Cần xem tình tiết “Người phạm tội chấp hành nghiêm chỉnh việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt bị can, bị cáo để tạm giam” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

06/01/2015
Tình tiết giảm nhẹ (sau đây viết tắt là TTGN) trách nhiệm hình sự là tình tiết của vụ án hình sự có ý nghĩa làm giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, phản ánh khả năng cải tạo tốt hoặc hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội đáng được khoan hồng và giá trị của chúng chưa được ghi trong chế tài của từng tội phạm cụ thể. Theo quy định tại Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sau đây viết tắt là BLHS) thì TTGN trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ mà Tòa án phải xem xét khi quyết định hình phạt. Các TTGN trách nhiệm hình sự được quy định chi tiết, cụ thể tại Điều 46 BLHS. Một số tình tiết đươc các văn bản dưới luật hướng dẫn.

Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng quy định của BLHS, có tình tiết đáp ứng dấu hiệu làm giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, phản ánh khả năng cải tạo tốt nhưng chưa được quy định và chưa được áp dụng trên thực tiễn với tính chất là TTGN trách nhiệm hình sự. Đó là tình tiết người phạm tội nghiêm chỉnh chấp hành việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn: bắt người phạm tội quả tang; bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt bị can, bị cáo để tạm giam.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin nên lên quan điểm về việc (1) người phạm tội nghiêm chỉnh chấp hành việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn: bắt người phạm tội quả tang; bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt bị can, bị cáo để tạm giam với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội do hành vi phạm tội đã gây ra và khả năng cải tạo người phạm tội; (2) sự bất hợp lý trong việc áp dụng TTGN trách nhiệm hình sự khi người phạm tội đầu thú với việc không xem việc áp dụng tình tiết người phạm tội nghiêm chỉnh chấp hành việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn này là TTGN trách nhiệm hình sự và (3) kiến nghị áp dụng tình tiết người phạm tội nghiêm chỉnh chấp hành việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn: bắt người phạm tội quả tang; bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt bị can, bị cáo để tạm giam là TTGN trách nhiệm hình sự qua so sánh tình tiết này với các TTGN trách nhiệm hình sự khác.

1. Đánh giá tình tiết người phạm tội chấp hành nghiêm chỉnh việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt người phạm tội quả tang, bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt bị can, bị cáo để tạm giam với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội do hành vi phạm tội đã gây ra và khả năng cải tạo người phạm tội

Theo pháp luật tố tụng hình sự, biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự (viết tắt là TTHS), được áp dụng đối với bị can, bị cáo, người bị truy nã hoặc đối với những người chưa bị khởi tố (trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang) nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.[1]

Theo quy định tại Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (viết tắt là BLTTHS), mục đích của việc áp dụng biện pháp ngăn chặn là “để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án”. Trong đó, bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang và bắt bị can, bị cáo để tạm giam là các biện pháp ngăn chặn được BLTTHS quy định.

Về căn cứ áp dụng từng biện pháp, đối với trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam, BLTTHS không quy định căn cứ áp dụng. Tuy nhiên, thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng (viết tắt là CQTHTT) thường dựa vào tính chất của tội phạm đã thực hiện; các đặc điểm nhân thân của người phạm tội và thái độ chấp hành pháp luật của bị can, bị cáo trong quá trình giải quyết vụ án để xem xét áp dụng biện pháp ngăn chặn này. Bên cạnh đó, một số nơi còn dựa vào các căn cứ tạm giam được quy định tại khoản 1 Điều 88 BLTTHS để xem xét áp dụng. Đó là, (1) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng; (2) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Đối với trường hợp bắt người trong trường hợp khẩn cấp, theo khoản 1 Điều 81 BLTTHS, căn cứ để xem xét áp dụng là (1) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; (2) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; (3) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.

Đối với trường hợp bắt người phạm tội quả tang, theo khoản 1 Điều 82 BLTTHS, căn cứ để áp dụng là trường hợp “người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện”.

