Ở Trung Quốc, theo quy định của Hiến pháp năm 1982 (sửa đổi, bổ sung năm 1988, 1993, 1999, 2004) (Điều 57, 60 và 62), Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, trực tiếp nắm giữ quyền sửa đổi Hiến pháp, giám sát việc thực thi Hiến pháp, ban hành và sửa đổi các đạo luật cơ bản như luật hình sự, luật dân sự, luật tổ chức bộ máy nhà nước và một số luật cơ bản khác. Cơ quan này bao gồm các đại biểu được lựa chọn từ các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương và quân đội theo tỷ lệ pháp luật quy định với nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội có Ủy ban thường vụ. Theo quy định tại Điều 58 của Hiến pháp Trung Quốc, Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội nắm quyền lập pháp. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng có quyền giải thích chính thức Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội Trung Quốc mỗi năm chỉ họp thường kỳ 1 lần.
Từ năm 2000, Trung Quốc đã ban hành một đạo luật riêng về lập pháp (gọi là Luật lập pháp - Legislation Law). Mục đích của việc ban hành đạo luật này là nhằm “tiêu chuẩn hóa hoạt động xây dựng luật, hoàn thiện thể chế lập pháp của nhà nước, thiết lập và hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy quản lý đất nước bằng pháp luật, và xây dựng đất nước theo nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa” (Điều 1). Phạm vi điều chỉnh của luật là hoạt động “ban hành, sửa đổi và bãi bỏ luật của quốc gia, quy chế hành chính, quyết định của chính quyền địa phương hoặc của khu tự trị” (trong đó có việc ban hành các quy tắc hành chính của các cơ quan thuộc Hội đồng nhà nước và của chính quyền địa phương) (Điều 2).
Như vậy, có thể nói, với việc ban hành đạo luật riêng về công tác xây dựng pháp luật (Luật lập pháp năm 2000), lần đầu tiên công việc xây dựng pháp luật của Trung Quốc được chuẩn hóa bằng những quy trình, quy phạm cụ thể. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu khái quát các nội dung liên quan tới quy trình xây dựng luật ở Trung Quốc.
1. Những nguyên tắc cơ bản của hoạt động xây dựng pháp luật
Luật lập pháp năm 2000 đưa ra các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xây dựng pháp luật ở Trung Quốc (Điều 3), theo đó, hoạt động xây dựng pháp luật phải đảm bảo: (1) tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp, (2) tập trung vào phát triển kinh tế, (3) đi theo con đường XHCN, (4) bám sát sự chuyên chính dân chủ nhân dân, (5) theo đúng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, (6) tuân theo học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, và lý thuyết Đặng Tiểu Bình, (7) kiên trì cải cách và mở cửa với thế giới bên ngoài. Theo Điều 4, hoạt động xây dựng pháp luật còn phải tuân thủ “phạm vi về thẩm quyền, trình tự thủ tục pháp luật quy định, phục vụ lợi ích quốc gia, và bảo vệ tính thống nhất và uy tín của hệ thống pháp luật XHCN.” Theo Điều 5 “hoạt động xây dựng pháp luật phải phản ánh ý chí của nhân dân, thúc đẩy dân chủ XHCN, và đảm bảo rằng nhân dân có thể tham gia vào quy trình lập pháp thông qua các kênh khác nhau.” Theo Điều 6, “hoạt động XDPL phải dựa trên tình hình thực tế, theo một cách thức hợp lý và khoa học, quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân, pháp nhân và các tổ chức khác, quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.”
2. Phân định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trên cơ sở Hiến pháp hiện hành (Hiến pháp năm 1982, sửa đổi, bổ sung năm 1988, 1993, 1999, 2004), Luật lập pháp của Trung Quốc phân định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cụ thể như sau:
a. Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội
Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện quyền lập pháp quốc gia (ban hành các đạo luật của quốc gia) (Điều 7). Cụ thể, Quốc hội ban hành và sửa đổi các đạo luật cơ bản như: luật hình sự, luật dân sự, luật tổ chức nhà nước và các luật cơ bản khác. Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành và sửa đổi các đạo luật khác ngoài các đạo luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể sửa đổi, bổ sung một phần đạo luật do Quốc hội ban hành miễn là sự sửa đổi, bổ sung đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của đạo luật ấy.
