Bàn về quy định người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng trong pháp luật dân sự Việt Nam

06/01/2015
 

 

Theo nghĩa thông thường thì người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng đồng thời cũng là người đảm nhận việc thờ cúng tổ tiên. Trong đời sống người Việt thì gần như gia đình nào cũng có bàn thờ tổ tiên trong nhà và đến những dịp giỗ kỵ, lễ tết hoặc tuần rằm mùng một thì việc thờ cúng thường được thực hiện. Người thực hiện việc thờ cúng trong những trường hợp trên thường là người chủ trong gia đình, có thể là người cha hoặc người mẹ và hoạt động thờ cúng trên đôi khi cũng chỉ là thắp hương trên bàn thờ, nhất là vào những ngày rằm hoặc mùng một thông thường. Tuy nhiên, người thờ cúng đặt trong mối quan hệ với việc để lại di sản thờ cúng theo di chúc thì được xác định rõ hơn và về bản chất pháp lý hoạt động thờ cúng mang tính ràng buộc hơn và gắn với những ngày giỗ kỵ người để lại di sản thờ cúng.

Theo quy định của Điều 670 Bộ luật dân sự năm 2005, thì có hai loại người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng, đó là, người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng được người để lại thừa kế chỉ định rõ trong di chúc và người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng do những người thừa kế cử ra.

1. Về người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng được chỉ định trong di chúc

 Tại Điều 389 Quốc triều hình luật quy định: “Các quan đại thần cùng các quan viên cho đến thường dân, phàm con cháu, giữ việc phụng sự hương hỏa, thì không kể tuổi lớn nhỏ, phẩm trật cao thấp, phải theo lệ thường, ủy cho người con trưởng của vợ cả. Nếu người con cả chết trước, thì lấy người cháu trưởng; nếu không có người cháu trưởng, thì mới lấy người con thứ. Nếu người vợ cả không có con trai khác, thì mới chọn lấy người con nào tốt của vợ lẽ. Nếu người con trưởng, cháu trưởng có tật nặng hay hư hỏng, không thể giữ việc thờ cúng được, thì phải trình quan sở tại để chọn người khác thay. Nếu trái luật thì cho người trưởng họ được cáo tỏ ở các nha môn để tâu lên, sẽ khép vào tội bất hiếu bất mục trái bỏ điển lễ” và “Người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng, ruộng đất hương hỏa thì cho lấy một phần hai mươi[1].

Như vậy, quy định của Quốc triều hình luật về người thờ cúng, được xây dựng theo hướng đề cao gần như tuyệt đối vai trò của người con trai trưởng, và ưu tiên dòng các con trai theo quan hệ huyết thống nội tộc nhưng cũng thừa nhận quyền của người con gái trưởng được quản lý di sản thờ cúng và thờ cúng cha mẹ. Ảnh hưởng của chế độ gia đình phụ hệ gia trưởng và thừa nhận chế độ hôn nhân đa thê từ thời kỳ phong kiến nên các nhà xây dựng Bộ dân luật Bắc kỳ và Bộ dân luật Trung kỳ vẫn tiếp thu các quy định của Bộ quốc triều hình luật về việc xác định người thờ cúng, theo hướng ưu tiên con trai trưởng, và cũng thừa nhận người con gái trưởng có quyền “đứng ăn hương hỏa để phụng tự”.

 Xuất phát từ những những tư tưởng dân chủ trên thế giới, thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng quyền con người và kết quả của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc nên ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 quy định: “Vợ và chồng có địa vị bình đẳng trong gia đình” và “Người đàn bà có chồng có toàn năng lực về mặt hộ”. Nguyên tắc này đã được ghi nhận trong các bản Hiến Pháp sau này nên trong Điều 670 nhà làm luật đã không quy định người thờ cúng phải là con trai trưởng hoặc theo hướng ưu tiên con trai mà để dành quyền chủ động cho người lập di chúc, bất cứ người con hoặc cháu nào không phân biệt con trưởng hay con thứ, con trai hay con gái thậm chí cả người không có quan hệ huyết thống (tất nhiên điều này ít xảy ra) cũng có thể là người quản lý di sản thờ cúng nếu được người để lại di sản chỉ định trong di chúc. Một vấn đề đặt ra liệu những người thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản - bị truất quyền hưởng thừa kế (Điều 643 Bộ luật dân sự năm 2005) có được phép là người quản lý di sản thờ cúng không. Giải quyết vấn đề này, cần chia ra hai trường hợp:

- Trường hợp thứ nhất, nếu người lập di chúc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng không biết người mà mình chỉ định quản lý di sản thờ cúng có những hành vi mà theo quy định của pháp luật sẽ bị truất quyền thừa kế thì những người thừa kế của người để lại di sản có quyền yêu cầu tòa án buộc người đã được chỉ định quản lý di sản thờ cúng giao lại di sản thờ cúng.

 - Trường hợp thứ hai, nếu người để lại di sản thờ cúng đã biết người có hành vi mà theo quy định sẽ bị truất quyền hưởng di sản thừa kế nhưng vẫn giao di sản thờ cúng cho họ thì cần công nhận theo ý chí của người để lại di sản.

2. Người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng không được chỉ  định trong di chúc mà do những đồng thừa kế cử ra

Điều 670 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng...". Như vậy, cần xác định ai là những người có quyền cử người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng? Theo nội dung điều luật thì nhà làm luật quy định “những người thừa kế” nghĩa là bao gồm cả những người thừa kế theo pháp luật và những người thừa kế theo di chúc. Nếu những người thừa kế theo pháp luật đồng thời là người thừa kế theo di chúc thì những người này đã được xác định rõ tên tuổi, vị trí trong quan hệ với người lập di chúc và những người này thống nhất cử ra một người quản lý di sản thờ cúng.

 Trong trường hợp người thừa kế theo pháp luật khác với những người thừa kế theo di chúc thì trước hết phải xác định những người thừa kế theo pháp luật là những người nào? Pháp luật thừa kế quy định về diện và hàng thừa kế, diện thừa kế bao gồm tất cả những người theo quy định của pháp luật được hưởng thừa kế của người để lại di sản, còn hàng thừa kế quy định về thứ tự người được nhận di sản thừa kế, gồm hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế thứ hai, hàng thừa kế thứ 3. Về nguyên tắc, chỉ khi không có người ở hàng thừa kế thứ nhất hoặc những người ở hàng thừa kế thứ nhất đều từ chối nhận di sản thì mới xem xét đến những người ở hàng thừa kế thứ hai. Như vậy, trong việc xác định ai là người có quyền cử người quản lý di sản thờ cúng thì trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật cần phải xác định những người ở hàng thừa kế thứ nhất trước (nếu hàng thừa kế thứ nhất không còn ai thì sẽ đến hàng thừa kế thứ hai, rồi hàng thứ 3...), nhưng cũng cần phải nhận thức rằng dù là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất nhưng lại rơi vào trường hợp bị truất quyền hưởng di sản thì những người này không được phép tham gia vào việc bàn bạc cử người quản lý di sản thờ cúng, bởi lẽ, họ mất quyền hưởng di sản thừa kế thì cũng mất quyền tham gia giải quyết việc thừa kế nói chung và cử người quản lý di sản thờ cúng nói riêng. Thờ cúng là sự bày tỏ lòng biết ơn, tôn kính đối với tổ tiên còn những người đã thực hiện hành vi bị pháp luật quy định thuộc trường hợp không được hưởng thừa kế thì bản chất những người này đã thể hiện sự không tôn kính, biết ơn đối với tổ tiên nên không thể được tham gia vào việc cử người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng.

Tuy nhiên, trường hợp phải cử một người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng thì cần phải đặt ra vấn đề những người như thế nào để được giao quản lý di sản thờ cúng? Người được giao quản lý di sản thờ cúng bắt buộc phải chọn trong số những người thừa kế ở hàng thứ nhất và những người thừa kế theo di chúc hay có thể chọn một người ở hàng thừa kế thứ hai? Bộ luật dân sự năm 2005 không có giải pháp cho trường hợp này. Nghiên cứu Điều 670 và Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 (Điều 676 quy định về người thừa kế theo pháp luật) cho thấy, trong trường hợp phải cử người quản lý di sản thờ cúng thì người được giao quản lý di sản thờ cúng phải chọn trong số những người thừa kế theo di chúc và những người thừa kế theo pháp luật ở hàng thứ nhất; còn những người tuy ở hàng thừa kế thứ nhất nhưng lại thuộc trường hợp bị truất quyền hưởng di sản thì không thể được giao quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng, bởi vì những người này đã có những hành vi thể hiện về mặt đạo đức sự không tôn kính người để lại di sản. Bên cạnh đó, những người chưa thành niên, người không có năng lực hành vi hay bị hạn chế năng lực hành vi dù ở hàng thừa kế thứ nhất hay là người được thừa kế theo di chúc cũng không thể được giao quản lý di sản thờ cúng. Còn lại những người thừa kế không thuộc các trường hợp trên thì có thể được giao quản lý di sản thờ cúng bất kể là con trai hay con gái, con trưởng hay con thứ.

