I. Khái quát về các cơ quan tham gia vào quy trình xây dựng luật
Canada là quốc gia theo chế độ đại nghị (parliamentary system). Cơ cấu bộ máy quốc gia được tổ chức theo Hiến pháp năm 1867 và 1982. Chính quyền ở Canada là chính quyền 3 cấp: Liên bang, Bang (tỉnh) và địa phương. Mỗi cấp đều có hiến pháp hoặc hiến chương riêng, trong đó ghi khá rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền. Ví dụ, chính quyền liên bang lo các vấn đề thuộc về đối ngoại và các vấn đề có tính chất liên bang (như quốc phòng, đối ngoại, phát hành tiền, ngân hàng, quy chế quốc tịch/công dân, luật hình sự, bưu chính v.v.). Chính quyền bang lo các công việc như quản lý tài nguyên thiên nhiên, chính sách y tế, giáo dục, thực thi pháp luật ở địa phương, quyền sở hữu tài sản và quyền dân sự, quản lý tư pháp, tổ chức các chương trình phúc lợi v.v. Chính quyền địa phương (chính quyền cấp thành phố - municipal) lo các công việc thuộc về quy hoạch thành phố, phòng cháy chữa cháy, thư viện, ban hành các quy chế địa phương (local by-laws), cấp thoát nước, thu gom rác thải v.v.
Hoạt động xây dựng các đạo luật ở Canada (các đạo luật liên bang) liên quan tới 4 loại chủ thể cơ bản sau: (1) Chính phủ (Nội các) (đứng đầu là Thủ tướng); (2) Hạ viện (308 thành viên được dân chúng bầu đại diện cho cử tri các địa hạt bầu cử với nhiệm kỳ không quá 5 năm); (3) Thượng viện (gồm 105 thành viên được hình thành theo cơ chế bổ nhiệm để đại diện cho các vùng miền của Canada và được phục vụ trong Thượng viện kể từ khi bổ nhiệm cho tới khi nghỉ hưu vào năm 75 tuổi); và (4) Đại diện của nữ hoàng (toàn quyền).
Trong thực tế, các sáng kiến lập pháp (dự thảo luật trình trước Nghị viện) thường đến từ phía Chính phủ (do các Bộ quản lý ngành đề xuất). Đây cũng là các dự luật mà khả năng được Nghị viện chấp thuận, thông qua là cao nhất. Sau khi dự luật được trình trước Nghị viện, mọi dự luật đều phải trải qua quá trình thảo luận, xem xét, đánh giá, thông qua hoặc không thông qua ở cả hai viện là Hạ viện và Thượng viện. Những dự luật được Hạ viện và Thượng viện thông qua sau đó sẽ được chuyển cho đại diện của Nữ hoàng (Toàn quyền) chuẩn thuận và công bố.
Quy trình xây dựng luật dựa trên các đề xuất xây dựng luật từ phía Chính phủ được mô tả trong sơ đồ 19 bước dưới đây:
Nguồn: <http://www.parl.gc.ca/Content/LOP/ResearchPublications/prb0864-e.htm>
Theo sơ đồ này, quy trình xây dựng luật ở Canada đối với các dự luật do Chính phủ trình bao gồm 19 bước: 8 bước ở Giai đoạn Chính phủ, 9 bước ở giai đoạn Nghị viện, 1 bước ở giai đoạn đại diện của nữ hoàng chuẩn thuận và sau đó là bước công bố, tổ chức thực thi. Cũng theo sơ đồ này, một chính sách của chính phủ ở Canada để trở thành một đạo luật cần phải trải qua 3 công đoạn: (1) công đoạn chính phủ (the Cabinet stage); (2) công đoạn nghị viện (the parliamentary stage); và (3) công đoạn công bố và có hiệu lực (the coming into force stage).
Dưới đây chúng tôi sẽ mô tả chi tiết hơn về công việc của từng công đoạn cụ thể, nhất là công đoạn Chính phủ và công đoạn Nghị viện.