Các lĩnh vực lập pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội được quy định rõ hơn tại Điều 8 của Luật Lập pháp. Theo đó, chỉ các đạo luật của quốc gia (tức là các đạo luật do Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành) mới được quy định về các vấn đề sau đây: (1) Chủ quyền của nhà nước; (2) Việc thành lập, tổ chức và thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, chính quyền nhân dân, tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân; (3) Chế độ tự trị của các khu dân tộc, chế độ của các khu hành chính đặc biệt, chế độ tự trị ở cơ sở; (4) Tội phạm và hình phạt; (5) Việc tước quyền chính trị của công dân, hoặc các biện pháp cưỡng bức và hình phạt liên quan tới việc hạn chế tự do cá nhân; (6) Việc tước đoạt tài sản không phải là của nhà nước; (7) Các thiết chế/chế định dân sự cơ bản; (8) Chế độ kinh tế cơ bản và hệ thống thương mại quốc tế, tài chính, thuế quan, thuế, ngân sách cơ bản; (9) Hệ thống tố tụng và trọng tài; (10) Các vấn đề khác mà việc điều chỉnh phải được thực hiện bằng việc ban hành đạo luật quốc gia bởi Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội.
b. Quốc vụ viện (Chính phủ)
Theo quy định tại Điều 9, trong trường hợp không có đạo luật quốc gia quy định về những vấn đề đã nêu ở Điều 8 kể trên, Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền ra quyết định (ủy quyền) cho phép Quốc vụ viện (Chính phủ) ban hành các Quy định hành chính về những vấn đề cần thiết, ngoại trừ đó là những vấn đề về tội phạm và chế tài hình sự, tước bỏ quyền chính trị của công dân, các biện pháp và biện pháp phạt hạn chế quyền tự do cá nhân của công dân, và hệ thống tư pháp.
Mặc dù vậy, theo quy định tại Điều 10, quyết định ủy quyền lập pháp kể trên phải nêu rõ: mục tiêu và phạm vi ủy quyền. Cơ quan được ủy quyền phải thực thi quyền năng của mình theo đúng các mục tiêu và phạm vi ủy quyền và không được phép ủy quyền lại. Thêm vào đó, Điều 11 quy định đối với các nội dung đã được ủy quyền kể trên, khi điều kiện chín muồi cho việc ban hành luật, thì Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội phải kịp thời ban hành luật. Khi đã có đạo luật như vậy được ban hành thì thẩm quyền được ủy thác kể trên sẽ chấm dứt.
3. Quy trình xây dựng các đạo luật của Quốc hội
Theo quy định của Điều 12, Chủ tịch đoàn của Quốc hội là chủ thể có thẩm quyền chính thức đệ trình với Quốc hội các dự án luật để Quốc hội cân nhắc, xem xét tại các kỳ họp của mình. Quốc vụ viện, Quân ủy trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Ủy ban của Quốc hội có quyền đề xuất dự án luật lên Chủ tịch đoàn của Quốc hội để Chủ tịch đoàn cân nhắc, xem xét quyết định có trình Quốc hội hay không.
Ngoài 5 loại chủ thể kể trên, nhóm Đại biểu Quốc hội từ 30 người trở lên có thể cùng ký tên đề xuất dự án luật gửi cho Chủ tịch đoàn của Quốc hội để Chủ tịch đoàn xem xét, quyết định có trình trong kỳ họp hiện tại hay chuyển dự án luật này cho các ủy ban đặc biệt có liên quan để cân nhắc, đề xuất với Chủ tịch đoàn quyết định đưa vào chương trình kỳ họp hiện tại hay không. Khi cân nhắc việc này, ủy ban đặc biệt có thể mời những người bảo trợ dự án luật tới phiên họp xem xét dự án luật để cho ý kiến.
Theo quy định tại Điều 14, trong thời gian Quốc hội không họp, việc trình dự án luật trước hết được gửi tới Ủy ban thường vụ Quốc hội để Ủy ban thường vụ xem xét theo thủ tục nêu tại Mục 3 Chương 2 của Luật này và Ủy ban thường vụ hoặc người bảo trợ dự án luật sẽ báo cáo lại với Quốc hội ở phiên họp toàn thể.
Nếu Ủy ban thường vụ quyết định sẽ trình cho Quốc hội trong kỳ họp tới để xem xét thì dự thảo luật phải được gửi tới các Đại biểu Quốc hội 1 tháng trước kì khai hội (Điều 15).
Đối với dự án luật được đưa vào chương trình họp của Quốc hội đang diễn ra thì người bảo trợ dự án luật phải báo cáo trước Quốc hội về dự án luật trước khi các đoàn đại biểu tiến hành thảo luận, xem xét (Điều 16). Trong quá trình các đoàn đại biểu xem xét dự án luật, người bảo trợ dự án luật có thể gửi đại diện tới dự để nghe bình luận và trả lời các câu hỏi. Nếu đoàn đại biểu có yêu cầu thì cơ quan, tổ chức có liên quan phải gửi đại diện tới dự phiên họp của đoàn xem xét về dự án luật và cung cấp thông tin cho đoàn đại biểu (Điều 16).
Dự án luật đã được đưa vào chương trình kỳ họp hiện tại của Quốc hội thì phải được xem xét bởi ủy bản đặc biệt có liên quan và ủy ban này phải đệ trình ý kiến của mình cho Chủ tịch đoàn và ý kiến ấy phải được in và phát cho các đại biểu tham dự phiên họp (Điều 17).
Đối với dự án luật đã được đưa vào chương trình họp hiện tại của Quốc hội, sau khi đã thu thập ý kiến thảo luận của các đoàn đại biểu và các ủy ban đặc biệt có liên quan, Ủy ban pháp luật của Quốc hội phải tiến hành phiên thảo luận về dự án luật và hoàn thiện dự án luật, sau đó phải đệ trình cho Chủ tịch đoàn báo cáo thẩm tra và bản dự thảo luật, trong đó báo cáo thẩm tra phải chứa đựng những giải thích về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau. Chỉ sau khi Chủ tịch đoàn đã thảo luận và thông qua báo cáo thẩm tra và dự thảo luật, báo cáo và dự thảo mới này phải được in và phát cho các đại biểu tham dự phiên họp của Quốc hội (Điều 18).
Đối với dự án luật đã được đưa vào chương trình họp hiện tại của Quốc hội, khi cần thiết, trưởng điều hành của Chủ tịch đoàn có thể triệu tập một phiên họp các lãnh đạo của đoàn đại biểu Quốc hội để nghe ý kiến của các đoàn đại biểu về những vấn đề lớn của dự án luật và tiến hành thảo luận. Sau đó, trưởng điều hành của Chủ tịch đoàn sẽ báo cáo cho Chủ tịch đoàn về tình hình thảo luận và các ý kiến có liên quan. Trưởng điều hành của Chủ tịch đoàn cũng có thể triệu tập một phiên họp các đại biểu có liên quan do các đoàn đại biểu Quốc hội cử để thảo luận về những vấn đề đặc biệt trong dự án luật. Sau đó, trưởng điều hành của Chủ tịch đoàn sẽ báo cáo cho Chủ tịch đoàn về tình hình thảo luận và các ý kiến có liên quan (Điều 19).
Vấn đề rút dự án luật: Trường hợp trước khi dự án luật được đưa ra bỏ phiếu mà người bảo trợ dự án luật đề nghị rút lại dự án luật thì người bảo trợ phải giải thích lý do rút lại và chỉ được rút lại khi có sự đồng ý của Chủ tịch đoàn và người bảo trợ dự án luật phải có báo cáo với phiên họp toàn thể của Quốc hội (Điều 20).
Theo quy định tại Điều 21 của Luật Lập pháp năm 2000, trường hợp trong quá trình xem xét dự thảo luật, mặc dù chủ tịch đoàn của Quốc hội đã đề nghị đưa ra xem xét nhưng vẫn phát sinh những vấn đề lớn mà hội nghị toàn thể thấy cần phải cân nhắc thêm thì Quốc hội có thể ủy quyền cho Ủy ban thường vụ tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc dựa trên ý kiến của các vị đại biểu quốc hội, sau đó Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo với Quốc hội trong phiên họp sau. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng có thể được ủy quyền nghiên cứu, cân nhắc, xem xét, thậm chí là đề xuất phương án hoàn thiện dự thảo luật để trình cho Quốc hội xem xét và quyết định trong phiên họp tiếp theo.
Theo quy định tại Điều 22 Luật lập pháp năm 2000, sau khi các đoàn đại biểu đã xem xét, dự thảo luật sẽ được tiếp tục hoàn thiện bởi Ủy ban pháp luật dựa trên ý kiến thảo luận ở các đoàn đại biểu, và Ủy ban pháp luật phải trình bày phiên bản dự thảo luật dự kiến trình cho chủ tịch đoàn phiên họp toàn thể của Quốc hội để bỏ phiếu, và dự thảo ấy sẽ được thông qua nếu nhận được quá nửa số đại biểu quốc hội tán thành.
Luật do Quốc hội thông qua sẽ được công bố bởi một Lệnh của Chủ tịch nước (Điều 23).
4. Quy trình xây dựng các đạo luật của Ủy ban thường vụ quốc hội
Theo quy định tại Điều 24 Luật Lập pháp của Trung Quốc, Chủ tịch đoàn của Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể giới thiệu với Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo luật. Quốc vụ viện, Quân ủy trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các ủy ban chuyên trách của Quốc hội có thể giới thiệu dự thảo luật trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chủ tịch đoàn của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ quyết định đưa dự thảo luật vào chương trình nghị sự của phiên họp kế tiếp của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc có thể chuyển dự thảo luật ấy cho các ủy ban chuyên trách có liên quan của Quốc hội để xem xét trước khi chính thức trình ra phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nếu chủ tịch đoàn của Ủy ban thường vụ Quốc hội xét thấy có những vấn đề quan trọng liên quan tới dự luật cần phải được nghiên cứu thêm, chủ tịch đoàn có thể đề nghị người bảo trợ dự luật tiếp tục hoàn thiện dự luật trước khi chính thức trình ra Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 25 Luật lập pháp năm 2000, nhóm từ 10 thành viên trở lên của Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể đồng bảo trợ để trình dự thảo luật trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chủ tịch đoàn của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ quyết định chấp thuận đưa dự thảo luật đó trực tiếp vào chương trình nghị sự của Ủy ban thường vụ Quốc hội hay sẽ chuyển cho ủy ban chuyên trách của Quốc hội xem xét trước khi chính thức trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trường hợp Chủ tịch đoàn thấy không nên đưa dự thảo luật này vào chương trình nghị sự của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chủ tịch đoàn phải báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội và giải thích lý do cho người bảo trợ dự thảo luật. Trong quá trình xem xét dự thảo luật, ủy ban chuyên trách có thể mời người bảo trợ dự thảo luật đến để trình bày quan điểm.
Trường hợp dự thảo luật đã chính thức được đưa vào chương trình nghị sự của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trừ trường hợp đặc biệt, dự thảo luật phải được gửi trước cho các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội 7 ngày trước khi bắt đầu phiên họp.
Theo quy định tại Điều 27, một dự án luật đã được đưa vào chương trình nghị sự của Ủy ban thường vụ thì về nguyên tắc, dự án luật ấy phải trải qua 3 lần thảo luận, cân nhắc, xem xét bởi Ủy ban thường vụ trước khi tiến hành bỏ phiếu.
Tại lần thảo luận thứ nhất, người bảo trợ dự luật sẽ báo cáo với Ủy ban thường vụ (tại kỳ họp), sau đó việc thảo luận sẽ được tiến hành tại các phiên thảo luận ở tổ của Ủy ban thường vụ.
Tại lần thảo luận thứ hai, Ủy ban pháp luật Quốc hội sẽ báo cáo với phiên họp toàn thể Ủy ban thường vụ về tình trạng sửa đổi, bổ sung và những vấn đề lớn của Dự thảo luật, sau đó, dự thảo luật tiếp tục được thảo luận ở các phiên thảo luận ở tổ của Ủy ban thường vụ.
Tại lần thảo luận thứ ba, Ủy ban pháp luật Quốc hội sẽ báo cáo với phiên họp toàn thể Ủy ban thường vụ về kết quả thảo luận về dự thảo luật, sau đó, dự thảo luật tiếp tục được xem xét, thảo luận ở các phiên thảo luận ở tổ của Ủy ban thường vụ.
Trong quá trình xem xét, thảo luận về dự án luật, nếu cần thiết, Ủy ban thường vụ có thể tổ chức phiên họp các tổ đại biểu hoặc phiên họp toàn thể để bàn về những vấn đề chính yếu của dự án luật.
Theo quy định tại Điều 28, nếu như sau 2 lần thảo luận mà về cơ bản đã đạt được sự đồng thuận thì Ủy ban thường vụ có thể tiến hành việc bỏ phiếu về dự án luật. Đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung thì nếu sau một lần thảo luận đã đạt được sự đồng thuận, thì Ủy ban thường vụ có thể tiến hành bỏ phiếu về dự án luật.
Theo Điều 29, trong quá trình thảo luận ở tổ, người bảo trợ dự án luật có thể cử đại diện tới các phiên thảo luận ở tổ để bình luận và trả lời câu hỏi. Cũng trong quá trình thảo luận ở tổ, các tổ có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan cử người tham dự để cung cấp thông tin cần thiết cho các tổ.
Theo quy định tại Điều 30, dự án luật trong chương trình nghị sự của Ủy ban thường vụ sẽ được thảo luận, xem xét bởi một ủy ban đặc biệt có liên quan, và ủy ban này phải có báo cáo bình luận về dự án luật. Báo cáo này được in và phát cho các thành viên tham dự phiên họp của Ủy ban thường vụ. Trong quá trình thảo luận, xem xét bởi ủy ban như thế, ủy ban có quyền mời người của các ủy ban khác đến để tham gia ý kiến.
Theo quy định tại Điều 31, với các dự án luật được đưa vào chương trình nghị sự của Ủy ban thường vụ, Ủy ban pháp luật Quốc hội phải tiến hành tổng hợp ý kiến của các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, ý kiến của các ủy ban chuyên trách của Quốc hội và các chủ thể có liên quan khác, xây dựng báo cáo và hoàn thiện dự thảo luật. Báo cáo này cũng phải nêu rõ những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, đồng thời giải trình việc tiếp thu ý kiến mà các ủy ban chuyên trách của Quốc hội đã nêu ra. Khi Ủy ban pháp luật Quốc hội họp để xem xét dự thảo luật, các ủy ban chuyên trách của Quốc hội có thể được mời tham gia để bày tỏ quan điểm.
Trong quá trình xem xét dự thảo luật, Ủy ban chuyên trách của Quốc hội có thể tổ chức phiên họp toàn thể để xem xét dự thảo luật và khi cần thiết có thể mời đại diện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để cung cấp thông tin.
Trường hợp giữa các ủy ban chuyên trách của Quốc hội có quan điểm khác nhau về nội dung quan trọng của dự thảo luật, sự việc này phải được báo cáo cho chủ tịch đoàn của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trong quá trình xem xét dự thảo luật, Ủy ban chuyên trách của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội có thể tổ chức các hình thức lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan. Văn phòng Quốc hội có thể gửi dự thảo luật tới các cơ quan, tổ chức, chuyên gia để xin ý kiến bình luận và phải tổng hợp ý kiến này cho Ủy ban pháp luật Quốc hội, Ủy ban chuyên trách của Quốc hội và khi cần thiết báo cáo tại phiên họp toàn thể của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Đối với những dự thảo luật quan trọng đã được đưa vào chương trình nghị sự của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch đoàn của Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể quyết định đưa dự thảo ra lấy ý kiến công chúng. Ý kiến công chúng được gửi cho Văn phòng Quốc hội để tổng hợp.
Việc rút lại dự thảo luật: Theo quy định tại Điều 37 Luật Lập pháp năm 2000, nếu người bảo trợ dự thảo luật muốn rút lại dự thảo luật trước khi dự thảo luật được đưa ra bỏ phiếu tại Ủy ban thường vụ Quốc hội, người bảo trợ dự thảo luật phải có văn bản đề nghị Chủ tịch đoàn của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc này kèm theo lời giải thích. Nếu được chấp thuận, Chủ tịch đoàn Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo việc này với Ủy ban thường vụ Quốc hội và các công việc xem xét dự thảo luật sẽ được chấm dứt.
Đối với các dự thảo luật chưa bị rút lại, nếu sau 3 phiên xem xét của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo luật vẫn còn những vấn đề quan trọng cần phải nghiên cứu thêm, theo đề nghị của Chủ tịch đoàn Ủy ban thường vụ Quốc hội và được Ủy ban thường vụ Quốc hội chấp thuận, việc bỏ phiếu thông qua dự thảo luật có thể được đình hoãn để chuyển dự luật lại cho Ủy ban pháp luật Quốc hội và các ủy ban chuyên trách khác có liên quan để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Nếu dự luật bị đình hoãn trong 2 năm mà những vấn đề còn ý kiến khác nhau vẫn chưa được giải quyết, Chủ tịch đoàn Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội để chấm dứt việc xem xét dự thảo luật.
Đối với các dự thảo luật trải qua 3 lần thảo luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội mà không còn quá nhiều ý kiến khác nhau về những vấn đề cơ bản, Ủy ban pháp luật Quốc hội sẽ hoàn thiện dự thảo cuối của dự án luật. Dự thảo này sẽ được Chủ tịch đoàn của Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa ra bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Dự thảo này sẽ được coi là thông qua nếu đạt được quá nửa số ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua. Sau đó, theo quy định tại Điều 41 Luật lập pháp năm 2000, dự luật đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua sẽ được công bố bởi lệnh do chủ tịch nước ký.
5. Giải thích các đạo luật
Theo quy định tại Điều 42, thẩm quyền giải thích luật thuộc về Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ủy ban này sẽ giải thích luật trong những trường hợp sau:
(i) nghĩa cụ thể của một quy định trong đạo luật cần phải được làm rõ thêm;
(ii) khi có tình huống mới phát sinh sau khi đã ban hành luật nên cần làm rõ thêm cơ sở áp dụng đạo luật.
Theo quy định tại Điều 43, chủ thể có thẩm quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích luật gồm: Quốc vụ viện, Quân ủy trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các ủy ban chuyên trách của Quốc hội, các Ủy ban thường vụ của Hội đồng nhân dân các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương.
Văn phòng Quốc hội sẽ nghiên cứu và chuẩn bị bản dự thảo giải thích luật và theo quyết định của Chủ tịch đoàn của Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình nghị sự của kỳ họp kế tiếp của Ủy ban thường vụ (Điều 44). Sau khi Ủy ban thường vụ xem xét bản dự thảo đó, Ủy ban pháp luật Quốc hội sẽ hoàn thiện dựa trên ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban thường vụ để có bản dự thảo mới. Bản dự thảo mới này sẽ được trình cho Ủy ban thường vụ để Ủy ban này bỏ phiếu thông qua hoặc không thông qua (Điều 45). Nếu được nửa số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ công bố văn bản giải thích (Điều 46). Khi đó, văn bản giải thích luật này có giá trị pháp lý ngang với giá trị pháp lý của các đạo luật của quốc gia (Điều 47).
6. Các yêu cầu khi trình dự án luật
Theo quy định tại Điều 48, khi trình một dự án luật, người bảo trợ phải trình đồng thời bản dự thảo và bản giải thích kèm theo cùng các tài liệu có liên quan. Bản giải thích dự án luật phải nêu rõ sự cần thiết ban hành đạo luật và những nội dung chủ yếu của dự án luật. Theo quy định tại Điều 49 và 50 Luật lập pháp năm 2000, những dự luật đã được người bảo trợ trình nhưng chưa được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội thì người bảo trợ có quyền rút lại. Đối với dự luật đã được trình nhưng trong cuộc bỏ phiếu thông qua trước Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự luật không được thông qua, nhưng người bảo trợ dự luật vẫn thấy cần thiết phải được ban hành thì người bảo trợ có thể trình lại dự thảo luật. Trong trường hợp này, Chủ tịch đoàn của Quốc hội hoặc Chủ tịch đoàn của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ quyết định chấp thuận hay không chấp thuận việc đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Theo quy định tại Điều 54, một đạo luật có thể được kết cấu thành: Phần (Parts), Chương (Chapters), Mục (Sections), Điều (Articles), Khoản (Paragraphs), Điểm (Items) và Tiểu điểm (Sub-items).
TS. Nguyễn Văn Cương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp