Cần sớm hướng dẫn về công tác phối hợp trong trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp

19/07/2011
Qua hơn một năm triển khai Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, thực tế cho thấy đã có những vướng mắc, nhất là trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp.

“Tắc” từ chính nội bộ ngành

Theo quy định tại Chương III Luật Lý lịch tư pháp về cung cấp, tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp và lập lý lịch tư pháp, nhiệm vụ cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích của các cơ quan như Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan Công an, cơ quan thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng cơ quan thi hành án dân sự và của cơ quan, tổ chức khác đã được nêu rõ. Tuy nhiên, Sở Tư pháp một số địa phương cho biết vẫn đang gặp phải những vướng mắc trong quá trình phối hợp với các cơ quan này.

Hà Nội là một trong những địa phương tiếp nhận số lượng hồ sơ tương đối lớn, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay con số này đã khoảng 6.000. Trong quá trình thi hành Luật Lý lịch tư pháp, Hà Nội cũng triển khai tương đối thuận lợi do phối hợp tốt với cơ quan Công an. Tuy nhiên, vướng mắc của Hà Nội lại là chưa nhận được thông tin từ Tòa án và từ… chính các cơ quan thi hành án dân sự.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hà Nội Phạm Xuân Phương cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị với Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia là phải có chỉ đạo ngay trong nội bộ ngành. Nhờ vậy, sau đó Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự mới có văn bản chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Sở”. Ông Phương cũng nói thêm, đến nay, TAND thành phố chưa cung cấp, còn cấp huyện mới có khoảng 10 Tòa án thực hiện việc cung cấp.

Trong khi đó, tại Thái Nguyên, thông tin lý lịch tư pháp được một số cơ quan liên quan gửi đều đặn đến Sở Tư pháp và Sở đang tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu. Theo Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nguyễn Hùng Tráng, số lượng hồ sở gửi đến không nhiều, “hơn một năm qua chỉ khoảng vài trăm vụ thôi”. Có điều, nếu chiểu theo Luật, đáng lẽ hệ thống các trại giam của Bộ Công an đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng có nhiệm vụ cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Sở thì đến nay Sở lại chưa nhận được bất kỳ hồ sơ nào.

Phải có hành lang pháp lý

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình Bùi Thị Lan cho biết, ngay sau khi Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực, Sở đã tổ chức cuộc họp với các ngành liên quan. Sau cuộc họp này, các ngành đã ra văn bản chỉ đạo trong nội bộ từng ngành nên việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Sở tương đối nhịp nhàng. Nhưng việc triển khai thuận lợi như Thái Bình không nhiều bởi phần lớn các địa phương đều “mắc” với một số cơ quan khác nhau, tương tự Hà Nội và Thái Nguyên.

Nhằm tháo gỡ cho địa phương, Bộ Tư pháp cùng Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đang xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp. Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Phạm Xuân Phương hoan nghênh: Thông tư liên tịch giữa các ngành này sẽ tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Tuy nhiên, ông Phương khẳng định, điều mà người dân quan tâm hơn cả vẫn là các cơ quan công khai thủ tục, trả Phiếu Lý lịch tư pháp đúng với thời gian đã hẹn.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Hùng Tráng lại nêu một thực tế: Trước công việc tiếp nhận, lưu trữ thông tin do cơ quan Công an làm, lực lượng của họ khoảng 10 người, nay nhiệm vụ này chuyển cho ngành Tư pháp song địa phương chỉ bố trí được 3 - 5 người. Khối lượng công việc nhiều, trang thiết bị thiếu, việc xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ phải làm thủ công. “Nên chăng, Thông tư liên tịch cần tính toán giải quyết xây dựng cơ sở dữ liệu sao cho thuận tiện nhất như gửi qua mạng (không nhất thiết phải gửi bằng đường công văn) chẳng hạn” - ông Tráng đề xuất.

Cẩm Vân