Chiều ngày 17/8/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục bàn về dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự, các ý kiến là tiếp tục xoay quanh quy định Tòa án không được từ chối xét xử vì lý do không có điều luật. Bài viết sau đây giới thiệu quan điểm của Ths. Nguyễn Xuân Tùng về vấn đề này.
1. Công lý là phẩm chất của một xã hội đã có văn minh. Trong giai đoạn sơ khai, xã hội tồn tại trong trạng thái người dân sống thưa thớt và chiến tranh luôn rình rập, công lý còn chưa thực sự được coi là một phẩm hạnh quan trọng của mỗi cá nhân, nó còn phải nhường chỗ cho những phẩm chất quan trọng của các chiến binh như sức mạnh, lòng quả cảm, sự khéo léo hay kỹ năng sử dụng vũ khí thuần thục. Pháp luật trong giai đoạn đó dựa trên các giải pháp thô sơ là sử dụng “cường lực”, “bạo lực”, hay “bản năng”, lẽ phải sẽ thuộc về kẻ khỏe hơn, mạnh hơn. Khi chế độ thành bang được thiết lập, các cá nhân phải gắn bó, liên kết, hợp tác, bảo vệ lẫn nhau, không được có những hành vi làm phương hại lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển, vai trò của “cường lực”, “bạo lực”, “sức mạnh” ngày càng phai nhạt. Loài người lúc này đã nhận ra rằng không thể để cho các cá nhân tự ý định đoạt khu xử, trật tự xã hội cần phải được thiết lập trên cơ sở hòa bình và công lý. Có thể nói, vai trò quan trọng nhất của công lý là việc tiết chế, giữ cho mỗi thành viên của xã hội không có hành vi làm phương hại đến người khác.
2. Trong giai đoạn đầu của xã hội, khi các cơ quan công quyền chưa được tổ chức để xét xử các vụ tranh chấp giữa các cá nhân với nhau thì công lý được quan niệm đồng nghĩa với cơ chế “phục cừu”. Mỗi khi quyền lợi của một người bị xâm phạm, người đó sẽ tự động phản ứng để trả thù kẻ đã gây ra thiệt hại cho họ. Sự trả thù đó nhiều khi còn được thực hiện dưới hình thức đoạt lại tài sản hoặc bắt cả đối phương và thân nhân của họ làm nô lệ. Khi xã hội phát triển ở một bước cao hơn, các cơ quan công quyền đã được tổ chức vững chắc và bình ổn để giải quyết các việc tranh chấp thì chế độ “thục kim” từng bước chiếm ưu thế. Khi một người gây thiệt hại cho người khác, thì sự can thiệp đầu tiên của cơ quan công quyền là buộc hai bên đương sự không được tự ý báo thù như trong chế độ phục cừu mà phải giải quyết tranh chấp xảy ra bằng cách trả cho nhau một số tiền chuộc lỗi theo một giá ngạch do pháp luật quy định. Tiền thục kim (tiền chuộc) có thể coi như vừa có tính chất là một hình phạt, vừa có tính chất là sự bồi thường. Trong giai đoạn tiếp theo, sự ra đời của chế tài hình sự đánh dấu sự can thiệp mạnh mẽ hơn của cơ quan công quyền trừng phạt kẻ nào đã xâm phạm vào tài sản hay thân nhân của người khác. Ngoài hình phạt, phạm nhân còn phải bồi thường cho nạn nhân về thiệt hại do mình gây ra. Vì tiền bồi thường cũng coi là một hình phạt nên số tiền này thường được ấn định gấp đôi hay gấp ba, bốn lần số thiệt hại. Và cuối cùng là sự ra đời của chế độ trách nhiệm dân sự. Có thể nói, từ chế độ tự trừng phạt đối phương để bảo vệ lợi ích khi bị xâm phạm tiến đến chế độ trách nhiệm dân sự là một quá trình phát triển lâu dài và vô cùng quan trọng trong lịch sử văn minh nhân loại.
3. Công lý không dựa trên bạo lực là một phần quan trọng trong văn hóa pháp lý Việt Nam. Ngay từ thời Nhà Lý, nhà nước đã ban hành nhiều quy định khá rõ và khả dĩ làm cho việc giải quyết các vụ tranh tụng được nhanh chóng và rõ ràng. Không chấp nhận chế độ “phục cừu”, nhà Lý đã quy định nghiêm phạt kẻ nào ỷ sức mạnh để giải quyết việc tương tranh về đất cát. Hình phạt cho hành vi này là ngoài tội về mặt hình, còn mất cả ruộng đất tương tranh để đền cho kẻ bị thương hay thiệt hại. Quy định này đã mang lại một bản sắc mới cho quan niệm về công lý, đó là duy trì trật tự công cộng bằng hình phạt thôi là chưa đủ, phải hòa mình vào dân chúng, hiểu nỗi khổ, nâng đỡ họ và làm êm dịu những bất công họ đã phải chịu đựng.
4. Công lý là “tuyên ngôn” của Nhà nước cách mạng Việt Nam từ rất sớm, có lẽ văn bản đầu tiên ghi nhận hai từ “công lý” là bài huấn thị “Chính phủ là công bộc của dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc ngày 19/9/1945, chỉ hơn hai tuần sau khi thành lập Chính phủ lâm thời (ngày 28/8/1945). Tại huấn thị Người yêu cầu: “Uỷ ban nhân dân làng trái với các hội đồng kỳ mục cũ thối nát, sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng…”. Nghiên cứu lịch sử nền tư pháp cách mạng từ năm 1945, chúng ta cũng có thể thấy rằng nghĩa vụ không được thoái thác trách nhiệm bảo vệ công lý của Tòa án đã được quy định từ rất sớm, ngay tại Sắc lệnh số 13 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 24-1-1946, một trong những văn bản đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành nền tư pháp xét xử của chế độ mới, theo đó, “Các vị thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý” và “Các thẩm phán không thể lấy cớ gì, trừ trường hợp cáo tị và hồi tị, mà từ chối không xét xử một việc nào”.
5. Từ yêu cầu bảo vệ quyền và phẩm giá con người, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người khẳng định cá nhân có quyền được xét xử công bằng (the right to a fair trial), theo đó mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án độc lập và khách quan để xác định quyền và nghĩa vụ của họ, cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ. Điều đáng lưu ý là nội hàm của quyền này tiếp tục được cụ thể hóa thông qua phán quyết tại vụ kiện nổi tiếng Golder v United Kingdom. Các phán quyết của Cao ủy Châu Âu về nhân quyền và Tòa án nhân quyền đều khẳng định quyền được xét xử công bằng là một biểu hiện cụ thể của quyền được có một tòa án xét xử (a right to a court), bao gồm quyền được tiếp cận tòa án và khởi kiện của một cá nhân dù chỉ là một khía cạnh của các vấn đề dân sự. Tiếp theo, tại vụ kiện Airey v Irland, các cơ quan nhân quyền đã tiếp tục mở rộng nội hàm quyền tiếp cận tòa án, trong đó nhấn mạnh đó là quyền của cá nhân trong việc tiếp cận một cách “có hiệu quả” và không được có bất cứ cản trở pháp lý nào.
6. Bảo vệ công lý là thiên chức và là nghĩa vụ không thể thoái thác của tòa án. Tên gọi Tòa án nhân dân ra đời từ năm 1950 trên cơ sở Sắc lệnh số 85-SL ngày 22/5/1950 của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phương châm dân chủ hóa nền tư pháp và xây dựng nền công lý nhân dân. Ngày 28/11/2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã hiến định yêu cầu “bảo vệ công lý”. Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định bảo vệ công lý là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt của Tòa án nhân dân - cơ quan xét xử và thực hiện quyền tư pháp tại Việt Nam. Cũng từ quy định này, một triết lý tư pháp mới đã xuất hiện, đó là do Tòa án là thiết chế cơ bản chăm lo, bảo vệ công lý nên những cá nhân thành viên xã hội khi cho rằng mình đang chịu một bất công hoặc cho rằng đang hiện hữu những bất công trong xã hội và yêu cầu Tòa án bảo vệ thì Tòa án có nhiệm vụ thực thi mọi biện pháp để bảo vệ công lý chứ không chỉ thụ động, thuần túy dừng lại ở việc áp dụng luật pháp đối với từng vụ việc cụ thể như quan niệm trước đây.
7. Trong thực tiễn, các thủ tục tố tụng chính là những cơ chế, những công cụ xã hội giúp các cá nhân tiếp cận được công lý, bảo vệ các quyền của mình trong cuộc sống. Dó đó, các cơ chế tố tụng phải đáp ứng ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu của xã hội và phải thực sự là người đầy tớ phục vụ, thúc đẩy công lý chứ không phải là ông chủ của công lý. Nếu các cơ chế tố tụng không đủ mạnh và hiệu quả thì có thể làm vô hiệu hoá quá trình thực thi các quyền cơ bản của cá nhân. Từ phương diện cải cách tư pháp, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị yêu cầu: “Các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người…”. Tòa án phải là nơi biểu hiện tập trung tính chất dân chủ và công khai trong hoạt động bảo vệ pháp luật. Với thiên chức thiết lập công lý, Tòa án cần phải từng bước mở rộng thẩm quyền để hướng đến giải quyết được hầu hết mọi tranh chấp xuất hiện trong đời sống xã hội./.
Ths. Nguyễn Xuân Tùng