Giám định lại, quyền yêu cầu giám định lại và quyền từ chối giám định trong Luật Giám định tư pháp

10/11/2015
 

Luật Giám định tư pháp, được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 (viết tắc Luật GĐTP). Pháp lệnh giám định tư pháp số 24/2004/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Kể từ ngày Luật GĐTP có hiệu lực thi hành, các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS), Luật tố tụng hành chính về giám định tư pháp (GĐTP) nếu có nội dung khác với quy định của Luật GĐTP thì áp dụng quy định của Luật này. Từ khi Luật GĐTP được triển khai thi hành cho đến nay, công tác GĐTP đã đạt được những kết quả nhất định: Công tác thể chế từng bước được hoàn thiện, hệ thống các văn bản pháp luật về GĐTP cơ bản được ban hành kịp thời, như Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết và biện pháp thực hiện Luật giám định tư pháp; Thông tư 138/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tài chính, hướng dẫn một số nội dung của Luật Giám định tư pháp và  Nghị định 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết và biện pháp thực hiện Luật giám định tư pháp; Thông tư 24/2013/TT-BTTTT ngày 27/12/2013 của Bộ Thông tin và truyền thông, quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông;…; số lượng giám định viên tư pháp được nâng lên cả về số lượng và chất lượng; vấn đề kiện toàn tổ chức trong lĩnh vực pháp y và pháp y tâm thần, lĩnh vực kỹ thuật hình sự đã được quan tâm, đầu tư về con người, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc… Tuy nhiên, một số quy định của Luật GĐTP như: Thế nào là có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định hoặc có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác; Giám định lại bao nhiêu lần thì không được yêu cầu giám định lại nữa;… Những vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất áp dụng, nên công tác GĐTP trong tố tụng hình sự nói riêng vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, cần sớm được khắc phục, cụ thể:

Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 2, Điều 29 Luật GĐTP: “Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác…”;  Khoản 2, Điều 159 BLTTHS: “Việc giám định lại được tiến hành khi có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Việc giám định lại phải do người giám định khác tiến hành” ; Khoản 1 Điều 21 Nghị định 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự (viết tắc Nghị định 26/2005/NĐ-CP), quy định:“Việc định giá lại một phần hoặc toàn bộ tài sản được tiến hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có nghi ngờ về kết quả định giá hoặc có mâu thuẫn giữa các kết luận định giá về giá của tài sản cần định giá…”

Từ thực tiễn áp dụng các quy định trên đã phát sinh một số vướng mắc sau:

Một là, phạm vi xác định đối tượng có quyền nghi ngờ về kết quả giám định hoặc cho rằng có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định hoặc có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác còn quá rộng, nên thực tế khi giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp nếu chưa có sự thống nhất nhau về kết luận giám định hoặc bị can, những người tham gia tố tụng khác yêu cầu thì cơ quan đã trưng cầu thường trưng cầu giám định lại vì không thể nêu rõ lý do để không chấp nhận yêu cầu của họ. Như vậy, có thể thấy bản Kết luận giám định là văn bản tố tụng rất quan trọng, ảnh hưởng tới việc kết luận một người có hành vi phạm tội hay không, mức độ nghiêm trọng như thế nào. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, kết quả giám định không phải lúc nào cũng chính xác, khách quan, mà vẫn có thể có sai sót. Theo qui định tại Điều 158 BLTTHS, bị can, những người có liên quan có quyền trình bày những ý kiến của mình về kết luận giám định, có quyền yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại. Tại khoản 1 Điều 159 BLTTHS qui định như sau: “Việc giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh những vấn đề mới liên quan đến những tình tiết của vụ án đã được kết luận trước đó.” Trong khi đó, không phải bị can, người tham gia tố tụng nào cũng đều hiểu được nguyên tắc, phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể (cộng lùi) khi tiến hành giám định. Chính lý do này dẫn đến việc họ cứ thực hiện quyền yêu cầu giám định lại, nghi ngờ giám định viên đã cộng sai các tỉ lệ, từ đó làm cho việc giải quyết vụ án nhiều trường hợp bị kéo dài quá thời gian luật định. Ví dụ: Ông Nguyễn Văn D được xác định có 03 tổn thương cơ thể (TTCT):

- Cụt 1/3 giữa cánh tay phải, tỷ lệ % TTCT là 61 - 65%.

- Nghe kém trung bình hai tai mức độ I, tỷ lệ % TTCT là 21 - 25%.

