Một số quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần được sửa đổi

23/06/2015
 

Pháp luật của mỗi nước có thể có những quy định khác nhau về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nhưng một nguyên tắc cơ bản xuyên suốt người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại được pháp luật của nhiều nước thừa nhận. Trách nhiệm bồi thuờng thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những trách nhiệm dân sự, được áp dụng với những người có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại cho người khác. Ở nước ta, chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định từ Điều 604 đến Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2005 (viết tắt BLDS) làm cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi phát sinh tranh chấp. BLDS quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần, cùng với trách nhiệm bồi thường về vật chất tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho chế định bồi thường thiệt hại phát huy hiệu quả trong thực tế đời sống, đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội bảo đảm sự công bằng và bình đẳng xã hội. Qua nghiên cứu về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm, chúng tôi xin đưa ra một mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, khi giải quyết các vụ án liên quan đến sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng luôn phải tuân thủ nguyên tắc về bồi thường thiệt hại. Mà theo đó, Điều 605 BLDS quy định:

            “1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

            2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

            3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường”.

 Để áp dụng đúng và thống nhất quy định của BLDS trong việc giải quyết các tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, ngày 08/7/2006 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP (viết tắt Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP), mà theo đó, tại mục 2 phần I của Nghị quyết có hướng dẫn về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

           “2.1. Khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cần phải thực hiện đúng nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 605 BLDS. Cần phải tôn trọng thoả thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thoả thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội.

2.2. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần chú ý:

           a) Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ, có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của BLDS quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng đó.

           b) Để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời, Toà án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong thời hạn luật định. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự.

           c) Người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện sau đây:

           - Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại;

           - Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, có nghĩa là thiệt hại xảy ra mà họ có trách nhiệm bồi thường so với hoàn cảnh kinh tế trước mắt của họ cũng như về lâu dài họ không thể có khả năng bồi thường được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đó.

           d) Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế, có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại...”

Mục đích của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là buộc người gây thiệt hại phải bù đắp, khắc phục những thiệt hại đã xảy ra cho người bị thiệt hại, do đó, người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị thiệt hại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại. Khoản 1 Điều 605 BLDS quy định nguyên tắc thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Vậy hiểu thế nào là bồi thường “toàn bộ”?

Thuật ngữ  “toàn bộ” theo Từ điển Tiếng Việt có thể hiều là tất cả các phần, bộ phận của một chỉnh thể (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1998, tr 968). Bồi thường toàn bộ thiệt hại là bồi thường tất cả những thiệt hại rõ ràng là do phía bên gây thiệt hại gây ra, đây nguyên tắc công bằng hợp lý phù hợp mục đích cũng như chức năng khôi phục. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng khi xác định bồi thường thiệt hại về tính mạng và sức khỏe trong việc cứu chữa, hạn chế thiệt hại bởi các chi phí cứu chữa thường rất cao, trong một số trường hợp vượt quá khả năng của người bị thiệt hại. Ví dụ, lái xe Nguyễn T. điều khiển xe ô tô kiểu cứu hộ (WRECKER) chở 04 trụ điện, mỗi bên 02 trụ để dọc theo thân xe, để chở được những trụ điện này T. kéo 04 chân chống lún của xe cứu hộ (mỗi bên 02 chân) ra làm giá đỡ và dùng dây cáp buộc chặt các trụ điện vào thân xe. Khi xe đang lưu hành trên Quốc lộ 1A (đoạn km 198 + 700) thuộc ấp Kinh Ngoài, xã Tân Lợi, huyện Tân Thành, tỉnh B thì có xe ô tô khách loại 15 chỗ ngồi, biển số 60C – 8579 lưu thông ngược chiều. Khi tài xế xe khách phát hiện được xe cứu hộ chở trụ điện thì khoảng cách quá gần, nên vội đánh tay lái sang phải để tránh nhưng không kịp, tai nạn xảy ra đã xé rách toàn bộ phần thân bên trái của xe khách, thiệt hại 90%, làm chết tại chỗ 03 người và 09 người khác bị thương với tổng tỉ lệ thương tật qua kết quả giám định 192,97% . Trong đó, trường hợp của người bị hại Phan Thị M., tỉ lệ thương tật 67,87%, thời gian nằm điều trị qua các bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình,… hết 69 ngày, với các chi phí cho việc cấp cứu, phẩu thuật, điều trị, bồi dưỡng sức khỏe, phục hồi chức năng,…số tiền 95.846.500 đồng, đó là chưa kể đến khoản chi phí cho người trực tiếp chăm sóc cho bà M. trong thời gian nằm điều trị tại bệnh viện. Hoàn cảnh kinh tế gia đình của bà M. thuộc diện khó khăn, bản thân bà M. ngày bị tai nạn là trên đường trở lại giúp việc nhà cho người chủ tại TP.HCM, nên khi vụ tai nạn xảy ra, ông Trần Văn Ch. (chồng bà M.) không còn cách nào khác phải mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng 2.000 m2 đất nông nghiệp, thế chấp để vay số tiền 70.000.000 đồng để kịp thời lo chữa trị cho bà M., thời hạn vay 06 tháng, lãi suất vay mỗi tháng 1,2%, số tiền lãi phát sinh 5.040.000 đồng. Theo Quyết định của bản án hình sự sơ thẩm, chỉ chấp nhận bồi thường cho người bị hại số tiền 102.800.000 đồng, riêng số tiền lãi phát sinh do vay nợ để chi phí điều trị cho người bị hại Phan Thị M. HĐXX không chấp nhận, vì pháp luật chưa có quy định!

