Áp dụng biện pháp tư pháp – những vướng mắc và kiến nghị

17/07/2015
 

Biện pháp tư pháp (BPTP) là biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định trong Bộ luật hình sự (BLHS), do cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) áp dụng đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhằm hỗ trợ hoặc thay thế hình phạt.

1. Đặc điểm của biện pháp tư pháp

Một là, BPTP là biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định trong BLHS. Bởi lẽ, về bản chất thì việc áp dụng BPTP không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người áp dụng mà là quyền của CQTHTT mặc dù người bị áp dụng BPTP về bồi thường thiệt hại (BTTH) có thể thỏa thuận với người được bồi thường. Tuy nhiên, quyền áp dụng BPTP của CQTHTT trong vụ án hình sự bị giới hạn bởi quy định của Nhà nước về BPTP được thể hiện trong BLHS. Theo đó, Nhà nước quy định biện pháp tư pháp nào là BPTP khi ban hành BLHS. CQTHTT trong vụ án hình sự căn cứ vào quy định đó để áp dụng đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Hai là, BPTP là biện pháp cưỡng chế về hình sự ít nghiêm khắc hơn so với hình phạt. Các biện pháp cưỡng chế được quy định trong BLHS bao gồm hình phạt và BPTP, trong đó, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Hậu quả của việc bị áp dụng hình phạt là người phạm tội bị tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích và phải mang án tích; người phạm tội bị áp dụng BPTP chỉ mang án tích khi bị áp dụng hình phạt. Trường hợp người phạm tội được miễn hình phạt nhưng bị áp dụng BPTP thì không phải mang án tích.

Ba là, BPTP là một dạng của trách nhiệm hình sự (TNHS) và là một hình thức thực hiện TNHS được thể hiện trong văn bản của CQTHTT. Với tư cách là dạng của TNHS, BPTP chỉ xuất hiện khi có việc phạm tội. Việc áp dụng BPTP được thể hiện trong văn bản tố tụng hình sự, đó là, bản án của tòa án hoặc quyết định các CQTHTT khác.

Bốn là, về thẩm quyền áp dụng có thể do Tòa án hoặc CQTHTT khác áp dụng tùy thuộc vào giai đoạn tiến hành tố tụng, mà theo đó, chỉ BPTP buộc công khai xin lỗi người bị hại và biện pháp thay thế hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội là do chủ thể duy nhất là tòa án có quyền áp dụng, còn các BPTP khác có thể do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án áp dụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự (TTHS).

Năm là, BPTP không có mục đích tước đoạt mà chỉ nhằm hạn chế quyền tự do của người phạm tội. Tuy nhiên, BPTP là tịch thu tài sản thì lại nhằm mục đích tước đoạt tài sản của người bị áp dụng và BPTP là trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại) chỉ nhằm mục đích khôi phục hoặc bồi thường thiệt hại về tài sản cho người bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Sáu là, trong vụ án cụ thể, việc áp dụng BPTP đồng thời với việc xử lý vật chứng. Theo đó, đối với vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật hoặc tiền do phạm tội mà có, vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành thì khi áp dụng BPTP, CQTHTT có thẩm quyền đồng thời xử lý vật chứng theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).

2. Phân loại biện pháp tư pháp

Căn cứ vào đối tượng bị áp dụng và ý nghĩa thay thế hình phạt có thể chia các BPTP thành hai nhóm:

Nhóm thứ nhất, các BPTP chung áp dụng đối với mọi người phạm tội và chỉ nhằm hỗ trợ hình phạt, được quy định tại các điều 41, 42 và 43 BLHS, các BPTP chung đó là: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; Buộc công khai xin lỗi; Bắt buộc chữa bệnh.

Nhóm thứ hai, các BPTP thay thế hình phạt chỉ áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, được quy định tại Điều 70 BLHS, các BPTP bao gồm: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Đưa vào trường giáo dưỡng.

