Bất cập xung quanh quy định về “ người đại diện” trong tố tụng hình sự và dân sự

30/10/2015
 

Thực tiễn hoạt động tố tụng cho thấy, việc quy định “người đại diện” trong tố tụng là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo hoạt động tranh tụng được diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, bị can, bị cáo, người bị tạm giữ và bị hại. Tuy nhiên, thời gian qua, do quy định của pháp luật về “người đại diện” trong tố tụng không cụ thể, thiếu tính thống nhất làm ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng của nhiều cơ quan tố tụng, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bị can, bị cáo, người bị tạm giữ và bị hại không được đảm bảo.

Trong phạm vi bài viết này, tôi xin nêu ra một số bất cập xung quanh quy định về “người đại diện” trong tố tụng hình sự và dân sự; từ đó, đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.

Một số bất cập

Thứ nhất, theo pháp luật về tố tụng hiện hành, “người đại diện” trong tố tụng được hiểu là người thay mặt đương sự, bị can, bị cáo, người bị tạm giữ và bị hại tham gia các giai đoạn tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử, hoà giải tại phiên toà,…) để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, việc quy định chủ thể nào là “người đại diện” lại không được quy định hoặc có quy định nhưng không cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về tố tụng, dẫn đến tình trạng mỗi cơ quan tiến hành tố tụng hiểu và áp dụng khác nhau.

Có thể thấy, tại Điểm b Khoản 1 Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định, người bào chữa cho bị can, bị cáo, người bị tạm giữ là ‘người đại diện” hợp pháp của họ; song, lại không quy định ai là “người đại diện” hợp pháp. Chính vì vậy, khi Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa cho bị can, bị cáo, người bị tạm giữ là đối tượng được trợ giúp pháp lý (người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật,…) với tư cách là “người đại diện” hợp pháp được quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý 2006[1], các cơ quan tiến hành tố tụng đã từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa cho Trợ giúp viên pháp lý (không công nhận Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với tư cách “người đại diện” hợp pháp); bởi vì theo họ, pháp luật tố tụng hình sự không quy định ai là “người đại diện” hợp pháp, Trợ giúp viên pháp lý không phải là luật sư (theo Khoản 1 Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, chủ thể tham gia tố tụng là luật sư) và theo pháp luật dân sự Trợ giúp viên pháp lý không phải phải là “người đại diện” hợp pháp.

Thứ hai, trong tố tụng hình sự, quyền của bị hại được quy định tại Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 như: Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; được thông báo về kết quả điều tra; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường; tham gia phiên toà; trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo. Và quyền này được trao cho “người đại diện” hợp pháp trong trường hợp người bị hại chết (Khoản 5 Điều 51 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003).

Tuy nhiên, trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự, có rất nhiều người bị hại là trẻ em dưới 13 tuổi không có người thân thích, nguời có nhược điểm lớn về tâm thần (bị điên, mất trí), người mất hành vi năng lực dân sự,... không thể thực hiện các quyền nêu trên. Do đó, quyền của bị hại theo Khoản 2 Điều 51 thực hiện như thế nào? Ai sẽ thực hiện? Và nếu không thực hiện, hậu quả pháp lý ra sao? Đó là một khoảng trống trong pháp luật tố tụng cần được bổ sung nhằm bảo vệ quyền lợi cho bị hại là trẻ em dưới 13 tuổi không có người thân thích, nguời có nhược điểm lớn về tâm thần (bị điên, mất trí), người mất hành vi năng lực dân sự,...

Thứ ba, theo Khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, “người đại diện” trong tố tụng dân sự bao gồm “người đại diện” theo pháp luật và “người đại diện” theo uỷ quyền; bên cạnh đó, theo Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 quy định “người đại diện” hợp pháp (theo pháp luật và theo uỷ quyền) có quyền khởi kiện vụ án tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Thế nhưng, tại Mục 1 Phần 1 Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ngày 12/5/2006 chỉ quy định “người đại diện” theo pháp luật mới có quyền khởi kiện vụ án ra Toà án có thẩm quyền, còn "người đại diện” theo uỷ quyền không được quyền khởi kiện (chỉ được quyền tham gia tố tụng khi vụ án đã được thụ lý). Đây là một bất cập lớn đã hạn chế quyền của “người đại diện” hợp pháp mà đáng lẽ theo uỷ quyền, họ có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của đương sự (quyền khởi kiện), làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự, nhất là các đương sự không thể tự mình viết đơn khởi kiện và điều kiện khởi kiện (người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, người sống xa quê,…là những người gặp khó khăn trong việc khởi kiện).

