Bảo đảm quyền trẻ em trong lĩnh vực nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật việt nam

28/10/2013

1. Tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ quyền trẻ em trong lĩnh vực nuôi con nuôi

Từ lâu, trẻ em đã được coi là một nhóm xã hội non nớt, dễ bị tổn thương nhất và được toàn thể cộng đồng quốc tế quan tâm và bảo vệ. Một trong những quyền cơ bản của trẻ em được pháp luật bảo vệ là quyền được sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình. Tuy nhiên không phải tất cả trẻ em sinh ra đều có cha mẹ và đều may mắn được sống trong môi trường gia đình. Trong xã hội còn nhiều trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, khuyết tật, sống trong các gia đình nghèo không đủ điều kiện nuôi dưỡng cần một mái ấm gia đình thay thế. Một trong những biện pháp đáp ứng yêu cầu cho trẻ em một gia đình thay thế là cho trẻ làm con nuôi. Cho trẻ em làm con nuôi được xem là một giải pháp bảo vệ trẻ em, không để trẻ em phải sống lang thang, thiếu điều kiện phát triển. Để đảm bảo việc cho trẻ em làm con nuôi là vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em. Khung pháp luật về vấn đề này được xây dựng và có vị trí quan trọng trong tổng thể khung pháp luật bảo vệ quyền trẻ em.

Nuôi con nuôi là một chế định có lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, bản chất của việc nuôi con nuôi đã có những thay đổi lớn qua từng thời kì. Thời kỳ đầu, nuôi con nuôi chủ yếu là biện pháp đảm bảo cho các cặp vợ chồng hiếm muộn có người tiếp tục mang tên họ cũng như truyền thống của gia đình. Cho đến khi Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của trẻ em 1989 ra đời đã đánh dấu cuộc cách mạng tư tưởng về quyền trẻ em. Việc Công ước khẳng định trẻ em phải được coi là trung tâm bảo vệ đã góp phần làm thay đổi mục đích của việc nuôi con nuôi từ chỗ “đem lại cho gia đình một trẻ em” đã chuyển thành “đem lại gia đình cho trẻ em”.

Vấn đề nuôi con nuôi nói chung và nuôi con nuôi quốc tế nói riêng là vấn đề mang tính nhân đạo cao. Mục đích của việc nuôi con nuôi quốc tế là đem lại cho trẻ em bất hạnh một mái ấm gia đình thay thế. Tuy nhiên, lợi ích và quyền của trẻ em khi được nhận làm con nuôi hiện nay vẫn còn xảy ra những hiện tượng trục lợi, cò mồi phát sinh cùng quá trình giải quyết cho trẻ làm con nuôi nước ngoài trong việc giới thiệu trẻ hay không minh bạch trong các khoản hỗ trợ nhân đạo; nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột sức lao động; có trường hợp lợi dụng để buôn bán trẻ em, xâm hại đến quyền và không bảo vệ được lợi ích tốt nhất cho trẻ em;

2. Các quy định của pháp luật quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em trong lĩnh vực nuôi con nuôi

Ngay trong lời mở đầu trong Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 (UDHR) và hai công ước về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) và các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 (ICESRC) là mọi người có quyền hoặc bất cứ người nào đều có quyền...  thì trẻ em được thừa nhận là chủ thể bình đẳng với người lớn trong việc hưởng tất cả các quyền và tự do cơ bản được ghi nhận trong luật quốc tế về quyền con người. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, do đặc trưng của trẻ em là còn non nớt cả về thể chất lẫn tinh thần. Bởi vậy, ngay trong UDHR, ICCPR và ICESCR, trẻ em đã được ghi nhận những quyền đặc thù, đặc biệt là quyền được chăm sóc, giáo dưỡng và được bảo vệ đặc biệt. Dựa trên cách tiếp cận đó, năm 1959, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một văn kiện riêng về quyền trẻ em (Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em). Tuyên bố này là tiền đề để Liên Hợp Quốc xây dựng và thông qua Công ước về quyền trẻ em (CRC) vào ngày 20/11/1989.

