Pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước - một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện

29/07/2015
 

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, trong công cuộc đổi mới của đất nước, để xây dựng Nhà nước pháp quyền vấn đề hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, cải cách nền hành chính quốc gia cùng với cải cách tư pháp để hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống cơ quan tư pháp thực sự vì công lý, công bằng xã hội là mục tiêu rất quan trọng, là sự bảo đảm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, quyền con người, quyền của công dân ngày càng được thể chế hóa cụ thể hơn trong chính sách và pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02/01/2002 "Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới" (viết tắt Nghị quyết 08-NQ/TW) đã tạo ra bước ngoặt quan trọng cho tiến trình cải cách tư pháp. Thể chế hóa tư tưởng của Nghị quyết này, nhiều các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được ban hành, trong đó có những văn bản luật có giá trị hết sức quan trọng, ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống tư pháp như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).Thực tiễn triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW, BLTTHS và các văn bản liên quan đã đem lại những bước tiến đáng kể trong tiến trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng hình sự, giảm thiểu các trường hợp điều tra, truy tố, xét xử oan người vô tội hoặc làm sai quy định của pháp luật dẫn đến làm thiệt hại đáng kể đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ và nghiêm trọng hơn quyền con người bị vi phạm. Tuy nhiên trên thực tế, không ít trường hợp người vô tội bị oan do các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự (TTHS) gây nên những tổn thất về vật chất và tinh thần cho họ và cho cả người thân của họ, gây sự bất bình trong dư luận xã hội. Trong phạm vi bài viết này, chỉ đề cập đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động TTHS do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra và những bất cập từ thực tiễn.