II. Công đoạn Chính phủ (The Cabinet Stage)
Công đoạn Chính phủ bao gồm 8 bước cơ bản sau đây:
Bước 1: Khởi thảo chính sách (proposed government policy): Ở bước này, Bộ trưởng quản lý ngành xem xét quyết định theo đuổi một ý tưởng hoặc định hướng chính sách nào đó. Đây cũng chính là bước mà Bộ trưởng quản lý ngành quyết định sẽ bảo trợ cho một dự án luật trong tương lai ghi nhận định hướng chính sách mà mình theo đuổi. Trong bước này, Bộ trưởng quản lý ngành thường thành lập các nhóm nghiên cứu, nhóm tư vấn của mình để xây dựng, hình thành chính sách mà mình dự kiến theo đuổi.
Bước 2: Tham vấn chính sách (consultation): Trong bước này, Bộ trưởng quản lý ngành sẽ tiến hành việc tham vấn các nội dung chính sách mình dự kiến đề xuất với các tổ chức, cá nhân, cơ quan có lợi ích liên quan, trong đó có các bộ quản lý ngành khác để tiếp tục hoàn thiện chính sách và tạo sự đồng thuận cần thiết. Ngay trong bước này, việc tham vấn với công chúng về dự thảo chính sách đã có thể được thực hiện. Cũng trong bước này, việc tham vấn với cơ quan quản lý ngân sách và nhân lực của liên bang cũng được thực hiện để bảo đảm rằng, những tác động về ngân sách và nhân lực của chính sách đã được cân nhắc, tính toán trước.
Bước 3: Chuẩn bị bản đề xuất chính sách trình Nội các (Preparation of Memorandum to Cabinet). Đây là bước mà trên cơ sở nội dung chính sách dự kiến đề xuất, sau khi tiếp thu ý kiến của các chủ thể có liên quan (stakeholders), chỉnh lý dự thảo chính sách và hoàn thiện các văn bản theo hình thức, tiêu chuẩn mà Nội các yêu cầu để chuẩn bị trình Nội các. Tuy nhiên, trong bước này, Bộ trưởng quản lý ngành thường tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến của các bộ, ngành có liên quan để nghe ý kiến một lần nữa nhằm tìm kiếm thêm sự ủng hộ hoặc ý kiến về đề xuất chính sách mà Bộ trưởng theo đuổi.
Bản đề xuất chính sách trình Nội các (Memorandum to Cabinet, thường viết tắt là MC) là văn bản đề xuất chính sách được Bộ trưởng quản lý ngành sử dụng để mô tả bối cảnh đề xuất chính sách, phác họa các vấn đề liên quan tới bối cảnh hiện tại và đề xuất các giải pháp. Chính vì thế, Bản đề xuất chính sách trình Nội các nên bao gồm các loại thông tin cơ bản sau:
- Vấn đề cần phải được giải quyết và căn nguyên của vấn đề;
- Khoảng trống về chính sách (pháp luật) dẫn tới vấn đề không được giải quyết thỏa đáng;
- Dự kiến chính sách cụ thể được đề xuất;
- (Nêu rõ) vai trò và thẩm quyền cụ thể của Bộ trưởng có trách nhiệm thực thi chính sách;
- (Nêu rõ) công cụ thực hiện chính sách;
- Xác định nguồn lực hiện có (về tài chính và nhân lực) để thực thi chính sách và phương án huy động nguồn lực cần thiết để thực thi chính sách;
- Những tác động dự kiến của chính sách (trong đó xác định rõ loại tác động và nhóm đối tượng chịu sự tác động);
- Các hoạt động tham vấn công chúng về chính sách nên tiếp tục được thực hiện; Liệu việc tham vấn này có được thực hiện bằng hình thức tham vấn về dự thảo luật hay không. Nếu có, việc tham vấn này chỉ được thực hiện khi được Nội các cho phép.
- Hướng dẫn soạn thảo luật (drafting instructions). Bản hướng dẫn này chưa phải là một dự án luật, tuy nhiên, nó phải chứa đựng các thông tin cơ bản về chính sách dự kiến được thể chế hóa và khung khổ của dự án luật.
