Trong bối cảnh Việt Nam đang nghiên cứu về khả năng xây dựng một đạo luật về tư pháp quốc tế, chúng tôi xin giới thiệu mô hình pháp luật và thực tiễn về tư pháp quốc tế của 3 nước Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, bao gồm các vấn đề chủ yếu như sau:
- Khái niệm tư pháp quốc tế;
- Nguồn của tư pháp quốc tế;
- Giải quyết xung đột pháp luật (xung đột về luật áp dụng và xung đột về cơ quan tài phán);
- Vấn đề quốc tịch và quy chế áp dụng đối với người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ quốc gia.
Trong 3 quốc gia là đối tượng nghiên cứu của chuyên đề này, thì Cộng hòa Pháp có thể nói là cái nôi của tư pháp quốc tế. Pháp được biết đến không chỉ là quê hương của luật thành văn (civil law) với Bộ luật dân sự Na-pô-lê-ông (1804) nổi tiếng, mà còn là nơi hình thành các nguyên tắc cơ bản của tư pháp quốc tế, tạo nền tảng cho sự phát triển của chuyên ngành luật này tại các quốc gia khác. Chính vì vậy, trong phạm vi chuyên đề này, chúng tôi tập trung chủ yếu vào việc giới thiệu mô hình tư pháp quốc tế của Pháp. Đối với 2 quốc gia còn lại (Bỉ và Thụy Sỹ) chúng tôi chỉ giới thiệu thêm một số chế định mang tính đặc thù.
I. MÔ HÌNH CỦA CỘNG HÒA PHÁP:
1. Khái niệm tư pháp quốc tế:
Luật thực định của Pháp không trực tiếp đưa ra khái niệm về tư pháp quốc tế, mà thông qua nghiên cứu của các học giả nổi tiếng, thì tư pháp quốc tế được hiểu là «một ngành luật nghiên cứu về việc giải quyết xung đột pháp luật trong lĩnh vực tư pháp, ở đó hiện diện ít nhất một yếu tố nước ngoài như: các bên hoặc có quốc tịch khác nhau, hoặc cư trú trên lãnh thổ của các nước khác nhau, hoặc bị ràng buộc bởi các cam kết được thực hiện tại một nước khác với nước mà họ đang cư trú».
Xét cả về lý thuyết và thực tiễn áp dụng pháp luật của các tòa án Pháp, thì có 2 vấn đề chính mà tư pháp quốc tế phải giải quyết, đó là:
- Xung đột về lựa chọn cơ quan tài phán. Vấn đề này lại được phân chia thành 2 chủ đề nhỏ, đó là thẩm quyền của tòa án (tranh chấp sẽ được giải quyết tại tòa án quốc gia nào ?) và công nhận quyết định của Tòa án nước ngoài;
- Xung đột về luật áp dụng (Tòa án/trọng tài sẽ áp dụng hệ thống pháp luật của nước nào để giải quyết ?).
Hai vấn đề trên hoàn toàn độc lập với nhau. Về nguyên tắc, Tòa án của một quốc gia hoàn toàn có thể áp dụng pháp luật của 1 quốc gia khác để giài quyết vụ việc.
Ngoài 2 vấn đề chủ yếu nêu trên, tư pháp quốc tế của Pháp có nét đặc thù là giải quyết vấn đề quốc tịch và quy chế cư trú của người nước ngoài trên lãnh thổ Pháp.
2. Nguồn của tư pháp quốc tế:
2.1. Nguồn nội địa:
Pháp không có một đạo luật riêng về tư pháp quốc tế, mà các quy định mang tính nguyên tắc nền tảng của tư pháp quốc tế tồn tại trong Bộ luật dân sự (BLDS) năm 1804. Cụ thể, Điều 3 BLDS quy định:
«Luật về trật tự công cộng và luật về an ninh có tính chất bắt buộc đối với tất cả mọi người sinh sống trên lãnh thổ Pháp.
Bất động sản, kể cả do người nước ngoài chiếm hữu, được điều chỉnh bởi luật của Pháp.
Luật về tình trạng nhân thân và năng lực của cá nhân điều chỉnh đối với công dân Pháp, kể cả khi họ sinh sống ở nước ngoài».
