I. Đặt vấn đề
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước dân chủ, nhà nước "của dân, do dân, vì dân" các quyền con người được Hiến pháp ghi nhận và đảm bảo thực hiện: "Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật"[1]. Để đảm bảo quyền con người, nhà nước thực hiện thông qua nhiều thiết chế khác nhau, trong đó các tổ chức xã hội đóng một vai trò không nhỏ trong việc thực hiện quyền con người. Tổ chức Luật sư là một tổ chức xã hội nghề nghiệp được thành lập để hổ trợ nhà nước trong lĩnh vực hoạt động tư pháp. Với ví trí, vai trò của mình Tổ chức luật sư mà cụ thể là các Luật sư đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
II. Vai trò của luật sư trong việc bảo vệ quyền con người
Theo qui định của Luật luật sư 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012), chức năng xã hội của luật sư là: "Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.[2]
Với chức năng nay, thông qua hoạt động của mình các luật sư đã bảo vệ quyền con người dưới những hình thức cụ thể như sau:
1. Bảo vệ quyền con người qua hoạt động tư vấn pháp luật
Do trình độ dân trí của nước ta còn thấp, một bộ phận người dân chưa am hiểu pháp luật, do đó khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế, lao động... họ không biết được quyền và nghĩa vụ của mình được pháp luật qui định như thế nào nên không thể bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình; do đó luật sư lúc này là chổ dựa tốt nhất của người dân.
Theo số liệu thống kê của Chiến lược Phát triển nghề luật sư đến năm 2020, "trong 6 năm (2005 - 2010), riêng lĩnh vực tư vấn pháp luật, đội ngũ luật sư đã tham gia hơn 145.000 vụ việc tư vấn pháp luật, 50.000 vụ việc về dịch vụ pháp lý khác"[3].
Ngoài lĩnh vực truyền thống như hình sự, dân sự, lao động, hôn nhân gia đình các luật sư đã mở rộng và phát triển tư vấn trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại quốc tế. Nhiều luật sư đã trưởng thành nhanh chóng, tham gia tư vấn những hợp đồng thương mại, dự án đầu tư lớn đạt kết quả tốt, được khách hàng trong nước và nước ngoài hài lòng và tin tưởng, tạo được sự tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và quốc tế. Một số tổ chức hành nghề luật sư bước đầu đã xây dựng được thương hiệu của mình trên thị trường trong nước và khu vực, trở thành “đối tác” cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.
Ngay trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại vai trò luật sư trong việc giúp đỡ người dân trong việc bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình cũng hết sức cần thiết. Do trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức ở nước ta còn thấp nên không ít các quyết định hành chính, hành vi hành chính được ban hành, thực hiện trái Hiến pháp, trái luật xâm phạm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân. Đặc biệt là trong cac lĩnh vực như quản lý đất đai (thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư vv...), trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính (xử phạt hành chính, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính, buộc thá dỡ công trình xây dựng trái phép vv...) điều này làm phát sinh các tranh chấp hành chính dẫn đến việc khiếu nại, khiếu kiện của người dân. Theo Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên, của Cục trưởng, Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II), Thanh tra Chính phủ, năm 2012, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung - Tây Nguyên có những diễn biến phức tạp, khiếu kiện có chiều hướng gia tăng. Tình hình khiếu kiện đông người xảy ra ở 11/18 địa phương, số lượng đơn thư, vụ việc phát sinh còn nhiều; các địa phương đã tập trung giải quyết được 12.871/14.387 đơn thư thuộc thẩm quyền, đạt 89,46%.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, các địa phương trong khu vực Miền Trung Tây Nguyên đã tiếp 32.554 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo với 18.019 vụ việc; tiếp nhận và xử lý 21.354 đơn thư KNTC. Trong đó, có 8,043 đơn thuộc thẩm quyền[4]. Do đây là tranh chấp giữa một bên là cơ quan công quyền và một bên là công dân, tổ chức nên người dân thường yếu thế nếu họ không nắm vững pháp luật, vì vậy họ phải tìm đến luật sư. Luật Khiếu nại 2011 qui định người khiếu nại có quyền " Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình".[5]
2. Bảo vệ quyền con người qua hoạt động tố tụng
Trong lĩnh vực tố tụng đặc biệt là tố tụng hình sự, vai trò của luật sư trong việc bảo vệ quyền con người càng được thể hiện rõ nét hơn. Sự tham gia của luật sư trong tố tụng không chỉ giúp bị can, bị cáo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mà còn góp phần trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp việc điều tra, truy tố và xét xử được nhanh chóng, chính xác, tránh làm oan người vô tội, để lọt tội phạm.
Trong hoạt động tham gia tố tụng, "theo số liệu thống kê trong 6 năm (2005 - 2010), đội ngũ luật sư đã tham gia hơn 85.000 vụ án hình sự, 53.000 vụ việc về dân sự, 3.500 vụ việc về kinh tế, 1.500 vụ việc về lao động, 2.800 vụ việc về hành chính, tăng cường bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên toà, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp.
Trong những năm qua tỷ lệ luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự đã có bước chuyển nhất định, "giai đoạn 2009-2013 đội ngũ luật sư đã tham gia hơn 51.100 vụ án hình sự, hơn 39.600 vụ án dân sự, hơn 5000 vụ án kinh tế"[6]... qua đó bảo vệ quyền lợi ích của công dân, bảo vệ công lý, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
III. Thực trạng hoạt động của Luật sư
Mặc dù có những đóng góp tích cực cho hoạt động tư pháp, đã bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của công dân, tổ chức thông qua hoạt động của mình. Tuy nhiên, các Tổ chức luật sư nói chung và các luật sư nói riêng vẫn chưa đáp ứng dược vai trò xã hội mà Luật luật sư đã nêu. Những hạn chế đó là do những nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, số lượng luật sư còn ít so với dân số, và phát triển, phân bố không đồng đều
Theo Chiến lược Phát triển nghề luật sư đến năm 2020, hiện nay, trong cả nước đã thành lập 62 Đoàn luật sư/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 6.250 luật sư và hơn 3000 người tập sự hành nghề luật sư, hoạt động trong gần 2.750 tổ chức hành nghề luật sư, trong đó, có khoảng 10 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu về kinh doanh, thương mại đầu tư có yếu tố nước ngoài.
Như vậy, tỷ lệ luật sư nước ta mới ở mức trung bình là 1 luật sư/14.000 người dân, trong khi đó tỷ lệ này ở Thái Lan là 1/1.526, Singapore là 1/1.000, Nhật Bản là 1/4.546, Pháp là 1/1.000, Mỹ là 1/250. Số lượng luật sư ở nước ta chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, đặc biệt là thành phố Hà Nội (1.630 luật sư) và thành phố Hồ Chí Minh (2.880 luật sư). Các địa phương khác số lượng Luật sư chỉ từ 3- 5 người.[7]
Chính điều này dẫn đến việc người dân khó tiếp cận với các dịch vụ pháp lý khi có nhu cầu hoặc phải trả giá quá cao cho các dịch vụ này. Trong nhiều vụ việc người dân không thể nhờ luật sư cho nên quyền và lợi ích hợp pháp của họ không được đảm bảo.
Thứ hai, chất lượng của đội ngũ luật sư còn nhiều hạn chế nên chưa bảo vệ tốt các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bị can, bị cáo.
Trong hoạt động tư vấn pháp luật, chủ yếu các luật sự tư vấn về dân sự, đất đai, hôn nhân &gia đình, còn "số lượng luật sư chuyên sâu trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại (sở hữu trí tuệ, tài chính ngân hàng, hàng không, hàng hải, bảo hiểm, thương mại quốc tế…) rất ít, chiếm tỷ lệ 1,2%, trong đó, chỉ khoảng 20 luật sư có trình độ ngang tầm với luật sư trong khu vực".[8] Sự hạn chế này do các nguyên nhân như các luật sư chưa nắm vững pháp luật quốc tế, trình độ ngoại ngữ hạn chế, kinh nghiêm trong các lĩnh vực này chưa nhiều.
Trong lĩnh vực tố tụng, một số luật sư còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề, khi ra tòa luật sự chỉ nêu các qui định của pháp luật, ít tranh tụng, khi lập luận không có cơ sở lý luận vững chắc khó thuyết phục được người nghe. Trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động luật sự lúng túng trong việc áp dụng pháp luật, trong các vụ án hình sự, khả năng tranh tụng của nhiều luật sư còn nhiều hạn chế, nhiều luật sư chỉ nêu được các tình tiết giảm nhẹ và xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Thứ ba, vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội và trong việc tham gia tố tụng với nước ngoài còn hạn chế.
Đây là vấn đề cần phải khắc phục để đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trước hết các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải nhận thức rằng luật sư tham gia tố tụng không chỉ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của “thân chủ” mà còn tham gia vào việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trong thực tế do quan niệm không đúng về vai trò của luật sư nên đôi khi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng vẫn còn có nhưng hành vi gây khó khăn, cản trở luật sư khi tham gia tố tụng. Trong hoạt động xét xử, kiểm sát viên, hội đồng xét xử phải tôn trọng ý kiến của luật sư, kiếm sát viết phải đối đáp, tranh luận những ý kiến của luật sư đưa ra, trong bản án toà án phải ghi nhận ý kiến luật sư và cần phải nêu rõ chấp nhận hay không chấp nhận ý kiến luật sư.
Nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của luật sư trong việc tư vấn, giúp đỡ về mặt pháp lý chưa toàn diện, sâu sắc; nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư còn ít. Thực tiễn thời gian qua đã cho thấy, do chưa nhận thức đúng đắn về vai trò hỗ trợ pháp lý của luật sư nên các doanh nghiệp đã gặp nhiều bất lợi, thiệt hại trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là khi tham gia các giao dịch thương mại quốc tế. Nhiều doanh nghiệp chỉ tìm đến luật sư khi xãy ra tranh chấp, còn khi đàm phán, giao kết hợp đồng không mời luật sư vì sợ chi phí tốn kém, do đó luật sư cũng chỉ bảo vệ được những lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong một chừng mực nhất định.
IV. Giải pháp nâng cao vai trò của luật sư trong việc bảo vệ quyền con người.
1. Hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư:
Mặc dù Luật luật sư được sửa đổi bổ sung năm 2012 có nhiều điểm mới so với Luật luật sư năm 2006, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định và điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của luật sư.
- Thứ nhất, vấn đề bồi dưỡng nghiệp vụ cho luật sư chưa được luật qui định là hoạt động bắt buộc cho nên nhiều luật sư không cập nhật được kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề. Trong khi đó xã hội luôn vận động phát triển, nhiều quan hệ mới xuất hiện và pháp luật cũng luôn thay đổi để đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội. Do đó cần phải xem việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho luật sư là một qui định mang tính bắt buộc và phải xác định rỏ nội dung, phương pháp, thời gian cơ quan thực hiện.
- Thứ hai, về tham gia tố tụng của luật sư: theo khoản 2 điều 27 Luật luật sư :"Khi tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự, luật sư xuất trình Thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của khách hàng. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ khi luật sư xuất trình thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của khách hàng, cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng của luật sư, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do". Theo chúng tôi qui định này vừa hạn chế luật sư tham gia tố tụng vừa hạ thấp vị trí vai trò của luật sư: "Thực tiễn áp dụng Luật luật sư trong 05 năm vừa qua thấy rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng điển hình là cơ quan điều tra thường xuyên vi phạm việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư. Không bao giờ đúng thời hạn cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư là 03 ngày (theo quy định Khoản 3 Điều 27) chưa nói tới một số cá nhân các cơ quan tiến hành tố tụng còn đòi hỏi luật sư xuất trình thêm các giấy tờ ngoài quy định của Luật luật sư đó là xuất trình thêm chứng chỉ hành nghề luật sư, hợp đồng dịch vụ pháp lý của luật sư với khách hàng"[9]. Sự chậm trể trong việc cấp giấy chứng nhận "người bào chữa" trong tố tụng hình sự, "người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự" trong tố tụng dân sự, hành chính đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, các đương sự.
Qui định này cũng làm cho luật sư luôn ở vị trí thấp hơn những người tiến hành tố tụng, đồng thời đưa luật sư vào thế bị động vì chỉ khi được cấp giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự mới được tham gia tố tụng. Theo chúng tôi cần phải sửa đổi qui định này một cách đơn giản và thuận tiện đó là luật sư có thể tham gia tố tụng khi có yêu cầu của bị can, bị cáo của đương sự và chỉ cần xuất trình thẻ luật sư.
2. Tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư
Như trên đã trình bày tỷ lệ luật sư ở nước ta trên tổng dân số chỉ bằng 1/10 so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới do đó dẫn đến người dân khó tiếp cận các dịch vụ pháp lý, vì vậy cần phải nhanh chóng tăng số lượng luật sư bằng cách mở rộng các cơ sở đào tạo cử nhân luật, tăng cường năng lực đào tạo nghề luật sư của Học viện Tư pháp. Đồng thời cũng phải nâng cao chất lượng luật sư, bằng cách xây dựng chương trình đào tạo nghề tiên tiến như định hướng của Chiến lược Phát triển nghề luật sư đến năm 2020: "Nâng cao năng lực đào tạo cử nhân luật, chất lượng đào tạo nghề luật sư, chất lượng tập sự hành nghề luật sư theo Chương trình chuẩn quốc gia về đào tạo nghề luật sư theo hướng tiếp cận chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới, kết hợp triển khai xây dựng các cơ sở đào tạo Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm lớn về đào tạo pháp luật, Học viện Tư pháp trở thành Trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp; thành lập cơ sở đào tạo liên kết và tổ chức đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế; lựa chọn luật sư đi đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài và khuyến khích việc luật sư tự đào tạo để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế".
V. Kết luận
Để phát huy vai trò của đội ngũ luật sư trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Trong giai đoạn hiện nay nhà nước cần hoàn thiện các qui định của pháp luật về vị trí vai trò, quyền nghĩa vụ và trách nhiệm của luật sư. Bên cạnh đó cũng cần phải từng bước nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng, tăng cường số lượng, chất lượng của luật sư để từng bước nâng tầm luật sư nước ta ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đối với các luật sư phải năng cao ý thức trách nhiệm trong hành nghề, phải tạo được niềm tin và là chổ dựa của người dân nhân dân khi họ cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
TS. Nguyễn Duy Phương - Khoa Luật, Đại học Huế
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo Tổng kết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, Thanh tra Chính phủ.
2. Báo cáo của Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam.
3. Chiến lược Phát triển nghề luật sư đến năm 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ).
4. Luật luật sư;
5. Luật Khiếu nại.
[1] Điều 50, Hiến pháp 1992
[3] Chiến lược Phát triển nghề luật sư đến năm 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)
[4] Báo cáo Tổng kết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, Thanh tra Chính phủ.
[5] điểm b khoản 1 Điều 12, Luật khiếu nại 20011.
[6] Báo cáo của Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam
[7] Chiến lược Phát triển nghề luật sư đến năm 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)
[8] Chiến lược Phát triển nghề luật sư đến năm 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)
[9] Bài tham luận tại Hội thảo tổng kết 05 thi hành Luật luật sư do Bộ Tư pháp chủ trì: Một số vướng mắc trong việc thực hiện Luật luật sư và kiến nghị sửa đổi, bổ sung - Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.