Cảm nhận về công lý trong nền văn hóa Nho giáo tại Việt Nam

10/01/2014
Về đạo Nho (Khổng giáo), Giáo sư Đào Duy Anh (1904-1988), người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội Việt Nam định nghĩa trong cuốn Hán Việt từ điển (năm 1957) như sau: “Nguyên nghĩa chữ Nho to lớn lắm, một bên chữ nhân là người, một bên chữ nhu là cần, nghĩa là cái người trong đời cần phải có…Ngày nay, chữ Nho có nghĩa là người học giả có đủ tri thức…”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Học thuyết của Khổng tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân…Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học… Chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin”.

Thẩm bình về nền văn hóa Nho giáo tại trong nền văn hóa bản địa Việt Nam, giáo sư Trần Quốc Vượng trong bài “Nho giáo và văn hóa Việt Nam" nhận định Phật giáo và  Nho giáo có ảnh hưởng hết sức sâu rộng, lâu dài trong đời sống chính trị - xã hội Việt Nam: Các vua Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần thường sùng Phật, đến mức có thể mệnh danh chế độ Đại Việt từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV là nền Quân chủ Phật giáo để phân biệt với chế độ các vua Lê-Nguyễn từ thế  kỷ XV đến thế kỷ XIX sùng Nho, mà ta có thể gọi là nền Quân chủ Nho giáo. Tuy nhiên, ông khẳng định: Chưa từng bao giờ có tình trạng độc tôn Nho giáo trong đời sống văn hóa - tư tưởng Việt Nam Lịch đại, cho dù là từ thế kỷ XV đến thế kỷ thứ XIX. Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam Phan Ngọc trong bài “Đạo Nho Việt Nam một sự khúc xạ” thì đánh giá: Trong sự tiếp thu văn hóa Trung Quốc, người Việt Nam chỉ tiếp thu cái phần cần thiết của văn hóa Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền dân tộc mà thôi, chứ không phải là bắt chước một cách nô lệ, dù cho nhìn bên ngoài khó lòng bảo là máy móc. Ông nhấn mạnh: Không phải là Nho giáo mà Nền văn hóa làng xã mới là nền tảng của tâm thức Việt Nam. Về chức năng của Nho giáo, ông cho rằng Nho giáo góp phần quan trọng trong việc củng cố quan hệ gia đình, xã hội, khắc phục nguy cơ tiềm ẩn bất lợi cho sự hòa mục trong xã hội. Tuy nhiên, sự lỗi thời của Nho giáo trước yêu cầu phát triển của thời đại, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam trong lịch sử cũng được TS. Trần Thị Thanh trong cuốn “Quá trình chuyển biến tư tưởng của Nho sĩ Việt Nam trong 30 năm đầu thế kỷ XX” nhận định: Tư tưởng thâm căn cố đế của Nho giáo luôn là tư tưởng “coi xưa hơn nay”, luôn cho rằng thời hoàng kim của lịch sử xã hội loài người là thời Nghiêu, Thuấn và coi tư tưởng và hành động của các bậc tiên thánh là chuẩn mực cho mọi thời đại. Quả thật, người ngày nay mà không muốn hơn người ngày xưa thì văn minh không thể tiến được và một lẽ tất yếu, nước yếu sẽ bị nước văn minh hơn thôn tính.   

Qua nghiên cứu, tư tưởng công lý với tư cách là lẽ phải, lẽ công bằng trong nền văn hóa Nho giáo có những điểm khá đặc sắc, phản ánh sinh động hình thái kinh tế-xã hội phương Đông, một hình thái lấy yêu cầu “hòa mục” làm trọng. Kinh Dịch, một trong ba bộ kinh cổ nhất của Trung Hoa (sau Kinh Thi và Kinh Thư), một cuốn sách bói mà thành sách triết với những triết lý tổng hợp về vũ trụ quan, nhân sinh quan của dân tộc Trung Hoa, có nguồn gốc từ năm 1 200. TCN, với sự tham gia san định và chú giải của Khổng Tử, đại biểu Nho gia thời kỳ đầu, đã phản ánh sâu sắc triết lý trên. Trong Kinh Dịch, hình ảnh một xã hội trung chính được thể hiện rõ nét trong 64 quẻ. Trong đó quẻ Tụng trước sau chỉ khuyên răn người ta đừng ham tranh nhau kiện cáo. Hào 3 không kiện với ai: tốt. Hào 2 và 4 muốn kiện mà sau thôi, cũng tốt, hào 1 bị kiện thì nên nhường nhịn một chút, rốt cuộc sẽ tốt; duy có hào 6 hăng kiện tới cùng thì xấu. Hào 5 tỏ ý ước mong có một tòa án công minh. Cụ thể như sau:    

Hào 1: Đã xảy ra vụ kiện thì dù có chỗ dựa, mình cũng không nên ỷ thế sinh sự kéo dài vụ kiện; nên nhường nhịn, có thua thiệt một chút thì cũng thôi, sau sẽ được biện minh.

Hào 2: Nếu thế yếu, thì rút lui, tránh đi, như vậy mới không tội lỗi.

Hào 3: Nếu bề trên của mình muốn lôi kéo mình vào một vụ kiện, nếu không từ chối được thì mình cứ giữ đạo chính, phải giúp bề trên thì giúp lấy lệ thôi, đừng khoe tài, ham lập công.

Hào 4: Bỏ ý ham kiện đi, theo lẽ phải, ở yên thì tốt.

Hào 5: Người xử kiện nên có đức có tài; người đi kiện hay bị kiện mà gặp được người xử kiện như vậy thì không gì tốt bằng.

Hào 6: Kẻ nào ham kiện quá thì dù có may ra được kiện, rốt cuộc cũng bất lợi.

          Về việc trị dân trong Kinh Dịch, Đại tượng truyện khuyên người trị dân hạn định một chừng mực nào đó trong sự làm việc và hưởng thụ của dân, tùy đạo đức, tài nghệ của mỗi người. Tiết chế là một yêu cầu quan trọng trong quản lý xã hội với ý nghĩa như kế hoạch hóa ngày nay và có mục đích thi hành sự công bằng trong xã hội, làm cho sự vật được cân xứng, quân bình.

          Về hình pháp, quẻ Phệ hạp ý khuyên người xử hình sáng suốt trước hết, cương quyết mà cũng cần có đức nhu, có chút từ tâm, và luôn luôn giữ đạo chính, thận trọng. Nếu không trung chính, dùng hình ngục mà không được người phục, có phần oán hận nữa thì tuy đáng ân hận đấy mà không có lỗi lớn vì mình muốn giữ trật tự trong xã hội. Quẻ Phệ hạp cũng khuyên nên răn đe từ khi dân mới mắc tội nhỏ, nếu không dân sẽ quen làm bậy, ác cứ tích lũy mà mắc tội lớn.

          Quẻ Đồng nhân yêu cầu phải đoàn kết được nhân dân, khiến cho trên dưới hòa đồng. Muốn vậy phải bỏ tinh thần đảng phái, tôn trọng quyền của mỗi người, phân biệt nhiều hạng người, cho mỗi người được phát triển sở năng, thỏa mãn sở nguyện. Tuy nhiên, công việc hòa đồng nào mới đầu cũng bị nhiều kẻ ngăn cản, không dễ gì thực hiện được ngày, dù hợp công lý, với hạnh phúc số đông.

Khổng Tử, người có học vấn uyên thâm với chủ trương khôi phục đường lối đức trị và lễ trị như thời Tây Chu, đã từng làm đến chức tư khấu (tương đương với Bộ trưởng Bộ Tư pháp) của nước Lỗ trong vòng 3 tháng ở tuổi 50, tuổi tri thiên mệnh khẳng định: Cai trị dân mà dùng mệnh lệnh, đưa dân vào khuôn phép mà dùng hình phạt thì dân có thể tránh được tội lỗi nhưng không biết đến liêm sỉ. Cai trị dân mà dùng đạo đức, đưa dân vào khuôn phép mà dùng lễ thì dân sẽ biết đến liêm sỉ và thực lòng quy phục.

Khi Quý Khang Tử hỏi Khổng Tử về vấn đề quản lý chính sự rằng: “Giết kẻ vô đạo, để dân biết mà tiến tới có đạo, làm như vậy có được không?”

Khổng Tử nói “Ngài quản lý quốc gia, cần gì đến việc chém giết? Ngài thực sự làm điều thiện, dân sẽ làm theo điều thiện. Đức hạnh người quân tử giống như gió, đức hạnh kẻ tiểu nhân như cỏ. Gió thổi trên cỏ, cỏ nhất định rạp theo chiều gió”.

Sách Đại học của Nho giáo chủ trương giải quyết vấn đề nên giải quyết từ gốc. Theo Khổng Tử, xử kiện chỉ là giải quyết đằng ngọn. Giáo dục nhân dân hiểu đạo lý, hiểu pháp luật đừng để xảy ra kiện tụng mới là cái gốc. Ông nói: Thẩm tra xét xử công án thì năng lực của ta cũng như người khác thôi. Điều mà ta mong muốn tâm đắc nhất là người ta đừng có đi kiện tụng nữa. Phải để cho những kẻ giấu giếm sự thật không dám khua môi múa mép, không dám cậy thế đè người, ức hiếp, hãm hại người hiền; khiến cho dân chúng hoàn toàn tâm phục. Thế mới gọi là hiểu được cái gốc của đạo lý.

          Sách Luận ngữ thuật lại câu truyện về Công Dã Tràng, một học trò của Khổng Tử có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự phân định giữa luật pháp và công lý, lẽ phải:

“Khổng Tử nói: “Công Dã Tràng, con người này có thể đem con gả cho. Tuy đã bị ngồi tù, nhưng tội này không phải do trò đó gây ra.

          Vì vậy Khổng Tử đem con gái gả cho Công Dã Tràng”.

 Như vậy, với lý lẽ của Khổng Tử: Phạm tội mà vi phạm điều nhân là kẻ vô đạo thất đức, phạm tội mà không vi phạm điều nhân là người đáng thương. Công Dã Tràng tuy có tội nhưng không vi phạm điều nhân cho nên vẫn là người có nhân, kiên trì phấn đấu.

Khi nhận định về công lý, lẽ công bằng, Khổng Tử cho rằng phải tìm rõ bản chất của lẽ phải mà không nên dựa vào những lời đồn đoán, thậm chí là lời đồn đoán của đa số: 

          Tử Cống hỏi: “Người cả làng đều khen, thì người ấy là người như thế nào?

          Khổng Tử nói: Chưa hẳn là người tốt.

          Tử Cống lại hỏi: Người cả làng đều ghét, thì người này là người như thế nào?

          Khổng Tử: Chưa hẳn là người xấu. Không bằng người thiện trong làng khen, kẻ ác trong làng ghét, mới có thể cho là người tốt”.

           Như vậy, theo Khổng Tử, chỉ có người nào mà mọi người thiện ưa, kẻ ác ghét thì mới thật là người tốt bởi lời nói việc làm của người ấy hợp lẽ phải nên được người thiện ưa, lại chống lại mọi sự bất chính nên bị kẻ ác ghét.

Trong Kinh Thư, một cuốn sách do Khổng Tử san định lại để các ông vua đời sau noi gương theo các minh quân có câu truyện “Vụ án con giết cha” với những quan niệm về lẽ phải và công lý:

Vào thời Trâu Lâu Định công, có vụ án con giết cha. Quan hữu ty tâu vụ án đó lên cho công biết, Định công biến sắc hoảng sợ đứng bật lên khỏi chiếu, kêu lên;

          Là do lỗi của ta vậy.

          Rồi nói tiếp:

          Quả nhân đã từng học qua cách phán xét những loại án ngục này: Tôi giết vua, hễ là đang làm quan cũng đều bị giết sạch, không thể tha. Con giết cha, hễ là đang ở nhà cũng giết sạch không tha. Ngoài giết ra còn phá sạch nhà (kẻ có tội), lấp hết chuồng trại, lột bỏ hết tước hiệu.

Trong Kinh Thi, cuốn sách giáo khoa của toàn xã hội do Khổng Tử san định, ước mong về công lý, lẽ công bằng trong cuộc sống được được thể hiện rõ nét trong bài thơ về Thái sư họ Doãn: Quan Thái sư vốn dòng họ Doãn/ Thật Chu triều căn bản, ngài là,/Cầm cân công lý quốc gia,/Giữ gìn toàn cõi nước nhà bốn phương,/Giúp Thiên tử đảm đương quyền chức/ Dạy dỗ dân tránh dứt mê si/Nếu không Thượng đế yêu vì/Chớ làm dân phải khốn nguy nỗi này./.                                                              

                                                                                         Ths. Nguyễn Xuân Tùng

Tài liệu tham khảo:

1. Dương Hồng - Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viên, Lưu Phong (chú dịch), Trần Trọng Sâm, Kiều Bách Vũ Thuận (biên dịch): Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2003.

2. Lương Ninh (Chủ biên) - Đinh Ngọc Bảo, Đặng Quang Minh, Nguyễn Gia Phu, Nghiêm Đình Vỳ: Lịch sử thế giới cổ đại, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm 2013.

3. Nguyễn Hiến Lê: Khổng Tử, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, năm 2009.

4. Nguyễn Hiến Lê: Kinh Dịch - Đạo của Người quân tử, Nhà xuất bản Văn học, năm 2007.

5. Nguyễn Tôn Nhan (Biên dịch và Chú giải): Kinh Lễ, Nhà xuất bản Văn học, năm 1999.

6. Kinh Dịch trọn bộ (Ngô Tất Tố dịch và chú giải), Nhà xuất bản Văn học, năm 2003.

7. Khổng Tử: Kinh Thi (tập 2), Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2003.

8. Phan Ngọc: Bản sắc Văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, năm 2002.

9. Trần Quốc Vượng: Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và Suy ngẫm, Nhà xuất bản Văn học, năm 2003.

10. Trần Quốc Vượng (Chủ biên), Tô Ngọc Thanh, Nguyền Chí Bền, Lâm Mỹ Dung, Trần Thúy Anh: Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2005.