Ngoài ra, bản Đề xuất chính sách với Nội các còn bao gồm 3 loại phụ lục quan trọng là: một phụ lục về Kế hoạch triển khai chính sách khi được thông qua (the Implementation Plan); một phụ lục về Kế hoạch triển khai công tác truyền thông (quảng bá) về chính sách (the Strategic Communications Plan); một phụ lục về Kế hoạch bảo vệ chính sách trước Nghị viện (the Parliamentary Plan).
Bước 4: Ủy ban chuyên môn của Nội các xem xét dự thảo đề xuất chính sách (Cabinet Committee considers Memorandum to Cabinet and prepares report): Sau khi dự thảo chính sách được trình với Ủy ban chuyên môn của Nội các, Ủy ban này sẽ xem xét dự thảo và có ý kiến đề nghị hoàn thiện dự thảo chính sách. Ủy ban cũng chuẩn bị báo cáo ý kiến của mình để trình Nội các.
Bước 5: Nội các phê chuẩn đề xuất chính sách (Cabinet ratifies committee report): Trong bước này, trên cơ sở đề xuất chính sách của Bộ trưởng quản lý ngành và báo cáo nhận xét, đánh giá của Ủy ban chuyên môn của Nội các, Nội các sẽ xem xét và phê chuẩn đề xuất chính sách. Ngay sau khi đề xuất chính sách đã được chính thức phê chuẩn, trong đó các nội dung như: vấn đề mà chính sách cần giải quyết là gì, nguyên nhân của vấn đề ra sao, giải pháp để giải quyết vấn đề là gì thường được trả lời trong chính sách đã được phê chuẩn. Chính sách này sau đó được Bộ trưởng quản lý ngành chuyển sang Văn phòng soạn luật (the Office of Chief Legislative Counsel) chuyên nghiệp trực thuộc Bộ Tư pháp Canada dưới dạng một “hướng dẫn soạn thảo” (drafting instructions). Chính ở công đoạn này, việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, sự trong sáng về văn phong, sự nhất quán về ngôn ngữ pháp lý trong quá trình soạn thảo luật được bảo đảm.
Bước 6: soạn thảo dự án luật (Department of Justice drafters draft the bill): trong bước này trên cơ sở hướng dẫn soạn thảo của Bộ quản lý ngành, các chuyên gia soạn thảo của Bộ Tư pháp Canada sẽ có trách nhiệm “quy phạm hóa” (tức là diễn dịch chính sách thành dự thảo luật, biến ngôn ngữ chính sách thành ngôn ngữ pháp lý). Trong bước này, giữa Bộ quản lý ngành và các chuyên gia soạn thảo của Bộ Tư pháp thường có quá trình tương tác, trao qua đổi lại để đảm bảo rằng các chuyên gia soạn thảo của Bộ Tư pháp có đủ thông tin cần thiết để diễn dịch chính sách thành các dự luật phù hợp và cũng đảm bảo rằng các dự luật được soạn thảo đúng theo ý của Bộ trưởng quản lý ngành.
Bước 7: Bộ trưởng quản lý ngành và Đại diện của Nội các ở Hạ viện (Government House Leader) xem xét, chấp thuận dự thảo luật đã được soạn thảo. Bộ trưởng quản lý ngành và Đại diện Nội các ở Hạ viện phải đảm bảo rằng nội dung của dự luật phù hợp với các quyết định trước đó của Nội các. Sau đó, dự luật được chuyển xin ý kiến Nội các một lần nữa để Nội các chính thức đồng ý sẽ trình dự án luật trước Nghị viện.
Bước 8: Đại diện của Nội các ở Hạ viện chính thức thông báo việc Nội các trình dự án luật. Tuy nhiên, trước đó, vị Đại diện này phải cùng với Bộ trưởng quản lý ngành thống nhất xác định thời gian chính thức (thời gian phù hợp) trình dự án luật trước Hạ viện. Thông thường, dự án luật sẽ được trình ở Hạ viện trước khi trình cho Thượng viện. Riêng với các dự luật liên quan tới việc chi tiêu ngân sách hoặc đánh thuế, Hạ viện luôn là cơ quan mà dự luật phải được trình trước tiên.
III. Công đoạn Nghị viện (the Parliamentary Stage)
Công đoạn này gồm 10 bước trong đó có 5 bước ở hạ viện [(1) lần đọc 1/giới thiệu tên dự án luật => (2) lần đọc 2 => (3) giai đoạn xem xét tại ủy ban => (4) giai đoạn Hạ viện xem xét báo cáo của Ủy ban => (5) lần đọc 3 (bỏ phiếu thông qua hoặc không thông qua)] và 4 bước ở thượng viện (giống các bước vừa nói ở giai đoạn Hạ viện nhưng chỉ không có bước 4) cùng với một bước xin chuẩn thuận của đại diện Hoàng gia (chuẩn thuận của toàn quyền).
1. Các bước ở Hạ viện
Bước 1: Lần đọc đầu tiên (First Reading): tại lần đọc này, Bộ trưởng quản lý ngành chính thức đọc tên của dự luật và thông báo với Hạ viện rằng, dự luật được chính thức trình cho Hạ viện xem xét. Ngay sau đó, dự luật sẽ được in và phát cho các hạ nghị sỹ.
Bước 2: Lần đọc thứ hai (Second Reading): tại lần đọc này, các nội dung mang tính nguyên lý cơ bản của dự án luật sẽ được các hạ nghị sỹ thảo luận. Những vấn đề của dự luật thường được xem xét, thảo luận, đặt ra ở bước này chủ yếu là: chính sách (ý tưởng) cơ bản của dự luật có phải là chính sách hay không? Chính sách ấy có đáp ứng nhu cầu của người dân hay không? Sau phần thảo luận, thông thường Hạ viện sẽ bỏ phiếu quyết định thông qua hay không thông qua về nguyên tắc dự luật này. Trong thực tế, hầu như các dự án luật do Chính phủ trình đều được thông qua ở lần đọc thứ hai. Sự không thông qua ngay từ lần đọc thứ hai có thể xem như một xì căng đan về chính trị, phản ánh uy tín rất thấp của Chính phủ. Trong bối cảnh Chính phủ do Đảng cầm quyền lập nên, khả năng như vậy hầu như là không có. Sau khi dự luật đã được bỏ phiếu ở Hạ viện thông qua về nguyên tắc đối với chính sách cơ bản trong dự án luật tại lần đọc thứ hai, dự luật được chuyển cho ủy ban của hạ viện để xem xét chi tiết.
Bước 3: Giai đoạn ủy ban (committee stage): Ở giai đoạn này, Ủy ban được phân công xem xét dự luật sẽ nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến và đề nghị sửa đổi nội dung đối với từng điều khoản của dự luật. Ở giai đoạn này, Ủy ban được phân công xem xét dự luật thường tổ chức các phiên điều trần, triệu tập các quan chức và đại diện của các đối tượng có liên quan tới để nghe ý kiến, cung cấp thêm bằng chứng để xem xét, đánh giá về dự luật, nhất là những bằng chứng về những tác động dự kiến của dự luật (cả tác động tích cực và tiêu cực). Ở giai đoạn này, các thành viên của Ủy ban có thể đưa ra những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định cụ thể của dự luật. Kết thúc giai đoạn này, Ủy ban được phân công xem xét dự án luật phải xây dựng báo cáo bình luận, nhận xét, kiến nghị về dự thảo luật. Nếu dự án luật được Ủy ban bỏ phiếu nhất trí thông qua, thì dự luật sẽ được chuyển sang bước 4.
Điểm cần lưu ý là, thông thường, Ủy ban được phân công xem xét dự án luật là một trong số các Ủy ban thường trực của Hạ viện. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định, Hạ viện có thể lập Ủy ban lâm thời để xem xét dự án luật và Ủy ban này sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Bước 4: giai đoạn Hạ viện xem xét báo cáo của Ủy ban (Report Stage): Trong giai đoạn này, Hạ viện sẽ xem xét báo cáo nhận xét, đánh giá, kiến nghị của Ủy ban được phân công về dự thảo luật. Trong giai đoạn này, Chính phủ hoặc các hạ nghị sỹ chưa có điều kiện tham gia Ủy ban có thể tiếp tục đưa ra các đề xuất hoàn thiện dự án luật. Hạ viện sẽ thảo luận về dự luật và các đề xuất hoàn thiện dự luật này.