Theo các nhà nghiên cứu, quy định trên đặt ra nguyên tắc mang tính nền tảng không chỉ đối với tư pháp quốc tế của Cộng hòa Pháp mà còn đối với tư pháp quốc tế của hầu hết các quốc gia khác về sau. Ý tưởng chủ đạo của quy định này là đặt ra giới hạn về không gian: trong những trường hợp nào thì luật của Pháp được áp dụng? Điều 3 BLDS Pháp đã có câu trả lời rõ ràng. Trong quy định tại Điều luật trên, trong khi khái niệm về «bất động sản» và «nhân thân và năng lực» đã khá rõ ràng, thì khái niệm về «trật tự công cộng và an ninh» cần phải được làm rõ. Mặc dù đã có nhiều tranh luận xung quanh khái niệm này, song giải thích của giáo sư Phocion Francescakis được coi là học thuyết mang tính phổ quát cho đến ngày nay, theo đó, «luật về trật tự công cộng và an ninh được hiểu là « luật mà sự tuân thủ nó là cần thiết để duy trì trật tự chính trị, xã hội hoặc kinh tế ».
Ngoài nguồn văn bản luật thì án lệ cũng được coi là 1 nguồn của tư pháp quốc tế. Trên thực tế, các bản án, mà chủ yếu là bản án của Tòa phá án (Cour de cassation-Tòa án tối cao) và Tòa phúc thẩm (Cour d’appel) của Pháp cũng góp phần giải thích các nguyên tắc chung tại Điều 3 BLDS Pháp và các giải thích này được coi là một nguồn của tư pháp quốc tế.
2.2. Nguồn từ các điều ước quốc tế :
Từ đầu thế kỷ XX, cùng với sự phát triển của giao lưu dân sự, thương mại giữa Pháp với các nước trên thế giới là sự gia tăng ký kết các điều ước quốc tế trong đó có chứa đựng các quy phạm về tư pháp quốc tế. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều quy phạm giải quyết xung đột pháp luật trong các công ước thuộc hệ thống Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, ví dụ như: Công ước La Hay 1955 về luật áp dụng đối với hợp đồng mua bán quốc tế trong lĩnh vực động sản; Công ước La Hay 1978 về luật áp dụng đối với chế độ hôn sản; Công ước La Hay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nuôi con con nuôi…
3. Giải quyết xung đột về chọn cơ quan tài phán:
Tư pháp quốc tế của Pháp phân biệt rõ 2 trường hợp theo đó vụ việc được giải quyết theo tố tụng trọng tài hay tố tụng tòa án quốc gia để từ đó có giải pháp cho từng trường hợp cụ thể.
3.1. Xung đột chọn Trọng tài:
Một vụ việc được đưa ra xét xử bởi Trọng tài xuất phát từ 1 trong 2 căn cứ: (i) có điều khoản thỏa thuận trọng tài; khi phát sinh tranh chấp hai Bên thống nhất chọn trọng tài xét xử. Theo Điều 1496 và 1476 Bộ luật tố tụng dân sự, thì các bên được tự do ý chí trong việc lựa chọn trọng tài cũng như thỏa thuận về khuôn khổ, phạm vi thẩm quyền của trọng tài, thủ tục và thời hạn ra phán quyết (trọng tài không được gia hạn ra phán quyết như trường hợp tòa án). Vấn đề nằm ở chỗ, khi phát sinh ít nhất 1 yếu tố nước ngoài thì xử lý thế nào (ví dụ một công ty Việt Nam đặt hàng mua đồ gỗ 1 công ty Pháp mà công ty Pháp này lại nhập nguyên liệu gỗ từ Indonesia. Hai bên thỏa thuận nếu có tranh chấp sẽ chọn trọng tài Geneva giải quyết). Về bản chất, thỏa thuận trọng tài giống như 1 hợp đồng, nó cũng có thể bị vô hiệu về hình thức, hệ quả, thời hạn. Một bên có thể kiện bên kia ra Tòa án đề nghị tuyên thỏa thuận trọng tài vô hiệu vì cho rằng bên kia không đủ thẩm quyền ký kết thỏa thuận trọng tài chẳng hạn.
Để giải quyết tình huống này, trước năm 1993, Tòa án tối cao Pháp tiếp cận theo hướng trao cho các thẩm phán thụ lý hồ sơ về mặt nội dung được quyền giải quyết vấn đề xung đột cơ quan tài phán dựa theo quy phạm pháp luật của quốc gia cụ thể (ví dụ quốc gia nơi có trụ sở chính của công ty). Tuy nhiên, từ năm 1993, với án lệ nổi tiếng Dalico (phán quyết của Tòa tối cao ngày 20/12/1993) đã có bước ngoặt mang tính lịch sử. Theo đó, Tòa án tối cao cho rằng «Sự tồn tại và hiệu lực của 1 thỏa thuận trọng tài được đánh giá căn cứ trên quy phạm về trật tự công cộng quốc tế và ý chí thỏa thuận của các bên mà không cần căn cứ vào quy định pháp luật của 1 quốc gia cụ thể ». Như vậy, Tòa án Pháp đã chọn cách tiếp cận theo hướng: từ bỏ cách tiếp cận giải quyết xung đột quy phạm pháp luật nội dung; tôn trọng tự do thỏa thuận của các bên trong thỏa thuận trọng tài; tuân thủ giới hạn «trật tự công cộng quốc tế» (theo các học giả Pháp thì trật tự công cộng quốc tế được hiểu là các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại).