Khi xem xét để cử người quản lý di sản thờ cúng cần lưu ý đến một thực tế, chúng ta không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt và những tập quán, phong tục (đã được ghi nhận trong luật cổ) đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, đó là sự thừa nhận đương nhiên vai trò của người con trai trưởng và việc quản lý di sản thờ cúng cũng như việc thờ cúng được ưu tiên chuyển cho các con trai theo huyết thống nội tộc. Hiện nay, xã hội phát triển, con trai hay con gái, con trưởng hay con thứ đều bình đẳng như nhau và pháp luật đều bảo hộ nhưng trong đời sống thực tế của người Việt, vai trò, trách nhiệm của người con trưởng nhìn chung vẫn được nhìn nhận đánh giá cao hơn, thể hiện ở trong sinh hoạt hàng ngày nhất là những công việc liên quan tới quan hệ đối nội (quan hệ trong nội tộc) và quan hệ đối ngoại (quan hệ với hàng xóm, láng giềng). Ngày nay, mỗi dịp giỗ tết thì người con trai trưởng vẫn là người đứng ra làm giỗ, dù người chị gái hoặc người em có giữ chức vụ quan trọng thì dịp giỗ tết vẫn thường đến nhà anh trưởng để làm giỗ cha mẹ, vẫn phải góp giỗ... bởi vì họ chịu sự điều chỉnh của những quy phạm đạo đức, tập quán truyền thống của người Việt nhiều khi có giá trị cao hơn pháp luật. Việc người con trai trưởng thờ cúng, giỗ kỵ cha mẹ tổ tiên cũng là phương cách để củng cố quan hệ gia đình, tăng cường sự đoàn kết giữa các anh chị em.

  Mặt khác, khi xem xét cử người quản lý di sản thờ cúng cũng cần xét đến những điều kiện trong thực tế để đảm bảo cho người quản lý di sản thờ cúng thực hiện được việc thờ cúng thuận lợi đó là những điều kiện về mặt địa lý, thời gian và về mặt kinh tế. Do đó, nên chăng cần bổ sung trong trường hợp những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng hoặc trường hợp phải thay đổi người quản lý di sản thờ cúng thì cần quy định theo hướng: Việc giao người quản lý di sản thờ cúng cần ưu tiên theo quy định của tập quán, phong tục trong trường hợp tập quán không rõ ràng thì khi cử người quản lý di sản thờ cúng cần xem xét đến các điều kiện về địa lý, thời gian và điều kiện kinh tế của người sẽ được giao quản lý di sản thờ cúng.

Như đã phân tích ở trên những người thừa kế ở hàng thứ nhất mà bị truất quyền hưởng di sản thừa kế thì cũng không được tham gia cử người quản lý di sản thờ cúng và không được giao quản lý di sản thờ cúng. Nhưng vấn đề đặt ra, trong trường hợp những người thừa kế theo di chúc và những người thừa kế theo pháp luật hàng thứ nhất không có điều kiện quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng thì liệu con của người bị truất quyền hưởng thừa kế có được giao quản lý di sản thờ cúng không? Như đã biết, thờ cúng là sự bày tỏ lòng thành kính biết ơn đối với tổ tiên, cầu mong tổ tiên che chở, trợ giúp. Như vậy, bất cứ con cháu nào cũng có quyền bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với công lao của tổ tiên. Thờ cúng cũng nhằm mục đích củng cố tình cảm, sự đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình nên nếu như người cha có những hành vi bị pháp luật truất quyền hưởng thừa kế, không được tham gia vào việc cử người quản lý di sản thờ cúng của ông bà, không được giao quản lý phần di sản để thờ cúng thì cũng không có nghĩa là người con (là cháu của người để lại di sản) mất quyền thờ cúng ông bà, tổ tiên vì đây là đạo lý, cha mẹ cháu có thể là người hư hỏng nhưng không có nghĩa là cháu cũng bị coi là hư hỏng theo. Nghiên cứu các quy định của Luật cổ cho thấy, Điều 392 Quốc triều hình luật quy định: “Người con trưởng nếu hư hỏng hay bị tật nặng không thể giữ việc thờ cúng, thì cha mẹ đem phần hương hỏa giao cho con thứ giữ, và phải theo lệnh của cha mẹ. Nếu người con thứ không có con trai mà người con trưởng bất tiếu ([2]) hay bị phế tật lại có con trai, cháu trai, thì phần hương hỏa ấy trước lại giao về cho con trưởng ấy[3]. Không bàn đến tư tưởng “trọng nam khinh nữ” hay phân biệt giữa con trưởng với con thứ thì người Việt cổ cũng đã đưa ra được giải pháp đảm bảo cho trường hợp những người thừa kế ở hàng thứ nhất không có điều kiện quản lý di sản thờ cúng thì có thể giao cho người ở hàng thừa kế thứ hai quản lý di sản thờ cúng. Như vậy, trong trường hợp có người ở hàng thừa kế thứ nhất bị truất quyền hưởng thừa kế, không được tham gia cử người quản lý di sản thờ cúng để dùng vào việc thờ cúng mà những người thừa kế còn lại không có điều kiện quản lý di sản thờ cúng thì con của người bị truất quyền hưởng thừa kế có thể được giao quản lý di sản thờ cúng nếu không có những hành vi đồng phạm với người bị truất quyền hưởng thừa kế.

