Vài nét về quy trình xây dựng luật ở Pháp

04/10/2013

1. Sơ lược về Quốc hội và Chính phủ Pháp

Pháp là quốc gia theo chế độ cộng hòa lưỡng tính (semi-presidential system). Theo Hiến pháp năm 1958 của Pháp, cả Tổng thống và Quốc hội (Nghị viện) đều do dân chúng bầu trực tiếp. Tuy nhiên, khác với mô hình tổng thống của Hoa Kỳ, Tổng thống Pháp tuy là người đứng đầu hành pháp, nhưng lại phải lập Nội các (Hội đồng bộ trưởng) do Thủ tướng điều hành.[1] Thủ tướng là người được Tổng thống bổ nhiệm. Tổng thống có quyền chủ trì các phiên họp của Hội đồng bộ trưởng (Nội các).[2] Tổng thống được bầu với nhiệm kỳ 5 năm theo nguyên tắc phổ thông, trực tiếp. Không ai có thể nắm giữ chức vụ tổng thống quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.[3] Quốc hội Pháp là quốc hội lưỡng viện,[4] trong đó hạ viện (gồm 577 đại biểu) và thượng viện (hiện có 343 đại biểu). Hạ viện (National Assembly) có nhiệm kỳ 5 năm, tuy nhiên, Tổng thống có thể giải tán Hạ viện trước hạn.[5] Hiến pháp của Pháp quy định rõ vai trò của Chính phủ là “xây dựng và thực hiện chính sách quốc gia” (Điều 20), trong khi đó vai trò của Quốc hội là “thông qua luật, giám sát hoạt động của Chính phủ và quyết định các chính sách công” (Điều 24). Quốc hội Pháp họp thường kỳ từ ngày làm việc đầu tiên của tháng Mười và kết thúc vào ngày làm việc cuối cùng của tháng Sáu năm tiếp theo (Điều 28).

Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ được đề cử bởi đa số trong Quốc hội và được tổng thống bổ nhiệm. Nội các phải chịu trách nhiệm trước Hạ viện và Hạ viện có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm yêu cầu nội các từ chức. Vì vậy, trên thực tế, Nội các thường gồm các thành viên thuộc phe đa số ở Hạ viện. Các bộ trưởng của Chính phủ có nghĩa vụ trả lời các câu hỏi chất vấn của thành viên Quốc hội. Hơn thế nữa, các bộ trưởng phải tham dự các phiên họp của Quốc hội khi Quốc hội thảo luận về các dự án luật liên quan đến lĩnh vực họ phụ trách. Thủ tướng Chính phủ có quyền ban hành các văn bản pháp quy trong điều kiện không vi phạm các lĩnh vực thuộc thẩm quyền lập pháp của Quốc hội đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp. Nội các Chính phủ Cộng hòa Pháp tổ chức các phiên họp thường lệ mỗi tuần một lần (thường là vào buổi sáng ngày thứ Tư), do Tổng thống chủ trì tại Điện Elysée.[6]

2. Vai trò của Chính phủ trong việc kiểm soát chương trình nghị sự của Quốc hội

Cho tới năm 2008, theo quy định tại Điều 48 của Hiến pháp Pháp, Chính phủ có quyền kiểm soát toàn bộ chương trình nghị sự về xây dựng luật của Quốc hội. Theo tinh thần đó, Chính phủ được quyền xác định thứ tự ưu tiên của các dự thảo luật đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Các dự thảo luật do cá nhân nghị sỹ trình thường không được Chính phủ xếp ưu tiên. Cụ thể, trước năm 2008, Điều 48 của Hiến pháp Pháp quy định “các nội dung trong chương trình nghị sự của hai Viện thuộc Quốc hội được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên do Chính phủ xác định, bao gồm việc thảo luận về các dự án luật do Chính phủ trình và các dự luật của thành viên Quốc hội đưa vào và được Chính phủ chấp nhận. Mỗi tuần ít nhất phải ưu tiên giành một buổi họp để các Nghị sỹ chất vấn và thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. Mỗi tháng phải ưu tiên giành một buổi họp để xem xét các vấn đề theo chương trình nghị sự do mỗi Viện xác định.[7]