Thứ tư, theo Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 chỉ quy định “Trong khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu đương sự là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 75 của Bộ luật này thì Toà án phải chỉ định người đại diện tham gia tố tụng tại Toà án”. Vậy, trường hợp đương sự bị mất năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 75 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 thì Toà án có chỉ định “người đại diện” tham gia tố tụng không? Nếu không chỉ định “người đại diện” thì đây là một điều bất lợi và ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động tranh tụng và quyền lợi của đương sự là người mất năng lực hành vi dân sự. Còn chỉ định, thì Toà án lại không có căn cứ pháp lý để chỉ định ai là “người đại diện” tham gia tố tụng trong khi pháp luật về tố tụng chưa quy định đối với trường hợp này.

Thứ năm, tại Khoản 2 Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 và Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ngày 4/8/2006, quy định, “người đại diện” theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự theo nội dung văn bản uỷ quyền và phải được công chứng, chứng thực tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (trừ văn bản uỷ quyền tại Toà án). Do chưa có sự thống nhất trong việc quy định văn bản uỷ quyền là giấy uỷ quyền hay hợp đồng uỷ quyền, nên thời gian qua, việc sử dụng các văn bản uỷ quyền của “người đại diện” trong tố tụng dân sự gây tranh cãi, có cơ quan tố tụng chỉ chấp nhận giấy uỷ quyền, không chấp nhận hợp đồng uỷ quyền và ngược lại, cũng có nơi chấp nhận cả giấy uỷ quyền và hợp đồng uỷ quyền vì cho rằng nó thay thế nhau, không trái quy định của pháp luật.

Một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện

Từ những bất cập nêu trên, tôi xin đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau đây:

Một là, đối với pháp luật tố tụng hình sự, đề nghị Chính phủ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng và trình Quốc hội bổ sung Trợ giúp viên pháp lý là một chủ thể tham gia tố tụng với tư cách “người đại diện” hợp pháp của các đối tượng được trợ giúp pháp lý là người bị tam giam, bị can, bị cáo trong Bộ luật Tố tụng sửa đổi, bổ sung (vai trò, vị trí như luật sư) nhằm thống nhất quy định về “người đại diện” hợp pháp trong Luật Trợ giúp pháp lý 2006 và pháp luật về tố tụng hình sự, đảm bảo hoạt động tranh tụng của Trợ giúp viên pháp lý (“người đại diện” hợp pháp), kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, bổ sung vào Khoản 5 Điều 51 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định “ trong trường hợp người bị hại là trẻ em dưới 13 tuổi không có người thân thích, nguời có nhược điểm lớn về tâm thần (bị điên, mất trí), người mất hành vi năng lực dân sự,... thì “người đại diện” hợp pháp của họ có những quyền quy định tại Điều này”.

Hai là, đối với pháp luật tố tụng dân sự, trước hết, đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn lại Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 theo hướng đảm bảo “người đại diện” hợp pháp (bao gồm “người đại diện” theo pháp luật và “người đại diện” theo ủy quyền nhằm đảm bảo quyền khởi kiện của đương sự thông qua “người đại diện”. Mặt khác, bổ sung đối tượng được Tòa án chỉ định người tham gia tố tụng là người mất hành vi năng lực dân sự (bổ sung vào Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004). Bên cạnh đó, quy định cụ thể, thống nhất văn bản ủy quyền trong hoạt động tố tụng, nhằm đảm bảo cho “người đại diện” hợp pháp thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng mà người ủy quyền đã giao (trường hợp nào được sử dụng Giấy ủy quyền, trường hợp nào sử dụng hợp đồng ủy quyền hay quy định sử dụng cả hai văn bản trên?).

Ba là, hiện nay các dự án luật sửa đổi, bổ sung về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và trợ giúp pháp lý đang trong giai đoạn hoàn thiện trình Quốc hội thông qua trong thời gian đến và 03 lĩnh vực này có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của nhiều người dân; do vậy, đề nghị cơ quan tham mưu, xây dựng xem xét, rà soát và hệ thống hóa các quy định liên quan đến “người đại diện” hợp pháp nhằm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong hoạt động tố tụng của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đồng thời giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật./.

PTQ



[1] Theo Điểm b Khoản 3 Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý 2006, Trợ giúp viên pháp lý  tham gia tố tụng với tư cách  “người đại diện” hợp pháp của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ  để bào chữa …và dẫn chiếu theo Điểm b Khoản 1 Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Trợ giúp viên pháp lý là chủ thể tham gia tố tụng (như luật sư).