3.  Quyền và nghĩa vụ của những người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng

Việc xác định quyền và nghĩa vụ của những người thờ cúng là một vấn đề quan trọng, bởi việc thờ cúng có thực hiện trên thực tế hay không, ý chí của người để lại di sản thờ cúng có được biến thành hiện thực không đều phụ thuộc vào người thờ cúng. Như vậy, để đảm bảo người thờ cúng thực hiện theo di chúc thì cần phải chỉ ra người thờ cúng có những quyền lợi và những nghĩa vụ gì. Trên cơ sở xác định quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng thì mới chỉ ra được những căn cứ pháp lý để từ đó xem xét người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng đã thực hiện đúng và đầy đủ quyền, nghĩa vụ chưa? có hoàn thành nghĩa vụ không? Từ đó mới có thể  đánh giá và xác định người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng có thể bị thay đổi không khi có yêu cầu thay đổi. Điều 670 Bộ luật dân sự năm 2005 không chỉ ra người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng có những quyền và nghĩa vụ gì mà nhà làm luật mới chỉ dừng lại ở quy định: “nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế, thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng”. Dường như khi xây dựng quy định này, nhà làm luật trao việc xác định quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng cho người lập di chúc và những người thừa kế (trong trường hợp người lập di chúc không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng). Tuy nhiên, bất cứ một thỏa thuận xác định quyền và nghĩa vụ của một người như thế nào đòi hỏi phải phù hợp với chuẩn mực chung về mặt pháp luật và đạo lý. Do vậy, nếu trong trường hợp có sự tranh chấp trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của người thờ cúng thì cần phải có một cơ chế để giải quyết tranh chấp này - đó là Tòa án - nhưng để đưa ra được phán quyết thì Tòa án cần phải dựa vào những tiêu chí đã được đạo đức chung của xã hội thừa nhận và đã được luật hóa thành các tiêu chí mang tính chuẩn mực và có giá trị bắt buộc mọi người phải thực hiện, nói cách khác là Tòa án phải xem xét xem người thờ cúng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chưa và có được hưởng quyền lợi không? hưởng quyền lợi như thế nào? chứ không thể dựa vào ý chí của một bên để xác định bên kia vi phạm. Việc nhà làm luật không xác định quyền và nghĩa vụ của người thờ cúng, dù chỉ ở mức độ mang tính nguyên tắc chung là chưa đầy đủ và không phù hợp với thực tế, bởi lẽ, nghĩa vụ thờ cúng là nghĩa vụ mang tính ý thức, tinh thần nhưng nó cũng đòi hỏi người quản lý di sản phải bỏ ra chi phí (làm cỗ...) và cũng đòi hỏi phải tốn kém thời gian, công sức và cả chi phí nữa. Như vậy, người quản lý di sản phải được hưởng những lợi ích vật chất gì vừa để chi dùng cho việc thờ cúng vừa để chi phí cho công sức của bản thân bỏ ra (dù chỉ một phần) từ đó mới có động lực để thực hiện nghĩa vụ quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng.