Như vậy, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt người bên trên có ý nghĩa quan trọng cho công tác điều tra, truy tố, xét xử; trong một số trường hợp chúng còn có ý nghĩa làm giảm bớt tác hại của hành vi phạm tội cũng như ngăn chặn thiệt hại cho xã hội. Trong trường hợp, người phạm tội chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp ngăn chặn còn thể hiện thái độ của họ đối với hành vi phạm tội mà mình đã thực hiện. Điều này có ý nghĩa trong việc cải tạo, giáo dục người phạm tội sau này. Cho nên, khi người phạm tội chấp hành nghiêm chỉnh việc bắt người trong các trường hợp trên sẽ có ý nghĩa giảm nhẹ đáng kể mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đã thực hiện và phản ánh khả năng cải tạo tốt người phạm tội.

2. Sự bất hợp lý trong việc áp dụng TTGN trách nhiệm hình sự khi người phạm tội đầu thú với việc không xem việc áp dụng tình tiết người phạm tội nghiêm chỉnh chấp hành việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt người phạm tội quả tang, bắt người trong tình thế cấp thiết và bắt bị can, bị cáo để tạm giam là TTGN trách nhiệm hình sự

Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử thể hiện, khi tiến hành bắt người phạm tội quả tang trong các vụ án đánh bạc, mua bán ma túy, vận chuyển hàng cấm, gây rối trật tự công cộng, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ… hay bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt bị can, bị cáo để tạm giam thì người phạm tội thường bỏ trốn, không chấp hành các lệnh bắt này của CQTHTT làm cho việc điều tra, truy tố, xét xử gặp khó khăn, kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Tuy nhiên, sau đó, khi người phạm tội ra trình diện thì được hưởng TTGN đầu thú được quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS; còn người phạm tội chấp hành nghiêm chỉnh lệnh bắt quả tang, bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt bị can, bị cáo để tạm giam lại không được áp dụng TTGN trách nhiệm hình sự. Điều này đã tạo ra sự bất hợp lý trong việc áp dụng TTGN trách nhiệm hình sự. Chúng tôi lần lượt phân tích qua 03 ví dụ:

Ví dụ thứ nhất đối với trường hợp bắt người trong trường hợp khẩn cấp:

Ông Lê Văn D là chủ cửa hàng bán vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện A, tỉnh A. A, B và C là bạn của nhau, biết gia đình ông A giàu có nên cả 3 đã bàn bạc đợi đêm khuya lẻn vào nhà D chiếm đoạt tiền chia nhau tiêu xài. Khuya ngày 03/01/2012, A, B, C vào nhà D cạy tủ chiếm đoạt số tiền 20 triệu đồng (để trong tủ để tiền mua bán hàng ngày). Sau đó, cả 3 chia nhau tiêu xài. Sáng hôm sau, D biết có kẻ gian đột nhập vào nhà mình cạy tủ lấy tiền nhưng do không biết mất số tiền bao nhiêu nên D không trình báo với công an.

Đến ngày 04/6/2012, A lén lút chiếm đoạt xe gắn máy của anh T thì bị bắt quả tang. Trong quá trình điều tra, A khai ra hành vi đã cùng B, C lén lút chiếm đoạt 20 triệu đồng nhà ông D. Khi xác minh lời khai của A là đúng, ngày 25/6/2012, Cơ quan điều tra ra lệnh bắt khẩn cấp đối với B và C. Ngày 26/6/2012, B bị bắt theo lệnh của Cơ quan điều tra. Riêng C khi biết tin A bị bắt, do sợ bị trừng trị nên C bỏ trốn. Ngày 28/6/2012, Cơ quan điều tra khởi tố bị can C và ra lệnh truy nã. Đến ngày 30/6/2012, được sự động viên của người thân và để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, C đến Cơ quan điều tra đầu thú.

Khi xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng TTGN tự thú đối với A, đầu thú đối với C. Bị cáo B không được hưởng TTGN trách nhiệm hình sự nhẹ “người phạm tội nghiêm chỉnh chấp hành việc áp dụng lệnh bắt người trong tình thế cấp thiết”.

