Xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực TTHS, gây thiệt hại tài sản – bất cập và kiến nghị

23/07/2015
 
Ngày 12/11/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng chống cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình (viết tắt Nghị định 167/2013/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 28/12/2013, thay thế cho Nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội; Nghị định số 52/2012/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy; các Điều 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20 Chương 3 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2004 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm cũng hết hiệu lực, kể từ ngày Nghị định 167/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Từ khi triển khai thi hành Nghị định này cho đến nay, nhìn chung đã có sự chuyển biến tích cực trong ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật của người dân về chấp hành các quy định liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy;… đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho người thực thi công vụ xử lý các vi phạm pháp luật hành chính liên quan đến các lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua nghiên cứu người viết thấy rằng một số quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nhất là tại các điều 14, 15, 25 cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhằm thống nhất về nhận thức và áp dụng hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện hơn, cụ thể:

Thứ nhất, tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Vi phạm các quy định về việc chấp hành biện pháp ngăn chặn: bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lãnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm hoặc có các hành vi vi phạm các biện pháp ngăn chặn khác theo quy định của pháp luật;

b) Vi phạm nghĩa vụ của người tham gia tố tụng: không cung cấp tài liệu, vật chứng theo yêu cầu hợp pháp của cơ quan và người tiến hành tố tụng, không thực hiện nghĩa vụ của người làm chứng, người phiên dịch, người bào chữa, người có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án; vi phạm các quy định về việc chấp hành các quy định về bảo quản vật chứng, niêm phong, kê biên tài sản hoặc có các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật;

c) Vi phạm quy định về việc chấp hành biện pháp tạm giữ, tạm giam; vi phạm các quy định về thi hành hình phạt tiền, hình phạt tịch thu tài sản.”

Qua nghiên cứu nội dung quy định này thấy rằng:

Một là, việc xác định một số hành vi bị coi là vi phạm hành chính và phải bị xử phạt theo quy định tại điểm a và điểm c thuộc khoản 3 Điều 14 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có sự trùng lắp nhau, đó là hành vi vi phạm quy định về việc chấp hành biện pháp tạm giữ, tạm giam. Bởi theo quy định tại Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (viết tắt BLTTHS), có 06 biện pháp ngăn chặn mà khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của BLTTHS, có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Ngoài các biện pháp ngăn chặn được liệt kê tại Điều 79 BLTTHS, không có điều, khoản nào khác của BLTTHS quy định thêm bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào khác, do vậy, về câu chữ diễn đạt một số nội dung vi phạm quy định chấp hành biện pháp tạm giữ, tạm giam tại điểm a và điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định 167/2013/NĐ-CP tuy có khác nhau nhưng xét về nghĩa là hoàn toàn giống nhau. Nghĩa là người bị áp dụng một trong các biện pháp ngăn chặn theo quy định tại Điều 79 BLTTHS, có nghĩa vụ phải chấp hành biện pháp ngăn chặn được cơ quan tiến hành tố tụng hoặc người có thẩm quyền theo quy định của BLTTHS ra lệnh. Ví dụ, Điều tra viên đọc lệnh bắt và thi hành lệnh đó, nhưng bị can có hành vi kháng cự, không hợp tác; hoặc tuy các giai đoạn tố tụng trước đó bị can không bị tạm giam, nhưng khi hồ sơ vụ án được chuyển sang Tòa án thụ lý chuẩn bị xét xử, xét thấy cần thiết cần áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam để bảo đảm cho công tác xét xử, Chánh án Tòa án ra lệnh tạm giam bị can, nhưng bị can không chấp hành.

Hai là, trong 10 căn cứ được trích dẫn xem là cơ sở pháp lý để Chính phủ ban hành Nghị định 167/2013/NĐ-CP, không có căn cứ vào BLTTHS, nhưng tại Điều 14 của Nghị định này có quy định về hành vi vi phạm các quy định về tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, thi hành các biện pháp xử lý hành chính, mà theo đó, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, như: không cung cấp tài liệu, vật chứng theo yêu cầu hợp pháp của cơ quan và người tiến hành tố tụng, không thực hiện nghĩa vụ của người làm chứng, người phiên dịch, người bào chữa, người có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án; vi phạm các quy định về việc chấp hành các quy định về bảo quản vật chứng, niêm phong, kê biên tài sản là không phù hợp, bởi vì BLTTHS không quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không cung cấp tài liệu, vật chứng theo yêu cầu hợp pháp của cơ quan và người tiến hành tố tụng, không thực hiện nghĩa vụ của người làm chứng, người phiên dịch, người bào chữa, người có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án; vi phạm các quy định về việc chấp hành các quy định về bảo quản vật chứng, niêm phong, kê biên tài sản. Cụ thể:

- Về nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, khoản 2 Điều 54 BLTTHS quy định:“ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình.”