Bước 5: Lần đọc thứ ba (Third reading): Tại phiên họp này của Hạ viện, dự án luật tiếp tục được thảo luận và bỏ phiếu để thông qua hoặc không thông qua. Trong thực tế, có thể có trường hợp, hạ nghị sỹ đã bỏ phiếu thuận ở lần đọc thứ hai nhưng lại đổi ý ở lần đọc thứ ba với lý do dự thảo được xem xét ở lần đọc thứ ba đã có những thay đổi nhất định sau giai đoạn xem xét ở Ủy ban và giai đoạn Hạ viện xem xét báo cáo của Ủy ban về dự luật. Về lý thuyết, dự luật có thể không được thông qua, tuy nhiên, đối với các dự luật do Chính phủ trình, do Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu đảng cầm quyền nên về theo nguyên tắc chung về việc giữ gìn kỷ luật trong Đảng, các dự luật do Chính phủ trình sẽ được các đảng viên trong hạ viện chấp thuận thông qua. Vì vậy, trên thực tế, rất hiếm khi xảy ra trường hợp dự luật do Chính phủ bảo trợ không được Hạ viện thông qua.
Sau khi dự luật được thông qua, dự luật sẽ được chuyển cho Thượng viện xem xét, thảo luận, cho ý kiến.
Tại Thượng viện, dự luật phải trải qua 4 bước cơ bản sau đây:
Bước 1: Lần đọc đầu tiên (First reading): Dự án luật chính thức được đệ trình trước Thượng viện và được in ấn để phát cho các thượng nghị sỹ.
Bước 2: Lần đọc thứ hai (Second Reading): Các thượng nghị sỹ sẽ thảo luật những nội dung cốt lõi mang tính nguyên tắc của dự luật. Sau đó dự luật sẽ được chuyển cho Ủy ban của Thượng viện để xem xét, cho ý kiến chi tiết.
Bước 3: Giai đoạn Ủy ban (Committee stage): Các thành viên của Ủy ban của Thượng viện được phân công xem xét dự án luật sẽ nghiên cứu chi tiết từng điều khoản của dự luật và có thể đề xuất sự sửa đổi, hoàn thiện. Ủy ban cũng phải hoàn thiện báo cáo kết quả thảo luận để gửi cho Thượng viện chuẩn bị cho lần đọc thứ ba (third reading).
Bước 4: Lần đọc thứ ba (Third Reading): Các thượng nghị sỹ sẽ thảo luận và bỏ phiếu về dự án luật. Nếu dự luật được bỏ phiếu thuận, dự luật được coi là đã được Thượng viện thông qua. Nếu bản dự thảo luật được thông qua tại Thượng viện khác với bản dự luật được thông qua tại Hạ viện, lưỡng viện phải thực hiện việc dàn xếp để có bản dự luật có nội dung giống nhau.
Cho tới khi hai viện đạt được sự đồng thuận về dự án luật và được thông qua. Dự luật sẽ được gửi cho Đại diện của Nữ hoàng để ký lệnh ban hành. Khi nhận được dự luật đã được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua, Đại diện của Nữ hoàng (Toàn quyền) sẽ ký lệnh ban hành và công bố luật.
