Bàn về thủ tục rút gọn trong Bộ luật Tố tụng hình sự

23/12/2013
Rút gọn là một trong những thủ tục đặc biệt được quy định tại Chương XXXIV – Phần thứ bảy Bộ luật TTHS của nước CHXHCN Việt Nam. Việc BLTTHS dành cả một chương với bảy điều luật từ điều 318 đến điều 324 quy định về các điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn đã cho thấy vai trò quan trọng của thủ tục này đối với việc giải quyết các vụ án hình sự có tính chất đơn giản. Khi áp dụng thủ tục rút gọn, bên cạnh việc rút gắn được đáng kể thời hạn điều tra, truy tố và xét xử, thì cũng giảm bớt được phần nào thủ tục tố tụng, nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu về xử lý tội phạm, góp phần thiết thực vào cuộc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm nói chung.

Sau 10 năm đi vào thực tiễn, cùng với các thủ tục khác được quy định trong BLTTHS, thủ tục rút gọn cũng đã phát huy được những mặt tích cực như đã nêu trên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì thủ tục này cũng bộc lộ một số điểm mà theo tôi là chưa hợp lý như vấn đề tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố; vấn đề khiếu nại và giải quyết khiếu nại của bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ khi không đồng ý với quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Viện kiểm sát và về vấn đề tên gọi của thủ tục này.

Thứ nhất: Về vấn đề thời hạn tạm giam trong gia đoạn điều tra, truy tố: Tại khoản 3 Điều 322 BLTTHS quy định: “Thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố không được quá mười sáu ngày”. Như vậy, khi ra Lệnh tạm giam, Cơ quan CSĐT sẽ có quyền ra lệnh tạm giam trong thời hạn bao nhiêu ngày? Nếu trong trường hợp Cơ quan CSĐT chỉ giam bị can trong thời hạn 12 ngày, tức là thời hạn tạm giam để điều tra bằng với thời hạn điều tra, nhưng giả sử trước đó bị can đã bị tạm giữ ba ngày, theo nguyên tắc thời giam tạm giữ phải được trừ vào thời hạn tạm giam theo quy định tại khoản 4 Điều 87 BLTTHS và mục 6 Thông tư liên tịch số: 05/2005/TTLT/VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ quốc phòng, thì rõ ràng thời hạn tạm giam bị can để điều tra lại ngắn hơn thời hạn điều tra ba ngày. Ngược lại, nếu để đảm bảo thời hạn tam giam không vượt quá thời hạn điều tra thì cơ quan CSĐT chỉ còn cách duy nhất là phải rút gắn thời hạn điều tra xuống còn 09 ngày để trùng với ngày hết hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra. Cũng với quy định tại khoản 3 Điều 322 BLTTHS, trong một số trường hợp và ở một số địa phương, không rõ là do hiểu nhầm hay để tiện cho công tác điều tra, truy tố mà Cơ quan CSĐT đã ra lệnh tạm giam bị can trong thời hạn 16 ngày. Với việc cơ quan CSĐT ra lệnh giam trong cả 16 ngày liệu đúng với các quy định của pháp luật, phải chăng Cơ quan CSĐT đã “lấn quyền” của Viện kiểm sát và vi phạm nguyên tắc thời hạn tạm giam không được quá thời hạn điều tra? Cũng giống như trường hợp trên, nếu trước khi Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với bị can, bị can đã bị tạm giữ hình sự 03 ngày, (Lưu ý: thời giam tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam) và Cơ quan CSĐT dùng hết cả 12 ngày để điều tra vụ án thì thực tế thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra đã là 15 ngày. Viện kiểm sát vẫn có đủ 04 ngày để ra quyết định truy tố, nhưng thời hạn tạm giam thì chỉ còn 01 ngày, vậy 03 ngày còn lại vấn đề tạm giam bị can để đảm bảo cho việc truy tố của Viện kiểm sát sẽ được xử lý như thế nào? Dó đó để giải quyết vấn đề trên, theo tôi nên quy định: Trong trường hợp cần thiết thì thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra được phép gia hạn thêm ba ngày. Còn về vấn đề thẩm quyền ra lệnh tạm giam thì vẫn phải tuân theo thủ tục chung, vụ án ở giai đoạn nào thì cơ quan đó có quyền ra lệnh tạm giam nếu thấy cần thiết, nhưng không được quá thời hạn do luật định.

Thứ hai: Về vấn đề khiếu nại và giải quyết khiếu nại của bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ: Tại khoản 3 Điều 320 BLTTHS quy định “Bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại thủ tục rút gọn; thời hiệu khiếu nại là ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến Viện kiểm sát đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và phải được giải quyết trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại”. Với quy định này sẽ phần nào đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của bị can và người đại diện hợp pháp của họ. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn thì lại phát sinh một số vấn đề như: Nếu Viện kiểm sát chấp nhận đơn khiếu nại của bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ và dẫn đến việc phải hủy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì đương nhiên vụ án sẽ lại phải quay lại từ đầu để giải quyết theo thủ tục chung. Nhưng ngược lại, nếu Viện kiểm sát không chấp nhận đơn khiếu nại của họ, thì có thể dẫn đến việc họ sẽ hoài nghi, không tâm phục về các quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có cả bản án và trong trường hợp họ có kháng cáo mà được cấp phúc thẩm chấp nhận tuyên hủy bản án, trả hồ sơ điều tra bổ sung, điều tra lại thì rõ ràng cả hai trường hợp trên không những không rút gọn được mà còn kéo dài thêm thời gian và thủ tục tố tụng.

Bên cạnh đó, BLTTHS chỉ quy định về thời hạn tối đa để điều tra, truy tố và xét xử trong giai đoạn sơ thẩm, nhưng lại không quy định thời hạn tối thiểu đối với các giai đoạn trên. Điều này tưởng chừng không cần thiết, nhưng nó lại có ảnh hưởng rất lớn đến quyền khiếu nại của bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ cũng như thời hạn giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát. Ví dụ: ngày 01/10/2013 Cơ quan CSĐT – Công an quận A ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với B, cùng ngày Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn để điều tra, truy tố và xét xử đối với vụ án trên. Đến 10 giờ ngày 02/10/2013 Cơ quan CSĐT – Công an quận A kết thúc điều tra và ra Quyết định truy tố, chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện kiểm sát cùng cấp để truy tố. Sáng ngày 03/10/2013 bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ có đơn khiếu nại về quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Viện kiểm sát. Trong trường hợp khiếu nại của họ không có căn cứ thì sẽ không có gì phải bàn cãi, vụ án sẽ tiếp tục được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Nhưng nếu nội dung đơn khiếu nại của họ là có căn cứ và Viện kiểm sát chấp nhận đơn khiếu nại của họ thì vụ án sẽ được giải quyết như thế nào? Viện kiểm sát sẽ ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn trước đó và tiến hành giai đoạn truy tố theo thủ tục chung hay Viện kiểm sát sẽ trả hồ sơ cho Cơ quan CSĐT để điều tra lại từ đầu theo thủ tục chung? Trong cả hai trường hợp trên, theo tôi đều không được bởi lẽ: Nếu Viện kiểm sát giữ hồ sơ lại và tiến hành giai đoạn truy tố theo thủ tục chung như vậy sẽ không đúng và không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can vì căn cứ  để áp dụng thủ tục rút gọn (có liên quan trực tiếp đến bản chất của vụ án) trước đó đã có vấn đề nên mới phải hủy Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Nếu Viện kiểm sát trả hồ sơ lại cho Cơ quan CSĐT thì trả để điều tra lại hay trả để điều tra bổ sung? Căn cứ trả hồ sơ là gì? Rõ ràng là không có căn cứ gì để trả hồ sơ trong trường hợp này, vì lỗi sai khi áp dụng thủ tục rút gọn là của Viện kiểm sát. Nhưng nếu không trả để điều tra lại theo thủ tục chung thì cũng không được.

Tiếp tục ví dụ trên, sau khi Cơ quan CSĐT kết thúc điều tra, ra Quyết định truy tố và chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện kiểm sát cùng cấp để truy tố. Đến 16 giờ cùng ngày 02/10/2013, Viện kiểm sát ra Quyết định truy tố và chuyển toàn bộ hồ sơ sang Tòa án nhân dân cùng cấp để xét xử. Sáng ngày 03/10/2013 bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ gửi đơn khiếu nại đến Viện kiểm sát, trong cả 02 trường hợp, nhất là trường hợp nội dung đơn của họ là có căn cứ thì Viện kiểm sát có còn giải quyết được nữa không khi mà hồ sơ vụ án đã được chuyển sang tòa án? Để giải quyết vấn đề này, theo tôi nhà làm luật nên quy định thời hạn tối thiểu trong giai đoạn điều tra khi áp dụng thủ tục rút gọn là 06 ngày, trong đó có 03 ngày để bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ thực hiện quyền khiếu nại và 03 ngày để Viện kiểm sát giải quyết khiếu nại theo quy định tại khoản 3 Điều 320.

Thứ ba: Về vấn đề tên gọi thủ tục rút gọn: Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hồ sơ vụ án rút gọn, ngoài việc khi kết thúc điều tra, Cơ quan CSĐT không phải làm bản kết luận điều tra mà ra Quyết định đề nghị truy tố, tương tự trong giai đoạn truy tố cũng vậy, Viện kiểm sát sẽ không phải ban hành bản cáo trạng mà thay vào đó là Quyết định truy tố thì chúng ta vẫn phải có đầy đủ các văn bản, thủ tục tố tụng giống với các vụ án được giải quyết theo thủ tục chung như các quyết định, lệnh, công văn đề nghị, các loại biên bản… Như vậy rõ ràng mặc dù nói là rút gọn, nhưng thực chất thì chỉ rút gắn được về mặt thời gian giải quyết vụ án, rút gắn nội dung, cấu trúc cũng như thay đổi tên gọi của bản kết luận điều tra và bản cáo trạng còn lại các thủ tục tố tụng khác thì không có gì thay đổi. Do đó một số ý kiến cho rằng, với các quy định như vậy thì không nên gọi đây là thủ tục rút gọn mà nên gọi là thủ tục rút ngắn, mặc dù nghe từ rút ngắn có vẻ không hay bằng từ rút gọn, nhưng đã là luật thì chúng ta nên dùng từ chính xác nhất có thể.

Trên đây là một số ý kiến mang tính chất cá nhân về thủ tục rút gọn được quy định trong BLTTHS, xin nêu ra để các đồng chí và các bạn cùng trao đổi./.

Đào Đức Hữu