Quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng, bán, phòng chống tác hại của thuốc lá-kiến nghị hoàn thiện

27/06/2015
 

Nói đến tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe của con người và sự ô nhiễm môi trường thì ai ai cũng biết cho dù hút thuốc lá ở dạng chủ động hay bị động, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do việc sử dụng thuốc lá gây ra, ngoài việc tuyên truyền vận động trong cộng đồng dân cư phấn đấu tạo môi trường sống không có khói thuốc lá, nhất là những người có thói quen hút thuốc lá mà chưa thể từ bỏ hẳn, pháp luật cũng quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng thuốc lá không đúng nơi quy định, bán thuốc lá cho trẻ em,…Để thực hiện một số quy định có liên quan đến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013 (viết tắt Luật Phòng, chống THCTL), ngày 14/11/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 176/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2013 (viết tắt Nghị định 176/2013/NĐ-CP). Mà theo đó, từ Điều 23 đến Điều 27 của nghị định này, quy định việc địa điểm cấm hút thuốc lá; vi phạm quy định về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá; vi phạm về cai nghiện thuốc lá;… Từ khi triển khai thi hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực này trong đời sống xã hội cho đến nay, nhìn chung đã có sự chuyển biến tích cực trong ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật của người dân về chấp hành các quy định liên quan đến sử dụng thuốc lá, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho người thực thi công vụ xử lý các vi phạm pháp luật hành chính liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua nghiên cứu người viết thấy rằng một số quy định của Nghị định 176/2013/NĐ-CP đặc biệt là tại các điều 23, 24, 25 cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn để thống nhất trong áp dụng hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện hơn, cụ thể:

Thứ nhất, về xử phạt vi phạm hành chính đối với người hút thuốc lá tại nơi cấm hút thuốc lá, được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, như sau: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng;”Thực tế áp dụng quy định này để xử phạt vi phạm hành chính đối với người vi phạm là vô cùng khó khăn, vì mấy lý do sau:

Một là, tại khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (viết tắt Luật XLVPHC) có quy định: “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.”, như vậy, với trường hợp vi phạm mà không có các tình tiết giảm nhẹ hoặc tiết tăng nặng theo quy định tại Điều 9[1] và Điều 10[2] của Luật XLVPHC, thì mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Chiếu quy định này, khi áp dụng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị định 176/2013/NĐ-CP thì mức trung bình của khung tiền phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng là 150.000 đồng. Mặt khác, quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 56 Luật XLVPHC: “Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.” Áp dụng quy định này, người có thẩm quyền xử phạt sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi sử dụng thuốc lá tại nơi quy định “cấm hút thuốc lá”, tuy nhiên, người vi phạm trong nhiều trường hợp cố tình không xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy phép lái xe hay giấy tờ tùy thân khác, với lý do không mang theo, nên họ sẵn sàng khai báo thông tin về cá nhân họ hoàn toàn là giả hoặc có trường hợp họ khai báo đầy đủ nhưng lại là tên họ, địa chỉ có thật của người khác cùng ở địa phương hoặc cơ quan công tác, trong khi đó, người có thẩm quyền khi thi hành công vụ không thể tiến hành khám xét để đối chiếu thông tin mà họ khai báo với giấy tờ tùy thân mà họ mang theo có bảo đảm thật chính xác không, chính vì vậy, việc ra quyết định trong những trường hợp như thế rõ ràng là không bảo đảm việc xử phạt vi phạm đúng người, đúng pháp luật để có tác dụng giáo dục răn đe và phòng ngừa chung.

Hai là, thực tế đối với trường hợp người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ, người vi phạm thường nêu ra nhiều lý do để né tránh hoặc trì hoãn việc thi hành nộp phạt, như không đủ tiền hoặc không mang theo tiền,…mà cơ quan chức năng không thể tạm giữ bất kỳ giấy tờ cá nhân hay tài sản gì của người vi phạm để bảo đảm việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nên đành phải chấp nhận việc họ sẽ nộp phạt theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 69 Luật XLVPHC. Và như trên đã phân tích, do thông tin cá nhân mà họ khai báo không chính xác, nên việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 86 Luật XLVPHC là điều thật sự bế tắc.