Tính đến thời điểm hiện nay, CRC vẫn là văn kiện quốc tế cơ bản và toàn diện nhất về quyền trẻ em. Lời nói đầu của Công ước đã ghi nhận rằng: “Trẻ em, do còn non nớt về thể chất và trí tuệ, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời”. Tuy công ước này chỉ  dành 2 điều ngắn gọn để quy định quyền trẻ em khi được cho làm con nuôi nhưng nó đã xác lập những vấn đề cốt lõi cho chế độ nuôi con nuôi trong nước và nước ngoài trên cơ sở bảo vệ quyền trẻ em với các nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, nhằm ngăn chặn những hành vi trục lợi, thương mại hóa hoạt động cho nhận con nuôi. CRC quy định việc nhận trẻ em làm con nuôi phải được tiến hành theo quy định của pháp luật và phải quá triệt nguyên tắc nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ. Theo đó, việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài chỉ được tiến hành khi không thể tìm được môi trường chăm sóc thay thế cho trẻ ở trong nước và phải bảo đảm trẻ phải được bảo vệ, chăm sóc với những tiêu chuẩn tương đương với các tiêu chuẩn ở trong nước. Việc nhận trẻ em làm con nuôi chỉ được tiến hành với sự cho phép của những cơ quan có thẩm quyền sau khi đã hoàn tất các thủ tục và dựa trên các thông tin thích hợp, đáng tin cậy về bản thân, gia đình, họ hàng, người giám hộ hợp pháp của đứa trẻ, cũng như sự đồng ý một cách có hiểu biết của những đối tượng đó cho thấy việc cho nhận trẻ làm con nuôi có thể chấp nhận được[1].

Khi xem xét hình thức chăm sóc, phải quan tâm thích đáng đến việc mong muốn của trẻ em trong việc nuôi dạy trẻ em và đến xuất xứ, dân tộc, tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ của trẻ em. Để đảm bảo sự liên tục trong nuôi dạy trẻ em, việc nuôi con nuôi quốc tế phải được thực hiện bởi những nhà chức trách có thẩm quyền tương đương với những cơ quan chức trách thực hiện việc nuôi con nuôi trong nước[2].

Thứ hai, về quyền đưa ra ý kiến về việc làm con nuôi vào thời điểm nuôi con nuôi. Theo dòng mở đầu của Điều 21, ưu tiên hàng đầu của việc nuôi con nuôi là lợi ích tốt nhất của trẻ em. Lợi ích tốt nhất của trẻ em theo Công ước không thể không kể đến việc xem xét ý kiến của bản thân trẻ em. Và theo đó, quyền đưa ra ý kiến của con nuôi phải được xem xét. Thêm vào đó, Điều 12 bắt buộc các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng trẻ em phải được đưa ra ý kiến một cách tự do về những vấn đề ảnh hưởng đến trẻ em (trong đó bao gồm cả việc cho làm con nuôi, đưa trẻ ra khỏi bố mẹ đẻ và môi trường gốc để làm con nuôi và những hệ quả ảnh hưởng cuộc sống sau này của đứa trẻ) tùy vào tuổi và mức độ trưởng thành của đứa trẻ. Công ước không đưa ra giới hạn tuổi mà trẻ em được xem là có khả năng hình thành ý kiến về việc làm con nuôi. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên thường đưa ra độ tuổi tham gia cho ý kiến về việc làm con nuôi của trẻ. Về việc phát biểu ý kiến một cách tự do, không có sự bắt ép, điều này có nghĩa rằng đứa trẻ không bị ép phải đưa ra ý kiến. Thiết nghĩ, sẽ tốt hơn nếu trao cho trẻ em quyền phản đối việc làm con nuôi hơn là việc biểu thị một sự đồng ý. Nếu đứa trẻ không muốn đưa ra ý kiến về việc làm con nuôi, ví dụ như trong trường hợp trẻ không muốn gây tổn thương cho bố mẹ đẻ, một quy định trao cho đứa trẻ một sự lựa chọn không nói gì (bằng việc không thực hiện quyền phản đối) sẽ tạo ít áp lực hơn cho đứa trẻ so với việc yêu cầu nó đưa ra sự đồng ý. Ý kiến của đứa trẻ phải được cân nhắc trọng lượng tùy vào độ tuổi và sự trưởng thành. Tuy nhiên, trước khi đưa ra ý kiến, đứa trẻ phải được thông tin về những lựa chọn mà nó có thể có, những giải pháp thay thế và hậu quả của quyết định này như việc chấm dứt quan hệ pháp lý giữa trẻ và cha mẹ ruột…