Sau khi xét xử sơ thẩm, có ý kiến cho rằng, C bỏ trốn, không chấp hành lệnh bắt khẩn cấp lại được hưởng TTGN đầu thú tại khoản 2 Điều 46 BLHS. Trong khi B chấp hành nghiêm túc lệnh bắt khẩn cấp nhưng lại không được hưởng TTGN trách nhiệm hình sự đối với việc nghiêm chỉnh chấp hành lệnh bắt khẩn cấp. So với hành vi của B thì hành vi của C rõ ràng gây khó khăn cho hoạt động điều tra lại được giảm nhẹ hơn là chưa hợp lý.

Ví dụ thứ hai đối với trường hợp bắt người phạm tội quả tang:

Do đã thỏa thuận hùn lắc tài xỉu vào ngày 25/9/2011 nên các bị cáo Sang, Tốt, Chi, Kha và Văn Hùng tiếp tục hùn vốn lắc tài xỉu được thua bằng tiền tại sòng tài xỉu thuộc tại ấp VT, xã VT, huyện AP, tỉnh A vào ngày 26/9/2011. Theo đó, số người tham gia hùn vốn là 5 người với 04 phần hùn, mỗi phần hùn 20.000.000 đồng. Trong đó, Sang và Kha hùn chung 01 phần; còn lại, Văn Hùng, Tốt và Chi mỗi bị cáo hùn một phần. Khi thua hết phần hùn này mới đến phần hùn khác được xuất ra. Đồng thời, các bị cáo thuê bị cáo Việt Hùng và bị cáo Hào làm vĩ chung chi với các con bạc. Trước khi sòng tài xỉu bắt đầu, bị cáo Văn Hùng giao số tiền 40.000.000 đồng là phần hùn của Văn Hùng và Tốt cho Sang. Đến khoảng 11 giờ sòng tài xỉu bắt đầu chơi, cả 5 người hùn đều đó mặt đầy đủ. Tốt lắc đầu và Hào làm vĩ bên xỉu, Việt Hùng làm vĩ bên tài. Chi cảnh giới. Tốt lắc thua khoảng 20.000.000 đồng thì Sang vào thay Tốt. Sang thua thêm khoảng 2.500.000 đồng thì Kha vào thay. Sang để hết phần tiền hùn còn lại khoảng 17.500.000 đồng xuống sàn. Do bận dự đám giỗ nên Tốt ra về và nhờ Việt Hùng theo dõi việc hùn tiền của bị cáo đến chiều thì gọi điện báo cho Tốt biết. Khi Việt Hùng đi ra ngoài để Tốt nhờ việc riêng thì Sang vào làm vĩ thay cho Việt Hùng. Văn Hùng thấy nhà cái thua gần hết tiền hùn nên kêu Chi đưa phần hùn của Chi. Sau khi nhận 20.000.000 đồng từ Chi, Hùng đưa lại cho Sang để tiếp tục chơi và Văn Hùng đi ra ngoài cảnh giới cùng Chi. Khi đó, Kha bắt đầu lắc ăn lại nhưng khi lắc được một lúc thì bị Công an huyện AP bắt quả tang. Chỉ có Sang, Hào bị bắt và số tiền thu giữ là 28.000.000 đồng; các bị cáo khác gồm Chi, Kha, Việt Hùng và Văn Hùng trốn thoát cùng các con bạc khác; trong đó, Văn Hùng giữ số tiền hùn đánh bạc là 40.000.000 đồng. Sau khi trốn thoát, Văn Hùng đã chia đều số tiền 40.000.000 đồng cho Văn Hùng, Kha và Chi. Cả ba đã dùng số tiền này vào mục đích riêng. Sau đó, 04 bị cáo Chi, Kha, Việt Hùng và Văn Hùng cùng với Tốt cùng ra đầu thú.

Các bị can bị Viện kiểm sát nhân dân huyện AP đã truy tố về tội “Đánh bạc” theo khoản 1 Điều 248 BLHS. Khi xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã áp dụng TTGN “đầu thú” cho các bị cáo Văn Hùng, Kha, Việt Hùng, Chi cùng với bị cáo Tốt trong khi 02 bị cáo bị bắt quả tang Sang, Hào không được áp dụng TTGN đối với việc nghiêm chỉnh chấp hành việc bắt người phạm tội quả tang.

