạn thần, bệnh si ngốc, các bệnh gây rối loạn tinh thần tạm thời. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp do kết luận về giám định của các cơ quan chức năng trái ngược nhau về tình trạng rối loạn khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của người bị bệnh giữa các Hội đồng giám định, làm cho việc xét xử Tòa án thiếu chính xác. Trong khi đó, để có được kết luận giám định pháp y tâm thần được chính xác, không chỉ đòi hỏi Giám định viên có đủ trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn mà còn phải dựa vào các tài liệu kèm theo yêu cầu giám định, trong đó không thể thiếu hồ sơ (bệnh án) từng được điều trị bệnh của đối tượng giám định, trong khi đó hồ sơ bệnh án đó lại được lập tại nơi điều trị không đúng chuyên khoa thì có bảo đảm độ tin cậy khi Giám định viên tác nghiệp không?

Lý do thứ ba, theo khoản 1 Điều 22 BLDS năm 2005: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định. Do vậy, các tài liệu như: Sổ điều trị, bệnh án của bệnh viện nơi điều trị, kết luận giám định của cơ quan chuyên môn do đương sự xuất trình chưa đủ cơ sở pháp lý để khẳng định một người bị mất năng lực hành vi dân sự. Mặt khác, theo quy định tại Chương XXI của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011 - viết tắc BLTTDS) yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự được giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự. Theo Điều 319 BLTTDS, trên cơ sở đơn yêu, kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, Tòa án mới quyết định tuyên bố họ bị mất năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố họ bị mất năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, khi và chỉ khi có quyết định giải quyết việc dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự mới có đủ cơ sở pháp lý khẳng định được người đó bị mất năng lực hành vi dân sự. Do đó, khi bố mẹ của người bị mất năng lực hành vi dân sự khởi kiện xin ly hôn thay con, Tòa án cần hướng dẫn họ thực hiện thủ tục tuyên bố người con bị mất năng lực hành vi dân sự để Tòa án xem xét quyết định. Chỉ sau khi quyết định giải quyết việc dân sự tuyên bố người con mất năng lực hành vi dân sự có hiệu lực pháp luật thì người đại diện theo pháp luật mới có quyền thay người bị mất năng lực hành vi dân sự khởi kiện xin ly hôn. Khi đó, Tòa án xác định người bị mất năng lực hành vi dân sự được đại diện là nguyên đơn, còn người đại diện theo pháp luật khởi kiện thay cho nguyên đơn là người đại diện cho nguyên đơn.[1]

Điều kiện thứ hai: Người vợ hoặc chồng (một bên yêu cầu ly hôn) là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, thì các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.”

Nhưng cho đến nay, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa ban hành văn bản nào giải thích hoặc hướng dẫn thế nào hoặc trường hợp cụ thể nào thì bị coi là hành vi bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ của họ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Bởi quy định trên chỉ mang tính định tính, vì vậy, sẽ rất khó khăn khi Tòa án áp dụng quy định này trong thực tiễn giải quyết án ly hôn theo yêu cầu của một bên. Thực tiễn cũng cho thấy, với những trường hợp như thế cũng có những loại ý kiến khác nhau khi xác định hành vi bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của vợ hoặc chồng, như sau:

Loại ý kiến thứ nhất, tại các điều từ 49 đến 57, Mục 4 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi bạo lực gia đình, như vậy, nếu người chồng hoặc vợ có hành vi vi phạm hành chính về một trong các hành vi được mô tả từ Điều 49 đến Điều 57 của Mục này, từ lần thứ hai trở đi (thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012) sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, nghĩa là tái phạm và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính (Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012) thì hành vi bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ của họ gây ra bị coi là ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của đối tượng bị xâm hại. Hoặc thuộc trường hợp mà Bộ luật Hình sự hiện hành (viết tắc BLHS) có quy định về các tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151); tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 152), mà theo đó, cấu thành tội phạm này quy định dấu hiệu hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Điều đó có nghĩa là, khi và chỉ khi đối tượng thực hiện hành vi quy định tại Điều 151 hoặc Điều 152 BLHS mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người vợ hoặc người chồng là nạn nhân của hành vi bạo lực đó mà giữa họ đang tồn tại quan hệ vợ chồng hợp pháp, có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên.

Loại ý kiến thứ hai, chủ thể là một bên của quan hệ vợ chồng, mà trong đó, người vợ hoặc người chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014 là người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.Theo quy định tại khoản 5 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, không xử phạt vi phạm hành chính đối với người thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà không có năng lực trách nhiệm hành chính, vì theo khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính” Với quy định này có thể hiểu, người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm vì họ không có lỗi. Mặt khác, tại các điều 151 và 152 BLHS hiện hành chỉ quy định một số tội mà hành vi khách quan được mô tả, như:

-Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình.

-Cố ý từ chối hoặc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng tuy có khả năng thực tế để thực hiện đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Và chủ thể thực hiện hành vi phạm tội phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định. Khoản 1 Điều 13 BLHS quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.”Do vậy, lập luận như loại ý kiến thứ nhất là không ổn. Hơn nữa, các hành vi khách quan được mô tả tại Điều 151, Điều 152 BLHS vẫn chưa bảo đảm tính khái quát, bao trùm so với quy định về hành vi bạo lực gia đình theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

Từ đó cho thấy, để Tòa án nơi có thẩm quyền thụ lý và giải quyết các trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật HN&GĐ năm 2014, rất cần hướng dẫn kịp thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung này.Từ thực tiễn xét xử tác giả đề xuất, có thể coi người vợ hoặc chồng (một bên yêu cầu ly hôn) là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần, khi:

+Đối với hành vi bạo lực vật chất: Người vợ hoặc chồng thường xuyên đánh đập, ngược đãi, hành hạ làm cho người bị ngược đãi, hành hạ dẫn đến bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe.

+Đối với bạo lực tinh thần: Người vợ hoặc chồng do bị chửi bới, sỉ nhục, xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần,…

Hành vi bạo lực này được lặp đi lặp lại nhiều lần, mọi người trong gia đình tuy tìm mọi cách hạn chế thấp nhất để hậu quả không xảy ra, nhưng hậu quả vẫn cứ xảy ra.

Thứ hai: Về thuận tình ly hôn, Điều 55 Luật HN&GĐ năm 2014 có quy định: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.” So với Điều 90 Luật HN&GĐ năm 2000 thì quy định về thuận tình ly hôn tại Điều 55 Luật HN&GĐ năm 2014 tiến bộ hơn và rõ ràng hơn. Cụ thể, nếu như theo quy định tại Điều 90 Luật HN&GĐ năm 2000, trường hợp nếu giữa vợ chồng không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án quyết định. Luật quy định như vậy, nhưng thiếu hướng dẫn cụ thể việc Tòa án quyết định trong trường hợp trên là quyết định như thế nào. Chính vì lẽ đó, nên thực tiễn giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn với trường hợp không thỏa thuận được, Tòa án thường ấn định một thời gian để cho vợ, chồng suy nghĩ lại và thời gian được ấn định, mỗi Tòa án quy định một kiểu không thống nhất nhau, gây khó khăn cho đương sự. Khắc phục hạn chế này, Điều 55 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định như trên rõ ràng hơn, nhưng vận dụng quy định này vào thực tiễn cũng gặp những vướng mắc sau:

Theo quy định tại tại Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2014: “Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.”Mà theo đó, khoản 5 của Điều này quy định theo hướng bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động không có tài sản để tự nuôi mình. Đây là quy định mới hướng đến sự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người phụ nữ, đối tượng cần sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng. Nội dung quy định này có thể hiểu, Tòa án khi giải quyết phân chia tài sản với trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn nhưng không thỏa thuận được việc phân chia tài sản, thì Tòa án phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người vợ, con trong các trường hợp sau:

+ Người vợ khi không có tài sản tự nuôi mình;

+ Con chưa thành niên mà không có tài sản tự nuôi mình;

+ Con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, không có tài sản tự nuôi mình;

+ Con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản tự nuôi mình.

Luật đã quy định thì không có ngoại lệ. Nghĩa là bất luận mọi trường hợp, khi Tòa án áp dụng Điều 55 Luật HN&GĐ năm 2014, thì đều phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.  Nhưng thực tiễn vốn phức tạp, mà trường hợp dưới đây khi giải quyết Tòa án có phải tuân thủ triệt để quy định tại khoản 5 Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2014 không? A và B kết hôn 12/ 2010, có con chung là C (SN 2011), cả gia đình của A cùng sống chung tại nhà của bố mẹ ruột mình. A giúp bố mẹ làm nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, B làm nội trợ. Trong khoảng thời gian từ tháng 11/2012 đến 2/2015, A nhiều lần khuyên vợ chấm dứt việc chơi lô đề, hụi (họ), nhưng B vẫn không nghe mà càng ngày càng lún sâu nạn cờ bạc, dẫn đến tình cảm vợ chồng ngày thêm lạnh nhạt. Đến tháng 3/2015 nhiều người đến nhà của bố mẹ A “siết nợ” thì mới biết B hiện còn nợ của những người này lên đến gần 2,5 tỷ đồng. Trước áp lực gay gắt của các chủ nợ và nhu cầu sự yên ổn để tiếp tục hoạt động kinh doanh, bố mẹ của A đồng ý thanh toán hết số nợ trên thay B. Tháng 4/2015 A và B thuận tình nộp đơn xin ly hôn. Mà theo đó, B nhận nuôi con; hàng tháng A cấp dưỡng nuôi con số tiền 04 triệu đồng cho đến tuổi trưởng thành. Ngoài ra, B yêu cầu được chia số tiền 02 tỷ đồng là công sức đóng góp của B duy trì khối tài sản chung của gia đình trong thời gian về làm dâu tại nhà cha mẹ ruột A; thực tế B cũng không có tài sản gì sau ly hôn để bảo đảm cuộc sống sau này. Do không thỏa thuận được việc chia tài sản nên Tòa án phải giải quyết. Vấn đề đặt ra, Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu của B như thế nào cho đúng với tinh thần quy định tại khoản 5 Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2014. Loại ý kiến thứ nhất, Tòa án bác đề nghị của B vì không có căn cứ. Bởi: Trước khi kết hôn hai người không có tài sản riêng, khi về sống chung với gia đình bố mẹ của A, công việc chính của B làm nội trợ, bản thân A cũng chỉ phụ giúp bố mẹ mình trong kinh doanh, thu nhập không đáng kể, nên tài sản chung của vợ chồng A tạo dựng được trong thời kỳ hôn nhân tồn tại không lớn. Việc B yêu cầu chia tài sản trị giá 02 tỷ đồng, vì sau khi ly hôn cuộc sống riêng sẽ rất khó khăn do không có tài sản riêng để nuôi sống bản thân là không thể chấp nhận, vì bố mẹ của A đã trả thay B số tiền nợ gần 2,5 tỷ đồng, mà không yêu cầu B phải hoàn lại là thật sự “thấu tình đạt lý”. Loại ý kiến thứ hai, việc bố mẹ của A thanh toán số nợ 2,5 tỷ đồng thay B cho các chủ nợ là quan hệ dân sự khác (thực hiện nghĩa vụ thay B) độc lập với quan hệ tài sản trong trường hợp vợ chồng A sống chung với gia đình bố mẹ (Điều 61 Luật HN&GĐ năm 2014) trong thời kỳ hôn nhân tồn tại, nên khi chia tài sản Tòa án căn cứ vào khoản 1 Điều 59 và Điều 61 Luật HN&GĐ năm 2014 để giải quyết. Nghĩa là vẫn phải chia tài sản cho B dù B còn đang nợ bố mẹ của A số tiền gần 2,5 tỷ đồng.

Theo quan điểm của người viết, trong trường hợp này tuy công sức đóng góp của B thực tế nếu quy đổi cũng không tương đương số tiền mà bố mẹ A đã trả nợ thay cho B, nhưng Tòa án không thể không giải quyết yêu cầu của B, vì bản thân B cũng không có tài sản gì đáng giá để tự nuôi sống bản thân mình sau này, hơn nữa, nội dung này được quy định tại Điều 61 Luật HN&GĐ năm 2014 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Dù là thuận tình ly hôn, nhưng việc phân chia tài sản, nuôi dưỡng, chăm sóc con,… do Tòa án quyết định, vậy căn cứ vào tiêu chí nào hay nói cách khác Tòa án dựa vào cơ sở pháp lý cụ thể nào để quyết định việc chia tài sản theo hướng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người vợ khi ly hôn mà không có tài sản để nuôi sống bản thân mình theo quy định tại khoản 5 Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2014. Để pháp luật luôn được tôn trọng và vận dụng thật chính xác bảo đảm lẽ công bằng trong mọi trường hợp, vướng mắc quy định tại khoản 5 Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2014, rất cần các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, làm cơ sở pháp lý Tòa án vận dụng thống nhất khi xét xử.

Trên đây là một số vấn đề nảy sinh và những quan điểm khác nhau từ thực tiễn thi hành Luật HN&GĐ năm 2014. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi cùng Quí bạn đọc.

Th.s Lê Văn Sua



[1] Nguyễn Thị Hạnh, “Một số vấn đề về người đại diện theo pháp luật của đương sự trong tố tụng dân sự”, TCTAND số 3 (2/2011).