IV. Một số nhận xét
Qua nghiên cứu về quy trình xây dựng luật ở Canada, có thể thấy rằng:
Thứ nhất, tuy chức năng lập pháp thuộc về Nghị viện nhưng trên thực tế, ở Canada, phù hợp với nguyên lý của mô hình chính thể đại nghị, hầu hết sáng kiến lập pháp đến từ Chính phủ (nội các). Nói cách khác, gánh nặng của công việc lập pháp trong mô hình xây dựng luật ở Canada được đặt lên vai của Chính phủ (nội các), mà trước hết là các Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
Thứ hai, do gánh nặng của công việc lập pháp đặt lên vai Chính phủ, nên chất lượng của các dự án luật phụ thuộc rất lớn vào sự chuẩn bị của Chính phủ, mà cụ thể hơn là của Bộ quản lý ngành, nhất là trong giai đoạn phân tích, hoạch định chính sách. Vai trò của Nghị viện, vì thế, chủ yếu là phản biện chính sách và bảo đảm rằng, chính sách không đi ngược lại quyền lợi của người dân (không làm “trái ý dân”). Nói cách khác, xây dựng các đạo luật ở Canada, về bản chất, là sự tương tác quyền lực giữa phía hành pháp (những người muốn giải quyết vấn đề theo nhu cầu quản lý của mình) với phía lập pháp (những người muốn Chính phủ/Nội các, các Bộ, ngành phải thực sự vận hành theo ý nguyện của nhân dân). Đó cũng là sự tương tác giữa những người quản lý xã hội với công chúng, thông qua đó, sản phẩm của quá trình tương tác này (các đạo luật) thường phải đáp ứng cả 2 yêu cầu: vừa đáp ứng nhu cầu quản lý xã hội vừa đáp ứng ý nguyện của người dân. Điều này cũng có nghĩa rằng, các đạo luật thường có sự dung hòa giữa “kỷ cương” và “dân chủ”, giữa “trật tự” và “tự do”.
Thứ ba, trong công đoạn xây dựng các đạo luật thuộc phần của Chính phủ, ở Canada có sự tách biệt rất rõ 2 bước: bước hoạch định chính sách dự kiến được luật hóa và bước quy phạm hóa. Bước hoạch định chính sách dự kiến được luật hóa là bước tốn nhiều công sức nhất, quan trọng nhất và có vai trò quyết định chất lượng của dự án luật sau này. Sở dĩ như vậy là do, đây chính là bước mà những câu hỏi cơ bản nhất của quá trình xây dựng các đạo luật được đặt ra và phải được trả lời, đó là: chính sách dự kiến xây dựng sẽ giải quyết vấn đề gì của cuộc sống? Vấn đề của cuộc sống đặt ra phải giải quyết ấy có nguyên nhân từ đâu? Nếu vấn đề ấy không được giải quyết thì sẽ có những hệ lụy như thế nào trong ngắn hạn và dài hạn? Để giải quyết được vấn đề ấy, nhóm hành vi của chủ thể nào trong xã hội cần phải thay đổi? Sự thay đổi ấy sẽ tác động tới các nhóm lợi ích trong xã hội như thế nào? Phương án ấy sẽ tác động lên ngân sách ra sao? Phương án ấy sẽ tác động lên nguồn nhân lực của nhà nước như thế nào? Phương án giải quyết vấn đề được chọn lựa đã phải là phương án tối ưu (xét từ góc độ chi phí/lợi ích cũng như từ góc độ quản trị rủi ro) hay chưa? Trong bước hoạch định chính sách, nỗ lực của Bộ quản lý ngành gần như đóng vai trò quyết định. Tiếp theo bước hoạch định chính sách là đến bước quy phạm hóa (soạn thảo) - một công đoạn riêng biệt và được thực hiện bởi một cơ quan chuyên biệt. Cụ thể, bước quy phạm hóa được thực hiện một cách chuyên nghiệp thông qua những luật sư có trình độ chuyên môn và khả năng ngôn ngữ cao và họ là những nhà soạn thảo luật chuyên nghiệp. Những người này cùng công tác tại một đơn vị trong Bộ Tư pháp. Việc phân tách hai bước như vậy tạo tiền đề quan trọng để chuyên nghiệp hóa cả khâu phân tích, hoạch định chính sách và khâu quy phạm hóa (soạn thảo). Việc ngôn ngữ, kỹ thuật pháp lý của các dự án luật đều do những người trong cùng cơ quan chuyên soạn luật quyết định cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính nhất quán về ngôn từ, cấu trúc, văn phong của các đạo luật, tạo tiền đề bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thứ tư, dù có sự tách biệt giữa bước “hoạch định chính sách” với bước “quy phạm hóa” (soạn thảo), thì Bộ trưởng quản lý ngành vẫn là người bảo trợ dự án luật và phải là người thay mặt Nội các (Chính phủ) chịu trách nhiệm tới tận cùng về đứa con mà mình đã “thai nghén”, “sinh thành”, để bảo đảm rằng, dự luật nhận được sự chấp thuận, thông qua của Nghị viện. Công đoạn “quy phạm hóa” (hay soạn thảo), chỉ là công đoạn được thực hiện để phục vụ tốt nhất nhu cầu thể chế hóa chính sách được Bộ trưởng Bộ quản lý ngành bảo trợ.