Tuy nhiên, trong lần sửa đổi Hiến pháp năm 2008, quyền năng này của Chính phủ đã bị giảm xuống. Theo quy định của Hiến pháp hiện hành (Điều 48), “Mỗi Viện tự mình quyết định chương trình nghị sự … Trong vòng 4 tuần phải có 2 tuần trong đó ưu tiên trong chương trình làm việc được dành cho Chính phủ để xem xét các dự thảo và thảo luận các vấn đề do Chính phủ đệ trình. Ngoài ra, việc xem xét các dự án luật về tài chính, các dự án luật về nguồn tài chính đối với các quỹ an sinh xã hội… sẽ được ưu tiên đưa vào chương trình làm việc khi có yêu cầu của Chính phủ…Trong vòng 4 tuần làm việc lại có một tuần trong đó ưu tiên sẽ được dành cho việc xem xét hoạt động của Chính phủ và đánh giá các chính sách công theo trình tự do mỗi Viện xác định. Trong vòng mỗi tháng lại có một ngày làm việc trong chương trình nghị sự do mỗi Viện xác định được dành cho việc xem xét các đề xuất của nhóm đối lập hoặc các nhóm nghị sỹ thiểu số trong Viện tương ứng. Ít nhất mỗi tuần…có một phiên họp được dành cho việc hỏi đáp giữa các nghị sỹ và thành viên Chính phủ.”[8]

3. Tham chính viện (Conseil d’ Etat)

Tham chính viện (Hội đồng nhà nước) ở Pháp (Conseil d’Etat) được coi là Tòa hành chính tối cao của Pháp. Bên cạnh vai trò của tòa hành chính tối cao, cơ quan này còn đóng vai trò là cơ quan tư vấn của Chính phủ Pháp trong việc thẩm định các dự thảo luật do Chính phủ dự kiến trình Quốc hội. Do vậy, về nguyên tắc, mọi dự án luật của Chính phủ trước khi trình cho Quốc hội đều phải được Tham chính viện thẩm định.[9]

Về nguyên tắc, ý kiến thẩm định của Tham chính viện không có giá trị ràng buộc đối với Chính phủ, tuy nhiên, trên thực tế, Chính phủ rất coi trọng ý kiến này của Tham chính viện.

Tham chính viện xem xét, thẩm định dự án luật để tìm ra những điểm còn chưa hoàn thiện (những điểm còn khuyết thiếu) của nó chủ yếu từ các khía cạnh như: (1) tính hợp hiến; (2) sự phù hợp của dự thảo luật với các điều ước quốc tế có giá trị ràng buộc đối với Pháp; (3) sự phù hợp của dự thảo luật đối với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Pháp; (4) sự đồng bộ của dự thảo luật với các đạo luật khác trong hệ thống văn bản pháp luật; (5) kỹ thuật lập pháp (cấu trúc của văn bản, cách sử dụng ngôn từ, thuật ngữ pháp lý và thuật ngữ chuyên môn, tính thống nhất của văn bản v.v.).

Như vậy, công tác thẩm định của Tham chính viện đóng vai trò như một bộ lọc đối với các dự thảo luật kém chất lượng. Bằng cách này, Tham chính viện đóng vai trò như người cảnh báo trước cho Chính phủ về những chỉ trích, những phản đối mà Chính phủ có thể gặp phải khi trình dự án luật trước Quốc hội.[10]   

4. Thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật

Ở Pháp, quan niệm về sự tách biệt giữa quyền lập pháp và quyền lập quy được thể hiện khá rõ trong Hiến pháp. Theo tinh thần này, quyền lập quy không được xem là quyền phái sinh từ quyền lập pháp mà được xem là loại quyền năng riêng của Chính phủ trong việc đặt ra các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các vấn đề, các nội dung nằm ngoài phạm vi ban hành luật của Quốc hội (nằm ngoài quyền lập pháp). Trong bối cảnh ấy, lập pháp theo ủy quyền và việc thực hiện quyền lập quy không được xem là đồng nhất với nhau.

Hiến pháp của Pháp quy định rõ các nội dung thuộc thẩm quyền ban hành Luật của Quốc hội. Cụ thể, theo quy định tại Điều 34 Hiến pháp năm 1958, luật của Quốc hội được ban hành để quy định các nhóm vấn đề cơ bản sau đây:[11]

- Các quyền dân sự, các bảo đảm cho công dân thực hiện các quyền tự do công cộng của mình; sự tự do, sự đa dạng và độc lập trong truyền thông; nghĩa vụ về người và tài sản của công dân phục vụ nhiệm vụ quốc phòng;

- Quốc tịch, nhân thân, năng lực pháp luật, năng lực hành vi, chế độ sở hữu tài sản trong hôn nhân, thừa kế, định đoạt tài sản;

- Quy định các tội phạm hình sự và hình phạt kèm theo; thủ tục tố tụng hình sự; đại xá; thành lập các ngạch tòa án mới; quy chế thẩm phán;

- Các nguồn thu thuế, thuế suất và phương thức thu thuế các loại; chế độ phát hành tiền tệ.

- Các vấn đề liên quan đến:

+ Chế độ bầu cử Quốc hội, các Hội đồng dân cử địa phương, cơ quan đại diện của người Pháp ở các lãnh thổ hải ngoại, các điều kiện ủy quyền bầu cử, các chức danh bầu cử của các thành viên hội đồng của các đơn vị hành chính lãnh thổ;

+ Thành lập các loại đơn vị sự nghiệp công;

+ Các bảo đảm cơ bản cho công chức dân sự và quân sự của nhà nước;

+ Quốc hữu hóa các doanh nghiệp; chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân;

- Các nguyên tắc cơ bản về:

+ Tổ chức nền quốc phòng nói chung;

+ Quyền tự chủ trong quản lý của các chính quyền địa phương, thẩm quyền và các nguồn thu của chính quyền địa phương;

+ Giáo dục;

+ Bảo vệ môi sinh;

+ Chế độ sở hữu; quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực dân sự và thương mại;

+ Quyền lao động, quyền về nghiệp đoàn và bảo đảm xã hội.

- Các đạo luật về tài chính quy định các nguồn thu và các khoản chi tiêu của nhà nước theo các điều kiện và thể thức quy định trong một đạo luật về tổ chức;

- Các đạo luật về tạo nguồn vốn cho Quỹ bảo hiểm xã hội quy định các điều kiện chung về cân đối tài chính của Quỹ, xác định các mục đích chi tiêu của Quỹ trên cơ sở dự toán nguồn thu theo các điều kiện và thể thức quy định trong một đạo luật về tổ chức;

- Các đạo luật về chương trình hoạt động quy định các mục tiêu trong hoạt động kinh tế, xã hội của Nhà nước;

- Định hướng dài hạn về tài chính công được xác định bởi các luật về chương trình kinh tế-xã hội trên cơ sở thống kê, cân đối đăng ký của các cơ quan hành chính công quyền;

- Các quy định tại điều này sẽ được cụ thể hóa và bổ sung bằng một đạo luật về tổ chức.

Theo quy định tại Điều 37 Hiến pháp năm 1958 của Pháp, “các vấn đề khác không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản dưới luật”. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 38 Hiến pháp năm 1958 của Pháp, “để thực hiện chương trình hoạt động của mình, Chính phủ có thể yêu cầu Quốc hội cho phép ban hành Pháp lệnh quy định việc áp dụng trong một thời gian nhất định các biện pháp thông thường thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Các Pháp lệnh này được ban hành sau khi đã đưa ra thảo luận tại Hội đồng bộ trưởng và sau khi có ý kiến của Tòa hành chính tối cao (Tham chính viện). Pháp lệnh có hiệu lực ngay khi công bố và đương nhiên hết hiệu lực nếu dự luật phê chuẩn Pháp lệnh đó không được trình lên Quốc hội trong thời hạn mà đạo luật cho phép ban hành Pháp lệnh ấn định. Hết thời hạn tại khoản 1 Điều này, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Pháp lệnh về các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của luật chỉ có thể được thực hiện bằng một văn bản luật.”

5. Quy trình lập pháp

Mọi dự thảo luật (dù do Chính phủ trình hay do nghị sỹ trình) nếu muốn trở thành luật thì đều phải được sự chấp thuận của cả hai viện là Hạ viện và Thượng viện. Giống như vai trò của Tổng thống trong chính thể tổng thống (presidential system), Tổng thống Pháp cũng có quyền phủ quyết đối với các đạo luật đã được Quốc hội thông qua.[12]

Theo quy định tại Điều 39 Hiến pháp của Pháp, cả Thủ tướng và các nghị sỹ đều có quyền đưa ra sáng kiến ban hành luật. Riêng với loại dự án luật do Thủ tướng trình, theo Điều 39 Hiến pháp của Pháp, các dự luật này sẽ được thảo luận tại Hội đồng bộ trưởng. Tuy nhiên, trước khi được đưa ra thảo luận tại Hội đồng bộ trưởng, dự án luật này phải có ý kiến của Tham chính viện (Tòa hành chính tối cao). Sau đó, dự luật sẽ được trình lên Thường vụ Hạ viện hoặc Thường vụ Thượng viện. Tuy nhiên, đối với một số loại dự luật nhất định, Hiến pháp quy định rõ dự luật nào phải được trình Hạ viện trước hoặc Thượng viện trước. Chẳng hạn, với các dự luật về tài chính và luật về nguồn tài chính cho bảo hiểm xã hội thì Hạ viện sẽ là cơ quan mà dự án luật loại này phải trình đầu tiên. Đối với dự luật về đơn vị hành chính lãnh thổ thì Thượng viện sẽ là nơi mà dự án luật được trình trước tiên. Đối với các loại dự án luật khác, chủ thể trình dự án luật có thể chọn Hạ viện hoặc Thượng viện là nơi trình dự án luật đầu tiên.

Dự thảo luật do Chính phủ trình được gọi là “dự án luật” (a project de loi), còn dự thảo luật do nghị sỹ trình được gọi là “kiến nghị luật” (a proposition de loi). Việc trình dự thảo luật có thể bắt đầu từ một trong hai viện. Mỗi dự án đều phải trải qua 2 lần đọc (two readings) trước mỗi Viện trước khi bỏ phiếu thông qua hoặc không thông qua dự thảo luật.

Kể từ năm 2009, mọi dự án luật do Chính phủ trình đều phải kèm theo báo cáo đánh giá tác động của dự luật từ các khía cạnh như: sự tương thích của dự án luật với Luật của cộng đồng châu Âu, các hệ quả kinh tế, xã hội, tài chính và môi trường của dự án luật.[13] Báo cáo đánh giá tác động phải lý giải rõ những nội dung chủ yếu sau đây:[14]

- Vấn đề mà dự án luật định giải quyết là gì (với các thông tin cụ thể như: định danh vấn đề và quy mô của vấn đề; số lượng người bị ảnh hưởng bởi vấn đề; nguyên nhân của vấn đề; những chủ thể đề nghị phải giải quyết vấn đề; bối cảnh chính trị và thể chế của vấn đề);

- Lý do vì sao nhà nước phải can thiệp (hoặc có biện pháp) để giải quyết vấn đề (trong đó xác định rõ điều gì bất lợi sẽ xảy ra nếu vấn đề không được giải quyết; vì sao cơ quan công quyền phải ra tay để giải quyết vấn đề; các yếu tố chính quyết định sự thành hay bại trong giải quyết vấn đề);