Từ trường hợp cụ thể mà ví dụ trên vừa nêu, rõ ràng quyền lợi hợp pháp của người bị hại Phan Thị M. chưa được pháp luật bảo vệ một cách triệt để, mặc dù, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án kết hợp lời khai của ông Ch. về số tiền lãi phát sinh trên số dư nợ 70.000.000 đồng, qua xác minh của các cơ quan tiến hành tố tụng vụ án khẳng định là đúng sự thật. Việc ông Ch. vay số tiền 70.000.000 đồng nhằm kịp thời chi phí cho cấp cứu điều trị thương tích cho vợ - nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông, hay nói cách khác, chính vụ tai nạn giao thông mới là nguyên nhân buộc gia đình ông phải vay nợ, để rồi phải chịu thiệt hại về kinh tế, nhưng tại sao pháp luật không quy định bên gây thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại phát sinh mà họ đã gây ra cho bên bị thiệt hại, cho dù những thiệt hại đó là trực tiếp hay gián tiếp?  Trong khi đó, theo Điều 609 BLDS quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại, cũng không quy định buộc bên gây thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại phát sinh do bên gây thiệt hại gây ra, cụ thể:

“1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”

 Bên cạnh đó, về bồi thường kịp thời cũng cần được hiểu và áp dụng thống nhất từ phía các cơ quan thực thi pháp luật.

Thế nào là bồi thường kịp thời? Theo Từ điển Tiếng Việt “kịp thời” là đúng lúc, không chậm trễ (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1998, tr 512). Do vậy có thể hiểu, người gây thiệt hại phải bồi thường ngay mà không cần chờ phán quyết của Tòa án. Tòa án cũng nên áp dụng triệt để nguyên tắc này khi giải quyết các vụ việc liên quan đến tính mạng và sức khỏe bị xâm phạm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại một cách nhanh nhất đồng thời ngăn chặn sự dây dưa, chây ỳ không tích cực thực hiện nghĩa vụ phải bồi thường của người gây thiệt hại. Trong trường hợp người gây thiệt hại có khả năng về kinh tế nhưng không chịu bồi thường ngay để cấp cứu, chữa trị cho người bị thiệt hại trong thời gian điều trị, phục hồi sức khỏe thì tùy từng trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có thể ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc người gây thiệt hại phải bồi thường ngay cho người bị thiệt hại.