Ba là, theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 56 Luật XLVPHC: “Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.”, với trường hợp này lại càng khó khăn hơn, vì nếu như phương tiện tham gia giao thông trên đường mà người điều khiển vi phạm quy định bảo đảm an toàn giao thông được phát hiện bởi camera ghi hình, thì cơ quan chức năng chắc chắn có thể ra quyết định xử phạt vi phạm thông qua hình ảnh phương tiện vi phạm còn lưu giữ, bởi theo đó có biển số kiểm soát đăng ký của phương tiện và thông tin của người đứng tên đăng ký phương tiện được lưu trữ trên hệ thống, còn đối với con người cụ thể việc tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính thông qua camera ghi hình để ra quyết định xử phạt là điều không khả thi, bởi lẽ, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt chỉ nhìn thấy hình ảnh người vi phạm được lưu giữ thông qua file hình ảnh, mà không thể biết chính xác các thông tin cá nhân họ (tên họ, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nơi cư trú,…) thì làm sao mà ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 67, Điều 68 Luật XLVPHC!

Thứ hai, Điều 24 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP có quy định xử phạt vi phạm đối với hành vi bán thuốc lá, như sau:

“1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá;

b) Bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.”

Theo tinh thần của quy định tại khoản 1 vừa nêu trên, người sử dụng thuốc lá mà chưa đủ 18 tuổi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ mức 100.000 đồng đến 300.000 đồng, mà không phân biệt người chưa thành niên đó sử dụng thuốc lá bất kỳ nơi đâu. Qua nghiên cứu quy định này thấy rằng: Một trong những quy định cấm của Luật Phòng, chống THCTL, đó là cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá (khoản 4 Điều 9), từ đó, khoản 1 Điều 24 Nghị định 176/2013/NĐ-CP cụ thể hóa quy định này để xử phạt vi phạm với đối tượng là người chưa thành niên hút thuốc lá là cần thiết. Tuy nhiên, nghiên cứu quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 176/2013/NĐ-CP người viết thấy cần góp ý mấy vấn đề sau:

Một là, Điều 5 Luật XLVPHC có quy định rõ các đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính, mà theo đó, tại điểm a khoản 1 của Điều này quy định: Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.”, với quy định này chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên trong hai trường hợp sau: i) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; ii) Người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. Như vậy, với trường hợp người vi phạm hành chính mà chưa đủ 14 tuổi thì pháp luật không cho phép được xử phạt. Từ đó thấy rằng với quy phạm quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 176/2013/NĐ-CP thì người hút thuốc lá mà chưa đủ 14 tuổi trở xuống vẫn phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Quy định này rõ ràng là trái với Điều 5 của Luật XLVPHC, cần phải được sửa đổi cho phù hợp. Đây là hạn chế về mặt kỹ thuật xây dựng văn bản cần được khắc phục.

Hai là, với trường hợp vi phạm quy định về hút thuốc lá là người chưa thành niên, theo người viết việc quy định hình thức xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền cũng là cần thiết, tuy nhiên, việc quy định mức xử phạt vi phạm về cùng hành vi vi phạm hút thuốc lá của người chưa đủ 18 tuổi bằng với khung xử phạt vi phạm hành chính là hình phạt tiền đối với người thành niên và kể cả là nhân viên tư vấn cai nghiện thuốc lá là thật không hợp lý (mức phạt tiền tối thiểu và tối đa của khoản 1 Điều 23 và khoản 1 Điều 24 với khoản 1 Điều 26 Nghị định 176/2013/NĐ-CP), rõ ràng người đã thành niên được xem là nhận thức về xã hội, nhận thức về pháp luật,..cơ bản đầy đủ hơn so với người chưa thành niên, nếu cho rằng cứ có hành vi vi phạm thì phải  áp dụng chế tài để xử phạt mà không phân biệt đối tượng vi phạm là ai, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hay người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi,  là không quan tâm đầy đủ, đúng mức và toàn diện các yếu tố chi phối dẫn đến vi phạm của người chưa thành niên, như yếu tố tâm sinh lý, nhận thức xã hội, cả môi trường giáo dục,…là chưa thật sự đề cao tính nhân văn của pháp luật xã hội chủ nghĩa, coi trọng về công tác tuyên truyền giáo dục thuyết phục hơn là biện pháp xử phạt với mức thật nặng, vì suy cho cùng việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Hơn nữa, trong các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 9 Luật XLVPHC, đối vi phạm hành chính là người chưa đủ 18 tuổi không được coi là tình tiết giảm nhẹ để xem xét khi quyết định việc xử phạt. Nên đây cũng là nội dung đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét bổ sung quy định theo hướng coi đối tượng vi phạm hành chính là người chưa thành niên để xem xét giảm nhẹ khi quyết định mức xử phạt vi phạm. Ngay cả pháp luật hình sự, nhà làm luật cũng có những quy định riêng đối với người chưa thành niên phạm tội, cụ thể Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có một số quy định xử phạt đối với người chưa thành niên như sau:

-Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (đoạn 3 khoản 5 Điều 69);

-Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Mức phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật  quy định.(Điều 72);

-Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó. Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định.(Điều 73);

- Theo quy định tại Điều 7, người chưa thành niên phạm tội chỉ bị phạt tù có thời hạn theo quy định sau đây:

1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư  mức phạt tù mà điều luật quy định;

2.  Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai  mức phạt tù mà điều luật quy định.

Từ đó, người viết kiến nghị sửa đổi một số quy định tại Điều 24 Nghị định 176/2013/NĐ-CP theo hướng được viết lại như sau:

Điều 24. Vi phạm quy định về bán thuốc lá

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi: Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Tịch thu  thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.

Thứ ba, tại điểm b khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống THCTL, có quy định việc bán thuốc lá phải đáp ứng các yêu cầu sau: “…đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá.”, như vậy, Luật quy định rất rõ chủ thể được nói đến tại điểm b khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống THCTL là đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá; hành vi mà pháp luật quy định phải làm, đó là, không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá. Nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, mà theo đó, bị coi là vi phạm quy định về bán thuốc lá, bao gồm các hành vi sau:

a) Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá;

b) Bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật.”

Với quy định như điểm a vừa nêu thì không có gì phải bàn vì hoàn toán phù hợp với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống THCTL, nhưng với quy định tại điểm b rõ ràng gặp nhiều vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn xử phạt, cụ thể:

Một là, khi xây dựng quy phạm pháp luật này đã không quy định rõ chủ thể cần hướng đến để điều chỉnh là ai, ngay cả khoản 2 Điều 24 Nghị định 176/2013/NĐ-CP cũng vậy, nên khi áp dụng chắc sẽ lung túng, bởi vì trên thực tế vi phạm quy định này có thể là đại lý bán buôn hoặc đại lý bán lẻ hay đối tượng là điểm bán lẻ, người bán lẻ dạo, trong khi đó điểm b khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống THCTL ghi rất rõ chủ thể mà quy định của pháp luật hướng đến chỉ là đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá, do vậy, nếu quy định chung chung như điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định 176/2013/NĐ-CP rõ ràng sẽ gây khó khăn cho người có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp phát hiện vi phạm này, cụ thể, nếu là điểm bán sĩ, điểm bán buôn mà vi phạm quy định này thì người có thẩm quyền xử phạt có áp dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định 176/2013/ND-CP để ra quyết định xử phạt vi phạm không? Rõ ràng là không. Vì tại điểm b khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống THCTL chỉ quy định đối với đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá mà thôi. Do vậy, rất cần sự quy định rõ ràng hơn và chính xác hơn.