- Mục tiêu giải quyết vấn đề và các công cụ chính sách có thể sử dụng để giải quyết vấn đề;

- Các phương án chính sách có thể giải quyết được vấn đề đặt ra và lý giải vì sao phương án chọn lựa trong dự án luật là tối ưu;

- Các tác động dự kiến khi triển khai phương án được chọn trong dự án luật: Các tác động này gồm tác động về kinh tế (như sự tác động của đạo luật đến các yếu tố như: sự vận hành của thị trường, mức độ cạnh tranh trên thị trường, doanh nghiệp, cá nhân, sự đổi mới và sáng tạo, sức cạnh tranh của nền kinh tế và môi trường kinh tế vĩ mô); các tác động về xã hội (tác động lên thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp, sự đoàn kết xã hội, quyền tự do cá nhân, tính công khai, minh bạch, sự tham gia của công chúng, sức khỏe công cộng); các tác động về môi trường (tác động lên khí hậu, giao thông, năng lượng, chất lượng không khí, đa dạng sinh học, chất lượng nước, đất, không khí, việc sử dụng đất, các nguồn tài nguyên tái tạo và không tái tạo, xử lý chất thải, rủi ro môi trường, môi trường quốc tế); tác động pháp lý (tính ổn định của pháp luật, mức độ tiếp cận và sự dễ hiểu của pháp luật, cam kết quốc tế, tình trạng kiện tụng); tác động lên quản trị công (công chức, đào tạo, bồi dưỡng, giám sát công chức, thủ tục hành chính); tác động lên hệ thống tư pháp (mức độ kiện tụng, số lượng tù nhân do vi phạm v.v.); tác động lên ngân sách; hệ thống bộ máy triển khai dự án luật.

- Nhóm chủ thể có khả năng tán đồng và phản đối dự án luật;

- Các loại rủi ro liên quan tới việc thực thi đạo luật;

- Quá trình tham vấn các đối tượng có liên quan.

Trong thực tế, các dự án luật do Chính phủ trình đều phải trải qua một quy trình chuẩn bị khá phức tạp. Cụ thể, việc chuẩn bị dự án luật trong công đoạn Chính phủ gồm 4 bước cơ bản sau đây:[15]

Bước 1: Xác định nhu cầu xây dựng luật. Bộ quản lý ngành phát hiện nhu cầu xây dựng dự án luật và quyết định chuẩn bị đề xuất việc xây dựng dự án luật. Sau khi Bộ quản lý ngành quyết định sẽ đề xuất xây dựng dự án luật, Bộ quản lý ngành phải gửi đề xuất này cho Văn phòng Chính phủ để Văn phòng Chính phủ đưa vào kế hoạch hoạt động 6 tháng của Chính phủ.

Bước 2: Xây dựng dự thảo luật, tiến hành đánh giá tác động và tham vấn các đối tượng có liên quan: Khi được chấp thuận đưa vào kế hoạch hoạt động 6 tháng của Chính phủ, Bộ quản lý ngành phải xây dựng dự thảo luật và tiến hành hoạt động đánh giá tác động của dự án luật. Trong bước này, Bộ quản lý ngành thường phải lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan trong Chính phủ, có thể lấy ý kiến hội đồng tư vấn, các đối tượng chịu sự tác động và đặc biệt, Bộ quản lý ngành phải lấy ý kiến của Bộ Ngân sách về tính khả thi của dự án luật xét từ góc độ nguồn lực tài chính. Trong trường hợp cần thiết, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ có thể yêu cầu tổ chức các cuộc họp liên bộ để thảo luận, cho ý kiến vào dự án luật. Cũng trong bước này, nếu giữa các bộ, ngành có sự bất đồng về nội dung của dự án luật, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ sẽ đóng vai trò làm trọng tài để các bên đạt được sự đồng thuận cần thiết. Kết thúc bước này, Bộ quản lý ngành phải hoàn thiện dự thảo luật (cùng với báo cáo đánh giá tác động) để gửi cho Tham chính viện.

Bước 3: Lấy ý kiến thẩm định của Tham chính viện. Khi nhận được yêu cầu thẩm định từ phía Bộ quản lý ngành, Tham chính viện sẽ tiến hành thẩm định dự án luật trên các góc độ mà ở phần trên chúng tôi đã đề cập. Dựa trên kết quả thẩm định của Tham chính viện, Bộ quản lý ngành bảo trợ dự án luật phải tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Bước 4: Trình dự án luật trước Nội các (Chính phủ): Trên cơ sở dự án luật được Bộ quản lý ngành bảo trợ trình, Nội các sẽ cân nhắc, xem xét nội dung dự án luật và quyết định chấp thuận hay không chấp thuận nội dung của dự án luật. Nếu nội dung của dự án luật được chấp nhận, Chính phủ sẽ quyết định trình dự án luật ra trước Quốc hội (Hạ viện hoặc Thượng viện).

Theo quy định tại Điều 42 Hiến pháp của Pháp, việc thảo luận các dự án luật tại phiên họp toàn thể sẽ được tiến hành trên cơ sở dự thảo đã được Ủy ban của Quốc hội mà dự án luật được chuyển đến theo quy định tại Điều 43 thông qua. Tuy nhiên, các dự án luật về tài chính, dự án luật về nguồn tài chính của quỹ bảo hiểm xã hội tại phiên họp toàn thể phải được tiến hành trên cơ sở dự thảo do Chính phủ trình trong lần đọc đầu tiên tại Viện mà dự án đó được trình trước. Các phiên thảo luận toàn thể tại lần đọc thứ nhất đối với dự án luật ở một Viện chỉ có thể được tiến hành sau thời hạn 6 tuần kể từ thời điểm dự án đó được trình lên trong trường hợp Viện đó là Viện thứ nhất mà dự án luật đệ trình. Trong trường hợp là dự án luật được chuyển từ Viện khác sang, lần đọc thứ nhất tại Viện này chỉ được tiến hành sau thời hạn 4 tuần kể từ thời điểm dự luật được Viện kia chuyển sang. Tuy nhiên, quy định tại đoạn trên không áp dụng đối với trường hợp áp dụng quy trình rút gọn theo các điều kiện được quy định tại Điều 45 cũng như đối với các đạo luật về tài chính, các đạo luật về nguồn tài chính cho các quỹ bảo hiểm xã hội hoặc các đạo luật có liên quan tới tình trạng khẩn cấp.

 Về việc xem xét dự án luật tại các Ủy ban của Quốc hội, Điều 43 Hiến pháp của Pháp quy định, các dự án luật phải được chuyển cho một trong các ủy ban thường trực của Quốc hội để xem xét. Số lượng ủy ban thường trực ở mỗi Viện là không quá 8 ủy ban. Tuy nhiên, nếu Chính phủ có yêu cầu thì Quốc hội có thể lập ủy ban lâm thời để xem xét dự án luật.

Theo quy định tại Điều 44 Hiến pháp của Pháp, thành viên Quốc hội và Chính phủ có quyền đưa ra các sửa đổi, bổ sung đối với dự án luật được trình trước Quốc hội. Quyền này có thể được thực hiện tại phiên họp toàn thể hoặc tại ủy ban theo các quy định tại Nội quy của các Viện, phù hợp với khuôn khổ do một đạo luật về tổ chức quy định. Khi cuộc tranh luận bắt đầu, Chính phủ có quyền phản đối việc xem xét các sửa đổi, bổ sung mà trước đó chưa được chuyển đến xem xét tại Uỷ ban của Quốc hội có liên quan.

Nếu Chính phủ có yêu cầu, Hạ viện hoặc Thượng viện sẽ tiến hành một lần biểu quyết duy nhất về một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản đưa ra thảo luận trên cơ sở chỉ giữ lại những sửa đổi, bổ sung đã được Chính phủ đề xuất hoặc chấp nhận.

Theo quy định tại Điều 45 Hiến pháp của Pháp, dự án luật được lần lượt đưa ra xem xét, thảo luận tại 2 Viện của Quốc hội để thông qua một văn bản thống nhất. Tuy nhiên, đối với dự án luật do Chính phủ trình, nếu sau 2 lần đọc ở mỗi Viện mà quan điểm của hai Viện vẫn khác nhau về dự thảo luật thì Thủ tướng Chính phủ có thể đề nghị lập Ủy ban hỗn hợp chung của hai Viện (a commission mixte paritaire). Đây là một ủy ban đặc biệt với số lượng thành viên đến từ hai viện ngang bằng nhau. Chức năng chính của Ủy ban này là tìm kiếm phương án về dự án luật mà có thể chấp nhận được đối với cả hai viện. Tuy nhiên, phương án thỏa hiệp này đều phải được Chính phủ chấp thuận. Nếu như ngay cả cách lập Ủy ban này vẫn không đưa tới giải pháp mang tính chấp nhận được đối với cả hai Viện, thì sau khi văn bản đã được Hạ viện và Thượng viện xem xét, thảo luận một lần nữa, Chính phủ sẽ đề nghị Hạ viện có tiếng nói cuối cùng.

Theo quy định tại Điều 46 Hiến pháp của Pháp, việc biểu quyết thông qua và sửa đổi, bổ sung các đạo luật có tính chất là luật về tổ chức được thực hiện theo những quy định sau đây:

- Viện đầu tiên nhận được dự án luật chỉ được tiến hành thảo luận và biểu quyết sau khi hết thời hạn 6 tuần kể từ ngày dự án được trình lên. Trong trường hợp quy trình rút gọn được áp dụng thì Viện đầu tiên chỉ thảo luận sau khi hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày dự án luật được đệ trình.

- Trường hợp dự án luật không đạt được thỏa thuận như quy định tại Điều 45 của Hiến pháp, thì Hạ viện chỉ thực hiện việc thông qua lần cuối văn bản được đệ trình nếu đạt được đa số tổng số thành viên của Hạ viện nhất trí thông qua.

- Các đạo luật về tổ chức liên quan tới Thượng viện phải được cả hai Viện thống nhất thông qua.

- Các đạo luật về tổ chức chỉ được ban hành sau khi có tuyên bố của Hội đồng Hiến pháp về tính phù hợp với Hiến pháp của các đạo luật đó.

Theo quy định tại Điều 47 Hiến pháp của Pháp, Quốc hội biểu quyết về các dự án luật về tài chính theo các điều kiện quy định trong một đạo luật về tổ chức. Nếu Hạ viện không đưa ra ý kiến lần đầu trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày dự án luật được trình lên, thì Chính phủ có quyền đưa dự án ra trước Thượng viện xem xét và cho ý kiến trong thời hạn 15 ngày. Các bước tiếp theo tiến hành theo các điều kiện quy định tại Điều 45. Nếu Quốc hội không đưa ra ý kiến trong thời hạn 70 ngày, thì các quy định của dự án luật có thể được ban hành dưới hình thức Pháp lệnh. Nếu đạo luật về tài chính quy định các khoản thu chi trong năm tài chính không được trình trong thời hạn cần thiết để có thể được ban hành trước khi bắt đầu năm tài chính đó, thì trong thời hạn sớm nhất, Chính phủ phải yêu cầu Quốc hội cho phép thu các loại thuế và thực hiện các khoản chi (dưới hình thức ban hành Nghị định) có liên quan đến các hoạt động đã được biểu quyết thông qua.[16]

Theo quy định tại Điều 47-1 Hiến pháp hiện hành của Pháp, Quốc hội biểu quyết về các dự án luật về tạo vốn cho Quỹ bảo hiểm xã hội theo các điều kiện quy định tại một đạo luật về tổ chức. Nếu Hạ viện không có ý kiến lần đầu trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày trình dự án, thì Chính phủ có quyền trình dự án lên Thượng viện xem xét và cho ý kiến trong thời hạn 15 ngày. Các bước tiếp theo được tiến hành theo các điều kiện quy định tại Điều 45. Nếu Quốc hội không cho ý kiến trong thời hạn 50 ngày, các quy định tại dự án luật có thể được ban hành dưới hình thức Pháp lệnh.[17]

Trước khi dự luật chính thức trở thành đạo luật, Tổng thống phải công bố dự luật trong vòng 15 ngày. Theo quy định tại Điều 10 của Hiến pháp, trước khi công bố dự luật, Tổng thống có quyền đề nghị Quốc hội xem xét lại. Tổng thống cũng có quyền tự mình đề nghị Hội đồng Hiến pháp (Conseil Constitutionnel) xem xét tính hợp hiến của dự luật. Quyền đề nghị xem xét lại tính hợp hiến của Dự luật đã được Quốc hội thông qua này, theo quy định tại Điều 61 của Hiến pháp, cũng được trao cho Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện, và nhóm 60 nghị sỹ của một trong hai Viện.

6. Về ủy quyền lập pháp và quyền lập quy

Các văn bản lập quy ở Pháp gồm 2 dạng: văn bản lập quy theo ủy quyền của Quốc hội (lập pháp ủy quyền) và văn bản lập quy theo thẩm quyền độc lập của Tổng thống và Chính phủ theo quy định tại Điều 37 Hiến pháp Pháp.

Dù ban hành dưới bất cứ dạng gì, thì các văn bản lập quy này đều chịu sự tài phán của Tham chính viện (Conseil d’ Etat) (Tòa hành chính tối cao của Pháp). Các văn bản lập quy bị Tham chính viện này xác định là trái với Hiến pháp và Luật của Quốc hội sẽ bị coi là vô hiệu.[18]

TS. Nguyễn Văn Cương

Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp



[1] Điều 21 Hiến pháp năm 1958 của Pháp.

[2] Điều 8 và 9 Hiến pháp năm 1958 của Pháp.

[3] Điều 6 Hiến pháp năm 1958 của Pháp.

[4] Điều 21 Hiến pháp năm 1958 của Pháp.

[5] Điều 12 Hiến pháp năm 1958 của Pháp.

[6] Văn phòng Quốc hội, Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới (Hà Nội: NXB Thống kê, 2009) tr. 142-143.

[7] Văn phòng Quốc hội, Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới (Hà Nội: NXB Thống kê, 2009) tr. 165-166.

[8] Nguyễn Đăng Dung, et.al, (chủ biên), Tuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia (Hà Nội: NXB Hồng Đức, 2012) tr. 226.

[9] Eva Steiner, French Legal Method (Oxford: Oxford University Press, 2008) at 14.

[10] Eva Steiner, French Legal Method (Oxford: Oxford University Press, 2008) at 14.

[11] Nguyễn Đăng Dung, et.al, (chủ biên), Tuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia (Hà Nội: NXB Hồng Đức, 2012) tr. 217-218.

[12] Điều 10 của Hiến pháp năm 1958 của Pháp quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đạo luật được thông qua, Tổng thống có quyền yêu cầu Quốc hội thảo luận một lần nữa về toàn bộ hoặc một số điều, khoản của đạo luật và Quốc hội không được khước từ yêu cầu này.

[13] Điều 8 Luật tổ chức số 2009-403 ngày 15/4/2009 về việc áp dụng các quy định tại Điều 34-1, Điều 39 và Điều 44 của Hiến pháp.

[14] OECD, Better Regulation in Europe: France, 2010 at 207-214.

[15] OECD, Better Regulation in Europe: France, 2010 at 203.

[16] Nguyễn Đăng Dung, et.al, (chủ biên), Tuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia (Hà Nội: NXB Hồng Đức, 2012) tr. 224-225.

[17] Nguyễn Đăng Dung, et.al, (chủ biên), Tuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia (Hà Nội: NXB Hồng Đức, 2012) tr. 225.