Thứ ba,về quyền được biết bố mẹ đẻ, được chăm sóc bởi bố mẹ đẻ và quyền được giữ gìn bản sắc của mình được thể hiện ở Điều 7 và 8 CRC. Cụ thể Điều 7 và 8 ghi nhận quyền được biết bố mẹ đẻ, được giữ gìn bản sắc, quốc tịch, họ tên và các quan hệ gia đình được pháp luật thừa nhận mà không có sự can thiệp phi pháp. Trong trường hợp nuôi con nuôi, quyền ghi nhận trong Điều 7 và 8 có thể bị vi phạm đối với những trường hợp hoàn cảnh hạn chế tiếp cận thông tin về bố mẹ đẻ như trường hợp cha mẹ nuôi muốn giấu thông tin. Từ những quy định này của công ước có thể hiểu rằng một sự ngăn cấm hoàn toàn việc tiếp cận thông tin của trẻ em là trái với Công ước.

Thứ tư, về quyền được hưởng những sự bảo vệ và tiêu chuẩn tương đương với những sự bảo vệ và tiêu chuẩn hiện hành của việc làm con nuôi trong nước. Khoản 3 Điều 21 Công ước quyền trẻ em quy định quốc gia có trẻ được cho đi làm con nuôi người nước ngoài cần đảm bảo rằng cho trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi cũng được hưởng những sự bảo vệ và tiêu chuẩn tương đương với những sự bảo vệ và tiêu chuẩn hiện hành của việc làm con nuôi trong nước. Theo đó, trẻ em được cho làm con nuôi người nước ngoài sẽ được hưởng sự bảo vệ cũng như các quyền đầy đủ như trẻ em được cho làm con nuôi trong nước như quyền được biết về nguồn gốc, quyền được bày tỏ ý kiến, không bị phân biệt giữa con nuôi và con đẻ; quyền được tư vấn và được cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến mình là quyền của trẻ em…Những sự bảo vệ và tiêu chuẩn trên cũng áp dụng đối với những nước không cho phép nuôi con nuôi nhưng có một vài trường hợp cho phép trẻ em ra nước ngoài để làm con nuôi quốc tế. Ngoài ra, CRC còn ấn định trách nhiệm của các quốc gia về việc phải đảm bảo rằng việc nuôi con nuôi quốc tế không dẫn đến sự trục lợi không chính đáng về tài chính cho những người có liên quan tham gia. Đây là một điều khoản đóng vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế nạn buôn bán trẻ em.

Ngoài ra, công ước về quyền trẻ em, tại khoản 4 Điều 21 còn có những quy định về các hành vi bị cấm nhằm mục đích phòng ngừa, răn đe đối với những hành vi có thể xâm hại đến quyền và lợi ích của trẻ em được cho làm con nuôi, dẫn đến tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật nhằm mục đích trục lợi, mua bán trẻ em như lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi; Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số….

 Công ước về quyền trẻ em là văn bản quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện và “luật pháp hóa” các quyền trẻ em, biến các tuyên bố có giá trị về mặt chính trị, đạo đức trong các bản Tuyên ngôn Giơ-ne-vơ về quyền trẻ em năm 1924; Tuyên ngôn về việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong các trường hợp khẩn cấp hoặc các cuộc xung đột vũ trang năm 1974; Quy tắc chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về việc áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên năm 1985,… thành các trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý của các tổ chức quốc tế và các quốc gia thành viên. Cùng với việc ngày càng có nhiều nước gia nhập, phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em thì các quy định của Công ước đã trở thành chuẩn mực pháp lý chung, là cơ sở để xây dựng mới hoặc điều chỉnh các văn bản pháp luật về nuôi con nuôi ở tất cả các nước thành viên.