3. Áp dụng biện pháp tư pháp

3.1.Áp dụng biện pháp tư pháp chung

3.1.1. Áp dụng biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm

Đối tượng áp dụng BPTP này là vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm. Vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm bao gồm: Vật, tiền là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; Vật, tiền do phạm tội hoặc do mua, bán, đổi chác những thứ ấy mà có; Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành. Khi áp dụng BPTP là tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm cần lưu ý mấy điểm sau:

Một là, vật, tiền là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội là vật hoặc tiền do người phạm tội sử dụng làm công cụ hoặc phương tiện phạm tội. Việc phân biệt công cụ với phương tiện phạm tội tùy thuộc vào từng vụ án cụ thể, ví dụ, trong vụ án người phạm tội sử dụng xe máy chở đồng phạm khác mang sung đi cướp tài sản thì sung là công cụ phạm tội , xe máy là phương tiện phạm tội. Trong vụ án khác, người phạm tội điều khiểm xe máy gây tai nạn làm chết người đi đường thì xe máy vừa là công cụ vừa là phương tiện phạm tội. Tuy pháp luật hiện hành không quy định cụ thể, nhưng có thể hiểu rằng chỉ áp dụng BPTP là tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc thực hiện tội phạm do lỗi cố ý, bởi ngay trong điều văn của điều luật diễn đạt rất rõ: “Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội”, nghĩa là người thực hiện hành vi phạm tội đã sử dụng công cụ, phương tiện ấy vào mục đích phạm tội với lỗi cố ý, do vậy, với phương tiện gây ra tội phạm do lỗi vô ý như tội phạm quy định tại Điều 202 BLHS thì không bị tịch thu. Tuy nhiên từ thực tiễn xét xử đã đặt ra vấn đề rất cần sự hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm thống nhất về nhận thức và áp dụng đối với trường hợp công cụ, phương tiện là tiền hoặc vàng mà người phạm tội dùng vào việc cho vay lãi nặng theo Điều 163 BLHS, khi xét xử Tòa án có tịch thu số tiền hoặc vàng gốc không? Do pháp luật hiện hành chưa có quy định rõ công cụ, phương tiện phạm tội nào là đối tượng phải áp dụng theo điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS, để HĐXX quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước, nên đang tồn tại hai quan điểm khác nhau: Quan điểm thứ nhất, số tiền gốc hoặc vàng hay ngoại tệ mà người phạm tội dùng để cho vay với lãi suất rất cao về bản chất đó là phương tiện phạm tội, nên phải bị tịch thu sung quỹ nhà nước, vì nếu như người thực hiện hành vi không dùng số tiền gốc hoặc vàng hay ngoại tệ đó để cho vay lãi nặng thì không cấu thành tội phạm này; động cơ phạm tội là vì vụ lợi nhằm thu lợi bất chính, cũng giống như người phạm tội buôn lậu, ngoài việc bị cáo phải chịu chế tài về hình sự, còn phải bị tịch thu toàn bộ vật chứng là hàng hóa mà bị cáo đã buôn lậu. Hơn nữa, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS không có trường hợp ngoại lệ. Quan điểm thứ hai, riêng dấu hiệu đặc trưng của tội cho vay lãi nặng là số tiền lãi vượt mức quy định của pháp luật, chứ không phải là số tiền gốc mà họ bỏ ra để cho vay, do vậy, không máy móc áp dụng điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS để tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước. Ngay đối với số tiền lãi thì cũng chỉ tịch thu số tiền lãi cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định, đó mới là “tiền thu lợi bất chính”. Do chưa có quy định cụ thể, nên đây có lẽ là kẽ hở của pháp luật và có thể bị lợi dụng khi xử lý vì mục đích cá nhân.

Hai là, vật, tiền mà người phạm tội do thực hiện tội phạm mà có là những vật, tiền người phạm tội có được sau khi thực hiện tội phạm hoặc sau khi thực hiện hành vi phạm tội với một vài hành vi khác. Căn cứ vào thời điểm có được vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, có thể chia vật, tiền do phạm tội mà có thành các loại sau:

-Vật, tiền mà người phạm tội chiếm đoạt được trong quá trình thực hiện tội phạm có yếu tố chiếm đoạt;

-Vật, tiền mà người phạm tội có được sau khi định đoạt vật, tiền đã chiếm đoạt được trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt. Đó có thể là vật, tiền do mua, bán, đổi chác những thứ đã chiếm đoạt mà có; vật, tiền lãi từ việc sử dụng trái phép tiền của Nhà nước, tập thể, cá nhân gửi tiết kiệm, cho vay,…

-Vật, tiền không thuộc hai loại trên, như tiền của người khác thuê, thưởng cho người phạm tội vì đã thực hiện hành vi phạm tội theo yêu cầu họ; vật, tiền là đối tượng chứa chấp, tiêu thụ do người khác phạm tội mà có.