Về việc xác định nghĩa vụ của người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng, thông thường khi lập di chúc người để lại di sản dùng vào việc  thờ cúng không bao giờ chỉ ra người quản lý di sản thờ cúng phải làm những việc cụ thể như thờ cúng như thế nào, thờ cúng vào những thời gian cụ thể nào trong tháng, trong năm, ngày thờ cúng thì vào buổi trưa hay chiều, lễ vật dâng lên bàn thờ tổ tiên phải có những gì, phải mời những ai tham dự... Pháp luật cổ xưa cho đến nay và cả tập quán cũng không đòi hỏi người lập di chúc phải chỉ rõ những việc cần làm cho người thờ cúng mà chỉ dừng lại ở mức độ người lập di chúc chỉ ra những phần tài sản dùng để thờ cúng mình và tổ tiên. Bên cạnh đó, người được giao quản lý di sản thờ cúng và chịu trách nhiệm thực hiện việc thờ cúng không phải chỉ có một việc thờ cúng tổ tiên, dành hết thời gian, công sức vào việc thờ cúng tổ tiên và chắc chắn họ cũng không thể sống được chỉ bằng một nguồn thu nhập là một phần được trích ra từ nguồn lợi thu được từ phần tài sản dành để thờ cúng. Người được giao quản lý di sản thờ cúng cũng phải bỏ thời gian, công sức ra lao động để nuôi sống bản thân và gia đình và thực tế diễn biến cuộc sống của mọi người nói chung, người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng nói riêng luôn biến động. Điều 670 trao quyền xác định quyền, nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng cho những người thừa kế, vậy, trong trường hợp những người thừa kế thỏa thuận giao cho một người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng nhưng thỏa thuận của những người này dù không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không xâm phạm quyền lợi của người thứ 3 nhưng lại không phù hợp (hoặc ban đầu thì phù hợp nhưng sau lại không phù hợp do tình hình thay đổi) với điều kiện của người được giao quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng dẫn đến người đang quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng thực hiện không được như mong muốn của những người thừa kế. Những người thừa kế lấy lý do người được giao quản lý di sản thờ cúng đã thực hiện không đúng theo thỏa thuận, không đúng di chúc để yêu cầu thay đổi thì căn cứ nào để xem xét yêu cầu xin thay đổi của những người thừa kế là phù hợp hay không. Do vậy, pháp luật cần thiết phải quy định về quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng.

