Pháp luật về lý lịch tư pháp không quy định
Luật Lý lịch tư pháp 2009 và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật hiện nay không có quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, tùy theo tính chất, lĩnh vực quản lý mà thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp được quy định khác nhau tại các văn bản pháp luật khác. Ví dụ: tại các điều 20, 24 và 28 Luật Quốc tịch năm 2008 quy định trong thành phần hồ sơ xin nhập, thôi và trở lại quốc tịch Việt Nam phải có Phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ. Điều 5 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi quy định về thời hạn có giá trị sử dụng của giấy tờ, trong đó quy định Phiếu lý lịch tư pháp của người nhận con nuôi trong nước có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Phiếu lý lịch tư pháp của người nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi. Phiếu lý lịch tư pháp của người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi. Khoản 2 Điều 12 Luật Công chứng 2014 quy định trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên phải có Phiếu Lý lịch tư pháp, Khoản 8 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Luật sư quy định trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư phải có Phiếu Lý lịch tư pháp, tuy nhiên cả hai văn bản Luật nêu trên cũng không có quy định về thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp. Ngoài ra, trong tuyển dụng công chức hiện nay, nhiều cơ quan chỉ quy định thành phần hồ sơ phải có Phiếu Lý lịch tư pháp mà cũng không nêu rõ là Phiếu Lý lịch tư pháp được cấp từ thời điểm nào.
Bên cạnh đó, một số cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài ở Việt Nam cũng quy định về thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp khi giải quyết yêu cầu xin cấp thị thực, chẳng hạn như Lãnh sự quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ quy định các đương đơn xin thị thực nhập cảnh từ 16 tuổi trở lên cần phải nộp Phiếu ý lịch tư pháp có giá trị được cấp trong vòng một năm (đăng trên Website Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh).
Như vậy, thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp ở Việt Nam hiện nay không được quy định rõ ràng, thống nhất mà phụ thuộc vào quy định trong các văn bản của từng lĩnh vực pháp luật khác nhau và phụ thuộc vào ý chí của cơ quan, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu về tình trạng án tích của đương sự.
Cần quy định thống nhất về thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp
Bản chất của Phiếu Lý lịch tư pháp là chứng minh một cá nhân, con người cụ thể có hay không có án tích và nó chỉ có giá trị sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này được hiểu là một cá nhân khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp) cấp Phiếu Lý lịch tư pháp chứng nhận là không có án tích thì không có nghĩa là mãi mãi chứng thực cá nhân đó không có án tích vì thực tế, có thể ở một thời điểm nào đó trong tương lai, cá nhân đó vẫn sẽ bị tòa án kết tội. Ví dụ trường hợp một cá nhân mới bị Tòa án kết tội (có án tích) nhưng anh ta lại sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp chứng nhận không có án tích đã được cấp trước đây để đưa vào hồ sơ xin xuất cảnh, du học, tuyển dụng lao động, xin việc làm…thì không ai biết rằng con người đó đã có án tích. Hoặc là trường hợp xin nhận con nuôi theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, trong thành phần hồ sơ yêu cầu phải có Phiếu Lý lịch tư pháp được cấp chưa quá 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi. Giả sử ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi, Phiếu Lý lịch tư pháp của người đó chứng nhận không có án tích, nhưng ngày hôm sau thì phạm tội và bị điều tra, truy tố xét xử và khoảng ba tháng sau bị kết án (có án tích), trong khi đó quy trình giải quyết hồ sơ nuôi con nuôi theo quy định hiện hành là khoảng bốn tháng. Điều đó có nghĩa là Phiếu Lý lịch tư pháp đã nộp cho Cục Con nuôi không phản ánh chính xác tình trạng án tích của người nhận con nuôi nói trên.
Như vậy, việc xác định thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp một cách khách quan, khoa học, phù hợp với quy trình tố tụng hình sự là rất quan trọng và và cần thiết, nếu để cho các cơ quan, tổ chức tùy ý quy định thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp hoặc pháp luật không quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp trong một số lĩnh vực thì chắc chắn sẽ dẫn đến vướng mắc trong thực thi pháp luật, áp dụng pháp luật không thống nhất, dẫn đến tình trạng cơ quan, tổ chức có yêu cầu tìm hiểu về án tích của đương sự không nắm bắt được chính xác, kịp thời tình trạng án tích của cá nhân đó.
Thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp bao lâu là phù hợp?