Hai là, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống THCTL có quy định: Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác.”, vì vậy, người hút thuốc lá là loại thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc rê - Thuốc rê Cao Lãnh[3], thuốc rê Long Khánh[4],… ), thuốc lào tại các địa điểm bị cấm hút thuốc lá theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Luật Phòng, chống THCTL, đều bị coi là vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá và phải bị xử phạt vi phạm hành chính, do vậy, nếu quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bán thuốc lá không ghi nhãn mác, trong đó bao gồm cả việc bán thuốc lá sợi, thuốc rê là không rõ ràng, không phù hợpvới thực tế. Trước hết, không phù hợp với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống THCTL, vì nội dung quy định này hoàn toàn không đề cập đến việc cấm bán thuốc lá không ghi nhãn mác của đối tượng là điểm bán sỉ, điểm bán lẻ. Hơn nữa, thực tế cho thấy đối với loại thuốc lá sợi, thuốc rê sau khi được chế biến thành phẩm mang ra tiêu thụ trên thị trường dưới dạng nguyên liệu thô không ghi nhãn mác, không được đóng gói hay bao bì theo một quy chuẩn nào, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào kiểm tra chất lượng trước khi đến tay người sử dụng, nên việc các điểm bán sỉ, điểm bán lẽ cũng không xuất trình được nhãn mác, bao bì là chuyện bình thường và lỗi này không phải do chính họ tạo ra, nên việc áp dụng quy định để xử phạt vi phạm hành chính là không hợp lý. Hơn nữa, loại thuốc lá không nhãn mác này thường được bán nhiều ở các chợ vùng nông thôn (nhất là các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ; vùng cao miền núi, đối tượng sử dụng là người lao động phổ thông, người dân tộc; đơn vị tính khi mua bán lẻ là lạng, gram chứ không phải là tút, gói hay điếu, do vậy, người bán lẻ, điểm bán lẻ loại thuốc lá này cũng không thể tìm đâu ra nhãn mác, mà chỉ biết đó là thuốc lá sợi vàng (thuốc rê Long Khánh), thuốc lá sợi đen (thuốc rê Định Quán), thuốc rê Cao Lãnh,…nên việc quy định xử phạt vi phạm hành chính như điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định 176/2013/NĐ-CP là không khả thi, bởi ngay từ nơi xuất xứ của nó cơ quan chức năng không quản lý được bằng pháp luật (hình thức đóng gói, bao bì; thương hiệu; chỉ dẫn địa lý,…) thì làm sao có thể tung hết lực lượng chức năng đi kiểm tra, xử lý những cụ bà ngồi cuối chợ để bán mớ trầu, cau và thuốc lá sợi, thuốc rê trong phạm vi cả nước được và chắc chắn rằng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo phân cấp cũng không ai triển khai thực hiện trong thực tế điều đó.

Ba là, theo quan điểm của người viết việc quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu thuốc lá vào nước ta nhưng không thực hiện ghi nhãn mác, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật, nếu nghiêm trọng hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự là hợp lý và cần thiết, chính vì vậy, điểm a khoản 2 Điều 25 Nghị định 176/2013/ND-CP có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này, còn đối với đối tượng là điểm bán lẻ nếu quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi bán thuốc lá không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật là không thỏa đáng, vì điểm bán lẻ, người bán lẻ thuốc lá chỉ làm dịch vụ chuyển sản phẩm đến tay người tiêu dùng, còn việc kiểm soát sản phẩm đó về hình thức mẫu mã có đúng quy định của pháp luật không, có đủ điều kiện được phép lưu thông trên thị trường không là thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả,…

Bốn là, về biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định 176/2013/ND-CP: Buộc thu hồi thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.”Quy định này, cũng không thật khả thi, vì: Trong các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (viết tắt Luật XLVPHC), biện pháp buôc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng được quy định tại điểm h khoản 1 của Điều này. Theo Điều 36 Luật XLVPHC quy định về buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, như sau: “Cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng đã đăng ký hoặc công bố và hàng hóa khác không bảo đảm chất lượng, điều kiện lưu thông thì phải thu hồi các sản phẩm, hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện”. Vấn đề đặt ra, nếu phát hiện đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá mà bán thuốc lá không nhãn mác, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật, theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định 176/2013/NĐ-CP phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi sản phẩm đó, nhưng buộc ai phải thu hồi? Trong khi sản phẩm là đối tượng phải thu hồi không nhãn mác, nghĩa sản phẩm đó chắc chắn không bảo đảm chất lượng nên cơ sở sản xuất đã đăng ký hoặc công bố nên cũng không đủ điều kiện lưu thông, do vậy, chắc chắn sẽ không tìm thấy thông tin hoặc có nhưng không chính xác và đầy đủ về sản phẩm đó (nhà sản xuất, chỉ dẫn địa lý, số điện thoại liên hệ,…)  nên rõ ràng không thể thực hiện quy định như tại khoản 3 Điều 24 Nghị định 176/2013/NĐ-CP được, mà trong những trường hợp như thế, có thể áp dụng biện pháp tịch thu tiêu hủy là khả thi nhất.

