Công tác bồi thường nhà nước: Nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ

17/08/2011
Là một chức năng, nhiệm vụ mới của Ngành Tư pháp, công tác quản lý Nhà nước về bồi thường Nhà nước (BTNN) đang trong quá trình hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức, nhưng “không vì thế mà chậm chễ trong việc bảo đảm quyền yêu cầu bồi thường của người dân” - Cục trưởng Cục BTNN (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định.

Tổ chức thực hiện phải có con người

Chức năng quản lý nhà nước về trách nhiệm BTNN của Bộ Tư pháp được bắt đầu thực hiện từ ngày Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật BTNN) có hiệu lực pháp luật (01/01/2010). Thực hiện chức năng này là theo dõi tình hình diễn biến của hoạt động BTNN, cũng như yêu cầu bồi thường của người dân, tổ chức, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho việc thực hiện yêu cầu của họ, cũng như hoạt động triển khai Luật Trách nhiệm BTNN.

Cùng với đó là những yêu cầu về biên chế, nhân sự. BTNN là “vấn đề khó khăn, phức tạp và chuyên sâu” nên không phải ai cũng làm được. Một trong những bất cập khi thực hiện Nghị quyết 388 cũng xuất phát chính từ công tác tổ chức, cán bộ bởi “tổ chức thực hiện phải có con người” đầy đủ khả năng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Với việc thành lập Cục BTNN (thuộc Bộ Tư pháp), người dân, tổ chức đã có “địa chỉ” để được hỗ trợ, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện quyền yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức nhà nước gây ra trong hoạt động tố tụng, quản lý hành chính và thi hành án.

Còn ở địa phương, chức năng này được tổ chức dưới hình thức bố trí bộ phận chuyên trách và “ghép” vào Phòng Hành chính tư pháp (Sở Tư pháp). Theo nhận định của Bộ Tư pháp, mỗi địa phương cần bổ sung ít nhất từ 02 cán bộ cho Sở Tư pháp để thực hiện chức năng quản lý NN về BTNN mới đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, căn cứ vào điều kiện, nhu cầu của từng địa phương để có số biên chế phù hợp.

Hiện Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đang nỗ lực để hoàn thiện thể chế (ban hành Thông tư liên tịch) cho việc kiện toàn tổ chức thực hiện chức năng quản lý BTNN tại các địa phương.

Yêu cầu kiện toàn tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý BTNN là cần thiết. Mặc dù tổ chức chưa được kiện toàn nhưng Cục BTNN vẫn phải chủ động thực hiện nhiệm vụ, chứ không lấy lý do “chưa đủ người” để không thực hiện qui định pháp luật về BTNN, không thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi bảo đảm quyền yêu cầu được NN bồi thường của người dân.

Áp lực từ chính yêu cầu công việc

BTNN tác động trực tiếp đến lợi ích Nhà nước, cơ quan Nhà nước, người dân, tổ chức và doanh nghiệp nên áp lực cho hoạt động giải quyết BTNN là không nhỏ. Ngoài ra, chính việc giải quyết BTNN theo pháp luật cũng là một thách thức, áp lực nên rất cần phát huy vai trò quản lý NN để tự thân yêu cầu công việc thúc đẩy cơ chế BTNN và tính hiệu quả của công tác này.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Cục BTNN (báo cáo từ khoảng 40 địa phương và 17 bộ, ngành), kể từ ngày Luật BTNN có hiệu lực, số đơn yêu cầu được bồi thường có chiều hướng gia tăng (cả những đơn yêu cầu được thụ lý theo NQ 388 sẽ chuyển tiếp để giải quyết theo Luật). Hiện có khoảng 400 đơn yêu cầu (chưa bao gồm đơn yêu cầu bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính gắn với việc giải quyết vụ án hành chính), trong đó các cơ quan có trách nhiệm đang xem xét, giải quyết 300 đơn.

Việc chưa ban hành đủ các Thông tư hướng dẫn thi hành không ảnh hưởng đến việc người dân thực hiện quyền yêu cầu BTNN vì Luật BTNN đã quy định cụ thể về quyền và thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước. Tuy nhiên, các Thông tư có mục đích nhằm hướng dẫn nghiệp vụ, thống nhất nhận thức và tạo điều kiện cho các cơ quan có trách nhiệm thực hiện Luật BTNN. Việc chưa ban hành đủ các Thông tư đã làm cho việc giải quyết yêu cầu bồi thường chưa kịp thời, kéo dài.

Giải pháp trong giai đoạn “quá độ” chờ Thông tư là nếu có vướng mắc thì sẽ giải quyết theo hướng cơ quan cấp trên (Cục BTNN) chỉ đạo, hướng dẫn. Có một lưu ý để người dân không mất quyền yêu cầu NN bồi thường là phải bảo đảm thời hiệu yêu cầu bồi thường.

BTNN là công việc phức tạp nên các cơ quan chức năng đang cố gắng đến đầu quý IV (tháng 10/2011) sẽ hoàn thiện hệ thống thể chế cho công tác này theo Luật. Sau khi được kiện toàn, Cục sẽ có điều kiện để “nắm” được các vụ “nóng”, bức xúc, lớn để tập trung giải quyết.

Bên cạnh đó, với nhận định phía sau hoạt động khiếu nại tố cáo thực chất là hoạt động BTNN, nên làm tốt công tác BTNN còn có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động giải quyết khiếu nại tố cáo, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ, phục vụ nhân dân và bảo vệ công lý./.

Huy Anh

Cục trưởng Cục BTNN Nguyễn Thanh Tịnh: “Theo dõi công tác BTNN của các cơ quan có trách nhiệm bồi thường để đảm bảo người dân bị thiệt hại được bồi thường đúng qui định của pháp luật, chính xác và kịp thời. Bởi trong quan hệ BTNN, người dân luôn ở thế yếu nên cơ quan quản lý BTNN cần phải làm tốt công tác hỗ trợ người dân, đồng thời, phải làm tốt công tác hướng dẫn nghiệm vụ, gắn với việc đôn đốc, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường để thúc đẩy việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Đây cũng chính là mục tiêu và yêu cầu đối với hoạt động nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường”.

 

Hiện trong số các đơn yêu cầu bồi thường mà các cơ quan có trách nhiệm đang thụ lý theo qui định của Luật BTNN, THADS là lĩnh vực quản lý có nhiều yêu cầu bồi thường nhất vì hoạt động THADS tác động đến cả 2 bên (bên được THA và bên phải THA) với phạm vi bồi thường rộng, tiếp đó là lĩnh vực thuế, hải quan.

Còn trong hoạt động tố tụng thì hệ thống cơ quan VKSND có nhiều yêu cầu phải bồi thường nhất. Theo báo cáo của 40 địa phương thì các tỉnh miền Nam có nhiều yêu cầu bồi thường hơn các tỉnh miền Trung và miền Bắc.