Trong vụ án này, rõ ràng hành vi của Chi, Kha, Việt Hùng và Văn Hùng gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án nhưng các bị cáo lại được hưởng TTGN đầu thú trong khi các bị cáo Sang, Hào chấp hành nghiêm việc bị bắt quả tang nhưng lại không được hưởng tình tiêt giảm nhẹ “chấp hành nghiêm chỉnh việc bắt người phạm tội quả tang” là không công bằng.

Ví dụ thứ ba đối với trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam:

Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 08/10/2012, do cần tiền mua heroin sử dụng, Trần Văn Tr rủ Huỳnh Hải A điều khiển xe môtô đi tìm giật dây chuyền của những người đi đường thì A đồng ý. Tr điều khiển xe môtô chở A ngồi phía sau, khi chạy đến khu vực tổ 11, khóm C, phường P, thị xã T thì thấy ông Võ M điều khiển xe môtô chở vợ là bà Nguyễn Thị Đ chạy phía trước cùng chiều, trên cổ bà Đ đeo sợi dây chuyền vàng. A bảo Tr vượt lên áp sát xe ông M rồi A dùng tay phải giật đứt sợi dây chuyền của bà Đ. Khi Tr tăng ga bỏ chạy thì va chạm với xe ông M và ngã xuống đường. Tr và A liền dựng xe lên định bỏ trốn thì bị bà Đ nắm giữ xe và tri hô "Cướp, cướp". Khi đó, ông M đến rút chìa khóa xe và giằng co với Tr. Sợ bị bắt, A ném sợi dây chuyền xuống đường, bà Đ buông xe ra và nhặt lại sợi dây chuyền. Lợi dụng lúc sơ hở, Tr dùng tay bẻ mặt nạ xe, mở công tắc điện rồi cùng A chạy xe bỏ trốn. Sau đó, Cơ quan điều tra Công an thị xã T mời Tr, A đến làm việc, thì A, Tr thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, do Tr và A không phải người địa phương mà chỉ làm thuê tạm thời ở phường V, thị xã T (Tr và A cư trú ở tỉnh H) nên sau khi làm rõ hành vi của A, Tr, để đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử, Cơ quan điều tra tiến hành thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ban hành lệnh bắt bị can để tạm giam. Tuy nhiên, chỉ có Tr chấp hành lệnh bắt bị can để tạm giam, còn A bỏ trốn. Đến ngày 05/11/2012, A đến Công an thị xã T đầu thú.

Khi xét xử sơ thẩm, bị cáo A được áp dụng TTGN trách nhiệm hình sự “đầu thú” được quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS; trong khi bị cáo Tr không được hưởng trách nhiệm hình sự về việc “nghiêm chỉnh chấp hành lệnh bắt bị can để tạm giam”. Tuy nhiên, hành vi của bị cáo A rõ ràng gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử nhưng lại được hưởng TTGN.

Qua 03 ví dụ trên chúng ta thấy, việc áp dụng TTGN trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 46 BLHS cho người phạm tội không chấp hành 01 trong 03 biện pháp ngăn chặn (bắt người phạm tội quả tang, bắt bị can, bị cáo để tạm giam và bắt người trong trường hợp khẩn cấp) nhưng sau đó người đó ra đầu thú, trong khi người phạm tội chấp hành nghiêm chỉnh 01 trong 03 biện pháp ngăn chặn trên, góp phần giúp việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án được nhanh chóng kết thúc, bảo vệ kịp thời quyền của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức nhưng họ lại không được hưởng TTGN là chưa phù hợp.

Trong thực tiễn, còn rất nhiều vụ án người phạm tội không chấp hành các biện pháp ngăn chặn này. Có những vụ án do không bắt được người phạm tội nên không thể đấu tranh với các đối tượng khác, cũng như kéo dài thời gian giải quyết vụ án có khi đến 10 năm, 20 năm. Việc không áp dụng TTGN trách nhiệm hình sự cho người phạm tội chấp hành nghiêm 01 trong 03 biện pháp ngăn chặn bên trên không những gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử mà còn tạo ra khoảng trống làm cho người phạm tội lợi dụng chính sách trong việc khoan hồng của pháp luật (đầu thú) để trốn tránh, sau đó ra trình diện sẽ được xử phạt nhẹ hơn vì có thêm TTGN trách nhiệm hình sự.

3. Kiến nghị áp dụng tình tiết người phạm tội nghiêm chỉnh chấp hành việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt người phạm tội quả tang, bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt bị can, bị cáo để tạm giam là TTGN trách nhiệm hình sự

Từ phân tích trên, để khuyến khích người phạm tội nghiêm chỉnh chấp hành các lệnh bắt người tại các Điều 80, 81, 82 BLTTHS góp phần đạt được mục đích của biện pháp ngăn chặn thì cần bổ sung vào Điều 46 BLHS TTGN trách nhiệm hình sự “người phạm tội nghiêm chỉnh chấp hành biện pháp ngăn chặn bắt người phạm tội quả tang, bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt bị can, bị cáo để tạm giam”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tình tiết này nên được quy định tại khoản 1 hay khoản 2 BLHS?

Theo quy định của BLHS, TTGN trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 46 có ý nghĩa giảm nhẹ khác nhau. Hiện nay, việc áp dụng TTGN trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 46 BLHS chủ yếu căn cứ vào điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của BLHS năm 1999 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 01/2000).

Nghiên cứu các TTGN trách nhiệm hình sự được liệt kê tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000 với các TTGN trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS thấy rằng, mức độ giảm nhẹ của các tình tiết tại khoản 1 Điều 46 BLHS rõ ràng cao hơn rất nhiều so với các tình tiết tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000.

So sánh tình tiết “người phạm tội nghiêm chỉnh chấp hành biện pháp ngăn chặn bắt người phạm tội quả tang, bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt bị can, bị cáo để tạm giam” với các TTGN trách nhiệm hình sự tại khoản 1 và khoản 2 Điều 46 BLHS thấy rằng, tính chất giảm nhẹ của tình tiết này không thấp hơn 01 vài tình tiết được quy định tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000. Tuy nhiên, do tính giảm nhẹ của tình tiết này chỉ gắn liền với hoạt động tố tụng của CQTHTT và việc người phạm tội chấp hành lệnh bắt trong 03 trường hợp tại các Điều 80, 81 và 82 BLTTHS một phần do ý thức của người phạm tội, một phần do yếu tố khách quan (việc người phạm tội chấp hành việc bắt người là do họ không thể tẩu thoát) nên tính giảm nhẹ của tình tiết này không thể bằng các tình tiết tại khoản 1 Điều 46 BLHS.

Bên cạnh liệt kê các TTGN trách nhiệm hình sự được áp dụng cho khoản 2 Điều 46 BLHS, đoạn cuối điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000 còn quy định mở: “Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có  thể coi các tình tiết khác là TTGN, nhưng phải ghi rõ trong bản án”.

Thức tiễn áp dụng pháp luật hình sự trong thời gian qua, khi người phạm tội bỏ trốn, sau đó, họ ra trình diện thì được áp dụng TTGN trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 46 BLHS như 03 vụ án bên trên.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần quy định tình tiết “người phạm tội nghiêm chỉnh chấp hành biện pháp ngăn chặn bắt người phạm tội quả tang, bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt bị can, bị cáo để tạm giam” là TTGN trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS. Trong thời gian chưa có hướng dẫn chính thức của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, liên ngành tư pháp trung ương, các CQTHTT cần mạnh dạn vận dụng đoạn cuối điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000 áp dụng TTGN trách nhiệm hình sự cho người phạm tội khi họ nghiêm chỉnh chấp hành biện pháp ngăn chặn bắt người phạm tội quả tang; bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt bị can, bị cáo để tạm giam.

Với việc áp dụng tình tiết “người phạm tội nghiêm chỉnh chấp hành biện pháp ngăn chặn bắt người phạm tội quả tang; bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt bị can, bị cáo để tạm giam” là TTGN trách nhiệm hình sự sẽ góp phần làm cho công tác điều tra, truy tố, xét xử được thuận tiện; nhanh chóng kết thúc vụ án; bảo vệ kịp thời lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chúc, cá nhân.

Trên đây là một vài ý kiến của bản thân qua thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật hình sự về TTGN trách nhiệm hình sự. Mong nhận được sự trao đổi của quý đọc giả.

ThS. Thái Chí Bình

Tòa án nhân dân thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang



[1] Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, 2006, Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, tr.197.