- Về nghĩa vụ của người làm chứng, khoản 4 Điều 55 BLTTHS quy định:

“a) Có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

b) Khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án.

Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật Hình sự; khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật Hình sự.”

- Về nghĩa vụ của người bào chữa, khoản 3, 4 Điều 58 BLTTHS quy định:

“a) Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Tùy theo mỗi giai đoạn tố tụng, khi thu thập được tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án, thì người bào chữa có trách nhiệm giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Việc giao nhận các tài liệu, đồ vật đó giữa người bào chữa và cơ quan tiến hành tố tụng phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này;

b) Giúp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ;

c) Không được từ chối bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà mình đã đảm nhận bào chữa, nếu không có lý do chính đáng;

d) Tôn trọng sự thật và pháp luật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật;

đ) Có mặt theo giấy triệu tập của Toà án;

e) Không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện việc bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

4. Người bào chữa làm trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa, xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”

- Khoản 2 và khoản 3 Điều 61 BLTTHS quy định nghĩa vụ của người phiên dịch, như sau:

“2.Người phiên dịch phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và phải dịch trung thực; không được tiết lộ bí mật điều tra; nếu dịch gian dối thì người phiên dịch phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật hình sự.

3. Người phiên dịch phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 42 của Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng với tư cách là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án hoặc đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định trong vụ án đó.”

Hơn nữa, BLTTHS cũng không có điều luật nào quy định việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành BLTTHS thuộc về trách nhiệm của Chính phủ, kể cả Nghị quyết số 24/2003/QH11 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam , khóa XI, kỳ họp thứ 4 về việc thi hành BLTTHS cũng không quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành BLTTHS. Mặt khác, theo quy định tại Điều 10 BLTTHS xác định sự thật khách quan của vụ án hình sự là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo…”, nghĩa là việc thu thập tài liệu chứng cứ của vụ án là thuộc về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong vụ án đó, chứ không phải là nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, những người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo quy định của pháp luật họ có quyền cung cấp chứng cứ cho cơ quan tiến hành tố tụng vụ án, nhưng hoàn toàn không có nghĩa vụ này. Do vậy, việc quy định không cung cấp tài liệu, vật chứng theo yêu cầu hợp pháp của cơ quan và người tiến hành tố tụng, bị coi là hành vi vi phạm hành chính là không có cơ sở pháp lý và không khả thi khi áp dụng trong thực tiễn.

Việc thu thập và bảo quản vật chứng vụ án hình sự, tại khoản 3 Điều 75 BLTTHS có quy định như sau:“Người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng, phá huỷ niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại vật chứng của vụ án, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 310 của Bộ luật hình sự; trong trường hợp thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ, làm hư hỏng vật chứng của vụ án nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 300 của Bộ luật Hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.” Như vậy, người có trách nhiệm bảo quản vật chứng của vụ án mà vi phạm nghĩa vụ của mình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ngoài ra, còn phải bồi thường nếu gây ra thiệt hại. Ví dụ, Điều tra viên hoặc Chấp hành viên thiếu trách nhiệm trong quản lý nên để mất vật chứng của vụ án; để lẫn lộn vật chứng của vụ án này với vật chứng của những vụ án dẫn đến việc xem xét chứng cứ vụ án tại phiên tòa gặp nhiều trở ngại, khó khăn cho việc xét xử,…

Từ những phân tích trên cho thấy, BLTTHS không quy định những người tham gia tố tụng mà không cung cấp tài liệu, vật chứng theo yêu cầu hợp pháp của cơ quan và người tiến hành tố tụng, không thực hiện nghĩa vụ của người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án, người bào chữa, người phiên dịch hoặc người có trách nhiệm bảo quản vật chứng  mà vi phạm nghĩa vụ của mình sẽ bị xử phạt vi phạt hành chính. Hơn nữa, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng không quy định vấn đề này.

