Ba năm triển khai Luật Phòng chống bạo lực gia đình: Vẫn có cán bộ chưa “thông” Luật

29/07/2011
Sau hơn 3 năm thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 đại đa số người dân đã nghe nói đến Luật với mức độ hiểu biết khác nhau. Các địa phương đều đã triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về Luật dưới nhiều hình thức nhưng người dân, thậm chí là nhiều cán bộ, vẫn chưa có nhận thức chính xác về các loại bạo lực gia đình.

Chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2008, vậy đã có bao nhiêu phần trăm người dân “nghe nói đến Luật Phòng chống bạo lực gia đình”? Theo một kết quả điều tra về thực hiện Luật do Mạng Giới và phát triển cộng đồng (Gencomnet) tiến hành, gần 90% số người được hỏi trả lời là “có nghe nói đến Luật Phòng chống bạo lực gia đình”, trong đó tỉ lệ nam giới là 91,3%, cao hơn tỉ lệ nữ (88,4%). Qua đó cho thấy, đại đa số nam nữ đều có nghe nói đến Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, rất nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình lại chỉ nghe loáng thoáng và không quan tâm tìm hiểu về Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Một nạn nhân nữ 51 tuổi, học hết lớp 5 ở TP. HCM chia sẻ:“Tôi đã nghe nói về Luật này nhưng tôi không để ý. Tôi không để ý mặc dù tôi là người bị đánh, vì cái số tôi nó vậy rồi”. Hoặc có người cho dấu hiệu của đánh nhau là phải gây thương tích và như thế mới là bạo lực gia đình. “Đánh nhau theo ý kiến tôi là phải đánh nhau gây thương tích mới là bạo lực gia đình được, còn tát một cái thì mai lại bình thường, vô tư” - phụ nữ có gia đình ở Hà Nam nói. Một số phụ nữ đã từng nghe về Luật Phòng chống bạo lực gia đình song lại quên vì cho là không thiết thực. Về một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người dân không hoặc ít hiểu biết, quan tâm đến Luật, một trưởng công an xã tại TP. HCM lý giải là do xuất phát từ những hạn chế về học vấn, lo kiếm sống.

Bên cạnh đó, ngay cả cán bộ lãnh đạo cũng cho rằng việc xô xát bình thường chưa được coi là bạo lực gia đình, những hành vi đánh đập, gây thương tích nặng mới được coi là bạo lực. Một vị lãnh đạo chính quyền cơ sở ở Hà Nam quan niệm: “Xô xát bình thường, bạo lực gia đình chưa có mấy. Vợ chồng phải đánh đập nhau mới là bạo lực gia đình, gây thương tích nặng. Vợ chồng cãi vã nhau là thường ngày thôi. Chưa thể gọi bạo lực, bạo lực là phải đánh đập”. Vào thời điểm điều tra của Gencomnet nói trên, có cán bộ chủ chốt còn chưa biết đến Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình.

Mặc dù các cơ quan, tổ chức ở địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình cũng như đã triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống (hoà giải, xử lý vi phạm hiện tượng bạo lực gia đình) nhưng năng lực về tuyên truyền, vận động của đội ngũ cán bộ cơ sở vẫn chưa thật tốt. Thực tế này đòi hỏi việc tuyên truyền về bạo lực gia đình cần được tổ chức thường xuyên hơn để đảm bảo người dân biết, hiểu đúng và thực thi pháp luật.

Muốn vậy, các phương tiện truyền thông đại chúng phải được coi là biện pháp quan trọng trong chiến lược phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế sự gia tăng các hành vi bạo lực gia đình. Đối với các tỉnh thành khác nhau và khu vực khác nhau cũng cần thực tiện tuyên truyền khác nhau. Để thực hiện được điều đó cần có sự thống nhất giữa các cơ quan từ cấp trung ương đến cấp địa phương để lựa chọn hình thức tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình phù hợp. Đặc biệt là với phương tiện truyền thông phổ biến như truyền hình thì cần lồng ghép các chương trình tuyên truyền chống bạo lực gia đình trong các khung giờ cao điểm thu hút người xem. Cần có sự phối hợp chặt chẽ của các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương để đảm bảo mọi chương trình tuyên truyền có thể có số lượng cao nhất những người dân đón xem. Trong các chương trình tuyên truyền về bạo lực gia đình, bên cạnh nội dung chính, phải nêu bật được vị thế quan trọng của người phụ nữ ở cả lĩnh vực xã hội và gia đình. Ngoài ra, khi thực hiện tuyên truyền bằng cách lồng ghép nội dung vào các cuộc họp, sinh hoạt ở địa phương thì cần mời được đúng đối tượng tham gia để các cuộc họp, sinh hoạt đạt hiệu quả cao nhất.

Cẩm Vân