Nhằm khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra nói chung, trong hoạt động TTHS người bị tạm giữ, bị tạm giam, bị khởi tố, truy tố, xét xử mà được xác định không thực hiện hành vi phạm tội nói riêng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền trong hoạt động tiến hành tố tụng, ngày 18/6/2009 Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 01/01/2010 (viết tắt Luật TNBTCNN) . Sự ra đời của Luật TNBTCNN đã tạo ra bước thay đổi bứt phá rất quan trọng đối với việc bồi thường thiệt hại cho công dân, người bị thiệt hại do các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT), người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại, có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại, phục hồi danh dự và uy tín của mình. Tuy nhiên, qua nghiên cứu người viết thấy rằng pháp luật hiện hành vẫn chưa có những quy định về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại mang tính toàn diện và hệ thống. Nghĩa là,việc ban hành Luật TNBTCNN quyền được bồi thường của công dân sẽ được bảo vệ triệt để hơn và toàn diện hơn, không chỉ bó hẹp trong phạm vi quan hệ pháp luật TTHS. Mặt khác, với sự điều chỉnh của Luật này về nguyên tắc, cơ chế bồi thường sẽ buộc phải có sự phối hợp và liên kết giữa các khâu: tiếp nhận yêu cầu, xác minh thiệt hại, thương lượng, giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự, thực hiện việc bồi thường và công khai xin lỗi…, sự luật hóa trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, sự liên kết và phối hợp giữa CQTHTT, cơ quan hành chính, cơ quan tài chính, … theo một quy trình được luật định, đó là sự cụ thể hóa quy định tại khoản 5 Điều 31 Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, Luật TNBTCNN cũng chỉ đưa ra một số trường hợp mà Nhà nước có trách nhiệm bồi thường, còn có những trường hợp khác như những công dân bị thiệt hại do người tiến hành tố tụng, CQTHTT có thẩm quyền áp dụng sai pháp luật, nhưng vì lý do nào đó mà phía người tham gia tố tụng (bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bị đơn dân sự,…) không thực hiện quyền kháng cáo; Viện kiểm sát không kháng nghị hoặc công tác kiểm tra giám đốc án của Tòa án cấp trên cũng không phát hiện, nhưng sau đó mới phát hiện, thì Luật TNBTCNN vẫn chưa đề cập đến, như lẽ ra bị cáo chỉ bị truy tố, xét xử về tội phạm có khung hình phạt nhẹ nhưng lại bị truy tố, xét xử tội phạm có khung hình phạt nặng thì hiện nay vẫn chưa được quy định được bồi thường thiệt hại, trong kho tàng ngôn ngữ dân gian của chúng ta có câu ví von "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại", nghĩa là, một ngày trong tù sánh bằng ngàn năm ở bên ngoài, sự so sánh này quả không ngoa, vì sự tự do của một con người quý báu vô cùng. Đặt vấn đề Nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại do hành vi sai trái của người thực thi công vụ gây ra, không phải là không có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn và cũng không phải chưa được nghĩ tới trong giới chuyên gia về pháp luật, xuất phát từ thực tiễn thi hành pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự, tố tụng hình sự cho thấy vấn đề này ngày một trở nên bức xúc hơn. Về vấn đề này hiện có hai quan điểm khác nhau: Quan điểm thứ nhất cho rằng, Luật chỉ nên quy định trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với thiệt hại mà người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại, gọi tắt “oan” trong TTHS (như Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11) vì hiện nay BLTTHS tại Điều 29 có quy định: “Người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi”, mà chưa có quy định về bồi thường cho người bị “sai”. Quan điểm thứ hai: Luật TNBTCNN cần phải có quy định theo hướng không chỉ bồi thường thiệt hại do “oan”, mà còn phải bồi thường thiệt hại đối với cả trường hợp do “sai” trong TTHS, có như vậy mới bảo đảm quyền con người được tôn trọng, phù hợp với quy định khoản 5 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 và là luật hóa quan điểm của Đảng thể hiện trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị. Mặt khác việc mở rộng phạm vi bồi thường này sẽ là giải pháp tích cực và rất có hiệu quả đối với việc chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém, sai sót trong hoạt động TTHS, giảm bớt những bức xúc do tình trạng tuy không phải làm “oan” người không có tội, nhưng chính tình trạng làm sai pháp luật, làm trái pháp luật trong hoạt động TTHS là rào cản đáng ngại trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, làm suy giảm lòng tin của người dân vào pháp luật. Xin được nêu ví dụ để minh chứng cho quan điểm này, vì bị khởi tố, truy tố về tội“Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 2 Điều 137 BLHS,  bởi vì  khoản 2 Điều 137 BLHS là loại tội phạm nghiêm trọng nên theo quy định tại khoản 1 Điều 120 BLTTHS, Cơ quan Điều tra đã áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam 03 tháng đối với Phạm Văn B để phục vụ cho công tác điều tra, mà lẽ ra, với hành vi thực hiện tội phạm của B, chỉ bị điều tra, truy tố về tội“Chiếm giữ trái phép tài sản” theo khoản 1 Điều 141 BLHS (tội ít nghiêm trọng), hơn nữa cũng không có căn cứ cho rằng bị can có thể bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố hoặc có thể tiếp tục phạm tội, do vậy CQTHTT vụ án không được tạm giam đối với bị can B. Chưa hết, khi hồ sơ vụ án chuyển đến Tòa án, qua nghiên cứu đã trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung, vì thấy rằng cần bổ sung thêm những chứng cứ mà tại phiên tòa HĐXX không thể làm rõ được, do đó, thời hạn tạm giam bị can vốn đã được các CQTHTT trước đó áp dụng cho đến khi gần hết hạn, nay lại phải cộng thêm thời gian tạm giam để điều tra bổ sung, nên cho đến khi mở được phiên tòa xét xử vụ án, bị cáo B đã bị tạm giam tổng cộng 11 tháng 21 ngày. Tại phiên tòa, HĐXX tuyên bố bị cáo phạm tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo khoản 1 Điều 141 BLHS, do có đến 04 tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, g, h, p khoản 1 Điều 46 BLHS, không có tình tiết tăng nặng TNHS, đủ điều kiện áp dụng Điều 47 BLHS để xử phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đang áp dụng, và cũng đủ điều kiện áp dụng Điều 60 BLHS cho bị cáo Phạm Văn B hưởng án treo, nghĩa là bị cáo có thể chỉ chịu mức án từ 06 đến 09 tháng tù và được hưởng án treo, nhưng vì trước đó bị can đã bị tạm giam gần 12 tháng nên “buộc lòng” HĐXX phải tuyên bị cáo mức án 12 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Bản án sơ thẩm này không bị kháng cáo, kháng nghị và đương nhiên có hiệu lực thi hành. Việc HĐXX tuyên mức án đối với B bằng với thời gian đã bị các CQTHTT trước đó ra lệnh tạm giam đối với Phạm Văn B là điều cũng dễ hiểu thôi và trong thực tiễn xét xử các trường hợp tương tự như vậy không phải là hiếm gặp. Vấn đề đặt ra, nếu như ngay từ khi vụ án bị phát hiện, quyết định khởi tố vụ án do Cơ quan Điều tra đề xuất chỉ là tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo khoản 1 Điều 141 BLHS, thì Phạm Văn B không bị tạm giam! Việc tuy thời gian điều tra vụ án có kéo dài và hồ sơ vụ án lại bị trả để điều tra bổ sung, nhưng suy cho cùng cũng không vi phạm thời hạn luật định và điều đó cũng không ảnh hưởng gì lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của B vì trước đó không bị CQTHTT áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam. Như vậy, nếu Nhà nước chỉ bồi thường cho những trường hợp rõ là không thực hiện hành vi phạm tội, mà không quy định phải bồi thường cho những trường hợp đã xác định có hành vi phạm tội nhưng hành vi phạm tội này có tính chất, mức độ nhẹ hơn so với hành vi phạm tội mà họ đã bị các CQTHTT, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong vụ án đó áp dụng sai, mà nguyên nhân chính là do người tiến hành tố tụng trong vụ án đó áp dụng quy định của pháp luật không chính xác đã thực hiện không đúng quy định của pháp luật, không thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của mình, là không bảo đảm lẽ công bằng, phù hợp với quy định của pháp luật.

