Nghiên cứu phạm vi chủ thể của tội phạm rửa tiền trong Luật Hình sự Việt Nam

29/07/2011
Ngày 29/6/2009, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 1999 (BLHS), chính thức quy định tội danh Rửa tiền tại Điều 251 BLHS trên cơ sở sửa đổi tội danh Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Việc sửa đổi, bổ sung lần này nhằm bao quát các hành vi rửa tiền được đề cập trong các Công ước quốc tế, tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm rửa tiền ở nước ta, đồng thời góp phần thuận lợi cho hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống rửa tiền [1].

Tuy nhiên, khi nghiên cứu các quy định về cấu thành tội phạm rửa tiền đã được sửa đổi, chúng tôi nhận thấy, còn tồn tại một số vấn đề tranh luận, đặc biệt là các yếu tố về chủ thể của tội phạm. Bài viết này tập trung phân tích các vấn đề có liên quan, để bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo.

Nói một cách khái quát nhất, rửa tiền là hành vi xử lý - bằng các phương thức khác nhau - tiền, tài sản do phạm tội mà có nhằm che đậy nguồn gốc bất hợp pháp của chúng, tạo ra một vẻ bên ngoài hợp pháp cho những món lợi thu được một cách bất chính từ hành vi phạm tội [2].

Mặc dù không thể thống kê chính xác số lượng tiền, tài sản liên quan đến hoạt động phạm tội rửa tiền, do tính bí mật, tính xuyên quốc gia và tính phức tạp của nó, các nghiên cứu gần đây đều chỉ ra rằng sự ảnh hưởng của dòng tiền bẩn trong hệ thống tài chính đã gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho hệ thống tài chính của các quốc gia, ảnh hưởng lớn đến an toàn, an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu [3]. Theo ước tính của Quỹ tiền tệ quốc tế, tổng số tiền được rửa trên toàn thế giới dao động ở mức 2% đến 5% GDP toàn cầu, nếu sử dụng số liệu thống kê năm 2009 thì con số phần trăm đó tương đương 800 tỷ USD đến 2000 tỷ USD [4]. Như vậy, số tiền, tài sản do phạm tội mà có, ngoại trừ một bộ phận nhỏ được điều tra, khám phá và thu hồi, thì đại bộ phận đều đã được "rửa sạch", đưa vào lưu thông trong hệ thống tài chính và rất có thể được tiếp tục sử dụng để tiến hành các hoạt động phạm tội mới. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Công an, tội phạm rửa tiền ở Việt Nam đã xuất hiện và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, bước đầu cơ quan công an Việt Nam đã điều tra một số vụ việc rửa tiền thông qua việc đầu tư các loại dự án [5]. Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác đấu tranh chống tội phạm, việc phát hiện, điều tra tội phạm rửa tiền còn gặp nhiều khó khăn một phần là do hệ thống văn bản pháp lý về xử lý hành vi này chưa thực sự hoàn thiện, chế tài chưa rõ ràng [6]. Tuy rằng các quy định về tội rửa tiền trong BLHS năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo cơ sở pháp lý hiệu quả trong đấu tranh với loại tội phạm này, nhưng nhìn từ góc độ lập pháp, việc xác định chính xác tội danh cũng như xây dựng các biện pháp đấu tranh hiệu quả đối với tội phạm rửa tiền còn rất nhiều vấn đề phải nghiên cứu.

Liên quan đến chủ thể của tội phạm rửa tiền, hiện nay, vấn đề còn gây tranh cãi lớn nhất đó là chủ thể của tội phạm rửa tiền có hay không bao hàm người đã thực hiện hành vi phạm tội nguồn. Dưới góc độ khoa học luật hình sự, rửa tiền là một tội phạm tương đối đặc biệt. Với tư cách là một tội phạm phái sinh, rửa tiền có thuộc tính phụ thuộc tự nhiên vào tội phạm nguồn. Có thể nói không có tội phạm nguồn thì không có tội phạm rửa tiền. Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác đấu tranh chống tội phạm, thường xuất hiện trường hợp các đối tượng, sau khi kết thúc hành vi phạm tội nguồn, thu được những lợi ích vật chất nhất định, thì cũng đồng thời tích cực và chủ động thực hiện hành vi "làm sạch" những khoản tiền, tài sản mà chính mình chiếm đoạt được, tức là hành vi “tự rửa tiền” (self-laundering). Vậy hành vi tự rửa tiền của chủ thể tội phạm nguồn, có được xem xét, xử lí về tội rửa tiền hay không, các Công ước quốc tế cũng như luật hình sự của các quốc gia trên thế giới còn tồn tại những quan điểm khác nhau.

1. Các quy định có liên quan trong công ước quốc tế

Công ước của Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất hướng thần năm 1998 (Công ước Viên) là công ước đầu tiên có các quy định về đấu tranh chống rửa tiền ở cấp độ quốc tế. Trong Công ước này không có quy định rõ ràng nào để xác định chủ thể của tội phạm rửa tiền có bao gồm người phạm tội nguồn hay không. Tuy nhiên xem xét Điều 3 (1) (b) (i) của Công ước Viên, quy định mục đích là yếu tố bắt buộc, tức là hành vi rửa tiền phải xuất phát từ một trong hai mục đích: nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản, hoặc nhằm giúp đỡ người phạm tội trốn tránh các hậu quả pháp lý do hành vi phạm tội của mình gây ra [7]. Sự tồn tại của thuật ngữ “giúp đỡ” trong trường hợp thứ hai, rõ ràng đã loại trừ người thực hiện hành vi phạm tội nguồn ra khỏi phạm vi chủ thể của tội phạm rửa tiền, trong khi trường hợp thứ nhất lại không xác định mục đích che giấu tiền, tài sản là do bản thân người phạm tội chiếm đoạt được hay là giúp đỡ người khác. Căn cứ tinh thần của điều luật, chúng tôi cho rằng, ý đồ của người làm luật muốn hướng tới cả chủ thể của tội phạm nguồn và những đối tượng khác tuy không thực hiện tội phạm nguồn nhưng tham gia vào quá trình rửa tiền. Tương tự như vậy, tại Điều 6 (1) (a) của Công ước Strasbourg năm 1990 của Liên minh Châu Âu [8] cũng không xác định hay loại trừ rõ ràng vấn đề tự rửa tiền của các đối tượng phạm tội có nằm trong phạm vi tội rửa tiền hay không.

Tuy nhiên, tại Quy định mẫu của các quốc gia Châu Mỹ về chống rửa tiền, tại Điều 2 (6) lại quy định rõ ràng: “tội phạm (rửa tiền) được quy định trong điều luật này phải được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử bởi tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền như một tội phạm độc lập với các tội phạm khác” [9]. Hay nói cách khác, quy định mẫu của các quốc gia Châu Mỹ xác định hành vi rửa tiền và hành vi thực hiện tội phạm nguồn là hai loại hành vi độc lập, mặc dù là do cùng một cá nhân thực hiện, hai loại tội phạm này vẫn được truy tố và xét xử như hai tội danh riêng biệt.

2. Các quy định về chủ thể tội phạm rửa tiền trong luật của một số quốc gia

Cho đến thời điểm hiện nay, quy định trong hệ thống pháp luật các quốc gia liên quan đến chủ thể của tội phạm rửa tiền, vẫn còn tồn tại hai trường phái khác nhau. Đại diện cho quan điểm không truy tố tội rửa tiền và tội phạm nguồn một cách độc lập, trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi tự rửa tiền, gồm các nước như Đức, Áo, Italia [10]… Trong lập pháp hình sự, các nước này chỉ thừa nhận hành vi rửa tiền do người khác phạm tội mà có, và tội rửa tiền không áp dụng với những người đã thực hiện tội phạm nguồn. Ví dụ, Luật hình sự Đức, Điều 261 khoản 9 quy định: “người phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn thì sẽ không đồng thời phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi rửa tiền đã nêu trong các khoản từ 1 đến 5 của điều luật này” [11]. Điều này xuất phát từ các nguyên tắc “miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với các hành vi tự hỗ trợ và tự vệ của bị can xảy ra sau hành vi phạm tội” trong Luật Hình sự Đức [12], nguyên tắc “một người không thể bị truy tố hai lần về cùng một sự kiện (hành vi)” trong hệ thống pháp luật Italia [13]... Ngoài ra, quan điểm của các nhà luật học trong trường hợp này cho rằng [14], hành vi bị trừng phạt trong cấu thành tội phạm nguồn đã bao gồm các hành vi kèm theo như hành vi che đậy, giấu diếm nguồn gốc tài sản chiếm đoạt được sau khi phạm tội, và hình phạt áp dụng cho tội phạm nguồn đã bao trùm toàn bộ hành vi trái pháp luật hình sự của người phạm tội. Hơn nữa, hành vi tự rửa tiền không xâm hại một cách độc lập hay gây thêm thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, đồng thời những quan hệ xã hội này đã được bảo vệ hợp lý bằng cách trừng phạt hành vi phạm tội nguồn [15]

Trường phái th hai mà đại diện là các nước như Hoa Kì, Vương quốc Anh, Nhật Bản [16]… giữ quan điểm truy tố hành vi tự rửa tiền; tức là trong quy định của pháp luật hình sự ở các quốc gia theo trường phái này, tội phạm rửa tiền có thể được truy tố đồng tời với tội phạm nguồn, mặc dù chỉ do một người thực hiện. Ví dụ, tội rửa tiền được quy định trong Luật Phòng chống may túy [17] và Luật trừng trị tội phạm có tổ chức [18] Nhật Bản, cho phép trừng phạt hành vi tự rửa tiền của người thực hiện tội phạm nguồn khi đối tượng tiếp tục thực hiện các hành vi che đậy, giấu diếm nguồn gốc phạm tội của tài sản mà chính mình chiếm đoạt được [19]. 

Sự không thống nhất trong lập pháp hình sự về vấn đề tội phạm hóa hành vi tự rửa tiền đã thể hiện rõ sự khác biệt trong lí luận về cấu thành tội phạm và các nguyên tắc khoa học luật hình sự của mỗi quốc gia. Xem xét sự khác nhau này, lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) [20], trong các khuyến nghị của mình cho phép các quốc gia có thể quy định tội rửa tiền không áp dụng đối với những người đã thực hiện tội phạm nguồn với điều kiện đó là nguyên tắc luật pháp cơ bản của nước mình [21]. Tuy nhiên, nếu không có một nguyên tắc cơ bản nào trong nội luật quốc gia chống lại việc tội phạm hóa hành vi tự rửa tiền, thì FATF sẽ xem xét việc tội phạm hóa hành vi tự rửa tiền như một tiêu chí đánh giá sự tuân thủ các Khuyến nghị số 1, 2 trong 40+9 Khuyến nghị của FATF.

3. Quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự Việt Nam

Điều 251 BLHS quy định về tội phạm rửa tiền như sau:

“Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó;

b) Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hàn các hợt động kinh doanh hoặc các hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có…”

Như vậy, quy định tại Điều 251 BLHS chưa thể hiện rõ chủ thể của tội phạm rửa tiền có bao gồm chủ thể của tội phạm nguồn hay không, điều đó dẫn đến các nhà nghiên cứu cũng đưa ra các quan điểm khác nhau. Khi phân tích, so sánh hệ thống pháp luật Việt Nam với 40+9 khuyến nghị của FATF về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, có quan điểm nhận định rằng: nếu bản thân người phạm tội thực hiện hành vi cất giấu, chứa chấp tiêu thụ tài sản do mình phạm tội mà có thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn [22]. Tuy nhiên các chuyên gia của FATF, khi nghiên cứu, đánh giá các quy định của Luật hình sự Việt Nam để xem xét sự tuân thủ các khuyến nghị về chống rửa tiền, lại nhận định rằng: quy định tại Điều 251, Bộ luật Hình sự Việt Nam cho phép trừng trị các hành vi tự rửa tiền của người thực hiện tội phạm nguồn [23] tuy rằng nó chưa được thể hiện trong thực tiễn xét xử. Giải thích vấn đề này, một số quan điểm cho rằng: Trong thực tiễn xét xử của Việt Nam, khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản từ việc thực hiện tội phạm, và sau đó hợp pháp hóa hoặc sử dụng tài sản đã chiếm đoạt được vào các hoạt động kinh doanh hoặc các hoạt động kinh tế khác, thì thông thường người phạm tội chỉ bị truy tố về hành vi phạm tội nguồn mà không đồng thời bị truy tố theo Điều 251 BLHS, vì hình phạt đối với các tội phạm nguồn trong trường hợp này thường đã rất nghiêm khắc, trong nhiều trường hợp là hình phạt cao nhất - tử hình. Do vậy không cần thiết phải truy tố một hành vi kém nghiêm trọng hơn quy định tại Điều 251 BLHS. Trên thực tế, theo các chuyên gia của FATF, cách lí giải này đã không được công nhận như một nguyên tắc cơ bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam để lấy đó làm cơ sở không truy tố hành vi tự rửa tiền một cách độc lập [24].

4. Phân tích và kiến nghị

Như trên đã đề cập, các quy định tại Điều 251 BLHS về tội rửa tiền, không có quy định cụ thể nào xác định hay loại trừ rõ ràng hành vi tự rửa tiền của chủ thể tội phạm nguồn. Tuy nhiên, nếu dựa vào lời văn của điều luật tại điểm a, c, d khoản 1 với cụm từ “biết rõ là do phạm tội mà có” chúng ta có thể thấy, ý đồ của nhà làm luật là hướng tới người thứ ba bên cạnh chủ thể tội phạm nguồn. Chỉ có người không thực hiện tội phạm nguồn thì mới đặt vấn đề xác định yếu tố “biết rõ” hay không biết rõ tiền tài sản là do phạm tội mà có, còn đối với chính người đã thực hiện hành vi phạm tội nguồn thì việc quy định “biết rõ là do phạm tội mà có” trở thành vô nghĩa. Nếu hiểu theo nghĩa này thì rõ ràng quy định tại Điều 251 đã loại trừ hành vi tự rửa tiền của người thực hiện tội phạm nguồn.

Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống rửa tiền trong tương lai, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế, chúng tôi cho rằng nên bổ sung quy định tại Điều 251 BLHS theo hướng: coi hành vi tự rửa tiền của chủ thể tội phạm nguồn cũng là hành vi phạm tội rửa tiền khi thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm này; như vậy hành vi tự rửa tiền phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập, trên cơ sở những căn cứ sau đây:

Một là, xuất phát từ yêu cầu của nguyên tắc công bằng về trách nhiệm hình sự [25]. Theo lí luận truyền thống, hành vi tự rửa tiền được thực hiện là kết quả tự nhiên, kéo dài của việc thực hiện tội phạm nguồn và sẽ không tách riêng để xử lý như một tội danh độc lập. Giống như trường hợp đối tượng sau khi thực hiện hành vi trộm cắp đã tiến hành tiêu thụ tài sản chiếm đoạt được, hay tiêu hủy vật chứng…Hành vi trước do vậy đã hấp thu hành vi sau như một hệ quả tất yếu để thực hiện mục đích chiếm đoạt và sử dụng tài sản chiếm đoạt được của người phạm tội. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế phát triển, hành vi tự rửa tiền không còn đơn giản là việc tiêu thụ tài sản chiếm đoạt được. Tiền, tài sản phạm tội có được từ các tội phạm về ma túy, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm buôn bán người ngày càng khổng lồ. Việc che giấu nguồn gốc phạm tội và đưa số tiền, tài sản do mình phạm tội mà có vào trong hệ thống tài chính, đầu tư kinh doanh hay tiếp tục được sử dụng để hỗ trợ hành vi phạm tội mới rõ ràng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, tách biệt và độc lập so với hành vi phạm tội nguồn, xâm hại đến khách thể riêng biệt là sự ổn định của hệ thống tài chính. Trong trường hợp này, cả hành vi phạm tội nguồn và hành vi tự rửa tiền đều phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập như những tội danh riêng biệt.

Hai là, xuất phát từ lợi ích quốc gia và yêu cầu của hoạt động hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống rửa tiền. Với tính chất xuyên quốc gia, tội phạm rửa tiền và tội phạm nguồn không phải lúc nào cũng xảy ra và kết thúc ở trên lãnh thổ một quốc gia. Nếu như loại trừ người thực hiện tội phạm nguồn ra khỏi chủ thể của tội phạm rửa tiền, trong trường hợp điều tra làm rõ người phạm tội thực hiện tội phạm nguồn ở một quốc gia khác nhưng lại thực hiện hành vi rửa tiền ở nước ta và gây ra những hậu quả nguy hại cho xã hội, thì chúng ta sẽ không thể dựa và luật hình sự trong nước để xử lý người phạm tội. Nếu trong hệ thống nội luật, chúng ta không có căn cứ để xử lý đối tượng phạm tội trong trường hợp này, thì hiển nhiên chúng ta cũng sẽ không có tư cách tham gia vào quá trình chia sẻ tài sản bị tịch thu từ đối tượng phạm tội. Điều này rõ ràng là bất lợi trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia.

Như vậy, quy định truy tố hành vi tự rửa tiền trong luật hình sự Việt Nam là cần thiết và đặc biệt hiệu quả trong xử lý những đối tượng rửa tiền xuyên quốc gia và đảm bảo lợi ích của Việt Nam trong hợp tác quốc tế. Điều đó cũng phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trong xu thế tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố trên toàn cầu./.

Ghi chú:

[1].                  Chính phủ, Tờ trình số 155/TTr-CP ngày 09 tháng 10  năm 2008 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999.

[2].                  FATF, Rửa tiền là gì, những cơ sở lập luận cơ bản về rửa tiền, http://www.fatf-gagi.org/mlaundering_en.htm.

[3].                  Navin Beekarry, The International Anti-Money Laundering and Combating the Financing of Terrorism Regulatory Strategy: A Critical Analysis of Compliance Determinants in International Law, Northwestern Journal of International Law & Business, issue 31/2010 pp.151-152.

[4].                  United Nations Office on Drugs and Crime (2009), Money-Laundering and Globalization, truy cập từ http://www.unodc.org/unodc/en/money-laundering/globalization.html ngày 09/05/2011.

[5].                  xem Tội phạm rửa tiền ở Việt Nam tiềm ẩn nhiều phức tạp, Báo Công an nhân dân online, http://www.cand.com.vn/vi-VN/thoisu/2009/4/111969.cand truy cập ngày 09/05/2011

[6].                  xem Cuộc chiến chống rửa tiền ở Việt Nam, Báo An ninh thủ đô online, http://www.anninhthudo.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=54172&ChannelID=80 truy cập ngày 09/05/2011.

[7].                  xem Công ước của Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất hướng thần năm 1998, điều 3 (1) (b) (i).

[8].                  xem Công ước về rửa tiền, khám xét, thu giữ và tịch thu các khoản thu nhập từ tội phạm - Công ước Strasbourg ngày 08-11-1990, điều 6 (1) (a).

[9].                  xem Quy định mẫu liên quan đến tội rửa tiền gắn với các tội buôn bán bất hợp pháp ma túy và các tội nghiêm trọng khác, năm 1998, điều 6 (2) http://www.imolin.org/imolin/en/cicadml.html truy cập ngày 11/5/2011.

[10].              xem các Điều 261 (9) Bộ luật Hình sự Đức, Điều 165 (1) Bộ luật Hình sự Áo, Điều 648 Bộ luật Hình sự Italia.

[11].              xem Luật Hình sự Đức, sửa đổi 10/2009, www.juris.de truy cập ngày 10/5/2010.

[12].              xem Điều 257, đã dẫn [11].

[13].              xem FATF (2006), Mutual Evaluation Report on Anti-money Laundering and Combating the Financing of Terrorism - Italy, pp.29.

[14].              xem FATF (2009), Mutual Evaluation Report on Anti-money Laundering and Combating the Financing of Terrorism - Austria, pp.38

[15].              Tuy nhiên, khi đánh giá sự tuân thủ các quy định trong Công ước quốc tế và Khuyến nghị số 1&2 liên quan đến tội phạm hóa hành vi rửa tiền trong nội luật quốc gia , FATF đã không chấp nhận lập luận của Đức và Áo trong việc không hình sự hóa hành vi tự rửa tiền và do vậy đánh giá Đức chỉ tuân thủ một phần (Part Compliance) Khuyến nghị 1&2 trong 40+9 Khuyến nghị của FATF xem Mutual Evaluation Report Anti-money Laundering and Combating the Financing of Terrorism - Germany (2010) pp. 53, 65.

[16].              xem đoạn 1956 và 1957, Luật Kiểm soát rửa tiền liên bang (1986) của Hoa Kì; đoạn 327 đến 340 Proceed of Crime Act (POCA) (2003) của Vương quốc Anh; Điều 6, Luật Phòng chống ma túy (1992), Điều 10 Luật trừng trị tội phạm có tổ chức (2000) của Nhật Bản.

[17].              Anti-Drug Special Provisions Law (1992).

[18].              The Act on the Punishment of Organized Crimes, Control of Crime Proceeds and Other Matters (2000).

[19].              xem FATF (2008), Third Mutual Evaluation Report Anti-money Laundering and Combating the Financing of Terrorism - Japan, pp. 37.

[20].              Được các nước G7 thành lập vào năm 1989, FATF là một cơ quan liên chính phủ có mục tiêu phát triển và thúc đẩy những biện pháp chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố.

[21].              xem FATF (2004) Bốn mươi khuyến nghị về chống rửa tiền, Khuyến nghị số 1.

[22].              xem UNODC (2008), Báo cáo so sánh hệ thống pháp luật Việt Nam với 40 khuyến nghị và 9 khuyến nghị đặc biệt của lực lượng đặc nhiệm tài chính, tr. 14.

[23].              xem Asia/Pacific Group on Money Laundering (2009), Mutual Evaluation Report Anti-Money Laundering and Combating the Financing of Terrorism - Vietnam, pp.44.

[24].              xem [23] đã dẫn, pp.44.

[25].              Nguyên tắc này được tác giả Đào Trí Úc nêu ra trong cuốn chuyên khảo Luật hình sự Việt Nam, Quyển 1 - Những vấn đề chung, Nxb. KHXH, H. 2000.

Th.s Nguyễn Ngọc Minh - Học viện Cảnh sát nhân dân