Thứ năm, ngay trong giai đoạn phân tích, hoạch định chính sách cần thiết thể chế hóa trong dự án luật, các thông tin về tính khả thi (bằng việc xác định rõ kế hoạch thực hiện chính sách khi được thông qua với các thông số rõ ràng về điều kiện bảo đảm xét từ góc độ tài chính và nhân lực, tổ chức bộ máy), kế hoạch truyền thông nhằm vận động sự ủng hộ của công chúng, của các nhóm đối tượng chịu sự tác động và phương án xử lý các loại phản ứng đối với chính sách từ phía các nhóm đối tượng này đã được những người bảo trợ, tham gia xây dựng dự án luật xác định rất kỹ. Điều này cho thấy, những cân nhắc, tính toán về tính khả thi của chính sách (và sau đó là các dự án luật) là một trong những nội dung trọng yếu trong hoạt động xây dựng các đạo luật.
Thứ sáu, trong quá trình dự luật được xem xét, thảo luận tại Hạ viện, Thượng viện hoặc các ủy ban của Nghị viện, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành vẫn phải là người (thay mặt Nội các) bảo trợ, bảo vệ, giải trình nội dung của dự thảo luật cho tới khi các thành viên Hạ viện và Thượng viện bỏ phiếu thông qua hay không thông qua dự án luật. Tất nhiên, trên thực tế, công việc này luôn có sự hỗ trợ đắc lực từ phía bộ trưởng đại diện của Nội các ở Hạ viện và Thượng viện.
Thứ bảy, vai trò của Ủy ban của Nghị viện trong việc xem xét, phản biện chi tiết các nội dung của từng điều khoản của dự án luật rất được coi trọng. Vai trò của Ủy ban không phải là xem xét xem dự án luật mà Chính phủ (nội các) trình sang Nghị viện đã đáp ứng chuẩn tối thiểu về chất lượng (ví dụ đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi v.v.) để chấp thuận cho phép Chính phủ trình Nghị viện hay không. Thay vào đó, việc chính của Ủy ban là tập trung trí tuệ của các nhóm nghị sỹ có chuyên môn hoặc có sự quan tâm tới dự án luật để xem xét, thảo luận, đánh giá một cách kỹ lưỡng, chi tiết nội dung của từng điều khoản của dự luật, đồng thời đưa ra các đề nghị hoàn thiện dự luật một cách phù hợp. Mặc dù vậy, việc chấp thuận hay không chấp thuận đề xuất từ phía Ủy ban là quyền của Nội các chứ không phải là công việc của bản thân các Ủy ban. Ủy ban cũng không có quyền “chặn” việc trình và bảo trợ dự án luật như trong mô hình xây dựng luật ở các quốc gia theo chính thể Tổng thống (trong đó có Hoa Kỳ). Mặc dù vậy, chính thông qua việc xem xét, phản biện rất kỹ lưỡng và chi tiết của các Ủy ban, cùng với các hoạt động điều trần về dự án luật với sự tham gia đầy đủ của các nhóm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự luật, Bộ trưởng quản lý ngành bảo trợ dự án luật có động lực tốt hơn trong việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng dự án luật mà mình bảo trợ.
TS. Nguyễn Văn Cương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp