Tội rửa tiền – những vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện

19/01/2015
Ngày 29/6/2009 tại kỳ họp thứ 5 khóa XII, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, mà theo đó, “Tội rửa tiền” được quy định tại Điều 251 chính thức được sửa đổi từ “Tội hợp pháp hóa tiền tệ, tài sản do phạm tội mà có” theo Điều 251 BLHS 1999. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm nội luật hóa tương thích với Công ước của Liên Hợp quốc về phòng, chống rửa tiền (Công ước Palermo năm 2000) mà Việt Nam là quốc gia thành viên, tạo cơ sở pháp lý đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm này ở nước ta, đồng thời góp phần tích cực cho quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

1.Quy định của BLHS hiện hành về tội phạm này

Tội rửa tiền được quy định tại Điều 251 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) như sau:

“1.Nguời nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp của tiền, tài sản đó;

b) Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thật sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a)  Có tổ chức;

b)  Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c)  Phạm tội nhiều lần;

d)  Có tính chất chuyên nghiệp;

e)   Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

f)  Tiền, tài sản phạm tội có giá trị lớn;

g)  Thu lợi bất chính lớn;

h)  Gây hậu quả nghiêm trọng;

i)  Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm:

a) Tiền, tài sản phạm tội có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

4. Nguời phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt tiền đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản phạm tội, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Điều 251 BLHS (sửa đổi, bổ sung năm 2009) tuy không mô tả cụ thể hành vi rửa tiền, nhưng theo khoản 1 Điều 3 Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền có quy định:“Rửa tiền là hành vi của cá nhân, tổ chức tìm cách hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có thông qua các hoạt động cụ thể sau đây: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có; thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, vận chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới tiền, tài sản do phạm tội mà có; đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm cách khác che đậy, ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thật sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có”. Từ đó có thể đưa ra định nghĩa tương đối hoàn chỉnh về rửa tiền như sau: Rửa tiền là làm cho tiền hoặc tài sản bất hợp pháp thành tài sản hợp pháp bằng cách thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác; sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác; che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền hoặc tài sản, cũng như thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó.[1]

Về các dấu hiệu pháp lí cơ bản của tội phạm này:

- Khách thể của tội phạm, hành vi rửa tiền được xếp trong nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý nhà nước đối với tài sản do phạm tội mà có. Đối tượng tác động của tội phạm này là tiền, các loại tài sản do phạm tội mà có với bất kể loại tội gì mà người đó hoặc người khác đã thực hiện mang lại số tiền và tài sản bất hợp pháp.

- Mặt khách quan của tội phạm, người phạm tội có một trong các hành vi sau:

+ Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó;

+ Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

+ Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thật sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

+ Thực hiện một trong ba hành vi quy định nêu trên đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có.

Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội có một trong các hành vi trên mà không cần xác định hậu quả. Nếu hậu quả do hành vi rửa tiền gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của Điều 251 BLHS hiện hành.

- Mặt chủ quan của tội phạm, người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp, họ nhận thức được đó là tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc nhận biết rõ tiền, tài sản do chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có và với mong muốn hợp pháp hoá số tiền, tài sản đó. Động cơ phạm tội rất nhiều (do nể nang, vụ lợi,…), mục đích của người phạm tội nhằm hợp pháp hóa tiền, tài sản và là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, việc người phạm tội có đạt được mục đích hay không còn phụ thuộc vào phương thức, thủ đoạn mà họ thực hiện. Nếu người phạm tội đã có hành vi nhưng chưa thực hiện được mục đích phạm tội thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

- Chủ thể của tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội là bất cứ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định. Theo quy định tại Điều 12 BLHS, thì ng­ười từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi trở lên, như­ng ch­ưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Ng­ười có đủ năng lực trách nhiệm hình sự là ng­ười có đủ khả năng nhận thức đ­ược tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện, có khả năng điều khiển hành vi theo hư­ớng có lợi hay không có lợi cho xã hội, hoặc có khả năng xử sự khác không gây nguy hiểm cho xã hội. Để kết luận một nguời có đủ năng lực trách nhiệm hình sự phải căn cứ quy định tại Điều 13 BLHS, theo quy định tại Điều luật này, những ng­ười không đủ năng lực trách nhiệm hình sự là: "Ngư­ời thực hiện hành vi nguy hiểm trong xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình". Nh­ư vậy, ng­ười có đủ năng lực trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền là ng­ười có khả năng nhận thức đ­ược hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm và có khả năng điều khiển hành vi của mình.