Như vậy, những vật, tiền mà người phạm tội… hoặc do mua, bán, đổi chác những thứ này mà có (ý 2 điểm b khoản 1 Điều 41 BLHS), chỉ là một dạng của những vật, tiền bạc mà người phạm tội do thực hiện tội phạm mà có.

Ba là, vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành bao gồm vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, ma túy, chất phóng xạ, chất nổ, chất cháy. Hành vi lưu hành những vật này bị coi là phạm tội theo quy định tại điều luật tương ứng của BLHS. Trong từng trường hợp cụ thể, CQTHTT áp dụng điểm c khoản 1 Điều 41 BLHS tịch thu sung quỹ nhà nước. Đối với vật không thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành thì chỉ bị tịch thu sung quỹ nhà nước khi người tiêu thụ vật, tiền do phạm tội mà có bị truy cứu TNHS về tội chưa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 250 BLHS.

Bốn là, BPTP là tịch thu sung quỹ nhà nước đối với vật chứng của vụ án, dù là đối tượng bị tịch thu nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn áp dụng Điều 76 BLTTHS để xử lý vật chứng, cụ thể:

“1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

2. Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;

b) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;

c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;

d) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;

đ) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.

3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền quyết định trả lại những vật chứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.

4. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.”

Từ quy định trên có thể hiểu, CQTHTT có quyền áp dụng biện pháp xử lý vật chứng “tịch thu tiêu hủy” đối với công cụ, phương tiện phạm tội, vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành là vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, Cơ quan Điều tra do nhận định sai hướng điều tra hoặc xác định không đúng mối liên hệ giữa đồ vật, tài sản của người phạm tội hay của người khác với đối tượng chứng minh mà Cơ quan Điều tra đã thu giữ tài liệu, đồ vật nào đó theo thủ tục tố tụng hình sự. Quá trình giải quyết vụ án tiếp theo, CQTHTT có thẩm quyền xác định những tài sản đó không phải là vật chứng của vụ án, việc trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu đó hiện nay cũng chưa có điều luật nào quy định. Theo quan điểm của người viết, cần bổ sung quy định xử lý những loại tài sản không phải là vật chứng được thu giữ trong quá trình điều tra vào Điều 76 BLTTHS, cụ thể là bổ sung vào khoản 3 Điều 76 và được viết lại như sau: “Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền quyết định trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp những đồ vật, tài sản không phải là vật chứng của vụ án mà đã bị thu giữ, tạm giữ; trả lại những vật chứng đó cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 của Điều này, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án”.

Một vấn đề khác, tuy pháp luật có quy định nhưng thực tế cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, nên trong thực tiễn áp dụng còn nhiều vướng mắc, đó là, việc tranh chấp quyền sở hữu đối với vật chứng có thể xẩy ra bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng từ khi điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án. Theo quy định “trong trường hợp có sự tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”, vật chứng ở đây là những vật, tài sản không thuộc vật cấm lưu hành, không thuộc đối tượng tịch thu sung quỹ nhà nước hay tiêu hủy. Việc giải quyết đúng tranh chấp quyền sở hữu đối với vật chứng không những bảo vệ được quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của chủ sở hữu, mà còn là điều kiện để CQTHTT mà chủ yếu là HĐXX có cơ sở xử lý vật chứng đúng đắn.

Năm là, đối với vụ án mua, bán hàng cấm như vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, ma túy, chất nổ, chất phóng xạ, chất cháy, chất độc,… thì hành vi mua bán thường diễn ra nhiều cầu mua đi bán lại, do vậy, cần phân biệt từng trường hợp cụ thể để áp dụng điểm a hay điềm b khoản 1 Điều 41 BLHS. Thực tế áp dụng Điều 41 BLHS cho thấy, cần phân biệt khi nào, ở đâu là vật, tiền dùng vào việc phạm tội và khi nào, ở đâu cũng là vật, tiền bạc ấy lại là vật, tiền do phạm tội mà có, cụ thể:

-Trường hợp hai bên mua bán trả tiền ngay tức là bên bán đã giao hàng cấm kinh doanh, lưu hành và nhận tiền hoặc vật từ bên mua thì áp dụng điểm b khoản 1 Điều 41 BLHS để tịch thu ở người bán với nghĩa vật, tiền do phạm tội mà có;

-Trường hợp hai bên mua bán chịu (chưa thanh toán tiền hoặc vật ngay), nghĩa là bên bán đã giao hàng cấm nhưng bên mua chưa giao tiền hoặc vật thì áp dụng điểm a khoản 1 Điều 41 BLHS để tịch thu ở người mua với nghĩa là vật, tiền dùng vào việc phạm tội.