Thứ tư, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Luật Phòng, chống THCTL, mà theo đó, điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn là nơi công cộng. Nơi công cộng có thể bao gồm: Nhà ga, bến xe, quán giải khát, quán ăn, …Tuy nhiên, thực tế đang tồn tại từ lâu và khá phổ biến ở nhiều địa phương loại hình bán lẻ thuốc lá tại các quán nhậu, quán ăn, quán cà phê, công viên,… bởi đội ngũ nữ tiếp thị xinh đẹp mặc đồng phục vừa giới thiệu cho khách hút thử một số loại thuốc lá điếu nhãn hiệu, như: Marlboro, Diamond Seven,…và bán có kèm theo quà tặng. Điều đó, rõ ràng là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống THCTL: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tổ chức, cho phép hoặc bán thuốc lá tại các địa điểm quy định tại Điều 11[5], Điều 12[6], trừ điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này…”, nhưng liệu áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 27 của Nghị định này : “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi khuyến khích, vận động người khác sử dụng thuốc lá” hay áp dụng quy định tại điểm b khoản 3 của Điều 27: “Tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức;” để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này là mới chính xác? Để áp dụng quy định xử phạt thật chính xác trong trường hợp này, vấn đề là coi hành vi giới thiệu sản phẩm và bán sản phẩm có kèm theo quà tặng như trên là hành vi khuyến khích hay vận động người khác sử dụng thuốc lá hay là hành vi tiếp thị sản phẩm là thuốc lá điếu? Theo Từ Điển Tiếng Việt, “khuyến khích” (đg) tác động đến tinh thần để gây phấn khởi, tin tưởng mà cố gắng hơn. Khuyến khích các em học tập; Khuyến khích vật chất.  “Vận động” (đg) tuyên truyền, giải thích, động viên làm cho người khác tự nguyện làm việc gì, thường là theo một phong trào nào đó. Vận động nhân dân quyên góp (Nhà xuất bản Đà Nẵng – 1998, tr 498; tr 1067). “Tiếp thị” là gì? theo Peter Drucker, lý thuyết gia quản trị xuất chúng từng cho rằng: “Tiếp thị làm cho chức năng của bán hàng trở nên dư thừa. Mục tiêu của tiếp thị là biết và hiểu khách hàng để sản phẩm và dịch vụ phù hợp với họ tới mức chúng có thể tự bán. Lý tưởng nhất là làm cho khách hàng sẵn sàng mua. Việc còn lại chỉ là tung ra sản phẩm và dịch vụ”[7]. Như vậy, xét về từ ngữ giữa “khuyến khích”; “vận động”; “tiếp thị” tuy có khác nhau, nhưng về mặt nghĩa của nó thì gần như tương đồng với nhau, nghĩa làm sao người tiêu dùng cảm thấy hài lòng khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm đó. Thông thường khi nói đến “tiếp thị” thì người ta liên tưởng ngay đến các hoạt động của công ty, doanh nghiệp nhằm quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình (như đưa sản phẩm của doanh nghiệp mình về vùng nông thôn thông qua hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hành Việt Nam”, nhưng điều đó không có nghĩa “tiếp thị” chỉ nói đến tổ chức, cơ quan công ty, doanh nghiệp, mà trong nhiều trường hợp cá nhân cũng thực hiện các hoạt động tiếp thị vì lợi ích chính bản thân họ. Do vậy, để thống nhất về nhận thức trong quá trình áp dụng, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn, giải thích cụ thể trường hợp vi phạm nào thì áp dụng quy định tại khoản 1 và trường hợp vi phạm nào thì áp dụng điểm b khoản 3 Điều 27 Nghị định 176/2013/NĐ-CP để ra quyết định xử phạt được chính xác.

Mặt khác, với ví dụ như trên đã nêu, ngoài việc áp dụng quy định xử phạt đối với người có hành vi vi phạm thì đối với chủ quán, người có trách nhiệm quản lý nơi công cộng đó có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Vì như quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống THCTL: Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tổ chức, cho phép hoặc bán thuốc lá tại các địa điểm quy định cấm hút thuốc lá. Rõ ràng trường hợp này, chủ quán, người có trách nhiệm quản lý nơi công cộng đó cũng bị xử phạt là mới bảo đảm lẽ công bằng, bởi nếu họ không đồng ý cho phép đội ngũ nữ nhân viên bán thuốc lá Marlboro vào quán để chào mời khách hàng sử dụng sản phẩm, thì làm gì đội ngũ nữ nhân viên này bán được thuốc lá điếu trong quán của họ.

Thứ năm, tại điểm c khoản 2 Điều 27 Nghị định 176/2013/NĐ-CP có quy định: Không đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, không quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ.”. Quy định này có giá trị bắt buộc chung mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị kể cả lực lượng vũ trang, nghĩa là không loại trừ một cơ quan tổ chức nào. Vậy với cơ quan, đơn vị Quân đội nếu không thực hiện quy định này thì việc tiến hành xử phạt vi phạm hành chính như thế nào? Chủ thể thực hiện quy định xử phạt là ai? Vì theo quy định tại các điều 89, 90, 91, 92 và 93 của Nghị định này chỉ đề cập đến thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND, Thanh tra y tế, Quản lý thị trường, Công an nhân dân. Riêng quy định tại Điều 93 thẩm quyền xử phạt của các cơ quan khác cũng không đề cập với đối tượng vi phạm nêu trên, cụ thể tại khoản 1 Điều 93 Nghị định 176/2013/NĐ-CP có quy định: “Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, cơ quan Thuế, Cục trưởng Cục Hóa chất, Thanh tra các ngành: Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Tài chính và các cơ quan khác có thẩm quyền xử phạt theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình quản lý được quy định tại Nghị định này.”. Đây cũng là vướng mắc cần có hướng dẫn cụ thể thống nhất trong nhận thức và áp dụng.

Trên đây là một số vấn đề qua nghiên cứu quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến quy định hút thuốc lá, bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi,… Từ đó, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những kiến nghị sửa đổi nhằm hòan thiện hoặc hướng dẫn ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất nhận thức, áp dụng trong thực tế. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi cùng Quí bạn đọc.

Th.S Lê Văn Sua



[1] Điều 9. Tình tiết giảm nhẹ

Những tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ:

1. Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

2. Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;

3. Vi phạm hành chính trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

4. Vi phạm hành chính do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;

5. Người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

6. Vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;

7. Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu;

8. Những tình tiết giảm nhẹ khác do Chính phủ quy định.

 [2] Điều 10. Tình tiết tăng nặng

1. Những tình tiết sau đây là tình tiết tăng nặng:

a) Vi phạm hành chính có tổ chức;

b) Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm;

c) Xúi giục, lôi kéo, sử dụng người chưa thành niên vi phạm; ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi vi phạm hành chính;

d) Sử dụng người biết rõ là đang bị tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi để vi phạm hành chính;

đ) Lăng mạ, phỉ báng người đang thi hành công vụ; vi phạm hành chính có tính chất côn đồ;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm hành chính;

g) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm hành chính;

h) Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính;

i) Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó;

k) Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính;

l) Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn;

m) Vi phạm hành chính đối với nhiều người, trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai.

2. Tình tiết quy định tại khoản 1 Điều này đã được quy định là hành vi vi phạm hành chính thì không được coi là tình tiết tăng nặng.

[3] Thuốc rê nào ngon bằng thuốc rê Cao Lãnh

Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân

[4] Thuốc lá đen: (thuốc rê) được người dân tộc thiểu số sử dụng từ rất lâu, nay sản lượng hàng năm khoảng 500 - 1000 tấn. Loại thuốc này được người dân tộc thiểu số, người Chăm và dân vùng đồng bằng sông Cửu Long ưa chuộng. Một phần cung cấp cho Nhà máy thuốc lá Đồng Nai để sản xuất thuốc lá điếu La Ngà, Hoa Mai trước đây

[5] Điều 11. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn

1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm:

a) Cơ sở y tế;

b) Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;

d) Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

2. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:

a) Nơi làm việc;

b) Trường cao đẳng, đại học, học viện;

c) Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này.

3. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.

 [6] Điều 12. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá

1. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm:

a) Khu vực cách ly của sân bay;

b) Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch;

c) Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

2. Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;

b) Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát;

c) Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

3. Khuyến khích người đứng đầu địa điểm quy định tại khoản 1 Điều này tổ chức thực hiện việc không hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà.

4. Chính phủ quy định chuyển địa điểm tại khoản 1 Điều này thành địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà phù hợp với từng thời kỳ.

 [7] http://www.smartvietnam.com/ver/index.phpact=news&mode=news_detail&n_id=189&n_pos=178&lang=vn