* Nhận xét chung

Trước yêu cầu hội nhập quốc tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/06/2005 về phòng, chống rửa tiền. Nội dung của Nghị định này đã được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 5 ngày 19/06/2009 nâng lên thành và thay tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có thành tội rửa tiền. Tội rửa tiền là tội phạm mới được quy định trong BLHS, nhưng so với “Tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có” quy định tại Điều 251 BLHS năm 1999, “Tội rửa tiền” có một số điểm mới sau:

- Một là, liệt kê rõ những hành vi nào là phạm tội rửa tiền, trong cấu thành cơ bản của tội phạm rửa tiền được nhà làm luật cụ thể hoá thành các hành vi phạm tội cụ thể và chi tiết, có nội dung đầy đủ hơn. Mặt khác, cấu thành tội phạm cơ bản đã quy định phạm vi rộng hơn so với quy định trong cấu thành cơ bản của tội phạm hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Một số hành vi như: “Sử dụng tiền, tài sản mà biết rõ là có được do chuyển nhuợng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có” được coi là phạm tội rửa tiền, mà trước đây những hành vi này không được quy định trong “Tội hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có”.

- Hai là, với lần sửa đổi này nhà làm luật xác định rõ đối tượng là tiền, tài sản do chính người phạm tội mà có hoặc do người khác phạm tội mà có.

- Ba là, tại khoản 2 Điều 251 BLHS (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có bổ sung một số tình tiết tăng nặng, như: Có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tiền, tài sản phạm tội có giá trị lớn; thu lợi bất chính lớn, gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm. Khoản 3 quy định các trường hợp: Tiền, tài sản có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn; thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

2. Những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn xét xử

Thực tiễn xét xử cho thấy việc áp dụng quy định tại Điều 251 BLHS năm 1999  (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về Tội rửa tiền vẫn còn những vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi, cụ thể:

 - Thứ nhất, về chủ thể của tội phạm rửa tiền. Theo quy định tại khoản 1 Điều 251 BLHS hiện hành, thì người nào thực hiện một trong các hành vi sau, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp của tiền, tài sản đó;

b) Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thật sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có.

Vậy với những trường hợp sau thì giải quyết như thế nào cho đúng.

+ Trường hợp thứ nhất: Người có được tài sản do phạm tội mà có, bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cả trường hợp giá trị tài sản dưới mức khởi điểm do luật quy định nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án mà còn vi phạm thì người có hành vi che giấu nguồn gốc tiền, tài sản đó có bị xem là phạm tội rửa tiền không? Về vấn đề này, thực tiễn xét xử có các quan điểm sau: Quan điểm thứ nhất: Do hành vi của người có được tài sản do phạm tội mà có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nên hành vi của người nhằm che giấu nguồn gốc tiền, tài sản bất hợp pháp để biến thành tiền, tài sản hợp pháp cũng phải bị xử lý hình sự về tội rửa tiền, thì mới  đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Quan điểm thứ hai: Không nhất thiết mọi trường hợp đều phải xử lý bằng pháp luật hình sự theo quy định tại Điều 251 BLHS, vì: Người có được tài sản do phạm tội mà có đã bị truy tố và xét xử theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả nghiêm trọng của hành vi phạm tội gây ra. Hơn nữa, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà chủ thể tội phạm nguồn gây ra, không cùng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi che giấu nguồn gốc bất hợp pháp tiền, tài sản có được do phạm tội mà có. Do vậy, chỉ khi người thực hiện hành vi che giấu nguồn gốc tiền, tài sản bất hợp pháp gây ra hậu quả nghiêm trọng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Qua nghiên cứu và từ thực tiễn xét xử chúng tôi đồng tình với lập luận như quan điểm thứ nhất.

+ Trường hợp thứ hai: Người có được tài sản, tiền mà trước đó đã phạm các tội giết người, cướp tài sản sau đó họ dùng số tiền, tài sản có được để đầu tư lĩnh vực chứng khoán, nhằm hợp pháp hóa số tiền, tài sản bất chính trên. Khi bị phát hiện, ngoài việc bị truy tố, xét xử về tội danh tương ứng, họ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền không? Vấn đề này hiện có những quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, theo quy định tại Điều 251 BLHS đã không thể hiện rõ chủ thể của tội phạm rửa tiền gồm cả chủ thể của tội phạm trước đó mà họ đã phạm (tội phạm nguồn). Hơn nữa, trong các hành vi được mô tả trong điều luật như trên đã nêu, đều có cụm từ “biết rõ là do phạm tội mà có”, nghĩa là nhà làm luật muốn nói đến một chủ thể nào đó và cũng đồng thời muốn loại trừ  hành vi tự rửa tiền – hành vi chủ thể tội phạm nguồn. Mặt khác, tội phạm mà trước đó họ đã phạm có chế tài xử phạt được quy định rất nghiêm khắc (tù chung thân hoặc tử hình), nên cũng không cần thiết phải truy tố, xét xử thêm tội rửa tiền. Quan điểm thứ hai, mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật. Đó là nguyên tắc xử lý được quy định tại Điều 3 BLHS. Do vậy, nếu hành vi của một người đã thỏa mãn yếu tố cấu thành tội phạm nào được quy định trong BLHS thì cần phải đưa ra xét xử mới bảo đảm phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Người viết đồng tình với lập luận như quan điểm thứ nhất.

- Thứ hai, tại khoản 3 Điều 251 BLHS (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về các tình tiết định khung tăng nặng là: a) Tiền, tài sản phạm tội có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn; b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Việc quy định như trên là không hợp lý và rất khó cho các cơ quan tiến hành tố tụng xác định định lượng cụ thể số lượng tiền, tài sản khi truy tố, xét xử nhằm cá thể hóa trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, tại Điều 3 của Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao (gọi tắt Thông tư liên tịch 09/2011), hướng dẫn áp dụng các quy định của BLHS về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền, mà theo đó:

“- …  

   -5.“Tiền, tài sản có giá trị lớn” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự là tiền, tài sản phạm tội có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.

   -6.“Tiền, tài sản phạm tội có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 251 Bộ luật hình sự là tiền, tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên.

   -7.“Thu lợi bất chính lớn” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự là thu lợi có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng

   -8.“Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 251 Bộ luật hình sự là thu lợi có giá trị từ một trăm triệu đồng trở lên.

   -9.“Gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự là gây thiệt hại có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.

   -10.“Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại điểm c khoản 3 Điều 251 Bộ luật hình sự là gây thiệt hại có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên.”

Vướng mắc từ quy định của Thông tư liên tịch 09/2011 đó là, đã gộp chung các trường hợp tiền, tài sản có giá trị rất lớn, đặc biệt lớn; thu lợi bất chính lớn, đặc biệt lớn; gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng với giá trị tối thiểu tương đương mà không có sự phân chia tách bạch riêng biệt cụ thể. Điều đó thật sự gây lung túng khi áp dụng, tiền với số lượng bao nhiêu là rất lớn, bao nhiêu là đặc biệt lớn? Trong khi tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trong trường hợp “rất lớn”; “đặc biệt lớn” là hoàn toàn khác nhau. Hay tiền với số lượng bao nhiêu thì được coi là gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, định lượng bao nhiêu tiền coi là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.Ví dụ 1: Trần Văn H. có hành vi dùng số tiền VNĐ là 4,5 tỷ để đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản, số tiền này H. biết rất rõ Trần Văn V. (em của H.) có được là do buôn bán chất ma túy từ Lào về Việt Nam từ tháng 2/2011 đến tháng 9/2013. Vậy, theo quy định tại khoản 5 Điều 3 của Thông tư liên tịch 09/2011 và điểm a khoản 3 Điều 251 BLHS (sửa đổi, bổ sung năm 2009) H. phải bị truy tố và xét xử về tội rửa tiền theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 251 BLHS hiện hành với tình tiết tăng nặng định khung là tiền có giá trị rất lớn hay đặc biệt lớn? Vấn đề này, trong thực tiễn áp dụng pháp luật để điều tra, truy tố, xét xử loại tội này còn có những ý kiến trái chiều nhau.Ví dụ 2: Hoàng C. và Trần Văn Kh. dùng số tiền VNĐ 6,8 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, khách sạn khu nghỉ dưỡng cao cấp, số tiền trên có được là nhờ Kh. đã nhận các khoản “bôi trơn” của đối tác nước ngoài. Khi vụ việc bị phát hiện, riêng với tội rửa tiền thì C. và Kh. sẽ bị truy tố và xét xử theo điểm a khoản 3 Điều 251 BLHS nhưng với tình tiết tăng nặng định khung là tiền, tài sản có giá trị rất lớn hay đặc biệt lớn?