Trên thực tế, những trường hợp sai như vậy không phải là ít và không thể có một con số thống kê chính xác. Bởi vì, cũng giống như công tác thống kê tội phạm, không thể tuyệt đối chính xác vì luôn luôn có hiện tượng "tội phạm ẩn", việc xác định có bao nhiêu trường hợp sai bằng cách tính tổng số vụ án phúc thẩm phải sửa phần hình sự, phải giám đốc thẩm, tái thẩm thì cũng không thể chính xác vì luôn có những sai số nằm trong các bản án sơ thẩm sai mà không có kháng cáo, kháng nghị và các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác, kể cả việc qua công tác kiểm tra, giám đốc án của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới như hiện nay, cho thấy một thực trạng đang tồn tại, đó là, tuy qua kiểm tra có phát hiện những trường hợp sai như thế nhưng cũng chỉ dừng ở mức độ yêu cầu Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án phải rút kinh nghiệm, vì suy cho cùng việc áp dụng pháp luật để xét xử vụ án của Tòa án là không sai, nhưng để chỉ ra rằng mức án cụ thể mà bản án đã tuyên ngầm “giải cứu” trách nhiệm cho CQTHTT, người tiến hành tố tụng trước đó là điều vô ích, vì pháp luật hiện hành chưa có quy định để điều chỉnh, cho dù Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, HĐXX vụ án đó đều thừa nhận đấy là một kẻ hở của pháp luật. Bởi vì, Nhà nước đánh giá các trường hợp bồi thường thiệt hại hoặc không được bồi thường thiệt hại theo Luật TNBTCNN qua tính chất của hành vi trái pháp luật trong TTHS, nghĩa là hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ đó là hành vi đã “biến” từ người không thực hiện hành vi phạm tội thành người đã thực hiện hành vi phạm tội, nên bị kết án oan, là nghiêm trọng hơn so với trường hợp người thi hành công vụ áp dụng pháp luật sai như trên đã phân tích, hành vi “biến” từ tội nhẹ thành tội nặng là sai, là ít nghiêm trọng hơn, nên không được bồi thường. Theo quan điểm của người viết, luận cứ trên là chưa thật sự vững chắc về mặt pháp lý, vì theo quy định tại Điều 604 BLDS năm 2005 căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, quy định: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”; Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, được quy định tại khoản 1 Điều 605 BLDS, như sau: “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.” Từ những quy định này, nếu so sánh với phạm vi điều chỉnh của Luật TNBTCNN là phù hợp, nhưng lại không tương thích với quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động TTHS, tại Điều 26 Luật TNBTCNN. Mặt khác, sự không tương thích còn thể hiện ngay trong các quy định của Luật TNBTCNN, cụ thể, theo phạm vi điều chỉnh của Luật TNBTCNN được quy định tại Điều 1 của Luật TNBTCNN: “Luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án; thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại.”, theo quy định này mọi trường hợp cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra thì đều được Nhà nước bồi thường, nhưng vì sao với trường hợp công dân bị thiệt hại do CQTHTT, người THTT trong hoạt động TTHS gây ra lại không thuộc phạm vi Nhà nước bồi thường theo Luật TNBTCNN là chưa hợp lý.

Theo quan điểm của người nghiên cứu, đối với công dân, việc CQTHTT, người THTT “biến” họ từ không có tội thành có tội hoặc từ tội nhẹ thành tội nặng đều ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, hay nói chính xác hơn, quyền con người với họ cả hai trường hợp trên đều bị vô cớ xâm hại như nhau. Bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Và trong nhiều trường hợp khi không có tội thành có tội có thể chưa hoàn toàn gây ra những hậu quả nặng nề bằng việc biến tội nhẹ thành tội nặng. Ví dụ: Lê Trung C thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là con chó của ông Đặng Thành Q, con chó bị trộm trị giá 1.000.000 đồng, và trước đó C chưa bị xử phạt hành chính lần nào, do đó, theo khoản 1 Điều 138 BLHS thì hành vi mà C đã thực hiện không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nhưng thực tế Lê Trung C vẫn bị xử theo khoản 1 Điều 138 BLHS và bị áp dụng mức án 15 tháng tù giam, trường hợp này đương nhiên C được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị làm oan; trong khi đó, Cao Thanh V phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” với mức cao nhất của khung hình phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 96 BLHS chỉ đến hai năm tù, nhưng thực tế V đã bị áp dụng khoản 1 Điều 93 BLHS để truy tố và xét xử, bị xử phạt 10 năm tù nhưng lại không được bồi thường! Từ những phân tích trên, người viết có mấy kiến nghị sau:

Thứ nhất, tuy nhiên, dù với bất cứ lý do nào, việc không thừa nhận trách nhiệm bồi thường cho công dân trong trường hợp sai là không đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho công dân. Vì như tinh thần khoản 5 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định chỉ cần người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật là có quyền được bồi thường thiệt hại…Vì vậy, cần coi việc mở rộng trường hợp bồi thường này là một trong những phương hướng quan trọng trong quá trình hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, do vậy trong lần sửa đổi BLTTHS sắp tới cũng cần bổ sung quy định việc người bị sai do người có thẩm quyền trong họat động tố tụng gây ra được bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, về các trường hợp được và không được bồi thường thiệt hại, hiện nay các văn bản pháp luật hiện hành vẫn sử dụng một thuật ngữ khá chung chung "người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật", "người đó không thực hiện hành vi phạm tội" để xác định đối tượng được hoặc không được bồi thường. Tuy nhiên, như đã phân tích, khái niệm này chưa bao quát hết các trường hợp được hoặc không được bồi thường.

Thứ hai, về xác định thiệt hại đối với người bị oan và mức bồi thường thiệt hại về tinh thần, được Luật TNBTCNN quy định tại các điều 45, 46, 47, 48, 49, tuy nhiên, theo quan điểm người viết cần sử dụng cách tính mức bồi thường thiệt hại trên cơ sở thu nhập bình quân đầu người hoặc mức sống trung bình ở địa phương, hoặc mức trung bình của thang bảng lương chứ không nên căn cứ vào mức lương tối thiểu. Bởi lẽ, không một ai muốn mình bị tạm giữ, tạm giam, bị khởi tố, truy tố, xét xử oan để được nhận khoản bồi thường thiệt hại về vật chất. Do đó, việc dựa trên mức lương tối thiểu để đền bù thiệt hại cho công dân là rất bất lợi và thiệt thòi cho người bị làm oan, và cũng chưa thể hiện hết trách nhiệm của Nhà nước đối với người bị thiệt hại do bị oan, trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, mà theo đó, có hướng dẫn các tính toán bồi thường thiệt hại theo hướng tính mức bồi thường thiệt hại trên cơ sở thu nhập bình quân đầu người hoặc mức sống trung bình ở địa phương. Mặt khác, những tổn thất to lớn về mặt tinh thần không thể cân đong, đo đếm được, như việc cha mẹ, chồng hoặc vợ của người bị oan buồn rầu, đau ốm rồi qua đời; phải gõ cửa nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kêu oan nên kinh tế gia đình kiệt quệ, con cái người bị oan hư hỏng hoặc bị tác động tâm lý vì vấn đề của cha mẹ bị đi tù; bạn bè xã hội xa lánh;… Do luật TNBTCNN không coi những thiệt hại này được tính để bồi thường, không được trực tiếp tính đến trong việc xác định mức bồi thường thiệt hại về tinh thần theo cách tính mà chúng tôi đề cập ở trên nhưng cũng là yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn căn cứ tính mức bồi thường về tinh thần cho người bị oan.