3. Bảo vệ quyền trẻ em trong lĩnh vực nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật Việt Nam

Tại Việt Nam, sau chiến tranh, số lượng trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng tăng nhanh. Tính đến cuối thập kỷ 90, Việt Nam vẫn là một trong các quốc gia đứng đầu với tư cách là nước cho con nuôi, với ít nhất 10.000 trẻ được cho làm con nuôi ở tất cả các nước trong thập kỷ trước[3].Trong khi đó, nhu cầu người nước ngoài muốn nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi cũng ngày càng phổ biến. Những hiện tượng trục lợi, cò mồi đã phát phát sinh cùng quá trình giải quyết cho trẻ làm con nuôi nước ngoài, xâm hại đến quyền và lợi ích của trẻ em khi được cho làm con nuôi. Nhu cầu về một quy trình ngày càng chặt chẽ và nghiêm ngặt, đảm bảo tính nhân đạo được đặt ra một cách cấp thiết. Là một nước chủ yếu cho con nuôi quốc tế, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực và chủ động trong việc xây dựng hệ thống các chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Trước đây, khi Luật Nuôi con nuôi chưa ra đời, vấn đề nuôi con nuôi được quy định rải rác trong hàng loạt văn bản pháp luật khác nhau. Có thể liệt kê một số văn bản quan trọng về vấn đề này như: Hiến pháp 1992, Luật Hôn nhân Gia đình 1986, Luật Bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em 1990 và Nghị định 374_HĐBT ngày 14/11/1991 quy định chi tiết Luật Bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em, Pháp lệnh hôn nhân gia đình giữa người Việt Nam và người nước ngoài 1993, Nghị định 184/CP năm 1994 quy định chi tiết thủ tục kết hôn, nhận con ngoài giá thú, nhận đỡ đầu giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài (NĐ184/CP) và các thông tư hướng dẫn Nghị định như Thông tư 503/TT-LB ngày 25/05/1995 và Thông tư 337/TT-PLQT ngày 23/08/1995, Bộ luật Dân sự 1995, Luật Hôn nhân Gia đình 2000, Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/07/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân Gia đình về quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài (NĐ68/CP) và Nghị định 69/2006/NĐ-CP ngày 21/07/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của của NĐ68/CP (NĐ69/CP), Thông tư số 07/2002/TT-BTP ngày 16/12/2002 của Bộ tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của NĐ68/CP (TT07/BTP)….

Các văn bản trên đã cho thấy hệ thống các quy định bảo vệ quyền trẻ em trong lĩnh vực nuôi con nuôi theo pháp luật Việt Nam ngày càng toàn diện và tiến bộ và phù hợp hơn với yêu cầu của pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tiến bộ, trong quá trình thực thi vẫn còn một số điểm bất cập như:

+ Các quy định trên của pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ về hình thức nuôi con nuôi cũng như hệ quả pháp lý của mỗi hình thức nuôi con nuôi. Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài có theo hình thức nuôi con nuôi trọn vẹn và làm chấm dứt quan hệ pháp lý giữa cha mẹ đẻ và con nuôi hay không?;

+  Chưa có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trung ương và các cơ quan địa phương;

+ Tại Điều 21 Khoản 2 Công ước quyền trẻ em khẳng định việc cho làm con nuôi quốc tế phải là giải pháp cuối cùng khi mà đứa trẻ không thể được chăm sóc ở quốc gia nguyên quán của trẻ em. Tuy nhiên, do có ít thông tin về con nuôi trong nước nên khó có thể kết luận một cách chính xác rằng liệu quy định này có được áp dụng nghiêm túc ở Việt Nam hay không. Thực tế cho thấy hầu hết trẻ em được

nhận nuôi ở nước ngoài là dưới 1 tuổi, nhiều trẻ chỉ mới có 3 đến 4 tháng tuổi vào lúc nhận nuôi, điều này cho thấy rằng, chỉ là chiếu lệ (nếu có) khi xem xét khả năng cho trẻ làm con nuôi trong nước, vì thời gian quá ngắn để xác định độ tuổi của trẻ như đã nêu[4].Trong khi đó, NĐ 68,69/CP lại thiếu những quy định về các biện pháp để giới thiệu trẻ em làm con nuôi trong nước trước khi giải quyết cho trẻ làm con nuôi nước ngoài. Theo NĐ68/CP, trước khi giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài, cơ sở nuôi dưỡng có trách nhiệm thông báo 30 ngày trên phương tiện thông tin đại chúng cấp tỉnh (trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình) về việc tìm mái ấm gia đình trong nước cho trẻ em. Nhưng trên thực tế, nhiều nơi chỉ làm một cách hình thức, chiếu lệ, không đảm bảo đích thực của việc tìm mái ấm gia đình trong nước cho trẻ em. Thậm chí có nơi chỉ nộp giấy xác nhận đã thông báo trên đài phát thanh hoặc trên vô tuyến truyền hình, còn thực tế có thông báo hay không, lại không có sự kiểm tra[5].