Tuy nhiên thực tiễn xét xử cho thấy việc vận dụng nguyên tắc bồi thường kịp thời còn quá nhiều vướng mắc. Trong ví dụ trên, vụ tai nạn xảy ra hồi 04 giờ 25 phút ngày 05/12/2011 đến ngày 31/12/2012 vụ án mới được xét xử sơ thẩm, trong khoảng thời gian các cơ quan tiến hành tố tụng đang tiến hành các hoạt động nghiệp vụ, nghĩa là chưa có kết luận cuối cùng xác định mức độ lỗi và trách nhiệm dân sự của mỗi bên trong vụ án, nên các bị đơn dân sự (chủ xe cứu hộ WECKER và chủ xe khách 15 chỗ ngồi) cũng chỉ tự nguyện ứng trước khoản tiền ban đầu gọi là “tạm ứng”, chính vì vậy, nên số tiền tạm ứng này chỉ tương đương 2/10 trên tổng số thiệt hại mà bản án sơ thẩm tuyên buộc các bị đơn phải bồi thường cho phía người bị hại. Với phép tính đơn giản sẽ cho ngay kết quả là 8/10 còn lại (tương đương số tiền 1.390.551.600 đồng), gia đình của 03 người chết, 09 người bị thương trong vụ tai nạn đó phải tự gánh chịu. Trong khi đó, theo hướng dẫn tại điểm b, tiểu mục 2.2 mục 2 phần I Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP: “Để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời, Toà án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong thời hạn luật định. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự.”. Đối chiếu với ví dụ trên, vụ án được đưa ra xét xử xét về mặt thời gian tuy có dài (hơn 01 năm, xảy ra ngày 05/12/2011, Tòa án sơ thẩm xét xử 31/12/2012), nhưng không phải do lỗi ở Tòa án vì việc tổ chức xét xử vụ án này không quá thời gian luật định theo quy định tại khoản 2 Điều 176 BLTTHS. Mặt khác, hiểu thế nào là trường hợp cần thiết để áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, đang là vấn đề còn nhiều cách hiểu khác nhau, bởi đây là phần dân sự trong vụ án hình sự, chứ không đơn thuần là vụ án dân sự, chính vì vậy, việc áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 102 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể.

Thứ hai, Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình. Với nguyến tắc này thì người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện sau:

- Một là, do lỗi vô ý mà gây thiệt hại. Nếu người gây thiệt hại mà do lỗi cố ý gây thiệt hại thì không được áp dụng nguyên tắc này bởi vì người gây thiệt hại chú ý gây ra thiệt hại mà theo lỗi cố ý gây thiệt hại là người gây thiệt hại nhận thức rõ hành vi của mình là gây thiệt hại, thấy trước thiệt hại của hành vi đó và mong muốn thiệt hại xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho thiệt hại xảy ra. Do vậy người gây thiệt hại phải hoàn toàn chịu trách nhiệm do lỗi của mình về hành vi đó. Đối với lỗi cố ý thì người gây thiệt hại không được giảm mức bồi thường. Họ chỉ được giảm mức bồi thường do lỗi vô ý, còn lỗi cố ý thì phải bồi thường toàn bộ dù người gây thiệt hại có hoàn cảnh kinh tế khó khăn về trước mắt và lâu dài, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận với nhau về mức bồi thường. Thực tế ở vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa...các Tòa án đã tuyên mức án phù hợp nhưng người gây thiệt hại vẫn không thể bồi thường do kinh tế khó khăn, nhưng vì pháp luật như vậy nên không thể áp dụng khác. Nguyên tắc này đặt ra nhằm bảo đảm phán quyết của Tòa án đưa ra được thi hành ngay và có hiệu quả, vì thực tế rất nhiều các vụ án các bản án, quyết định của Tòa án ban hành nhưng cơ quan Thi hành án không thi hành được thì cũng không có ý nghĩa.

- Hai là, thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài. Khi mức độ thiệt hại có thể lớn hơn khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại thì người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường thiệt hại. Tất nhiên, điều kiện này luôn đi cùng với điều kiện lỗi vô ý của người gây thiệt hại. Trong thực tiễn xét xử các vụ án về bồi thường thiệt hại đến sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm, để xác định như thế nào là: “thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình” là một vấn đề rất phức tạp. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, mà quyết định cho thỏa đáng, tránh trường hợp giảm quá ít thì không có ý nghĩa thiết thực, và ngược lại, không nên giảm quá nhiều do lo ngại không thể thi hành án được. Cụm từ “khả năng kinh tế” cũng là một vấn đề cần xác định rõ nhằm để xem xét trường hợp nào thì được giảm mức bồi thường thiệt hại, trường hợp nào thì không được giảm bồi thường, đồng thời cũng là để bảo vệ quyền lợi, bảo đảm tính công bằng, tránh sự gian lận, lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm bồi thường của người gây ra thiệt hại. Cũng trong vụ án trên, qua xác minh được biết chủ xe ô tô khách loại 15 chỗ ngồi, biển số 60C – 8579 do bà Trần Thị Kim Nguyên làm chủ, trước đó, tháng 6/2011 bà đã thế chấp giấy tờ ngôi nhà của mình để vay tiền mua chiếc xe ô tô 15 chỗ ngồi hiệu HUYNDAI để làm phương tiện kinh doanh vận tải hành khách (tại thời điểm xác minh số dư nợ tại Ngân hàng Sacombank – Chi nhánh T.T là 870.000.000 đồng); chiếc xe ô tô 15 chỗ ngồi bị hư hỏng nặng 90%; bản thân chồng bà bị bệnh tai biến di chứng để lại liệt nữa người bên phải. Vậy trong trường hợp này khi giải quyết, Tòa án có phải coi thiệt hại mà phía bên xe ô tô 60C-8579 gây ra cho những người bị hại là quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài để xem xét giảm mức bồi thường không? Nếu có, thì căn cứ vào những tiêu chí nào? Mức giảm bao nhiêu? Thủ tục được giảm gồm những tài liệu gì?...