- Mù mắt trái chưa khoét bỏ nhãn cầu, tỷ lệ % TTCT là 41%

Áp dụng phương pháp cộng lùi, theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 20/2014/TTLT- BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế, quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn D được tính như sau:

T1 = 65%,

T2 = (100 - 65) x 41/100% = 14,35%, làm tròn số thành 14,0 %.

T3 = (100 - 65 - 14,0) x 21/100% = 4,41 %, làm tròn số thành 4,0%.

Tổng tỷ lệ TTCT của ông Nguyễn Văn D là 65% + 14,0 % + 4 % = 83 %. Tỷ lệ TTCT của ông Nguyễn Văn D là 83 %. Chứ không phải là tỉ lệ % trung bình của các tổn thương cơ thể đó cộng lại 127% (63% + 43% + 41%). Hơn nữa, tỉ lệ % sức khỏe của người bình thường mặc định chỉ là 100%, nên không thể có con số 127% được.

Thực tiễn xét xử án hình sự cho thấy, không ít vụ án cả bị hại và bị cáo đều yêu cầu được giám định lại thương tật. Trong khi đó, pháp luật chưa quy định trường hợp nào được chấp nhận, và việc giám định lại được thực hiện bao nhiêu lần? Đây là vướng mắc rất cần sự hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng trong thực tiễn. Ví dụ, vụ tai nạn giao thông xảy ra hồi 18 giờ 45 phút 11/2013 tại km 389 + 600 Quốc lộ 1A thuộc địa bàn ấp 7,  xã Tâm Thuận Tây, huyện Châu Thành, tỉnh V, Nguyễn Thanh Hùng điều khiển xe mô tô gây tai nạn cho anh Lê Định điều khiển xe đạp chạy cùng chiều. Công an huyện Châu Thành trưng cầu giám định và kết luận tỉ lệ thương tật vĩnh viễn của người bị hại 27% sức khỏe. Trên cơ sở này, Hùng không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, anh Định cho rằng sức khỏe bị tổn hại nghiêm trọng mà tỷ lệ thương tật qua giám định chỉ có vậy là không thỏa đáng, nên anh yêu cầu được giám định lại, nhưng Công an huyện Châu Thành không chấp nhận và hồ sơ vụ án được chuyển sang Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Tại đây, Tòa án cho trưng cầu giám định lại thương tật của anh Định. Kết quả tỷ lệ thương tật vĩnh viễn của anh Định 36%, hồ sơ vụ án được chuyển về Công an huyện Châu Thành để xử lý theo pháp luật tố tụng hình sự. Tại đây, Nguyễn Thanh Hùng yêu cầu được giám định lại sức khỏe của người bị hại và được Công an huyện này chấp nhận. Nhưng bị hại lại kiên quyết từ chối vì cho rằng vụ tai nạn xảy ra đã hơn 7 tháng, các vết thương đều lành, giám định lại sẽ gây bất lợi cho họ... Về vấn đề này, vì pháp luật không quy định rõ ràng, cụ thể việc giám định lại nên rất dễ bị các cơ quan tố tụng áp dụng tùy tiện. Bên cạnh đó, pháp luật không quy định các đương sự được quyền yêu cầu giám định lại bao nhiêu lần, mà tất cả đều cơ quan tiến hành tố tụng vụ án đó quyết định.

Hai là, khi giám định mà người tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại khác không đồng ý giám định lại thì có chấp nhận yêu cầu của họ hay không vì quy định của pháp luật không quy định rõ. Ví dụ, Sau khi uống rượu cùng với một số người bạn, khoảng 17 giờ ngày 15/11/2013 Trần Tuấn A. điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 72S9 – 8090 chạy phía sau xe mô tô biển kiểm soát 69C1 – 004.44 do Tăng Huỳnh Duyên điều khiển cùng tham gia giao thông trên đoạn đường Trần Cao Vân thuộc khu phố 6, phường 10, thành phố V. (Duyên là bạn gái của A.), lúc này khoảng cách giữa 02 xe chừng 05 mét, do có việc riêng cần giải quyết gấp, Duyên tăng ga điều khiển xe chạy nhanh hơn và vượt qua mặt chiếc xe Honda đang chạy cùng chiều phía trước bên phải, thấy vậy A. cũng tăng ga đuổi theo, khi xe của A. vượt lên bên trái gần ngang bằng với xe của Duyên, A nói: “Uống cà phê ở quán Sao nhé.”, Duyên chưa kịp trả lời thì bánh trước xe của A. đã va chạm vào gác chân phía trước bên trái xe mô tô của Duyên, làm cả 02 xe đều loạng choạng, xe của Duyên chạy thêm một đoạn khoảng 5 mét thì ngã xuống đường, riêng xe của A. lao sang trái đường đụng vào xe mô tô biển kiểm soát 51K9 – 177.06 do Thái Thanh Tú điều khiển, trên xe có chở anh Nguyễn Long Hải. Hậu quả Thái Thanh Tú bị gãy chân phải, nằm điều trị tại bệnh viện đa khoa thành phố V. đến ngày 30/11/2013 xuất viện, tỉ lệ thương tật qua giám định 20%; Nguyễn Long Hải bị đa chấn thương vùng đầu, sau đó tử vong ngày 16/11/2013 tại Bệnh viện Đa khoa thành phố V.; Tăng Huỳnh Duyên bị gãy hở xương đòn vai trái, gãy chân trái nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thành phố V. và bệnh viện Chợ Rẫy đến ngày 20/12/2013 xuất viện, 03 xe mô tô đều bị hư hỏng; kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của Trần Tuấn A. là 50mg/100ml máu.