Sáu là, xét trên bình diện quyền sở hữu thì vật, tiền trực tiếp liên quan đến việc phạm tội có thể thuộc quyền sở hữu của người phạm tội hoặc thuộc quyền sở hữu của người khác, do vậy, CQTHTT chỉ áp dụng các điểm a, b khoản 1 Điều 41 BLHS để tịch thu những vật, tiền trực tiếp liên quan đến việc phạm tội thuộc sở hữu của người phạm tội bị kết án hoặc đồng phạm khác nhưng không bị truy cứu TNHS do được miễn TNHS hoặc được đặc xá. Việc tịch thu sung quỹ Nhà nước vật, tiền trực tiếp liên quan đến việc phạm tội thuộc sở hữu của người khác chỉ được thực hiện khi vật đó thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 BLHS hoặc người đó có lỗi trong việc để người phạm tội sử dụng vào việc phạm tội theo quy định tại khoản 3 Điều 41 BLHS. Thực tiễn xét xử cho thấy, chỉ tịch thu sung quỹ nhà nước vật của người khác khi người đó có lỗi cố ý để cho người phạm tội sử dụng vào việc phạm tội.

-Đối với vật, tiền thuộc cở hữu của người khác bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép và được thu thập làm vật chứng của vụ án mà khi xét xử không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì áp dụng điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS để tịch thu sung quỹ nhà nước. Tuy nhiên, từ thực tiễn xét xử có những trường hợp dù xác định rõ chủ sở hữu đối với tài sản là vật chứng của vụ án bị người phạm tội chiếm đoạt, nhưng khi xét xử người bị hại không nhận lại tài sản của họ trước đó bị chiếm đoạt, do trước khi xét xử phía bên bị cáo đã bồi thường thỏa đáng giá trị tài sản là vật chứng thu được, nên Tòa án không thể áp dụng khoản 2 Điều 41 BLHS tuyên trả lại tài sản đã thu hồi được cho người bị hại, do không còn cách nào khác, buộc HĐXX áp dụng điểm b khoản 2 Điều 76 BLTTHS để tịch thu sung quỹ nhà nước, nhưng cũng có nơi vẫn tuyên trả lại vật chứng cho người bị hại dù thực tế biết rõ thi hành án sẽ không thể thi hành được. Xoay quanh tình huống pháp lý vừa nêu, rõ ràng pháp luật hiện hành quy định về BPTP vẫn chưa dự liệu hết những trường hợp có thể xảy ra trong thực tiễn, chính vì lẽ đó sự vận dụng pháp luật vào thực tiễn chưa bảo đảm tính thống nhất.

-Đối với những vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, sử dụng, lưu hành nhưng thuộc sự quản lý của cơ quan nhà nước cụ thể và bị người phạm tội chiếm đoạt thì không tịch thu sung quỹ nhà nước mà phải trả lại cho người hoặc cơ quan quản lý hợp pháp.

3.1.2.Áp dụng biện pháp trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 BLHS: “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.” Với quy định này, nhà làm luật đã quy định ba chế tài được áp dụng đối với người phạm tội, đó là, “phải trả lại”; “phải sửa chữa”; “phải bồi thường”, mà theo đó, điều kiện áp dụng từng loại chế tài, cụ thể như sau:

-Người phạm tội phải trả lại vật, tiền đã chiếm đoạt cho người sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp khi vật, tiền đó còn nguyên và được thu giữ, quản lý trong quá trình điều tra hoặc người phạm tội đang cất giữ và không thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, sử dụng, lưu hành.

-Người phạm tội phải sửa chữa (khắc phục) thiệt hại vật chất do hành vi phạm tội gây ra. Việc phải sửa chữa thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra được áp dụng khi vật bị thiệt hại bị hư hỏng có thể sửa chữa được. Vật đó có thể là đối tượng bị người phạm tội chiếm đoạt làm hư hỏng hoặc sử dụng trái phép vào việc phạm tội. Việc “phải sửa chữa” có thề tiến hành bằng cách người phạm tội sửa chữa trước khi trả lại người chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp hoặc trả tiền cho người bị thiệt hại chi phí việc sửa chữa.