Ba là, giả sử cho rằng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định 167/2013/NĐ-CP là chính xác, thì việc triển khai thực hiện trong thực tế là điều không thể, bởi lẽ, theo quy định nghĩa vụ của người phiên dịch trong vụ án hình sự phải dịch trung thực. Nếu như họ dịch không trung thực thì có được xử phạt vi phạm hành chính không? Nếu có thì thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm thuộc về ai? Trong khi đó, tại khoản 2 Điều 61 BLTTHS quy định rất rõ: Nếu dịch gian dối thì người phiên dịch phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật Hình sự. Hay đối với trường hợp người làm chứng, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định 167/2013/NĐ-CP sẽ bị phạt vi phạm hành chính, nếu như người làm chứng không thực hiện nghĩa vụ của mình. Trong khi đó, khoản 4 Điều 55 BLTTHS quy định người làm chứng trong vụ án hình sự có rất nhiều nghĩa vụ và những nghĩa vụ của người làm chứng được nhà làm luật chia thành hai nhóm, mỗi nhóm có kèm theo biện pháp xử lý nếu như người làm chứng cố tình không thực hiện nghĩa vụ của mình, cụ thể: Nhóm thứ nhất, người làm chứng phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án. Trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải. Nhóm thứ hai, người làm chứng trong vụ án phải khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án. Nếu từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật Hình sự; khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật Hình sự. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 307, Điều 308 Bộ luật Hình sự cấu thành cơ bản của tội phạm khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật; tội từ chối khai báo, từ chối kết luật giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu cũng không có quy định tình tiết đã bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm, mà cứ có hành vi mô tả theo quy định của điều luật tương ứng thì coi như đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Hoặc đối với trường hợp mà người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của điều luật tương ứng. Do vậy, theo quan điểm của người viết do BLTTHS đã có những quy định cụ thể về xử lý trách nhiệm của người tham gia tố tụng trong vụ án hoặc người có trách nhiệm trong việc bảo quản vật chứng, nếu như họ vi phạm nghĩa vụ của mình mà pháp luật quy định, thì cũng không cần thiết phải quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm của họ, vì như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc về thẩm quyền xử phạt.

Thứ hai, về quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền”. Thực chất của quy định này là đề cập đến hành vi cưỡng đoạt tài sản, mà người dân hoặc báo chí thường dùng thuật ngữ “tống tiền”. Nghiên cứu quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, mà theo đó, khoản 1 Điều này có quy định: “Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.”. Về mặt khách quan của tội phạm này, chỉ cần người thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác để buộc người bị hại giao nộp tài sản mà không cần có hậu quả xảy ra hay không, nghĩa là trong trường hợp bị cưỡng đoạt tài sản người bị hại cũng có thể không giao nộp tài sản nếu không muốn, vì họ có thể đi trình báo với công an hoặc tìm cách khác để không thực hiện sự ép buộc. Ví dụ, A và B đưa nhau đến khách sạn để quan hệ tình dục. Trong lúc sinh hoạt tình dục, A dùng máy điện thoại quay lại cảnh hai người với lý do để làm kỷ niệm. Thời gian sau, B bỏ A và yêu C. Tức giận nên A nhắn tin qua điện thoại của B với nội dung nếu không quay lại với A, thì phải đưa cho A số tiền 20.000.000 đồng, nếu không A sẽ tung lên mạng internet đoạn phim đó. Trong tình huống này, B có thể sẽ không thực hiện theo yêu cầu của A mà trình báo ngay cho công an cùng với chứng cứ mà B có, cũng có thể do hoảng sợ nên B hẹn A để giao tiền rồi sau đó mới trình báo,… Như vậy, cho dù A có nhận được tiền từ B hay không thì đều có thể xử lý bằng pháp luật hình sự. Bởi vì nhà làm luật quy định rõ, nếu người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt thì bị xử lý trách nhiệm hình sự, mà không quy định để cấu thành tội phạm này, trước đó người vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Ví dụ này là tình huống cụ thể mô tả về hành vi vi phạm hành chính tại điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP và nếu đúng như vậy, thì không thể xử phạt vi phạm hành chính đối với A. Do đó, để áp dụng pháp luật được chính xác, rất cần sự hướng dẫn kịp thời hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quy định này.

Thứ ba, về hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, như sau: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này.”. Với quy định này theo quan điểm của người viết là chưa thật phù hợp, vì mấy lý do sau:

Một là, tang vật, phương tiện mà người vi phạm hành chính sử dụng để làm công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm lại không thuộc quyền sở hữu của mình, mà thuộc quyền sở hữu của người khác hoặc thuộc quyền quản lý hợp pháp của người khác thì có áp dụng quy định tịch thu không? Ví dụ: Đỗ Ngọc B (lái xe của Chi nhánh NA - Ngân hàng Thương mại NK) đã mua một số dụng cụ như: 01 đầu khò, 01 bộ dây dẫn khí, 01 kìm cộng lực, 01 bình gas loại 12kg, 01 xà beng nhằm để phá cửa kho lấy trộm tiền tại Chi nhánh NA. Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 10/4/2013, B dùng xe ô tô 07 chỗ ngồi của cơ quan, chở hết số công cụ chuẩn bị sẳn đến để cắt, phá cửa kho chứa tiền của Chi nhánh NA. Đến khoảng 04 giờ 30 phút nhưng B vẫn chưa phá xong cửa kho, do bị sặc khói, trời gần sáng, sợ bảo vệ thức dậy phát hiện nên B thu dọn đồ đạc, xóa dấu vết rồi rút khỏi hiện trường. Trước khi bỏ đi, B lấy trộm chiếc tivi tại Phòng bảo vệ. Sau khi sự việc được phát hiện, cơ quan chức năng kết luận hành vi của B chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, (giá trị tài sản (cửa kho) bị hư hỏng 250.000 đồng; chiếc tivi màu 17 inche hiệu SamSung giá trị 1.000.000 đồng), nên hồ sơ vụ việc chuyển sang xử lý hành chính theo thẩm quyền được phân cấp. Vấn đề đặt ra, cùng với việc áp dụng điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Đỗ ngọc B về hành vi trộm cắp tài sản, thì có áp dụng quy định tại khoản 3 của Điều này để tịch thu chiếc xe ô tô 07 chỗ của Chi nhánh NK không? Rõ ràng là không thể, vì phía Chi nhánh NK hoàn toàn không có lỗi trong vụ việc này, nên không thể tịch thu chiếc xe ô tô mà B sử dụng làm phương tiện để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Từ ví dụ này cho thấy, đây là vướng mắc trong thực tiễn nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền không kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về nhận thức và áp dụng thì cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính sẽ lúng túng khi thi hành.

Hai là, chỉ được áp dụng quy định để tiến hành xử phạt hành vi vi phạm hành chính tương ứng với các quy định tại điểm a, b, c khoản 1 và điểm c, d, e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mà theo đó, tiền hoặc tài sản là đối tượng của vi phạm hành chính phải có giá trị thấp hơn mức quy định và phải thỏa mãn các điều kiện kèm theo mà nhà làm luật quy định tại các điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự. Cụ thể, điều kiện cần và đủ là:

- Điều kiện cần: Giá trị tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 và điểm d khoản 2 phải dưới mức 2.000.000 đồng (quy định tại khoản 1 Điều 138; khoản 1 Điều 137; khoản 1 Điều 139 Bộ luật Hình sự); Giá trị tài sản quy định tại điểm d khoản 1 phải dưới mức 50.000.000 đồng (quy định tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự); Giá trị tài sản quy định tại điểm e khoản 2 phải dưới mức 10.000.000 đồng (quy định tại khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự).

- Điều kiện đủ: Không thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc trước đó chưa bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản (với trường hợp thuộc điểm a, điểm b khoản 1 và điểm d khoản 2); Không thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc trước đó chưa bị xử phạt hành chính hoặc chưa bị kết án về tội sử dụng trái phép tài sản (với trường hợp điểm d khoản 1).

Nhưng trên thực tế việc vận dụng quy định trên để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính còn nhiều bất cập. Ví dụ, Ngày 01/3/ 2013 A bị Chủ tịch UBND xã B huyện M ra quyết định xử  phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp tài sản theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP; tiếp đến A có hành vi câu trộm chó tại phường 1 thành phố C, do không thể biết được trước đó A đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp, nên Chủ tịch UBND phường 1 thành phố C tỉnh H ra quyết định xử phạt vi phạm đối với A vào ngày 29/3/2013. Không dừng lại ở đó, A đến các địa phương khác thuộc những tỉnh, thành phố khác cũng với hành vi câu trộm chó và nếu bị bắt thì cũng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với phạt tiền tối đa không quá 2.000.000 đồng, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Đây là một thực trạng đang tồn tại ở nhiều địa phương mà nguyên nhân do công tác lưu trữ chưa có tính kết nối và chia sẽ nguồn tài nguyên chung trong hệ thống, nên không thể thực hiện việc tra cứu thông tin khi cần thiết, dẫn đến bất cập như vừa nêu, mà lẽ ra nếu làm tốt khâu lưu trữ thì với lần vi phạm thứ hai, A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 138 BLHS là mới đúng với quy định của pháp luật