Các nhà làm luật cần nghiên cứu, làm rõ được trong thời gian bao lâu, một cá nhân có thể có thể bị Tòa án kết tội (có án tích) kể từ thời điểm cá nhân đó được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không có án tích. Điều này có ý nghĩa rất lớn về mặt lý luận bởi vì nếu chúng ta xác định được khoảng thời gian tối thiểu trong quy trình tố tụng từ khi khởi tố điều tra cho đến khi xét xử và bản án có hiệu lực pháp luật thì sẽ có căn cứ pháp lý để khẳng định rằng trong khoảng thời gian đó, cá nhân không có án tích mới. Như vậy, Phiếu Lý lịch tư pháp được cấp sẽ có giá trị trong khoảng thời gian nhất định, đó là khoảng thời gian đương sự không thể phát sinh thêm án tích (bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án).
Pháp luật về tố tụng hình sự hiện hành cũng không quy định thời gian tối thiểu trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử mà chỉ quy định mức tối đa về thời gian để thực hiện các quy trình tố tụng hình sự. Bên cạnh đó, hành vi phạm tội cũng được chia theo các mức độ khác nhau là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Mỗi loại tội phạm lại được pháp luật quy định khác nhau về thời gian thực hiện của các giai đoạn tố tụng. Chẳng hạn như quy định về thời hạn điều tra đối với vụ án hình sự theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 là không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
Chúng tôi cho rằng, rất khó để xác định chính xác thời gian tối thiểu cần có kể từ khi điều tra, truy tố, xét xử và cho đến khi bản án có hiệu lực, tuy nhiên có thể dự liệu một cách tương đối trên cơ sở quy trình tố tụng hình sự hiện hành. Theo đó, mốc đánh giá sẽ dựa vào việc xác định thời hạn trong vụ án hình sự đối với tội ít nghiêm trọng, vì đây là loại tội phạm mà thời gian được áp dụng thủ tục ngắn nhất. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 thời hạn để các cơ quan điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là ba tháng 20 ngày (Điều 119 quy định thời hạn điều tra là không quá hai tháng, Điều 166 quy định thời hạn quyết định truy tố là 20 ngày, Điều 176 quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử là 30 ngày). Trên thực tế, có thể kéo dài thời gian hơn so với thời gian đã quy định nêu trên do cơ quan tố tụng trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc trả hồ sơ điều tra lại.
Bên cạnh đó, pháp luật về tố tụng hình sự còn quy định về thủ tục tố tụng rút gọn và chúng tôi cho rằng đây có thể là căn cứ rõ nhất để xác định một cách tương đối khoảng thời gian tối thiểu cần có trong tố tụng hình sự. Theo quy định tại Điều 319 và Điều 320 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì thủ tục rút gọn chỉ áp dụng đối với việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự ở cấp sơ thẩm, không mở rộng sang các giai đoạn xét xử phúc thẩm hay xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Nếu vụ án bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm thì sẽ được giải quyết theo thủ tục chung. Pháp luật cũng quy định, chỉ áp dụng thủ tục rút gọn khi hội tụ đầy đủ bốn điều kiện:
- Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang;
- Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
- Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;
- Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng.
Về thời hạn tiến hành tố tụng đối với các vụ án theo thủ tục rút gọn là 30 ngày, trong đó thời hạn điều tra 12 ngày; thời hạn truy tố 4 ngày; thời hạn xét xử 14 ngày (Theo các Điều 321, 322, 323 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003).
Như vậy, giả thiết trường hợp một người mới được cấp Phiếu Lý lịch tư pháp là không có án tích, ngày hôm sau người đó phạm tội và thuộc đối tượng được áp dụng thủ tục xét xử rút gọn theo quy định của Điều 319 Bộ luật Tố tụng hình sự thì khoảng 45 ngày sau, người đó mới có thể có án tích (30 ngày điều tra, truy tố, xét xử, cộng với 15 ngày nếu không có kháng án, kháng nghị thì bản án có hiệu lực pháp luật).
Một số khuyến nghị
Từ sự phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng để bảo đảm tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật cũng như bảo đảm tính chính xác, không bỏ lọt thông tin về tình trạng án tích của đương sự, Luật Lý lịch tư pháp cần bổ sung quy định về thời hạn sử dụng Phiếu Lý lịch tư pháp cho phù hợp với quy trình tố tụng của Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng quy định Phiếu Lý lịch tư pháp chỉ có giá trị sử dụng trong vòng 45 ngày kể từ ngày cấp Phiếu.
Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật về lý lịch tư pháp theo hướng đơn giản hóa hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp, đặc biệt là đối với trường hợp xin cấp lại Phiếu Lý lịch tư pháp.
Ths. Phạm Ngọc Thắng – Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia