Áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 111/2013/NĐ-CP

24/12/2013
Giáo dục tại xã, phường, thị trấn được coi là một biện pháp xử lý hành chính hiệu quả áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa cần thiết phải cách ly ra khỏi xã hội, mục đích là nhằm giám sát, ngăn ngừa những đối tượng này tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, đồng thời giáo dục và giúp họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh tại nơi cư trú.

Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính chia người chưa thành niên ra thành ba nhóm đối tượng để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cụ thể: (1) Người từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự; (2) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự và (3) người từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nói chung là từ 03 tháng đến 06 tháng.

Đối với trường hợp người từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi và người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ được thực hiện khi hành vi phạm tội của họ là gây nguy hại lớn hoặc rất lớn cho xã hội, hành vi này có dấu hiệu của một tội phạm. Tuy nhiên, theo quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự của Bộ luật Hình sự thì những đối tượng này chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì vậy, cần áp dụng biện pháp xử lý hành chính để giáo dục và ngăn ngừa tội phạm. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/09/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với trường hợp (1) là 01 năm kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm, đối với trường hợp (2) là 06 tháng kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

 Riêng với người từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi thực hiện các hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng, thì tuy mức độ nguy hiểm cho xã hội không đáng kể nhưng do thực hiện nhiều lần trong thời gian ngắn nên cần áp dụng biện pháp xử lý hành chính để phòng ngừa tội phạm. Thời hiệu áp dụng đối với những trường hợp này theo Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong những hành vi vi phạm nêu trên bị xử phạt vi phạm hành. Cụ thể điểm c Khoản 2 Điều 4 Nghị định này quy định “Đối tượng là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong 06 tháng đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rồi trật tự công cộng, thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong những hành vi vi phạm hành chính nêu trên bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định”. Tuy nhiên, hiện nay có quan điểm cho rằng quy định này mâu thuẫn với khoản 3 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Quan điểm này cho rằng theo khoản 3 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là trong 06 tháng đối tượng có 02 lần trở lên thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng. Trong lúc đó, điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định điều kiện để áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là trong 06 tháng đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi trên. Do vậy, các quy định này là không phù hợp và không thống nhất với nhau.

Tuy nhiên, theo tác giả thì những quy định này là không mâu thuẫn, bởi vì: Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Trong khi đó, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì các hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, không phải là tội phạm là hành vi vi phạm hành chính và phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo các quy định này, thì khi người chưa thành niên thực hiện các hành vi nêu trên, người có thẩm quyền sẽ áp dụng một trong các hình thức xử phạt quy định tại khoản 2 Điều 135 Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với họ. Như vậy, việc thực hiện hành vi vi phạm hành chính của người chưa thành niên được xác nhận bởi quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền. Do vậy, có thể hiểu có 02 lần trở lên thực hiện hành vi  trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng tại khoản 3 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính, tức là đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng tại điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.

Để hiểu rõ hơn quy định này có thể xem ví dụ sau: Ngày 01/01/2013 Nguyễn Văn A (15 tuổi) thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có giá trị 200000 đồng, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên A bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây thiệt hại đến tài sản của người khác. Đến ngày 15/03/2013 A tiếp tục thực hiện hành vi cá độ bóng đá và bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc trái phép. Trong trường hợp này, hành vi vi phạm hành chính của A là trộm cắp và cá độ bóng đá được xác nhận bởi các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây thiệt hại đến tài sản của người khác và quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc trái phép đối với A. Do từ 01/01/2013 đến 15/03/2013, A có 02 lần thực hiện hành vi vi phạm hành chính là trộm cắp và đánh bạc, hoặc nói cách khác là A có hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp và đánh bạc. Do vậy, A đủ điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Khoản 3 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính và thời hiệu để áp dụng biện pháp xử lý hành chính này đối với A là 06 tháng kể từ ngày 15/03/2013, ngày A thực hiện lần cuối một trong những hành vi vi phạm theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.

Từ những phân tích và ví dụ nêu trên, có thể thấy rằng quy định 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự tại Khoản 3 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính, được hiểu một cách khác là trong 06 tháng đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP. Cách hiểu này cũng phù hợp và thống nhất với quy định về thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định về việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hiệu áp dụng biện pháp giáo cụ tại xã, phường, thị trấn là 06 tháng kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong những hành vi quy định tại khoản 3 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định: việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính khi đối tượng đã ít nhất hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm đó trong 06 tháng.

 Trần Thị Túy