Thứ ba, tại điểm a khoản 1 Điều 9 Luật TNBTCNN có quy định: “Yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự theo quy định của Luật này;” và tại điểm a khoản 3 Điều 51 của Luật này cũng có quy định: “Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú, đại diện của cơ quan nơi người bị thiệt hại làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị - xã hội mà người bị thiệt hại là thành viên;” Việc khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự một lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến quyền lợi chính trị của người bị oan, nên cần phải được quan tâm chú trọng. Người bị oan trong tố tụng hình sự nhiều khi là cán bộ công chức, là đảng viên có chức vụ quyền hạn, do vậy quyền lợi hợp pháp của họ về việc làm, về chức vụ nơi đang làm việc cũng bị xâm hại. Vì vậy, cần quy định cả việc khôi phục quyền lợi chính trị bị mất và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có trách nhiệm bồi thường với chính quyền, đoàn thể địa phương nơi tổ chức khôi phục danh dự cũng như trên báo chí. Việc xin lỗi công khai tại nơi cư trú của người bị oan như hiện nay chưa được hướng dẫn cụ thể về trình tự, các bước tiến hành... nên các cơ quan có trách nhiệm xin lỗi còn lúng túng trong thực hiện. Trong thực tế có trường hợp, người bị oan có đăng ký hộ khẩu thường trú nhưng lại không cư trú tại nơi đăng ký mà sinh sống ở nơi khác hoặc tạm trú tại địa phương nào đó hoặc có trường hợp người bị oan đã bán nhà đi khỏi nơi cư trú nhưng hiện tại chưa có nơi ở ổn định thì cần cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần quy định thống nhất về việc xác định nơi tổ chức xin lỗi. Cần quy định trường hợp bồi thường đối với người nước ngoài bị oan, việc xin lỗi cải chính công khai, xác định thu nhập bị mất do bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù oan, thiệt hại vật chất, mức độ tổn hại về tinh thần cũng là một vấn đề cần đặt ra trong quá trình thực hiện và hoàn thiện Luật TNBTCNN, kể cả việc tổ chức xin lỗi công khai đối với họ như thế nào cho hợp lý.

Thứ tư, đối với Luật trợ giúp pháp lý, chúng tôi cho rằng, cần bổ sung diện đối tượng được hưởng trợ giúp pháp luật miễn phí theo hướng mở rộng diện đối tượng được trợ giúp đối với những người bị oan, sai trong tố tụng hình sự. Bởi vì, những người bị oan thường không điều kiện về kinh tế rất khó khăn, thậm chí khánh kiệt sau quãng thời gian đeo đuổi việc xét xử, thi hành án, bản thân gia đình họ lại mất nhiều công sức và tiền bạc cho việc kiện tụng kéo dài, thực tế nhiều trường hợp nhà cửa, đất đai, tài sản đáng giá của gia đình đều phải bán hoặc cầm cố để thực hiện hành trình đòi lại công lý. Hơn nữa, bản thân những người bị oan, sai cũng cần phải được coi là đối tượng cần được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý bởi Nhà nước đã "có lỗi" đối với họ, họ cũng là người bị thiệt hại, một dạng "người bị hại" của hoạt động tư pháp.

Trên đây là một số nội dung từ thực tiễn áp dụng quy định của Luật TNBTCNN còn bất cập và những kiến nghị nhằm hoàn thiện. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi cùng Quí bạn đọc.

 

Th.S Lê Văn Sua