-Người phạm tội phải bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra. Đây là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do vậy, khi áp dụng khoản 1 Điều 42 BLHS buộc người phạm tội phải bồi thường những thiệt hại vật chất do hành vi phạm tội gây ra cần chú ý:

+Việc xác định thiệt hại vật chất do hành vi phạm tội gây ra được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự  (BLDS). Thiệt hại vật chất do hành vi phạm tội gây ra bao gồm: Thiệt hại do tài dản bị xâm phạm; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm. Cụ thể:

a/. Trường hợp tài sản bị xâm hại, thì thiệt hại được bồi thường gồm: Tài sản bị mất; tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. Khi buộc người phạm tội bồi thường thiệt hại về tài sản, Tòa án phải áp dụng đồng thời khoản 1 Điều 42 BLHS với các khoản tương ứng của Điều 608 BLDS.

b/. Trường hợp thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại, thì các khoản bồi thường bao gồm: Chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại ; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. Ngoài các khoản nêu trên, người xâm hại đến sức khỏe của người khác phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Khi buộc người phạm tội bồi thường thiệt hại về sức khỏe thì Tòa án phải áp dụng đồng thời khoản 1 Điều 42 BLHS và các khoản tương ứng của Điều 609 BLDS.

c/.Trường hợp thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, thì các khoản bồi thường bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng[1]. Ngoài các khoản bồi thường nêu trên, người xâm phạm đến tính mạng của người khác phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án ấn định mà theo đó mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Khi buộc người phạm tội phải bồi thường thiệt hại về tính mạng bị xâm hại, Tòa án phải áp dụng đồng thời khoản 1 Điều 42 BLHS với các khoản tương ứng của Điều 610 BLDS.

+ Vì là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho nên khi áp dụng BPTP này, Tòa án phải thực hiện đúng nguyên tắc bồi thường thiệt hại và phải tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường, nếu thỏa thuận đó không trái với quy định của pháp luật, đạo đức xã hội. Do vậy, trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra thì Tòa án phải ghi nhận sự thỏa thuận đó trong phần quyết định của bản án mà không áp dụng khoản 1 Điều 42 BLHS và các điều khoản tương ứng của BLDS để buộc người phạm tội phải bồi thường.

+ Mặc dù tại khoản 1 Điều 42 BLHS chỉ quy định “Người phạm tội phải bồi thường…” nhưng không chỉ người phạm tội phải bồi thường mà tùy từng vụ án cụ thể việc xác định trách nhiệm bồi thường được thực hiện, như sau:

Thứ nhất, trường hợp vụ án có nhiều bị cáo và tất cả các bị cáo phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, thì Tòa án buộc từng bị cáo phải bồi thường theo phần hoặc theo mức độ lỗi của từng bị cáo. Đối với vụ án có nhiều bị cáo bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản nhưng chỉ một bị cáo chiếm giữ và định đoạt tài sản bị chiếm đoạt thì chỉ bị cáo đó phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Thứ hai, trong trường hợp vụ án có nhiều người cùng thực hiện hành vi phạm tội nhưng có người không bị truy cứu TNHS và được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì người bị kết án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải bồi thường. Mức độ bồi thường được chia theo phần hoặc theo mức độ lỗi.

Thứ ba, trường hợp người phạm tội là người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 15 tuổi mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà người phạm tội có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 BLDS. Ở trường hợp này, Tòa án phải xác định và triệu tập cha, mẹ của người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 15 tuổi tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn dân sự.

Thứ tư, trường hợp người phạm tội là người từ đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi thì họ phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra bằng chính tài sản của mình, nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường thay phần còn thiếu. Ở trường hợp này, Tòa án phải xác định và triệu tập cha, mẹ của người từ đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Trong các trường hợp trên, nếu người phải bồi thường thiệt hại không phải là người bị kết án thì Tòa án không áp dụng khoản 1 Điều 42 BLHS mà áp dụng các điều luật tương ứng của BLDS để buộc họ phải bồi thường thiệt hại.

-Theo quy định tại khoản 2 Điều 42 BLHS: “Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.” Thiệt hại về tinh thần của con người được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại phải gánh chịu những đau thương, buồn phiền, mất mát về tinh thần, giảm sút về uy tín, bị bạn bè xa lánh do hiểu nhầm,…và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ đã gánh chịu. Tuy khoản 2 Điều 42 BLHS chỉ quy định“Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần…” mà không nêu cụ thể là những tội phạm nào gây thiệt hại về tinh thần cho người bị hại, nhưng theo quan điểm của người viết, các tội xâm phạm đến tính mạng (trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt), sức khỏe, danh dự, nhân phẩm là những tội phạm gây thiệt hại về tinh thần cho người bị hại. Việc bồi thường tổn thất về tinh thần cho người bị xâm hại về sức khỏe đã được đề cập ở phần trên, do vậy, có thể hiểu thiệt hại về tinh thần mà người phạm tội phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 42 BLHS là thiệt hại về tinh thần do các tội xâm phạm đến tính mạng (trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt), danh dự, nhân phẩm gây ra cho người bị thiệt hại. Tuy là thiệt hại về tinh thần nhưng người phạm tội phải bồi thường bằng vật chất theo quy định tại Điều 611 BLDS, mà theo đó, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Ngoài việc buộc người phạm tội phải bồi thường vật chất do việc gây tổn hại về tinh thần, Tòa án còn buộc người phạm tội công khai xin lỗi người bị hại. Biện pháp buộc người phạm tội công khai xin lỗi người bị hại có thể được áp dụng và thực hiện trên cơ sở tự nguyện của người phạm tội và sự đồng ý của người bị hại, do pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể thủ tục người phạm tội công khai xin lỗi người bị hại, nên trong thực tiễn việc nhận thức và áp dụng chưa thống nhất nhau, cụ thể: Quan điểm thứ nhất cho rằng, để đảm bảo thật sự phát huy tác dụng của biện pháp này, thì việc công khai xin lỗi được thực hiện tại phiên tòa trước sự chứng kiến của HĐXX, những người tham dự phiên tòa và được ghi trong Biên bản phiên tòa. Những người ủng hộ quan điểm thứ hai cho rằng, vì bản án và quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật nên việc buộc bị cáo công khai xin lỗi người bị hại tại phiên tòa là vi phạm quy định tại Điều 255 BLTTHS. Bởi ngay cả các BPTP khác mà HĐXX áp dụng trong bản án như trả lại tài sản, sửa chữa  hoặc bồi thường thiệt hại chỉ được thi hành khi bản án có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất, rất cần sự hướng dẫn thống nhất nhận thức và áp dụng việc thực hiện BPTP này.

3.2. Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh

Theo quy định tại Điều 43 BLHS, có 3 trường hợp áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thuộc thẩm quyền của Tòa án như sau:

-Trường hợp thứ nhất, đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 BLHS, thì đối tượng này không phải chịu TNHS nhưng phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Nhưng tại khoản 1 Điều 43 BLHS có quy định Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh; nếu thấy không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nôm dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền.

-Trường hợp thứ hai, đối với người phạm tội trong khi có năng lực TNHS nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 BLHS, thì đối tượng này được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và tại khoản 2 Điều 43 BLHS quy định Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sauk hi khỏi bệnh, người đó có thể phải chị TNHS.

-Trường hợp thứ ba, đối với người đang chấp hành hình phạt mà mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Theo quy định tại tại khoản 3 Điều 43 BLHS, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt.

Khi áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với các trường hợp trên cần lưu ý:

Một là, vì điều luật chỉ quy định “Tòa án… có thể quyết định” nên phải hiểu người có thẩm quyền áp dụng BPTP này là Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án. Vì, khoản 2 Điều 38 BLTTHS quy định khi tiến hành giải quyết vụ án hình sự, Chánh án, Tòa án có quyền ra các quyết định và tiến hành các hoạt độgn tố tụng thuộc thẩm quyền của Tòa án và tại khoản 3 Điều 38 BLTTHS quy định khi được phân công giải quyết vụ án, Phó Chánh án Tòa án có nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật này.

Hai là, căn cứ để ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh là kết quả giám định của Hội đồng giám định pháp y, do vậy, trong mọi trường hợp để việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Tòa án phải quyết định trưng cầu giám định pháp y trước khi áp dụng BPTP này.