Nghiên cứu các quy định của luật cổ cho thấy, trong Quốc triều hình luật xuất phát từ quy định việc thờ cúng tổ tiên là một nghĩa vụ bắt buộc, việc chuyển giao phần hương hỏa luôn ưu tiên theo hướng cho các con trai theo huyết thống nội tộc. Việc thờ cúng tổ tiên là sự biểu hiện đồng thời chứng minh cho việc thực hiện chữ “Hiếu” nên dường như người quản lý di sản thờ cúng nói riêng và những người thừa kế nói chung chỉ có nghĩa vụ chứ không có quyền và khi thực hiện đúng, đầy đủ những nghi lễ để tang, thờ cúng được đánh giá tích cực và trong quan niệm của người Việt cổ đó lại chính là cách chứng minh tốt nhất của người con với người ngoài, đã báo hiếu cha mẹ. Để đảm bảo cho chữ “Hiếu” được thực hiện thì Quốc triều hình luật đã quy định một loạt các cách thức, thời gian để tang khi người thân mất, đó là “Biểu đồ để tang 9 bậc họ nội : “ 1- Kỵ tổ ông kỵ tổ bà: Để tang Tự thôi 3 tháng. 2- Cụ tổ ông cụ tổ bà: Để tang Tự thôi 5 tháng... 3- Cha mẹ để tang Trảm thôi 3 năm, có chống gậy”[4]... Ngoài các quy định về hình thức để tang thì bộ Quốc triều hình luật còn quy định về tội “Bất Hiếu” là một trong 10 tội ác (Thập ác), có nội dung: “Bất hiếu, là tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ, trái lời cha mẹ dạy bảo; nuôi nấng thiếu thốn, có tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng, vui chơi ăn mặc như thường; nghe thấy tang ông bà cha mẹ mà giấu, không cử ai ([5]); nói dối là ông bà cha mẹ chết[6]. Bộ luật Gia long cũng có các quy định tương tự như  Quốc triều Hình luật. Trong Bộ luật dân sự Bắc kỳ và Bộ dân luật Trung kỳ (Hoàng Việt Trung kỳ Hộ luật), nhà làm luật đã xây dựng các quy phạm pháp luật định rõ quyền và nghĩa vụ của người thờ cúng, ví dụ: Điều thứ 422 Bộ dân luật Bắc kỳ quy định: “Người ăn hương hỏa được hưởng lợi về tài sản hương hỏa, được thu hoa lợi tự nhiên và hoa lợi về hộ luật do của hương hỏa sinh ra; và phải hưởng thụ của hương hỏa như người chủ nhà gìn giữ của nhà mình vậy”; Điều thứ 427 quy định: “Người ăn hương hỏa phải làm những việc sửa sang thường. Lại phải làm cả những những việc sửa sang lớn, nhưng chỉ chiểu theo số lợi tức mình được hưởng sau khi đã trừ đi số tiền chi tiêu mình phải chịu về việc phụng tự mà thôi. Khi lợi tức hương hỏa không đủ chi thì có thể xin hội đồng gia tộc bổ cấp cho.  Phàm vật kiến trúc lâu ngày đổ nát, hoặc bị sự ngẫu nhiên phá hủy, thì người ăn hương hỏa không bắt buộc phải làm lại”; Điều thứ 429 quy định: “Người ăn hương hỏa phải lấy lợi tức của hương hỏa và chiểu theo hạn số lợi tức ấy mà chi mọi khoản phí tổn về việc phụng tự cùng việc coi giữ phần mộ. Người ăn hương hỏa được lấy một phần trong lợi tức ấy để chi tiêu cho mình”... Bộ luật dân sự Trung kỳ cũng quy định tương tự tại các Điều thứ 431, Điều thứ 436, Điều thứ 437, Điều thứ 438. Việc xác định quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng quy định trong luật cổ cần phải được xem xét kế thừa khi pháp điển hóa Bộ luật dân sự.

4. Căn cứ thay đổi người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng và người có quyền yêu cầu thay đổi người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng

Căn cứ thay đổi người quản lý di sản thờ cúng được hiểu là những căn cứ làm chấm dứt quyền quản lý của người đang quản lý di sản thờ cúng. Điều 670 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế, thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng”. Cũng như việc xác định quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng thì Điều 670 cũng không chỉ ra những căn cứ để thay đổi người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng mà dành cho người lập di chúc và những người thừa kế. Như vậy, phải căn cứ vào nội dung di chúc hoặc thỏa thuận của những người thừa kế khi cử người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng thì mới biết được căn cứ để thay đổi người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng. Nếu như người lập di chúc lại chỉ xác định trong di chúc người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng chứ không nói rõ nội dung cần thực hiện và trường hợp những người thừa kế cũng chỉ thỏa thuận xác định người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng thì lấy tiêu chí nào để đánh giá nếu xảy ra yêu cầu thay đổi. Trước hết có thể xác định việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng không ngoài mục đích để thờ cúng, việc thờ cúng này ít nhất cũng phải thực hiện trong dịp giỗ kỵ hàng năm. Như vậy, nếu như người được giao quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng cả một năm không thờ cúng gì thì chắc chắn là vi phạm nghĩa vụ thờ cúng và phải bị thay đổi. Tuy nhiên, có những trường hợp do công việc riêng của người quản lý di sản thờ cúng  bận rộn hoặc do lý do nào đấy mà hoạt động thờ cúng không được tiến hành thì cũng cần phải có quy định phân hóa những trường hợp này. Do đó, ngoài lý do người quản lý di sản thờ cúng bỏ hẳn cả năm, nhiều năm không thực hiện việc thờ cúng là căn cứ để thay đổi mà ai cũng nhận thấy thì cần thiết phải xây dựng những căn cứ khác nữa để thực hiện thay đổi người quản lý di sản thờ cúng.