+ Thiếu quy định về việc trẻ em phải được thông tin và tư vấn trước khi đưa ra ý kiến về sự đồng ý làm con nuôi cũng như những hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi đưa lại. Quyền được tư vấn và được cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến mình là quyền của trẻ em được ghi nhận ở Điều 8, Điều 12 Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.

Nhằm khắc phục những bất cập tồn tại trên, luật Nuôi con nuôi 2010 đã ra đời đánh dấu bước ngoặt trong quá trình phát triển của khung pháp luật Việt Nam đối với hoạt động nuôi con nuôi nói chung và đảm bảo quyền trẻ em trong lĩnh vực nuôi con nuôi nói riêng. Quyền trẻ em trong lĩnh vực nuôi con nuôi được ghi nhận trong Luật Nuôi con nuôi 2010 thể hiện chủ yếu trên các khía cạnh sau:

+ Luật Nuôi con nuôi 2010 khẳng định việc cho làm con nuôi quốc tế phải là giải pháp cuối cùng khi mà đứa trẻ không thể được chăm sóc ở quốc gia nguyên quán của trẻ em. Phù hợp với quy định tại Điều 21 Khoản 2 Công ước quyền trẻ em, Khoản 3 Điều 4 Luật Nuôi con nuôi quy định nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước và biện pháp đảm bảo ưu tiên nuôi con nuôi trong nước. Điều 5 Luật Nuôi con nuôi có ghi nhận thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế cho trẻ ở trong nước trước so với gia đình thay thế ở nước ngoài. Việc quy định ưu tiên nuôi con nuôi trong nước của Luật nuôi con nuôi sẽ tạo cơ sở pháp lý nhằm thực hiện tốt quy trình giải quyết nuôi con nuôi trong nước, đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường gốc, gần gũi với đặc điểm và nhu cầu của trẻ. Nguyên tắc này thúc đẩy sự tương thích của pháp luật về nuôi con nuôi của Việt Nam và Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em 1989. Mặc dù còn có quan niệm cho rằng nuôi con nuôi nước ngoài sẽ tạo cho con nuôi một cuộc sống vật chất đầy đủ hơn. Tuy nhiên, yêu cầu về sự hòa nhập về xã hội, ngôn ngữ, văn hóa, dân tộc là yếu tố phải được quan tâm hàng đầu. Hơn nữa, thêm một thời gian nữa, khi kinh tế trong nước phát triển, dần dần chúng ta có thể tự túc nhận con nuôi trong nước, đảm bảo trẻ em được nuôi dưỡng tại nước gốc của mình, trong môi trường gần gũi với trẻ.

+ Khoản 3 Điều 24  quy định về hệ quả pháp lý đối với các trường hợp nuôi con nuôi. Theo đó, mối quan hệ pháp lý giữa trẻ và cha mẹ đẻ tồn tại trước đó về quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng, giáo dục, đại diện theo pháp luật, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi sẽ chấm dứt (nếu cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi không có thỏa thuận khác). Quy định này mặc dù là một cải tiến lập pháp so với trước đây, đảm bảo tốt hơn các quyền của trẻ em tại nước nhận. Tuy nhiên, quy định này lại chưa khắc phục được những bất cập trong thực tiễn về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và gia đình cha mẹ đẻ. Thiết nghĩ, mặc dù chưa giải quyết được vấn đề hệ quả pháp lý một cách dứt điểm tuy nhiên việc Luật Nuôi con nuôi không  quy định về chấm dứt quan hệ thừa kế giữa cha mẹ đẻ và con đã cho làm con nuôi sẽ  tạo ra sự đồng bộ tránh được sự mâu thuẫn với phần thừa kế của Bộ luật Dân sự nói chung[6]. Mặt khác, nếu quy định chấm dứt quan hệ thừa kế giữa cha mẹ đẻ và con đã cho làm con nuôi thì xét kĩ ra sẽ thiệt thòi cho cả trẻ em và cha mẹ đẻ Việt Nam ở trong nước.

 + Phù hợp với quy định tại Khoản4 Điều 21 Công ước quốc tế về quyền trẻ em về đảm bảo rằng trong việc cho trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi, việc bố trí ấy không dẫn đến sự trục lợi không chính đáng về tài chính của những người có liên quan tham gia, Điều 13 Luật Nuôi con nuôi thống nhất quy định các hành vi bị cấm, vi phạm phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc nâng cao bản sắc văn hóa của gia đình Việt Nam. Trước đây, các hành vi bị cấm được quy định một cách tản mạn, không làm toát lên được tính phòng ngừa răng đe của pháp luật đối với những hành vi nhằm xâm hại đến quyền và lợi ích của trẻ em được cho làm con nuôi, dẫn đến tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật nhằm mục đích trục lợi, mua bán trẻ em. Luật con nuôi với quy định thống nhất các hành vi bị cấm sẽ có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn một cách dứt khoát, triệt để nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

+ Đảm bảo quyền trẻ em theo Công ước quyền trẻ em, luật Nuôi con nuôi ghi nhận quyền đưa ra ý kiến về việc làm con nuôi vào thời điểm nuôi con nuôi tại khoản 1 Điều 21 luật Nuôi con nuôi “…trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó”. Và quyền đảm bảo được biết về nguồn gốc, Điều 11 luật Nuôi con nuôi quy định con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình. Không ai được cản trở con nuôi được biết về nguồn gốc của mình. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho con nuôi là người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, đất nước.

+ Một điểm nữa cần đề cập là vấn đề thay đổi dân tộc của con nuôi. Luật Nuôi con nuôi quy định về việc xác định lại dân tộc của con nuôi trong trường hợp không biết cha mẹ đẻ là ai (trẻ em bị bỏ rơi) mà không có quy định về việc thay đổi dân tộc của con nuôi bao quát hết các trường hợp con nuôi tại khoản 3 Điều 24. Điều này đặt ra vấn đề nếu không cho phép con nuôi thay đổi dân tộc theo cha mẹ nuôi thì sẽ dẫn đến sự mặc cảm của con nuôi, con nuôi sẽ khó hòa nhập trong gia đình cha mẹ nuôi[7]. Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tác giả thì vấn đề gìn giữ bản sắc của mình là một quyền trẻ em cần được tôn trọng (Điều 8 Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em) do đó, quy định này của Luật nuôi con nuôi là một quy định tiến bộ, phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế.

Quyền trẻ em được sống trong bầu không khí gia đình để phát triển toàn diện nhân cách, quyền được lắng nghe ý kiến…là những quyền mà pháp luật nuôi con nuôi hướng tới bảo vệ. Pháp luật Việt Nam về vấn đề này đã có những sự phát triển qua các thời kì. Luật nuôi con nuôi đã góp phần hoàn thiện các quy định bảo vệ quyền trẻ em trong lĩnh vực nuôi con nuôi và đảm bảo thực thi có hiệu quả trong thực tế, ngăn chặn được những tiêu cực trục lợi, những biểu hiện của việc mua bán trẻ em gây bất bình dư luận trong thời gian qua, tước đi quyền quan trọng của trẻ em được sống với cha mẹ đẻ và quyền tiếp cận thông tin về nguồn gốc của trẻ sau này.

Ths. Mạc Thị Hoài Thương - Khoa pháp luật quốc tế Trường Đại học Luật Hà Nội


[1] Xem thêm Điều 20 CRC

[2] Xem thêm http://www.unicef.org/vietnam/vi/03_-_Cong_uoc_LHQ_ve_quyen_tre_em_1989.pdf

[3] Báo cáo quốc gia lần thứ 3 và thứ 4 năm 2008-Việt Nam thực hiện Công ước quốc tế Quyền Trẻ em

[4] Xem thêm: www.adoptivefamilies.com (truy cập ngày 25/92009)

“..Một điểm khác biệt nữa giữa Trung Quốc và Việt Nam là ở độ tuổi trẻ có thể bắt đầu được nhận nuôi, đối với Trung Quốc là ít nhất 7 tháng tuổi...”

[5] Xem Bộ Tư pháp (2009), Báo cáo rà soát các văn bản pháp luật về nuôi con nuôi.

[6] Xem thêm Điều 676 Bộ Luật Dân sự

[7] Xem thêm Bộ Tư pháp (2009), Báo cáo rà soát các văn bản pháp luật về nuôi con nuôi