3.2. Xung đột chọn Tòa án quốc gia:
* Nguyên tắc chung :
Vể mặt lịch sử, ban đầu Pháp không chấp nhận quan điểm Tòa án Pháp được xét xử các tranh chấp quốc tế liên quan đến người nước ngoài. Điều 14 và 15 BLDS Pháp quy định « Các tòa án Pháp chỉ có thẩm quyền giải quyết khi nguyên đơn hoặc bị đơn có quốc tịch Pháp». Quy định này bắt nguồn từ tư duy truyền thống cho rằng tòa án Pháp chỉ có trách nhiệm bảo hộ công dân Pháp.
Tuy nhiên, án lệ Pélassa ngày 19/10/1959 đã thay đổi truyền thống trên bằng phán quyết «yếu tố nước ngoài của một bên không phải là lý do dẫn đến kết luận tòa án không có thẩm quyền giải quyết vụ việc, mà thẩm quyền quốc tế của tòa án được xác định bằng sự mở rộng của quy phạm về thẩm quyền quốc gia trên lãnh thổ Pháp». Sau đó, án lệ Scheffel ngày 30/10/1962 đã cụ thể hóa thẩm quyền quốc tế của tòa án Pháp trong nhiều trường hợp và sau đó Bộ Luật tố tụng dân sự (BLTTDS) đã pháp điển hóa thành các quy phạm cụ thể như sau:
- Về nguyên tắc chung, tòa án Pháp có quyền xử các tranh chấp quốc tế theo nguyên tắc nơi cư trú của bị đơn (điều 42 BLTTDS);
- Trong lĩnh vực hợp đồng, căn cứ theo nơi thực hiện hợp đồng (Điều 46 BLTTDS);
- Trong lĩnh vực trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, căn cứ theo nơi xảy ra thiệt hại (Điều 46 BLTTDS);
- Về ly hôn, căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau: nới cư trú chung của gia đình/nơi cư trú chung của vợ chồng cùng với con vị thành niên/nơi cư trú của người không phải là người khởi xướng yêu cầu ly hôn.
* Chọn Tòa án theo quốc tịch của các bên:
Điều 14 BLDS Pháp quy định:
- Khoản 1: « Người nước ngoài, kể cả không cư trú trên lãnh thổ Pháp, có thể bị xét xử bởi Tòa án Pháp về việc thực hiện nghĩa vụ mà họ đã bị ràng buộc tại Pháp liên quan đến 1 công dân Pháp ». Đây chính là trường hợp công dân Pháp là nguyên đơn kiện chống lại một người nước ngoài (ví dụ 1 công dân Pháp bị tai nạn giao thông tại Italia, công dân Pháp có thể kiện công dân Italia đã gây ra tai nạn ra trước tòa án Pháp.
- Khoản 2: «Người nước ngoài có thể bị xét xử bởi Tòa án Pháp về nghĩa vụ mà họ đã bị ràng buộc ở nước ngoài liên quan đến 1 công dân Pháp». Đây là trường hợp người Pháp là bị đơn, ví dụ như người Pháp gây tai nạn giao thông ở Italia thì người Italia có quyền kiện người Pháp ra trước tòa án Pháp.
Tóm lại, điều kiện cần và đủ là nguyên đơn hoặc bị đơn phải là người Pháp. Khái niệm « người » ở đây được mở rộng theo cách hiểu gồm cả pháp nhân. Các nguyên tắc trên mang tính bắt buộc, tức là các bên đương sự không được quyền thỏa thuận khác, trừ một số trường hợp sau (theo án lệ Weiss ngày 27/5/1970):
- các tranh chấp liên quan đến bất động sản và yêu cầu phân chia bất động sản nằm ở nước ngoài;
- yêu cầu liên quan đến thi hành phán quyết ở ngoài lãnh thổ Pháp.
5. Giải quyết xung đột về luật áp dụng:
Xung đột về luật áp dụng là một bộ phận của tư pháp quốc tế mà nội hàm chính là xác định rõ luật nào sẽ được áp dụng trong một vụ tranh chấp có ít nhất một yếu tố nước ngoài. Nói cách khác, khi vụ việc được đưa ra giải quyết trước tòa án Pháp, thẩm phán trước tiên phải phân tích, đánh giá xem hệ thống pháp luật nào sẽ được vận dụng để giải quyết nội dung của tranh chấp. Xuất phát từ nguyên tắc thẩm phán Pháp có thể áp dụng pháp luật nước ngoài, thậm chí về lý thuyết có thể có trường hợp luật của nhiều nước khác nhau cùng được áp dụng, tư pháp quốc tế của Pháp đã đề ra một số nguyên tắc giải quyết xung đột về luật áp dụng. Các nguyên tắc này mang tính phổ quát. Nhìn chung, các quy phạm về giải quyết xung đột luật áp dụng là các quy phạm trừu tượng, mang tính gián tiếp. Nó không trực tiếp giải quyết khía cạnh nội dung của tình huống phát sinh, mà chỉ xác định rõ hệ thống luật nào có thẩm quyền để vận dụng vào tình huống cụ thể đó. Ngoài ra, các quy phạm này còn mang đặc điểm “trung tính”, tức là giải pháp về mặt nội dung vụ việc không cần phải được xem xét trong việc xác định hệ thống luật áp dụng.
Tư pháp quốc tế Pháp phân biệt 2 trường hợp giải quyết xung đột luật áp dụng:
5.1. Giải quyết xung đột pháp luật theo không gian:
Như trên đã nói, Điều 3 BLDS Pháp chỉ đề ra nguyên tắc chung. Các án lệ của Pháp đã phát triển thành những giải pháp xử lý cho các tình huống cụ thể. Tựu chung lại thì « kỹ thuật » mang tính đặc trưng điển hình chính là dựa theo «yếu tố gắn bó nhất»:
Mục đích cuối cùng của việc chọn hệ thống luật chính là tìm ra hệ thống pháp luật nào để giải quyết một cách hiệu quả nhất tình huống tranh chấp. Chính vì vậy, việc tìm ra « yếu tố gắn bó nhất » tức là hệ thống pháp luật gắn bó nhất sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề. Trên thực tế, các án lệ thường dựa theo yếu tố như nơi cư trú, quốc tịch của các bên. Sau đây là một số trường hợp cụ thể:
- Việc xác định điều kiện về hình thức của hôn nhân được xác định theo nơi tiến hành hôn lễ (lex loci celebrationis);
- Việc xác định địa vị pháp lý của một người dựa theo quốc tịch của người đó;
- Tranh chấp về tai nạn giao thông : dựa theo luật của nước nơi xe được đăng ký hoặc luật của nước nơi công ty bảo hiểm đóng trụ sở;
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: dựa theo luật nơi xảy ra thiệt hại (lex loci delicti);
- Xác định huyết thống của con dựa theo luật quốc tịch của người mẹ ; nếu không xác định được mẹ thì dựa vào luật quốc tịch của con (Điều 311-14 BLDS;
- Việc nhận con dựa theo luật quốc tịch của người nhận hoặc luật quốc tịch của người con (Điều 311-17 BLDS).
5.2. Giải quyết xung đột pháp luật khi cả 2 hệ thống luật cùng có thể được áp dụng:
- Ví dụ: tòa án Pháp giải quyết tranh chấp về điều kiện hôn nhân (vi dụ xác định tuổi kết hôn) giữa một người Pháp và một người Ấn Độ. Trong trường hợp này Tòa án phải căn cứ vào cả 2 hệ thống luật để xác định độ tuổi hôn nhân của công dân mỗi nước.
6. Vấn đề công nhận và thi hành phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài trên lãnh thổ Pháp:
Trong 1 thời gian dài, với tư duy cổ điển về chủ quyền quốc gia, Pháp không thừa nhận việc một bản án của tòa án nước ngoài phát sinh hiệu lực trên lãnh thổ Pháp (án lệ Parker ngày 19/4/1819). Phải đến năm 1964, với án lệ Munzer, Tòa án tối cao Pháp mới chấp nhận việc công nhận và thi hành phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài trên lãnh thổ Pháp với những điều kiện nhất định:
- Thứ nhất, cơ quan tài phán nước ngoài phải có « thẩm quyền quốc tế », tức là trong trường hợp mà «quy phạm giải quyết xung đột cơ quan tài phán của Pháp không trao thẩm quyền riêng biệt cho Tòa án Pháp, thì Tòa án nước ngoài được công nhận có thẩm quyền quốc tế nếu tranh chấp gắn liền với quốc gia mà thẩm phán xét xử và việc lựa chọn cơ quan tài phán không có yếu tố sai lầm » (án lệ Simitch ngày 6/2/1985).
- Thứ hai, thủ tục tố tụng trước cơ quan tài phán nước ngoài phải tỏ ra hợp lệ xét trên quan điểm trật tự công cộng quốc tế của Pháp và việc tôn trọng quyền bào chữa (án lệ Banchir ngày 4/10/2001);
- Thứ ba, quyết định được ban hành phải phù hợp với chuẩn mực trật tự công cộng quốc tế. Một bản án/quyết định sẽ không được công nhận nếu đi ngược các nguyên tắc cơ bản của trật tự pháp luật Pháp.
II. MÔ HÌNH CỦA LIÊN BANG THỤY SỸ:
Khác với Cộng hòa Pháp, Thụy Sỹ có hẳn 1 đạo luật riêng do Nghị viện Liên bang ban hành ngày 18/12/1987 về tư pháp quốc tế. Phạm vi điều chỉnh của luật này bao gồm:
- Thẩm quyền của cơ quan tư pháp hoặc hành chính Thụy Sỹ;
- Luật áp dụng;
- Điều kiện công nhận và thi hành phán quyết nước ngoài;
- Phá sản và thu hồi nợ;
- Trọng tài.
Trong đó 3 nội dung đầu tiên liên quan trực tiếp đến tư pháp quốc tế.
1. Vấn đề thẩm quyền:
- Nguyên tắc chung : trừ trường hợp luật này có quy định khác, về nguyên tắc cơ quan tư pháp hoặc hành chính nơi cư trú của bị đơn sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
- Lựa chọn thẩm quyền: trong lĩnh vực quyền tài sản, các bản có thể thỏa thuận lựa chọn 1 tòa án để giải quyết tranh chấp phát sinh. Thỏa thuận này sẽ vô hiệu nếu nó tước đi một cách lạm dụng quyền của bên kia được chọn tòa án Thụy Sỹ. Tòa án được chọn sẽ không có quyền từ chối xét xử nếu: một bên cư trú có địa chỉ thường trú hoặc trụ sở kinh doanh tại bang mà người đó sinh sống hoặc theo quy định của luật này thì pháp luật của Thụy Sỹ sẽ được áp dụng đối với tranh chấp.
2. Vấn đề chọn luật áp dụng:
2.1. Việc chỉ định luật nước ngoài theo quy định của luật này được hiểu bao gồm toàn bộ tổng thể các quy định có thể được áp dụng để giải quyết tình huống. Không được loại trừ việc áp dụng luật nước ngoài chỉ với lý do quy phạm pháp luật đó mang đặc điểm của luật công.
2.2. Vấn đề dẫn chiếu: khi luật áp dụng dẫn chiếu đến luật Thụy Sỹ hoặc luật nước ngoài, thì việc dẫn chiếu đó chỉ được xem xét khi luật này có quy định. Trong lĩnh vực dân sự, việc dẫn chiếu của luật nước ngoài đến luật của Thụy Sỹ được chấp nhận.
2.3. Bảo lưu trật tự công cộng : việc áp dụng luật nước ngoài sẽ bị loại trừ nếu nó dẫn đến hệ quả đi ngược trật tự công cộng của Thụy Sỹ. Ngoài ra, các quy phạm mang tính bắt buộc trong luật Thụy Sỹ sẽ được áp dụng vì những mục đích đặc biệt trong mọi trường hợp kể cả khi luật này có dẫn chiếu đến một hệ thống luật khác.
2.4. Nơi cư trú của cá nhân: là nơi mà cá nhân đó có ý định định cư lâu dài tại một quốc gia; nơi thường trú của cá nhân đó tại một quốc gia trong một thời gian xác định; nơi đóng trụ sở kinh doanh. Một người không thể có nhiều nơi cư trú cùng một lúc. Nếu không xác định được nơi cư trú thì nơi thường trú cũng được coi là nơi cư trú. Đối với pháp nhân, nơi cư trú là trụ sở của pháp nhân đó.
2.5. Quốc tịch: quốc tịch của cá nhân được xác định theo luật của nước mà cá nhân đó có mối quan hệ gắn bó. Trong trường hợp cá nhân có nhiều quốc tịch trong đó có quốc tịch Thụy Sỹ thì chỉ cần dựa vào quốc tịch Thụy Sỹ để xác định luật áp dụng. Nếu cá nhân có nhiều quốc tịch (mà không có quốc tịch Thụy Sỹ) thì căn cứ vào quốc tịch của nước mà cá nhân đó có quan hệ gắn bó nhất để xác định luật áp dụng, trừ trường hợp luật nước đó quy định khác. Trong trường hợp công nhận một phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài tại Thụy Sỹ phục thuộc vào quốc tịch của một người, thì chỉ cần dựa vào một trong số quốc tịch mà người đó đang có để xác định là đủ.
2.6. Người không quốc tịch và người tị nạn: một người bị coi là không quốc tịch nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Công ước New york ngày 28/9/1954 về tình trạng của người không quốc tịch hoặc người mà mối liên hệ giữa họ với quốc gia bị cắt đứt. Người tị nạn là người thuộc trường hợp quy định tại Luật ngày 5/10/1979 về người tị nạn. Đối với người không quốc tịch và người tị nạn thì nơi cư trú thay thế tiêu chí quốc tịch.
2.7. Công nhận và thi hành phán quyết nước ngoài:
- Điều kiện công nhận: (i) thẩm quyền của tòa án hoặc cơ quan hành chính nước ngoài đã ra quyết định được thừa nhận; (ii) phán quyết đó không còn khả năng bị kháng cáo hoặc đã có hiệu lực chung thẩm; (iii) không thuộc trường hợp từ chối công nhận quy định tại Điều 27 của luật.
- Các trường hợp thừa nhận thẩm quyền của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài: (i) nếu thẩm quyền đó phát sinh theo quy định của luật này hoặc nếu luật không có quy định thì bị đơn phải đang cư trú tại nước nơi quyết định được ban hành; trong lĩnh vực quyền tài sản, các bên có quyền thỏa thuận chọn cơ quan có thẩm quyền ra phán quyết; trong lĩnh vực quyền tài sản, bị đơn đã thực hiện nghĩa vụ mà không có bảo lưu.
- Trường hợp từ chối công nhận: về nguyên tắc đó là trường hợp phán quyết đó trái với các nguyên tắc cơ bản của trật tự công cộng Thụy Sỹ.
2.8. Cá nhân:
- Trong trường hợp luật này không có quy định khác, thì cơ quan có thẩm quyền của Thụy Sỹ nơi cá nhân đó cư trú có thẩm quyền giải quyết các việc liên quan đến quyền nhân thân. Năng lực pháp luật dân sự được xác định theo luật Thụy Sỹ. Năng lực hành vi dân sự được xác định theo luật nơi cư trú.
2.9. Hôn nhân:
- Các cơ quan có thẩm quyền của Thụy Sỹ có thẩm quyền đăng ký kết hôn nếu một trong các bên cư trú tại Thụy Sỹ hoặc có quốc tịch Thụy Sỹ. Người nước ngoài không cư trú tại Thụy Sỹ cũng có quyền đăng ký kết hôn tại Thụy Sỹ nếu việc kết hôn đó được thừa nhận ở quốc gia nới người đó cư trú hoặc mang quốc tịch. Không được từ chối đăng ký kết hôn chỉ với lý do việc ly hôn được tuyên hoặc công nhận tại Thụy Sỹ nhưng không được công nhận ở nước ngoài.
- Việc hủy hôn nhân: Tòa án Thụy Sỹ nơi cư trú của một bên hoặc nơi đăng ký kết hôn hoặc nơi sinh của một bên có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy hôn nhân.
- Chế độ tài sản vợ chồng: các bên được thỏa thuận luật áp dụng để giải quyết chế độ tài sản vợ chồng.
- Ly hôn và ly thân: tòa án Thụy Sỹ nơi cư trú của bị đơn hoặc tòa án Thụy Sỹ nơi nguyên đơn đã cư trú ít nhất 1 năm ở Thụy Sỹ có quyền giải quyết ly hôn và ly thân. Luật áp dụng trong trường hợp này là luật Thụy Sỹ. Tuy nhiên, nếu 2 vợ chồng đều có quốc tịch chung nước ngoài và 1 bên cư trú tại Thụy Sỹ thì luật của nước mà họ mang quốc tịch được áp dụng.
- Xác định huyết thống: Tòa án Thụy Sỹ nơi thường trú của trẻ em hoặc nơi cư trú của một trongt hai bên cha mẹ có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện liên quan đến xác định huyết thống của trẻ em. Luật áp dụng trong trường hợp này là luật nơi thường trú của trẻ em.
- Thừa nhận con: luật áp dụng là luật của nước nơi đứa trẻ thường trú, nơi đứa trẻ mang quốc tịch, nơi cư trú của cha mẹ.
2.9. Nuôi con nuôi:
- Điều kiện nhận nuôi con nuôi tại Thụy Sỹ được xác định theo luật Thụy Sỹ.
2.10. Thừa kế:
- Việc giải quyết thừa kế dựa theo 2 trường hợp : (i) nếu người chết có nơi cư trú cuối cùng tại Thụy Sỹ thì căn cứ theo luật Thụy Sỹ. Người nước ngoài có thể để lại di chúc chọn luật mà người đó mang quốc tịch để giải quyết; (ii) nếu người chết có nơi cư trú cuối cùng tại nước ngoài thì căn cứ theo luật của nước nơi người đó cư trú.
2.11. Động sản, bất động sản:
- Bất động sản: Tòa án nơi có bất động sản tại Thụy Sỹ có thẩm quyền chuyên biệt để giải quyết tranh chấp về bất động sản;
- Động sản: Tòa án Thụy Sỹ nơi cư trú hoặc nơi thường trú của bị đơn có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về bất động sản. Mặt khác, tòa án Thụy Sỹ nơi có tài sản cũng có thẩm quyền giải quyết.
2.12. Sở hữu trí tuệ:
- Quyền sở hữu trí tuệ được điều chỉnh bởi luật của nước nơi có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu đó; các bên cũng có quyền lựa chọn luật của một nước bất kỳ để giải quyết.
2.13. Hợp đồng :
- Luật áp dụng trong lĩnh vực hợp đồng là luật do các bên thỏa thuận;
- Nếu không có thỏa thuận: thì áp dụng luật của nước nơi hợp đồng có quan hệ gắn bó nhất.
III. MÔ HÌNH CỦA VƯƠNG QUỐC BỈ
Giống như Thụy Sỹ, Bỉ có hẳn một Bộ luật về tư pháp quốc tế (ban hành ngày 1/10/2004). Sau đây là những nội dung chính của Bộ luật.
1. Giải quyết xung đột cơ quan tài phán:
- Tòa án Bỉ có thẩm quyền nếu bị đơn cư trú hoặc thường trú tại Bỉ vào thời điểm vụ kiện được thụ lý (Điều 5 khoản 2); đối với pháp nhân thì nơi cư trú được hiểu là nơi đóng trụ sở chính.
- Trong trường hợp có nhiều bị đơn, tòa án Bỉ có thẩm quyền nếu một trong số họ cư trú hoặc thường trú tại Bỉ, trừ trường hợp vụ kiện chỉ nhằm vào bị đơn cư trú ở nước ngoài;
- Đối với chi nhánh của pháp nhân: tòa án Bỉ có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu liên quan đến khai thác chi nhánh của pháp nhân không có trụ sở chính tại Bỉ nêu như chi nhánh này hiện diện tại Bỉ vào thời điểm vụ việc được thụ lý;
- Thỏa thuận chọn tòa án: các bên được quyền thỏa thuận chọn tòa án Bỉ để giải quyết vụ việc và trong trường hợp này thẩm quyền của tòa án Bỉ là duy nhâts (Điều 6). Tuy nhiên Tòa án Bỉ có thể từ chối thụ lý với lý do vụ việc không có mối liên hệ nào với nước Bỉ (forum non conveniens);
- Biện pháp khẩn cấp tạm thời: Tòa án Bỉ có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay cả khi Tòa án không có thẩm quyền giải quyết nội dung vụ việc.
2. Giải quyết xung đột pháp luật:
- Về nhân thân và năng lực pháp luật dân sự xác định theo luật mà cá nhân có quốc tịch;
- Về xác định huyết thống: việc nhận con có thể được giải quyết ở tòa án Bỉ nếu người nhận có nơi thường trú ở Bỉ vào thời điểm nộp đơn hoặc đứa trẻ được sinh ra ở Bỉ hoặc đứa trẻ có nơi thường trú ở Bỉ vào thời điểm vụ việc được giải quyết;
- Kết hôn và ly hôn: điều kiện kết hôn về mặt nội dung được xác định theo luật quốc tịch của mỗi bên, điều kiện về hình thức được xác định theo luật của nước nơi tiến hành hôn lễ. Về ly hôn: các bên được quyền chọn luật của nước mà hai bên cùng có quốc tịch hoặc luật của Bỉ để giải quyêt.
- Chế độ tài sản vợ chồng: các bên được thỏa thuận chọn luật áp dụng để giải quyết tranh chấp tài sản vợ chồng. Nếu không có thỏa thuận thì theo thứ tự sau: (i) luật của nước mà một trong hai bên chọn làm nơi cư trú sau khi kết hôn; (ii) luật của nước mà một trong hai bên có quốc tịch vào thời điểm kết hôn; (iii) luật của nước nơi tiến hành hôn lễ.
- Về thừa kế: xác định theo luật của nước nơi cư trú cuối cùng của người chết.
- Về quyền tài sản: đối với vật quyền được xác định theo luật của nước nơi có tài sản (lex rei sitae). Đối với tài sản đang trên đường vận chuyển được xác định theo luật của nước nơi tài sản sẽ được chuyển đến; riêng đối với máy bay, tàu thủy được xác định theo luật của nước nơi tài sản được đăng ký.
- Về nghĩa vụ theo hợp đồng: áp dụng theo Công ước Rome về luật áp dụng đối với hợp đồng.
- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: theo luật của nước nơi xảy ra thiệt hại.
- Về sở hữu trí tuệ: việc xác định chủ thể gốc của quyền SHTT căn cứ vào luật của nước nơi quyền SHTT được khai thác có mối quan hệ gắn bó nhất (Điều 93). Đôi với các tranh chấp khác căn cứ theo luật của nước nơi có yêu cầu bảo hộ quyền SHTT.
Một số nhận xét riêng của tác giả:
Nghiên cứu mô hình tư pháp quốc tế của 3 nước nói trên cho phép rút ra một nhận xét là về cơ bản không có sự khác biệt lớn trong các chế định về lựa chọn cơ quan tài phán và lựa chọn luật áp dụng. Vì sao lại có đặc điểm thú vị này? Câu trả lời nằm chính trong bản chất của tư pháp quốc tế. Khác với các ngành luật khác, tư pháp quốc tế không đi vào giải quyết tình huống tranh chấp về mặt nội dung, mà chỉ có 2 nhiệm vụ chính xác định cơ quan tài phán nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc và hệ thống pháp luật nào sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Để trả lời câu hỏi này, các nước nhìn chung đều lựa chọn cách tiếp cận thực tiễn và hiệu quả. Trước hết, xuất phát từ đặc điểm tư pháp quốc tế cũng là lĩnh vực luật tư (private law), nên nguyên tắc đầu tiên là tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên. Các bên được quyền thỏa thuận lựa chọn cơ quan tài phán có thẩm quyền để giải quyết vụ việc, trừ một số trường hợp đặc biệt vì lý do bảo vệ trật tự công cộng. Tiếp theo đó là học thuyết về “mối quan hệ gắn bó”. Tùy trường hợp nó có thể là yếu tố quốc tịch, nơi cư trú, nơi đóng trụ sở chính, nơi xảy ra hành vi, nơi có tài sản, nơi tài sản được đăng ký...Logic của vấn đề nằm ở chỗ: chọn tòa án nào, hệ thống pháp luật nào để đảm bảo vụ việc được giải quyết một cách hiệu quả nhất, đáp ứng tốt nhất lợi ích của các bên trong mối tương quan với lợi ích chung của xã hội (trật tự công cộng).
Dù dự liệu tốt đến đâu thì tư pháp quốc tế thành văn cũng không thể giải quyết hết được các tình huống phát sinh và đó chính là cơ hội để án lệ phát huy vai trò hướng dẫn, giải thích luật, thậm chí là đề ra cả những nguyên tắc mới tạo nền tảng cho quá trình pháp điển hóa.
Sự tồn tại rời rạc của các quy phạm tư pháp quốc tế sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác áp dụng pháp luật, đặc biệt đối với những nước còn nhiều hạn chế về nguồn nhân lực. Do vậy, phương pháp pháp điển hóa của Bỉ và Thụy Sĩ thành một đạo luật hoặc bộ luật chuyên biệt về tư pháp quốc tế có thể là một sự lựa chọn hợp lý không chỉ về mặt khoa học pháp lý mà còn cả về thực tiễn áp dụng pháp luật, bởi vì xét đến cùng, thước đo hàng đầu về tính hiệu quả của một hệ thống pháp luật chính là ở chỗ hệ thống ấy đã giúp ích được gì cho việc giải quyết các vấn đề do cuộc sống đặt ra./.
TS. Nguyễn Hữu Huyên - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp
Tài liệu tham khảo:
- Droit international privé, Dominique Bureau, Horatia Muir Watt, Puf, coll. Thémis, t. I (Partie Générale) & II (Partie spéciale), 2007, (ISBN 2130517471 et 2130565042).
- Droit international privé, Pierre Mayer et Vincent Heuzé, Montchrestien, 2004, Domat droit privé, 784 pages 8e édition, (ISBN 2707613886) Droit international privé.
- Droit international privé, Bernard Audit, Economica, 2006, 4e édition, (ISBN 2717840923)
- Droit international privé, Yvon Loussouarn, Pierre Bourel, P. de Vareilles-Sommières, Dalloz, 2007, Précis, 1026 pages, 9e édition, (ISBN 224707518) Droit international privé.
- Droit international privé, Patrick Courbe, Armand Colin, 2003, Compact, 388 pages, 2e édition, (ISBN 2247048056)
- Droit international privé, Thierry Vignal, Armand Colin, 2005, (ISBN 2247055583)