Nghiên cứu các quy định của Bộ dân luật Bắc kỳ và Bộ dân luật Trung kỳ về vấn đề này đều có quy định về các căn cứ để xác định người quản lý di sản thờ cúng vi phạm nghĩa vụ thờ cúng tại các Điều thứ 420 Bộ dân luật Bắc kỳ và Điều thứ 429 Bộ dân luật Trung kỳ, cụ thể các căn cứ đó gồm: - Người thờ cúng bỏ hẳn việc thờ cúng; - Không có duyên cớ chính đáng mà quá lười biếng về trách nhiệm phụng tự; - Bất hiếu; - Đạo mại của hưởng hỏa; - Bị án về tội đại hình. Xem xét các căn cứ để thay đổi người quản lý di sản thờ cúng có thể thấy những căn cứ trên hoàn toàn thể hiện được yêu cầu đảm bảo cho việc thờ cúng được thực hiện theo đúng ý chí của người để lại di sản đồng thời cũng phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật.

Về việc xác định những người có quyền giao di sản thờ cúng cho người khác quản lý. Điều 670 Bộ luật dân sự năm 2005 xác định “những người thừa kế” nghĩa là bao gồm cả người thừa kế theo pháp luật và những người thừa kế theo di chúc. Những người thừa kế theo di chúc thì luôn được xác định cụ thể trong di chúc còn với những người thừa kế theo pháp luật là tất cả những người trong diện thừa kế theo pháp luật nhưng tất yếu và trước hết phải là những người ở hàng thừa kế thứ nhất vì điều này tương tự như trường hợp xác định người thừa kế có quyền cử người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng khi người lập di chúc không chỉ định trong di chúc.

Do những điều kiện về lịch sử từ khi giành được độc lập cho đến khi Nhà nước ta ban hành Pháp lệnh thừa kế là hơn 40 năm, chúng ta lại tiếp tục ghi nhận vấn đề di sản dùng vào việc thờ cúng trong một đạo luật, từ quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng trong Pháp lệnh thừa kế đến quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng trong Bộ luật dân sự đã đánh dấu một sự phát triển về mặt lập pháp, thể hiện sự coi trọng hơn, ghi nhận và bảo vệ bằng pháp luật một tín ngưỡng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam, góp phần bảo tồn và phát triển kho tàng văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, qua việc phân tích ở trên thì chúng ta thấy quy định về di sản dùng vào thờ cúng ở Điều 670 Bộ luật dân sự năm 2005 vẫn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của đời sống xã hội, điều này được thể hiện ở các điểm sau: Quy định tại Điều 670 Bộ luật dân sự chỉ cho phép di sản thờ cúng được “sống” trong một khoảng thời gian cùng với thời gian sống của những người có tên trong di chúc, quy định này đã hạn chế ý chí của người để lại thừa kế dù việc để lại di sản thờ cúng đó hoàn toàn đúng pháp luật và trong sáng và quy định này cũng không phù hợp với phong tục, tín ngưỡng truyền thống.

- Quy định tại Điều 670 Bộ luật dân sự 2005 không xác định được quyền,  nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng, không xác định cơ chế dịch chuyển di sản thờ cúng, các căn cứ pháp lý để xác định di sản thờ cúng bị triệt tiêu và không bảo vệ được quyền lợi của người thứ 3 trong trường hợp bị thiệt hại, không thiết lập khả năng cho phép di sản thờ cúng tham gia một số giao dịch để đảm bảo duy trì di sản thờ cúng cũng như quyền lợi của những người thừa kế.

- Việc ghi nhận một phong tục, một tín ngưỡng của người Việt bằng việc xây dựng lên Điều 670 Bộ luật dân sự năm 2005 là một sự đảm bảo của Nhà nước cho quyền tự do tín ngưỡng của người dân nhưng quá trình làm luật đã không kế thừa được những giá trị nhân bản của phong tục thờ cúng tốt đẹp của người Việt mà vẫn mang ý chí áp đặt của nhà làm luật chứ chưa xuất phát từ thực tiễn cuộc sống nên nó khó có tính khả thi trong quá trình áp dụng.

   ThS. CVC. Lê Quang Hậu – Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội



[1] Viện Sử học Việt Nam (1991), Quốc triều Hình luật, Nxb Pháp Lý, Hà Nội, tr.144 - 145.

([2]) Bất tiếu: kém cỏi, không xứng đáng

[3] Viện Sử học Việt Nam (1991), Quốc triều Hình luật, Nxb Pháp Lý, Hà Nội, tr.146.

[4] Viện Sử học Việt Nam (1991), Quốc triều Hình luật, Nxb Pháp Lý, Hà Nội, tr.25-26.

([5] ) Cử ai: Tổ chức tang lễ

[6] Viện Sử học Việt Nam (1991), Quốc triều Hình luật, Nxb Pháp Lý, Hà Nội, tr.37.