 - Thứ ba, khi truy tố, xét xử người có hành vi phạm tội rửa tiền có bắt buộc phải chứng minh người này đã phạm tội phạm cụ thể nào đó, để có được tiền, tài sản bất hợp pháp hay không, hay chỉ cần xác định người đó do có hành vi phạm tội, mà thông qua hành vi vi phạm mà họ thực hiện để có được nguồn tài sản, tiền bất hợp pháp là được. Theo nội dung quy định của Điều 251 BLHS (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì các cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ phải chứng minh người phạm tội trước đó đã phạm tội phạm cụ thể nào đó, thông qua hành vi phạm tội đó mà họ có tiền, tài sản để “rửa tiền”, hoặc với trường hợp người gián tiếp tham gia hoạt động rửa tiền, họ biết rõ nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản dùng để giao dịch là do phạm tội mà có. Theo chúng tôi, quy định trên là vướng mắc lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này, bởi lẽ rất khó để chứng minh, vì có thể tội phạm mà họ đã thực hiện trước đó nhiều khi ở nước ngoài hoặc thông qua tổ chức tài chính của nước ngoài ở Việt Nam, nên cơ sở để người rửa tiền nhận biết được đó là tài sản do nguời khác phạm tội mà có là điều thật sự không đơn giản. Mặt khác, theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, chủ thể của tội phạm là cá nhân, con người cụ thể, nhưng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường trong nhiều trường hợp khối tài sản, tiền mà họ có được thông qua việc “tẩy rửa” kín đáo bằng các giao dịch nhân danh công ty, doanh nghiệp được “núp bóng” bởi các đại lý, đại diện của công ty. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 chỉ cho phép xử lý bằng hình thức phạt tiền hoặc rút giấy phép hoạt động đối với pháp nhân. Vậy liệu với những chế tài hành chính áp dụng đối với trường hợp rửa tiền trên vì lợi ích của pháp nhân có đủ sức răn đe, ngăn ngừa không? Trong khi hành vi rửa tiền bao giờ cũng được thực hiện bởi con người cụ thể, mà hành vi của con người cụ thể đó vì lợi ích của pháp nhân, do vậy nếu chỉ quy định chủ thể của tội phạm này là cá nhân thì sẽ không bảo đảm tính công bằng đối với họ, vì thực tế họ không phải là đối tượng hưởng lợi chính. Tất nhiên, không pháp luật của quốc gia nào quy định phạt tù đối với pháp nhân, nhưng tin rằng chế tài xử phạt hình sự đối với pháp nhân bao giờ cũng nghiêm khắc hơn chế tài hành chính.

- Thứ tư, về chế tài xử phạt chưa có tính đa dạng để Hội đồng xét xử có sự lựa chọn loại hình phạt áp dụng tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, không cần áp dụng hình phạt chính là hình phạt tù nhưng vẫn có thể cải tạo, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, nhất là đối với những trường hợp phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nhưng gây ra hậu quả không lớn,…  

3. Kiến nghị:

Từ những phân tích trên, để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, hướng đến sự điều chỉnh có hiệu quả hơn, khắc phục sự bất cập, tính bất hợp lý và đem lại hiệu quả cao hơn trong công tác phòng chống tội phạm này, chúng tôi kiến nghị: 

Một là, bổ sung quy định theo hướng coi hành vi tự rửa tiền của chủ thể tội phạm nguồn là hành vi phạm tội rửa tiền khi thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm này. Và quy định bổ sung cũng được xem là cấu thành tội phạm này một khi tội phạm nguồn bị xử lý, với trường hợp người có hành vi che giấu tiền, tài sản mà biết rõ là bất hợp pháp tuy số lượng tiền, tài sản do phạm tội mà có dưới mức khởi điểm nhưng đã gây hậu quả nghiêm trọng. Để hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng được thuận lợi hơn, trong lần sửa đổi BLHS sắp tới chúng tôi đề xuất trong cấu thành cơ bản của tội phạm này không nên quy định buộc người phạm tội phải biết tiền, tài sản đó do phạm tội mà có, mà chỉ cần quy định họ biết tiền, tài sản đó có được là không hợp pháp. Bổ sung quy định chủ thể tội phạm này ngoài cá nhân con người cụ thể, còn là pháp nhân.

Hai là, sớm xem xét sửa đổi nội dung các khoản 6, 8, 10 của Thông tư liên tịch 09/2011 theo hướng quy định cụ thể hơn định lượng tiền, tài sản trường hợp nào được coi là “giá trị rất lớn” và “giá trị đặc biệt lớn” cũng như “thu lợi bất chính rất lớn” và “thu lợi bất chính đặc biệt lớn” hoặc “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, mà theo đó, chúng tôi đề xuất:

Tiền, tài sản có giá trị rất lớn quy định tại điểm a khoản 3 Điều 251 BLHS  là tiền, tài sản phạm tội có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới năm tỷ đồng.

- Tiền, tài sản phạm tội có giá trị đặc biệt lớn quy định tại điểm a khoản 3 Điều 251 BLHS là tiền, tài sản có giá trị từ năm tỷ đồng trở lên.

- Thu lợi bất chính rất lớn quy định tại điểm b khoản 3 Điều 251 BLHS là thu lợi có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng.

- Thu lợi bất chính đặc biệt lớn quy định tại điểm b khoản 3 Điều 251 BLHS là thu lợi có giá trị từ một tỷ đồng trở lên.

- Gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 3 Điều 251 BLHS là gây thiệt hại có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới hai tỷ đồng.

- Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 3 Điều 251 BLHS là gây thiệt hại có giá trị từ hai tỷ đồng trở lên.

Sắp tới khi sửa đổi toàn diện BLHS, kiến nghị nên tách quy định tại khoản 3 Điều 251 BLHS hiện hành về tình tiết “giá trị đặc biệt lớn”; “thu lợi bất chính đặc biệt lớn” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” để cấu trúc thành khoản 4, cụ thể khoản 3 và khoản 4 của Điều 251 BLHS sửa đổi theo đề xuất được viết thành:

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm:

a) Tiền, tài sản phạm tội có giá trị rất lớn;

b) Thu lợi bất chính rất lớn;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Tiền, tài sản phạm tội có giá trị đặc biệt lớn;

b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Bốn là, nghiên cứu quy định bổ sung một số loại hình phạt chính khác ngoài hình phạt tù, như phạt tiền, cải tạo không giam giữ vào chế tài xử phạt của tội phạm này

Kết luận: Pháp luật hình sự của Nhà nước ta quy định tội phạm về rửa tiền là cần thiết, với nội dung cấu thành của tội rửa tiền theo đề xuất sửa đổi chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm này trong điều kiện hội nhập quốc tế. Đây là loại tội phạm diễn biến phức tạp, nên một trong những giải pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả nhất là sớm hoàn thiện quy định của pháp luật cà về khái niệm tội phạm này, hành vi khách quan và đặc biệt là quy định các tình tiết tăng nặng định khung và hình phạt đối với loại tội phạm nguy hiểm này.

                                   

Th.s Lê Văn Sua

Tòa án quân sự khu vực 1 – QK 97, Nguyễn Thị Thập, phường 6, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang



[1] Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự (tập V), NXB Lao động, 2012, tr 474.