Riêng Tăng Huỳnh Duyên sau khi ra viện, phải thường xuyên đến bệnh viện đa khoa thành phố V. để tập vật lý trị liệu, nhưng Duyên kiên quyết từ chối giám định và có văn bản thể hiện nội dung không yêu cầu Trần Tuấn A. phải bồi thường bất cứ khoản chi phí nào mà Hằng đã bỏ ra để cấp cứu, điều trị, hồi phục sức khỏe cho chính mình cũng như chi phí sửa chữa xe Honda của Duyên bị hư hỏng nặng trong vụ tai nạn nói trên. Do việc từ chối giám định của người bị hại Duyên, nên Trần Tuấn A. chỉ bị truy tố và xét xử theo khoản 1 Điều 202 BLHS (mức án tù từ 06 tháng đến 05 năm), mà lẽ ra, nếu căn cứ trên hồ sơ bệnh án điều trị của nạn nhân Duyên, thì A. phải bị truy tố và xét xử theo khoản 2 Điều 202 BLHS (mức án tù từ 03 năm đến 10 năm) là mới phù hợp.

Ba là, khi giám định lại thì cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng kết quả giám định nào (kết quả giám định lần đầu hay kết quả giám định lại hoặc kết quả giám định lại lần thứ hai) để làm căn cứ truy tố và xét xử? Đây cũng là vướng mắc. Xin nêu hai trường hợp đã xảy ra trong thực tiễn xét xử, cụ thể như sau:

Trường hợp thứ nhất: Đặng Văn V dùng gạch xây tường rào ném trúng vào vai của Ch., tỉ lệ thương tích qua giám định 11%, các cơ quan tiến hành tố tụng huyện L khởi tố, điều tra, truy tố V về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 2 Điều 104 BLHS. Quá trình điều tra bị can và luật sư bào chữa cho V đều không đồng ý với kết quả giám định của Trung tâm pháp y tỉnh T và yêu cầu giám định lại. Cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu Phân viện kỹ thuật hình sự Bộ Công an giám định lại tỷ lệ thương tích của Ch., kết quả giám định lại kết luận Ch. chỉ bị thương tích 10%. Như vậy nếu căn cứ vào kết quả giám định của Trung tâm pháp y tỉnh T thì bị can A sẽ bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 2 Điều 104 BLHS (mức hình phạt tù từ 2- 7 năm); nếu căn vào kết quả giám định của Phân viện kỹ thuật hình sự Bộ Công an thì bị can V chỉ bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS (mức hình phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm).

Trường hợp thứ hai: Do có mâu thuẫn từ trước, Nguyễn Hoàng L. dùng cọc tre có đường kính 04 cm, dài 1,5 mét đánh Q. gây thương tích 10%, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố L. về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS, quá trình điều tra bị hại Q. không đồng ý với kết quả giám định của Trung tâm pháp y tỉnh B và yêu cầu giám định lại. Chấp thuận yêu cầu này, Cơ quan điều tra công an huyện G ra quyết định trưng cầu Phân viện kỹ thuật hình sự Bộ Công an giám định lại tỷ lệ thương tích của Q., kết quả giám định lại xác định Q. bị thương tích tỉ lệ 11%. Như vậy nếu căn cứ vào kết quả giám định của Trung tâm pháp y tỉnh B thì bị can L. sẽ bị truy tố, xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS, nếu căn vào kết quả giám định của Phân viện kỹ thuật hình sự Bộ Công an thì L. chỉ bị truy tố và xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 2 Điều 104 BLHS.

Thực tế trên cho thấy, rõ ràng các kết quả giám định có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của cả bị cáo lẫn bị hại, khi nó là căn cứ để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật GĐTP: “Trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện.” Tuy nhiên, việc lập Hội đồng giám định trong những trường hợp này là rất khó khăn trong thực tế, vì theo quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý về lĩnh vực cần giám định quyết định thành lập Hội đồng để thực hiện giám định lại lần thứ hai. Hội đồng giám định gồm có ít nhất 03 thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định. Hội đồng giám định hoạt động theo cơ chế giám định tập thể…Nhưng kết luận giám định lại lần thứ hai có phải là kết quả cuối cùng chưa? Vấn đề này, Luật GĐTP cũng không quy định rõ, mà theo khoản 2 Điều 30 Luật GĐTP chỉ quy định:“Trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định.”

Theo quan điểm của người viết, giám định pháp y là lĩnh vực đặc thù, không thể áp dụng cơ chế hành chính theo kiểu kết luận của tổ chức cao nhất là đáng tin cậy và có quyền phủ quyết các kết luận khác. Trong lĩnh vực giám định pháp y, việc hai tổ chức giám định cùng một thương tật và đưa ra kết luận khác nhau về tỉ lệ mà không có độ cách biệt lớn là chấp nhận được nếu mỗi kết luận giám định thực hiện ở những thời điểm khác nhau. Nói cách khác, giám định viên chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Còn việc cân nhắc, xem xét tính đúng đắn, xác thực của các kết luận đó là quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng vụ án đó. Bởi suy cho cùng, kết luận giám định pháp y cũng là nguồn chứng cứ. Việc xem xét đánh giá chứng cứ thế nào để đảm bảo tính chính xác, khách quan thuộc về kỹ năng của Hội đồng xét xử, mà ở đó, Hội đồng xét xử xem xét tính chính xác, tính khoa học của từng kết luận trong mối quan hệ với các tài liệu khác có liên quan của vụ án. Pháp luật tố tụng còn quy định, Tòa án có thể triệu tập giám định viên tham gia tố tụng tại phiên tòa, làm rõ cơ sở khoa học mà giám định viên đưa ra kết luận giám định.

Thứ hai:  Về thời hạn tiến hành giám định, Luật GĐTP, BLTTHS, BLTTDS hiện hành đều không quy định giới hạn về thời hạn giám định, nên trong thực tế có rất nhiều trường hợp do các nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau mà các cơ quan, tổ chức giám định không có kết luận hoặc trả lời cơ quan trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định , mà thời gian chờ đợi rất dài kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định. Thậm chí hết thời gian điều tra, quá thời gian phải xem xét khởi tố theo luật định nhưng vẫn chưa có kết quả giám định, dẫn đến việc cơ quan tố tụng không thể ban hành các quyết định tố tụng khác để giải quyết vụ án được. Hơn nữa, do chưa quy định về thời hạn giám định, trong khi thời hạn điều tra, truy tố được quy định cụ thể theo từng loại tội phạm dẫn đến nhiều trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát vi phạm thời hạn tố tụng và việc giải quyết vụ án bị kéo dài do phải chờ kết luận giám định. Đây là trở ngại riêng đối với hoạt động tố tụng hình sự, đôi khi gây bức xúc và ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan tố tụng, cá biệt có những trường hợp tạo ra sự tiêu cực trong hoạt động giám định vì hoạt động điều tra đòi hỏi sự nhanh chóng, kịp thời trong khi cơ quan giám định có thể tùy tiện về thời gian trong tiến hành giám định. Nhưng tại điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định 110/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (viết tắc Nghị định 110/2013/NĐ-CP); Nghị định 67/2015/NĐ-CP ngày 24/8/2015 của Chính phủ, sa đi, b sung mt s điu ca ngh đnh s 110/2013/-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 ca chính ph quy đnh x pht vi phm hành chính trong lĩnh vc b tr tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân s, phá sn doanh nghip, hp tác xã (viết tắc Nghị định 67/2015/NĐ-CP) có quy định: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Không thực hiện giám định đúng thời hạn yêu cầu mà không có lý do chính đáng;” Theo quan điểm của người viết, việc quy định xử phạt này là thiếu cơ sở pháp lý, bởi thực tế không tìm thấy văn bản nào quy định thời hạn cụ thể cho từng loại đối tượng cần giám định. Hơn nữa, thời hạn mỗi trường hợp trưng cầu, yêu cầu giám định cũng khác nhau và hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của phía trưng cầu, yêu cầu giám định. Do vậy sẽ là không phù hợp với thực tế, nếu như cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa có văn bản quy định thống nhất cụ thể về thời hạn giám định mà lại quy định xử phạt vi phạm hành chính với lý do thực hiện giám định không đúng thời hạn yêu cầu. Để khắc phục bất cập này, khi sửa đổi, bổ sung Luật GĐTP kiến nghị cần quy định về thời hạn giám định tư pháp.

Thứ ba: Đối tượng phải tiến hành giám định hiện Luật GĐTP cũng chưa quy định cụ thể.Theo quy định tại khoản 3 Điều 155 BLTTHS, bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định: Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động; Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; Tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án; Tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại, nếu việc đó có ý nghĩa đối với vụ án và không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc có sự nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó; Chất độc, chất ma tuý, chất phóng xạ, tiền giả. Việc quy định có tính liệt kê như trên, theo quan điểm của người viết, chưa thể hiện tính bao quát được hết các đối tượng bắt buộc cần phải có kết luận của các chuyên gia và nhà chuyên môn như: vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, kể cả trường hợp người bị hại trong các vụ án cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông như trên đã đề cập cũng cần phải được giám định, vì nếu không tiến hành trưng cầu giám định một cách đầy đủ thì chắc chắn rằng việc giải quyết vụ án sẽ không triệt để, nếu không muốn nói là bỏ sót, lọt tội phạm. Do vậy, khi sửa đổi, bổ sung Luật GĐTP thiết nghĩ cần sớm bổ sung các đối tượng này vào quy định bắt buộc phải trưng cầu giám định.

 Mặt khác, theo quy định hiện hành thì việc định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản quy định tại Nghị định 26/2005/NĐ-CP  là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, giải quyết những vấn đề có liên quan đến tài sản trong tố tụng hình sự, mà không thực hiện theo quy định của Luật GĐTP. Điều đáng chú ý, quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Nghị định 26/2005/NĐ-CP, người tiến hành định giá tài sản có thể không bắt buộc là giám định viên nên cũng không có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đối với giám định viên. Theo quan điểm của người viết, việc quy định như vậy là chưa hợp lý, bởi việc xác định chính xác giá trị của tài sản cũng đòi hỏi phải có sự hiểu biết như chuyên gia về giá, tài sản, đồ vật đó. Hoạt động này có đặc điểm chung của công tác giám định tư pháp, nên cũng cần coi đây là hoạt động giám định tư pháp, việc định giá trong tố tụng hình sự cũng cần được coi là hoạt động giám định tư pháp hình sự do giám định viên thực hiện và chịu sự điều chỉnh chung của các chế định về giám định tư pháp. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 26 của Nghị định 26/2005/NĐ-CP: “Thành viên của Hội đồng định giá tài sản do thiếu trách nhiệm hoặc cố ý vi phạm quy định của Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.” Nhưng từ khi Nghị định này có hiệu lực thi hành cho đến nay, cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa ban hành quy định bị coi là vi phạm hành chính lĩnh vực này và bị xử lý hành chính, do vậy, nếu thành viên của Hội đồng định giá tài sản mà vi phạm quy định của Nghị định 26/2005/NĐ-CP mà phải bị xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ căn cứ vào đâu để ra quyết định xử phạt? Trong khi Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Nghị định 67/2015/NĐ-CP, mà theo đó, Điều 17 của Nghị định 110/2013/NĐ-CP có quy định hành vi vi phạm của người giám định tư pháp và hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Đây rõ ràng là một bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực giám định, thiết nghĩ cần sớm khắc phục nhằm bảo đảm tính công bằng trong thực thi pháp luật trong tình hình hiện nay, bởi dù là thành viên của Hội đồng định giá tài sản theo quy định Nghị định 26/2005/NĐ-CP hay là giám định viên tư pháp theo quy định của Luật GĐTP thì cũng phải sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử,  tuân thủ đúng quy định của pháp luật, do vậy, mọi hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra đều có thể bị xử lý, có như vậy kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ nói chung, trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp nói riêng mới được giữ vững.

Tóm lại: Kết luận giám định được pháp luật tố tụng hình sự ghi nhận là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Kết luận giám định đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, góp phần quan trọng bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định kinh tế - chính trị của đất nước. Quá trình áp dụng pháp luật trong lĩnh vực giám định tư pháp, cụ thể việc giám định lại, quyền yêu cầu giám định lại,… thực tế áp dụng còn nhiều vướng mắc, thiết nghĩ cần có hướng dẫn để xác định rõ như thế nào là có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định hoặc có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác; Giám định lại bao nhiêu lần thì không được yêu cầu giám định lại nữa; Kết quả giám định nào để các cơ quan tiến hành tố tụng làm căn cứ để điều tra, truy tố, xét xử nhất là trong lĩnh vực tố tụng hình sự, rất cần sự hướng dẫn thống nhất chung của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.             

Th.S Lê Văn Sua