Ba là, theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, thì cơ sở điều trị chuyên khoa tâm thần, gồm: Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương và Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị những người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực phía Bắc; Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị những người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên; Phân viện Giám định pháp y tâm thần phía Nam và Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị những người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực phía Nam. Do vậy, khi áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Tòa án không được quyết định cho phép người bị bắt buộc chữa bệnh điều trị tại các bệnh viện khác thuộc ba cơ sở trên.

Bốn là, về thời gian bắt buộc chữa bệnh, tại Điều 44 BLHS quy định:“Căn cứ vào kết luận của cơ sở điều trị, nếu người bị bắt buộc chữa bệnh quy định tại Điều 43 của Bộ luật này đã khỏi bệnh, thì tuỳ theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án xét và quyết định đình chỉ việc thi hành biện pháp này.”, như vậy, khi đình chỉ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người phạm tội trong khi có năng lực TNHS nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, Tòa án khôi phục lại hoạt động tố tụng đối với họ.

4. Áp dụng biện pháp tư pháp thay thế hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội

4.1.Áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là BPTP được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng. Thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ một năm đến hai năm do Tòa án quyết định. Theo khoản 4 Điều 69 BLHS, thì “Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này”, như vậy, cần phải hiểu Tòa án ở đây là Hội đồng xét xử và việc quyết định áp dụng BPTP phải được thể hiện bằng quyết định của bản án tại phiên tòa. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án không có quyền áp dụng các BPTP này. Người phạm tội được giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, lao động, tuân theo pháp luật dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền xã, phường, thị trấn và tổ chức xã hội được Tòa án giao trách nhiệm.

4.2. Áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng

Đưa vào trường giáo dưỡng là BPTP áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội có tính nghiêm khắc hơn so với biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Luật không quy định điều kiện để Tòa án quyết định đưa người chưa thành niên phạm tội vào trường giáo dưỡng, nhưng theo quy định tại khoản 3 Điều 70 BLHS, Tòa án phải xem xét và quyết định có cần hay không việc đưa người chưa thành niên phạm tội vào trường giáo dưỡng, việc quyết định đưa họ vào trường giáo dưỡng phải căn cứ vào tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội; nhân thân người phạm tội và những tác động không thuận lợi từ môi trường sống của người đó.

Thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng là từ một năm đến hai năm. Khi chấp hành được ½ thời hạn do Tòa án quyết định, nếu có nhiều tiến bộ, theo đề nghị của tổ chức, cơ quan, nhà trường được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục, tòa án có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc thời hạn ở trường giáo dưỡng. Thực tiễn xét xử có trường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội họ chưa đủ 18 tuổi, khi xét xử chỉ còn 09 đến 12 tháng nữa là đủ tròn 18 tuổi, nên theo quan điểm của người viết, Tòa án không nên quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng với trường hợp này, vì chỉ một thời gian ngắn họ là người thành niên, mà không thể để người đã thành niên ở lại trường giáo dưỡng, vì trường giáo dưỡng là môi trường giáo dục chỉ dành riêng cho đối tượng là người chưa thành niên, do vậy, khi xét xử Tòa án cần xem xét thật kỹ độ tuổi của bị cáo để quyết định có áp dụng BPTP này hay không, thời gian có lẽ là thích hợp nhất để áp dụng BPTP này tính đền thời điểm xét xử, bị cáo ít nhất còn 24 tháng tuổi nữa mới là người thành niên. Bởi nếu như, họ đã chấp hành được ½ thời gian tại trường giáo dưỡng, nhưng thực tế không có nhiều tiến bộ, điều này đồng nghĩa với việc không thể xem xét chấm dứt thời hạn ở trường giáo dưỡng được, trong khi đó họ đã là người thành niên, mà việc họ tiếp tục ở lại trường giáo dưỡng như những người chưa thành niên là tác nhân xấu đến công tác giáo dục, cải tạo của nhà trường.

Trên đây là một số nội dung quy định của pháp luật hiện hành về BPTP làm cơ sở pháp lý để các CQTHTT theo thẩm quyền áp dụng xử lý vào từng trường hợp cụ thể, đồng thời cũng từ thực tiễn thi hành đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập cần được hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, phục vụ tốt hơn cho hoạt động của các CQTHTT, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng và quan trọng hơn pháp luật được tuân thủ nghiêm ngặt.

 

 Th.S Lê Văn Sua



[1] Xem Mục 2 Phần II Nghị quyết số 03/2006/ND-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của BLDS về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.