Thứ ba, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm. Điều 610 BLDS quy định:

“1.Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

b. Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c. Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do nhà nước quy  định.”  

Như vậy thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, bao gồm:

* Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết: Những chi phí hợp lý có thể chấp nhận đó là những chi phí chỉ đặt ra trong trường hợp người bị thiệt hại sau khi bị người gây thiệt hại xâm phạm đến thân thể nhưng chưa bị chết ngay vì vậy khoản thiệt hại này rất cần thiết trong việc xác định thịêt hại do tính mạng bị xâm phạm. Những khoản chi phí cứu chữa người bị thiệt hại trước khi chết xác định giống như chi phí cứu chữa người bị thiệt hại khi sức khỏe bị xâm phạm.

* Chi phí hợp lý cho việc mai tang: Theo Nghị quyết 03/HĐTP-TANDTC thì các khoản: Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: Tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi phí khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...

Tuy nhiên thực tiễn xét xử cho thấy, có những khoản chi phí mà phía người bị thiệt hại, có chi thực tế nhưng do khách quan nên không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem đó là chi phí hợp lý, vì cho rằng để coi là chi phí hợp lý, thì chi phí đó phải phù hợp với mặt bằng giá cả chung tại địa phương hoặc mức giá trung bình ở nơi có cung cấp dịch vụ và phải có hóa đơn, chứng từ thể hiện đầy đủ. Ví dụ, người bị hại khi được đưa đến cấp cứu và điều trị tại bệnh viện tư nhân, bệnh viện này thu dịch vụ với 03 mức giá: 300.000 đồng/giường/ngày; 400.000 đồng/giường/ngày và 500.000 đồng/giường/ngày, trong nhiều trường hợp bệnh nhân nằm điều trị tại giường bệnh thuộc loại dịch vụ nào là do bệnh viện sắp xếp, phía người bệnh cũng không thể lựa chọn được, bởi còn phụ thuộc số lượng bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện đó, nên người bị hại đành phải chấp nhận mà không còn có sự lựa chọn nào khác – Đây là một thực tế, nhưng ở nhiều nơi khi giải quyết thì Tòa án chỉ chấp nhận mức viện phí loại trung bình, cho dù phía nạn nhân có đưa ra lý do giải thích gì đi chăng nữa cũng không được Tòa án chấp nhận. Mà lẽ ra các cơ quan thực thi pháp luật cần xem xét thật thấu đáo từng trường hợp cụ thể để giải quyết thật hợp tình hợp lý là mới thỏa đáng. Hoặc vì lý do sức khỏe của nạn nhân vừa hồi phục sau phẩu thuật, khi xuất viện phía người bị hại thuê taxi đưa nạn nhân về nhà, nhưng phía Tòa án cho rằng, chi phí thuê xe trong trường hợp này là không hợp lý vì nạn nhân có thể được người nhà đưa ra bến xe để đi theo xe tuyến!

Như vậy Tòa án chỉ buộc người gây thiệt hại bồi thường những khoản chi phí đã liệt kê ở trên theo tinh thần hướng dẫn Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP, thực tế nhiều vụ án gia đình người bị thiệt hại gây áp lực với Tòa án và người gây thiệt hại bằng cách là: đeo khăn tang và mang ảnh nạn nhân đến Tòa án khi xét xử nhằm buộc người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ mọi chi phí mà bên bị thiệt hại đã bỏ ra. Thực tiễn xét xử còn cho thấy, phong tục tập quán của mỗi dân tộc cùng chung sống hòa bình, đoàn kết trên đất nước ta mỗi nơi mỗi khác,  nên việc giải quyết vấn đề mai táng theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.2 phần II Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP là chưa thật sự phù hợp với thực tế, dễ gây nên bức xúc ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, do vậy, người viết đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét chấp nhận bổ sung những khoản sau là chi phí hợp lý cho việc mai tang, gồm: Chi phí bảo quản xác, vệ sinh xác trước khi khâm liệm; Chi phí cho việc thuê khâm liệm; Chi phí thuê khắc bia, tiền chụp và phóng ảnh thờ; Tiền mua đất để chôn người chết (nếu có); Tiền xây mộ (nơi không có tục cải táng); Chi phí thuê mướn hỏa tang người chết.

* Khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần: Không phải trong mọi trường hợp người bị thiệt hại đều được bồi thường khoản tiền về tổn thất về tinh thần và tùy từng trường hợp cụ thể mà áp dụng mức bồi thường cao hay thấp. Khoản 2 Điều 610 BLDS quy định: “...mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”.

Theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.4, mục 2 phần II Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP, thì:

 “c) Trong mọi trường hợp, khi tính mạng bị xâm phạm, những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoặc người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại (sau đây gọi chung là người thân thích) của người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết này để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của những người thân thích của người bị thiệt hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào địa vị của người bị thiệt hại trong gia đình, mối quan hệ trong cuộc sống giữa người bị thiệt hại và những người thân thích của người bị thiệt hại…

           d) Mức bồi thường chung khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho tất cả những người thân thích của người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của họ, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường”.

Điều luật chỉ quy định bồi thường mức tối đa không quy định mức khởi điểm bồi thường là bao nhiêu. Thực tế để vận dụng quy định tại khoản 2 Điều 610 BLDS và các điểm c, b tiểu mục 2.4, mục 2, phần II Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP để quyết định trường hợp nào phải bồi thường tổn thất tinh thần thì có thể dựa thêm căn cứ như sau: Việc bồi thường tổn thất tinh thần cho người thân thích của người bị hại mà người bị hại là con duy nhất trong gia đình phải cao hơn trường hợp người thiệt hại là con trong một gia đình đông anh em; nếu những người bị hại cùng trong một gia đình mà tử vong, như anh chị em ruột cùng bị chết trong vụ tai nạn giao thông; cha và con bị kẻ côn đồ khóa trái cửa đốt nhà dẫn đến tử vong; …thì mức bồi thường về khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần cho những người thân thích của người bị thiệt hại nếu không thỏa thuận được thì cứ mỗi người bị hại chết, mức tổn thất tinh thần được bù đắp tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu, chứ không thể áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 610 BLDS một cách rất “máy móc” ở nhiều Tòa án như hiện nay, đó là, cho dù có nhiều người cùng bị tử vong trong cùng một gia đình, trong cùng một vụ án nhưng mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của người bị thiệt hại chỉ giới hạn trong phạm vi không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, như vậy là không hợp lý, không bảo vệ được lẽ công bằng. Hơn nữa, khoản 2 Điều 609 và khoản 2 Điều 610 BLDS đã quy định về tổn thất về tinh thần nhưng mới chỉ quy định mức bồi thường tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định đối với bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm và không quá 60 tháng lương tối thiểu đối với bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm. Như vậy, điều luật chỉ quy định mức tối đa mà không quy định mức tối thiểu cho trong thực tiễn xét xử thường việc vận dụng thiếu thống nhất, do vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định mức bồi thường tối thiểu bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm từ 02 tháng lương tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu. Mức bồi thường tối thiểu bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm từ 05 tháng lương đến tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu là phù hợp.

Tóm lại: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chế định có nội dung phức tạp, thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là nhằm khôi phục lại các quyền tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, tổ chức, pháp nhân, Nhà nước. Quá trình nghiên cứu chúng tôi tập trung đi sâu nghiên cứu làm sáng tỏ vấn đề lý luận và thực tiễn về bồi thường thiệt hại do tính mạng và sức khỏe bị xâm phạm, từ đó rút ra những kết luận sau: Cơ sở lý luận và thực tiễn khẳng định nguyên tắc người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại là một vấn đề quan trọng của chế định bồi thường thiệt hại. BLDS cũng đã ghi nhận và đề cao nguyên tắc đó trên cơ sở thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta và kế thừa tinh hoa pháp luật dân sự quốc tế. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại thể hiện tính nhân đạo sâu sắc, mang tính khoa học, bảo đảm tính chính xác, hợp tình, hợp lý nhằm bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, góp phần quan trọng vào việc củng cố, phát triển các quan hệ xã hội trong tất cả các lính vực cũng như trong việc giải quyết các tranh chấp về bồi thường thiệt hại xảy ra, bảo vệ lợi ích cho các chủ thể tham gia quan hệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của những người bị thiệt hại, giáo dục mọi người có ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và của công dân.

  Th.S Lê Văn Sua