Thứ tư, vi phạm quy định về điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bớp là quy phạm quy định tại Điều 32, Mục 2 Hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh của Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2013 (viết tắt Nghị định 176/2013/NĐ-CP), mà theo đó, tại điểm b khoản 3 Điều 32 có quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: …b) Lợi dụng dịch vụ xoa bóp để hoạt động mại dâm.” Dịch vụ xoa bớp là loại hình dịch vụ y dược cổ truyền, thuộc một trong những dịch vụ kinh doanh có điều kiện quy định tại điểm B, mục 1, phụ lục III  ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ, và theo quy định tại Thông tư số 11/2001/TT-BYT ngày 06/6/2001 của Bộ Y tế, hướng dẫn điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bớp, thì chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ này phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của cơ sở của mình quản lý. Tuy nhiên, theo nội dung quy phạm Hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm quy định tại Điều 25 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mà theo đó, tại khoản 1 Điều này có quy định: “Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm ở cơ sở do mình quản lý.” So sánh hai quy định như vừa trích dẫn chúng tôi thấy rằng, cùng là hoạt động mại dâm, mà chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ núp bóng dưới các loại hình kinh doanh như dịch vụ xoa bóp hoặc dịch vụ khác để trục lợi, nếu bị cơ quan chức năng qua kiểm tra phát hiện thì không dại dột gì mà họ khai nhận với lỗi cố ý, nghĩa là bao giờ cũng cho rằng do thiếu kiểm tra, thiếu nhắc nhở thường xuyên,… nhưng hình thức xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền của hai quy định trên có sự chênh lệch quá lớn. Điều này sẽ không mang lại tác dụng tích cực cho hoạt động đấu tranh phòng, chống ngăn chặn loại tệ nạn này trong xã hội hiện nay. Thiết nghĩ, cho dù thuộc lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ nào nếu chủ cơ sở đó để hoạt động mại dâm xảy ra ngay tại cơ sở của mình chịu trách nhiệm quản lý thì phải bị xử lý và hình thức xử lý cũng phải bảo đảm tính thống nhất tương đối, chứ không thể có sự chênh lệch cách biệt như trên là không phù hợp. Mặt khác, quy định xử phạt vi phạm hành chính tại điểm b khoản 3 Điều 32 Nghị định 176/2013/NĐ-CP cũng không phù hợp, vì theo quy định tại Điều 254 Bộ luật Hình sự về tội chứa mại dâm, mà theo đó, người nào chứa mại dâm thì bị phạt tù từ… Nghĩa là, chỉ cần người thực hiện hành vi chứa mại dâm là bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà không có quy định có tính loại trừ đối với loại hình kinh doanh dịch vụ nào cả, cho dù đó là dịch vụ xoa bóp hoạt động theo quy định của Thông tư số 11/2001/TT-BYT của Bộ Y tế. Lỗi ở đây là lỗi cố ý. Nghiên cứu quy định tại điểm b khoản 3 Điều 32 Nghị định 176/2013/NĐ-CP cho thấy hành vi lợi dụng dịch vụ xoa bóp của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ xoa bóp để hoạt động mại dâm là lỗi cố ý, họ thừa biết rằng pháp luật cấm hoạt động mại dâm diễn ra ở cơ sở kinh doanh dịch vụ xoa bớp, nhưng vì hám lợi nên họ đã lợi dụng vỏ bọc cơ sở kinh doanh dịch vụ xoa bóp để hoạt động mại dâm, nếu là lỗi cố ý thì tại sao không áp dụng quy định của BLHS để xử lý, mà lại xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền và mức phạt tiền cũng rất khiêm tốn. Do vậy, người viết đề xuất nên bỏ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 32 Nghị định 176/2013/NĐ-CP.

Trên đây là một số vấn đề qua nghiên cứu quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến quy định về tố tụng hình sự; vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác, về lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm. Từ đó, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hoặc ban hành văn bản hướng dẫn nhằm thống nhất nhận thức và áp dụng trong thực tế. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi cùng Quí bạn đọc.

Th.s Lê Văn Sua